Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/12/2019

Chiến dịch "đốt lò" không làm giảm tham nhũng

Tổng hợp

Mặc kệ ‘đốt lò,’ quan to ăn to, quan nhỏ ăn nhỏ, không từ cái gì (Người Việt, 31/12/2019)

Sáng thứ Hai 30/12/2019, ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam khoe thành tích "đốt lò" chống tham nhũng trong guồng máy cai trị của chế độ. Ông khoe đã lôi ra tòa hành tội có cả hai bộ trưởng cùng hàng loạt quan chức cao cấp, rồi ông dọa sẽ còn nhiều người nữa bị sờ gáy mà "Sắp tới các đồng chí chờ xem".

dotlo1

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Văn Hiến (trái) nói chuyện với Tư lệnh Hải quân Singapore (phải) trong một cuộc họp các tư lệnh hải quân ASEAN tại Hà Nội. Ông Hiến đang bị đưa vào "lò" vì tham nhũng. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP via Getty Images)

Có lẽ ông muốn bắn tiếng là sẽ hành tội tướng Tư Lệnh Hải Quân kiêm Thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chăng ? Ông Hiến dính tới 10 lô đất quốc phòng bị phù phép để tham nhũng nên đã bị khởi tố từ hồi tháng 10/2019. Còn ông Hoàng Trung Hải, một ủy viên Bộ Chính trị, chỉ mới bị "xem xét kỷ luật" liên quan đến dự án mở rộng sản xuất của nhà máy gang thép Thái Nguyên, chưa biết số phận sẽ ra sao.

Cũng phải kể công cho ông Trọng là từ khi ông ta mở chiến dịch "đốt lò", một loạt từ ủy viên Bộ Chính trị, từng là bộ trưởng rồi Bí thư Thành ủy ở Sài Gòn, Đinh La Thăng ; đến một số tướng lãnh công an bị ông quẳng vào lò hồi năm 2018. Chiến dịch chống tham nhũng của ông ta chỉ làm mạnh sau khi đối thủ chính trị Nguyễn Tấn Dũng bị ông gạt ra khỏi guồng máy đảng và chính quyền.

Tuy ông Trọng có cố gắng đối phó với tham nhũng, nhưng kết quả chỉ là nắm được đầu những "đồng chí bị lộ" tức chỉ là một phần nhỏ nổi bên trên của khối băng sơn vĩ đại nằm bên dưới mặt nước.

Cách đây sáu năm, ngày 11/09/2013, báo chí trong nước tường thuật một cuộc họp ở Quốc hội, kể lại lời than của bà Nguyễn Thị Doan, khi đó là phó chủ tịch nước : "Người ta ăn của dân không từ một cái gì". Ăn từ đồng tiền mua gạo chống đói cho người dân tộc thiểu số nơi xa xăm đến ăn bớt liều vắc-xin ngừa bệnh cho trẻ sơ sinh ở ngay Hà Nội.

Cho tới bây giờ, vẫn không thấy có gì khác, dù guồng máy tuyên truyền của chế độ thuật lời các sếp "chúa" chống tham nhũng "không có vùng cấm", Các quan chức đảng viên từ trung ương tới địa phương vẫn theo nhau "ăn không từ một cái gì". Quan to ở trung ương có cơ hội ăn triệu đô la thì quan nhỏ cấp xã ở nhà quê đành xà xẻo hàng triệu tiền Hồ.

Ngày 5/12/2019, báo Người Lao Động kể chuyện cấp bò "xóa đói giảm nghèo" cho hai gia đình dân nghèo ở xã Kông Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Bò bệnh hoạn tuy có đủ cả bốn chân nhưng không đi được. Quan chức địa phương giải thích là một con không đi được vì "nhút nhát", còn một con thì không chịu đi vì "nằm vạ" và người được cho bò "không biết dắt".

Chuyện vừa kể không phải là chuyện đầu tiên hay duy nhất về các quan xã khắp nơi bớt xén tiền mua bò hay các loại tiền hỗ trợ khác, kể cả tiền chống đói hay cứu trợ lũ lụt ở các địa phương. Hồi Tháng Năm, 2018, quan chức một xã ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, đã lấy bò giống cấp cho dân nghèo chia cho người thân hay quan chức địa phương. Sau đó, dắt vào lò mổ.

dotlo2

Dân nghèo ở xã Kong Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, được chính quyền cấp bò bệnh hoạn, có chân mà không đi được. (Hình : Hoàng Thanh/Người Lao Động)

Hôm 19/12/2019 mới đây, có tin ông phó chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, tuy gia đình nhà ông có hai chiếc xe hơi, một dấu hiệu khá giả, nhưng ông vẫn nhận "nhà tình nghĩa xây theo kiểu Thái và có cả chỗ để đậu xe hơi".

Đấy là mấy chuyện nhà quê mới xảy ra bị bới móc, còn chuyện ở ngay Hà Nội thì mọi người đã theo dõi vụ án hai ông cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cùng đám thuộc cấp được phát cho các bản án tù từ vài năm đến chung thân trong vụ phù phép cho quốc doanh MobiFone mua công ty Nghe Nhìn Toàn Cầu AVG gây thiệt hại cho nhà nước 300 triệu USD

Vừa mới bị bắt mấy ngày qua là chánh văn phòng của Thành ủy Hà Nội tên Nguyễn Văn Tứ, nguyên giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố, bị cáo buộc "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng…" trong vụ phù phép cho công ty Nhật Cường trúng thầu, cung cấp phần mềm diện tử hóa guồng máy hành chính địa phương. Người ta chưa thấy đề cập gì tới số phận chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố là Nguyễn Đức Chung, vốn là tướng công an.

Cũng chỉ tuần lễ cuối của năm 2019, báo chí trong nước tường thuật một báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp "thân hữu" hay "sân sau" của các quan trúng thầu vẫn còn thấy đến 70%. Nói trắng ra, nếu không móc ngoặc từ trước, thỏa thuận ăn chia từ trước, không thể trúng thầu.

Vậy mới có chuyện những trạm thu phí đặt trên những trục lộ dân không phải đóng phí, hoặc tiền lệ phí sử dụng đường lộ quá cao, dân chịu không thấu nên đã xảy ra rất nhiều những vụ chống đối quyết liệt mấy năm gần đây.

Khi có các cuộc họp Quốc hội hồi đầu Tháng Mười Một, 2019, một ông đại biểu Quốc hội tên Nguyễn Tiến Sinh được báo VietnamNet thuật lời nói rằng "dư luận râm ran về ‘chợ đen’ mua quan bán chức thường nhộn nhịp lên trong các dịp bầu cử, đại hội" mà "tham nhũng vặt chỉ là phần nổi của tảng băng".

Chống thì cứ chống, lò thì cứ đốt nhưng "ăn của dân không từ một cái gì" thì vẫn cứ ăn. (Tư Ngộ)

*********************

Công ty Nam Nung nợ lương người lao động gần 20 tỷ đồng (RFA, 30/12/2019)

dotlo3

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Nung ở Tỉnh Đắc Lắc Courtesy : Báo Đắc Lắc

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Nung ở Tỉnh Đắc Lắc hiện đang nợ công nhân gần 40 tỷ đồng, cả lương và bảo hiểm xã hội. Truyền thông trong nước đưa tin hôm 30 tháng 12.

Theo đó, từ năm 2012 đến nay công ty này không đóng tiền bảo hiểm xã hội cho công nhân nên trên thực tế, dù có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội nhưng người lao động không thể hưởng quyền lợi gì. Ngoài ra, nhiều công nhân bị nợ lương từ mấy năm nay.

Báo Mới dẫn lời công nhân Phan Công Phúc cho biết công ty đã nợ lương của ông gần ba năm nay, từ năm 2016 đến 2018, với số tiền khoảng 140 triệu đồng. Một công nhân khác là ông Phạm Xuân Ngọc bị nợ lương 148 triệu đồng.

Báo này cũng trích lời ông Hà Hữu Thanh, Phó Giám đốc Công ty Nam Nung, rằng tình hình tài chính của công ty đang gặp khó khăn, hiện nay không có khả năng thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Chuyện công nhân bị nợ lương tại các công ty sản xuất hàng gia công có vốn đầu tư nước ngoài từng xảy ra. Có công ty sau khi nợ lương công nhân vài tháng thì giám đốc bỏ trốn về nước luôn như Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cho Won ở Đồng Nai, 100% vốn Hàn Quốc.

Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 hôm 16/12/2019 quy định : Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương ngay sau khi kết thúc thời gian làm việc, hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì "ông chủ" phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 tháng.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)