Việt Nam ‘thành nước công nghiệp năm 2020’ bị thất bại (Người Việt, 02/01/2019)
Hôm 1/1/2020, cư dân mạng tiếp tục chế nhạo về lời tuyên bố đưa Việt Nam "trở thành nước công nghiệp vào năm 2020" của cựu Tổng bí thư cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã "tan thành mây khói".
Khoảng cách giàu-nghèo tại Việt Nam ngày càng gia tăng. (Hình : Paula Bronstein/Getty Images)
Báo Dân Việt viết : "Mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đã không thành hiện thực, thậm chí còn tụt hậu so với Trung Quốc 20 năm, Nam Hàn và Malaysia 30 – 35 năm".
"Hơn 30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Nam Hàn, Nhật Bản ‘hóa rồng, hóa hổ,’ còn kinh tế Việt Nam dù tăng trưởng nhanh nhưng mới chỉ được xếp vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp", báo này cho biết thêm.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, được báo Dân Việt dẫn lời : "Mức tăng trưởng GDP từ 6,8 – 7% cho năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được. Kết quả này giúp Việt Nam hoàn thành kế hoạch 2016 – 2020, nhưng nếu chỉ duy trì mức tăng tưởng này thì chúng ta chỉ ổn định ở ngưỡng nước có thu nhập trung bình. Việc này dẫn đến khoảng cách giữa Việt Nam với các nước khác khó được rút ngắn. Do đó, ngay từ năm 2020 phải đưa ra được một kịch bản tăng trưởng cao và vượt trội hơn giai đoạn chúng ta đã duy trì thời gian vừa qua".
Điều kỳ lạ là mục tiêu "đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp" liên tục được giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam dời lại sau khi gần đến mốc thời gian ban đầu. Hồi tháng 3/2018, trang web của Đảng cộng sản Việt Nam cho hay : "Nghị quyết của Bộ Chính Trị xác định mục tiêu tổng quát : Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại ; thuộc nhóm ba nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại".
Thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại lễ ra mắt xe hơi Vinfast được cho là xe "sản xuất theo công nghệ Đức nhưng gắn thương hiệu Việt Nam". (Hình : Quang Hiếu/Thanh Niên)
Gần đây nhất, hôm 30/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo VnExpress dẫn lời : "Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng cao hàng năm để năm 2045 vào nhóm nước có thu nhập cao".
Công luận xem việc giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam "hứa hão" về mục tiêu "thành nước công nghiệp" là chiêu bài mị dân.
Luật sư Lê Công Định bình luận trên trang cá nhân hôm 1/1/2020 : "Sáng đầu năm 2020, trong tiết trời mát mẻ, ngồi uống cà phê lặng nhìn phố xá, cảm thấy tự tại xen lẫn tự hào trong lòng. Ôi đất nước ta, về cơ bản đã trở thành một nước công nghiệp, như nghị quyết đảng đã quán triệt, nhất là công nghiệp… nấu bánh canh !". "Bánh canh" ở đây được hiểu là từ tiếng lóng để chỉ lực lượng an ninh, canh gác nhà giới hoạt động, xã hội dân sự.
Ông Nông Đức Mạnh được ghi nhận không phải là người đầu tiên và duy nhất trong giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đưa ra "bánh vẽ" và những tuyên bố "mạnh mồm" về vận nước. Nhà báo tự do Nguyễn Thông, từng công tác ở báo Thanh Niên, tiết lộ trên trang cá nhân rằng hồi năm 1975, ông Lê Duẩn (cựu tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam) tuyên bố "dứt khoát 10 năm nữa (tức năm 1985 – NV) ta sẽ đuổi kịp Nhật".
Hiện tại, người ta vẫn có thể tìm thấy link bài "Việt Nam trở thành nước công nghiệp năm 2020" đăng trên báo Tuổi Trẻ hôm 30/4/2006, trích dẫn phát biểu của ông Nông Đức Mạnh. (N.H.K)
*******************
Bị tuyên án tử hình vì mua bán 108 bánh heroin (RFA, 02/01/2019)
Thêm một tội phạm ma túy bị tuyên án tử hình vì mua bán chất cấm này tại Việt Nam.
Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình hôm 2/1/2020, đã tuyên tuyên phạt bị cáo Giàng A Lăng về tội "Mua bán trái phép chất ma túy", với mức án tử hình, theo điểm b, khoản 4, Điều 194, Bộ luật Hình sự năm 1999. Courtesy hoabinh.gov.vn
Theo tin truyền thông trong nước loan tin hôm 2/1, Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình hôm 2/1/2020, đã tuyên phạt bị cáo Giàng A Lăng về tội "Mua bán trái phép chất ma túy", với mức án tử hình, theo điểm b, khoản 4, Điều 194, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, bị cáo Giàng A Lăng, sinh năm 1984, trú tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, từ tháng 2/2010 đến tháng 4/2012, đã cùng các đồng phạm đã có 5 lần thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy, với tổng số 108 bánh heroin tương 38.019,34 gram.
Giàng A Lăng cùng các đồng phạm, hôm 21/4/2012, bị C ông an Bắc Giang phát hiện khi dùng xe hơi, mang 10 bánh heroin, tổng trọng lượng 3.500,8 gram đi bán. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, thì Giàng A Lăng đã bỏ trốn.
Sau điều tra mở rộng vụ án này, Bộ Công an đã khởi tố 30 bị can về các tội "Mua bán trái phép chất ma túy" và "Chống người thi hành công vụ". Trong đó, bị can Giàng A Lăng bị khởi tố ngày 29/8/2012 về tội "Mua bán trái phép chất ma túy", và bị truy nã.
Sau nhiều năm lẩn trốn, ngày 24/6/2019, bị cáo Giàng A Lăng đã đến cơ quan chức năng xin đầu thú. Ngày 26/6/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định phục hồi điều tra đối với Giàng A Lăng về tội "Mua bán trái phép chất ma túy".
Việt Nam là một trong những nước có các điều luật được cho là hà khắc nhất thế giới chống lại nạn buôn lậu và vận chuyển ma tuý. Người bị kết án sở hữu hoặc vận chuyển hơn 600 gram heroin hoặc hơn 2,5 kg methamphetamines có thể bị tử hình.
Việt Nam tuyên phạt tử hình đối với 15 loại tội phạm, bao gồm hãm hiếp, giết người, tham nhũng và các tội liên quan đến ma túy và an ninh quốc gia.
*******************
Quảng Ninh muốn xây kè gắn camera để đối phó tội phạm Trung Quốc (Người Việt, 02/01/2019)
Lo sợ tội phạm từ Trung Quốc tràn sang gây án nhưng không quản lý nổi, chính quyền tỉnh Quảng Ninh muốn xây kè có camera ở biên giới để "giám sát, ngăn chặn".
Công an thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, trục xuất 28 người Trung Quốc vào Việt Nam phạm pháp. (Hình : Lao Động/Công An tỉnh Quảng Ninh)
Ngày 2/1/2020, tỉnh Quảng Ninh cho biết chính quyền tỉnh muốn kè gắn camera để chặn tội phạm người Trung Quốc.
Báo Tuổi Trẻ dẫn giải thích từ đại diện tỉnh Quảng Ninh cho rằng do tỉnh này gần Trung Quốc "điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, hội nhập sâu rộng nên có nhiều người ngoại quốc tìm đến".
Cụ thể, trong năm 2019 có sáu triệu khách du lịch người Trung Quốc đến kinh doanh và sinh sống ở Quảng Ninh. Mặc dù "đã quản lý chặt chẽ nhưng vẫn phát hiện, xử lý 654 người Trung Quốc xâm phạm, nhập cảnh bất hợp pháp vào du lịch, kinh doanh và lao động, vi phạm pháp luật ở Việt Nam".
Đại diện tỉnh Quảng Ninh thừa nhận "công tác quản lý biên giới có lúc còn sơ hở, để tội phạm qua lại hoạt động do địa hình biên giới ở Quảng Ninh phức tạp, với hơn 40 đường mòn lối mở, cả người và hàng hóa đều có thể xuất nhập qua biên giới".
Vì vậy, tỉnh này đề nghị chính phủ hỗ trợ kinh phí, phối hợp để xây dựng tuyến kè lắp đặt hàng rào camera giám sát "chống xuất nhập cảnh trái phép đối với cả người ngoại quốc và người Việt Nam, ngăn chặn hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đường bộ ở Quảng Ninh" càng sớm càng tốt.
"Hiện việc trao đổi thông tin về người ngoại quốc xuất nhập cảnh giữa địa phương và biên giới có lúc, có thời điểm chưa tốt, các lực lượng, ngành chưa có biện pháp bàn bạc thống nhất phương thức và cách thức phối hợp. Do đó, công tác phối hợp cần phải chủ động hơn", đại diện Quảng Ninh cho biết.
Tỉnh Quảng Ninh cho hay, theo Luật Xuất Nhập Cảnh, quá cảnh cư trú ở Việt Nam, người Trung Quốc được miễn thị thực và cấp tạm trú 15 ngày trong khu vực kinh tế cửa khẩu, nhưng có trường hợp ra ngoài khu vực này để vi phạm, giới hữu trách "khó khăn trong phòng chống".
Nhóm nghi can người Trung Quốc bị cảnh sát bắt giữ. (Hình : VnExpress)
Cùng ngày, theo báo Tuổi Trẻ, ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, thừa nhận : "Tình hình tội phạm ngoại quốc tăng trên nhiều lĩnh vực, công nghệ cao, mua bán, giết người… Không có loại tội phạm nào mà không có người ngoại quốc, thậm chí trộm cắp xe cộ công cộng, giết người cướp của. Hiện trại giam Bộ Công an đang quản lý 500 tội phạm người ngoại quốc của 25 nước".
Ông Lâm cho rằng hiện nay nhiều bộ ngành và địa phương "chưa xác định, chưa quan tâm đúng mức và quản lý chặt chẽ người ngoại quốc. Đơn cử đã có nghị định về quản lý người ngoại quốc nhưng chưa ban hành quy định quản lý cư trú người ngoại quốc, dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp làm thủ tục để xin phép cho người ngoại quốc ở Việt Nam, thu tiền dịch vụ. Do đó, tới đây sẽ siết chặt và quy trách nhiệm rõ rang".
Tương tự, Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, cũng cho rằng tình trạng người Trung Quốc sử dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo, đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn xảy ra tại nhiều tỉnh ở Việt Nam với số tiền lớn "gây hậu quả nghiêm trọng, đang có xu hướng gia tăng".
Đáng chú ý là tội phạm lừa đảo, đánh bạc qua mạng chiếm đa số. Điển hình là vụ 395 người Trung Quốc điều hành nhiều website tổ chức cho công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến qua mạng Internet (có máy chủ đặt tại ngoại quốc) tại Khu đô thị Our City, quận Dương Kinh, Hải Phòng. (Tr.N)
*******************
2 phụ nữ Việt bị 2 ông Trung Quốc bắt cóc, tống tiền ở Philippines (Người Việt, 02/01/2019)
Hai nữ công dân Việt Nam may mắn được cảnh sát Philippines giải cứu kịp thời khỏi hai kẻ bắt cóc, tống tiền người Trung Quốc tại thành phố Las Pinãs, Philippines, vào tối cuối năm 2019.
Li Muqin, một trong hai kẻ bắt cóc. (Hình : Thanh Niên chụp màn hình PDI)
Báo Thanh Niên dẫn tin từ tờ Philippine Daily Inquirer ngày 2 Tháng Giêng, 2020, cho biết cảnh sát Philippines vừa giải cứu hai nữ công dân Việt Nam bị hai ông Trung Quốc bắt cóc tại một ngôi nhà do bọn chúng thuê sẵn ở thành phố Las Pinãs, thuộc vùng đô thị Manila.
Cảnh sát bắt đầu điều tra sự việc sau khi bà Nguyen Anh Hong Trang trình báo người thân đang bị những kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc một triệu Peso (khoảng 19.727 USD). Đến 8 giờ tối ngày 1/1, cảnh sát tìm thấy hai nạn nhân Pha Ti Khim Yin và Nguyen Thi Than Mai bị trói tay chân, miệng bị bịt bằng băng keo bên trong ngôi nhà.
Ngay sau đó, cảnh sát bắt giữ nghi can người Trung Quốc là Li Muqin (Lý Mục Thân), trong khi nghi can còn lại được xác định là Zhao Chao (Triệu Sao) đang bỏ trốn.
Các nạn nhân cho biết họ gặp hai người Trung Quốc này sau khi làm quen qua ứng dụng hẹn hò trên mạng xã hội vào hôm 30/12/2019. Ngay khi gặp nhau tại căn nhà trên, lập tức hai nữ công dân Việt Nam bị bắt trói chân tay, dán băng keo bịt miệng, đồng thời yêu cầu liên lạc với gia đình trả tiền chuộc mạng.
Một trong hai nạn nhân đã gửi được vị trí bị nhốt thông qua Google, nhờ đó cảnh sát mau chóng tìm đến giải cứu.
Cảnh sát giải cứu hai nữ công dân Việt Nam Pha Ti Khim Yin và Nguyen Thi Than Mai trong vụ bắt cóc ở thành phố Las Pinãs hôm 31/12/2019. (Hình : NCRPO)
Hiện nghi can Li Muqin đang bị giam giữ tại Văn phòng Cảnh sát Khu vực Thủ đô Quốc gia Philippines, đối diện với các tội danh "Bắt cóc và giam giữ người trái phép" ở cấp độ nghiêm trọng theo Bộ luật hình sự Philippines.
Báo Thanh Niên cho hay, trong những năm gần đây tội phạm người Trung Quốc ở Philippines gia tăng, đặc biệt là tại vùng đô thị Manila, nơi có nhiều dịch vụ cờ bạc qua mạng Internet. Cụ thể, số vụ án tăng nhanh dần trong bốn năm qua, từ 157 vụ vào năm 2016 tăng lên 235 vụ vào năm 2017 và vọt lên 468 vụ trong năm 2018.
Riêng trong năm 2019, tính từ ngày 1/1 đến 25/12, cảnh sát khu vực phía Nam Manila ghi nhận tổng cộng có 591 vụ án liên quan đến người Trung Quốc, trong đó có 54 vụ bắt cóc và giam giữ người trái phép. (Tr.N)