Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 12 octobre 2024 21:43

Nobel, may mắn hay lựa chọn ?

Đương nhiên một nhà văn được nhận Nobel văn chương phải là một nhà văn tài năng thực sự, cộng thêm yếu tố may mắn và, đó là một lựa chọn, nhưng không phải là lựa chọn giải Nobel, bởi đây là lựa chọn bất khả thể. Nhưng nhìn chung tiến trình hình thành và trao giải, riêng ở Nobel văn chương, khi nhìn vào tiểu sử các tác giả, có thể khẳng định đó là một Lựa Chọn. Vấn đề lựa chọn ở đây nằm ở thái độ sống và cung cách sáng tạo.

nobel2023

Lễ trao giải Nobel Văn học cho Jon Fosse, ở Stockholm, do Vua Carl XVI Gustaf trao ngày 10/12/2023. (Claudio Bresciani/TT News Agency)

Các tiêu chí trao giải Nobel văn chương tường gắn liền với tiêu chí hàng đầu : Đó là Văn Hóa Dân Tộc, và khi đọc tác phẩm của tác giả đạt giải, người ta thực sự được tắm mình trong bầu khí quyển văn hóa của dân tộc mà nhà văn đang là một phần của dân tộc ấy. Rất có thể bầu khí quyển văn hóa dân tộc phản ánh trong tác phẩm đầy màu xám xịt, u tối, đau đớn, quằn quại, ê chề... Nhưng từ sâu thẳm cái đống rác mà người ta phải nhìn thấy thông qua tác phẩm, người ta nhận ra cánh rừng, cánh đồng, vườn hoa, bầu trời, đám mây, bờ biển, dòng sông... và giọng nói trong trẻo của con người, những con người đích thực đang bụm mũi, chịu đựng mùi thời đại để giữ căn cốt, để bảo vệ vườn hoa, cánh đồng, ngọn núi hay đám mây của họ.

Những điều ấy, không phải ai cũng dám viết, và nó càng xa lạ với nhà văn Việt Nam.

Khi bước vào nghiệp cầm bút, chắc chắn một điều là người cầm bút đang tự đánh cược cuộc đời của mình với cái hư không. Bởi từ cái hư không ấy không cho người cầm bút bất kì tiếng vọng nào về danh, lợi, tình cả. Nó chẳng thể hứa với người cầm bút về bữa cơm no của gia đình, càng không hứa với người cầm bút về sự nổi tiếng trong tương lai, và tình yêu, hầu hết các nhà văn đều trải qua cơn đau tan nát cõi lòng bởi sự ruồng bỏ của đời sống, bởi chẳng ai chấp nhận yêu nghèo hay chơi với nghèo, càng chẳng mấy ai thích giao du với kẻ không có tí quyền lực nào trong tay, nếu có chăng là quyền lực chữ nghĩa, mà đó lại là thứ quyền lực tai hại nhất trong đời sống kim tiền, trong xã hội thực dụng. Chính vì vậy, cầm bút, dấn thân theo nghiệp văn chương là đang đánh bạc với tương lai, với số phận. Và một khi đã đánh bạc, ai cũng mong mỏi thắng, ai cũng mong ít nhất là được huề vốn hoặc được chút lãi. Nhà văn trở thành con bạc của tương lai.

Ai mơ tưởng danh, lợi tình nhiều nhất? Thì nhà văn chứ còn ai vào đây nữa, bới nếu không vì danh lợi tình, thì chọn công việc phụ hồ, chọn bán trái cây, bán vé số, làm công nhân hoặc làm những công việc thường nhật, theo năng lực và phân bổ xã hội, hà cớ gì phải hí hoáy vật lộn với chữ để làm nên những sản phẩm mà giá trị thực dụng của nó hầu như rất thấp! Vì cái danh lợi tình sâu thẳm, xa xôi nào đó trong cõi vô tưởng mà người ta viết, người ta chọn đánh bạc với số phận. Và khi đã va chạm đỏ đen, người ta bắt đầu nếm thất bại, cay đắng và hiểu, ngộ ra một thứ gì đó đằng sau mọi nỗi cay đắng. Chính vì vậy mới có nhiều, rất nhiều nhà văn thỏa hiệp với thực tại, thỏa hiệp với cái danh lợi tình thấy được bằng những trang văn chính thống, bằng sự tung hê, bằng những tràn vỗ tay tập thể, bằng những quả nhuận bút tươi rói, bằng những khẩu phần ăn cao cấp và những phần ưu đãi từ quyền lực. Lúc đó, người ta sẽ dễ dàng ung dung trên sự hào nhoáng ấy để cười khẩy về sự thực dụng, ảo tưởng, ham muốn danh lợi tình của kẻ cầm bút. Đó là sự thật, người ta thường tỏ ra cao ngạo và liêm khiết sau khi đã nếm đầy đủ mọi giá trị vật dục nằm trong chuỗi lên án của họ.

Và lúc ấy, câu hỏi của người viết văn sẽ là : đất nước này, dân tộc này, con người xã hội này cần đọc những gì? Ta phải làm gì để mang lại năng lượng tích cực cho dân tộc này ? Ta phải viết như thế nào để phù hợp với thị hiếu đại chúng ? Đó là những câu hỏi thường thấy của các nhà văn (có thể là hội viên, cũng có thể nằm ngoài hội nhà văn Việt Nam). Các động cơ xoay quanh những câu hỏi này cho sáng tác nhằm mục đích bảo đảm cho một câu hỏi khác được trả lời khả dĩ : Viết cái này có an toàn không? Và câu trả lời của hầu hết các nhà văn cần là an toàn, cho cả hai phía.

Bởi lịch sử Việt Nam có gì đó mang bóng dáng của lịch sử Hàn Quốc, cũng có hai miền Bắc - Nam và cho đến thời điểm này, Hàn Quốc vẫn hai miền phân biệt rạch ròi, miền Bắc phát triển theo hướng cộng sản xã hội chủ nghĩa, miền Nam phát triển theo hướng Tư Bản tự do. Và, đất nước phát triển theo hướng tư bản tự do đã đạt được một số thành tựu văn hóa, văn học, điện ảnh đáng kể, bù cho miền Bắc phát triển hạt nhân cao đến mức người ta sợ xứ sở này ăn vạ bất kì giờ nào.

Việt Nam thì khác, sự trộn lẫn hai miền sau 1975 đến nay dường như cho ra đời những nồi lẩu thập cẩm văn hóa không giống ai và cũng có thể là khá ngon miệng. Nhưng, cũng có một miền Nam tự do khác đang lưu lạc xứ người, và, trong cái miền Nam tự do lưu lạc xứ người ấy, có một thứ gì đó khiến cho người ta vẫn chưa thể bứt thoát khỏi bản thân trong lĩnh vực văn chương, bù cho các lĩnh vực khác thành tựu đã rất cao. Trong lĩnh vực văn chương, có một Nguyễn Thanh Việt, một Linda Lê, một Ocean Vương và một vài cái tên nổi trội nhưng vẫn chưa nói lên điều gì. Giả sử, cần một ứng viên gốc Việt cho Nobel văn chương thì miền Nam tự do đang lưu lạc sẽ có nhiều cái tên để đề cử, còn việc chọn một cái tên Việt Nam, tác giả trong nước cho Nobel văn chương thì hơi khó, bởi việc phản ánh tự tình, văn hóa, sắc diện dân tộc của tác giả luôn gắn với màu sắc chủ nghĩa và sự sợ hãi mơ hồ nào đó, hoặc giả cái bóng của danh lợi tình. Bởi nói cho cùng, hình như nhà văn cũng thèm ăn ngon, thèm mặc đẹp và càng thèm muốn ái dục chẳng kém nhà lãnh đạo, nếu không nói là sự thèm muốn này luôn được giấu trong lớp vỏ bọc mỹ cảm nhân văn. Đây chính là sự mất tự do đầu tiên và cuối cùng của một người cầm bút, họ sợ cô đơn, sợ nghèo đói, sợ mất quyền lực (dù chẳng có quyền lực gì trong tay) và luôn hướng đến sự thanh liêm, cao cả trong quyền lực và sung túc.

Đây cũng là câui trả lời cho rất nhiều hội viên, nhà văn sống cuộc đời sung túc, trưởng thượng và khinh bạc nhưng hầu như khó để tìm ra một tác phẩm nào của họ có thể coi là lớn, là một thứ gì đó khiến người ta phải giải mã nhiều lần vẫn chưa nhìn thấy hết lớp nghĩa bên dưới ngôn từ. Dường như việc khai thác tình dục, lên án cái xưa cũ, hủ nút, bàn luận về cái chết và nâng niu cái đẹp trở thành công thức chung của người cầm bút xứ Việt. Thi thoảng có người bứt phá, sự bứt phá trong khuôn khổ an toàn khiến cho nhà văn tiến thêm một bước trong việc viết lách thuận lợi và chạm đến quyền lực chữ nghĩa trong xã hội. Nhưng nếu bàn đến một thứ gì đó thuộc về văn chương đích thực thì có lẽ phải dùng đến thủ thuật phê bình và kiếu cách uốn lượn của người mỗ chữ để nói. Điều này nhanh chóng tạo ra công/kĩ nghệ văn chương trong một môi trường văn chương cơ chế và qui trình.

Trong một môi trường văn chương cơ chế và qui trình, sẽ có rất nhiều nhà văn lớn phủ bóng xuống đại bộ phận xã hội trong sự tung hê và vỗ tay của rất nhiều nhà phê bình, nhà văn đồng chí... nhưng nó không để lại cho thế giới văn chương tiếng nói và màu sắc của nó được.

Bởi văn chương là tiếng nói cất lên từ bản thể cô đơn và rất có thể, nó cất mãi chẳng có hồi đáp, cho đến khi nó chạm Nobel. Và đó là một lựa chọn - Cô Đơn. Nhưng không phải người cầm bút nào lựa chọn Cô Đơn cũng đều chạm Nobel hay các giải thưởng danh giá. Nhưng chí ít, Lựa Chọn Cô Đơn là tiêu chuẩn đầu tiên để bước vào cánh cửa văn chương đích thực, và đủ tư cách để mua vé vào thăm ngôi đền Nobel.

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 12/10/2024

Additional Info

  • Author Viết từ Sài Gòn
Published in Diễn đàn

"Bằng những cảm xúc dạt dào, văn chương của ông (Kazuo Ishiguro) đánh thức góc sâu thẳm, huyền bí trong chúng ta về mối liên hệ với thế giới"… "Hãy lấy một chút từ Jane Austen, một chút từ Franz Kafka, thêm một phần của Marcel Proust và bạn có được điều gì đó giống phong cách viết của Kazuo Ishiguro". Bằng những từ ngữ trên, Viện Hàn Lâm Thụy Điển nhận xét về tân khôi nguyên Nobel Văn Học 2017, nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro.

nobel1

Nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro, tân khôi nguyên Nobel Văn Học 2017, trả lời phỏng vấn bên ngoài nhà riêng tại Luân Đôn, ngày 05/10/2017. Reuters/Toby Melville

Theo cha mẹ đến Anh Quốc từ năm 6 tuổi, Kazuo Ishiguro (sinh ngày 08/11/1954 tại Nagasaki) chưa từng nghĩ một ngày sẽ theo nghiệp văn chương. Ông từng mơ biểu diễn ghi-ta trên sân khấu nhạc rock hơn là cầm bút, vì 5 tuổi, cậu bé Kazuo đã biết chơi piano và 14 tuổi, đã chơi thành thạo ghi-ta.

Suốt thời thanh niên trong những năm 1970, Kazuo Ishiguro không đoái hoài đến văn chương vì "có rất ít nhà văn gây phấn khích, ngoài Kerouac và Beat Generation", như ông từng thổ lộ với tạp chí L’Express năm 1997 khi giới thiệu với độc giả Pháp cuốn The Unconsoled (tạm dịch : Kẻ không khuây khỏa).

Cuối cùng, ông chọn con đường văn chương khi bắt đầu "đối chiếu giữa cuộc sống ở Anh với nhiều sự kiện diễn ra trong nước Nhật ngày trước. Năm 23 tuổi, tôi muốn trưởng thành và muốn làm sống lại ký ức của quê hương mình mà tôi có cảm giác đang biến mất" (L’Express, 1997).

Tốt nghiệp trường đại học Kent năm 1978 và nhận bằng thạc sĩ khóa sáng tác văn chương của trường đại học East Anglia năm 1980, ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 1982 với tác phẩm đầu tay A Pale View of Hills (tạm dịch : Những ngọn đồi xa mờ), đoạt giải thưởng Winifred Holtby của Viện Văn Học Hoàng gia Anh, tiếp theo là An Artist of the Floating World (1986). Cả hai tác phẩm gợi lại một nước Nhật thời hậu chiến, chật vật đứng lên từ đống đổ nát, về số phận của các nhân vật bị coi là "phản quốc".

Từ đó đến nay, ông viết thêm nhiều cuốn tiểu thuyết khác, với chất lượng khá ổn định : The Remains of the Day (tạm dịch : Tàn dư ngày ấy, 1989, đoạt giải Booker), The Unconsoled (tạm dịch : Kẻ không khuây khỏa, 1995), When We Were Orphans (tạm dịch : Khi chúng ta mồ côi, 2000), Never Let Me Go (Mãi đừng xa tôi, 2005) và The Buried Giant (Người khổng lồ ngủ quên, 2015) và một tập truyện ngắn Nocturnes : Five Stories of Music and Nightfall (Dạ khúc : Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông, 2009).

Cuốn tiểu thuyết Never Let Me Go (Mãi đừng xa tôi) được Time Magazine xếp vào danh sách 100 cuốn sách tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến năm 2005. The Remains of the Day được James Ivory chuyển thể thành phim cùng tên năm 1993 với hai diễn viên chính Anthony Hopkins vào vai quản gia Stevens tận tụy, lịch thiệp chấp nhận chối bỏ và chôn sâu cả tình yêu thầm lặng với cô Kenton (Emma Thompson) dành cho ông. Năm 2010, khát khao tình yêu, hạnh phúc trong thế giới "giả tưởng" của ba nhân vật Kathy, Ruth và Tommy có chung một số phận được định đoạt trong Mãi đừng xa tôi được Mark Romanek đưa lên màn ảnh nhỏ.

Hai tác phẩm được chuyển thể thành phim này cùng với cuốn The Unconsoled nằm trong danh sách ba tác phẩm cần đọc, theo nhật báo Le Figaro, nhân dịp công bố tân khôi nguyên Nobel Văn Học 2017.

nobel2

Bìa ba tác phẩm của nhà văn Kazuo Ishiguro được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam. RFI / Tiếng Việt

Tác phẩm của Kazuo Ishiguro : 10 năm có mặt tại Việt Nam

Riêng tại Việt Nam, tiểu thuyết gia Kazuo Ishiguro không phải là một tên tuổi xa lạ. Ba trong số tám tác phẩm của ông đã được Nhà xuất bản Nhã Nam kết hợp với Hội Nhà Văn biên dịch và phát hành : Mãi đừng xa tôi, Dạ khúc : Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông, Người khổng lồ ngủ quên.

Trả lời RFI tiếng Việt, anh Nguyễn Xuân Minh, phụ trách bản quyền của Nhã Nam, giải thích thêm về tân khôi nguyên Nobel Văn Học 2017.

RFI : Nhà xuất bản Nhã Nam dịch và phát hành ba tác phẩm của nhà văn Kazuo Ishiguro từ cách đây vài năm, dĩ nhiên trước khi ông được trao giải Nobel Văn Học 2017. Những điểm nổi bật nào của nhà văn Anh gốc Nhật đã thu hút Nhã Nam ?

Nguyễn Xuân Minh : Tác phẩm đầu tiên của Kazuo Ishiguro mà Nhã Nam xuất bản là tác phẩm Mãi đừng xa tôi, không phải là vài năm trước mà là 10 năm trước, từ những năm đầu tiên Nhã Nam mới thành lập. Sau đó, đến năm 2015, chúng tôi ra tiếp một tập truyện ngắn của ông tên là Dạ khúc : Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông. Và gần đây nhất, chúng tôi mới ra tác phẩm, và cũng là tác phẩm mới nhất của ông, Người khổng lồ ngủ quên.

Tác giả này đã được Nhã Nam khai thác từ những năm đầu tiên. Vì khi đó chúng tôi có quan niệm muốn giới thiệu những tác giả văn chương đương đại, có phong cách đặc biệt, đến với độc giả Việt Nam, bởi vì khi đó, thị trường sách văn học Việt Nam, trong thời điểm 10 năm trước, không được phong phú như bây giờ. Chúng tôi cảm thấy cần có trách nhiệm giới thiệu những tác giả xuất sắc của văn chương thế giới, như Ishiguro, Ian McEwan, Salman Rushdie, Margaret Atwood và Mugakami đến với độc giả Việt Nam.

Khi đó, cùng với Ian McEwan, Ishiguro là một trong hai tác giả người Anh mà chúng tôi lựa chọn, vì chất văn chương rất đặc trưng của nước Anh. Dù ông là người gốc Nhật, nhưng ảnh hưởng của gốc gác đối với văn chương của ông không nhiều, mà ông viết rất đặc trưng chất Anh. Chính vì thế, chúng tôi đã muốn giới thiệu tác giả này với độc giả Việt Nam từ 10 năm trước.

RFI : Có nhiều ý kiến cho rằng văn phong của Kazuo Ishiguro mang phong cách cổ điển, đôi khi quá trau chuốt về câu chữ. Liệu điều này có phải là một trở ngại để thu hút nhiều độc giả Việt Nam hơn, khi mà hiện nay nhiều tác phẩm được viết với phong cách nhẹ nhàng đang rất "ăn khách" ?

Nguyễn Xuân Minh : Về mặt đón nhận, khi chúng tôi xuất bản Mãi đừng xa tôi lần đầu tiên, chúng tôi nhận được nhiều lời khen và nhận xét tích cực từ giới phê bình và độc giả yêu văn chương. Tuy nhiên, cũng như nhiều tác giả văn chương đương đại khác rất nổi tiếng trên thế giới, khi mà xuất bản tại Việt Nam, các tác phẩm này đều khá kén chọn độc giả và không phải có nhiều người biết đến tác phẩm Mãi đừng xa tôi. Một phần cũng do khi đó, công tác truyền thông của Nhã Nam chưa tốt lắm nên chúng tôi lấy làm tiếc là không có nhiều người biết đến tác phẩm này. Đấy cũng là một phần nguyên nhân khiến chúng tôi đã không nghĩ đến xuất bản tiếp các tác phẩm của Ishiguro.

Đến năm 2013-2014, chúng tôi nhận được một vài tác phẩm mới do người đại diện của tác giả gửi đến, vì Nhã Nam là đơn vị đầu tiên xuất bản Ishiguro tại Việt Nam, nên khi có tác phẩm mới, họ gửi đến. Chúng tôi đọc thử và cảm thấy là văn phong và câu chuyện của ông đều rất tuyệt vời và chúng tôi nghĩ là không thể không tiếp tục xuất bản, nên chúng tôi tiếp tục mua bản quyền thêm ba cuốn của Ishiguro : Dạ Khúc, Người khổng lồ ngủ quên và cuốn nổi tiếng nhất của ông là cuốn được giải Booker là The Remains of Day, tạm dịch là Tàn dư ngày ấy. Cuốn này là cuốn đạt giải cao nhất của ông và khá dầy và tương đối khó dịch nên chúng tôi hy vọng có thể xuất bản được vào năm 2018.

RFI : Độc giả Việt Nam đón nhận các tác phẩm của nhà văn Anh gốc Nhật này như thế nào ?

Nguyễn Xuân Minh : Trước khi ông được giải Nobel, cũng có một bộ phận độc giả yêu văn chương nước ngoài, yêu văn chương Anh rất thích tác phẩm này (Xin đừng xa tôi) và cũng có nhiều người đã gửi thư và gửi tin nhắn cho chúng tôi, yêu cầu chúng tôi xuất bản thêm các tác phẩm của ông. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trước là văn chương của ông khá kén độc giả. Con số bán hàng ở Việt Nam cho thấy chưa phải là có nhiều người thực sự đọc và yêu thích Ishiguro.

Thực ra, mỗi khi có một cuốn sách quan trọng được xuất bản, chúng tôi đều cố gắng tổ chức chương trình tọa đàm, những buổi ra mắt để giới thiệu sách đến với độc giả. Ví dụ khi cuốn Mãi đừng xa tôi được xuất bản lần đầu, chúng tôi cũng có một buổi tọa đàm, giới thiệu tác phẩm này ở Hội Đồng Anh (Hà Nội). Có khá đông đảo phóng viên và bạn đọc đến tham dự buổi ra mắt này. Buổi đó khá là lớn.

Sau khi ông được giải Nobel, tất nhiên chúng tôi hy vọng rằng cuốn sách này sẽ được nhiều độc giả biết đến hơn và được đọc rộng rãi ở Việt Nam.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 06/10/2017

***

- Kazuo Ishiguro (dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng), Mãi đừng xa tôi, Nhà xuất bản Văn Học, Nhã Nam, 2013, 434 trang.

- Kazuo Ishiguro (dịch giả An Lý), Dạ khúc : Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông, Nhà xuất bản Nhã Nam, 2013, 294 trang.

- Kazuo Ishiguro (dịch giả Lan Young), Người khổng lồ ngủ quên, Nhà xuất bản Văn học, Nhã Nam, 2017, 460 trang.

Published in Văn hóa

Hermann Hesse là một trong những nhà văn hiện thực phê phán lớn của văn học Đức thế kỷ XX và cũng là một trong những nhà văn có tác phẩm được đọc nhiều nhất trên thế giới. Ông nhận giải Nobel văn học vì những tác phẩm mang đậm truyền thống nhân đạo cổ điển, thể hiện bằng một văn phong súc tích. Nhiều tác phẩm của ông được cả bạn đọc phương Tây và phương Đông yêu thích.

Dấu ấn của những tác phẩm đặc sắc

Văn hào lỗi lạc người Đức Hermann Hesse sinh ngày 2/7/1877 tại Đức. Cha mẹ ông đều là những nhà truyền giáo từng làm nhiệm vụ ở Ấn Độ, còn ông ngoại là nhà nghiên cứu nổi tiếng về Ấn Độ, bởi vậy tư tưởng của Hesse chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo.

Cảnh gia đình trí thức ngoan đạo với sự pha trộn của nhiều nền văn hoá khác nhau ảnh hưởng rất sâu đậm trong con người nhà văn Hermann Hesse. Tâm hồn ông luôn chuyển động giữa hai cực Đông - Tây để đi tìm một nhân loại thuần khiết, một nhân loại sống trong cảnh bình yên.

Hermann Hesse khởi nghiệp sáng tác bằng thơ ca năm 1898, với tập thơ "Romantische Lieder" (Các bài hát lãng mạn). Tuy nhiên, tên tuổi ông được biết đến nhiều hơn qua các tiểu thuyết "Peter Camenzind", "Demien", "Steppenwolf" (Sói đồng hoang), "Siddhartha" và "Das Glasperlenspiel" (Trò chơi với chuỗi hạt cườm). Con đường sáng tác của Hesse đi từ tình cảm cô đơn và nỗi buồn lãng mạn của cuối thế kỷ XIX đến tầm nhìn xa trông rộng, có trách nhiệm đối với xã hội ở thế kỷ XX, ước mơ và tin chắc vào tương lai tốt đẹp hơn của con người.

Undatierte Aufnahme des deutschen Schriftstellers Hermann Hesse bei der Lektüre in seinem Arbeitzimmer in Montagnola. Hesse wurde am 2. Juli 1877 in Calw/Württemberg geboren und verstarb am 9. August 1962 in Montagnola/Schweiz. 1946 wurde er mit dem Nobel

Nhà văn Hermann Hesse.

Cuốn tiểu thuyết được chú ý đầu tiên của ông là "Peter Camenzind" (1904) có ít nhiều tính chất tự truyện : một người nguồn gốc tầm thường, có tài và có nhiều hoài bão, không thích nghi được với xã hội tư sản và đời sống thành phố, đành trở về sống ở quê nhà. Đây là một tiểu thuyết giáo dục rất hấp dẫn bạn đọc đương thời.

Tiểu thuyết "Demien" (1919) viết về tình trạng rối loạn của thanh niên tư sản. Đây là tác phẩm đã khiến rất nhiều độc giả thanh niên say đắm. Cuốn sách từng được chuyển ngữ sang tiếng Việt với nhan đề "Tuổi trẻ băn khoăn".

Hermann Hesse từng viết "Cái đẹp chỉ có thể sinh ra từ những giấc mơ điên rồ". Có lẽ xuất phát từ quan điểm đó nên càng trưởng thành, văn chương của Hermann càng đầy ắp những ý tưởng sáng tạo điên rồ, vượt khỏi mọi đường biên của ý thức thông thường.

"Sói thảo nguyên" được xem là một cuốn sách đặc biệt của Hermann Hesse. Đây là tác phẩm được sinh ra trong bối cảnh nước Đức vừa trải qua Thế chiến thứ nhất, đồng thời khi ấy Hermann Hesse cũng phải hứng chịu nhiều bất hạnh cá nhân trước khi bắt đầu sáng tác. Cuốn sách được dẫn dắt dưới dạng một tập bản thảo được viết bởi của nhân vật chính - người đàn ông trung niên tên là Harry Haller. 

Hesse đã tạo nên một tác phẩm đầy xung đột, nhưng đồng thời phóng khoáng bởi sự pha trộn giữa tính hài hước châm biếm và chất thơ trong việc xử lí chủ đề. "Sói thảo nguyên" phản ánh cuộc đấu tranh nội tâm của tác giả với thái độ phê phán khía cạnh tha hóa đạo đức của văn minh phương tây.

Những sáng tác sau "Sói thảo nguyên" có thể coi là giai đoạn tự vấn quyết liệt cũng như phơi bày một hành trình trưởng thành đầy nghiệt ngã của bản thân con người.

Bị cuốn hút bởi sự thông thái của người Ấn Độ ngay thời thơ ấu, nên khi trưởng thành, ông du lịch tới đất nước mà ông hằng mong mỏi. Tuy nhiên ông đã không tìm được lời giải đáp cho những bí ẩn của đời sống ở đây. Nhưng Phật giáo đã ảnh hưởng tới tư tưởng của ông, một ảnh hưởng hoàn toàn không chỉ giới hạn ở "Siddhartha", câu chuyện đẹp đẽ về cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trên trái đất của chàng tín đồ Bà la môn trẻ tuổi. Chân lý cuối cùng anh ngộ được là yêu thương cuộc sống, yêu thương thế giới.

Ở tiểu thuyết vĩ đại cuối cùng "Trò chơi với chuỗi hạt cườm", Herman Hesse đã đặt con người vào một bối cảnh tương lai, thế kỷ 25. Ở đó, sự phát triển của con người không gắn liền với sự phát triển của đời sống. Mọi giới hạn về đời sống vốn có bị phá vỡ. Nó tồn tại giống như một trò chơi trật tự, và nhân vật chính, Joseph Knecht, là vật chủ trong trật tự ấy.

Ngay cả các truyện ngắn mà Hesse gọi là "cổ tích" như "Huệ tím", "Bèo tím và nụ hồng", "Bích thảo hóa thân"..., cũng được sáng tạo bằng sự tưởng tượng phong phú, đầy chất thơ, sự biến hóa đầy tính huyền thoại. Những truyện của ông dù là "cổ tích" nhưng đều không diễn ra theo nghệ thuật truyền thống : các nhân vật của ông không đi tìm kho báu hay lên ngôi vua, trở thành ông hoàng bà chúa, mà đuổi theo một lý tưởng thoát tục, một lý tưởng hành động, nuôi ý chí lên đường đi tìm chân lý.

Nơi gặp gỡ và giao lưu của hai nền văn hóa Đông Tây

Có thể khẳng định : Hermann Hesse là đại diện tiêu biểu cho nền văn học nhân đạo - tư sản Đức. Toàn bộ tác phẩm của thi hào Hermann Hesse, dù đó là thơ hay tiểu thuyết, tạp văn hay truyện ký, đều là tấm gương phản chiếu một giai đoạn lịch sử quan trọng của nước Đức và của Châu Âu cuối thế kỷ XIX đến 60 năm đầu thế kỷ thứ XX. Qua đó, người đọc cảm nhận một gương mặt nhân hậu, đầy tình yêu thương con người, một tiếng nói sắc sảo chống xã hội tư bản. 

So với các thế hệ văn hào Đức, ở Hermann Hesse có một nét rất riêng biệt, nếu không nói là đặc sắc : ông và tác phẩm của ông là điểm hẹn, là nơi gặp gỡ và giao lưu của hai nền văn hóa Đông Tây trên cả hai phương diện : nội dung và nghệ thuật.

Đó là sự hòa nhập nội tâm, một sự dấn thân mang tính tất yếu làm cho ông trở nên thật sự độc đáo và riêng biệt. 

Đó là sự tiếp thu có chọn lọc, có suy nghĩ, có thể nghiệm công phu của ông. Hình như ông còn cảm nhận hơn những người Á Đông nét chủ yếu trong lối nhìn Đông phương : không phải yếu thế, mặc cảm mà là lạc quan, cứu rỗi, tự nhiên. Sự hóa kiếp là một tiếng reo vui bất tử, là chiến thắng mọi lo âu già cỗi, mỗi phút ngắm hoa là một lần chứng ngộ chân lý, mỗi chút yêu người quên mình là một hiện thực niết bàn hạnh phúc, và làm thơ là con đường vượt thời gian hay ngậm thời gian cả quá khứ, hiện tại, vị lai vào trong chốn bất diệt...

Miệt mài nghiên cứu, học tập, tiếp thu các nền văn hóa, song trước sau ông vẫn là một nhà văn người Đức, đã thổi vào văn học Đức, văn học Châu Âu một luồng sinh khí mới, không máy móc, khuôn sáo ; đằng sau những bóng dáng quen thuộc vẫn lung linh những gương mặt, những tiếng nói cao quý và mới mẻ hơn. 

Qua những tập truyện ngắn, tiểu thuyết, tập thơ của ông, dường như người phương Đông và người phương Tây vẫn có những "tri âm", rất gần gũi và không ngừng bổ sung cho nhau. Ngoài nội dung, ông còn mang đến cho độc giả nước mình một thứ tư duy mới, tư duy hình tượng phong phú, đầy âm thanh, màu sắc. Từ ngôn ngữ, từ vựng Đức, ông đã cho xuất hiện những hình ảnh của vạn vật, những chân trời thấp thoáng gió và cỏ cây, nắng và sóng biển... Tất cả đều dào dạt, ngân vang trong một thứ hành văn đầy chất thơ, những câu thơ văn xuôi có vần, đọc lên người ta như muốn hát, muốn thả tâm hồn bay bổng.

Năm 1946, Hermann Hesse được tặng Giải Nobel Văn học. Ông cũng là tác gia Đức được đọc và dịch nhiều nhất. Hơn 100 triệu bản sách của ông được bán khắp trên thế giới. Nhiều tác phẩm của Hermann Hesse đã được dịch sang tiếng Việt, trong đó có những cuốn có 2 bản dịch khác nhau và có cuốn được tái bản đến 5 lần.

Ông mất ngày 9/8/1962 ở Thụy Sĩ, nơi ông định cư từ năm 1923. Để tưởng nhớ Hermann Hesse đã có 2 giải thưởng lớn mang tên ông : Giải thưởng Hermann Hesse và giải thưởng văn học Hermann Hesse.

Mạnh Cường (tổng hợp)

***********************

Hermann Hesse : Dòng sông chảy mãi trong trần gian

Hermann Hesse đã từng viết : "Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này".

Cuộc đời ông đã trải qua vô vàn những thăng trầm đau đớn, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tạo. Năm 1946 ông được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học.

Cuộc đời giữa nhiều dòng văn hóa

Hermann Hesse là tác gia hiện đại nổi tiếng của Đức, ông sinh ngày 2/7/1877 ở Calw vùng Württemberg (Đức) và mất ngày 9/8/1962 ở Montagnola (Thụy Sĩ).

Cha của ông đã sống ba năm ở Ấn Độ với tư cách là nhà truyền giáo, mẹ ông là con gái của nhà truyền giáo, nhà Ấn Độ học, tiến sĩ Hermann Gundert - một người có học vấn uyên thâm về Ấn Độ và có riêng một thư viện lớn.

Cảnh gia đình trí thức ngoan đạo với sự pha trộn của nhiều nền văn hoá khác nhau ảnh hưởng rất sâu đậm trong con người nhà văn Hermann Hesse. Tâm hồn ông luôn chuyển động giữa hai cực Đông - Tây để đi tìm một nhân loại thuần khiết, một nhân lọai sống trong cảnh bình yên.

hess2

Nguồn gốc gia đình khiến Hermann Hesse từ nhỏ đã luân chuyển giữa hai giá trị văn hóa phương Đông và phương Tây. 

Ta luôn thấy trong nhiều tác phẩm của ông những kỷ niệm thời thơ ấu của nhà văn. Năm 1890 ông học Trường La Tinh. Năm 1891, ông học thần học. Ông bỏ học do thấy mình không thích hợp với nghề làm giáo sĩ, rồi 1892 ông học nghề buôn bán sách. 1899-1904, ông sống ở Bael (Thụy Sĩ) và mở hiệu sách cũ.

Từ 1904, ông sống ở Gaienhofen bên bờ hồ đẹp như mộng là Bodensee (bên này hồ thì thuộc về Đức, bên kia hồ thuộc Thụy Sĩ) và chuyển sang viết văn chuyên nghiệp. Ngán cảnh náo nhiệt của thời cuộc nên năm 1912, Hermann Hesse sang Thụy Sĩ, nhập quốc tịch và bắt đầu sự nghiệp sáng tác đầy thăng trầm nhưng nhiều thành tựu vĩ đại ở đất nước này.

Tuổi trẻ băn khoăn

Cuốn tiểu thuyết được chú ý đầu tiên của Hermann Hesse là Peter Camenzind (1904) có ít nhiều tính chất tự truyện: một người nguồn gốc tầm thường, có tài và có nhiều hoài bão, không thích nghi được với xã hội tư sản và đời sống thành phố, đành trở về sống ở quên nhà. Đây là một tiểu thuyết giáo dục (bildungsroman) rất hấp dẫn bạn đọc đương thời.

Cuốn tiểu thuyết tiếp theo của ông, Demien (1919) viết về tình trạng rối loạn của thanh niên tư sản. Đây là tác phẩm đã khiến rất nhiều độc giả thanh niên say đắm. Cuốn sách từng được chuyển ngữ sang tiếng Việt với nhan đề Tuổi trẻ băn khoăn.

hess3

Văn chương của Hesse vừa đậm đà triết lý nhưng vẫn hấp dẫn người đọc.

Emil Sinclair trong Tuổi trẻ băn khoăn là một cậu bé được nuôi dưỡng trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Cậu lớn lên giữa một môi trường được mô tả là một Scheinwelt, trong lối chơi chữ nó có nghĩa là "thế giới ánh sáng", hoặc là "thế giới ảo giác".

Toàn bộ sự hiện diện của Emil có thể được tóm tắt như một cuộc đấu tranh giữa hai thế giới: thế giới ảo ảnh (khái niệm của người Hindu về giả tướng) và thế giới tâm linh siêu thực. Trong suốt diễn biến câu chuyện, được sự dẫn dắt và thúc đẩy của người bạn học cùng lớp bí ẩn - Max Demian, Emil đã thoát ly và chống lại những tư tưởng thiển cận của sắc giới (world of appearances) để cuối cùng nhận thức được bản ngã của chính mình.

Đây là giai đoạn trẻ tuổi đầy băn khoăn trăn trở nhưng cũng mang đậm dấu ấn lãng mạn phong nhiêu của văn chương Hermann Hesse.

"Sói thảo nguyên" và quá trình trưởng thành của một con người

Trong thư gửi Thomas Mann, tác giả Hermann Hesse từng viết “Cái đẹp chỉ có thể sinh ra từ những giấc mơ điên rồi". Có lẽ xuất phát từ quan điểm đó nên càng trường thành, văn chương của Hermann càng đầy ắp những ý tưởng sáng tạo điên rồ, vượt khỏi mọi đường biên của ý thức thông thường.

Sói thảo nguyên được xem là một cuốn sách đặc biệt của Hermann Hesse. Đây là tác phẩm được sinh ra trong bối cảnh nước Đức vừa trải qua Thế chiến thứ nhất, đồng thời khi ấy Hermann Hesse cũng phải hứng chịu nhiều bất hạnh cá nhân trước khi bắt đầu sáng tác.

Cuốn sách được dẫn dắt dưới dạng một tập bản thảo được viết bởi của nhân vật chính - người đàn ông trung niên tên là Harry Haller. Từ ấy, tác giả liên tục đẩy nhân vật vào những giấc mơ tưởng, trò chơi dữ dội, để đi đến cùng là sự tri nhận về bản ngã của bản thân và thế giới.

hess4

Sói thảo nguyên - Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Hermann Hesse.

Những sáng tác sau Sói thảo nguyên có thể coi là giai đoạn tự vấn quyết liệt cũng như phơi bày một hành trình trưởng thành đầy nghiệt ngã của bản thân con người.

Ở tiểu thuyết vĩ đại cuối cùng Das Glasperlenspiel (Trò chơi hạt thủy tinh), Herman Hesse đã đặt con người vào một bối cảnh tương lai, thế kỷ 25. Ở đó, sự phát triển của con người không gắn liền với sự phát triển của đời sống. Mọi giới hạn về đời sống vốn có bị phá vỡ. Nó tồn tại giống như một trò chơi trật tự, và nhân vật chính, Joseph Knecht, là vật chủ trong trật tự ấy.

Trước đây, Thomas Mann đã từng cho biết Hesse là người rất ngưỡng mộ Kafka, ngay khi Kafka còn chưa nổi tiếng. Điều đó cũng không mấy ngạc nhiên, nếu độc giả để ý đến tên nhân vật chính trong Das Glasperlenspiel cũng là một J. K.: Joseph Knecht.

Das Glasperlenspiel là cuốn tiểu thuyết dài cuối cùng đầy đủ của Hermann Hesse. Nó được bắt đầu vào năm 1931 và được xuất bản ở Thụy Sĩ vào năm 1943 sau khi bị từ chối cho xuất bản ở Đức do quan điểm chống phát xít Hesse. Một vài năm sau đó, vào năm 1946, Hesse đã giành giải Nobel Văn học. Trong diễn văn tôn vinh tại lễ trao giải thưởng, Viện Hàn lâm Thụy Điển cho rằng cuốn tiểu thuyết "chiếm một vị trí đặc biệt" trong sự nghiệp của Hesse.

Hermann Hesse là một trong những nhà văn Đức có sách bán nhiều nhất thế giới ở thế kỷ 20, sách ông được in ra 150 triệu cuốn và dịch ra 60 thứ tiếng. Rất nhiều tác phẩm của ông đã dịch ra tiếng Việt như Câu chuyện dòng sôngNhà khổ hạnh và gã lang thangTuổi trẻ băn khoănSói thảo nguyênĐâu mái nhà xưaHuệ tím...

Để tưởng niệm Hesse hai giải thưởng văn chương được đặt theo tên ông: Giải thưởng Hermann Hesse và Giải thưởng văn học Hermann Hesse.

Phong Linh

Nguồn : news.zing.vn, 01/12/2016

Published in Văn hóa