Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/02/2018

Nạn nhân Formosa đón Tết ra sao ?

RFA tiếng Việt

Tết nguyên đán cổ truyền là thời điểm mà hầu hết mọi người dân Việt đều mong chờ, vì đó là dịp để sum vầy gia đình, gặp gỡ bạn bè, người thân để nhìn lại một năm đã qua đi và cùng nhau đón chào năm mới.

formosa0

Người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh biểu tình hôm 12/12/2016 yêu cầu chính quyền trả tiền đền bù do thảm họa Formosa. Hình thính giả gửi RFA

Tuy nhiên, đối với nhiều người dân ở khu vực xảy ra thảm họa môi trường Formosa, Tết bây giờ không còn là niềm háo hức nữa mà thay vào đó là nỗi lo toan về chén cơm manh áo và gánh nặng kinh tế kể từ khi thảm họa cướp đi kế sinh nhai của họ.

Bồi thường vẫn chưa xong

Những bài phóng sự trước đây chúng tôi đã đề cập đến chuyện hầu hết các cơ sở hải sản khô và đông lạnh ở các tỉnh Bắc Trung Bộ nơi xảy ra thảm họa Formosa năm 2016, đều chưa được bồi thường. Họ phàn nàn rằng mặc dù đã kêu cứu khắp nơi từ trung ương đến địa phương nhưng cơ quan chức năng đều đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Mấy tháng sau đó, chúng tôi tiếp tục liên lạc với những hộ dân này để hỏi về tình hình bồi thường và được họ cho biết rằng vào chiều ngày 7 tháng 2, cơ quan chức năng đã bồi thường 30% tiền cho các cơ sở hải sản khô, đông lạnh. Ông Bình, một chủ cơ sở hải sản khô ở Hà Tĩnh, cho chúng tôi biết :

Chiều nay mới nhận được 30% tiền cá khô, tủ đông chứ còn tiền sứa chúng tôi chưa nhận được. Một số hộ làm nghề dịch vụ cá nhận được hơn 17 triệu.

Còn 70% nữa thì trong văn bản quyết định không thấy nói đến.

Những hàng hải sản làm từ cá như ruốc cá cách đây mấy năm kể từ trước thảm họa vẫn chưa được đền bù.

Ông Bình cũng cho biết rằng cuộc sống gia đình ông hiện tại "tuy không chết đói, nhưng cũng rất gian nan vất vả". Trước đây khi chưa xảy ra thảm họa, gia đình ông làm ăn khấm khá, không phải lo gánh nặng cơm áo. Còn bây giờ, ông vẫn theo nghề buôn bán hải sản khô nhưng hàng không bán được vì cứ nhắc đến khu vực Formosa là người ta sợ không dám ăn. Cuộc sống gia đình ông bấp bênh với nhiều khoản nợ từ ngân hàng :

Đang còn tồn đọng các vấn đề như tiền gốc, tiền lãi của Nhà nước bởi vì làm ăn phải có vay mượn giao dịch lớn.

Chúng tôi tìm đến tỉnh Quảng Bình, là một trong 4 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề từ thảm họa Formosa, và được những hộ buôn bán hải sản cho biết họ đã được đền bù mỗi người hơn 16 triệu đồng từ năm ngoái. Nhưng số tiền đó chỉ đủ cho gia đình họ sinh hoạt 2 tháng, rồi cuộc sống lại bấp bênh vì không có tiền mà công ăn việc làm cũng không có.

Bà Huynh, chủ một cửa hàng bán hải sản ở Quảng Bình cho biết hoàn cảnh gia đình bà hiện nay :

Nhà mình hiện vẫn buôn bán hải sản nhưng ruốc, mắm ứa lại nhiều quá bán không được. Người ta cứ nói đồ Formosa, không ai ăn mấy nên đồ ứa lại nhiều lắm.

Buôn bán kiếm được đồng nào ăn đồng đó chứ trong gia đình cũng bật chật, vất vả quá nhiều !

Cũng giống như ông Bình, bà Huynh đang mắc nhiều khoản nợ với ngân hàng mà trước đây vay để buôn bán. Bà nói rằng bây giờ không đủ sức trả tiền lãi, huống chi là tiền gốc. Cuộc sống của gia đình bà rất căng thẳng, vất vả và phập phồng trong nỗi lo nợ nần.

Tại một địa phương khác cũng trong diện chịu thiệt hại đó là tỉnh Quảng Trị, người dân cũng nói với chúng tôi điều tương tự đó là cuộc sống của họ kể từ sau thảm họa hết sức khó khăn, không tiền, không công ăn việc làm với những khoản nợ kếch xù lãi mẹ đẻ lãi con

Gia đình chị Mỹ ở Quảng Trị làm nghề hấp sấy hải sản. Khi thảm họa xảy ra, gia đình chị chịu nhiều ảnh hưởng nhưng không được chính quyền xếp vào danh sách được bồi thường. Chị Mỹ cho biết :

Nhà chị làm lò hấp sấy cá, cũng buôn bán bị thiệt hại nhưng không thấy Nhà nước hỗ trợ. Nhà chị cũng đưa đơn đề nghị Trung ương bồi thường hấp sấy cá.

Giờ không đi biển được vì đi biển không có gì. Lò hấp cũng để không vậy đó. Nói chung hoàn cảnh khó khăn lắm vì có làm gì ra tiền đâu. Đi biển không được, ở nhà không có cá mà sấy.

Tỉnh Quảng Bình ngày 5/12/2017 đã tổ chức họp Hội đồng Bồi thường Thảm họa Môi trường biển Formosa cho các đối tượng còn tồn đọng. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Lê Minh Ngân nói rằng việc bồi thường cho những người còn lại phải hoàn thành trước ngày 31/12 năm 2017. Đối với những trường hợp không được phê duyệt, ông Ngân yêu cầu hủy quyết định bồi thường.

RFA đã liên hệ với chính quyền các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh cũng như chính quyền xã Thạch Bằng và xã Lộc Hà thuộc tỉnh Hà Tĩnh (hai địa phương có nhiều hộ nói chưa được bồi thường), tuy nhiên họ đều cáo bận hoặc cúp máy. Riêng có ông Lương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết ngắn gọn là việc bồi thường đã hoàn thành cơ bản, rồi từ chối bình luận thêm :

Cũng [hoàn thành bồi thường] cơ bản thôi ! Có gì chị lên cơ quan, tôi có việc chút, có gì trao đổi sau !

Tết buồn

Ngày Tết nguyên đán đến gần, chúng tôi hỏi thăm ông Bình chuẩn bị Tết được đến đâu, ông thở dài bảo rằng "ngày xưa ăn Tết cả mười năm thì giờ mười năm mở Tết một lần". Ngày Tết sắp đến nhưng trong gia đình ông chỉ nặng trĩu một nỗi lo làm sao trả nợ và làm sao để kế sinh nhai ổn định lại như xưa :

Đồng tiền mà dôi ra thì việc khác còn vui vẻ, bây giờ đồng tiền không có mình cũng chỉ biết tiết kiệm thôi chứ biết van ai đây.

Bà Huynh cũng mang một nỗi buồn tương tự khi xuân đến Tết về :

Chưa có gì chuẩn bị cả mà Tết đến nơi rồi. Năm nay khó khăn quá. Vay nợ ngân hàng thì chưa có trả.

Khi được hỏi về mong ước của bà cho năm mới sắp tới, bà Huynh cũng chỉ đau đáu một điều là làm sao trả được hết nợ ngân hàng để cuộc sống gia đình bà được thanh thản hơn :

Sang năm mới mình mong muốn cấp trên tạo điều kiện để bán được hết mắm, ruốc lấy tiền trả ngân hàng. Chứ nước mắm ứ nhiều quá không có tiền trả cho ngân hàng mà tiền lãi lên nhiều quá.

Còn với ông Bình, ước nguyện của ông là Việt Nam không còn xảy ra những thảm họa môi trường tương tự nữa để người dân không phải chịu thêm nỗi thống khổ. Ngoài ra, ông cũng mong cơ quan chức năng bồi thường cho thỏa đáng với những thiệt hại, mất mát to lớn mà Formosa đã mang lại cho người dân.

Tỉnh Quảng Bình từng cho biết tính đến ngày 4/12/2017, đã giải ngân gần 2.700 tỷ đồng tiền bồi thường cho các nạn nhân thảm họa Formosa. Số này tương đương 99% số tiền được phê duyệt.

Thảm họa môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ từ tháng tư năm 2016 do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ra. Thảm họa làm cá chết hàng loạt nổi trắng ven biển, khiến hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã từng yêu cầu việc đền bù phải hoàn thành trước ngày 30/6/2017.

RFA tiếng Việt, 08/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 796 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)