Phá rừng ở Việt Nam : "Lâm tặc" và "Kiểm lâm" khác gì nhau ? (CaliToday, 22/03/2018)
Thay vì chức năng là bảo vệ và phát triển rừng, nhiều cán bộ nằm trong lực lượng kiểm lâm Việt Nam ngoài năng lực kém lại còn tiếp tay cho lâm tặc hoặc trực tiếp phá rừng gây nhiều hậu quả cho xã hội và người dân…
Nạn đốn cây phá rừng - Hinh Minh Hoa. Photo Credit : VietQ
Theo báo VOV vào ngày 21/03/2018 đăng tin, nhiều cán bộ kiểm lâm ở Quảng Nam bị kỷ luật ở các mức độ khác nhau vì liên quan đến vụ phá rừng ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước gồm :
- Các ông : Phan Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam ; Bùi Văn Tưởng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm nam Quảng Nam ;Nguyễn Hoàng Mai, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Tiên Lãnh và xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước cùng bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng và Chính quyền.
- Ông Huỳnh Ngọc Tân, Hạt phó Hạt kiểm lâm nam Quảng Nam phụ trách địa bàn huyện Tiên Phước bị cách chức Chi ủy viên Chi bộ Hạt kiểm lâm nam Quảng Nam, các chức Hạt phó Hạt kiểm lâm Tiên Phước.
Liên quan đến vụ phá rừng ở Tiên Lãnh, báo chí Việt Nam cho biết vào ngày 17/08/2017, lực lượng chức năng phát hiện gần 5 ha rừng tại khoảnh 5, tiểu khu 556 bị phá trái phép để trồng keo. Thủ phạm sau đó được xác định là vợ chồng ông Phùng Văn Bảy trú ở thôn 9, xã Tiên Lãnh.
Từ tiểu khu 556, Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam còn cho biết các tiểu khu lân cận mức độ phá rừng cũng kinh khủng không kém, hàng trăm ha rừng bị phá trái phép. Diện tích rừng bị phá này chủ yếu để trồng keo và đốt than.
Vụ phá rừng ở Tiên Lãnh, ông Phùng Văn Bảy và vợ là bà Nguyễn Thị Việt sau đó bị bắt giam và khởi tố vụ án, cùng lúc đó cũng có nhiều cán bộ xã Tiên Lãnh bị kỷ luật. Điều mà dự luận đặt câu hỏi qua vụ án ở đây là lực lượng kiểm lâm ở đâu, sao lại để hàng trăm ha rừng ở huyện Tiên Phước bị phá ? Mức độ phá rừng thế này không thể nói chỉ có một vài đối tượng tiến hành ngày một ngày hai mà phải nhiều đối tượng tiến hành trong thời gian dài, vậy liệu đằng sau đó có sự làm ngơ hoặc sự tiếp tay của cán bộ kiểm lâm hay không ?
Nhìn rộng ra, không chỉ ở Quảng Nam mà ở khắp Việt Nam như ở ; Quảng Trị, Nghệ An, Bình Định, Tây Nguyên, Tây Bắc… những cánh rừng nơi đây bị tàn phá không thương tiếc để thấy phá rừng là một trong những vấn nạn lớn ở Việt Nam, và cũng cho thấy cơ quan chức năng bảo vệ rừng ở đây chính yếu là lực lượng kiểm lâm Việt Nam đã không làm tròn trách nhiệm giữ rừng, đơn cử như hơn 40 ha rừng tự nhiên ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định bị tàn phá mà lão đạo kiểm lâm nói không biết. Ông Nguyễn Trung Hải-Giám đốc Sở Nông nghiệp& Phát triển Nông thôn Kon Tum từng phát biều trước báo đài rằng : Tôi khẳng định trong ngành nghiệp, lực lượng kiểm lâm hoặc chủ rừng cũng có những đồng chí bán đứng ngành để lấy tiền chứ không phải không có.
Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm là ở Việt Nam có nhiều vụ án phá rừng chỉ khởi tố chứ không có bị can bởi năng lực điều tra của lực lượng kiểm lâm khá kém.
Chưa hết, ở Việt Nam có một sự ví von nhưng cũng khá đúng đó là muốn biết gỗ quý hiếm thì cứ ghé nhà quan chức kiểm lâm. Thử ngẫm, ở huyện nghèo như huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk nơi có rừng bị phá nhiều năm liền lại có một biệt phủ của ông Trần Ngọc Quang, một người nhiều năm liền đứng đầu địa phương, chỉ đạo việc bảo vệ rừng lại xây dựng biệt phủ toàn gỗ rừng loại lớn với số lượng lớn, chỉ riêng một bộ bàn ghế gỗ trị giá cả tỷ đồng. Rồi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị ông Khổng Trung để làm biệt phủ cần hơn 80m3 gỗ hầu hết là các loại gỗ quý, hiếm.
Tại phiên thảo luận ở trường Quốc hội Việt Nam vào sáng ngày 31/10/2017, Đại biểu quốc hội ông Nguyễn Sỹ Cương thuộc đoàn Ninh Thuận có nói rằng ; Vừa qua, tôi đã tiếp xúc với chủ doanh nghiệp trồng rừng, nghe anh ta nói, để trồng rừng và giữ rừng khó khăn đến chừng nào. Nếu như không yêu rừng thì không thể làm được. Với kinh nghiệm thực tế từ chủ doanh nghiệp đó thì nếu không có sự tiếp tay của chính quyền và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy"
Phá rừng ở Việt Nam không chỉ mỗi lâm tặc mà còn ở Chính quyền nhiều tỉnh thành của Việt Nam tiến hành đánh đổi rừng bằng những dự án để thu lợi nhuận trước mắt. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2012-2017 đã có hơn 38.200 ha rừng được chuyển đổi để thực hiện gần 1.900 dự án tại 58 địa phương. Kinh khủng hơn, từ nay đến năm 2020 vẫn có 30 địa phương tiếp tục đề xuất chuyển đổi thêm trên 60.000 ha rừng để thực hiện hơn 1.070 dự án khác.
Và như một câu tục ngữ "Khủng bố đại ngàn là hủy diệt hạ lưu", phá rừng một nhưng nhận lại hậu quả gấp trăm thậm chí gấp ngàn lần, trong những năm gần đây ở Việt Nam luôn có những "trận lũ lịch sử" hoặc "vượt mức lũ lịch sử". Tính riêng năm 2017, có khoảng 16 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khá nặng nề đặc biệt là ở khu vực miền Trung, Trung du miền núi phía Bắc. Lũ gây sạt lỡ đất nghiêm trọng tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Nghệ An, Quãng Bình, Bình Định, Phú Yên…gây chết chóc, tang thương bao trùm.
Theo báo đài Việt Nam ghi nhận từ ý kiến của ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết, tính từ đầu năm 2017 đến nay, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, 654 người bị thương ; hơn 8.126 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, hơn 561.696 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái ; 352.943 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại ; hơn 2,65 triệu gia cầm, gia súc bị chết, nhiều vị trí đê điều bị sự cố phải xử lý khẩn cấp, nhiều km kênh mương và đường giao thông bị sạt trượt. Tổng thiệt hại ước tính trên 60.000 tỷ đồng (tương đương trên 2,65 tỷ USD).
Còn theo báo cáo số liệu năm 2005 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới sau Nigeria. Như vậy, nạn phá rừng ở Việt Nam "lâm tặc" và "kiểm lâm" khác gì nhau ?./.
Thiên Hà
*****************
Tuyên bố nhân ngày Nước Thế Giới (RFA, 22/03/2018)
Nhân ngày Nước Thế giới 22 tháng 3, Liên Minh Cứu Sông Mekong cùng các đối tác xã hội dân sự tại Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam ra bản tuyên bố nhằm tiếp tục bày tỏ quan ngại đối với dòng sông Mekong và các cộng đồng đang sinh sống dựa vào dòng sông này.
Ngư dân Campuchia đánh cá ở giữa sông Mekong gần Phnom Penh, Campuchia. Ảnh chụp ngày 23 tháng 1 năm 2017. AP
Loạt 11 dự án thủy điện lớn trên dòng chính sông Mekong cùng với hơn 100 con đập được lên kế hoạch xây dựng ở các dòng nhánh đang gây nên mối nguy lớn đối với hệ sinh thái và tính bền vững của kinh tế.
Bản tuyên bố cũng nhắc đến việc thiếu sự tham gia của công chúng, thiếu minh bạch, cũng như trách nhiệm giải trình. Điển hình là việc xây dựng đập Xayaburi và Don Sahong trên dòng chính hạ nguồn sông Mê kông hiện đã gần hoàn tất, nhưng các thông tin đầy đủ về các dự án này vẫn chưa được công bố, bất chấp các đề nghị liên tiếp từ cộng đồng, tổ chức xã hội dân sự và các bên liên quan khác.
Ngoài ra, bản tuyên bố cũng yêu cầu chính quyền các nước hạ nguồn sông Mekong và Ủy hội sông Mekong phải đảm bảo rằng các dự án xây dựng đập trên sông Mekong phải tuân thủ các nghiên cứu đánh giá về mặt tổn thất cũng như những đánh đổi trước khi ra quyết định xây dựng.
Bản tuyên bố cũng đưa ra nghi ngờ về sự cần thiết của việc phát triển các dự án thủy điện có tác động tiêu cực này trên lưu vực sông Mekong với lý do nhằm đảm bảo năng lượng và nhu cầu phát triển của khu vực.
Bên cạnh đó, những đề xuất mua bán điện từ thủy điện không thể triển khai mà không tính đến thực tế rằng các giải pháp an toàn và trách nhiệm giải trình đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng còn thiếu.
Bản tuyên bố cho rằng khu vực sông Mekong cần có tư duy lãnh đạo và tầm nhìn giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong khi vẫn bảo tồn được nguồn thủy sản giàu có của khu vực và nguồn nước, là những nguồn tài nguyên quan trọng để giảm nghèo và phát triển vì các thế hệ hiện tại và tương lai.
Liên Hiệp Quốc ước tính đến năm 2025, sẽ có khoảng 5 tỷ người trên thế giới sẽ phải chịu tình trạng thiếu nước, trong đó 74% số này là người sống ở Châu Á.
Sự khan hiếm nước sạch sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất lương thực và nông dân Châu Á hiện cho biết đang gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước sạch.
Ngoài ra, Châu Á cũng là một trong những khu vực đối mặt với nguy cơ lũ lụt và những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố.
Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính rằng cần đầu tư ít nhất 59 tỷ đôla Mỹ cho cơ sở hạ tầng về nước và 71 tỷ đôla Mỹ để cải thiện vệ sinh nhằm đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản ở Châu Á.