Chính sách ‘Nước Mỹ trở lại’ sẽ khôi phục vị thế của Mỹ ?
VOA, 06/02/2021
Chính sách ‘Nước Mỹ trở lại’ của Tổng thống Joe Biden, vốn đoạn tuyệt phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ của người tiền nhiệm Donald Trump, ‘sẽ giúp khôi phục lòng tin của các đồng minh để cùng nhau xử lý các thách thức chung’, một nhà quan sát chính trị nói với VOA.
Ông Joe Biden đã chọn Bộ Ngoại giao là nơi phát đi thông điệp về chính sách đối ngoại của ông
Trong bài diễn văn đầu tiên về chính sách đối ngoại tại Bộ Ngoại giao vào tối 4/2, ông Joe Biden nói sẽ ‘mở ra kỷ nguyên mới về đối ngoại’. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh truyền thống và khẳng định rằng các hoạt động ngoại giao của Mỹ có gốc rễ là ‘các giá trị dân chủ’.
Ông Biden cũng phác thảo đường hướng bốn năm tới của chính quyền ông đối với các đối thủ Nga và Trung Quốc. Đối với Moscow, ông có lời lẽ cứng rắn trong khi vẫn xem Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm nhất của Mỹ trên mọi mặt trận.
‘Tài sản, không phải gánh nặng’
Từ thủ đô Ottawa của Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát chính trị, nói với VOA rằng Thủ tướng Justin Trudeau chào đón các chính sách của ông Joe Biden.
Ông Khanh lưu ý ông Trudeau là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đã gọi điện chúc mừng ông Biden đắc cử Tổng thống và bản thân ông Biden cũng chọn ông Trudeau là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên để điện đàm sau khi ông vào Nhà Trắng.
Ông Khanh cho biết cách tiếp cận đơn phương ‘Nước Mỹ trên hết’ không quan tâm đến quan hệ đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump đã đẩy Canada vào thế khó xử. Tuy nhiên, ông cho rằng những rạn nứt giữa hai nước láng giềng trong bốn năm qua sẽ nhanh chóng được khắc phục dưới thời ông Joe Biden.
"Mỹ và Canada có liên hệ lịch sử chặt chẽ, gần gũi về văn hóa và chia sẻ các giá trị, an ninh và thịnh vượng chung", ông giải thích.
Trong bài diễn văn của mình, Tổng thống Biden cho rằng các mối quan hệ đồng minh của Mỹ ‘là một trong những tài sản lớn nhất của chúng ta’.
Luật sư Khanh đồng tình và cho rằng nhờ vào mối quan hệ liên minh này mà Mỹ và các nước phương Tây đã xây dựng được các định chế và nền tảng quan hệ quốc tế theo đuổi dân chủ và nhân quyền trong hơn 75 năm qua.
"Liên minh lúc nào cũng là một quyền lợi, một tài sản, thậm chí là một tài sản quý giá đối với những quốc gia chia sẻ giá trị với nhau chứ không phải là gánh nặng", ông khẳng định.
Nhà quan sát này lập luận rằng chính vì Mỹ rời bỏ đồng minh mà chính sách ‘Ấn Độ-Thái Bình Dương Mở và Tự do’ dưới chính quyền Trump không đi được đến đâu vì ‘sự hợp tác rất giới hạn’.
Tuy nhiên, ông cho rằng cách tiếp cận của ông Trump ‘dù sao cũng làm cho các đồng minh thức tỉnh và thấy rằng họ không thể tiếp tục dựa dẫm vào Mỹ’. "Các đồng minh châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương cần chia sẻ gánh nặng với Mỹ", luật sư Khanh nói.
"Mục đích của ông Trump không sai (các chính quyền trước Trump đều đã theo đuổi mục tiêu này), nhưng cách tiếp cận sai", ông Khanh phân tích. "Thay vì tìm cách đối thoại ông Trump lại làm cho tất cả các đồng minh bất mãn".
Ông Biden lưu ý trong diễn văn của mình rằng trong hai tuần qua, ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của nhiều đồng minh thân cận nhất của Mỹ, bao gồm Canada, Mexico, Anh, Đức và Pháp, để xây dựng lại các mối quan hệ mà ông cho là đã bị tổn hại trong bốn năm qua.
‘Giá trị dân chủ không dễ mất’
Cũng trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao, ông Biden nhấn mạnh việc bảo vệ tự do, duy trì các quyền phổ quát và tôn trọng pháp quyền là ‘những yếu tố không thể thiếu được đối với sức mạnh toàn cầu của Mỹ’.
"Sự kiện ngày 6/1 (những người ủng hộ ông Trump tấn công vào Điện Capitol – tượng đài của nền dân chủ Mỹ - để đòi thay đổi kết quả bầu cử) đã khiến những người yêu nước Mỹ, những người yêu tự do, dân chủ trên thế giới cảm thấy rất thất vọng, rất buồn", ông nói.
"Hình ảnh nước Mỹ đã bị lu mờ trước thế giới. Lòng dân Mỹ bị khủng hoảng, ly tán, chia rẽ", nhà quan sát chính trị quốc tế Vũ Đức Khanh giãi bày.
Trong khi đó, vẫn theo lời ông, Bắc Kinh và Moscow ‘đang tận dụng tất cả nguồn lực họ đang có để cho thế giới thấy rằng mô hình dân chủ của phương Tây là không phù hợp mà chỉ có mô hình chuyên chế của họ mới phù hợp’.
Với việc ông Biden nhấn mạnh trở lại vào các giá trị dân chủ và nhân quyền, ông Khanh cho rằng đó là sự quay trở lại với một trong bốn trụ cột của ngoại giao Mỹ xưa nay vốn đã bị suy yếu đi dưới thời ông Trump.
Bài toán thử thách đầu tiên về dân chủ đối với chính quyền Biden là cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự Myanmar trong khi ‘chế độ Hà Nội hiểu rất rõ nếu họ muốn có sự hợp tác toàn diện đối với Mỹ dưới chính quyền Biden họ sẽ phải có một số thay đổi nhất định’, ông Khanh cảnh báo.
Trong bài phát biểu, ông Biden kêu gọi các lãnh đạo quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực mà họ đã giành lấy và trả tự do cho những người họ giam giữ. Ông Biden cũng thúc giục Nga thả lãnh đạo đối lập Alexei Navalny ‘ngay lập tức và không kèm điều kiện’.
‘Cần hợp tác với Trung Quốc’
Cũng trong bài phát biểu, ông Biden nói ông sẵn sàng làm việc với Trung Quốc ‘khi việc đó phục vụ lợi ích của Mỹ’.
Ông Khanh cho rằng Mỹ ‘cần sự hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề toàn cầu’ như cuộc khủng hoảng Myanmar, vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên hay cuộc khủng hoảng khí hậu.
Theo phân tích của ông thì cách tiếp cận của ông Trump trong bốn năm qua ‘không giải quyết được vấn đề Trung Quốc. "Ông Trump xuất thân từ kinh doanh nên nghĩ tất cả chính trị chỉ là mua bán đổi chác chứ không nghĩ đến hậu quả về sau", ông nói.
"Không nhất thiết phải cứ đấm vào mặt người khác mới chứng tỏ là mình mạnh hơn mà phải có những chiến lược để ép đối thủ chấp nhận luật chơi", ông nói thêm. "Trung Quốc và Mỹ đều có khả năng hủy diệt toàn cầu. Không điên gì mà đi vào đối đầu gay gắt".
Mặc dù chính quyền ông Biden có thể hợp tác với Trung Quốc vì lợi ích của Mỹ nhưng vẫn xem ‘Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất trên mọi mặt trận’, ông Khanh lưu ý.
"Bắc Kinh sẽ chịu áp lực mạnh hơn nhưng họ tin rằng họ sẽ phá được vì họ biết bản chất của các nước tư bản là hành động theo quyền lợi", ông phân tích. "Ba mươi năm qua họ đã đưa ra miếng mồi kinh tế để chia rẽ các nước phương Tây".
Với việc chính quyền Biden đề cao các giá trị, ông Khanh không cho rằng sẽ đẩy đối đầu Mỹ-Trung sang khía cạnh ý thức hệ mà chỉ là ‘cạnh tranh về giá trị, giữa một bên là tự do dân chủ với một bên là độc tài không tôn trọng những quyền cơ bản của con người’.
Nguồn : VOA, 06/02/2021
**********************
BBC, 05/02/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/2 khẳng định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ, trong diễn văn đọc khi lần đầu đến thăm Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi nhậm chức.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ
"Chúng ta sẽ giải quyết trực tiếp những mối đe dọa nhằm vào các giá trị an ninh, thịnh vượng và dân chủ đến từ đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng ta, Trung Quốc".
"Chúng ta sẽ đối phó những hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại hành vi hung hăng của họ để đẩy lùi các cuộc tấn công của họ nhằm vào nhân quyền, tài sản trí tuệ và quản trị toàn cầu".
"Tuy nhiên, chúng ta sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh nếu điều này phù hợp với lợi ích của Mỹ".
Ông Biden vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz CSG đã rút khỏi Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ ở Trung Đông và được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trên hải trình qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở về cảng nhà, tàu USS Nimitz đã qua eo biển Malacca, ngay cửa ngõ phía tây nam của Biển Đông.
Quyết định nói trên cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn giảm căng thẳng với Iran, nhưng sẽ cứng rắn như chính phủ tiền nhiệm với Trung Quốc.
Biden đã lựa chọn hai vị trí ngoại giao hàng đầu - Antony Blinken làm ngoại trưởng và Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc.
Mới ngày 3/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ra tuyên bố Trung - Mỹ có lợi ích chung và không gian hợp tác rộng rãi trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, và hợp tác Trung - Mỹ có thể làm được rất nhiều việc lớn có lợi cho hai nước và thế giới.
Ông Biden tuyên bố : "Lãnh đạo Mỹ cần đáp ứng thời điểm mới này, với tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và quyết tâm của Nga trong việc gây tổn hại nền dân chủ của chúng ta. Chúng ta cần đáp ứng thời điểm mới này, với các thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng từ đại dịch, khủng hoảng khí hậu đến phổ biến vũ khí hạt nhân"
"Nước Mỹ đã trở lại và ngành ngoại giao đã trở lại vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của chúng ta. Chúng ta sẽ xây dựng lại các liên minh của mình, can dự với thế giới một lần nữa, không phải để giải quyết những thách thức của ngày hôm qua, mà là của ngày hôm nay và ngày mai".
"Khi chúng ta củng cố các liên minh của mình, chúng ta sẽ tăng cường sức mạnh cũng như khả năng phá vỡ mọi mối đe dọa trước khi chúng đến được bờ biển của chúng ta", ông Biden tuyên bố.
Ông Biden nói : "Hai tuần qua, tôi đã hội đàm với những nhà lãnh đạo bạn bè thân cận nhất - Canada, Mexico, Anh, Đức, Pháp, NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia - để bắt đầu tái xây dựng lề lối hợp tác và phục hồi sức mạnh của các liên minh dân chủ vốn bị xói mòn 4 năm qua".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh : Reuters
Tổng thống Biden cáo buộc ngầm ông Donald Trump là "nhẹ tay" với Nga và dọa sẽ cứng rắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Tôi muốn nói rõ với Tổng thống Vladimir Putin, theo một cách rất khác với người tiền nhiệm của tôi, rằng chuỗi ngày Mỹ bỏ qua những hành động của Nga, như can thiệp bầu cử, tấn công mạng..., đã kết thúc".
Ông Biden chỉ trích Nga vì việc bắt giữ nhà hoạt động đối lập Alexey Navalny và đòi Moscow thả người này "ngay lập tức, vô điều kiện".
Washington và Moscow đầu tuần này ký thỏa thuận gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START thêm 5 năm.
Ông nhấn mạnh vai trò của liên minh quốc tế : "Đầu tư vào đối ngoại không phải là điều chúng ta làm cho mình, mà bởi đó là điều đúng đắn cần làm cho thế giới. Chúng ta làm điều đó để được sống trong hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Chúng ta làm điều đó vì nó nằm trong lợi ích cá nhân của riêng chúng ta".
Ông Joe Biden tuyên bố nội chiến kéo dài ở Yemen sẽ được ông quan tâm để chấm dứt xung đột.
Ông nói sẽ chấm dứt mọi sự hỗ trợ của Washington đối với các hoạt động quân sự tại Yenemn, gồm các vụ mua bán vũ khí.
"Cuộc chiến này phải được kết thúc, do đó để khẳng định các cam kết của chúng tôi, nước Mỹ sẽ chấm dứt mọi hỗ trợ cho các hoạt động tấn công trong cuộc chiến ở Yemen, bao gồm việc bán vũ khí cho các bên liên quan", ông Biden nói.
Theo ông Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ đánh giá toàn diện về việc bố trí các lực lượng Mỹ trên toàn cầu.
Trong khi quá trình rà soát đang diễn ra, Mỹ sẽ ngưng việc điều chuyển 12.000 lính Mỹ ở Đức đi nơi khác như quyết định trước đây của chính quyền Trump.
Nhưng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ phòng thủ cho Ả Rập Saudi trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tới từ các lực lượng do Iran hậu thuẫn.
Mỹ cũng sẽ tiếp tục các chiến dịch nhằm chống lại tổ chức al-Qaida tại bán đảo Ả Rập.
Tổng thống Mỹ tiết lộ sẽ tăng số lượng người tị nạn được Mỹ chấp nhận sau khi số người này xuống thấp kỷ lục thời ông Trump cầm quyền.
Trong năm tài khóa đầu tiên của chính quyền mới, tính từ ngày 1/10, Mỹ sẽ nâng số lượng người tị nạn được phép vào nước này lên 125.000 người, tăng gấp nhiều lần so với mức hạn ngạch 15.000 người của chính quyền tiền nhiệm.
**********************
Chính sách đối ngoại thay đổi mạnh mẽ so với thời ông Trump
VOA, 05/02/2021
Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm 4/2 cam kết bắt đầu một kỷ nguyên mới về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh truyền thống và khẳng định rằng các hoạt động của Mỹ với các nước khác cần bắt đầu bằng nền ngoại giao có gốc rễ là "các giá trị dân chủ được trân trọng nhất" của Mỹ, USA Today và CNN tường thuật.
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, 4/2/2021.
Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại trên cương vị tổng thống, theo USA Today và CNN, ông Biden nói rằng bảo vệ tự do, thúc đẩy cho cơ hội, duy trì các quyền phổ quát và tôn trọng pháp quyền là những yếu tố không thể thiếu được đối với sức mạnh toàn cầu của Mỹ và mang lại cho Mỹ "lợi thế vững chắc" trên vũ đài quốc tế.
"Tuy rằng khá nhiều trong số những giá trị đó đã chịu áp lực mạnh mẽ trong những năm gần đây, thậm chí bị đẩy đến bờ vực trong vài tuần qua, song người dân Mỹ sẽ quy tụ lại sau thực trạng đó và trở nên mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn và được trang bị tốt hơn để đoàn kết thế giới trong cuộc chiến đấu bảo vệ dân chủ - bởi vì chính chúng ta đã tự đấu tranh để giành được điều đó", ông Biden nói tại Bộ Ngoại giao Mỹ, USA Today và CNN cho hay.
Cùng có mặt với ông Biden là Phó Tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Anthony Blinken.
Tổng thống Biden cảnh báo rằng Hoa Kỳ phải đối mặt với thời điểm đang có "sự gia tăng các thách thức toàn cầu" - từ đại dịch, đến khủng hoảng khí hậu, đến phổ biến hạt nhân - tất cả những điều này, theo lời ông Biden, sẽ chỉ có thể giải quyết được bằng cách là các quốc gia hợp tác với nhau, vẫn theo USA Today và CNN.
"Chúng ta không thể làm điều đó một cách đơn độc", ông nói.
Bài phát biểu của ông Biden đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ , rời khỏi học thuyết "Nước Mỹ trên hết" mà chính quyền của ông Donald Trump theo đuổi. Học thuyết đó đã tạo ra những rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với một số đồng minh lâu năm.
David A. Andelman, nhà báo kỳ cựu và tác giả sách, viết trên CNN : "Những phác thảo đầu tiên về chính sách đối ngoại và quốc phòng của ông Biden bắt đầu hiện ra. Nó hoàn toàn đảo ngược so với các chính sách của người tiền nhiệm".
Khi còn là ứng cử viên, ông Biden thường nói về sự cần thiết phải thúc đẩy nền dân chủ trên toàn thế giới song song với việc xây dựng lại các liên minh truyền thống. Mới nhậm chức được hai tuần, ông đã thực hiện các bước để khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên trường quôc tế bằng cách tham gia hiệp định khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới, USA Today và CNN tường thuật.
Điều này thể hiện sự chuyển hướng đáng kể so với người tiền nhiệm. Ông Trump đã tìm cách loại bỏ hoàn toàn, hoặc ít ra cũng làm vô hiệu hóa, bất kỳ nỗ lực nào nhằm duy trì sự hiện diện của nước Mỹ dân chủ và nhất quán trên trường quốc tế, David A. Andelman, nhà báo kỳ cựu và tác giả sách, viết trên CNN.
Tuy nhiên, một cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar hồi đầu tuần này và việc lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny ở Nga kết án tù hơn hai năm sẽ thử thách vai trò lãnh đạo của chính quyền mới của Mỹ trên trường quốc tế.
Trong bài phát biểu của mình, ông Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực mà họ đã giành lấy và hãy trả tự do cho những nhà tranh đấu và nhà hoạt động mà họ giam giữ. Ông Biden cũng thúc giục Nga thả ông Navalny "ngay lập tức và không kèm theo điều kiện".
Từ phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden phát biểu về vấn đề di dân, 2/2/2021
Trong bài phát biểu hôm thứ 4/2, Tổng thống Mỹ Biden nói thêm rằng "đã qua rồi những ngày tháng mà nước Mỹ làm ngơ đi khi đối mặt với việc Nga có những hành động gây hấn, can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, tấn công trên mạng, đầu độc công dân của họ".
Cũng trong bài phát biểu, ông Biden đề cập rằng ông sẵn sàng làm việc với Trung Quốc "khi việc đó phục vụ cho lợi ích của Mỹ". Tuy nhiên, chỉ có mỗi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo lớn trên thế giới mà ông Biden chưa liên lạc riêng.
Một ngày trước bài diễn văn của ông Biden, vào ngày 3/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chìa ra cành ô liu với lời phát biểu rằng chính quyền của ông Biden sẽ tiếp tục hướng đi căn cứ vào chính sách một Trung Quốc.
Điều này được xem là khó có thể làm cho Đài Loan hài lòng, ở đó, các nhà lãnh đạo Đài Loan hy vọng tiếp tục khẳng định một mức độ độc lập khỏi Trung Quốc đại lục và họ đã được lên tinh thần nhờ một món quà tặng sớm và có phần vội vã của ông Trump khi ông gọi điện thoại đến lãnh đạo Đài Loan ngay cả trước khi ông nhậm chức, một điều chưa từng có với các tổng thống Mỹ khác.
Ông Biden lưu ý trong bài diễn văn của mình rằng trong hai tuần qua, ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của nhiều đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, bao gồm Canada, Mexico, Vương quốc Anh, Đức và Pháp, để bắt đầu xây dựng các mối quan hệ mà theo ông là đã bị tổn hại do bốn năm bị bỏ bê và xem thường.
Ông Biden nói : "Các liên minh của Mỹ là một trong những tài sản lớn nhất của chúng ta, và lãnh đạo bằng ngoại giao có nghĩa là sát cánh cùng các đồng minh và đối tác quan trọng của chúng ta".
Nhưng "lãnh đạo bằng ngoại giao cũng phải đồng nghĩa với việc là cùng hoạt động, tương tác với các địch thủ và các đối thủ của chúng ta về mặt ngoại giao ở những nơi, những lĩnh vực phục vụ cho lợi ích của chúng ta và nâng cao an ninh của người dân Mỹ", Tổng thống Biden nói.
Ông Biden cũng tìm cách khích lệ tinh thần cho các công chức, viên chức dân sự của Mỹ, những người thường bị chính quyền trước đó công kích. Ông Trump chế nhạo nhiều công chức, viên chức dân sự, gọi họ là thành viên của "Nhà nước ngầm", mà ông Trump cho là luôn cố gắng làm suy yếu nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Trong một bài phát biểu riêng với các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng ông coi trọng công việc chuyên môn của họ và hứa sẽ luôn tin tưởng là họ sẽ làm tốt công việc của mình.
Ông nói : "Nước Mỹ đã quay trở lại, ngoại giao đã quay trở lại. Các bạn là trung tâm của tất cả những gì tôi định làm. Các bạn ở chính giữa".
Ông cũng nói thêm : "Tôi tin tưởng vào các bạn. Chúng tôi rất cần các bạn. Tôi sẽ hỗ trợ các bạn".
Trong một động thái khác cho thấy bước ngoặt khỏi chính quyền tiền nhiệm, ông Biden dự kiến sẽ ký một loạt sắc lệnh mà trong đó có sắc lệnh sẽ bắt đầu quá trình tăng số lượng người tị nạn được phép nhập cư vào Mỹ và chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ đối với hoạt động quân sự do Ả rập Xê út đứng đầu ở Yemen.
"Cuộc chiến này phải kết thúc", ông Biden nói, đây là một sự đoạn tuyệt nữa đối với chính sách của ông Trump, người đã hết lòng ủng hộ các đồng minh Ả rập Xê út. Ông Trump đã chống lại những nỗ lực nhằm ngăn chặn vai trò của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc nội chiến ở Yemen.
Trong bài phát biểu của mình, ông Biden lưu ý rằng việc tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở nước ngoài cũng đòi hỏi phải đối mặt trực tiếp với các vấn đề trong nước, bao gồm nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống và "tai họa từ tư tưởng da trắng thượng đẳng".
Ông Biden nói Mỹ sẽ cạnh tranh từ vị thế có sức mạnh bằng cách xây dựng lại từ ngay ở trong nước, hợp tác với các đồng minh và đối tác, đổi mới vai trò của mình trong các thể chế quốc tế và giành lại "uy tín và thẩm quyền đạo đức của chúng ta".
Nguồn : VOA, 05/02/2021
********************
Biden và chính sách Châu Á : Hai góc nhìn từ Hoa Kỳ và Pháp
Tina Hà Giang, BBC, 17/11/2020
Từ Pháp ông Nguyễn Gia Kiểng nhận định rằng chính quyền Việt Nam sẽ 'rất bối rối' với việc ông Biden đắc cử, trong khi từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Đinh Xuân Quân cho rằng chính sách của ông Biden với Trung Quốc còn mạnh hơn là của thời ông Trump.
Hai ông Đinh Xuân Quân và Nguyễn Gia Kiểng chia sẻ nhận định của mình về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với Châu Á, dưới thời của chính quyền tổng thống đắc cử Joe Biden, sau khi ông nhậm chức.
Tiến sĩ Đinh Xuân Quân (trái) và ông Nguyễn Gia Kiểng
BBC : Chiến thắng của ông Joe Biden sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, và tại sao ?
Đinh Xuân Quân : Chiến thắng của Biden sẽ mang đến một chính sách ngoại giao bình thường hơn, thân thiện với các đồng minh, ít ồn ào và tập trung hơn. Đây là một chính sách cổ điển hơn nhưng sẽ hiệu quả hơn.
Hoa Kỳ sẽ phải lấy lại tin tưởng của đồng minh Âu Châu kể cả NATO. Việc này sẽ đòi hỏi thời gian. Joe Biden đã làm thượng nghị sĩ trên 10 năm, chủ tịch ủy ban ngoại giao Thượng Viện trên 10 năm, Phó tổng thống trên 8 năm vì vậy ông được các lãnh đạo thế giới biết (kể cả Tập Cận Bình của Trung Quốc trước khi ông trở thành chủ tịch), do đó sự lấy lại niềm tin có thể có, nhưng dù sao nhiều nước cũng mất tin tưởng tuyệt đối đối với đồng minh Hoa Kỳ. Sửa lại bao giờ cũng khó khăn hơn. Về quan hệ với Nga, Biden sẽ trừng phạt nhưng cũng nói chuyện dễ dàng với Nga hơn là với Trung Quốc.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ phải lấy lại niềm tin của đồng minh Á Châu (Nam Hàn và Nhật Bản). Hoa Kỳ sẽ vào lại CPTPP, và lập liên minh chống Trung Quốc, tại Biển Đông, Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng và các chính sách trên sẽ ảnh hưởng đối với Việt Nam.Về nội bộ tôi tin là ông Biden sẽ dùng người dựa trên chuyên môn không phải dựa trên trung thành hay nhờ quyên góp tiền tranh cử cho tổng thống Trump. Biden sẽ phải lấy lòng tin của giới chuyên viên vì Bộ Ngoại Giao và Bộ Tư Pháp đã bị Mike Pompeo và William Barr phá nát.
Nguyễn Gia Kiểng : Khác với ông Trump, ông Biden có khả năng hòa giải Châu Âu với Mỹ. Đức và Pháp, hai cột trụ của EU đã vừa chứng tỏ mong muốn siết chặt lại quan hệ hợp tác Mỹ-Âu.
Ông Biden đã từng là chủ tịch ủy ban đối ngoại của thượng viện Mỹ trong mười năm, sau khi đã là thành viên của ủy ban này trong mười năm. Trong tám năm làm phó tổng thống dưới thời Obama vai trò của ông cũng chủ yếu là đối ngoại. Biden đủ kiến thức và kinh nghiệm để biết những gì cần làm và phải làm như thế nào. Các nước dân chủ Châu Âu và Châu Á đều mong đợi chiến thắng của Biden, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng đến ông Biden, bất chấp Donald Trump. Họ hoàn toàn có lý.
Chính sách đối ngoại của Biden đã được ông trình bày trong bài Why America must leadagain đăng trên tạp chí Foreign Affairs tháng 4/2020. Biden coi sự ràng buộc của Mỹ với Minh Ước Bắc Đại Tây Dương NATO như là thiêng liêng và không điều kiện (sacred and unconditional). Ông sẽ đem nước Mỹ trở lại với thỏa ước khí hậu COP21, sẽ phục hồi lại hiệp ước với Iran để nước này bỏ dự định chế tạo vũ khí hạt nhân. Quan trọng hơn Biden cam kết sẽ triệu tập ngay trong năm 2021 một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về dân chủ để xúc tiến thành lập một Liên minh các nền Dân chủ - Alliance of Democracies mà mục tiêu công khai là cô lập Trung Quốc và thiết lập một trật tự dân chủ cho thế giới.
BBC : Chiến thắng của Biden chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của Mỹ và chính sách của nước này với Trung Quốc. Xin được hỏi là sẽ ảnh hưởng như thế nào ?
Nguyễn Gia Kiểng : Sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Joe Biden đã là kiến trúc sư của chính sách chuyển trục của Mỹ về Thái Bình Dương và của dự án thành lập khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP để cô lập Trung Quốc.
Đồng thuận khá rõ rệt của các nước dân chủ hiện nay, dù là Mỹ hay Châu Âu hay Châu Á, là Trung Quốc đang là một đe dọa cho hòa bình và dân chủ. Điều khác biệt giữa Donald Trump và Joe Biden là với Biden các nước dân chủ sẽ hợp tác với nhau trong một mặt trận chung để cô lập Trung Quốc. Trung Quốc sẽ phải đương đầu với cả một mặt trận dân chủ thống nhất, thay vì với từng quốc gia, và sẽ khốn đốn hơn nhiều. Đừng nên quên rằng tại Đông Nam Á, đặc biệt là tại Biển Đông, Trung Quốc luôn luôn chủ trương chỉ giải quyết những mâu thuẫn với từng nước chứ không thương thuyết với cả khối ASEAN.
Trung Quốc không mong gì hơn là Donald Trump tái đắc cử để họ chỉ phải đương đầu với một khối các nước dân chủ chia rẽ và bất lực, nhưng với Joe Biden họ sẽ phải đương đầu vối một mặt trận thống nhất và đoàn kết. Đó là điều họ lo ngại nhất.
Đinh Xuân Quân : Tôi tin rằng chính sách của Biden đối với Trung Quốc còn mạnh hơn là Trump. Về mậu dịch chính tờ Wall Street Journal cho là chính sách đối đầu với Trung Quốc của Trump thất bại hay là huề. Chưa có công nghiệp nào trở lại Hoa Kỳ.
Biden sẽ làm việc với đồng minh nhiều hơn, lấy lại thế THƯỢNG PHONG, nói ít làm nhiều và Trung Quốc không thể lộng hành như hiện nay. Trái ngược với tin tưởng của các cộng đồng Việt Nam cuồng Trump, chính sách Biden sẽ hữu hiệu hơn. Theo tôi, Biden có thể đi với EU và còn cả với Putin nữa để chống Trung Quốc.
BBC : Về tác động tới Việt Nam, và đối thoại nhân quyền Washington - Hà Nội sẽ có gì thay đổi dưới chính quyền Joe Biden ?
Đinh Xuân Quân : Tôi tin rằng Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn về nhân quyền và dân chủ, các giới đấu tranh ở Việt Nam sẽ có thêm đồng minh.
Nguyễn Gia Kiểng : Chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ rất bối rối. Họ có tham dự hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về dân chủ và sau đó có được mời tham gia Liên minh các nền Dân chủ hay không ? Không tham gia thì không được vì kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc các nước dân chủ, còn tham gia thì phải chấp nhận trên nguyên tắc chấm dứt chế độ độc tài.
BBC : Cuối cùng, xin quý vị cho biết nhận định về kết quả của cuộc bầu cử này tại Hoa Kỳ và vị thế của Mỹ trên thế giới ?
Nguyễn Gia Kiểng : Điều khiến thế giới ngạc nhiên không phải là Biden đã thắng mà là thành tích của Donald Trump.
Ông ta đã được 70 triệu người Mỹ, gần một nửa số người đi bầu, ủng hộ sau 4 năm cầm quyền làm nước Mỹ vừa chia rẽ vừa bị cô lập như chưa bao giờ thấy. Sự chia rẽ này không chỉ lớn về mức độ mà còn rất nghịch lý về bản chất. Những người nghèo cảm thấy bị bỏ rơi ủng hộ một tỷ phú chủ trương giảm thuế cho các công ty và những người giàu có, nghĩa là giảm ngân sách liên đới xã hội, trong khi phần lớn giai cấp khá giả lại ủng hộ Biden, một ứng cử viên chủ trương trước hết dành ưu tiên cho người nghèo. Nghịch lý này chứng tỏ nước Mỹ đã thương tổn rất nặng sau bốn thập niên mê mải chạy theo chủ nghĩa phóng khoáng (neoliberalism) khiến chênh lệch giàu nghèo trở thành quá đáng và gây ra vô số mâu thuẫn khác.
Nước Mỹ đã quá chia rẽ để có thể đóng góp một cách tích cực cho thắng lợi của dân chủ trên thế giới. Vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ của Mỹ đã chấm dứt, nhưng đó không nhất thiết là một bất lợi. Trái lại một nước Mỹ khiêm tốn và thành thực sẽ đóng góp hữu hiệu hơn cho cố gắng đánh bại các chế độ độc tài và dân túy và thiết lập một trật tự dân chủ. Việt Nam sẽ là một trong những dân tộc may mắn sau cuộc bầu cử này.
Tiny Hà Giang
Nguồn : BBC, 17/11/2020