Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Hun Sen với Tổng thống Biden tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 13/11, Campuchia "lặng lẽ" giữ khoảng cách với Trung Quốc ? Còn sau cuộc gặp giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng bí thư Tập Cận Bình ngày 31/10, có phải Hà Nội đang "lặng lẽ" xích gần hơn lại Bắc Kinh ?
Tổng thống Biden và Thủ tướng Hun Sen tại một Gala tại thượng đỉnh ASEAN, Phnom Penh, Cambodia, 12/11/2022.
Tuyên bố Bangkok hôm 19/11/2022 về nền kinh tế "Bio-Circular-Green" (Sinh học-Tuần hoàn-Xanh / BCG) nhằm kết thúc năm APEC19 (hàm ý không có mặt của Tổng thống Nga) quả thật đã gây ít nhiều sự chú ý. Sáng kiến tăng trưởng hậu đại dịch Covid của nước chủ nhà Thái Lan nhằm xây dựng một hành tinh bền vững quả có thu hút truyền thông. Nhưng dù sao vẫn không lấn át được thông điệp mạnh mẽ của Mỹ trước đó, trong ngày 13/11, tại Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN, khi Tổng thống Bidencám ơn Thủ tướng Hun Sen, vì đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine (I also want to thank you for Cambodia’s clear condemnation of Russia’s invasion of Ukraine) và đã dẫn dắt ASEAN trải qua một năm khó khăn nhất từ trước tới nay (for your leadership of ASEAN during what had to be one of the most difficult years).
Campuchia quay lại Mỹ và Châu Âu ?
Trước đây, truyền thông khu vực thường ghi nhận, Campuchia là một trong những đồng minh và đối tác vững chãi nhất của Trung Quốc. Nhưng điều đó có thể đang lặng lẽ thay đổi giữa lúc quốc gia Đông Nam Á này ngày càng kết nối rộng lớn hơn vào các nước lớn trong khu vực. Chính phủ Campuchia dường như đang có những biểu hiện muốn quay trở lại với Hoa Kỳ và Châu Âu, vì lo ngại rằng, Campuchia đã trở nên quá phụ thuộc vào Bắc Kinh, theo nhận định của các nguồn tin quen thuộc với tình hình. Sự thay đổi diễn ra khi Phnom Penh tập trung vào việc ổn định tăng trưởng kinh tế trước một cuộc kế nhiệm chính trị lớn dự kiến sẽ diễn ra vào năm tới. Đó là khi Samdech Hun Sensẽ bàn giao ghế Thủ tướng cho con trai là Đại tướng Hun Magnet (Tốt nghiệp Học viện quân sự West Point/Mỹ, hiện là Phó Tổng tư lệnh Quân đội và là Tư lệnh Lực lượng Lục quân).
Bất chấp sự xấu đi rõ ràng trong quan hệ ngoại giao trong những năm gần đây, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia. Theo dữ liệu của chính phủ Campuchia, thương mại song phương Mỹ – Campuchia đã tăng 33% trong năm ngoái và 47% trong 7 tháng đầu năm nay. Đồng thời, thương mại Campuchia – Trung Quốc tăng 37,3% vào năm 2021 nhưng thâm hụt thương mại của Phnom Penh với Trung Quốc đã tăng lên 8,1 tỷ USD từ 6 tỷ USD vào năm 2020, theo số liệu của Bộ Thương mại Campuchia. "Chúng tôi muốn bớt phụ thuộc vào Trung Quốc", một quan chức chính phủ thẳng thắn nói với Tạp chí "Asia Times".
Nhưng những gì chính quyền Phnom Penh muốn và những gì Thủ tướng Hun Sen có thể làm là hai vấn đề khác nhau. Một số nhà quan sát cho rằng Campuchia hiện đang dấn mình quá sâu vào quỹ đạo của Trung Quốc, đến mức nước này không thể sẵn sàng hoặc dễ dàng rút lui để liên kết lại với phương Tây. Chắc chắn, không ai suy nghĩ đơn giản Campuchia thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Chỉ trong tháng này, hai bên đã ký một thỏa thuận trị giá 1,6 tỷ USD để xây dựng đường cao tốc thứ hai, nối thủ đô Phnom Penh với Bavet ở biên giới Việt Nam. Thỏa thuận này diễn ra chỉ vài tháng sau khi khánh thành tuyến đường cao tốc trị giá 2 tỷ USD do Trung Quốc xây dựng giữa Phnom Penh và Sihanoukville, một trung tâm ven biển giúp cho đầu tư của Trung Quốc. Một MoU (Bản thỏa thuận) được ký trong tháng này cho thấy tiếng Trung sẽ được dạy ở các trường trung học trên đất nước Chùa Tháp.
Tuy nhiên, trong tháng 11 này, Thủ tướng Hun Sen đã khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi ông đồng bảo trợ cho các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, những động thái mà Trung Quốc, đồng minh của Moscow, đã bỏ phiếu trắng. Trong chuyến thăm đầu tiên trong cương vị Tổng thống tới Đông Nam Á để tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực do Phnom Penh đăng cai vào cuối tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đánh giá cao Hun Sen vì những đóng góp của ông đối với các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Myanmar và phương cách ứng phó của ASEAN, trong đó nhấn mạnh việc triển khai Đồng thuận 5 điểm của ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN năm 2021. Trong khi nêu lên những lo ngại về Căn cứ Hải quân Ream, Tổng thống Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc minh bạch đầy đủ về các hoạt động của quân đội Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại căn cứ hải quân. Tổng thống Biden cũng kêu gọi ông Hun Sen mở lại không gian dân sự và chính trị trước cuộc bầu cử năm 2023. Ông kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động bị giam giữ vì các cáo buộc có động cơ chính trị, trong đó có công dân Hoa Kỳ gốc Campuchia Seng Theary. Ông nhắc lạicam kết của Hoa Kỳ đối với nhân dân Campuchia và nguyện vọng của họ về một đất nước thịnh vượng, dân chủ và độc lập hơn.
Hà Nội xích gần hơn tới "Trật tự Trung hoa" ?
Theo dõi các bình luận về ý nghĩa "lịch sử" của chuyến công du của Tổng bí thư Trọng tại Trung Quốc, lần lượt đã xuất hiện nhiều phân tích từ các góc nhìn khác nhau. Trong bài viết "Hanoi’s Beijing Syndrome" (Hội chứng Bắc Kinh của Hà Nội), tác giả đã chỉ ra khoảng cách khó khỏa lấp giữa "ý Đảng" và "lòng Dân" trong mối bang giao Trung – Việt. Người dân trên đường phố hàng ngày luôn ác cảm với Bắc Kinh, Đảng cộng sản Việt Nam ngược lại, luôn muốn vun đắp các mối quan hệ với Đảng cộng sản Trung Quốc ngày một chặt chẽ hơn.Đảng yêu Trung Quốc, dân ghét Trung Quốc. Đó chính là "Hội chứng Bắc Kinh của Hà Nội".
Đúng là ông Trọng hồ hởi ra mặt khi ông gặp Tổng bí thư Trung Quốc và ông đã "xúc động" nói với ông Tập : "Trước đây, tôi đã hứa với đồng chí, tôi sẽ thăm Trung Quốc đầu tiên sau Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam…" Nhưng ba tuần sau, ngày 19/11 mới đây, ông Trọng lại nói với cử tri Hà Nội bằng một "giọng" hoàn toàn khác : "Lời mời thăm Trung Quốc đã có từ lâu, trước cả Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc, trước cả khi Trung Quốc chưa biết ai là Tổng bí thư nhưng BCHTW Đảng cộng sản Trung Quốc đã có thư mời Tổng bí thư ta sang thăm Trung Quốc và (ta) là vị khách quốc tế đầu tiên sang thăm chính thức.Bạn cũng khẳng định sẽ đón vào ngày 30/10 và chúng ta sang đúng vào ngày đó".
Tại sao truyền thông trong nước không đăng tải câu nói của ông Trọng "lấy lòng" ông Tập ? Chỉ có thể giải thích, Đảng cộng sản Việt Nam không muốn cho người dân biết, ông Trọng tranh thủ "kết thân" với Trung Quốc đến cỡ nào. "Dân đen" chỉ cần biết, Trung Quốc "yêu mến" và "quý trọng" Đảng ta như thế nào… Thế là đủ !!! Chưa biết ai sẽ làm Tổng bí thư mà đã chủ động mời ta từ trước (?!). Chưa hết, trong các diễn văn đáp từ, ông Trọng đã ca ngợi "lý tưởng tương thông" giữa hai Đảng cộng sản, hứa không để cho thế lực nào (hàm ý là Hoa Kỳ) chia rẽ. Tổng bí thư Trọng không ngần ngại khi đánh giá tích cực đối với ba trụ cột của "Trật tự Trung Hoa’ (Pax Sinica) là Vành đai & Con đường (BRI), Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI). Ông Trọng còn cam kết sẽ không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến của hai Đảng hoặc đểbất kỳ thế lực nào làm lung lay nền tảng thể chế trong sự phát triển chung.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng cộng sản Việt Nam thừa biết, "hệ giá trị" mà Trung Quốc và nước Nga của Putin cổ súy trên ba trụ cột BRI, GNI và GDI, có ý nghĩa như thế nào đối với phần còn lại của thế giới ? Niềm tin của Giáo sư Alexander L. Vuving đã định vị mối bang giao Trung – Việt theo paradigm "vận hành bởi ý thức thức hệ và giao thoa bởi trật tự thế giới". Ông tin rằng, "mô thức" này khó thay đổi qua chuyến thăm vừa rồi của ông Trọng. Nhưng một bộ phận trong giới quan sát ở Việt Nam nghĩ khác. Không có điều kiện công khai bày tỏ ý kiến, nhiều bậc thức giả đều lo ngại, việc ông Trọng đi Trung Quốc kỳ này, lành ít dữ nhiều. Các thỏa thuận bí mật ở Thành Đô năm nào đã "giam hãm" bang giao Việt – Trung hàng thập niên có lẻ, nhưng phạm vi ảnh hưởng dẫu sao cũng chỉ là song phương. Còn theo Tuyên bố chung Bắc Kinh ngày 1/11/2022, Việt Nam rồi đây có thể sẽphải buộc chặt "vận mệnh" của mình vào cái "cộng đồng chung vận mệnh" theo "Pax Sinica"…
Điều trùng hợp đáng sợ là ngày 30/10/2022, đúng lúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc, thì tại Osaka, VinFast đã ký kết hợp tác chiến lược với một đại gia về pin, nhưng không phải của Nhật Bản, mà là từ Trung Quốc, có tên là CATL. Rõ là đó là một món quà tinh tế, được gửi từ phương xa để hưởng ứng chuyến công du "lịch sử" của Tổng bí thư. Kế đến, đúng ngày 18/11/2022, khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tập Chủ tịch tại Bangkok, thì VinES (một Công ty con của Vingroup) liền cùng một đại gia khác về pin, cũng từ Trung Quốc, tổ chức động thổ dự án Nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh. Lại một món quà nữa gửi từ quê hương. Cũng không kém phần tinh tế khi được biết hai bên đã có thỏa thuận cho dự án này từ hơn một năm trước rồi nhưng giờ đây mới đặt bút ký.
Tại sao có hàng loạt chuyện "ngẫu nhiên" đến thế ? Ngoài những ý nghĩa chính trị, ý nghĩa kinh tế nổi bật : Bất cứ doanh nghiệp nào đang trong cảnh "chết đuối" mà vớ được "cọng rơm" thì cũng sướng lắm rồi. Mà ở đây cùng lúc lại vớ được hẳn hai cọng rơm của "bạn vàng", còn gì bằng ? Ai vẫn còn hoài nghi thì hãy tham khảo cú bắt tay giữa Vietnam Airlines với China Southern Airlines. Vẫn chưa hết nghi ngờ thì hãy tham khảo bài học Sri Lanka, sau khi nợ ngập đầu "bạn vàng", đã được phép nhường quyền khai thác cảng Hambantota lại cho một tập đoàn của Trung Quốc trong thời hạn 99 năm. Chẳng trách năm ngoái, một đại biểu Quốc hội ở ta cũng chất vấn Bộ trưởng,tại sao có đến 162.000 ha đất người Trung Quốc sở hữu khắp nước ta, mà nay vẫn chưa thấy trả lời.