Trả lời phỏng vấn của BBC, linh mục Phan Văn Lợi cho biết ông phản đối luật An ninh mạng vì luật này xâm phạm 3 quyền của người dân và gây 5 hậu quả tác hại cho đất nước.
Biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/6
Hôm 10/6, Linh mục Phan Văn Lợi phổ biến trên trang Facebook của ông một áp phích (poster), liệt kê 5 hậu quả của luật An ninh mạng, nếu được thông qua.
Cùng ngày, Linh mục Nguyễn Văn Lý gửi một email kêu gọi mọi người tiếp tục biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
BBC Tiếng Việt phỏng vấn Linh mục Phan Văn Lợi để tìm hiểu quan điểm của Giáo hội Công giáo Việt Nam về dự luật này.
BBC : Thưa linh mục,hôm 10/6, Linh mục Nguyễn Văn Lý gửi một email kêu gọi mọi người tiếp tục biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Riêng linh mục cũng phổ biến những poster tỏ ý phản đối dự luật An ninh mạng. Vậy đó có phải là quan điểm của Giáo hội Công giáo Việt Nam ?
Phan Văn Lợi : Theo như tôi biết thì email gửi đi chỉ là một hoạt động riêng của Linh mục Lý, vì ông không nằm trong cơ cấu điều hành của Giáo hội Công giáo.
Nằm trong ban điều hành của Giáo hội Công giáo thì phải là hàng Giám Mục của Hội Đồng Giám Mục hay nằm trong Ủy ban thí dụ như Ủy ban Công Lý Hoà Bình vừa mới ra một cái thư về Luật Đặc khu đấy.
Còn tôi thì có làm một cái poster trong đó nói lên 5 hậu qủa tác hại của luật An ninh mạng, nhưng đây là cái suy nghĩ của riêng tôi như là một linh mục, mà cũng là của một người tha thiết với những vấn đề của quê hương đất nước.
Tôi đã phổ biến poster này từ hôm qua lên Facebook, gửi qua email các nhà đấu tranh dân chủ trong nước cũng như những linh mục bạn của tôi, nói chung phổ biến khá nhiều rồi.
BBC : Theo linh mục thì người dân hay giáo dân có hiểu nhiều về Luật An ninh mạng và tầm ảnh hưởng của nó nếu dự luật này được thông qua không ?
Phan Văn Lợi : Nhiều giáo dân cũng chia sẻ với tôi băn khoăn của họ về Luật An ninh mạng. Thứ nhất họ băn khoăn là vì ở Việt Nam này tất cả những cái mạng điện thoại di động đều bắt người ta phải đăng ký, phải khai tên tuổi, phải có chứng minh nhân dân, phải chụp hình nữa.
Cái đó khiến họ thấy một sự theo dõi ngày càng chặt chẽ của chính quyền đối với tất cả mọi người. Còn đi sâu nữa vào Luật An ninh mạng thì có lẽ chỉ có những người lật những trang web đọc những bài viết về luật này thì họ mới thắc mắc.
BBC : Linh mục có cách nào để giải thích về luật này một cách rất bình dân để ai cũng có thể hiểu được không ? Hỏi cách khác, linh mục thường giải thích về luật này với giáo dân như thế nào ?
Phan Văn Lợi : Theo định nghĩa thông thường của các quốc gia thì luật An ninh mạng là luật làm ra để bảo vệ an ninh ở trên mạng cho người dân, chính quyền, hay cho những tổ chức. Tức là luật này chống sự xâm nhập của các hacker, của những kẻ lên mạng để tìm những cái mã số hay thông tin cá nhân của người khác để mà lợi dụng hay làm bậy. Nhưng Luật An ninh mạng ở Việt Nam này thì hoàn toàn ngược lại. Nó là luật của đảng cộng sản, của một chế độ độc tài đảng trị luôn luôn băn khoăn về cái chuyện phải kiểm soát người dân về mọi phương diện.
Thành ra với tôi Luật An ninh mạng của Việt Nam nó xâm phạm 3 quyền.
Thứ nhất là nó xâm phạm quyền riêng tư, do cái việc nhà cung cấp mạng phải xác thực thông tin người dùng, và cung cấp nó cho cơ quan chấp pháp khi có yêu cầu, mà không qua toà án. Như vậy thì cơ quan chấp pháp có quyền yêu cầu thông tin cá nhân bất cứ lúc nào, mà không cần phải chứng minh là người đó có vi phạm pháp luật hay là không. Đó là xâm xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân.
Thứ hai, luật An ninh mạng này xâm phạm quyền tự do ngôn luận, khi nó buộc nhà cung cấp dịch vụ mạng phải xoá thông tin đăng tải trên mạng, những thông tin mà cơ quan chấp xác định là xấu và phải xoá đi trên tài khoản người dùng, theo yêu cầu của họ, nhưng cùng một lúc lại phải đưa các thông tin đó cho công an. Trong khi đó thì các thông tin bị cho là xấu này được liệt kê rất mơ hồ. Ở tại Việt Nam này, những tội gọi là phản động, là chống lại chính quyền đều là rất mơ hồ, để nhà cầm quyền muốn diễn giải sao cũng được cả.
Thứ ba, Luật An ninh mạng này xâm phạm, hay nói đúng hơn cướp đi quyền sử dụng internet của người dân. Khi mà nhà cung cấp dịch vụ mạng phải không được cung cấp hay phải ngừng cung cấp dịch vụ internet cho những cá nhân đăng tải lên mạng những thông tin mà nhà chức trách cho là thông tin xấu theo luật. Như vậy thì sao ? Chỉ cần nhà chức trách cho là một cá nhân hay một tổ chức đăng những tin xấu tin độc thì họ sẽ bị mất quyền sử dụng internet.
BBC : Thế còn những hậu qủa tác hại của luật An ninh mạng theo linh mục là gì ?
Phan Văn Lợi : Luật An ninh mạng đưa đến 5 hậu quả rất nguy hiểm.
Thứ nhất, nhà nước sẵn sàng bịt miệng và bỏ tù tất cả những ai dám lên tiếng cho sự thật, đeo đuổi công lý.
Hậu quả thứ hai là Luật An ninh mạng này sẽ làm cho sự phát triển đất nước và an ninh quốc gia bị tác hại, bởi vì người ta sẽ không còn cái quyền nói sự thật, và khi nhà cầm quyền không nghe sự thật, thì sẽ không biết cách để mà quản lý đất nước và điều hành xã hội, và người dân không biết sự thật thì mọi sự sẽ đảo lộn vì sự dối trá.
Thứ ba là khi nhà cầm quyền gây khó khăn cho những trang mạng xã hội như Facebook, Google, làm cho họ phải bị giới hạn này nọ, thì những cái giá trị cao đẹp của nhân loại, của thế giới văn minh sẽ bị chặn đường đi vào Việt Nam.
Chúng ta ai cũng biết bây giờ internet là cái xa lộ thông tin, là cái kênh chuyển tải tất cả mọi điều xấu tốt của nhân loại, nhưng mà đó là một cái kênh cần thiết để mọi người có thể đón nhận những gía trị tốt đẹp từ mọi nơi hay biết về những cái xấu mà tránh.
Hậu quả thứ tư là khi mà các những trang mạng của thế giới văn minh bị gây khó khăn khiến họ phải quyết định rút lui, thì những trang mạng của Trung Quốc như Weibo chẳng hạn, sẽ có cơ hội vào Việt Nam. Nhưng đó không phải là trang mạng mà là những trang kiểm soát mạng. Không phải là trang mạng xã hội mà là trang kiểm soát người dân như hàng tỉ người Trung Quốc đang bị nhà cầm quyền Bắc Kinh kiểm soát.
Hậu quả thứ năm cũng là hậu quả ghê gớm nhất là nhà cầm quyền có thể ung dung gây ra tội bán nước, dâng đất, mà không hề bị ai chất vấn, bởi gì người ta không biết. Hay có biết thì cũng không có cách nào để bày tỏ sự phản đối, hay để thông báo cho nhau như người ta vẫn đang làm trên các trang mạng xã hội cho đến giờ.
BBC : Nói tóm lại theo linh mục thì đó là những lý do khiến ông phải lên tiếng yêu cầu quốc hội phủ quyết dự luật này ?
Phan Văn Lợi : Đúng như vậy. Luật này sẽ được bỏ phiếu ngày 12/6. Theo tôi ngày nào dự luật này được thông qua, ngày đó là ngày thảm hoạ của Việt Nam.
BBC : Ngày mai là ngày 12/6 rồi. Theo linh mục thì Quốc hội liệu sẽ có thông qua dự dự luật này không ?
Phan Văn Lợi : Cái đó thì phải chờ đợi thôi. Kể ra thì trong hai tuần nay đã có không biết bao nhiêu là bài viết phân tích ở trên mạng về những tai hại của Luật An ninh mạng.
Những người viết những bài viết đó ai cũng mong rằng các đại biểu có đủ sự sáng suốt và sự khôn ngoan để thấy được những tác hại bộ luật này sẽ gây ra, trước nhất là cho tổ quốc, cho người dân và cuối cùng là cho chính nhà cầm quyền.
Người ta đã làm những gì có thể làm và bây giờ chỉ còn cách là chờ thôi.
Tina Hà Giang thực hiện
Nguồn : BBC, 11/06/2018
Tiểu sử : Linh mục Phan Văn Lợi sinh năm 1951 tại Thừa Thiên Huế.
1981-1988 : Bị kết án tù
Đấu tranh vì tự do tôn giáo từ 2001
Hiện sống ở Huế, Việt Nam
Cuộc phỏng vấn linh mục Phan Văn Lợi được thực hiện trong tháng 1/2018, nhân dịp 50 năm trận Tết Mậu Thân.
"Tại giáo xứ Phủ Cam, trước đây cứ đến khoảng ngày mùng 6, mùng 7 Tết là nhiều linh mục của giáo xứ lên núi Bân để làm lễ", linh mục Phan Văn Lợi từ Huế nói với BBC.
"Ở khu mộ tập thể trên núi Bân có hai bàn thờ, một bên cho Phật giáo, một bên cho Thiên Chúa giáo. Nhưng sau 1975, người ta đã phá hủy hai bàn thờ đó và để cho nấm mộ hoang tàn, cỏ mọc um tùm".
Số hài cốt tìm được trong "vụ thảm sát Khe Đá Mài"
Núi Bân, còn có tên là núi Ba Tầng, nằm về phía nam thành phố Huế. Nơi đây có khu nghĩa trang chôn cất hơn 400 bộ hài cốt, đa phần là được tìm thấy tại Khe Đá Mài hồi cuối năm 1969.
Việc phát hiện ra hàng trăm bộ hài cốt lộ thiên, dồn đống với những dấu hiệu giống như bị giết chết khiến địa điểm nằm sâu trong rừng rậm, cách thành phố Huế chừng 15km về phía nam, được nhắc tới như sự kiện bi thảm nhất xảy ra tại cố đô.
Phát hiện ra hàng trăm bộ hài cốt lộ thiên, dồn đống với những dấu hiệu giống như bị giết chết khiến địa điểm nằm sâu trong rừng rậm, cách thành phố Huế chừng 15km về phía nam
Số hài cốt tìm được trong "vụ thảm sát Khe Đá Mài" vẫn là điều chưa rõ ràng, tuy tin tức về vụ việc được loan tải rộng khắp trên truyền thông Sài Gòn.
Con số chính thức mà Ngũ Giác Đài nêu tại thời điểm ban đầu là 250 bộ hài cốt, nhưng Douglas Pike, chuyên gia của Phòng Thông tin Mỹ điều tra về vụ việc, đưa ra sau đó vài tháng là 428, theo Gareth Porter, người giảng môn chính trị Đông Nam Á của trường American University's School of International Service.
Trận chiến thành Huế
Ngày 30/1/1968, lực lượng Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng bất ngờ đồng loạt tấn công trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
Trong lúc ở hầu hết các tỉnh thành, làn sóng tấn công nhanh chóng bị bẻ gãy sau vài ngày, thì riêng ở Huế, phe cộng sản đã chiếm giữ thành phố được cho tới cuối tháng Hai.
Sau khi Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tái chiếm cố đô, hơn 10 mồ chôn tập thể được phát hiện ở quanh Huế.
Ước tính tổng số người bị giết trong thời gian quân Bắc Việt và Việt Cộng làm chủ thành phố là từ hàng trăm cho tới hàng ngàn người.
Vào 9/1969, "theo lời khai của một số người Việt Cộng, người ta đã lên Khe Đá Mài để tìm", linh mục Phan Văn Lợi nói, và đã "tìm được những bộ xương".
Tại đây, "bên cạnh các bộ xương, người ta đã tìm được y phục, những chuỗi tượng của người Công giáo và những thẻ căn cước".
"Sau đó, người ta đem tất cả các bộ xương này, các vật dụng còn sót lại, y phục, thẻ bọc nhựa về trường tiểu học Nam Hoà".
"Rất nhiều người tại Phủ Cam đã đến trường đó và có những người may mắn nhận ra được những vật dụng của thân nhân họ".
Câu chuyện của nhân chứng
Linh mục Phan Văn Lợi nói ông đã "may mắn thoát khỏi biến cố".
"cộng sản tấn công Huế vào ngày mùng 1 Tết. Sáng hôm đó tôi đã về làng quê, làng Dương Sơn, cách Huế chừng 8 km. Nếu họ tấn công vào đêm 30 Tết như ở các khu vực từ Quảng Nam tới Khánh Hòa thì chắc chắn tôi không thể thoát ra khỏi thành phố được".
Sau khi cộng sản rút lui, linh mục Phan Văn Lợi trở về thành phố và "làm trong một văn phòng cứu trợ của tôn giáo, cứu trợ những nạn nhân Tết Mậu Thân".
"Tôi đã gặp rất nhiều người. Họ tường thuật lại những chuyện đã xảy ra và sự khốn khổ của họ".
Linh mục Phan Văn Lợi nói ông lần đầu tiên tình cờ gặp nhân chứng vụ Khe Đá Mài vào năm 2007, và vẫn giữ liên hệ với nhau kể từ đó tới nay
Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là lần gặp gỡ tình cờ giữa ông với một người, 40 năm sau khi ông có các hoạt động cứu trợ Mậu Thân, và là khi những người Cộng sản đã làm chủ cả nước được hơn 30 năm.
Cuộc gặp diễn ra vào năm 2007.
"Người này là nhân chứng duy nhất còn sống sót của vụ thảm sát tại Khe Đá Mài".
"Tôi đã mời ông ấy đến nhà, nghe ông ấy tường thuật và sau đó tôi viết lại theo lời của ông ấy".
Hiện hai người vẫn giữ mối liên lạc thường xuyên, linh mục Phan Văn Lợi cho BBC biết.
Tuy nhiên, vì lo sợ cho sự an toàn bản thân nên nhân chứng, một thanh niên mới 17 tuổi vào thời điểm Tết Mậu Thân, từ chối tiếp xúc với BBC.
Người thứ hai chạy thoát cùng nhân chứng đã chết trong những năm chiến tranh sau đó.
Lời kể giúp dựng lại những gì đã xảy ra, "từ lúc đoàn người bị bắt đi" cho tới lúc nhân chứng sống sót "nghe thấy tiếng đạn" và những âm thanh cuối cùng từ các nạn nhân, linh mục Phan Văn Lợi nói.
Nhân chứng nói với ông Lợi rằng người đó là một trong những thanh niên bị bắt đi từ nhà thờ Phủ Cam hôm mùng 6 và mùng 7 Tết Mậu Thân.
"Họ bị dẫn lên chùa Từ Đàm. Ở đó có thêm một số người khác nữa, nhưng đại đa phần là người từ giáo xứ Phủ Cam, những thanh niên đã trốn trong nhà thờ".
Trước đó, khu vực nhà thờ được một số nghĩa quân địa phương và binh lính (Việt Nam Cộng Hòa) "canh tất cả các đường đi vào", nên phía cộng sản đã không thể vào được trong mấy ngày đầu.
Do không có tiếp viện, các quân nhân này sau đó phải chạy đi, theo lời nhân chứng.
Lực lượng cộng sản nói với những người bị gom, "Anh em đừng lo, cách mạng tới giải phóng cho nên đi học tập ba ngày rồi sẽ về", linh mục Phan Văn Lợi thuật lại lời nhân chứng.
"Khi họ bị giam tại chùa Từ Đàm, cán binh Việt Cộng đã cho một vài người về nhắn với gia đình của những người ở Phủ Cam là hãy gửi đồ tiếp tế lên để cho họ có thể ăn uống".
"Vì vậy, rất nhiều những thân nhân của những người bị bắt đó đã gánh gồng lên chùa Từ Đàm".
"Tuy nhiên, khi lên tới nơi họ biết rằng đoàn người đã không còn ở đó nữa. Các cán bộ bảo hãy để lại đồ để tiếp tế".
Số đồ đó không bao giờ đến tay người nhận, theo lời nhân chứng, bởi họ đã bị dẫn tới vùng rừng núi "không rõ là ở đâu".
'Cần giải oan'
"Trong hoàn cảnh chiến tranh, chuyện tên bay đạn lạc là chuyện bình thường, điều này đã xảy ra ở nhiều nơi trong chiến trận Mậu Thân như ở Sài Gòn".
"Nhưng tại Huế, lực lượng cộng sản chiếm 26 ngày".
Người dân chạy nạn trở về Huế sau khi binh lính Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm thành phố (hình chụp 13/3/1968)
Hàng trăm thanh niên trong nhà thờ Phủ Cam khi đó "tất cả đã đi không trở lại", linh mục Phan Văn Lợi nói.
"Đây không thể nói là lầm lẫn hay là tên bay lạc đạn trong chiến tranh được".
"Tại Phủ Cam, có những người vẫn giữ được kỷ vật của thân nhân mà họ đã lấy được, đã thu được trong sân trường tiểu học Nam Hoà".
Những gì được biết, được chứng kiến, được nghe kể là lý do khiến ông "có một chiến dịch cầu nguyện", linh mục Phan Văn Lợi nói với BBC.
"Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện cho các oan hồn, cho những người đồng bào của chúng ta được giải thoát".
"Tôi cũng cầu nguyện cho những người cán binh cộng sản đã bị đẩy vào một trận chiến mà chắc chắn họ không ngờ rằng lại gây ra bao nhiêu tai hại cho đồng bào của mình, cho đất nước".
"Những gia đình có thân nhân chết trong Mậu Thân là chết oan. Bây giờ họ chỉ mong là nhà nước này lên tiếng nhận trách nhiệm để cho các vong hồn được giải oan".
"Đó là điều mà 50 năm rồi người ta không thấy".
Nguồn : BBC tiếng Việt, 10/02/2018
Sau hơn 1 tuần soạn thảo và chấp bút, Linh mục Phan Văn Lợi gửi ra bản Nhận định và Tuyên bố về nhân quyền đầu năm 2018, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng ký tên phản đối tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng bị đàn áp khốc liệt bởi Đảng Cộng sản.
Cuộc biểu tình chống Formosa vào sáng Chủ Nhật 2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người được người dân cả nước xem là một cuộc cách mạng của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh. AFP
Tối ngày 25/1, Linh mục Phan Văn Lợi đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn như sau :
RFA : Xin kính chào Linh mục Phan Văn Lợi. Xin linh mục cho biết mục đích, ý nghĩa sự ra đời của bản Nhận định và Tuyên bố về nhân quyền đầu năm 2018 ?
Phan Văn Lợi : Trong thời gian vừa rồi, tình hình ở Việt Nam tồi tệ về mọi mặt, và song song đó là việc đàn áp của nhà cầm quyền đối với người dân, các nhà đấu tranh hay các blogger đã rất mạnh mẽ, vì có lẽ họ muốn dẹp yên tiếng nói phản kháng ngày càng cất cao của người dân Việt Nam trước những tệ nạn mà họ đang gây ra cho đất nước.
RFA : Khi nào bản tuyên bố này sẽ hoàn thành và dự tính sẽ gửi đến cơ quan tổ chức nào ?
Phan Văn Lợi : Chúng tôi đang cố gắng lấy thật nhiều chữ ký của các tổ chức và cá nhân. Cho đến hôm qua cũng trên 40 tổ chức, cá nhân. Như vậy là vẫn còn ít cho nên chúng tôi chưa định là sẽ chấm dứt lúc nào. Chúng tôi cũng định nhờ các trang mạng giới thiệu giùm.
RFA : Vì sao Linh mục nghĩ rằng bản tuyên bố này cần thiết trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam và tác động thế nào đến chính quyền Việt Nam ?
Phan Văn Lợi : Trước hết chúng tôi nhắm tới người dân Việt Nam. Chúng tôi muốn cho mọi người ý thức, nhất là bày tỏ chính kiến, thái độ của mình đối với những gì nhà cầm quyền gây ra cho đất nước. Còn cái chuyện có hy vọng tác động lên nhà cầm quyền thì chúng tôi nghĩ cũng khó và cũng ít. Vì thật sự là nhà cầm quyền này họ chỉ sợ những tác động từ những cuộc biểu tình của quần chúng mà thôi. Còn các bản văn này nọ cho dù có ký nhiều mà không có sự tác động của các cuộc biểu tình như đã xảy ra như ở các nước cộng sản trước đây và bên Trung Đông thì khó mà nhà cầm quyền nghe lắm.
RFA : Bên cạnh các hình thức phổ biến từ trước đến nay như lên tiếng, đưa ra các tuyên bố thì theo linh mục còn có những cách nào khác để tác động đến thứ 1 là chính quyền Việt Nam, thứ 2 là ý thức của người dân Việt Nam nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo không ạ ?
Phan Văn Lợi : Có lẽ ý thức của người dân thì càng ngày càng nhiều rồi, bởi vì chính cái cuộc sống với những cái bế tắc, bất ổn, suy sụp làm cho họ thấy rằng chế độ này rõ ràng không là gì cả. Nhưng vấn đề là họ có can đảm đứng lên hay không ? Theo như tôi nghĩ, bắt chước kinh nghiệm của các nước Cộng sản Đông Âu vào thập niên 90, 80 thế kỷ trước cũng như là thập niên gần đây bên Trung Đông thì chỉ có những cuộc biểu tình của quần chúng đông đảo, rộng khắp thì mới có thể làm cho chính quyền chuộng tay và có thể dồn nhà cầm quyền vào góc tường để bắt buộc họ chấp nhận những đòi hỏi chính đáng của người dân.
Nhưng vấn đề ở Việt Nam lúc này, điều đó là khó thực hiện và chúng tôi luôn luôn cố gắng thúc đẩy những người có khả năng triệu tập quần chúng, chúng tôi đã có nhiều lời nhắc nhở hoặc là nói nặng nói nhẹ, đặc biệt là với các lãnh đạo tinh thần, tức là nói tôn giáo đó, họ có những người dưới quyền của mình, những tín đồ đó, những tín đồ đó có thể là dễ vâng lời, nhất là trong đạo Công giáo, phải tổ chức chặt chẽ, những hàng lãnh đạo có huấn luyện đầy đủ, và tín đồ có tinh thần kỷ luật và vâng phục.
Trong năm qua, cuộc biểu tình thành công nhất, đông đảo nhất là tại giáp phận Vinh và các giáo xứ. Khi đó họ đã biểu tình 10, 15 ngàn người cho nên khó bị đàn áp lắm. Thậm chí họ đến công quyền để nói ý kiến của họ. Nếu tấm gương này được nhân ra cả nước, tất cả mọi tôn giáo đều bắt chước cái đó, hàng trí thức, dân sự, giáo sư cũng làm những cuộc biểu tình như thế như bên Đông Âu và bên Trung Đông thì lúc đó chúng tôi nghĩ rằng mới xoay chuyển được tình thế.
RFA : Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được áp dụng ngày 1/1/2018. Luật này sẽ tác động như thế nào đến tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam ?
Phan Văn Lợi : Cái luật đó là 1 hình thức cũng cố cơ chế xin cho đối với các tôn giáo, nghĩa là tất cả hoạt động của các tôn giáo dù lớn dù nhỏ đều phải xin phép, chờ sự cho phép hay không của nhà cầm quyền. Đây là 1 hình thức ràng buộc tôn giáo càng chặt chẽ, ghê gớm hơn các văn bản trước đây pháp lệnh tôn giáo 2004, pháp lệnh 297. Cho nên Hội đồng giám mục Việt Nam đã có những nhận định xác đáng về văn kiện này và cho rằng nó không cổ vũ cho nhân quyền, không tôn trọng tự do tín ngưỡng. Hội đồng liên tôn Việt Nam hoàn toàn bác bỏ vì chúng tôi thấy đây chỉ là 1 công cụ ràng buộc giáo hội hoặc bắt giáo hội phải im lặng.
RFA : Xin cảm ơn Linh mục Phan Văn Lợi.
Nguồn : RFA, 25/01/
Phỏng vấn Linh mục Phan Văn Lợi vê tình hình tôn giáo
Năm 2017 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tiến hành khủng bố, đàn áp những hoạt động yêu nước đòi dân chủ dân sinh vưà trắng trợn vừa tinh vi.
ừ thành phố Huế, Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Trần Quang Thành đã tố cáo "Giới bạo quyền cộng sản ngày càng bộc lộ dã tâm triệt hạ tự do tín ngưỡng và tôn giáo".
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn, mời quí vị cùng nghe :
Lược ghi nội dung cuộc phỏng vấn :
Trần Quang Thành : Kính chào Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi.
Phan Văn Lợi : Xin kính chào anh Trần Quang Thành và quí vị khán thính giả.
Trần Quang Thành : Thưa Linh mục Phan Văn Lợi, năm 2017 vừa qua là năm tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã diễn ra trong bầu không khí vô cùng căng thẳng. Là năm giới bạo quyền cộng sản tiến hành đàn áp mạnh mẽ nhất so với nhiều năm gần đây. Trong hiện trạng chung đó Linh mục có bình luận gì về tự do tín ngưỡng và tôn giáo.
Phan Văn Lợi : Đúng là năm 2017 vừa kết thúc với sự gia tăng đàn ap rất khốc liệt của giới bạo quyền Hà Nội đối với các tổ chức nhân quyền và người hoạt động nhân quyền nằm ngoài sự kiểm soát chi phối của họ.
Trên lĩnh vực tín ngưỡng và tôn giáo họ gia tăng kiểm soát bằng hệ thống văn bản pháp luật trong đó có luật tín ngưỡng và tôn giáo. Tăng cường khủng bố đàn áo bằng những thủ đoạn tiinh vi xảo quyệt độc ác hơn.
Trần Quang Thành : Về đàn áp tín ngưỡng và tôn giáo bằng hệ thống văn bản pháp luật có nội dung nào nổi bật thưa linh mục ?
Phan Văn Lợi : Có 3 bản văn luật pháp liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo tôn giáo. Đó là Luật Tín ngưỡng Tôn giáo do Quốc hội cộng sản thông qua ngày 18/11/2016 với 9 chương 68 điều và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Luật này, cộng sản đã bắt các tín đồ thuộc đủ mọi tôn giáo ở nhiều nơi học tập suốt năm qua, để gọi là "thấm nhuần đường lối của đảng và nhà nước". Đi với nó là "Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo" bắt đầu dự thảo và lấy ý kiến năm 2017 (nhưng không ghi rõ ngày tháng) với 5 chương và 32 điều. Ngày 20 tháng 7, nhà cầm quyền lại đưa ra Dự thảo mang tên "Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo" với 4 chương 37 điều và có thể áp dụng vào giữa năm 2018.
Cả 3 văn bản pháp luật này nhắm mục đích hình sự hóa mọi hoạt động tôn giáo và đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều Giáo hội. Chẳng hạn trong Nhận định về Luật tín ngưỡng Tôn giáo gởi Quốc hội cộng sản ngày 01/06/2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ trích : "Chính quyền nhìn các tổ chức tôn giáo thuần túy trên bình diện chính trị, xem các tổ chức "tôn giáo như những lực lượng đối kháng", Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, quy tụ nhiều chức sắc của 5 tôn giáo lớn (Cao đài, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa hảo và Tin Lành) có mục đích tranh đấu cho Tự do Tôn giáo và Dân chủ Nhân quyền tại Việt Nam cũng đã "hoàn toàn bác bỏ Luật Tín ngưỡng Tôn giáo".
Trần Quang Thành : Về đàn áp các tôn giáo bằng hành động đã diễn ra rất khốc liệt trắng trợn và tinh vi xảo quyệt, Linh mục Phan Văn Lới có nhận xét gì vể điều này ?
Phan Văn Lợi : Sau khi thảm họa Formosa nổ ra tháng 4/2016, bên cạnh sự phản đối của nhân dân, các tôn giáo cũng lên tiếng mạnh mẽ và có những hành động thiết thực. Để bênh vực kẻ được bảo trợ này, cộng sản đã đặc biệt tấn công các tôn giáo, nhất là trong năm 2017.
Ngày 13/02, khi Hội đồng Liên tôn về thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để thăm tết các chức sắc Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, thì không những nhiều thành viên trong đoàn bị sách nhiễu, ngăn chận, trục xuất, mà một số chức sắc Cao Đài như các chánh trị sự Hứa Phi, Nguyễn Văn Tạc Răng và Thông sự Châu Văn Gòn còn bị công an hành hung thô bạo.
Ngày 14/04/2017, để tưởng niệm cơn đạo nạn, thì đã bị công an đến phá rối, tịch thu máy ảnh, lá cờ đạo, các biểu ngữ, rồi lập biên bản và buộc họ về trụ sở ủy ban xã để thẩm vấn.
Ngày 13/02, Hội đồng Liên tôn Việt Nam đi xe hơi đến thị xã Bình Minh, Vĩnh Long để thăm viếng và chúc Tết Giáo hội Trung ương và Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy tỉnh Vĩnh Long thì đã bị công an bắt xuống xe đi bộ một đoạn đường 3km. Nhiều tín đồ Hòa Hảo đem xe máy ra đón chở đoàn thì cũng bị ngăn chận.
Ngày 07/08/03, nhà cầm quyền các xã Nhơn Mỹ, Long Giang, Mỹ Hội Đông và công an huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, đã triệu tập các ông Hà Văn Duy Hồ, Phan Văn Chúng, Nguyễn Văn Bé Tư (Trị sự viên Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, thành viên ban tổ chức Ngày Đại Lễ 25/2 âm lịch [22/03/2017] kỷ niệm Đức Huỳnh Giáo chủ vắng mặt), để ra lệnh ngăn cấm tổ chức lễ tưởng niệm. Ngày 18/05, nhà cầm quyền và công an huyện An Phú, thị xã Vĩnh Hậu, tỉnh An Giang đã đến nhà ông Vương Văn Thả - ngụ tại ấp Vĩnh Linh - là một tín đồ trước đó liên tục lên tiếng cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền từ trong nhà mình. Công an dùng vòi rồng tấn công gia đình ông. Sau đó xông vào đánh đá hung bạo. Cuối cùng chúng bắt ông Vương Văn Thả, cậu con trai là Vương Văn Thuận, cùng 2 đồng đạo song sinh Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Nhật Thượng, rồi phá tang hoang ngôi nhà.
Ngày 26/06, công an huyện An Phú tỉnh An Giang đã bố ráp chặn đường, bắt giữ ông Bùi Văn Trung, con trai Bùi Văn Thâm, con gái Bùi Thị Thắm. Cả 3 đều bị đánh đập dã man.
Ngày 27/11, nhà cầm quyền huyện Chợ Mới, An Giang đã đến nhà ông Hà Văn Duy Hồ, Hội trưởng PGHHòa thượngT tỉnh An Giang để báo cho biết: nhà cầm quyền năm nay sẽ cấm Giáo hội PGHH Thuần túy tổ chức Đại lễ Đản Sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ (ngày 25/11 âm lịch hoặc 11/01/2018) dù là dựng lễ đài hay bất cứ gì liên quan đến đại lễ, vì Giáo hội Phật giáo Hòa hảo thuần túy là 1 tổ chức không được nhà nước công nhận. Trước đây, hàng năm Giáo hội này vẫn được tổ chức trong vòng địa phương. Ngày 29/12 công an nhắc lại lệnh cấm này với ông Nguyễn Văn Điền, Hội trưởng Trung ương Phật giáo Hòa hảo thuần túy và phong tỏa ông tại nhà.
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tiếp tục bị nhà nước quản thúc, cô lập tại Thanh Minh Thiền viện ở Sài Gòn như từ hơn 10 năm qua, không cho tiếp xúc với ai, không cho Phật tử thăm viếng, chăm sóc thuốc men khi đau ốm. Ngài bị nhốt trong phòng, có khóa trái bên ngoài cửa sắt. Cư sĩ Lê Công Cầu, thư ký Viện Hóa đạo, hiện ở tại Huế, luôn bị nhà cầm quyền cấm cản. Trong chuyến công tác đến Huế, Bà Pamela Pontius, Trưởng phòng Chính trị tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ có nhã ý đến thăm ông vào ngày 11/09 tại nhà trọ, nhưng công an đã dàn dựng một vụ ẩu đả trước nhà trọ để ngăn cản ông gặp mặt bà Pamela.
Những chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất như chùa Phước Thành ở Huế, Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định, chùa Giác Hoa ở Sài Gòn (nơi Hòa thượng Thích Không Tánh hiện tạm trú sau khi chùa Liên Trì của thầy ở Thủ Thiêm bị nhà nước san bằng)... vào những ngày cúng lễ, hội họp, làm từ thiện của chư tôn đức Tăng đoàn, đều bị công an thường trực canh gác, bám sát, đặt camera theo dõi, nhiều lúc còn ngăn cản thô bạo.
Chùa Pháp Biên, tịnh thất Đạt Quang của Thượng tọa Thích Vĩnh Phước ở Bà Rịa, chùa Ba La Mật của Hòa thượng Thích Nhật Ban ở Đồng Nai, chùa Thiền Lâm của Thượng tọa Thích Đức Minh ở Tiền Giang đã hư đổ nhưng nhà cầm quyền buộc phải theo Giáo hội Phật giáo quốc doanh (do nhà nước lập năm 1981) thì mới cho trùng tu xây dựng. Nhà cầm quyền Đà Nẵng cũng cấm phật tử đi cúng lễ tại chùa An Cư của Thượng tọa Thích Thiên Phúc và chùa Giác Minh của Hòa thượng Thích Thanh Quang. Họ còn đe dọa sẽ cưỡng chế, giải tỏa chùa An Cư.
Sau khi chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm bị nhà nước cưỡng chế, san bằng tháng 09/2016 và đền bù bằng một ngôi nhà lợp tôn ở vùng Cát Lái xa xôi hẻo lánh nhằm cô lập và quản thúc Hòa thượng Viện chủ Thích Không Tánh tại đây. Hòa thượng vì thế đành phải đi sống nhờ ở những chùa khác và do đó, không thể hoằng pháp, sinh hoạt Phật sự như xưa được. Thậm chí thầy còn bị canh chừng theo dõi liên tục, và mới đây, ngày 10/12, thầy đã bị công an chặn cửa tại Chùa Giác Hoa, không cho đến giáo xứ Thọ Hòa của linh mục Nguyễn Duy Tân tại Xuân Lộc, Đồng Nai để cầu nguyện cho Nhân quyền.
Ngày 30/07, Mục sư Nguyễn Trung Tôn - vốn là Chủ tịch Hội Anh em Dân Chủ - đã bị bắt cùng với hai thành viên khác của Hội là ký giả Trương Minh Đức và kỹ sư Phạm Văn Trội cùng với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam" theo Điều 79 Bộ luật hình sự. Đầu tháng 11, khi bà Nguyễn Thị Lành là vợ của Mục sư đi ngân hàng lãnh tiền do thân hữu gởi giúp đứa con tật nguyền của họ thì bị công an hăm dọa, vu cáo bà nhận tài trợ từ các tổ chức khủng bố.
Ngày 17/08, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, thủ lãnh Hội thánh Tin lành Mennonite đưa ra một bản tường trình dài cho thấy từ 1994 đến 2017, Giáo hạt Sài Gòn liên tiếp trải qua 7 thời kỳ bị nạn. Nào là hành hung các mục sư, truyền đạo lẫn tín đồ. Nào là cướp bóc phá hoại các giáo sở. Nào là ngăn cản các buổi nhóm họp thờ phượng hay học đạo. Riêng năm 2017, giáo sở 6 tại quận 12 và giáo sở 7 tại quận 2, Sài Gòn, đã bị công an côn đồ tấn công thô bạo.
Ngày 14/02, nhà cầm quyền đã ra tay đàn áp đoàn giáo dân Giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An hành trình vào Hà Tĩnh dưới sự hướng dẫn của linh mục Nguyễn Đình Thục, đến tòa án thị xã Kỳ Anh để đòi Formosa bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho họ. Ban đầu, nhà cầm quyền cấm các chủ phương tiện vận tải công cộng chở đoàn người khởi kiện. Khi người dân quyết tâm cuốc bộ và đi xe máy được khoảng 20km, lực lượng công an đã dồn dân vào một chỗ rồi xông vào đánh đập, làm bị thương gần 50 giáo dân, cướp đoạt và phá nát các phương tiện ghi hình của họ.
Ngày 30/04, Linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, Nghệ An, người đã từng dẫn tín đồ biểu tình và khiếu kiện vụ Formosa năm 2016, đã cùng với giáo dân xuống đường tưởng niệm "ngày dân tộc mất đi tự do, ngày người dân mất quyền làm người, ngày đã làm cho đất nước tang thương, lạc hậu". Nhà cầm quyền Nghệ An đã trả thù vị linh mục qua những bài viết, video clip xuyên tạc và hăm dọa trên báo đài Nghệ An ; những truyền đơn biểu ngữ kích động và mạ lỵ khắp huyện Quỳnh Lưu ; qua các công văn từ Ủy ban Nhân dân gởi đến lãnh đạo Giáo phận Vinh để kết án và đòi trừng phạt ; các cuộc họp của hội Cựu chiến binh, hội Phụ nữ… nhằm đấu tố Linh mục Nam (05/05).
Ngày 28/05, nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An đã diễn tập bắn đạn vào người dân ở gần nhà thờ giáo họ Văn Thai, thuộc giáo xứ Song Ngọc của linh mục Nguyễn Đình Thục. Dân phòng thì cầm súng bắn đạn, người dân thì cầm gậy gộc, ống sắt, dùi cui và đá. Nhiều Giáo dân đã bị đám đông này tấn công tới tấp trước sự chứng kiến của công an. Đến tối ngày 30/05, đang khi Linh mục Nguyễn Đình Thục đến làm lễ tại giáo họ Văn Thai thì côn đồ đã tấn công giáo dân bằng cách xông vào nhà đập vỡ đồ đạc; ngoài ra chúng còn dự tính chặn đường về của Linh mục Thục để hành hung ông. Tất cả đã xảy ra trước con mắt chứng kiến dửng dưng của nhà cầm quyền và công an.
Ngày 28/06, hơn 200 công an phối hợp với côn đồ đã xông vào khu vực đan viện Thiên An (Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) để phá hủy Thánh giá dựng tại một ngọn đồi và đánh đập các tu sĩ. Bọn người đó vừa ra tay hành động, vừa quay video, đưa ngay lên mạng với lời bình luận, vu khống, xuyên tạc các đan sĩ "vi phạm luật pháp và chiếm đoạt đất do nhà nước quản lý". Các phương tiện truyền thông của nhà cầm quyền tại Huế cũng hợp giọng vu khống trắng trợn các đan sĩ. Đan viện này đã gặp vô vàn khó khăn, sách nhiễu ngay sau biến cố tháng 4/1975, vì "tội" sở hữu một cơ ngơi rộng tới 107 hecta. Mới đây, ngày 23/12, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa ra một bức thư vu khống trắng trợn và kết án vô luật đối với linh mục bề trên đan viện là Nguyễn Văn Đức.
Ngày 17/7, một nhóm thanh niên hội Cờ Đỏ đã đến trước cổng Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn bắt loa công suất lớn và đọc một bản văn dài phản đối việc nhà Dòng cứu trợ các thương binh Việt Nam Cộng Hòa, cũng như lăng mạ những cựu Chiến sĩ của miền Nam tự do, giữa khi nhà Dòng đang khám bệnh và ủy lạo cho họ, theo một chương trình tri ân giúp đỡ thường xuyên đối với họ.
Ngày 30/08 và cả tháng sau đó, tại giáo xứ Đông Kiều, hạt Đông Tháp thuộc xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An liên tiếp xảy ra các vụ tấn công, khủng bố tinh thần và vật chất đối với giáo dân và linh mục quản xứ Nguyễn Ngọc Ngữ. Đây là việc làm của những phần tử bất chấp pháp luật thuộc Hội Cờ Đỏ, một tổ chức quần chúng mới thành hình với sự hỗ trợ, bao che của nhà cầm quyền khoảng từ đầu năm, để đi tấn công các cộng đoàn tôn giáo, đặc biệt tại Nghệ An, nơi phong trào chống Formosa rất mạnh mẽ. Hội Cờ đỏ này đã phá hoại bàn thờ, tượng thánh, tài sản giáo dân, còn giăng biểu ngữ đòi trục xuất linh mục quản xứ Đông Kiều.
Ngày 04/09, một nhóm thanh niên nam nữ cũng thuộc hội Cờ Đỏ đã tự tiện xâm nhập nhà xứ Thọ Hòa, thuộc giáo phận Xuân Lộc, ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, mang theo nhiều cờ đỏ, băng-rôn biểu ngữ, loa công suất lớn, nhất là súng lục và roi điện, để hăm dọa linh mục quản xứ Nguyễn Duy Tân, người từng lên tiếng về đất nước, xã hội, chế độ, cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Chúng vừa đi vừa truyền thông trực tiếp lên mạng. May mà giáo dân đã kịp đến tiếp cứu.
Ngày 06/12, Linh mục Nguyễn Đình Thục, một nhân chứng của vụ Formosa, đã bị công an chặn lại tại phi trường Tân Sơn Nhất, không cho ông đi tham dự phiên điều trần của Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Liên bang Úc ngày 07/12. Trước đó, vào ngày 27/06, Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong thuộc phòng Công lý & Hòa bình tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, cũng bị cấm xuất cảnh sang Úc tại sân bay Nội Bài vì "lý do bảo vệ an ninh quốc gia". Linh mục Phong cũng là người thường xuyên lên tiếng về nhân quyền qua các bài giảng lễ.
Ngày 13/12, tại nhà thờ giáo xứ Đông Kiều, thuộc Giáo phận Vinh, nằm trên địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nhà cầm quyền và công an địa phương đã đến yêu cầu dẹp bỏ hang đá Giáng sinh vì làm trên "đất đang tranh chấp", đang khi đó là đất tư nhân đã hiến tặng cho giáo xứ. Tối đến, một số "côn đồ" (công an đội lốt hay thuê mướn) đã đến phá hoại cổng chào, hang đá và hành hung giáo dân (chém tay một thanh niên và bắn vào đầu một thầy giáo).
Sáng ngày 17/12, một số giáo dân giáo xứ Kẻ Gai, thuộc Giáo phận Vinh, nằm trên địa bàn xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, đến khai mương làm thủy lợi tại một mảnh ruộng đã được dâng cúng cho giáo xứ, để chuẩn bị cho việc xây nhà thờ trong tương lai. Thế nhưng, dưới sự điều khiển của chủ tịch và trưởng công an xã, khoảng 20 thành viên Hội Cờ Đỏ, vai khoác cờ đỏ, đã nhào xuống đánh giáo dân ngay trước sự chứng kiến của của nhà cầm quyền huyện và xã. Tiếp đó, hàng trăm công an và cảnh sát cơ động đã được điều đến để sẵn sàng trấn áp tiếp. Hậu quả là gần 20 giáo dân, đa phần phụ nữ lớn tuổi, bị đánh trọng thương.
Trần Quang Thành : Bước vào năm 2018 này Linh mục Phan Văn Lợi nghĩ gì về hoạt động nhân quyền nói chung và của tín đồ các tôn giáo nói riêng ?
Phan Văn Lợi : Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, trước kinh nghiệm của các nước cộng sản Đông Âu thập niên 80-90 của thế kỷ trước, ngày càng cảnh giác đối với các cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam, nhất là các cộng đồng đông đảo, có tinh thần, có tổ chức, có kỷ luật, có hàng lãnh đạo được đào tạo kỹ và có hàng tín đồ đầy tinh thần hy sinh và vâng phục. Ngoài ra, đó còn là những tổ chức xã hội dân sự mà nhà cầm quyền khó lòng kiểm soát trọn, xâm nhập sâu để lũng đoạn (ngoại trừ các giáo hội quốc doanh và các tổ chức tôn giáo quốc doanh do họ thành lập).
Thành ra ngoài những hành vi bách hại đủ kiểu như nói trên, nhà cầm quyền ngày càng tìm cách o bế và dọa nạt đối với hàng ngũ lãnh đạo Tôn giáo "chỉ lo việc tu hành". Cộng sản khai thác những tham vọng hay những yếu hèn của họ, lợi dụng mong muốn an thân và ước vọng thành công của họ, gây dị ứng nơi họ đối với chuyện chính trị và chuyện nhân quyền, thậm chí biến một số trong họ thành cộng tác viên tích cực cho chế độ. Đổi lại là cho họ được thoải mái tổ chức lễ hội, xây dựng cơ sở, đi ra ngoại quốc, có khi còn hỗ trợ họ chiếm đoạt cơ sở của Giáo hội chính truyền. Hạng này ít có uy tín trước tín đồ và thường dân vốn là những người thấm thía sự tàn bạo của chế độ hơn các chức sắc.
Dù sao, các tôn giáo chính là niềm hy vọng lớn lao cho toàn dân lúc này. Vấn đề là hàng lãnh đạo các giáo hội biết phát huy sức mạnh của niềm tin và vận dụng được sức mạnh của quần chúng tín đồ, một sức mạnh vũ bão nhưng không gây sự tàn phá, quyết liệt nhưng bất bạo động. Cụ thể là tổ chức những cuộc xuống đường liên tục, đông đảo, rộng khắp để áp lực nhà cầm quyền phải giải quyết mọi vấn đề xã hội, phải thỏa mãn mọi đòi hỏi nhân quyền.
Trần Quang Thành : Xin chân thành cảm ơn linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi.
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tieng DanVietMedia, 16/01/2018