Lao động trẻ chết bị chôn tại Saudi Arabia gây phẫn uất cho gia đình
Thanh Trúc, RFA, 09/11/2021
Một cô gái trẻ người Ê Đê mà môi giới đưa sang Saudi Arabia làm ô sin nhưng tử vong vì bị chủ nhà đánh, đã được chôn ở nước sở tại chứ không được đưa về nhà dù gia đình đã có giấy ủy quyền. Vụ việc bị cho do sự tắc trách của môi giới xuất khẩu lao động trong cũng như ngoài nước.
Những nữ lao động Việt ở Saudi Arabia kêu cứu và em Siu H'Xuân (phải) - CAMSA international/BPSOS/RFA edit
Những cô gái vị thành niên người dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk do VINACO, công ty môi giới xuất khẩu lao động, từ Thanh Hóa lên tận nơi rủ rê, thay đổi năm sinh trong hộ chiếu cho đủ tuổi lao động, rồi đưa sang Saudi Arabia làm nghề giúp việc nhà.
Trong số các em này thì H’Xuân Siu, sinh ngày 30/10/2003, được VINACO đưa sang Saudi Arabia ngày 18/10/2018, qua đời ngày 18/7 /2021.
Khi được hung tin thì gia đình em H’Xuân Siu ở Việt Nam đã yêu cầu công ty VINACO giúp đưa xác em về. VINACO đòi gia đình làm giấy ủy quyền, sau đó thông báo là có thể cuối tháng mười đầu tháng mười một năm 2021 thi hài sẽ được chuyển về cho gia đình.
Tuy nhiên, hôm 4/11 vừa qua, chị ruột của cô là H’Soan, nhận được cuộc gọi từ VINACO báo tin là bên Saudi Arabia đã chôn cất H’Xuân Siu rồi :
"Em ơi chị là chị Phượng ở công ty VINACO đây. Thế thì hôm nay chị gọi để báo tin về trường hợp của H’Xuân thì hôm 4/10 nhận được hồ sơ ủy quyền của gia đình mình thì đã gởi ra Hà Nội để công chứng thị thực. Ấy thì công văn có báo ngày 11/10 rằng Đại Sứ quán của ta đồng ý, không phản đối việc đưa thi hài em về nước"
"Thế nhưng ngày hôm qua thì công ty mới nhận được công văn, công hàm của Đại Sứ quán Việt Nam báo về là cái thời gian chờ quá lâu, mà bên kia thì tình hình dịch khá căng thẳng nên họ thông báo với Đại Sứ quán Việt Nam là việc bảo quản thi hài lâu quá là trái với qui định pháp luật bên đó. Nên là ngày 10/10 là em ấy được chuyển ra chôn ở nước sở tại. Đấy cho nên là hồ sơ của mình chậm mất một ngày so với ngày mà Đại Sứ quán ra công hàm, cho nên thi hài em H’Xuân đã được chôn cất bên đó rồi".
Khi được cô H’Soan hỏi tại sao chưa có sự đồng ý của gia đình cô mà đã mai táng người chết bên Saudi Arabia, bà Phương của VINACO giải thích bằng cách hỏi lại cô H’Soan rằng :
"Chị hỏi một chút, cái đợt mà công ty có làm công văn tức là nếu gia đình không có câu trả lời trước ngày 16/9 thì bên đó tiến hành chôn cất em H’Xuân. Đến ngày 22/9 gia đình mình mới chấpthuận ký hồ sơ ủy quyền đúng không ? Thế thì công hàm của Đại Sứ quán số 221 có nói rõ nêu như Việt Nam mình không có câu trả lời trước ngày 16/9 thì họ sẽ tiến hành chôn cất ngay nước sở tại".
Được biết gia đình người quá cố gồm mẹ và người chị tên H’Soan rất đau khổ và bất bình khi nghe tin em gái phải nằm lại xứ người Saudi Arabia thay vì được đưa về nước như tin mà VINACO thông báo trước đó.
Lý do chậm trễ, nếu có theo cô chị H’Soan, là vì sự đi lại và thủ tục rắc rối. Ủy ban xã C’Amung, huyện E’leo, tỉnh ĐắkLắk, nơi sinh quán của H’Xuân Siu, không giải quyết vì người mất có tới hai năm sinh khác nhau, 2003 là năm sinh thật và 1996 là năm bị VINACO đổi trên hộ chiếu đi Saudi Arabia :
"Phải tốn tiền tốn bạc photo giấy tờ, đi tới đi lui. Xã muốn chứng thực năm sinh 2003 nhưng bên VINACO không chấp nhận, nói phải theo yêu cầu của họ là 1996 mới có thể đưa xác em H’Xuân về"
"Em đã đi đi lại lại trong hai tuần, xã không chứng thực trước ngày 16/9. Có một ông luật sư ở Buôn MaThuột gọi cho em bảo muốn giúp gia đình ký giấy ủy quyền đó. Em phải mượn tiềnthuê tắc xi chạy lên Buôn MaThuột, tới ngày 22/9 mới ký giấy nên chậm trễ thời gian ủy quyền trước ngày 16 đấy".
Vị luật sưthuộc Đoàn Luật sư Đắk Lắk này cho hay chưa thể nói gì với RFA về chuyện ông biết.
Nguyện vọng duy nhất của gia đình, cô H’Soan nói tiếp, là phải đưa được H’Xuân Siu về chứ không thể mất tăm dấu vết như vậy được :
"Chôn rồi cũng phải đem xương cốt về bởi vì gia đình không đồng ý chôn cất em ở bên đấy. Phải đem xương cốt về dù là phân hủy cũng được. Em nghĩ chắc họ sợ tốn tiền hay sợ vì lý do họ làm hộ chiếu giả cho em của em".
Cho tới giờ phút này, vẫn lời cô H’Soan, bằng vào đoạn âm thanh từ một người bạn của H’Xuân Siu ghi lại, thì H’Xuân Siu chết vì bị đánh trong khi làm việc cho nhà chủ :
"Em H’Xuân nói em xin nghỉ ngơi mà bà chủ không cho nghỉ. H’Xuân bị đau đầu rồi mà bà chủ vẫn đánh. Cả đêm H’Xuân không ngủ được vì bị đau mắt. Họ độc ác với Xuân lắm. Xuân có gọi cho Nhung (môi giới) nhưng đổi lại Nhung không chịu giúp đỡ, còn chửi lại H’Xuân. Cuối cùng H’Xuân bảo không chịu ở nhà bà chủ đó nữa".
"H’Xuân có nói với bà chủ rồi mà bà chủ vẫn đánh và không cho H’Xuân nghỉ ngơi. Cứ làm miết giờ này tới giờ khác. Rồi H’Xuân có gọi cho Nhung với Khánh, bảo cố gắng rồi mà không làm nỗi nữa, mệt quá. H’Xuân xin với Nhung với Khánh cho về văn phòng nhưng họ không cho".
Cánh tay của một lao động Việt bị thương do bị chủ ở Saudi Arabia đánh đập. Hình : Mạch Sống Media/CAMSA International
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, từ tháng 7/2021 đã lên tiếng báo động về những vụ xuất khẩu các em vị thành niên người Ê Đê hay J’Rai qua Saudi Arabia như trường hợp H’Xuân Siu hay H’Ngọc Niê, nói rằng qua theo dõi của BPSOS thì trong ba tháng qua tùy viên lao động nước ngoài của Đại Sứ quán Việt Nam, kể cả đại diện VINACO bên Saudi Arabia là ông Nguyễn Duy Khánh, đã tắc trách và cố tình bê trễ việc xử lý cũng như giải quyết hồ sơ tử vong của em H’Xuân Siu :
"Lẽ ra Bộ Ngoại Giap Việt Nam với Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Saudi Arabia phải hướng dẫn gia đình em H’Xuân từng bước một ngay khi biết em H’Xuân qua đời. Công ty VINACO muốn ép gia đình ký giấy ủy quyền chiếu theo năm sinh (giả) trên hộ chiếu là 1996. Gia đình không chịu mà chính quyền xã ở Đắk Lắk không thể xác nhận hay chứng thực được. Cứ vì như vậy mà chậm trễ nhiều tuần".
"VINACO đã dựng cả một đường dây làm hộ chiếu thật nhưng tuổi thì sai cho không riêng em H’Xuân mà cho nhiều em khác nữa cũng là người Tây Nguyên, đi trong chương trình xuất khẩu lao động của Nhà nước. Hiện một số em còn đang ở bên Saudi Arabia".
Câu chuyện H’Xuân Siu đi lao động lúc chỉ mới 14 tuổi rồi chết ở Saudi Arabia tháng Bảy năm nay, một lần nữa khiến dư luận bên ngoài chú ý. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng :
"Ngày 27/10, Hạ viện Hoa Kỳ có cuộc điều trần về tình trạng buôn người, Dân biểu Christopher Smith cũng nhấn mạnh về nạn buôn phụ nữ và trẻ em Việt Nam, trong đó có những giới chức Việt Nam là thủ phạm hoặc đồng lõa. Ông Chris Smith yêu cầu Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa Việt Nam xuống hạng 3 (Tier3 - Báo cáo về nạn buôn người) trong năm tới đây".
Từ tháng 6/2021, phúc trình của Liên Hiệp Quốc về nạn buôn người, nhất là phụ nữ và trẻ em, từng cáo giác Việt Nam lợi dụng chính sách xuất khẩu lao động khiến tình trạng phụ nữ và trẻ em bị bán ra nước ngoài tiếp tục xảy ra.
Đến ngày 4/11 vừa quá, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về buôn người, bà Sio Bhan Mullally, nhắc lại cáo buộc như trên đối với Việt Nam, lần này khẳng định điểm đến là Saudi Arabia.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Việt Nam và Saudi Arabia chấm dứt nạn buôn người làm nô lệ lao động
RFA, 04/11/2021
Các chuyên gia về Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 4/11 đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Chính phủ Việt Nam và Saudi Arabia hợp tác ngăn chặn việc đưa phụ nữ Việt sang làm giúp việc nhà ở Saudi Arabia nhưng thực ra là làm nô lệ và bị đối xử tàn tệ.
Những người phụ nữ Việt lao động tại Saudi Arabia kêu cứu - BPSOS/CAMSA International
Thông cáo báo chí có đoạn viết : "Chúng tôi đang chứng kiến bọn buôn người đang nhắm đến những phụ nữ và em gái Việt Nam nghèo khó, rất nhiều người dễ bị tổn thương và đẩy ra ngoài lề… Bọn buôn người hoạt động mà không chịu sự trừng phạt".
Trong tháng 9 vừa qua, Đài Á Châu Tự Do đã có hai bàiphóng sự về tình trạng phụ nữ và em gái Việt Nam bị hành hạ khi làm công việc giúp việc nhà ở Saudi Arabia. Các nạn nhân cho phóng viên RFA biết họ thường bị bỏ đói, đánh đập đến thương tích mà không được đưa đi điều trị, bị quịt tiền lương, thậm chí khi họ yêu cầu được về nước thì chủ nhà cũng không cho về.
Các nạn nhân này đã lên Facebook kêu cứu và được các tổ chức như BPSOS và CAMSA International trợ giúp đưa về nước.
Thậm chí, những công ty tuyển lao động từ Việt Nam đã làm giả giấy tờ đưa những em gái dưới 18 tuổi người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sang làm việc ở Saudi Arabia.
Thông cáo báo chí của các chuyên gia UN đã nói đến trường hợp một em gái 15 tuổi người Việt Nam đã bị chết ở Saudi Arabia sau khi bị chủ nhà đánh đập nhưng không được cho ăn và không được điều trị y tế. Em gái này đáng nhẽ đã được lên máy bay trở về nước nhưng bị từ chối vì giấy tờ giả.
Theo các chuyên gia của UN, từ ngày 3/9 đến 28/10/2021, có khoảng gần 205 phụ nữ, phần đồng là nạn nhân của buôn người, đã được đưa về Việt Nam.
Các chuyên gia UN kêu gọi hai chính phủ tiến hành điều tra độc lập và công bằng về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ và các em gái, điều tra các giới chức có liên quan và truy tố những kẻ phạm pháp.
Báo cáo năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần phải theo dõi về nạn buôn người, tức cấp độ hai (tier 2). Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm nay vẫn đánh giá Việt Nam là chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ tình trạng buôn người dù chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể.
Nguy cơ bị trở thành nạn nhân buôn người của những thành viên các cộng đồng vốn dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Việt Nam gia tăng vào khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế khu vực và kế sinh nhai của người dân.
Công an Trung Quốc bàn giao các nạn nhân bị mua bán cho Bộ đội biên phòng Lào Cai. Ảnh : Tường Long
Báo cáo về tình trạng buôn người thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào đầu tháng 7/2021 ghi nhận "đại dịch Covid-19 là một khủng hoảng y tế với những hậu quả chưa từng có cho nhân quyền, phát triển kinh tế toàn cầu, kể cả nạn buôn người. Đại dịch đã tạo ra các điều kiện làm tăng số người dễ bị tổn thương và dễ bị buôn bán, đồng thời làm gián đoạn các hoạt động can thiệp chống buôn người hiện có và đã lên kế hoạch".
Tại Việt Nam, theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, năm 2020 có 136 người trong 84 trường hợp bị kết tội buôn người. Trong đó, 71 trường hợp, tức 84% là những vụ bóc lột tình dục.
Số lượng phụ nữ và trẻ em bị cưỡng bán qua Trung Quốc lao động, làm nô lệ tình dục hoặc làm dâu người Hoa vẫn tiếp diễn và Việt Nam vừa là nơi cung ứng nguồn cung cũng như chặng quá cảnh cho nước láng giềng phía Bắc.
Cô Mimi Vũ, một Việt Kiều làm việc trong lĩnh vực buôn người trong suốt 15 năm qua tại Việt Nam, cho biết, bất chấp những biện pháp đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch Covid-19 của chính quyền, việc ngăn chặn đường dây buôn người tại đây là một điều hầu như không thể. Cô giải thích :
"Chắc chắn Chính phủ Việt Nam đã tăng cường tuần tra biên giới. Nhưng nếu bạn đã từng đến biên giới Việt-Trung thì bạn cũng biết rất khó để tuần tra vì núi rừng, sông, suối nên dù bạn có lực lượng tuần tra biên giới lớn nhất thế giới thì vẫn cực kỳ khó kiểm soát các điểm đầu vào. Đó là một biên giới rất dài và rất khó tuần tra. Chính quyền Việt Nam đang cố gắng hết sức, không chỉ để ngăn chặn việc buôn lậu và buôn người mà còn để ngăn chặn các biến thể mới của Covid qua biên giới".
Hồi đầu tháng bảy vừa qua, Rồng Xanh- một tổ chức cứu hộ trẻ em có trụ sở tại Hà Nội - công bố báo cáo cho thấy trong số 199 nạn nhân mà tổ chức này đã giúp giải cứu từ nạn buôn người, hơn 60% là người dân tộc thiểu số bao gồm người H'mong, Thái và Khơ Mú. Cô Mimi cho biết trong nhiều năm làm việc chống nạn buôn người ở các vùng biên giới giáp Trung Quốc, cô ghi nhận nhiều nạn nhân xuất thân từ cộng đồng dân tộc thiểu số. Cô cho biết nguyên nhân :
"Những khu vực này có cộng đồng dân tộc thiểu số lớn như H’mong, Dao đỏ, Tày, trải dài trên biên giới hai bên. Ngoài vị trí địa lý của họ, bất bình đẳng giới cũng tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số này, vốn đã chịu nhiều thiệt thòi hơn so với dân tộc Kinh về trình độ học vấn, vị thế kinh tế và khả năng tiếp cận các cơ hội. Điều đó có nghĩa là phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc sẽ dễ bị tổn thương bởi nạn buôn người để đáp ứng nhu cầu về phụ nữ trong độ tuổi kết hôn của Trung Quốc."
Theo những chuyên gia về nạn buôn người, có một số yếu tố chính đưa đến nguy cơ một cá nhân bị rơi vào vòng xoáy buôn người : Trình độ học vấn, vị thế kinh tế, giới tính và biện pháp kiểm soát biên giới. Những phụ nữ và trẻ em gái ở miền Bắc Việt Nam phụ thuộc vào các thành phần có nguy cơ cao trong tất cả những yếu tố đó nên nguy cơ bị mua bán cao.
Cô PhươngThảo Lê, một nhà nghiên cứu khoa học tại Đại học New York, Trường Y tế Công cộng, đã thực hiện khảo sát về tình trạng sức khỏe và tâm lý của những nạn nhân buôn người được giải cứu và đưa trở về lại Việt Nam trong những năm qua.
Cô cho biết, phụ nữ bị cưỡng chế làm dâu người Trung Quốc tuy trong một số trường hợp được gia đình chồng đón nhận tử tế, nhưng họ phải đổi đầu với những thách thức khác hẳn với phụ nữ bị bán vào đường mại dâm khiến việc giải cứu họ cực kỳ khó khăn hơn.
"Một trong những điểm khác biệt lớn nhất mà tôi thấy là nếu một thiếu nữ bị bán vào ngành mại dâm ở những khu phố đèn đỏ, điều đó thường có nghĩa là họ ở gần biên giới, và gần với các nạn nhân khác. Rõ ràng cả hai dạng nạn nhân đều bị lạm dụng tình dục và lạm dụng thể chất rất nhiều, nhưng tại thời điểm tôi thực hiện nghiên cứu (năm 2015), nạn buôn bán tình dục được chú ý nhiều. Vì vậy, những nạn nhân dạng bị cưỡng bức này có cơ hội được giải cứu, được trao trả hoặc trốn thoát, trở lại Việt Nam cao hơn. Trong khi đó, đối với những phụ nữ gọi là "được" (trong ngoặc kép) chọn làm vợ bán cho những gia đình Trung Quốc thì cơ hội trốn thoát và được giải cứu của họ thực sự giảm đi đáng kể".
Nhà nghiên cứu khoa học Phương Thảo cho biết, trong những năm gần đây, chuyên gia về tệ nạn buôn người cũng đã bắt đầu nhận thấy một phần lớn của nạn buôn người là thành phần lao động qua nước ngoài. Cô nhận định :
"Trong những năm gần đây nhất, lĩnh vực buôn người đã chuyển từ tập trung vào lãnh vực mại dâm sang những hình thức buôn người khác, trong đó có buôn bán lao động. Và tôi nghĩ rằng đặc biệt ở Việt Nam với xu hướng di cư lao động, có những hợp đồng lao động được Chính phủ tạo điều kiện, đã xảy ra tình trạng lạm dụng. Vì vậy, tôi cho rằng con số trường hợp buôn người lao động và lạm dụng lao động Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu thực sự bị bỏ qua".
Báo cáo về tình trạng buôn người mới nhất của Hoa Kỳ có nhận định rằng chính phủ Hà Nội chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ tình trạng buôn người dù đã có những nỗ lực đáng kể như tập trung truy tố kẻ buôn người.
Số trường hợp buôn người bị phát hiện và số người bị kết tội tại Việt Nam đã sụt giảm trong bốn năm liên tiếp, theo thống kê của Hà Nội. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình trạng buôn người ghi nhận vì Hà Nội đã dồn nguồn lực vào việc xây dựng một kế hoạch chống nạn buôn người bằng văn bản chuẩn mực nên Việt Nam đã được miễn trừ, không bị xếp vào cấp độ 3 (tier 3), tức hạng tồi tệ nhất dành cho các chính quyền bị đánh giá "không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu và không có những nỗ lực đáng kể" chống nạn buôn người. Trong báo cáo năm 2021, Hoa Kỳ xếp Việt Nam ở cấp độ 2 danh sách các quốc gia "cần phải theo dõi về buôn người."
Giang Nguyễn
Nguồn : RFA, 18/07/2021