Hoa Kỳ ủng hộ "Công lý cho nạn nhân Formosa"
Thanh Trúc, Triều Giang, Thái Hà, Đặng Đình Mạnh, RFA, 16/01/2024
Câu chuyện "Đòi công lý cho nạn nhân Formosa" vẫn đang tiếp diễn.
Nhằm cung cấp những thông tin mới nhất liên quan đến vấn đề này, RFA đã mời ba vị khách tham gia buổi hội luận hôm nay gồm :
- Nhà báo Triều Giang, thành viên Hội Bảo Tồn Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt, thành viên tổ chức Công lý cho nạn nhân Formosa (Justice for Formosa Victims-JFFV) ;
- Cô Thái Hà, đến từ San Jose, California, thành viên Ban Cố Vấn JFFV ;
- Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, người từng tham gia bào chữa cho ít nhất 80 phiên tòa chính trị, đại diện cho gần 100 thân chủ gồm các nhà bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động dân chủ, nhà báo độc lập, người ủng hộ quyền đất đai, dân oan.
Mời quý vị cùng theo dõi.
Nguồn : RFA, 16/01/2024
***************************
Đại diện Nhà Trắng hứa sẽ nghiên cứu trường hợp Formosa để có chính sách đem lại lợi ích cho người dân
RFA, 12/01/2024
Hôm 12/1/2024, các thành viên của Liên minh ngăn chặn Formosa (The Stop Formosa Plastics,) Liên minh Giám sát Quốc tế Formosa Plastics (International Monitor Formosa Plastics Alliance) và Rise St. James (một tổ chức phi chính phủ ở Louisiana, Hoa Kỳ) đã tổ chức một cuộc biểu tình trước Nhà Trắng để tố cáo công ty Formosa Plastics vi phạm nghiêm trọng "công lý môi trường", bao gồm xả thải phá hoại môi trường, gây ra những tổn hại về sức khỏe và nhân quyền tại Hà Tĩnh (Việt Nam), Texas và Louisiana (Hoa Kỳ).
Đại diện các tổ chức môi trường biểu tình trước Nhà Trắng hôm 12/1/2024 để "đòi công lý cho các nạn nhân của Formosa". RFA
Formosa Plastics là công ty có trụ sở chính tại Cao Hùng, Đài Loan và có các chi nhánh tại Vũng Áng (Hà Tĩnh, Việt Nam), tại Point Comfort (bang Texas), Baton Rouge (bang Louisiana) và Livingston (bang) New Jersey của Hoa Kỳ.
Trao đổi với RFA, ông John Hòa Nguyễn, Hội trưởng Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa (Justice For Formosa Victims), cho biết :
"Ngày hôm nay chúng tôi tới từ New Orleans, và nhiều người tới từ Texas, California, Louisiana. Phái đoàn hôm nay tới trao một thỉnh nguyện thư cho Tổng thống Biden và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như gặp US Army Corps of Engineers (Công binh Lục quân Hoa Kỳ) yêu cầu không cho Formosa xây dựng cơ sở ở Louisiana. Có một điều mà chúng tôi muốn trình bày với quý vị nữa là sau khi gây ô nhiễm môi trường năm 2016, Formosa đã đền bù cho nhà nước Việt Nam 500 triệu USD. Nhưng bờ biển của chúng ta thì sao ? Formosa chưa bao giờ ngưng xả thải. Nếu họ tiếp tục xả thải như trước đây, biển Việt Nam sẽ tiếp tục bị ô nhiễm, sẽ từ từ chết. Ô nhiễm biển sẽ từ miền Trung lan ra các vùng biển khác của Việt Nam. Người dân Việt Nam sẽ tiếp tục ăn cá bị ô nhiễm. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì sau mười năm nữa Việt Nam sẽ ra sao ? Đó cũng là điều chúng tôi muốn lên tiếng".
Bà Nancy Bùi, Phó Hội trưởng Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa, cho RFA biết trong sự kiện này, các nhà tổ chức biểu tình đã gửi một bản kiến nghị tới Nhà Trắng. Hai vị đại diện của Tổng thống Biden là ông Christopher Jackson làm việc tại Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ (The US Office of Science and Technology Policy) và bà Ryand Howard (Bộ Ngoại giao) đã tiếp đoàn. Hai vị Christopher Jackson và Ryand Howard hứa sẽ nghiên cứu vấn đề và tiếp tục liên lạc, trao đổi với các nhà hoạt động môi trường gửi thỉnh nguyện thư hôm nay, nhằm đưa ra chính sách đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân.
Bản kiến nghị này kêu gọi Tổng thống Biden gây áp lực ngoại giao lên Chính phủ Việt Nam, kêu gọi Việt Nam "chấm dứt trả thù các nạn nhân đang tìm kiếm công lý bằng các kênh pháp lý, để cho các nhân nhân có thể tự do hoàn tất các tài liệu cần thiết. Đây là các tài liệu cần được nộp cho tòa án Đài Loan và Hoa Kỳ". Ngoài ra, ban tổ chức cũng thỉnh cầu sự can thiệp của người đứng đầu nhánh hành pháp Hoa Kỳ nhằm giúp "trả tự do cho tất cả các tù nhân bị giam giữ chỉ vì vận động thay mặt cho các nạn nhân" của Formosa.
Tại Việt Nam, ba nhà hoạt động lên tiếng mạnh mẽ phản đối Formosa, sau đó bị bắt và đang bị cầm tù là Phạm Đoan Trang, Nguyễn Lân Thắng và Lê Đình Lượng.
Theo tổ chức Công lý cho nạn nhân Formosa (Justice for Formosa Victims-JFFV), vụ xả thải của Formosa Hà Tĩnh, một công ty chi nhánh của Tập đoàn Nhựa Formosa, hồi năm 2016 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho đời sống biển cả và làm hủy hoại cuộc sống của hơn 179.000 cư dân. Cho đến nay, hàng ngàn nạn nhân không được bồi thường mặc dù Formosa đã trả trực tiếp 500 triệu đô la cho Chính phủ Việt Nam.
Nguồn : RFA, 12/01/2024
Tết nguyên đán cổ truyền là thời điểm mà hầu hết mọi người dân Việt đều mong chờ, vì đó là dịp để sum vầy gia đình, gặp gỡ bạn bè, người thân để nhìn lại một năm đã qua đi và cùng nhau đón chào năm mới.
Người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh biểu tình hôm 12/12/2016 yêu cầu chính quyền trả tiền đền bù do thảm họa Formosa. Hình thính giả gửi RFA
Tuy nhiên, đối với nhiều người dân ở khu vực xảy ra thảm họa môi trường Formosa, Tết bây giờ không còn là niềm háo hức nữa mà thay vào đó là nỗi lo toan về chén cơm manh áo và gánh nặng kinh tế kể từ khi thảm họa cướp đi kế sinh nhai của họ.
Những bài phóng sự trước đây chúng tôi đã đề cập đến chuyện hầu hết các cơ sở hải sản khô và đông lạnh ở các tỉnh Bắc Trung Bộ nơi xảy ra thảm họa Formosa năm 2016, đều chưa được bồi thường. Họ phàn nàn rằng mặc dù đã kêu cứu khắp nơi từ trung ương đến địa phương nhưng cơ quan chức năng đều đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Mấy tháng sau đó, chúng tôi tiếp tục liên lạc với những hộ dân này để hỏi về tình hình bồi thường và được họ cho biết rằng vào chiều ngày 7 tháng 2, cơ quan chức năng đã bồi thường 30% tiền cho các cơ sở hải sản khô, đông lạnh. Ông Bình, một chủ cơ sở hải sản khô ở Hà Tĩnh, cho chúng tôi biết :
Chiều nay mới nhận được 30% tiền cá khô, tủ đông chứ còn tiền sứa chúng tôi chưa nhận được. Một số hộ làm nghề dịch vụ cá nhận được hơn 17 triệu.
Còn 70% nữa thì trong văn bản quyết định không thấy nói đến.
Những hàng hải sản làm từ cá như ruốc cá cách đây mấy năm kể từ trước thảm họa vẫn chưa được đền bù.
Ông Bình cũng cho biết rằng cuộc sống gia đình ông hiện tại "tuy không chết đói, nhưng cũng rất gian nan vất vả". Trước đây khi chưa xảy ra thảm họa, gia đình ông làm ăn khấm khá, không phải lo gánh nặng cơm áo. Còn bây giờ, ông vẫn theo nghề buôn bán hải sản khô nhưng hàng không bán được vì cứ nhắc đến khu vực Formosa là người ta sợ không dám ăn. Cuộc sống gia đình ông bấp bênh với nhiều khoản nợ từ ngân hàng :
Đang còn tồn đọng các vấn đề như tiền gốc, tiền lãi của Nhà nước bởi vì làm ăn phải có vay mượn giao dịch lớn.
Chúng tôi tìm đến tỉnh Quảng Bình, là một trong 4 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề từ thảm họa Formosa, và được những hộ buôn bán hải sản cho biết họ đã được đền bù mỗi người hơn 16 triệu đồng từ năm ngoái. Nhưng số tiền đó chỉ đủ cho gia đình họ sinh hoạt 2 tháng, rồi cuộc sống lại bấp bênh vì không có tiền mà công ăn việc làm cũng không có.
Bà Huynh, chủ một cửa hàng bán hải sản ở Quảng Bình cho biết hoàn cảnh gia đình bà hiện nay :
Nhà mình hiện vẫn buôn bán hải sản nhưng ruốc, mắm ứa lại nhiều quá bán không được. Người ta cứ nói đồ Formosa, không ai ăn mấy nên đồ ứa lại nhiều lắm.
Buôn bán kiếm được đồng nào ăn đồng đó chứ trong gia đình cũng bật chật, vất vả quá nhiều !
Cũng giống như ông Bình, bà Huynh đang mắc nhiều khoản nợ với ngân hàng mà trước đây vay để buôn bán. Bà nói rằng bây giờ không đủ sức trả tiền lãi, huống chi là tiền gốc. Cuộc sống của gia đình bà rất căng thẳng, vất vả và phập phồng trong nỗi lo nợ nần.
Tại một địa phương khác cũng trong diện chịu thiệt hại đó là tỉnh Quảng Trị, người dân cũng nói với chúng tôi điều tương tự đó là cuộc sống của họ kể từ sau thảm họa hết sức khó khăn, không tiền, không công ăn việc làm với những khoản nợ kếch xù lãi mẹ đẻ lãi con
Gia đình chị Mỹ ở Quảng Trị làm nghề hấp sấy hải sản. Khi thảm họa xảy ra, gia đình chị chịu nhiều ảnh hưởng nhưng không được chính quyền xếp vào danh sách được bồi thường. Chị Mỹ cho biết :
Nhà chị làm lò hấp sấy cá, cũng buôn bán bị thiệt hại nhưng không thấy Nhà nước hỗ trợ. Nhà chị cũng đưa đơn đề nghị Trung ương bồi thường hấp sấy cá.
Giờ không đi biển được vì đi biển không có gì. Lò hấp cũng để không vậy đó. Nói chung hoàn cảnh khó khăn lắm vì có làm gì ra tiền đâu. Đi biển không được, ở nhà không có cá mà sấy.
Tỉnh Quảng Bình ngày 5/12/2017 đã tổ chức họp Hội đồng Bồi thường Thảm họa Môi trường biển Formosa cho các đối tượng còn tồn đọng. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Lê Minh Ngân nói rằng việc bồi thường cho những người còn lại phải hoàn thành trước ngày 31/12 năm 2017. Đối với những trường hợp không được phê duyệt, ông Ngân yêu cầu hủy quyết định bồi thường.
RFA đã liên hệ với chính quyền các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh cũng như chính quyền xã Thạch Bằng và xã Lộc Hà thuộc tỉnh Hà Tĩnh (hai địa phương có nhiều hộ nói chưa được bồi thường), tuy nhiên họ đều cáo bận hoặc cúp máy. Riêng có ông Lương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết ngắn gọn là việc bồi thường đã hoàn thành cơ bản, rồi từ chối bình luận thêm :
Cũng [hoàn thành bồi thường] cơ bản thôi ! Có gì chị lên cơ quan, tôi có việc chút, có gì trao đổi sau !
Ngày Tết nguyên đán đến gần, chúng tôi hỏi thăm ông Bình chuẩn bị Tết được đến đâu, ông thở dài bảo rằng "ngày xưa ăn Tết cả mười năm thì giờ mười năm mở Tết một lần". Ngày Tết sắp đến nhưng trong gia đình ông chỉ nặng trĩu một nỗi lo làm sao trả nợ và làm sao để kế sinh nhai ổn định lại như xưa :
Đồng tiền mà dôi ra thì việc khác còn vui vẻ, bây giờ đồng tiền không có mình cũng chỉ biết tiết kiệm thôi chứ biết van ai đây.
Bà Huynh cũng mang một nỗi buồn tương tự khi xuân đến Tết về :
Chưa có gì chuẩn bị cả mà Tết đến nơi rồi. Năm nay khó khăn quá. Vay nợ ngân hàng thì chưa có trả.
Khi được hỏi về mong ước của bà cho năm mới sắp tới, bà Huynh cũng chỉ đau đáu một điều là làm sao trả được hết nợ ngân hàng để cuộc sống gia đình bà được thanh thản hơn :
Sang năm mới mình mong muốn cấp trên tạo điều kiện để bán được hết mắm, ruốc lấy tiền trả ngân hàng. Chứ nước mắm ứ nhiều quá không có tiền trả cho ngân hàng mà tiền lãi lên nhiều quá.
Còn với ông Bình, ước nguyện của ông là Việt Nam không còn xảy ra những thảm họa môi trường tương tự nữa để người dân không phải chịu thêm nỗi thống khổ. Ngoài ra, ông cũng mong cơ quan chức năng bồi thường cho thỏa đáng với những thiệt hại, mất mát to lớn mà Formosa đã mang lại cho người dân.
Tỉnh Quảng Bình từng cho biết tính đến ngày 4/12/2017, đã giải ngân gần 2.700 tỷ đồng tiền bồi thường cho các nạn nhân thảm họa Formosa. Số này tương đương 99% số tiền được phê duyệt.
Thảm họa môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ từ tháng tư năm 2016 do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ra. Thảm họa làm cá chết hàng loạt nổi trắng ven biển, khiến hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã từng yêu cầu việc đền bù phải hoàn thành trước ngày 30/6/2017.
RFA tiếng Việt, 08/02/2018