Không nên cứ mãi đổ thừa thế lực thù địch
Phạm Lê Đoan, VNTB, 08/09/2023
Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho rằng vụ khủng bố Đắk Lắk là hệ quả tất yếu, tích tụ do thế lực thù địch không ngừng chống phá.
78% rừng Tây Nguyên mất đi là do chuyển đổi mục đích sử dụng
Ngày 6/9, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, thượng tướng Trần Quốc Tỏ – thứ trưởng Bộ Công an – cho rằng vụ việc khủng bố xảy ra ở Đắk Lắk là một việc đáng tiếc. "Đây có thể coi là hệ quả tất yếu, tích tụ do thế lực thù địch không ngừng chống phá, chứ không đơn thuần do sơ suất", ông Tỏ nói.
Với tuyên bố trên cho thấy cảnh báo của cựu Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vẫn còn đúng đến tận hôm nay : "Đây là vấn đề quan trọng. Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi" – trích phát biểu của ông Trần Quốc Vượng tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Lẽ ra trong tình cảnh thực tế Tây Nguyên, thượng tướng Trần Quốc Tỏ phải nhìn thẳng vào sự thật rằng "nguyên nhân sâu xa, cội nguồn của vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk vẫn là những vấn đề kinh tế – xã hội của đồng bào trong vùng ; phân hóa giàu nghèo ; quản lý đất đai ; xây dựng hệ thống chính trị".
Nạn triệt hạ rừng nhân danh những dự án thủy điện, thủy lợi, cây công nghiệp, khu du lịch sinh thái, sân golf… là các đơn cử.
Sách giáo khoa các cấp đã dạy học trò rằng rừng Tây Nguyên gắn liền với đời sống đồng bào, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu không chỉ cho khu vực, mà còn cho các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và toàn bộ vùng hạ lưu sông Mê Kông.
Tại tỉnh Đắk Lắk, tình trạng phá rừng diễn ra không hề thua sút những tỉnh láng giềng như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum hay Lâm Đồng. Đầu năm 2021, trong Hội nghị bảo vệ phát triển rừng năm 2021, phòng cảnh sát kinh tế và công an tỉnh này đưa ra con số chỉ trong năm 2020, họ đã tiếp nhận 248 vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, khởi tố 41/134 bị can.
Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc phá rừng tại chính Công ty Lâm nghiệp Ea Kar. Tại đây, theo cơ quan điều tra, đã có khoảng 28.000 m3 gỗ rừng bị đốn hạ, thiệt hại khoảng 29 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2.559.956ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước.
Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên – theo con số báo cáo là đạt 45,92%. Trong đó, rừng phân theo mục đích sử dụng : Rừng đặc dụng 479.257 ha, rừng phòng hộ 547.822 ha, rừng sản xuất 1.532.876 ha. Năm 2019, diện tích rừng trồng tăng 18.387 ha so với năm 2018.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại thì diện tích rừng tự nhiên giảm 15.753 ha, trong đó 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắk Lắk 11.419 ha, Đắc Nông 7.156 ha và Gia Lai 494 ha.
Một báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn thẳng vào sự thật : "Trước đây, rừng tự nhiên tại Tây Nguyên có trữ lượng rất giàu. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rừng Tây Nguyên do chuyển đổi mục đích sử dụng trong nhiều năm qua, phát triển cây công nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội nên diện tích và trữ lượng rừng Tây Nguyên đã bị suy giảm nhanh chóng. Hiện vẫn còn tiếp tục suy giảm.
Vấn đề đặt ra đối với Tây Nguyên là để phát triển bền vững thì phải giữ diện tích rừng hiện có, không thể để thấp hơn được nữa. Đến nay, độ che phủ của rừng ở Tây Nguyên còn 45,92%, nhưng trong đó rừng nghèo và rừng nghèo kiệt chiếm tới 70%, diện tích rừng giàu và trung bình chỉ còn tập trung ở một số khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn".
Một số liệu khác được cung cấp từ ông Hà Công Tuấn, nguyên thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại hội thảo phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, ngày 4/4/2023 : sau năm 1975, Tây Nguyên là thủ đô của lâm nghiệp, với 3,8 triệu ha rừng tự nhiên, độ che phủ toàn vùng 70%.
Sau nhiều thập kỷ, diện tích rừng ở đây chỉ còn khoảng 2,1 triệu ha. Trong đó, gần 10% là diện tích rừng giàu, phân bố ở sáu vườn quốc gia và các rừng phòng hộ ; còn lại là rừng nghèo kiệt.
Từ năm 1976 đến 2005, mỗi năm Tây Nguyên để mất khoảng 34.000 ha rừng tự nhiên. Sau Chỉ thị 13/2017 của Ban Bí thư, tình trạng phá rừng giảm nhưng cũng mất 25.000 ha mỗi năm. Trong số này, 78% mất rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng, phá rừng bất hợp pháp chỉ chiếm 6%, khai thác rừng trồng 4%, cháy rừng 1%, còn 11% là nguyên nhân khác.
Phạm Lê Đoan
Nguồn : VNTB, 08/09/2023
***************************
Tây Nguyên khát nước, vậy mở rộng dự án khai thác bô xít để làm gì ?
Trường Sơn, 08/09/2023
"Bình Thuận có 3 chữ kh đó là "khô, khó và khổ". Do vậy nước là vấn đề lớn trong sự phát triển của tỉnh Bình Thuận".
Để luyện nhôm Alumina cần tiêu hao không ít nước sạch, một tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt ở Tây Nguyên.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, nhiệt tình ủng hộ dự án hồ thủy lợi Ka Pét. Ông nói : "Tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất thường xuyên xảy ra, với mức độ hạn hán, khô hạn ngày càng khốc liệt, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân cũng như là sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Như nhận xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi nói về Bình Thuận có 3 chữ kh đó là "khô, khó và khổ". Do vậy nước là vấn đề lớn trong sự phát triển của tỉnh Bình Thuận".
Khi thay mặt Chính phủ đề nghị lại Quốc hội tăng vốn cho dự án hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận ngày 30-5-2023 đã chậm tiến độ 3 năm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã viện dẫn đến cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
"Tôi nhớ mãi câu nói của đồng chí Đỗ Mười rằng Ninh Thuận có 3 vấn đề, đó là nước, nước và nước", ông thuyết phục Quốc hội nâng vốn cho dự án Ka Pét đã được thông qua năm 2019 nhưng chậm tiến độ vì mấy năm dịch bệnh ở tỉnh Bình Thuận, nơi cũng gặp tình trạng hạn hán quanh năm như tỉnh lân cận Ninh Thuận, địa phương ông từng giữ chức Bí thư.
An ninh nguồn nước
"Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước ; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất để giảm thất thoát, lãng phí ; tăng cường thực hiện các biện pháp sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả.
Triển khai các giải pháp công nghệ lọc nước biển, bổ sung nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp tại các vùng khan hiếm nước, xâm nhập mặn" – trích Kết luận số 36-KL/TW ngày 23-6-2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trước đó, tại văn bản số 167/2007 ngày 1-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến 2025", ghi rõ : Từ nay tới năm 2015, Tây Nguyên sẽ xây dựng 6 nhà máy Alumina để sản xuất 6 đến 8,5 triệu tấn alumina, 1 nhà máy điện phân nhôm, 1 đường sắt khổ đơn dài 270km nối Đắk Nông với Bình Thuận và một cảng biển chuyên dụng công suất 10 đến 15 triệu tấn cũng tại Bình Thuận.
Về lý thuyết, để luyện nhôm Alumina cần tiêu hao không ít nước sạch, một tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt ở Tây Nguyên.
Về lý thuyết quản trị trong ngành luyện kim, thì để đi tới quyết định có sản xuất nhôm hay không, cần đáp ứng thỏa đáng những điều kiện sau đây – xếp theo thứ tự quan trọng của các yếu tố : Có nguồn điện dồi dào – Có nguồn nước dồi dào – Nơi khai thác có vị trí và địa thế hoang vắng thuận lợi cho giải quyết thỏa đáng vấn đề bảo vệ môi trường (nước thải và bùn đỏ) – Có khả năng giảm xuống mức thấp nhất chi phí vận tải – Có trữ lượng bauxite dồi dào với hàm lượng cho phép đạt 4/2/1 (4 tấn quặng làm ra 2 tấn alumina rồi từ đó ra 1 tấn nhôm, nếu không giá thành sẽ quá đắt) – Có nguồn lao động rẻ.
Như vậy lợi thế của Tây Nguyên cho chuyện bauxite là "trữ lượng" và "lao động rẻ".
Nếu Đảng thật sự quan tâm đến an ninh nguồn nước như nêu ở Kết luận số 36-KL/TW, thì cần tiến đến thu hẹp và đóng cửa các nhà máy luyện kim đang tiêu tốn quá nhiều nước ngọt –như nhấn mạnh của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về khát khao "nước – nước – nước" ; và "khô, khó và khổ" như chia sẻ về 3 ‘kh’ của Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.
Trong một diễn biến khác, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản đóng dấu "Hỏa tốc" đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng "xem xét – xử lý" về việc báo chí đã đăng ý kiến trái chiều về dự án hồ thủy lợi này của tỉnh Bình Thuận (xem ảnh)
Trường Sơn
Nguồn : VNTB, 08/09/203
*****************************
Không có đất làm hồ, vậy đất đâu để trồng rừng ?
Hòa Hưng, VNTB, 07/09/203
Dư luận tiếp tục quan tâm việc Bình Thuận sẽ làm hồ chứa nước Ka Pét nằm trong hơn 600 ha đất rừng, trong đó có 160 ha rừng đặc dụng.
Chủ đầu tư phải trồng khôi phục và trồng bù vào số rừng cây sẽ bị triệt hạ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, Hàm Thuận Nam.
Dự án gồm hồ chứa nước với dung tích khoảng 51 triệu m3, đập chính, kênh chuyển nước và cụm điều tiết. Trong đó, hồ chứa nước với diện tích khoảng 10km2 và đập ngăn sông cao khoảng 28m.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, khó khăn nhất của dự án là khi xây dựng sẽ gây ngập lòng hồ với diện tích khoảng 718 ha, trong đó hơn 160 ha là rừng đặc dụng.
Việc trồng rừng để bù vào số sẽ bị triệt hạ, theo chính quyền tỉnh này, chủ đầu tư phải trồng khôi phục và trồng bù. Vị trí trồng bù lại tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (huyện Hàm Thuận Nam). Ưu tiên trồng các cây bản địa để tránh xáo trộn hệ sinh thái.
Quy định tổng diện tích rừng trồng phải gấp 3 lần diện tích rừng của dự án, nên phạm vi trồng thay thế có thể mở rộng vùng đất hoang hóa, đất sản xuất lâm nghiệp để bù lại đạt hiệu quả cao. Và đây chính là khoảng trống pháp lý trong tương lai cho chuyện "trồng bù", vì đất hoang hóa đang dần bị thu hẹp bởi tốc độ khai phá của cư dân nhập cư. Hơn nữa, đã gọi là "đất hoang hóa" thì nước đâu để chăm sóc từ cây con lớn lên thành rừng ?
"Đời cha phá rồi trồng bù, đời con thấy cây lâu lớn quá phá nốt, và tới đời cháu nó không biết nơi nó đang đứng đã từng là một cánh rừng xanh tươi tốt mà cha ông nó đã phá. Tròm trèm cũng trăm năm đấy chứ nhỉ !" – một ý kiến được rút ra từ chuyện liên tưởng đến hàng cây cổ thụ hàng trăm năm trên đường Cường Để/ Tôn Đức Thắng của Sài Gòn/ thành phố Hồ Chí Minh.
Một tranh biện khác dáng dấp học thuật : Không nên so sánh rừng trồng thay thế với rừng tự nhiên đã có hàng trăm năm nay. Thực tế phải xem lại kết quả tính toán thuỷ văn dòng chảy sông Cà Ty, sông Kapet và sông Móng. Làm hồ Kapet không thể cấp đủ nước cho Bình Thuận và thành phố Phan Thiết. Sao không học người Pháp làm các đập dâng trên sông Cà Ty, rút ngắn công trình dẫn nước về Phan Thiết, không mất rừng đầu nguồn là nơi giữ nước và sinh thuỷ…
Liên quan đến chuyện "đất trồng rừng" và "đất nông nghiệp" ở đây, có lưu ý là nên quan tâm đến quy định chống phá rừng Châu Âu (EUDR).
Ngày 29-6-2023 Nghị viện Châu Âu thông qua Quy định Chống phá rừng Châu Âu (EUDR). Quy Định này có hiệu lực thực thi từ 12/2024. Phạm vi hàng hóa sản xuất chịu áp dụng trong Quy định này gồm : gia súc, ca-cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng, chẳng hạn như da, sô-cô-la, lốp xe, hoặc đồ nội thất.
Theo Quy định, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này có khả năng phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng. Nghị viện Châu Âu nhấn mạnh, Quy định nhằm giải quyết nạn phá rừng ; suy thoái rừng và bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.
Như vậy coi như sắp tới đây "đất rừng" – "đất nông" ở Tây Nguyên sẽ là lằn ranh của việc "tranh chấp sản xuất". Mặt khác, không rõ nếu thời gian tới người ta triệt hạ rừng nguyên sinh để làm hồ chứa nước Ka Pét, thì số gỗ cổ thụ này có "dấu búa kiểm lâm" ra sao, vì thực chất đó là gỗ của "phá rừng có giấy phép"…
Theo luật EUDR, các sản phẩm chịu sự điều chỉnh gồm : gia súc chăn thả, ca-cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, kể cả các sản phẩm có chứa/ được nuôi bằng/ đã được tạo ra bằng cách sử dụng từ các nguyên liệu thô được liệt kê này – như thức ăn cho gia cầm gia súc, da, sô-cô-la, đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ.
Xem ra có thể thấy gần như toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU hiện nay đều nằm trong danh mục sản phẩm bị điều chỉnh bởi luật chống phá rừng. Trong khi theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, trong giai đoạn 2012 – 2017, đã có tới 89% diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phục vụ các dự án phát triển kinh tế.
Do đó nếu các doanh nghiệp tiếp tục phá rừng để mở rộng sản xuất nông nghiệp, chắc chắn sớm nhất là trong năm tới sẽ bắt đầu có một số sản phẩm của Việt Nam có thể khó xuất sang Châu Âu.
Hòa Hưng
Nguồn : VNTB, 07/09/2023
Phá rừng ở Việt Nam : "Lâm tặc" và "Kiểm lâm" khác gì nhau ? (CaliToday, 22/03/2018)
Thay vì chức năng là bảo vệ và phát triển rừng, nhiều cán bộ nằm trong lực lượng kiểm lâm Việt Nam ngoài năng lực kém lại còn tiếp tay cho lâm tặc hoặc trực tiếp phá rừng gây nhiều hậu quả cho xã hội và người dân…
Nạn đốn cây phá rừng - Hinh Minh Hoa. Photo Credit : VietQ
Theo báo VOV vào ngày 21/03/2018 đăng tin, nhiều cán bộ kiểm lâm ở Quảng Nam bị kỷ luật ở các mức độ khác nhau vì liên quan đến vụ phá rừng ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước gồm :
- Các ông : Phan Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam ; Bùi Văn Tưởng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm nam Quảng Nam ;Nguyễn Hoàng Mai, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Tiên Lãnh và xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước cùng bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng và Chính quyền.
- Ông Huỳnh Ngọc Tân, Hạt phó Hạt kiểm lâm nam Quảng Nam phụ trách địa bàn huyện Tiên Phước bị cách chức Chi ủy viên Chi bộ Hạt kiểm lâm nam Quảng Nam, các chức Hạt phó Hạt kiểm lâm Tiên Phước.
Liên quan đến vụ phá rừng ở Tiên Lãnh, báo chí Việt Nam cho biết vào ngày 17/08/2017, lực lượng chức năng phát hiện gần 5 ha rừng tại khoảnh 5, tiểu khu 556 bị phá trái phép để trồng keo. Thủ phạm sau đó được xác định là vợ chồng ông Phùng Văn Bảy trú ở thôn 9, xã Tiên Lãnh.
Từ tiểu khu 556, Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam còn cho biết các tiểu khu lân cận mức độ phá rừng cũng kinh khủng không kém, hàng trăm ha rừng bị phá trái phép. Diện tích rừng bị phá này chủ yếu để trồng keo và đốt than.
Vụ phá rừng ở Tiên Lãnh, ông Phùng Văn Bảy và vợ là bà Nguyễn Thị Việt sau đó bị bắt giam và khởi tố vụ án, cùng lúc đó cũng có nhiều cán bộ xã Tiên Lãnh bị kỷ luật. Điều mà dự luận đặt câu hỏi qua vụ án ở đây là lực lượng kiểm lâm ở đâu, sao lại để hàng trăm ha rừng ở huyện Tiên Phước bị phá ? Mức độ phá rừng thế này không thể nói chỉ có một vài đối tượng tiến hành ngày một ngày hai mà phải nhiều đối tượng tiến hành trong thời gian dài, vậy liệu đằng sau đó có sự làm ngơ hoặc sự tiếp tay của cán bộ kiểm lâm hay không ?
Nhìn rộng ra, không chỉ ở Quảng Nam mà ở khắp Việt Nam như ở ; Quảng Trị, Nghệ An, Bình Định, Tây Nguyên, Tây Bắc… những cánh rừng nơi đây bị tàn phá không thương tiếc để thấy phá rừng là một trong những vấn nạn lớn ở Việt Nam, và cũng cho thấy cơ quan chức năng bảo vệ rừng ở đây chính yếu là lực lượng kiểm lâm Việt Nam đã không làm tròn trách nhiệm giữ rừng, đơn cử như hơn 40 ha rừng tự nhiên ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định bị tàn phá mà lão đạo kiểm lâm nói không biết. Ông Nguyễn Trung Hải-Giám đốc Sở Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn Kon Tum từng phát biều trước báo đài rằng : Tôi khẳng định trong ngành nghiệp, lực lượng kiểm lâm hoặc chủ rừng cũng có những đồng chí bán đứng ngành để lấy tiền chứ không phải không có.
Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm là ở Việt Nam có nhiều vụ án phá rừng chỉ khởi tố chứ không có bị can bởi năng lực điều tra của lực lượng kiểm lâm khá kém.
Chưa hết, ở Việt Nam có một sự ví von nhưng cũng khá đúng đó là muốn biết gỗ quý hiếm thì cứ ghé nhà quan chức kiểm lâm. Thử ngẫm, ở huyện nghèo như huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk nơi có rừng bị phá nhiều năm liền lại có một biệt phủ của ông Trần Ngọc Quang, một người nhiều năm liền đứng đầu địa phương, chỉ đạo việc bảo vệ rừng lại xây dựng biệt phủ toàn gỗ rừng loại lớn với số lượng lớn, chỉ riêng một bộ bàn ghế gỗ trị giá cả tỷ đồng. Rồi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị ông Khổng Trung để làm biệt phủ cần hơn 80m3 gỗ hầu hết là các loại gỗ quý, hiếm.
Tại phiên thảo luận ở trường Quốc hội Việt Nam vào sáng ngày 31/10/2017, Đại biểu quốc hội ông Nguyễn Sỹ Cương thuộc đoàn Ninh Thuận có nói rằng ; Vừa qua, tôi đã tiếp xúc với chủ doanh nghiệp trồng rừng, nghe anh ta nói, để trồng rừng và giữ rừng khó khăn đến chừng nào. Nếu như không yêu rừng thì không thể làm được. Với kinh nghiệm thực tế từ chủ doanh nghiệp đó thì nếu không có sự tiếp tay của chính quyền và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy"
Phá rừng ở Việt Nam không chỉ mỗi lâm tặc mà còn ở Chính quyền nhiều tỉnh thành của Việt Nam tiến hành đánh đổi rừng bằng những dự án để thu lợi nhuận trước mắt. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2012-2017 đã có hơn 38.200 ha rừng được chuyển đổi để thực hiện gần 1.900 dự án tại 58 địa phương. Kinh khủng hơn, từ nay đến năm 2020 vẫn có 30 địa phương tiếp tục đề xuất chuyển đổi thêm trên 60.000 ha rừng để thực hiện hơn 1.070 dự án khác.
Và như một câu tục ngữ "Khủng bố đại ngàn là hủy diệt hạ lưu", phá rừng một nhưng nhận lại hậu quả gấp trăm thậm chí gấp ngàn lần, trong những năm gần đây ở Việt Nam luôn có những "trận lũ lịch sử" hoặc "vượt mức lũ lịch sử". Tính riêng năm 2017, có khoảng 16 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khá nặng nề đặc biệt là ở khu vực miền Trung, Trung du miền núi phía Bắc. Lũ gây sạt lỡ đất nghiêm trọng tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Nghệ An, Quãng Bình, Bình Định, Phú Yên…gây chết chóc, tang thương bao trùm.
Theo báo đài Việt Nam ghi nhận từ ý kiến của ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết, tính từ đầu năm 2017 đến nay, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, 654 người bị thương ; hơn 8.126 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, hơn 561.696 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái ; 352.943 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại ; hơn 2,65 triệu gia cầm, gia súc bị chết, nhiều vị trí đê điều bị sự cố phải xử lý khẩn cấp, nhiều km kênh mương và đường giao thông bị sạt trượt. Tổng thiệt hại ước tính trên 60.000 tỷ đồng (tương đương trên 2,65 tỷ USD).
Còn theo báo cáo số liệu năm 2005 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới sau Nigeria. Như vậy, nạn phá rừng ở Việt Nam "lâm tặc" và "kiểm lâm" khác gì nhau ?./.
Thiên Hà
*****************
Tuyên bố nhân ngày Nước Thế Giới (RFA, 22/03/2018)
Nhân ngày Nước Thế giới 22 tháng 3, Liên Minh Cứu Sông Mekong cùng các đối tác xã hội dân sự tại Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam ra bản tuyên bố nhằm tiếp tục bày tỏ quan ngại đối với dòng sông Mekong và các cộng đồng đang sinh sống dựa vào dòng sông này.
Ngư dân Campuchia đánh cá ở giữa sông Mekong gần Phnom Penh, Campuchia. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 2017. AP
Loạt 11 dự án thủy điện lớn trên dòng chính sông Mekong cùng với hơn 100 con đập được lên kế hoạch xây dựng ở các dòng nhánh đang gây nên mối nguy lớn đối với hệ sinh thái và tính bền vững của kinh tế.
Bản tuyên bố cũng nhắc đến việc thiếu sự tham gia của công chúng, thiếu minh bạch, cũng như trách nhiệm giải trình. Điển hình là việc xây dựng đập Xayaburi và Don Sahong trên dòng chính hạ nguồn sông Mê kông hiện đã gần hoàn tất, nhưng các thông tin đầy đủ về các dự án này vẫn chưa được công bố, bất chấp các đề nghị liên tiếp từ cộng đồng, tổ chức xã hội dân sự và các bên liên quan khác.
Ngoài ra, bản tuyên bố cũng yêu cầu chính quyền các nước hạ nguồn sông Mekong và Ủy hội sông Mekong phải đảm bảo rằng các dự án xây dựng đập trên sông Mekong phải tuân thủ các nghiên cứu đánh giá về mặt tổn thất cũng như những đánh đổi trước khi ra quyết định xây dựng.
Bản tuyên bố cũng đưa ra nghi ngờ về sự cần thiết của việc phát triển các dự án thủy điện có tác động tiêu cực này trên lưu vực sông Mekong với lý do nhằm đảm bảo năng lượng và nhu cầu phát triển của khu vực.
Bên cạnh đó, những đề xuất mua bán điện từ thủy điện không thể triển khai mà không tính đến thực tế rằng các giải pháp an toàn và trách nhiệm giải trình đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng còn thiếu.
Bản tuyên bố cho rằng khu vực sông Mekong cần có tư duy lãnh đạo và tầm nhìn giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong khi vẫn bảo tồn được nguồn thủy sản giàu có của khu vực và nguồn nước, là những nguồn tài nguyên quan trọng để giảm nghèo và phát triển vì các thế hệ hiện tại và tương lai.
Liên Hiệp Quốc ước tính đến năm 2025, sẽ có khoảng 5 tỷ người trên thế giới sẽ phải chịu tình trạng thiếu nước, trong đó 74% số này là người sống ở Châu Á.
Sự khan hiếm nước sạch sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất lương thực và nông dân Châu Á hiện cho biết đang gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước sạch.
Ngoài ra, Châu Á cũng là một trong những khu vực đối mặt với nguy cơ lũ lụt và những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố.
Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính rằng cần đầu tư ít nhất 59 tỷ đôla Mỹ cho cơ sở hạ tầng về nước và 71 tỷ đôla Mỹ để cải thiện vệ sinh nhằm đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản ở Châu Á.