Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/02/2018

Tết Mậu Thân : 'Những bộ hài cốt Khe Đá Mài'

Phan Văn Lợi

Cuộc phỏng vấn linh mục Phan Văn Lợi được thực hiện trong tháng 1/2018, nhân dịp 50 năm trận Tết Mậu Thân.

"Tại giáo xứ Phủ Cam, trước đây cứ đến khoảng ngày mùng 6, mùng 7 Tết là nhiều linh mục của giáo xứ lên núi Bân để làm lễ", linh mục Phan Văn Lợi từ Huế nói với BBC.

"Ở khu mộ tập thể trên núi Bân có hai bàn thờ, một bên cho Phật giáo, một bên cho Thiên Chúa giáo. Nhưng sau 1975, người ta đã phá hủy hai bàn thờ đó và để cho nấm mộ hoang tàn, cỏ mọc um tùm".

khe1

Số hài cốt tìm được trong "vụ thảm sát Khe Đá Mài"

Núi Bân, còn có tên là núi Ba Tầng, nằm về phía nam thành phố Huế. Nơi đây có khu nghĩa trang chôn cất hơn 400 bộ hài cốt, đa phần là được tìm thấy tại Khe Đá Mài hồi cuối năm 1969.

Việc phát hiện ra hàng trăm bộ hài cốt lộ thiên, dồn đống với những dấu hiệu giống như bị giết chết khiến địa điểm nằm sâu trong rừng rậm, cách thành phố Huế chừng 15km về phía nam, được nhắc tới như sự kiện bi thảm nhất xảy ra tại cố đô.

khe2

Phát hiện ra hàng trăm bộ hài cốt lộ thiên, dồn đống với những dấu hiệu giống như bị giết chết khiến địa điểm nằm sâu trong rừng rậm, cách thành phố Huế chừng 15km về phía nam

Số hài cốt tìm được trong "vụ thảm sát Khe Đá Mài" vẫn là điều chưa rõ ràng, tuy tin tức về vụ việc được loan tải rộng khắp trên truyền thông Sài Gòn.

Con số chính thức mà Ngũ Giác Đài nêu tại thời điểm ban đầu là 250 bộ hài cốt, nhưng Douglas Pike, chuyên gia của Phòng Thông tin Mỹ điều tra về vụ việc, đưa ra sau đó vài tháng là 428, theo Gareth Porter, người giảng môn chính trị Đông Nam Á của trường American University's School of International Service.

Trận chiến thành Huế

Ngày 30/1/1968, lực lượng Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng bất ngờ đồng loạt tấn công trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam.

Trong lúc ở hầu hết các tỉnh thành, làn sóng tấn công nhanh chóng bị bẻ gãy sau vài ngày, thì riêng ở Huế, phe cộng sản đã chiếm giữ thành phố được cho tới cuối tháng Hai.

Sau khi Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tái chiếm cố đô, hơn 10 mồ chôn tập thể được phát hiện ở quanh Huế.

Ước tính tổng số người bị giết trong thời gian quân Bắc Việt và Việt Cộng làm chủ thành phố là từ hàng trăm cho tới hàng ngàn người.

Vào 9/1969, "theo lời khai của một số người Việt Cộng, người ta đã lên Khe Đá Mài để tìm", linh mục Phan Văn Lợi nói, và đã "tìm được những bộ xương".

Tại đây, "bên cạnh các bộ xương, người ta đã tìm được y phục, những chuỗi tượng của người Công giáo và những thẻ căn cước".

"Sau đó, người ta đem tất cả các bộ xương này, các vật dụng còn sót lại, y phục, thẻ bọc nhựa về trường tiểu học Nam Hoà".

"Rất nhiều người tại Phủ Cam đã đến trường đó và có những người may mắn nhận ra được những vật dụng của thân nhân họ".

Câu chuyện của nhân chứng

Linh mục Phan Văn Lợi nói ông đã "may mắn thoát khỏi biến cố".

"cộng sản tấn công Huế vào ngày mùng 1 Tết. Sáng hôm đó tôi đã về làng quê, làng Dương Sơn, cách Huế chừng 8 km. Nếu họ tấn công vào đêm 30 Tết như ở các khu vực từ Quảng Nam tới Khánh Hòa thì chắc chắn tôi không thể thoát ra khỏi thành phố được".

Sau khi cộng sản rút lui, linh mục Phan Văn Lợi trở về thành phố và "làm trong một văn phòng cứu trợ của tôn giáo, cứu trợ những nạn nhân Tết Mậu Thân".

"Tôi đã gặp rất nhiều người. Họ tường thuật lại những chuyện đã xảy ra và sự khốn khổ của họ".

khe3

Linh mục Phan Văn Lợi nói ông lần đầu tiên tình cờ gặp nhân chứng vụ Khe Đá Mài vào năm 2007, và vẫn giữ liên hệ với nhau kể từ đó tới nay

Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là lần gặp gỡ tình cờ giữa ông với một người, 40 năm sau khi ông có các hoạt động cứu trợ Mậu Thân, và là khi những người Cộng sản đã làm chủ cả nước được hơn 30 năm.

Cuộc gặp diễn ra vào năm 2007.

"Người này là nhân chứng duy nhất còn sống sót của vụ thảm sát tại Khe Đá Mài".

"Tôi đã mời ông ấy đến nhà, nghe ông ấy tường thuật và sau đó tôi viết lại theo lời của ông ấy".

Hiện hai người vẫn giữ mối liên lạc thường xuyên, linh mục Phan Văn Lợi cho BBC biết.

Tuy nhiên, vì lo sợ cho sự an toàn bản thân nên nhân chứng, một thanh niên mới 17 tuổi vào thời điểm Tết Mậu Thân, từ chối tiếp xúc với BBC.

Người thứ hai chạy thoát cùng nhân chứng đã chết trong những năm chiến tranh sau đó.

Lời kể giúp dựng lại những gì đã xảy ra, "từ lúc đoàn người bị bắt đi" cho tới lúc nhân chứng sống sót "nghe thấy tiếng đạn" và những âm thanh cuối cùng từ các nạn nhân, linh mục Phan Văn Lợi nói.

Nhân chứng nói với ông Lợi rằng người đó là một trong những thanh niên bị bắt đi từ nhà thờ Phủ Cam hôm mùng 6 và mùng 7 Tết Mậu Thân.

"Họ bị dẫn lên chùa Từ Đàm. Ở đó có thêm một số người khác nữa, nhưng đại đa phần là người từ giáo xứ Phủ Cam, những thanh niên đã trốn trong nhà thờ".

Trước đó, khu vực nhà thờ được một số nghĩa quân địa phương và binh lính (Việt Nam Cộng Hòa) "canh tất cả các đường đi vào", nên phía cộng sản đã không thể vào được trong mấy ngày đầu.

Do không có tiếp viện, các quân nhân này sau đó phải chạy đi, theo lời nhân chứng.

Lực lượng cộng sản nói với những người bị gom, "Anh em đừng lo, cách mạng tới giải phóng cho nên đi học tập ba ngày rồi sẽ về", linh mục Phan Văn Lợi thuật lại lời nhân chứng.

"Khi họ bị giam tại chùa Từ Đàm, cán binh Việt Cộng đã cho một vài người về nhắn với gia đình của những người ở Phủ Cam là hãy gửi đồ tiếp tế lên để cho họ có thể ăn uống".

"Vì vậy, rất nhiều những thân nhân của những người bị bắt đó đã gánh gồng lên chùa Từ Đàm".

"Tuy nhiên, khi lên tới nơi họ biết rằng đoàn người đã không còn ở đó nữa. Các cán bộ bảo hãy để lại đồ để tiếp tế".

Số đồ đó không bao giờ đến tay người nhận, theo lời nhân chứng, bởi họ đã bị dẫn tới vùng rừng núi "không rõ là ở đâu".

'Cần giải oan'

"Trong hoàn cảnh chiến tranh, chuyện tên bay đạn lạc là chuyện bình thường, điều này đã xảy ra ở nhiều nơi trong chiến trận Mậu Thân như ở Sài Gòn".

"Nhưng tại Huế, lực lượng cộng sản chiếm 26 ngày".

khe4

Người dân chạy nạn trở về Huế sau khi binh lính Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm thành phố (hình chụp 13/3/1968)

Hàng trăm thanh niên trong nhà thờ Phủ Cam khi đó "tất cả đã đi không trở lại", linh mục Phan Văn Lợi nói.

"Đây không thể nói là lầm lẫn hay là tên bay lạc đạn trong chiến tranh được".

"Tại Phủ Cam, có những người vẫn giữ được kỷ vật của thân nhân mà họ đã lấy được, đã thu được trong sân trường tiểu học Nam Hoà".

Những gì được biết, được chứng kiến, được nghe kể là lý do khiến ông "có một chiến dịch cầu nguyện", linh mục Phan Văn Lợi nói với BBC.

"Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện cho các oan hồn, cho những người đồng bào của chúng ta được giải thoát".

"Tôi cũng cầu nguyện cho những người cán binh cộng sản đã bị đẩy vào một trận chiến mà chắc chắn họ không ngờ rằng lại gây ra bao nhiêu tai hại cho đồng bào của mình, cho đất nước".

"Những gia đình có thân nhân chết trong Mậu Thân là chết oan. Bây giờ họ chỉ mong là nhà nước này lên tiếng nhận trách nhiệm để cho các vong hồn được giải oan".

"Đó là điều mà 50 năm rồi người ta không thấy".

Nguồn : BBC tiếng Việt, 10/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 910 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)