Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/10/2024

Nobel, may mắn hay lựa chọn ?

Viết từ Sài Gòn

Đương nhiên một nhà văn được nhận Nobel văn chương phải là một nhà văn tài năng thực sự, cộng thêm yếu tố may mắn và, đó là một lựa chọn, nhưng không phải là lựa chọn giải Nobel, bởi đây là lựa chọn bất khả thể. Nhưng nhìn chung tiến trình hình thành và trao giải, riêng ở Nobel văn chương, khi nhìn vào tiểu sử các tác giả, có thể khẳng định đó là một Lựa Chọn. Vấn đề lựa chọn ở đây nằm ở thái độ sống và cung cách sáng tạo.

nobel2023

Lễ trao giải Nobel Văn học cho Jon Fosse, ở Stockholm, do Vua Carl XVI Gustaf trao ngày 10/12/2023. (Claudio Bresciani/TT News Agency)

Các tiêu chí trao giải Nobel văn chương tường gắn liền với tiêu chí hàng đầu : Đó là Văn Hóa Dân Tộc, và khi đọc tác phẩm của tác giả đạt giải, người ta thực sự được tắm mình trong bầu khí quyển văn hóa của dân tộc mà nhà văn đang là một phần của dân tộc ấy. Rất có thể bầu khí quyển văn hóa dân tộc phản ánh trong tác phẩm đầy màu xám xịt, u tối, đau đớn, quằn quại, ê chề... Nhưng từ sâu thẳm cái đống rác mà người ta phải nhìn thấy thông qua tác phẩm, người ta nhận ra cánh rừng, cánh đồng, vườn hoa, bầu trời, đám mây, bờ biển, dòng sông... và giọng nói trong trẻo của con người, những con người đích thực đang bụm mũi, chịu đựng mùi thời đại để giữ căn cốt, để bảo vệ vườn hoa, cánh đồng, ngọn núi hay đám mây của họ.

Những điều ấy, không phải ai cũng dám viết, và nó càng xa lạ với nhà văn Việt Nam.

Khi bước vào nghiệp cầm bút, chắc chắn một điều là người cầm bút đang tự đánh cược cuộc đời của mình với cái hư không. Bởi từ cái hư không ấy không cho người cầm bút bất kì tiếng vọng nào về danh, lợi, tình cả. Nó chẳng thể hứa với người cầm bút về bữa cơm no của gia đình, càng không hứa với người cầm bút về sự nổi tiếng trong tương lai, và tình yêu, hầu hết các nhà văn đều trải qua cơn đau tan nát cõi lòng bởi sự ruồng bỏ của đời sống, bởi chẳng ai chấp nhận yêu nghèo hay chơi với nghèo, càng chẳng mấy ai thích giao du với kẻ không có tí quyền lực nào trong tay, nếu có chăng là quyền lực chữ nghĩa, mà đó lại là thứ quyền lực tai hại nhất trong đời sống kim tiền, trong xã hội thực dụng. Chính vì vậy, cầm bút, dấn thân theo nghiệp văn chương là đang đánh bạc với tương lai, với số phận. Và một khi đã đánh bạc, ai cũng mong mỏi thắng, ai cũng mong ít nhất là được huề vốn hoặc được chút lãi. Nhà văn trở thành con bạc của tương lai.

Ai mơ tưởng danh, lợi tình nhiều nhất? Thì nhà văn chứ còn ai vào đây nữa, bới nếu không vì danh lợi tình, thì chọn công việc phụ hồ, chọn bán trái cây, bán vé số, làm công nhân hoặc làm những công việc thường nhật, theo năng lực và phân bổ xã hội, hà cớ gì phải hí hoáy vật lộn với chữ để làm nên những sản phẩm mà giá trị thực dụng của nó hầu như rất thấp! Vì cái danh lợi tình sâu thẳm, xa xôi nào đó trong cõi vô tưởng mà người ta viết, người ta chọn đánh bạc với số phận. Và khi đã va chạm đỏ đen, người ta bắt đầu nếm thất bại, cay đắng và hiểu, ngộ ra một thứ gì đó đằng sau mọi nỗi cay đắng. Chính vì vậy mới có nhiều, rất nhiều nhà văn thỏa hiệp với thực tại, thỏa hiệp với cái danh lợi tình thấy được bằng những trang văn chính thống, bằng sự tung hê, bằng những tràn vỗ tay tập thể, bằng những quả nhuận bút tươi rói, bằng những khẩu phần ăn cao cấp và những phần ưu đãi từ quyền lực. Lúc đó, người ta sẽ dễ dàng ung dung trên sự hào nhoáng ấy để cười khẩy về sự thực dụng, ảo tưởng, ham muốn danh lợi tình của kẻ cầm bút. Đó là sự thật, người ta thường tỏ ra cao ngạo và liêm khiết sau khi đã nếm đầy đủ mọi giá trị vật dục nằm trong chuỗi lên án của họ.

Và lúc ấy, câu hỏi của người viết văn sẽ là : đất nước này, dân tộc này, con người xã hội này cần đọc những gì? Ta phải làm gì để mang lại năng lượng tích cực cho dân tộc này ? Ta phải viết như thế nào để phù hợp với thị hiếu đại chúng ? Đó là những câu hỏi thường thấy của các nhà văn (có thể là hội viên, cũng có thể nằm ngoài hội nhà văn Việt Nam). Các động cơ xoay quanh những câu hỏi này cho sáng tác nhằm mục đích bảo đảm cho một câu hỏi khác được trả lời khả dĩ : Viết cái này có an toàn không? Và câu trả lời của hầu hết các nhà văn cần là an toàn, cho cả hai phía.

Bởi lịch sử Việt Nam có gì đó mang bóng dáng của lịch sử Hàn Quốc, cũng có hai miền Bắc - Nam và cho đến thời điểm này, Hàn Quốc vẫn hai miền phân biệt rạch ròi, miền Bắc phát triển theo hướng cộng sản xã hội chủ nghĩa, miền Nam phát triển theo hướng Tư Bản tự do. Và, đất nước phát triển theo hướng tư bản tự do đã đạt được một số thành tựu văn hóa, văn học, điện ảnh đáng kể, bù cho miền Bắc phát triển hạt nhân cao đến mức người ta sợ xứ sở này ăn vạ bất kì giờ nào.

Việt Nam thì khác, sự trộn lẫn hai miền sau 1975 đến nay dường như cho ra đời những nồi lẩu thập cẩm văn hóa không giống ai và cũng có thể là khá ngon miệng. Nhưng, cũng có một miền Nam tự do khác đang lưu lạc xứ người, và, trong cái miền Nam tự do lưu lạc xứ người ấy, có một thứ gì đó khiến cho người ta vẫn chưa thể bứt thoát khỏi bản thân trong lĩnh vực văn chương, bù cho các lĩnh vực khác thành tựu đã rất cao. Trong lĩnh vực văn chương, có một Nguyễn Thanh Việt, một Linda Lê, một Ocean Vương và một vài cái tên nổi trội nhưng vẫn chưa nói lên điều gì. Giả sử, cần một ứng viên gốc Việt cho Nobel văn chương thì miền Nam tự do đang lưu lạc sẽ có nhiều cái tên để đề cử, còn việc chọn một cái tên Việt Nam, tác giả trong nước cho Nobel văn chương thì hơi khó, bởi việc phản ánh tự tình, văn hóa, sắc diện dân tộc của tác giả luôn gắn với màu sắc chủ nghĩa và sự sợ hãi mơ hồ nào đó, hoặc giả cái bóng của danh lợi tình. Bởi nói cho cùng, hình như nhà văn cũng thèm ăn ngon, thèm mặc đẹp và càng thèm muốn ái dục chẳng kém nhà lãnh đạo, nếu không nói là sự thèm muốn này luôn được giấu trong lớp vỏ bọc mỹ cảm nhân văn. Đây chính là sự mất tự do đầu tiên và cuối cùng của một người cầm bút, họ sợ cô đơn, sợ nghèo đói, sợ mất quyền lực (dù chẳng có quyền lực gì trong tay) và luôn hướng đến sự thanh liêm, cao cả trong quyền lực và sung túc.

Đây cũng là câui trả lời cho rất nhiều hội viên, nhà văn sống cuộc đời sung túc, trưởng thượng và khinh bạc nhưng hầu như khó để tìm ra một tác phẩm nào của họ có thể coi là lớn, là một thứ gì đó khiến người ta phải giải mã nhiều lần vẫn chưa nhìn thấy hết lớp nghĩa bên dưới ngôn từ. Dường như việc khai thác tình dục, lên án cái xưa cũ, hủ nút, bàn luận về cái chết và nâng niu cái đẹp trở thành công thức chung của người cầm bút xứ Việt. Thi thoảng có người bứt phá, sự bứt phá trong khuôn khổ an toàn khiến cho nhà văn tiến thêm một bước trong việc viết lách thuận lợi và chạm đến quyền lực chữ nghĩa trong xã hội. Nhưng nếu bàn đến một thứ gì đó thuộc về văn chương đích thực thì có lẽ phải dùng đến thủ thuật phê bình và kiếu cách uốn lượn của người mỗ chữ để nói. Điều này nhanh chóng tạo ra công/kĩ nghệ văn chương trong một môi trường văn chương cơ chế và qui trình.

Trong một môi trường văn chương cơ chế và qui trình, sẽ có rất nhiều nhà văn lớn phủ bóng xuống đại bộ phận xã hội trong sự tung hê và vỗ tay của rất nhiều nhà phê bình, nhà văn đồng chí... nhưng nó không để lại cho thế giới văn chương tiếng nói và màu sắc của nó được.

Bởi văn chương là tiếng nói cất lên từ bản thể cô đơn và rất có thể, nó cất mãi chẳng có hồi đáp, cho đến khi nó chạm Nobel. Và đó là một lựa chọn - Cô Đơn. Nhưng không phải người cầm bút nào lựa chọn Cô Đơn cũng đều chạm Nobel hay các giải thưởng danh giá. Nhưng chí ít, Lựa Chọn Cô Đơn là tiêu chuẩn đầu tiên để bước vào cánh cửa văn chương đích thực, và đủ tư cách để mua vé vào thăm ngôi đền Nobel.

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 12/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Viết từ Sài Gòn
Read 82 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)