Chiều ngày 17/11/2019, công an Thành phố Hồ Chí Minh ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Tiến Dũng, một nhân viên làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội (quận Bình Thạnh) vì hành vi dâm ô nhiều bé gái.
Quyết định đình chỉ công tác Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội Thành phố Hồ Chí Minh dâm ô nhiều bé gái
Sở Lao động, thương binh và xã hội trả lời báo chí trong buổi họp báo ngày 18/11/2019 rằng có ít nhất 6 bé gái từ 14-16 tuổi đang ở tại trung tâm này bị ông Dũng dâm ô nhiều lần trong thời gian dài.
Ngoài ra, khi thực hiện xong hành vi, ông Dũng cho các em hút thuốc lá, uống nước ngọt và cho nước sôi nấu mì tôm ăn. Ông cũng hứa hẹn sẽ chỉnh sửa hồ sơ cho các trẻ sớm được trở về với gia đình.
Sau khi báo chí nhà nước đưa tin về vụ việc, có ít nhất năm người đã xác nhận với RFA rằng họ đã bị bắt đưa về Trung tâm Hỗ trợ xã hội quận Bình Thạnh vì đi biểu tình phản đối Formosa, và giam giữ nhiều ngày, bị đối xử tàn tệ. Những người này bao gồm bà Trần Thu Nguyệt, ông Long Trần, ông Chế Hoàng, Đỗ Phi Trường và ông Lê Xuân Diệu.
Họ chia sẻ về những trải nghiệm của mình trong quãng thời gian bị cưỡng ép đưa về đây, cho thấy rằng bên trong một Trung tâm hỗ trợ xã hội, nhân phẩm của nhiều người bị xúc phạm nặng nề.
Theo Nghị định về thành lập và hoạt động của cơ sở Bảo trợ xã hội của Chính phủ nước Việt Nam thì các "Cơ sở bảo trợ xã hội" được thành lập với mục đích cung cấp dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, không có điều kiện sống ở gia đình như người già, người tâm thần, người tàn tật và trẻ em và những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Tuy vậy, hàng chục người tham gia biểu tình phản đối Formosa hồi năm 2016 đã bị bắt về đây giam giữ trong nhiều ngày.
Bà Trần Thu Nguyệt, một người từng bị bắt giam ở đây kể rằng bà đi biểu tình vào một sáng Chủ Nhật năm 2016 :
"Tôi vừa bước lên để bắt taxi thì phía đằng trước có bốn người mặc thường phục chặn đầu xe và có hai người khác chạy lại đẩy tôi lên taxi đưa tôi về công an phường Bến Thành. Đến tối họ đưa tôi về trung tâm hỗ trợ xã hội ở Bình Thạnh lúc khoảng 6g chiều.
Khi vào trong trung tâm hỗ trợ xã hội thì họ bắt tôi phải lấy tiền ra đưa cho họ, điện thoại các thư đưa cho họ hết. Họ giữ lại hết rồi đưa tôi vào một phòng giam".
Biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường hôm 1/5/2016 ở thành phố Hồ Chí Minh Courtesy of Tin Mừng Cho Người Nghèo - Ảnh minh họa
Ông Trần Long bị nhốt trong trung tâm này 6 ngày cho biết cũng bị đưa về đây vì đi biểu tình :
"Đợt đó đi biểu tình phản đối Formosa, giữa năm 2016. Lúc bị bắt thì người ta đưa tôi vào công an phường Bến Nghé, quận Một, giam từ 11 giờ trưa đến 7 giờ tối thì mới đưa qua Trung tâm hỗ trợ Xã Hội ở Nơ Trang Long, Bình Thạnh.
Họ đưa tôi và một người em lên xe buýt. Trên xe có mấy chục người nữa, đến trung tâm thì có hơn 80 người ở đó, rất là đông.
Theo tôi biết thì trung tâm đó chỉ giữ những người vô gia cư, kiểu như công an đùn đẩy trách nhiệm cho trung tâm đó giam tụi tôi như là những người vô gia cư. Họ kêu là luật của trung tâm đó là phải xác minh 30 ngày, nếu mình không có hộ khẩu hay tạm trú gì đó thì họ giữ luôn".
Sau khi bị đưa đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội ở quận Bình Thạnh, cả ông Long và bà Nguyệt đều bất ngờ khi nhận thấy nơi đây giống như một nhà tù giam giữ người hơn là một nơi để nuôi dưỡng, giáo dục những người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội.
Bà Trần Thu Nguyệt nhớ lại ấn tượng đầu tiên khi bị đưa vào phòng giam là các phòng đều có khoá ngoài hai lớp cửa, nhà vệ sinh ngay trong phòng và được ngăn cách bởi bức tường cao chỉ tầm một mét. Nó không khác gì phòng giam các tù nhân :
"Khi họ đưa tôi vào một phòng giam, tôi nghĩ rằng trung tâm hỗ trợ xã hội là một cái nơi để mà đưa những em cơ nhỡ về để giáo dục tốt hơn, nhưng khi tôi vào trong đó thì tôi thấy nó gần giống như là một cái phòng giam chứ không phải là một cái phòng để cho các em ở đó, để huấn giáo các em trở thành một người sống tốt hơn.
Tôi nghĩ nó (Trung tâm Hỗ trợ xã hội - PV) đã không làm đúng chức năng, vì khi tôi vào đó thì cần thấy chỉ là cái nơi ở thôi, một nơi phục hồi chức năng cho những người cơ nhỡ, sống ở ngoài lề xã hội, hút chích… Đúng ra đưa về trung tâm thì phải cho người ta có một cuộc sống tốt hơn và hướng dẫn cho người ta trở thành con người tốt hơn, nhưng khi tôi vào trong đó thì tôi thấy hoàn toàn khác hẳn, nó khác lắm, nó giống như một cái trại tù trá hình chứ không phải là phục hồi chức năng cho người ta sống tốt hơn".
Một người bị đánh chẩy máu đầu khi tham gia biểu tình vì môi trường ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/5/2016 - Courtesy of Tin Mừng Cho Người Nghèo - Ảnh minh họa
Cùng quan điểm, Ông Trần Long kể lại :
"Tối đầu tiên bị bắt thì tôi thấy công an thường phục làm việc, y như đi tù vậy, hỏi số báo danh, đồ đạc, chứng minh nhân dân, điện thoại đồ bị lấy hết. Tất cả những người bị bắt lúc đó đều bị lăn tay hết, xong rồi mới đưa chúng tôi vô từng phòng của trung tâm bảo trợ xã hội.
Ở đó thì tôi thấy y như ở tù vậy chứ không phải là trung tâm bảo trợ xã hội. Bởi vì một phòng đó là giam anh em chúng tôi là hai mươi mấy người. Buổi sáng họ đưa một thùng đựng nước cho tụi tôi uống. Sáng thì họ phát cho tụi tôi ổ bánh mì ngọt, trưa ăn cơm, tối ăn cơm, trưa ăn chả thì tối ăn chả, trưa ăn thịt thì tối ăn thịt, có một món thôi.
Đêm đó công an làm việc xong thì những ngày sau là cán bộ của trung tâm làm việc chứ không phải là công an nữa".
Ông còn khẳng định rằng Trung tâm hỗ trợ xã hội quận Bình Thạnh hoạt động không hề giống với cái tên của nó :
"Nó không giống như tên của trung tâm là hỗ trợ xã hội, hỗ trợ những người vô gia cư, những người lang thang nhưng theo tôi biết trong đó như là trại tù vậy.
Những người bị giam trong đó phải đi lao động hết. Sáng những người bị nhốt trong đó là phải đi lao động, tới trưa về ăn cơm, chiều phải đi lao động thêm tới 6 giờ tối mới về".
Ông Lê Xuân Diệu nói rằng ngoài việc bị lấy hết điện thoại, tiền bạc, tư trang thì tất cả mọi người đều phải cầm bảng có tên, có số trước ngực để chụp hình như tù nhân hình sự.
Nghị định về thành lập và hoạt động của cơ sở Bảo trợ xã hội cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm Hỗ trợ xã hội là tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng như người già, người tàn tật, vô gia cư, trẻ em và những người có hoàn cảnh đặc biệt ; Giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng xã hội phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, nhân cách ; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng.
Nhưng theo lời tường thuật của cả bà Nguyệt và ông Long thì họ đã bị chính nhân viên trung tâm này đã đánh đập và xúc phạm nhân phẩm.
Khi bị bắt vào đây, cho rằng mình không có tội, bà Nguyệt nói rằng bà đã phản kháng rất dữ dội. Chính vì vậy mà vào ngày thứ Hai, bà bị hơn hơn 20 người cả nam lẫn nữ, cả an ninh và nhân viên ở Trung tâm hỗ trợ xã hội ở quận Bình Thạnh cưỡng chế, lột quần áo và khám xét người :
"Tôi nằm thiêm thiếp thì nghe tiếng chân rất nhiều người đến mở cửa thì có khoảng năm người phụ nữ đến chỗ người tôi. Họ sờ ngực, sờ bụng thì tôi hất tay họ ra rồi hỏi "mấy người làm gì vậy !".
Tôi quay ra cửa thì thấy có khoảng 20 người đàn ông đứng ở cửa và họ bắt đầu bước vào trong phòng. Có 1 người đàn ông chỉ thẳng tay vào mặt tôi và nói "lột hết đồ nó ra !" thì gần 20 người tràn vào bên trong.
Năm người đó là nhân viên của trại phục hồi nhân phẩm. Còn trong số những người đàn ông thì có một số là nhân viên trung tâm, một số mặc thường phục. Một số đàn ông là nhân viên họ mặc áo đồng phục của trung tâm đó.
Lột đồ xong thì họ bỏ đi".
Bà Nguyệt bị giam đến chiều ngày thứ Ba thì được thả về.
Còn ông Long bị nhốt cùng với hơn 20 người khác. Tất cả đều bị tra hỏi nhân thân, ai phản đối sẽ bị lôi đi đánh :
"Có đánh một người bạn của tôi, bị nhốt chung buồng của tôi. Cán bộ trung tâm với cơ động cầm roi điện vô bắt người bạn của tôi ra ngoài, đánh xong thì bạn tôi cũng bị mất chiếc nhẫn cưới luôn.
Anh đó nói rằng chúng tôi không có tội, tự nhiên nhốt tôi vô đây, người ta đi làm ngang quận Nhất chụp hình cái tự nhiên bắt tôi. Anh đó nói nhốt tôi là vô lí, tôi có hộ khẩu chứ đâu phải vô gia cư mà nhốt.
Cán bộ thấy vậy bắt lên đánh. Đánh xong tầm 30 phút đưa xuống thì tôi thấy anh đó bầm tím người".
Không chỉ đối xử mạnh tay với những người đi biểu tình bị bắt, bà Nguyệt còn cho biết thời gian ở trong trung tâm, bà thường xuyên nghe tiếng la hét của những người đang sinh sống tại đó bị đánh :
"Khi tôi ở trong đó thì có một số người hút chích, làm gái cũng bị bắt về và họ nhốt vào tầng lầu ở bên trên tôi.
Tôi nghe có tiếng đánh đập. Không biết chuyện gì xảy ra ở trên đó nhưng có nghe thấy tiếng dùi cui đánh người và nghe thấy tiếng mà mấy em bị đánh hét lên.
Tôi nằm ở tầng dưới còn mấy em bị nhốt ở tầng trên. Vì bị nhốt riêng phòng nên không có nói chuyện được.
Tôi thấy những người nhân viên trong đó rất là hung hăn, dữ tợn".
Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với Trung tâm Hỗ trợ xã hội quận Bình Thạnh nhưng họ từ chối bình luận về những cáo buộc trên với lý do là "không được phát ngôn, muốn gì phải có giấy giới thiệu của Sở Lao Động".
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Bộ Lao động, thương binh và xã hội trả lời báo chí nhà nước cho biết Mỗi năm ngân sách Nhà nước tốn khoảng 300 tỷ đồng cho các trung tâm bảo trợ xã hội, tính trung bình mỗi người ở trung tâm được hưởng 1 triệu đồng mỗi tháng.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 25/11/2019
Để hiểu hơn 'công an trị' thế nào, hãy nhìn vào cách họ 'bêu người' (VNTB, 31/01/2018)
Nhiều người thường lên án Mẹ Nấm là phản động, trong đó có cả hành vi thu thập các chứng cứ công an làm chết người tại đồn. Nhưng nếu một ngày họ rơi vào trường hợp bị lực lượng công an ngang nhiên, bất chấp luật pháp để tước đoạt tự do và nhục mạ nhân phẩm - danh dự, thì họ sẽ nhận ra : công an trị là gì, và vì sao những người như Mẹ Nấm lại phải làm 'phản động'.
Công an đảo Phú Quốc bêu rếu hành vi mua bán dâm của các đối tượng ngay giữa phố ?
Những ngày giáp Tết, người dân đón nhận 2 tin tức liên quan đến lực lượng công an.
Một là, ông Mưa Quý Sường, người bị bắt với cáo buộc giết vợ, phải ngồi tù 11 năm dù không có xét xử, và mang thân phận bị can ròng rã 36 năm rồi phải ôm nỗi oan giết vợ xuống mồ. Đến ngày 3.1.2018, Công an tỉnh Bắc Giang mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì 'hành vi của bị can Mưu Quý Sường không cấu thành tội phạm giết người'.
Lực lượng công an viên tỉnh Bắc Giang cũng là nơi thường xuyên được xướng danh trong danh sách lạm quyền liên quan đến ép cung, nhục hình và tỷ lệ gây oan sai cao. Nơi đây cũng là nơi được báo chí chính thống phản ảnh nhiều hành vi vi phạm sâu về quyền con người, trong đó biến đổi ý chí người không có tội thành có tội, biến đổi gấu thành thỏ và ngược lại.
Trong khi câu chuyện người chết 5 năm mới được minh oan, thì tại hòn đảo xinh đẹp phía Tây Nam (đảo Phú Quốc) mới đây lại xảy ra chuyện, công an huyện đảo này đã bêu tên người mua bán dâm giữa phố bằng công khai thông tin cá nhân người vi phạm kèm các từ ngữ vô cùng kém văn hóa như : bú, liếm, xuất tinh,...
Hành vi mua bán dâm đáng lý ra phạt bằng hành chính, thì nay chuyển thành một tội mà người thực thi pháp luật có thể xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Facebooker Khoa Anh Vo đã phẫn nộ khi xem video clip, và nhấn mạnh : Thế kỷ 21 mà cứ tưởng như đang ở trong rừng ! Người Facebooker khác lại chia sẻ, video 'đấu tố' người mua bán dâm tại phố giống hệt như cái thời kỳ 'giải phóng', khi các lực lượng vũ trang và bán vũ trang 'áp giải' những người tóc dài, quần ống loe, nhảy đầm,... ra giữa phố và cho đó là thứ 'đồi trụy của tư bản, xa hoa của bọn canh thừa mỡ cặn'.
Cả hai tin đều cho thấy tính chất lạm quyền một cách bất chấp các giá trị đạo đức, và pháp luật ; trình tự bắt bớ - đấu tố đầy mông muội, nguyên thủy. Đó là chưa kể, phía công an dường như đã làm thay cả công việc của công tố và tòa án, bằng cách 'bôi nhọ' và 'tống giam' mà không cần qua bất kỳ khâu pháp lý nào khác.
Đây là hệ quả tất yếu, khi mà phía lực lượng công an được trao quá nhiều quyền lợi nhưng thiếu sự kiểm soát. Và mọi nơi, màu áo công an trở thành màu áo của sự sợ hãi xen lẫn khinh bỉ trong mắt quần chúng nhân dân,...
Những việc làm của phía công an, đã chà đạp lên chính các nhà lập pháp, chính quốc hội, chính sự cam kết bảo vệ quyền con người mà Nhà nước Việt Nam hoặc cam kết qua ký Công ước, hoặc thông qua tuyên truyền về tính pháp quyền Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhưng vì công an là lực lượng xương sống của Nhà nước, nên thành ra Nhà nước vẫn bảo hộ dù nó nhũng nhiễu , thậm chí là sai lệch đi bản chất của nhà nước thời hiện đại, văn minh.
Người viết do đó cũng đồng ý với quan điểm trước đay của kỹ sư Nguyễn Tiến Trung rằng, 'xã hội công an trị là một nguyên tắc chính trị', và do đó, 'công an có đủ thức các quyền để sách nhiễu, ai cũng sợ cả.'
Lực lượng công an trở thành cỗ máy chém trên thực tế, lê hết 64 tỉnh thành, trong mọi ngõ ngách của xã hội, và ở nơi đó có đầy đủ thủ pháp để biến chuyển tính côn đồ trở thành một hành vi công vụ.
Đó cũng là vì sao, nhiều người có lương tâm đã lên án tình trạng này, và cũng vì lên án, thậm chí phản ánh, mà họ bị bắt giam, coi đó như một hành vi 'chống phá nhà nước' như Mẹ Nấm.
Ánh Liên
************************
Sự man rợ nhân danh pháp luật (Tiếng Dân, 30/01/2018)
Khi các nhân viên công lực tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang lôi những công dân được coi là có hành vi "Mua, bán dâm" ra giữa phố đông, rồi dùng loa mô tả tỷ mỉ hành vi của họ cho bàn dân thiên hạ biết đã trở thành một bằng chứng rõ ràng cho những bóng ma man rợ đang quay trở lại. Mà lần này, sự man rợ từ dĩ vãng lại đang được nhân danh chính quyền để hành động…
Công an Phú Quốc bắt người mua bán dâm đứng giữa đường, bêu tên. Ảnh : internet
Chứng kiến hành động của những người nhân danh chính quyền, khiến cho người ta không khỏi rùng mình khi bị tái hiện lại ngay trước mắt một dĩ vãng ngỡ là đã chết từ lâu.
Chuyện "Cắt tóc bôi vôi" hay "Thả bè trôi sông" dành cho những người phụ nữ bị phát hiện có quan hệ tình dục khi chưa kết hôn hoặc với những người đàn ông đã có gia thất, tức là sự trừng phạt trực tiếp đối với họ trên thực tế đã chấm dứt từ thời dân chủ cộng hòa 1945. Cho dù vẫn còn đó sự xa lánh, ghẻ lạnh, chế nhạo… từ cộng đồng xung quanh.
Ấy thế mà sự man rợ tưởng chừng đã chìm sâu vào dĩ vãng lại tái hiện một cách công khai, ngạo nghễ vào ngày hôm nay. Năm thứ 18 của thế kỷ 21.
Việc này khiến người ta không khỏi rùng mình để nhớ lại, thời gian gần đây, có chính quyền xã còn dùng hệ thống loa phóng thanh bêu tên tuổi những ông bố bà mẹ nghèo khổ chưa kịp đóng tiền học cho con.
Chuyện ngày hôm nay buộc ta liên tưởng lại câu chuyện đám cu-lit Tây ở Hải Phòng tóm được cô Bính nhà quê lơ ngơ ra phố, đã dùng dùi cui và quyền lực vu cho cô làm đĩ không có môn bài, không đăng ký với nhà nước để tống cô vào nhà thổ. Mẹ kiếp, vừa bị hiếp xong lại bị mồm ông cu – lít nói thì đứa dân đen sức mấy mà cãi…..
Có lẽ vì thế mà cha Nguyên Hồng mới có tác phẩm " Bỉ Vỏ" lừng lẫy nền văn chương hiện thực.
Mà nền văn chương hiện thực thì đến giờ này vẫn là chủ đạo, còn được nâng tầm thành văn chương hiện thực XHCN. Bác nhà văn nào viết tiếp " Bỉ Vỏ" phần 2 cho con cháu nhà Tám Bính đi…
Nguyễn Hà Luân
*****************
Công an Phú Quốc ‘bêu tên’ người mua, bán dâm ngoài đường (Người Việt, 30/01/2018)
Ba phụ nữ và một người đàn ông được cho là có hành vi môi giới, mua bán dâm đã bị công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, buộc đứng xếp hàng bên đường để công khai hành vi, danh tính qua loa phát thanh.
Trong đoạn clip, công an cầm micro đọc rõ to hành vi mua bán dâm và yêu cầu những người bị bêu danh bước lên cho người đi đường nhìn rõ mặt. (Hình cắt từ clip)
Theo báo Thanh Niên, sự việc diễn ra ngày 29 Tháng Giêng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 10, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, thu hút rất đông người hiếu kỳ, trong đó có cả trẻ em và khách du lịch. Một số người đã quay lại cảnh này đưa lên mạng xã hội, gây ra làn sóng phẫn nộ.
Trong đoạn clip dài hơn 4 phút, đám đông bao gồm cả trẻ em, đứng chứng kiến màn bêu danh này và nhiều người còn dùng điện thoại di động quay lại sự việc. Có thể nghe rõ viên công an cầm giấy đọc công khai những cụm từ "tình dục miệng", "xuất tinh ra trong miệng"… Viên công an còn giới thiệu chi tiết danh tính và nơi ở của nam thanh niên được cho là một người thợ hồ cũng như các cô tiếp viên…
Viên công an chỉ đích danh trước đám đông người đàn ông duy nhất rằng : "Còn đây là anh PVT, là người đến trực tiếp mua dâm. Đề nghị anh T. bước lên. Anh T. tạm trú tại khu phố 10, nghề nghiệp làm hồ. Do không có vợ nên anh T. thường hay tìm đến những nơi có hoạt động tình dục trá hình để thỏa mãn nhu cầu".
Bi kịch và có lẽ gây phản cảm nhất khi viên công an đọc : "Đây là chị X., quê ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Chị X. ra Phú Quốc bán cà phê và làm cái nghề này thôi. Chị X. đã có hai con, chồng bệnh…"
Chiều 30 Tháng Giêng, Thiếu Tá Dương Thiết Tâm, phó trưởng công an thị trấn Dương Đông, giải thích về hành động của công an thị trấn : "Buổi công bố quyết định xử phạt các đối tượng có hành vi mua bán dâm để họ đi nộp phạt nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục, răn đe với mọi người nên cơ quan công an đã tìm đến khu vực đông dân cư để công bố quyết định".
Trực tiếp chứng kiến sự việc trên, ông DVT, ngụ khu phố 3, thị trấn Dương Đông, bất bình nói : "Họ nói để răn đe, nhưng bêu riếu người ta giữa chốn đông người như thế thì khác gì triệt đường họ hoàn lương trở về. Chưa kể người thân, con cái họ sẽ ra sao khi chứng kiến cảnh này ?"
Tính đến đêm 30 Tháng Giêng, clip nêu trên có đến 3.000 lượt share và 3.000 lượt comment, hầu hết đều bày tỏ sự tức giận.
Một facebooker có nick Nguyễn Danh bình luận : "Công an đưa sự việc này một cách công khai thì đã vi phạm pháp luật rồi còn diễn tả cụ thể hành động từng chi tiết nhỏ mua bán dâm còn hơn truyện khiêu dâm kích dục nữa. Không biết công an này đã được đào tạo bài bản qua trường lớp nào mà không có mắc cỡ và liêm sỉ khi mô tả một chuyện thiếu tế nhị một cách công khai".
Nói với báo Thanh Niên, Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư Sài Gòn, cho rằng hành vi của viên công an dùng loa phóng thanh công bố công khai quyết định xử phạt, danh tính, nhân thân những người liên quan đến mua bán dâm nói trên là hoàn toàn trái quy định pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ, phân tích trên báo Thanh Niên : "Đây không đơn giản là việc làm tự phát của một cá nhân, mà là có tổ chức của cơ quan công an rất rõ ràng. Việc làm này rất phản giáo dục và phản cảm, đã xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác, có dấu hiệu làm nhục người khác".
Luật sư Lê Ngọc Luân ở Sài Gòn viết trên trang Facebook cá nhân : "Có ba phụ nữ và một đàn ông thỏa thuận việc kích dục. Công an bắt và xử phạt hành chính, tổ chức cưỡng chế họ ra đường, dưới sự chứng kiến của hàng trăm người dân (trẻ em cũng có mặt) rồi bêu tên, quê quán đồng thời diễn tả lại hành vi và người dân quay lại clip phát tán lên mạng. Chưa vội bàn về quyết định xử phạt hành chính là đúng hay sai và tôi không cổ súy cho hành vi của bốn người này bởi luật pháp hiện tại chưa chấp thuận. Tuy nhiên, không có bất kỳ quy định nào cho phép công an lạm quyền chà đạp và xúc phạm nhân phẩm con người như vậy. Hành vi của những công an kia đủ dấu hiệu cấu thành tội ‘làm nhục người khác’ có tính tổ chức. Chứng kiến việc đó, tôi không nghĩ rằng họ (công an) lại hành động độc ác và vô nhân đạo như thế. Họ có trái tim lương tri của một con người không ? Làm như vậy thà giết đi còn hơn. Người dân đất nước tôi sao mà khổ quá". (T.K.)