Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/02/2018

Hoạt động công đoàn độc lập tại Việt Nam

Kính Hòa

Đàn áp công đoàn độc lập

Việc bắt giam và kết án ông Hoàng Đức Bình đưa tổng số những thành viên của tổ chức Phong trào Lao động Việt, hiện bị giam giữ lên bốn người. Đó là các ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Đức Độ, và Hoàng Đức Bình.

congdoan1

Phong trào đòi trả tự do cho ông Hoàng Đức Bình (ảnh giữa), một thành viên Phong trào Lao động Việt vừa bị kết án 14 năm tù. Tháng 2/2018. Courtesy of Green Tree Hanoi.

Một trong những người chủ chốt của tổ chức này là ông Đoàn Huy Chương đang trốn tránh sự bắt bớ của công an Việt Nam. Vào tháng 11 năm 2006, ông Chương và một số người khác thành lập Hội Đoàn kết công nông để đấu tranh cho quyền lợi của công nhân và nông dân, nhưng chỉ vài ngày sau là ông bị bắt. Ông ra tù năm 2006, rồi lại bị bắt một lần nữa sau khi tổ chức một cuộc đình công tại Trà Vinh lên đến hơn 10.000 công nhân tham gia. Ông được trả tự do vào đầu năm 2017 sau khi mãn án tù.

Từ nơi ẩn náu, ông Chương cho chúng tôi biết hiện nay có hai tổ chức nghiệp đoàn độc lập đang hoạt động là Phong trào Lao động Việt do ông và một số người thành lập vào tháng Tám, năm 2008, và tổ chức thứ hai là Liên đoàn Lao động Việt tự do. Ông nói về hoạt động của hai tổ chức này :

"Có thể hỗ trợ nhau về thông tin, chứ không dẫm chân lên nhau bởi vì tuy rằng là hai tổ chức nhưng cùng một mục tiêu là giúp đỡ những người công nhân nói lên sự bất công mà giới chủ doanh nghiệp đàn áp họ, hay là những cái mà công đoàn Việt Nam không bảo vệ họ, thì chúng tôi, Lao động Việt hay Phong trào Lao động Việt làm mọi cách để hướng dẫn họ, bảo vệ họ chứ không giẫm chân lên nhau".

Ông Đoàn Huy Chương cho biết là từ cuối tháng 12 năm 2017 đến nay, cha ông nhiều lần bị công an tỉnh Đồng Nam tạm giữ. Ông cho rằng công an làm như vậy là để làm cho ông ra khỏi chổ ẩn náu để bắt, vì họ lo ngại ông Chương là người hay tiếp xúc với giới công nhân.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự ở Hà Nội nói với chúng tôi về sự đàn áp hiện nay của nhà cầm quyền đối với các tổ chức đối lập nói chung, và các tổ chức công đoàn độc lập nói riêng :

"Những người mà họ cảm thấy rằng hành động của những người đấy thực sự nguy hiểm đối với sự tồn tại của họ, sự nắm quyền của họ, thì họ tìm mọi cách để trừng trị, vu khống, vu cáo những tội như thế, còn những người họ cảm thấy không quá nguy hiểm thì họ cứ để đấy".

Ông Chương cũng nói rằng những người cộng sản rất ngại những tổ chức được thành lập mà họ không thể kiểm soát được.

Vào cuối năm 2012, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng có nói chuyện trong một hội nghị của ngành công an rằng không để cho các tổ chức, các nhóm đối lập được thành lập.

Cuối năm 2014, ông Nguyễn Tấn Dũng lại lặp lại tuyên bố đó, cũng trong một hội nghị của ngành công an.

Những tổ chức công đoàn độc lập mà nhà nước Việt Nam không kiểm soát được thì luôn được báo chí nhà nước Việt Nam gọi là những tổ chức phản động. Sau khi bản tuyên án ông Hoàng Đức Bình được công bố, báo điện tử Nghệ An nói rằng ông Bình đã tham gia tổ chức phản động là Phong trào Lao động Việt.

Tuy nhiên một nhạc sĩ tự do ở Sài Gòn là ông Nguyễn Tín nói với chúng tôi :

"Ngày xưa tôi cũng có làm công nhân, tôi biết những cái công đoàn không nói tiếng nói của người công nhân, không đứng về phía công nhân, cho nên việc anh (Bình) thành lập Lao động Việt, tôi thấy rất hợp lý, nơi đó sẽ đòi lại những quyền lợi mà công nhân Việt Nam cần phải có".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, điều mà ông Nguyễn Tín trình bày là một nhu cầu rất cao trong giới lao động tại Việt Nam hiện nay, vì thực sự các công đoàn của nhà nước, mà ông gọi là công đoàn vàng theo tiếng lóng của báo chí phương Tây, là không đại diện cho công nhân.

Thực trạng và tương lai của hoạt động công đoàn tại Việt Nam

Tuy nhiên theo quan sát của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ngoài những tổ chức gọi là "công đoàn vàng" của nhà nước, những hoạt động công đoàn độc lập chưa thực sự tồn tại, mặc dù ông công nhận rằng có những hoạt động có thể có tính tổ chức của các cuộc đình công xảy ra đây đó trên cả nước :

"Tôi nghĩ là chưa có thực sự một tổ chức công đoàn độc lập nào ở Việt Nam cả. Lao động Việt là một phong trào để xúc tiến thành lập những công đoàn độc lập ấy. Họ có những tổ chức không chính thức của họ.

Những tổ chức ấy bất kể là nó có đăng ký hay không, nó phải có một hoạt động nhất định nào đó, và nó phải kéo tương đối là dài".

Quan sát của ông trái với sự khẳng định của một số nhà hoạt động nghiệp đoàn tự do nói với chúng tôi rằng hiện nay các hoạt động nghiệp đoàn thực sự đã bắt đầu và dưới hình thức mà họ gọi là không cần một tổ chức.

Khẳng định điều này với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hùng, hiện nay là Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt tự do dẫn chứng trường hợp đấu tranh của giới lái xe chống trạm thu phí Cai Lậy, không cần một tổ chức mang tính hình thức.

Cho dù là với hiện trạng không có tổ chức, hoặc có thể là có tổ chức bí mật như hiện nay, những người hoạt động công đoàn độc lập đã bắt đầu nói nhiều đến áp lực của bên ngoài khi Việt Nam gia nhập những tổ chức thương mại quốc tế, có những điều kiện ràng buộc về công đoàn độc lập, chẳng hạn như thỏa thuận thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam mong muốn tham gia, có yêu cầu phải để cho công nhân tự thành lập tổ chức của mình.

Hy vọng này một lần nữa lại được nhen nhóm trong những ngày đầu năm 2018, khi mà tại diễn đàn kinh tế Davos, chính phủ Mỹ có tuyên bố khả năng nước này quay trở lại TPP sau khi đã rút ra hồi đầu năm 2017. Điều này sẽ làm cho thỏa thuận TPP mạnh mẽ và có sức ép lớn hơn.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu Chính phủ Việt Nam có thành lập những tổ chức công đoàn độc lập giả hiệu hay không ? Vì rằng trong quá khứ Đảng cộng sản Việt Nam đã từng thành lập những tổ chức ngoại vi của họ, mang danh nghĩa không cộng sản.

Ông Đoàn Huy Chương tự tin rằng tổ chức của ông có thể đương đầu được với viễn cảnh đó :

"Thành lập một tổ chức công đoàn ảo thì đối với họ là không khó. Nhưng chúng tôi không ngại chuyện đó, chúng tôi đấu tranh cho sự thật, làm những gì thực chất cho công nhân. Những người nhìn thấy việc đó là công nhân chứ không để cho những người cộng sản nhìn thấy, hay một tổ chức nào nhìn thấy. Sự quyết định là ở những người công nhân".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cảnh báo những người hoạt động nghiệp đoàn độc lập hiện nay về điều đó :

"Những người hoạt động vì phong trào lao động phải chú ý đến khả năng đó. Theo suy đoán của tôi thì khả năng đấy chắc chắn xảy ra. Khi đó mình phải tương kế tựu kế biến cái đó thành của mình, hay là vô hiệu hóa nó đi. Đây là một cuộc đấu tranh trí tuệ và cân não".

Theo ông Nguyễn Quang A, các nhà hoạt động công đoàn độc lập có thể bắt đầu bằng những hoạt động nhỏ cho giới công nhân để cho nhà nước độc đảng của Việt Nam không cảm thấy sợ hãi, từ đó dẫn đến việc họ sẽ thấy sự tồn tại của những công đoàn độc lập là một chuyện bình thường.

Ông cũng nói là những hoạt động công đoàn nên công khai, tuy ông vẫn không loại trừ những hoạt động ngầm vì quyền lợi của người công nhân.

Như vậy là sau hơn 40 năm cầm quyền của Đảng cộng sản, một đảng tự xưng là đảng của giai cấp công nhân với biểu tượng búa liềm trên lá cờ đảng, những người cộng sản tiếp tục gọi các tổ chức độc lập của công nhân là phản động, còn những người hoạt động nghiệp đoàn như ông Đoàn Huy Chương, hoạt động xã hội dân sự như ông Nguyễn Quang A, đang tìm cách thực hiện những điều bình thường trong một xã hội bình thường, đó là tổ chức tranh đấu cho quyền lợi thực sự của người công nhân.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 08/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 685 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)