Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/01/2020

Nhà thờ Thủ Thiêm, luật mới có hiệu lực, bổ nhiệm và kỷ luật cán bộ

Tổng hợp

Nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thành di tích cấp thành phố : Mừng hay lo ? (RFA, 31/12/2019)

Lên hạng di tích cấp thành phố : lo lắng!

Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm ở quận 2 cùng với Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), Trường Trung học cơ sở Võ Trường Toản (quận 1) và Lăng Võ Tánh (quận Phú Nhuận) là 5 công trình vừa được Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh), vào ngày cuối năm 2019 trao bằng xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố.

nhatho1

Bí thư thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, vào sáng ngày 31/12/19 trao bằng xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố cho Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Courtesy : sggp.org.vn

Tại buổi lễ trao bằng diễn ra vào sáng ngày 31/12, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Liêm phát biểu rằng việc công nhận 5 di tích lịch sử-văn hóa mới này là thể hiện truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Vào tối cùng ngày 31/12, Soeur Maria Nguyễn Thị Hậu, thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, chia sẻ với RFA cảm nhận trước thông tin vừa nêu :

"Chúng tôi nghe nói được xếp cho là di tích, tức là chúng tôi được ở lại thì chúng tôi rất mừng. Nhưng khi nói rằng mọi sự ở trong nhà dòng hay trong nhà thờ đều do nhà nước và chính phủ quyết định thì chúng tôi lại lo ngại vì chúng tôi cũng không hiểu lắm về vấn đề của nhà nước muốn thế nào. Chúng tôi chưa hiểu được".

Soeur Maria Nguyễn Thị Hậu cho biết thêm rằng trước đó Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã nhận được thông báo quyết định về xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa từ Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, được ký hôm 24/12/19. Tuy nhiên với các điều quy định trong quyết định xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa 2 cở sở tôn giáo này khiến cho cộng đoàn giáo dân ở Thủ Thiêm lo ngại.

Một giáo dân, ông Hoàng Đức Nhuận lên tiếng với Đài Châu Á Tự Do :

"Từ khi có quy hoạch đầu tiên thành lập Khu đô thị mới Thủ Thiêm thời ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì đã có văn bản quyết định Nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm không giải tỏa. Còn bây giờ xếp vào di tích lịch sử-văn hóa như vậy thì nhà thờ và nhà dòng muốn làm gì cũng khó. Chính quyền làm thế để nói rằng là giữ lại, nhưng thực chất thì những ai không biết mới nghĩ như vậy thôi. Chẳng qua chính quyền quận 2 muốn lấy, muốn chiếm nên mới ra quyết định đưa vào di tích lịch sử-văn hóa".

Đài RFA ghi nhận nỗi lo ngại của cộng đoàn giáo dân ở Thủ Thiêm liên quan đến Điều 2 trong Quyết định số 5386 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ghi rõ rằng "Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố".

Từng trong tầm ngắm ‘di dời’

Qua tìm hiểu và tiếp xúc với đại diện các soeur trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và một số giáo dân ở Thủ Thiêm, chúng tôi được biết Nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm không bị giải tỏa theo quy hoạch ban đầu Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kể cả sau này theo Quyết định 6565, Quyết định 6566. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã vận động nhà thờ và nhà dòng tự nguyện di dời.

Hồi đầu tháng 5 năm 2018, truyền thông trong nước loan tin Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm bị di dời vì thuộc trong 9 lô đất ở trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được bán đấu giá, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm, để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và công viên bờ sông đúng tiến độ.

Thông báo này của Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng Công giáo và cả dư luận tại Việt Nam vào thời điểm đó.

nhatho2

Nhà thờ Thủ Thiêm Courtesy : tinmungchonguoingheo.com

Thắc mắc vàquan ngại

Trước quyết định mới nhất của Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh xếp Nhà thờ Thủ Thiêm cùng Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là di tích lịch sử-văn hóa thì những giáo dân Đài RFA trao đổi đều cho rằng Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là "mượn cớ". Giáo dân Giuse Cao Thăng Ca trình bày :

"Trong luật về di sản, văn hóa thì không có điều khoản nào quy định nhà thờ và nhà dòng có đủ điều kiện để được xếp vào di tích văn hóa-lịch sử hết. Tại vì để đáp ứng điều kiện được xếp vào di tích văn hóa-lịch sử thì địa điểm đó phải gắn liền với một địa điểm cách mạng, hoặc gắn liền với một nhà cách mạng nào đó. Nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm làm gì có điều đó ? Và tại sao họ lại ép đưa vào di tích lịch sử-văn hóa ? Điều này cho thấy rất rõ rằng họ muốn giải tỏa mà không được nên họ quản lý bằng cách khác. Việc này có rất nhiều rủi ro và rất gây bức xúc cho giáo dân. Chúng tôi cũng đã nhiều lần thẳng thắn trao đổi với Đức giám quản cũng như Linh mục Tổng đại diện như cả hai vị không nghe tiếng nói của giáo dân và các Ngài đã đưa đến quyết định cho nhà thờ và nhà dòng trở thành di tích lịch sử-văn hóa nên chúng tôi rất bức xúc với chính và cả giáo quyền".

Giáo dân Giuse Cao Thăng Ca nhấn mạnh rằng với Điều 3 trong Quyết định 5386 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là Sở Văn hóa-Thể thao và Chính quyền quận 2 quản lý hai cở sở nhà thờ và nhà dòng Thủ Thiêm sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, mà ông nói rằng "nhà của mình nhưng do người khác quản lý" :

"Là di tích văn hóa-lịch sử thì phải có ban quản lý và đại diện ban quản lý của chính quyền phải là trưởng ban và muốn làm điều gì đều phải thông qua ban quản lý. Tất cả các vấn đề như sửa chữa, tiền bạc…đều phải qua ban quản lý đó quản lý hết và thậm chí kể cả như linh mục hay tổng phụ trách…đều phải thông qua ban quản lý này".

Sœur cựu Bề trên Agatha Trần Thị Sanh còn đề cập đến lo ngại trước mắt của các nữ tu trong Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm :

"Hôm nọ người ta (chính quyền) có tới, chúng tôi dẫn họ đi tham quan chỗ chị em chúng tôi ngủ. Nhà dòng có đến mấy trăm người mà tất cả chị em chúng tôi ngủ tập thể mà chúng tôi phải chấp nhận trong bao nhiêu năm qua. Chúng tôi có đến 500-600 người mà không cho chúng tôi xây dựng nhà cửa thì chúng tôi lấy gì mà ở ? Cho nên, ước ao của chúng tôi bây giờ là khi được xếp vào di tích lịch sử thì chúng tôi phải xây dựng nhà mới để cho chị em chúng tôi được ở rộng rãi hơn, bởi vì đất của chúng tôi còn. Là di tích, mà ở quận 2 thì phát triển nên chúng tôi phải xây dựng thêm cái mới. Việc này chính quyền phải cho phép chúng tôi làm, chứ di tích mà để như ‘cái chùa bà đanh’ thì vô di tích làm chi ?"

Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là hai cơ sở tồn tại hơn một thế kỷ tại Thủ Thiêm. Sau ngày 30/04/75, một số ngôi trường của nhà dòng bị nhà nước trưng thu làm cơ sở giáo dục. Một trường được sử dụng làm trường tiểu học đã bị đập phá và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thương lượng bồi thường 50 tỷ đồng cho nhà dòng. Tuy nhiên, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cho biết nếu ngôi trường không được chính quyền tiếp tục dùng vào mục đích giáo dục thì hãy trả lại cho nhà dòng và nhà dòng từ chối nhận số tiền bồi thường đó. Một ngôi trường khác bị đập phá hồi hạ tuần tháng 10 năm 2015, nhưng phải tạm dừng do gặp phải sự phản đối của nhà dòng và dư luận.

Thêm vào đó, nghĩa trang của giáo xứ Thủ Thiêm, rộng hơn 2 héc-ta cũng bị giải tỏa vào năm 2016, tuy nhiên Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã không đền bù gì cho nhà thờ.

****************

Việt Nam 2020 : Những chính sách mới có hiệu lực (BBC, 01/01/2020)

Không ngược đãi động vật, tăng lương tối thiểu, không uống bia rượu nơi công sở..., là các quy định mới có hiệu lực năm 2020 ở Việt Nam.

nhatho3

Lái ô tô, xe máy sau khi uống bia rượu có thể bị tước bằng lái tới 2 năm

Đi xe đạp sau khi uống rượu bia cũng bị phạt

Theo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, từ ngày 1/1/2020, hành vi đi xe ra đường, dù là ô tô, xe máy hay xe đạp điện, khi trong máu, hơi thở có nồng độ cồn, đều bị cấm tiệt.

Nếu vi phạm, người lái ô tô bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến hai năm. Người đi xe máy bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến hai năm.

Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm bị phạt từ 400 - 600 ngàn đồng.

Luật này cũng quy định người dưới 18 tuổi không được uống rượu bia. Người bán rượu bia không được bán cho người dưới 18 tuổi. Không được lôi kéo, ép người khác uống rượu bia.

Trước khi giết vật nuôi phải gây ngất

nhatho4

Luật mới quy định phải yêu thương động vật, cho ăn uống đầy đủ, chuồng trại thoáng mát

Luật Chăn nuôi, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định phải đối xử nhân đạo với vật nuôi. Cụ thể như không được đánh đập, hành vạ vật nuôi, phải có chuồng trại phù hợp, thông thoáng, cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi.

Đặc biệt, với vật nuôi để giết mổ, phải gây ngất trước khi giết mổ, và không để vật nuôi nhìn thấy cảnh đồng loại của mình bị giết mổ.

Người đồng tính, chuyển giới được giam giữ riêng

Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định ngoài sáu đối tượng được bố trí giam giữ riêng như quy định của luật hiện hành, thì nay bổ sung thêm một số đối tượng nữa.

Theo đó, người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính được giam giữ riêng.

Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi thì con được theo mẹ vào trại giam.

Tăng lương tối thiểu vùng và tăng lương cơ sở

Theo Nghị định 90/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp, từ ngày 1/1/2020, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng, tùy theo vùng.

Đối với lương cơ sở, mặc dù có thể được tăng từ ngày 1/7 lên thành 1,6 triệu đồng/tháng, nghĩa là mức lương thấp nhất của công chức, viên chức được tăng thêm 148.500 đồng/tháng. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức lương thấp nhất của người lao động trong doanh nghiệp.

******************

Có nên tái bổ nhiệm công chức bị kỷ luật cách chức ? (RFA, 31/12/2019)

Bị kỷ luật và chuyển vị trí !

Một vụ việc liên quan là vụ ông Ngô Văn Tuấn, nguyên phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, vào tháng 1/2018 bị Thủ tướng ký quyết định cách chức vì những sai phạm của ông này trong thời gian giữ chức Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa, trong đó có việc "nâng đỡ không trong sáng" bà Trần Vũ Quỳnh Anh.

nhatho5

Ông Ngô Văn Tuấn nguyên phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. RFA Edited

Báo Thanh Niên loan tin hôm 30/12/2019 mấy hôm gần đây ông Ngô Văn Tuấn gửi đơn xin chuyển công tác với nguyện vọng được chuyển sang làm phó ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng – công nghiệp của tỉnh này. Vị trí này tương đương với phó giám đốc Sở.

Hồi tháng 3/2019, ông Tuấn xin quay lại Sở Xây dựng Thanh Hóa công tác, ngay sau khi ông Tuấn hết thời hạn kỷ luật 12 tháng. Khi đó Sở Xây dựng Thanh Hóa đã có những động thái được xem là "lạ" khi ông Trần Xuân Hoàn, Chánh văn phòng sở tự nguyện làm đơn xin xuống làm Phó thanh tra Sở. Ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa ra văn bản xin được tiếp nhận ông Ngô Văn Tuấn và bổ nhiệm ông làm Chánh văn phòng Sở Xây dựng "chiếc ghế" mà ông Hoàn vừa tự nguyện xin từ bỏ vị trí.

Theo Điều 82 Luật Cán bộ, công chức hiện nay, công chức bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không được nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Như vậy, công chức vi phạm vẫn có cơ hội được bổ nhiệm lại nếu sau 12 tháng không có vi phạm nào đến mức phải bị xử lý kỷ luật.

Cụ thể luật qui định, khi công chức bị kỷ luật bằng khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực ; Khi công chức bị kỷ luật bằng giáng chức hoặc cách chức thì không bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Đặc biệt, khi hết các khoảng thời hạn nêu trên mà công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục được bổ nhiệm theo quy định.

Từ 1/7/2020, khi có quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương có hiệu lực, công chức không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn nhưng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc vào chức vụ thấp hơn. Quy định này cho thấy, Luật Cán bộ công chức sửa đổi dựa vào mức độ vi phạm, hình thức kỷ luật để xử lý công chức bị kỷ luật mà không áp dụng cách xử lý chung như hiện nay.

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, người từng làm Hội thẩm Nhân dân thành phố nhiều năm trao đổi với RFA hôm 30/12/2019 có nhận định rằng, về nguyên tắc chung thì khi đã vi phạm thì không được tái bổ nhiệm, nhưng đôi khi cũng thòng thêm điều để phòng những trường hợp những lỗi lầm không phải lớn :

"Thật ra nó tùy vào mức độ vi phạm nặng hay nhẹ và xét trường hợp cụ thể nếu mà những cán bộ tái bổ nhiệm mà người ta vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ sau khi đã kỷ luật xong mà người ta ăn năn và làm bù lại những sai phạm quy định trước đó thì tôi thấy nó cũng được không đến nổi nào. Nhưng cơ bản không nên lạm dụng chuyện tái bổ nhiệm lại cán bộ đã bị xử lý kỷ luật trước đó 1 năm vì nhìn chung điều này không có lợi, sai phạm đã gây ảnh hưởng không tốt cho ngành công tác nói chung. Rất nhiều cán bộ không có sai phạm thì tại sao không sử dụng mà phải sử dụng lại ngoại trừ những nơi đã nói là khó tìm cán bộ".

Từ Hà Nội, luật sư Hà Huy Sơn cho rằng việc tái bổ nhiệm sau thời hạn qui định không có gì trái với pháp luật hiện hành và đã được Quốc hội quyết định nên bản thân ông không có ý kiến ; nhưng ông giải thích thêm hai vấn đề :

"Một nếu không cho bổ nhiệm lại thì nó cũng có tính răn đe để cho người khác không vi phạm nhưng bổ nhiệm lại cũng có điểm tích cực là tạo cơ hội cho những người vi phạm có cơ hội để sửa chửa những sai phạm của mình. Tái bổ nhiệm ở đây mức độ vi phạm chỉ ở mức vi phạm hành chính mà thôi chứ vi phạm về hình sự thì bộ luật hình sự cũng đã có những quy định rồi, một số tội không thể đảm nhiệm chức vụ thì cũng đã có quy định trong bộ luật hình sự".

Quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh, thì việc tái bổ nhiệm người từng vi phạm cũng nên tùy trường hợp, nhất là những người có khả năng chuyên môn ; còn những người kém đạo đức thì không cần bàn :

"Đó là hành lang pháp lý đặt ra để có những trường hợp cụ thể, giống như tôi từng nói là đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại, họ có sai sót về mặt kỹ thuật thì xem xét từng trường hợp cụ thể và có thể tái bổ nhiệm lại vì có thể họ là những người có tài mà bỏ đi thì cũng không nên nhưng nếu những người đó vi phạm về lộ bí mật chẳng hạn, công nghệ của công ty hay hành động ức hiếp, người đó tham ô về vấn đề tiền bạc thì không nên sử dụng tái bổ nhiệm".

Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, đối với trường hợp ông Tuấn xin vào vi trí cao hơn là nguyện vọng mong muốn của ông Tuấn nhưng về mặt nguyên tắc tổ chức Đảng thì người ta sẽ không làm như thế, do đo nếu Thanh Hóa mà bổ nhiệm ông Tuấn theo nguyện vọng là điều không hay và không nên làm.

"…vì Thanh Hóa là một tỉnh rất là đông dân, cụ thể những ghế ông nắm giữ cũng như sắp tới vị trí phó giám đốc Sở thì nó cũng ngay thành phố Thanh Hóa chứ không phải những nơi vùng sâu vùng xa mà tìm cán bộ khó khăn gì, vì Thanh Hóa ngoài ông Tuấn ra thì còn rất nhiều cán bộ khác cũng có đạo đức không kém đâu nên trong trường hợp đó không nên sử dụng lại ông Tuấn".

Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng, các vị trí được ứng cử thì quyền của cử tri, đại biểu, hội đồng nhân dân họ có tín nhiệm hay không người ta bầu. Còn việc chức vụ do bổ nhiệm thì người có quyết định bổ nhiệm thì phải chịu trách nhiệm.

"Tùy vào từng chức vụ và thời gian bao nhiêu để cho nó hợp lý, thì điều này do các cơ quan làm luật họ cân nhắc thôi vì ngay cả những người có tội thì cũng có thời gian và tùy mức độ mà được xóa án tích nên đối với cán bộ công chức viên chức mà vi phạm kỷ luật thì tùy vào từng cấp độ thời hạn bổ nhiệm nó là bao nhiêu lâu thì vấn đề là như thế chứ không phải là cứ dứt khoác không được bổ nhiệm lại".

*****************

Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ sớm ra quyết định kỷ luật chánh văn phòng thành ủy Hà Nội (RFA, 31/12/2019)

Phó trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội, ông Phạm Thanh Học ngày 31/12 cho truyền thông trong nước biết Ủy ban Kiểm tra thành ủy sẽ có văn bản báo cáo Ủy ban kiểm tra Trung ương (UBKT) quyết định hình thức xử lý ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội.

nhatho6

Ông Nguyễn Văn Tứ bị bắt liên quan đến vụ án Nhật Cường trong thời gian ông làm Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội - Courtesy of vnexpress -RFA edited

Theo tin từ truyền thông trong nước, ông Phạm Thanh Học cho rằng ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh văn phòng Thành ủy vừa bị Bộ công an bắt về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến vụ án Nhật Cường. Và việc ông Tứ bị bắt liên quan đến thời điểm ông làm giám đốc Sở kế hoạch & đầu tư chứ không phải trong thời gian làm chánh văn phòng thành ủy.

Ông Học cũng giải thích thêm do ông Tứ là thành ủy viên nên thẩm quyền quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng hoặc kỷ luật theo mức nào là do Ủy ban kiểm tra Trung ương quyết định.

Hôm 28/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh Văn phòng Thành Uỷ Hà Nội và bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Được biết, ông Tứ là Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội thời điểm gói thầu số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp TP được tổ chức đấu thầu rộng rãi công khai. Tuy nhiên, việc đấu thầu này phải tạm dừng để sau đó chính công ty Nhật Cường được giao thực hiện thí điểm gói thầu này.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Bộ Công an đã khởi tố ít nhất 12 người về các tội danh khác nhau liên quan đến Công ty Trach nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường. Đây là công ty đã trúng thầu một loạt các dự án về công nghệ cao vào các cơ quan của thành phố Hà Nội với trị giá lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 509 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)