"Nạn đảo chính khắp vùng Sahel", theo nhận định ngày 28/08/2023 của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, không chừa Niger, đồng minh cuối cùng của Paris tại vùng Sahel và lan sang cả Gabon hôm 30/08. Ở những nước trước đây là đồng minh, đối tác, Pháp bị "hất hủi", phải rút hết quân trong ê chề.
Tổng thống Pháp phát biểu tại thượng đỉnh Châu Phi - Pháp, ngày 08/10/2021, Montpellier, Pháp. AFP – Ludovic Marin
Đại sứ Pháp tại Niamey cố cầm cự bất chấp tối hậu thư của tập đoàn quân sự yêu cầu rời khỏi Niger. Lời động viên của tổng thống Macron với đại sứ Sylvain Itté cũng gián tiếp thừa nhận Pháp đang bị "hạ nhục" ở Niger, và rộng hơn là ở vùng Sahel. Nhật báo Pháp Le Monde ngày 28/08 trích dẫn một chuyên gia về an ninh Châu Phi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, "hoặc là Pháp duy trì vị thế bằng vũ lực và mạo hiểm đối đầu", "hoặc rút lui" khỏi Niger, còn "ý tưởng duy trì bằng mọi giá sự hiện của Pháp" là "mong manh".
Việc tổng thống Bazoum, đồng minh cuối cùng của Pháp ở tây Phi, bị lật đổ ở Niger cho thấy ảnh hưởng và trọng lượng của Pháp ở trong vùng đã bị "vùi dập" trong những năm gần đây. Thực tế này từng được bà Niagalé Bagayoko, chủ tịch Mạng lưới Lĩnh vực An ninh Châu Phi (African Security Sector Netword, ASSN), nhận định với Pascal Boniface, nhà sáng lập kiêm giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trong chương trình "Hiểu về thế giới" :
"Đáng tiếc là đúng. Pháp bị "thất sủng", thậm chí theo tôi, giờ còn nghiêm trọng hơn. Tại một số nước Châu Phi, Pháp bị hất hủi khá ác liệt. Điều này có thể thấy rất rõ bởi vì họ không ngấm ngầm phản đối nữa mà thể hiện công khai trên các mạng xã hội, cũng như trên đường phố ở tây Phi và trung Phi. Hiện tượng loại bỏ đó, hoặc dù sao cũng là thái độ nghi kị đối với tính thích đáng kiểu hiện diện của Pháp, hiện được thấy rõ".
Hầu hết khắp Châu Phi, sức hấp dẫn của Pháp đã bị suy giảm trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao, văn hóa đến trao đổi thương mại và an ninh. Thị phần của Pháp trong thương mại Châu Phi từ 10% rơi xuống còn 5% trong vòng 1/4 thế kỷ. Nhà nghiên cứu Pascal Boniface, giám đốc Viện IRIS, nhắc lại thay vì bị bỏ rơi như trong thập niên 1990, Châu Phi hiện được rất nhiều cường quốc chú ý : Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia… Rất nhiều nước cũng lập chính sách riêng về Châu Phi.
Về an ninh, Pháp từ lâu được coi là "sen đầm của Châu Phi". Vì lý do bảo đảm an ninh và chống khủng bố, Pháp duy trì lực lượng quân sự (hiện còn căn cứ Sénégal (350 lính), Côte d’Ivoire (900), Gabon (300), Djibouti (1.450), Niger (1.500), trực tiếp can thiệp hoặc cố vấn chiến dịch cho các đối tác Châu Phi. Chỉ trong ba năm đã có 8 vụ đảo chính hoặc âm mưu đảo chính trong vùng Châu Phi nói tiếng Pháp. Paris đã phải rút hết quân khỏi Mali, Burkina Faso. Phe đảo chính ở Niger và những người ủng hộ cũng yêu cầu Pháp rút hết 1.500 quân khỏi nước này.
Pháp bị lên án thiên vị
"Sự hiện diện quân sự của Pháp tại Châu Phi ngày càng bị coi là sự ủng hộ trực tiếp cho các chế độ cầm quyền", theo đài truyền hình Pháp France 2 trong bản tin tối 30/08. Đài này cũng lưu ý "ở Gabon, Pháp ủng hộ tổng thống Bongo", trong khi gia tộc Bongo cầm quyền từ 55 năm nay. Trước đó, trong bài nhận định vào tháng 03/2023 trên trang web IRIS, nhà nghiên cứu Pascal Boniface giải thích :
"Pháp bị kìm kẹt trong chính những mối quan hệ cũ : Pháp ủng hộ các nhà lãnh đạo, trong đó có nhiều người cầm quyền từ hơn 40 năm qua và bị giới trẻ phản đối. Chắc chắn là rất khó để cắt đứt những mối quan hệ đó.
Việc (ông Macron) đến Gabon, nơi gia đình Bongo cầm quyền từ năm 1973 hoặc tới Cộng hòa Congo, nơi Sassou Nguesso điều hành đất nước từ hơn 40 năm, sau khi thông báo chấm dứt mô hình "Châu Phi thuộc Pháp", lại càng không được giới trẻ Châu Phi chấp nhận. Trong trường hợp đặc biệt của nước Cộng hòa dân chủ Congo, người dân trách Pháp không lên án đúng đắn Rwanda cướp bóc đất nước này thông qua nhóm vũ trang M-23 trong khi cứng rắn về những vụ Nga vi phạm chủ quyền của Ukraine".
Đây chính là thái độ "nhất bên trọng, nhất bên khinh", trong khi Pháp vẫn rao giảng về dân chủ và nhân quyền, theo giải thích của bà Niagalé Bagayoko :
"Nhìn vào trường hợp Cộng hòa Tchad, theo tôi, rõ ràng là những mâu thuẫn này không còn được công luận Châu Phi, cũng như một số nước, chấp nhận nữa. Ngay hôm sau tổng thống Idriss Déby qua đời, một tập đoàn quân sự lên nắm quyền một cách hoàn toàn vi hiến, đưa con trai của tổng thống quá cố lên lãnh đạo, đúng kiểu "cha truyền con nối". Pháp ra thông cáo chính thức chấp nhận việc đó, tiếp theo đích thân người đứng đầu Nhà nước đến dự lễ tang (23/04/2021), trong khi sau đó lại lên án mạnh mẽ đảo chính ở Mali, Guinea và Burkina Faso. Không hề có bất kỳ sự nhất quán nào trong chính sách này !"
Pháp vẫn bị kẹt trong những mối quan hệ cũ
Mô hình "Françafrique" (Châu Phi thuộc Pháp), thường gợi đến mối quan hệ hậu thuộc địa mang mầu sắc "bảo trợ", thậm chí là tham nhũng, từng được nhiều đời tổng thống Pháp tuyên bố chấm dứt, ngay từ thời George Pompidou (1969-1974) đến Nicolas Sarkozy, François Hollande và Emmanuel Macron. Pháp đã triển khai kế hoạch hiện diện quân sự bớt lộ liễu hơn ở Châu Phi, ít quân nhân hơn và thúc đẩy các chương trình hợp tác dân sự. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho là "còn quá ít và nhất là quá trễ".
Trước các cuộc đảo chính liên tiếp ở vùng Sahel, Pháp cần giữ thái độ "không gia trưởng, không yếu đuối", theo phát biểu của tổng thống Macron trong cuộc gặp các đại sứ Pháp ngày 28/08. Nhưng nhìn chung, Pháp thất bại về ngoại giao và văn hóa trong vùng này, theo nhận định trên đài RFI ngày 29/08 của giáo sư danh dự về luật quốc tế Serge Sur, Đại học Panthéon-Assas, kiêm tổng biên tập tạp chí Các vấn đề Quốc tế :
"Tổng thống Macron đã đưa ra vài hướng giải thích khi cho rằng Pháp đã dựa quá nhiều vào chính quyền mà không chú trọng đến xã hội dân sự. Điều này hoàn toàn đúng. Xã hội dân sự Châu Phi vô cùng sống động, rất trẻ, cập nhật nhanh chóng những gì diễn ra trên thế giới, trong khi Pháp lại hơi lơ là thành phần này. Có thể thấy điều đó trong các trường đại học của Pháp. Thật đáng tiếc là chúng ta không nhiều du học sinh Châu Phi. Họ chọn đi du học ở Anh, ở Mỹ và họ không chọn Pháp, vì Pháp từ chối cấp thị thực cho họ hoặc hạn chế số lượng thị thực được cấp.
Tổ chức Pháp ngữ đã không làm tròn trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ các trường đại học. Khi các trường đại học ở Châu Phi gặp khó khăn, không có chương trình nào được tiến hành để đánh giá những khó khăn và góp phần cải thiện mối quan hệ giữa văn hóa Pháp và văn hóa các nước Pháp ngữ, trong khi chính những nước Châu Phi này thuộc cộng đồng Pháp ngữ".
Theo nhà nghiên cứu Pascal Boniface, việc hạn chế thị thực để khống chế di dân thể hiện rõ cho "sự kì thị chủng tộc, phục vụ lợi ích chính trị của các đảng phái ở Pháp". Cuộc chiến chống di cư, những phát biểu "không cập nhật với thời đại" của nhiều chính trị gia thù nghịch với đạo Hồi hoặc vấn đề di dân được tiếp nhận một cách tiêu cực trên khắp Châu Phi và gây hậu quả tai hại cho hình ảnh của Pháp ở Châu Phi.
Pháp không chú ý đến "mong mỏi" của người dân Châu Phi
Nhiều chính phủ dân sự ở Sahel, trên danh nghĩa được bầu một cách hợp hiến, lại bị đông đảo người dân phản đối với những cáo buộc tham nhũng, trục lợi, tham quyền cố vị. Pháp cũng bị lên án vì ủng hộ những chính phủ này. Do đó, dù lên cầm quyền một cách bất hợp pháp do đảo chính, các tập đoàn quân sự lại được một bộ phận dân chúng ủng hộ. Trên nguyên tắc, tập đoàn quân sự không có quyền yêu cầu lực lượng vũ trang nước ngoài như của Pháp, Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ rút lui. Nhưng họ vẫn làm được vì đại diện được phần nào mong muốn của dân, theo giải thích của bà Niagalé Bagayoko, chủ tịch Mạng lưới Lĩnh vực An ninh Châu Phi :
"Tại sao lại có sự ủng hộ này ư ? Tại vì trên thực tế, người ta nhận thấy một thất bại tập thể. Các đối tác nước ngoài đã không làm đúng những lời hứa hoặc những cam kết mà họ đưa ra, rõ ràng nhất là về mặt an ninh, Pháp đã không xóa sổ được phong trào khủng bố mà theo tôi, Paris đã bất cẩn dấn thân.
Nhưng nếu chúng ta nhìn những lĩnh vực khác thì thấy cũng tương tự. Những yếu tố liên quan đến phát triển thường được lý tưởng hóa thì giờ cũng bị nghi ngờ trên thực địa, bởi vì người dân, công luận chẳng thấy được chút lợi nào từ những chương trình này. Họ nhận thấy thường có rất nhiều nhà trung gian, kể cả đến từ các nước phương Tây và những thành phần đó được lợi nhiều hơn cả họ. Vì thế làn sóng bác bỏ ngày càng lớn bởi vì theo họ, đơn giản là nước ngoài không thể mang lại những giải pháp cho các vấn đề về an ninh và kinh tế của Châu Phi".
Trong mắt các nước Châu Phi, Pháp đã mất phần nào đặc thù, không còn là một quốc gia có đường lối ngoại giao độc đáo khi luôn tìm cách gắn kết và nhất quán với Châu Âu hoặc với Mỹ. Thời thế đã thay đổi. Châu Phi có tầm quan trọng lớn hơn và ngày càng được củng cố trên trường quốc tế nhờ nguồn tài nguyên, nhân lực. Do đó, Pháp không thể không có một chính sách cập nhật về Châu Phi.
Ngày 27/02/2023, trong bài diễn văn giới thiệu chính sách về Châu Phi trong nhiệm kỳ hai, tổng thống Macron nhấn mạnh đến mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Châu Phi không còn là "sân sau" của Pháp, "càng không phải là một lục địa mà người Châu Âu và người Pháp có thể áp đặt một khuôn khổ phát triển, mà là một nơi chúng ta phải xây dựng các mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, cân bằng và có trách nhiệm, để cùng nhau chiến đấu vì những mục đích chung - khí hậu là một vấn đề vô cùng quan trọng - bảo vệ lợi ích của chúng ta và giúp các nước Châu Phi thành công".
Chiến lược Châu Phi của Pháp hiện tập trung vào ba hướng chính : hiện diện quân sự, đổi mới quan hệ đối tác và giới trẻ. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt của Pháp là khôi phục được uy tín trong mắt người dân Châu Phi, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc không ngừng tung chiến dịch làm "mất mặt" Pháp và phương Tây.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 08/09/2023
Hội nghị quốc tế tìm trợ giúp kinh tế cho Châu Phi do Pháp tổ chức, bạo lực ở dải Gaza – Israel và việc dỡ bỏ phong tỏa phòng Covid-19 đợt hai, sẽ diễn ra vào ngày mai, là các chủ đề lớn của báo chí Pháp ra ngày 18/05/2021.
Thượng đỉnh Pháp - Châu Phi tại Bamako, Mali, 2017. © Reuters/Luc Gnago
Hội nghị quốc tế trực tuyến bàn về trợ giúp kinh tế Châu Phi là chủ đề của hầu hết các báo. Bài "Một thượng đỉnh để đưa Châu Phi thoát khỏi khủng hoảng" trên Le Monde, cho biết thượng đỉnh có sự tham dự của 21 lãnh đạo quốc gia Châu Phi, nhiều lãnh đạo Châu Âu và định chế quốc tế. Phủ tổng thống Pháp kêu gọi "trợ giúp mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và các định chế đa phương".
Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (trong báo cáo mới nhất hồi tháng 4/2021), để ra khỏi khủng hoảng do đại dịch, Châu Phi cần đến 425 tỉ đô la, từ đây đến 2025. Nhu cầu rất lớn, nhưng trợ giúp phát triển quốc tế cho Châu Phi (phía nam sa mạc Sahara) lại sụt giảm 1% trong năm ngoái (theo OCDE). Trong lúc các nước giàu đã bơm vào nền kinh tế nước mình tổng cộng gần 16.000 tỉ đô la, kể từ đầu khủng hoảng, thì trợ giúp cho các nước nghèo nhất là hết sức nhỏ.
Nhiều biện pháp hỗ trợ Châu Phi được bàn đến trong hội nghị này. Chủ trương của Pháp là gia tăng số tiền mà các nước Châu Phi có thể được hưởng trong tổng số 650 tỉ đô la của cơ chế Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR), do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều hành, vốn được sử dụng cho các mục tiêu khẩn cấp. Pháp đề nghị các nước giàu giảm một phần quyền lợi, để chuyển cho các nước Châu Phi. Hiện nay, Châu Phi chỉ có quyền nhận được 33 tỉ trong tổng số tiền nói trên. Thúc đẩy đầu tư nội địa, đầu tư cho khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để chấn hưng kinh tế là một ưu tiên, theo Điện Elysée. Việc đàm phán giữa các nước Châu Phi và các chủ nợ trong việc hoãn trả nợ cũng là một chủ đề quan trọng khác.
Theo Le Monde, về mặt tài chính, điểm đặc biệt đáng lo ngại là Châu Phi có thể lâm vào tình trạng vỡ nợ. Do khủng hoảng, nợ công của các nước Châu Phi có thể tăng trung bình từ 10 đến 15% GDP. Vai trò của Trung Quốc được đặc biệt chú ý. Bắc Kinh là chủ nợ số một đối với nhiều quốc gia Châu Phi. Điểm mới trong hội nghị về Châu Phi lần này là có sự tham gia của Trung Quốc. Theo nguồn tin từ một người tham gia chuẩn bị hội nghị nói trên, có nhiều áp lực để buộc Trung Quốc phải "minh bạch" hơn về các tài trợ, đầu tư vào Châu Phi.
Về vai trò của Trung Quốc, nhật báo Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý "Làm thế nào Trung Quốc trở thành chủ nợ chính", nhấn mạnh đến tình trạng phụ thuộc nặng nề của nhiều nước Châu Phi vào Trung Quốc. Số nợ của các nước Châu Phi do Trung Quốc nắm giữ, từ 2 tỉ đô la năm 2000 lên đến 73 tỉ năm 2019, chiếm 30% tổng số nợ của Châu Phi. Bắc Kinh bị cáo buộc "đưa nhiều nước Châu Phi vào bẫy nợ". Trong số các nước đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc, có Ethiopia, Angola, Guinea và Zimbabwe. Trước áp lực quốc tế, Bắc Kinh dần dần buộc phải chấp nhận giãn nợ cho một số nước Châu Phi, như Congo hay Angola. Theo chuyên gia Cécile Valadier, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), việc Trung Quốc tham gia vào Cơ chế Quốc tế Tái cấu trúc nợ cho Châu Phi (sáng kiến của G20, đưa ra tháng 11/2020) "đánh dấu một bước ngoặt thực sự".
Vẫn về hội nghị Châu Phi tổ chức hôm nay, La Croix chú ý đến sự thay đổi được đánh giá là quan trọng trong chính sách của tổng thống Pháp, hướng đến toàn bộ Châu lục, chứ không chỉ tập trung vào khu vực Châu Phi nói tiếng Pháp, như lâu nay. Tổng thống Emmanuel Macron, ngay từ khi nhậm chức năm 2017, muốn mở rộng quan hệ với các nước Châu Phi nói tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha. Thời gian gần đây, các cường quốc, như Trung Quốc, Nga và cả nước Anh, ngay sau khi rời Liên Âu, đã tổ chức thượng đỉnh về kinh tế, đầu tư tại Châu Phi.
Bạo lực Cận Đông và bế tắc quốc tế là chủ đề chính của Le Monde. Nhật báo chạy tựa "Dải Gaza bị oanh kích, Biden bị áp lực, Liên Âu im tiếng". Theo Le Monde, riêng tại Gaza, đã có hơn 40 người chết hôm Chủ Nhật do oanh kích. Bạo lực kích động bạo lực, nhiều thành viên tổ chức Fatah ở vùng West Bank (Cisjordanie, Palestine) cũng bắt đầu tham gia vào các bạo động chống Israel, do lo sợ bị phong trào Hamas lấn át. Trong lúc đó, nội bộ đảng Dân Chủ cầm quyền tại Mỹ đang ngày càng bị phân hóa, do thái độ của chính quyền Biden đối với xung đột nói trên.
Le Monde có bài phân tích mang tựa đề "Các tham vọng ngoại giao của Biden có nguy cơ phá sản", nhấn mạnh đến chính sách tránh né của chính quyền Mỹ ngày càng càng khó duy trì. Kể từ cuối tuần trước, tổng thống Joe Biden và ngoại trưởng Anthony Blinken liên tiếp có các tiếp xúc, nhằm thúc đẩy ngừng bắn. Tuy nhiên, hiện tại, tổng thống Mỹ không thể tiếp cận với Hamas (cầm quyền tại dải Gaza), do tổ chức này bị Washington xếp vào danh sách khủng bố.
Tóm lại, xung đột một tuần nay giữa Israel và Hamas thách thức nghiêm trọng tham vọng trở lại vị trí lãnh đạo trên trường quốc tế của nước Mỹ. Tại Hội đồng Bảo an, Chủ Nhật vừa qua, nước Mỹ đã tiếp tục một mình chống lại tất cả, khi cản trở mọi tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an.
Về khả năng hành động của Mỹ, nhật báo Le Figaro, trong bài phân tích "Ngoại giao tìm kiếm ngừng bắn tại Gaza", lưu ý đến thế khó xử hiện nay của chính quyền Biden, hiện đang đàm phán về việc trở lại của Washington với Hiệp định Hạt nhân Iran, vốn đã gây rắc rối cho quan hệ Mỹ - Israel, đối thủ của Iran. Theo Le Figaro, Joe Biden không muốn có thêm một hồ sơ gây căng thẳng khác với Iran, đặc biệt trong lúc mà tổng thống Mỹ "không tin là xung đột có thể được giải quyết trong ngắn hạn".
Tuy nhiên, vẫn Le Figaro, trong một bài viết khác, nhấn mạnh là lập trường "ủng hộ vô điều kiện" Israel của Biden ngày càng gây phân hóa trong nội bộ đảng Dân Chủ. Le Figaro coi đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn đầu tiên của tân chính quyền Mỹ Biden. Ngày càng có nhiều dân biểu, nhà tranh đấu đảng Dân Chủ đòi hỏi một chính sách cân bằng hơn, đòi tổng thống Biden nỗ lực hơn để thúc đẩy ngừng bắn, hơn là "ủng hộ vô điều kiện" quyền tự vệ của Israel.
Về phía các nước Ả Rập, với Le Figaro, cản trở hiện nay cho một giải pháp cân bằng, là Palestine không còn là trọng tâm trong chính sách của khối này. Nhiều nước Ả Rập lại đang nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Israel. Quan hệ giữa Israel và Hamas không còn phụ thuộc nhiều vào các nỗ lực ngoại giao bên ngoài, mà chủ yếu do nhu cầu nội bộ của mỗi phía. Mục tiêu hiện tại của phía Israel là tham vọng của thủ tướng Netanyahou, đang trong thế yếu trước liên minh đối lập, muốn giành lại thế thượng phong, thông qua việc tỏ ra cứng rắn với Hamas để tiếp tục nắm quyền. Về phía Hamas, đó là chủ trương tỏ ra cứng rắn với Israel để được coi là lực lượng lãnh đạo duy nhất của Palestine, đẩy phong trào Fatah ra lề. Thông thường, một khi hai bên đã đạt được mục tiêu, xung đột sẽ lắng dịu. Tuy nhiên, theo Le Figaro, tình tình lần này có vẻ khác trước. Xung đột kéo dài sẽ để lại những hệ quả nghiêm trọng hơn : gia tăng đối kháng giữa người Do Thái và người Ả Rập tại chính Israel, quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập Sunni cũng có thể rơi vào bế tắc.
Để tìm giải pháp cho xung đột Israel – Palestine, đang rơi vào thế bế tắc toàn diện, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài xã luận đáng chú ý, mang tựa đề "Công lý cho tất cả". Theo Le Figaro, trong 12 năm nắm quyền, thủ tướng Israel Netanyahou đã đặt niềm tin vào sức mạnh quân sự vượt trội của Israel, buộc người Palestine phải khuất phục. Nhưng điều này đã không xảy ra. Le Figaro khẳng định, chính "các bất công được thể chế hóa", trong quan hệ giữa hai bên, khiến phẫn nộ chồng chất phẫn nộ trong xã hội Palestine, ở tất cả các khu vực. "Thiết lập lại công lý để đổi lấy an ninh là nỗ lực đầu tiên cần được khởi sự" là chủ trương của Le Figaro.
Thêm một loạt biện pháp ra khỏi phong tỏa phòng Covid-19 sẽ được áp dụng kể từ ngày mai. Truyền thông Pháp hôm nay kêu gọi cảnh giác cao độ. Libération chạy tựa trang nhất : "Quán bar, nhà hàng. Phải chăng là lúc để ăn mừng ?". La Croix có bài xã luận "Chúng ta hãy thận trọng". Theo nhật báo Công giáo, việc mở cửa trở lại các quán cà phê, bảo tàng, rạp chiếu bóng, cửa hiệu, việc lùi thời điểm giới nghiêm thành 21 giờ là một tin vui, các chỉ số y tế tích cực là điều đáng phấn khởi. Tuy nhiên, hãy tránh thổi phồng giai đoạn 2 dỡ bỏ phong tỏa này. Một số người dùng từ "Giải phóng", cứ như thể đây là mùa hè giải phóng khỏi ách chiếm đóng của phát xít năm 1944.
La Croix chỉ trích làm như vậy là "không nghiêm túc", "không được tế nhị", bởi không thể so sánh tình hình phong tỏa phòng dịch vừa qua với các thảm kịch do chiến tranh, chiếm đóng trước đây. Và coi ngày 19/05 là ngày được giải phóng, cũng hết sức nguy hiểm, bởi bệnh dịch còn chưa kết thúc. La Croix nêu kinh nghiệm của nước Anh láng giềng, đang lo lắng với biến thể virus Ấn Độ, khiến dịch bùng trở lại. Tóm lại, cần tiếp giãn cách xã hội, tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng dịch.
Về thời sự Châu Á, Le Figaro chú ý đến cuộc tập trận hải quân chưa từng có mà Pháp tham gia tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cùng Mỹ, Úc và Nhật Bản, nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Đối với giáo sư Michito Tsuruoka, đại học Keiko, chính quyền Nhật hết sức hài lòng với việc hải quân Pháp và Mỹ phối hợp rất tốt, sát cánh bên nhau. Theo vị giáo sư đại học Keiko, bộ luật cho phép Hải Cảnh Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài, có hiệu lực từ 01/02/2021, khiến căng thẳng gia tăng gấp bội. Philippines, Việt Nam và Nhật Bản đều phản đối bộ luật này. Cho dù Pháp hay Anh không can thiệp trực tiếp vào xung đột Nhật - Trung, nếu nổ ra, nhưng sự hiện diện của các lực lượng này trong khu vực buộc Trung Quốc "phải tính toán kỹ".
Về Hồng Kông, Le Figaro có bài điểm lại tình hình tự do báo chí bị đàn áp mạnh. Tổ chức Phóng viên Không biên giới mới đây xếp Hồng Kông ở hạng thứ 80 về tự do báo chí, sau Kirghizistan. Phó tổng biên tập báo Stand News, Ronson Chan, dự báo chẳng mấy chốc tại Hồng Kông sẽ không còn các phương tiện truyền thông độc lập như Apple Daily (do tỉ phú Lê Trí Anh – Jimmy Lai sáng lập) hay Stand News.
Cũng về Hồng Kông, La Croix có bài phân tích lý do đằng sau việc lựa chọn tân giám mục Hồng Kông của giáo hoàng. Cha Stephano Chu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), người đứng đầu các tu sĩ tỉnh dòng của dòng Tên tại Hoa lục, được bổ nhiệm, sau hơn hai năm vị trí này không có người đảm nhiệm. Các nhà phân tích hiểu rõ về tình hình địa phương đánh giá việc giáo hoàng bổ nhiệm cha Chu Thủ Nhân là một lựa chọn "có ý nghĩa cân bằng rất cao". Điểm mạnh của tân giám mục Hồng Kông là giáo dục. Sắp tới, giáo dục sẽ là một trận tuyến giữa Bắc Kinh và giới tranh đấu cho dân chủ Hồng Kông. Dự kiến chính quyền Trung Quốc sẽ tấn công vào quyền tự do giảng dạy, vẫn còn tồn tại ở Hồng Kông, đặc biệt tại hơn 300 trường Công giáo, các cơ sở thường bị cáo buộc là căn cứ địa của phong trào dân chủ. Từ nhiều tháng nay, giáo hoàng tránh đề cập đến Hồng Kông, trong bối cảnh phong trào dân chủ bị đàn áp nặng nề.
Về trang nhất các báo, ngoài ba chủ đề lớn nói trên, nhật báo Les Echos đặc biệt chú ý đến việc ba nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha đạt đồng thuận về dự án phát triển chiến đấu cơ chung đầu tiên của Châu Âu, sẽ được đưa vào sử dụng kể từ 2040, để thay thế cho Rafale của Pháp và Eurofighter của Đức-Tây Ban Nha.
Tập đoàn thực phẩm Danone bầu lãnh đạo mới, sang trang khủng hoảng, và việc hãng dược Sanofi có tín hiệu thành công trong việc chế tạo vac-xin ngừa Covid giai đoạn hai là các chủ đề trang nhất khác của Les Echos.
Trong lĩnh vực Khí hậu, Môi trường, có nhiều bài viết đáng chú ý. Le Monde có bài phân tích "Dầu lửa : trò chơi mập mờ của các nhà đầu tư". Trái ngược hẳn với tuyên bố bề ngoài và một số hành động tỏ thiện chí để hãm đà hâm nóng Trái đất (như trồng rừng), đại đa số các tập đoàn lớn thế giới hiện nay vẫn đi theo hướng ngược lại : bám chặt lấy năng lượng hóa thạch. Theo số liệu của Liên minh các nhà đầu tư Climate Action 100+, tập hợp các doanh nghiệp có tổng tài sản 54 nghìn tỉ đô la, thì cam kết khí hậu của 159 trên tổng số 167 doanh nghiệp không tuân thủ Thỏa thuận Khí hậu Paris, giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5 đến 2°C so với thời tiền công nghiệp.
Nhật báo Le Figaro giới thiệu cuộc triển lãm hình ảnh và âm thanh đặc biệt tại Philharmonie Paris về Rừng Amazon, hay "Thiên đường đã mất" của nhiếp ảnh gia Sebastiao Salgado, 77 tuổi. "Thiên đường đã mất" hay đúng hơn là một Thiên đường trên trần thế là điều mà nhiếp ảnh gia Pháp gốc Brazil muốn giới thiệu với công chúng.
Trả lời Le Figaro, Sebastiao Salgado thừa nhận Amazon không phải là một thế giới tuyệt hảo, nhưng hoàn hảo hơn nhiều so với thế giới hiện đại của chúng ta. Đây là một thiên đường với nhiều nghĩa. Thiên nhiên hào phóng, thuần khiết, con người đa phần sống với nhau thân ái.
Cuộc phiêu lưu chụp ảnh trong rừng Amazon của nghệ sĩ Sebastiao Salgado được thực hiện, với sự trợ giúp của Quân đội Brazil và tổ chức Funai (Cơ quan Quốc gia quản lý các vùng rừng bảo tồn tại Amazon rất có uy lực), trước khi tổng thống cực hữu dân túy Bolsonaro lên nằm quyền và chi phối toàn bộ các thiết chế quản lý rừng Amazon. Theo nhiếp ảnh gia, giờ đây, dưới thời Bolsonaro, tổ chức Funai, thay vì bảo vệ rừng lại bảo vệ những người phá rừng, bởi vậy khả năng thực hiện công việc như ông từng làm là không thể.
Trọng Thành
Pháp đơn độc chống khủng bố ở Sahel để bảo vệ Châu Âu
Mười ba quân nhân Pháp hy sinh trong tai nạn trực thăng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Mali, để bảo vệ nước Pháp và Châu Âu, tiếp tục là chủ đề được các nhật báo Pháp bình luận trong số ra ngày 28/11/2019.
Máy bay trực thăng quân sự NH 90 Caiman trong Chiến dịch Barkhane, ở Inaloglog, Mali, ngày 17/10/2017. Picture taken October 17, 2017. Reuters/Benoit Tessier
Công luận Pháp lật lại câu hỏi : Có nhất thiết phải tham gia chống khủng bố ở tận Châu Phi, trong khi nhiều cuộc biểu tình tại đây đòi lực lượng Pháp ngừng can thiệp ? Chi phí quá nhiều để chịu thiệt hại là bao nhiêu ?
Pháp nên rút khỏi Sahel ?
Trong bài phỏng vấn với Libération, cựu tổng thống François Hollande, người quyết định chiến dịch "Serval" can thiệp quân sự ở Mali năm 2013, nay đổi tên là "Barkhane", khẳng định Pháp phải tiếp tục duy trì hiện diện ở khu vực này, dù có thêm 13 người hy sinh, nâng tổng số quân nhân thiệt mạng từ đầu 2013 lên thành 41 người.
Chiến dịch Barkhane đang bị sa lầy ? Theo cựu tổng thống Hollande, ngay từ khi quyết định can thiệp, Pháp đã thẩm định cần từ 10 đến 15 năm. Những năm đầu tiên, lực lượng Pháp đã nhanh chóng đẩy lùi thánh chiến khủng bố khỏi miền bắc Mali, nhưng cũng đã dự đoán là tàn quân sẽ chuyển sang Niger, Burkina Faso, Tchad và Mauritanie. Và điều đang diễn ra, biến vùng đất califat thánh chiến rộng tương đương với diện tích Châu Âu. Bình ổn khu vực, bảo đảm an ninh cho người dân địa phương mới cần nhiều thời gian hơn cả. Thách thức còn đó vì vẫn xảy ra các vụ bắt cóc, giết người (hai nhà báo của RFI ở Mali), tấn công đoàn xe nhân viên phương Tây (Burkina Faso), phá làng giết dân...
Xã luận của Libération khẳng định "không thể rút" với câu hỏi : "Phía Tây Châu Phi đang hình thành mầm mống Nhà nước khủng bố, theo kiểu tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq. Chúng ta có muốn thấy điều này không ?"
Sau 6 năm can thiệp, lực lượng Pháp chưa hoàn thành nhiệm vụ, vì số lượng các nhóm thánh chiến trong vùng vẫn không giảm. Quân đội được huấn luyện để chiến đấu, chứ không phải để quản lý, tập hợp dân chúng hoặc can thiệp vào chính trường địa phương. Lực lượng Pháp không thể làm dịu những mâu thuẫn, khiếm khuyết của các xã hội và nhà nước mà họ ủng hộ. Nhưng không vì những lý do đó mà rút quân. Đây cũng là nhận định trong bài xã luận "Sahel : Tránh cạm bẫy" của Le Monde.
Thực vậy, trước các chính phủ trong vùng Sahel, thường xuyên chìm trong những vụ tai tiếng tham nhũng, không thể đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của người dân, trong đó có an ninh, trong khi quân đội thì gần như vô dụng, thiên về vấn đề chủng tộc, lực lượng thánh chiến đã thuyết phục được người dân địa phương, khai thác những tranh chấp, mâu thuẫn lâu đời về nguồn gốc thông qua những lời hứa cho tiền, bảo vệ… Vì thế, một số bộ phận người dân đã quay lưng lại với chính phủ, phản đối sự can thiệp của Pháp.
Chiến thắng duy nhất chỉ có thể đạt được qua việc tái thiết đất nước, như ở Mali hoặc Burkina Faso. Thế nhưng, phải vượt qua được nhiều thách thức lớn : ngân sách của các nước này trống rỗng, giới lãnh đạo bất lực trong việc mở rộng quyền lực trong khu vực rộng lớn này, tàn quân của cố tổng thống Libya Kadhafi rải rác trong vùng… Sẽ không có bình ổn nếu chưa tái lập được an ninh.
Nhưng chỉ mình quân đội Pháp sẽ không làm được việc này, theo bài xã luận của Le Monde. Còn xã luận của Le Figaro khuyến cáo phải xem xét lại việc phối hợp với Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc chiến chống thánh chiến Hồi Giáo ở Châu Phi, đào tạo quân nhân địa phương, giúp cải cách các chế độ được ủng hộ... Chừng nào chưa giải quyết được những vấn đề trên, một ngày nào đó, chính phủ có nguy cơ sẽ bị mất thể diện, theo Libération.
Liên Hiệp Châu Âu tăng viện
Báo Le Figaro cho rằng "Tại Sahel, Paris gánh cho cả Châu Âu" với khoảng 4.500 quân nhân Pháp tham gia "chiến dịch ngăn chặn quan trọng" này. Bài xã luận của Le Figaro khẳng định không bên nào, trong số 13.000 lính mũ nồi xanh Liên Hiệp Quốc được giao nhiệm vụ "gìn giữ hòa bình" hoặc 620 nhân viên Châu Âu được cử đến làm cố vấn và đào tạo cho 5 nước Châu Phi, có thể thay thế lực lượng Pháp trên chiến trường.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, sắp mãn nhiệm, đánh giá : "Tại Mali, cũng như ở nơi khác, chính quân đội Pháp đang bảo vệ danh dự và an ninh cho Châu Âu". Vậy thì, không gì cấm cản Bruxelles chia sẻ thêm chi phí với Pháp, vì toàn bộ Liên Hiệp Châu Âu chi chưa đầy 1/10 khoản ngân sách 600 triệu euro mà Paris dành cho chiến dịch Barkhane.
Cái giá cho nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Trump
Tổng thống Donald Trump tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai trong bối cảnh Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ tiếp tục các cuộc điều trần trong cuộc điều tra nhằm phế truất chủ nhân Nhà Trắng. Đâu là "cái giá cho nhiệm kỳ thứ hai của Trump" ? Câu hỏi được nhà báo Sylvie Kauffmann phân tích trong mục Địa chính trị của Le Monde.
Trước hết, ông Donald Trump ưu tiên áp dụng chiến lược "kiểm soát quyền lực tư pháp", mà nhiều nhà lãnh đạo dân túy theo đuổi như hai thủ tướng Hungary và Ba Lan. Ông Trump đã bổ nhiệm hai thẩm phán Tòa án Tối cao có quyền lực trọn đời. Hiện Tòa án Tối cao có 5 thẩm phán Cộng hòa (trên tổng số 9 thẩm phán). Cuối tuần vừa rồi, thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg, được tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm, đã phải nhập viện. Không ai biết sức khỏe của vị thẩm phán 86 tuổi sẽ ra sao trong thời gian tới. Nếu tái đắc cử vào năm 2020, ông Donald Trump có thể sẽ bổ nhiệm từ một đến hai thẩm phán mới vào Tòa án Tối cao.
Sự chênh lệch này ảnh hưởng sâu sắc đối với Hoa Kỳ trên nhiều phương diện, từ quyền phá thai đến sở hữu súng và nhập cư. Nhà tỉ phú Bloomberg, ra tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, cảnh báo : "Thêm bốn năm hành động phi đạo đức và vô trách nhiệm của Donald Trump. Nếu ông ấy đảm nhiệm thêm nhiệm kỳ hai, thiệt hại mà ông ấy gây ra có lẽ sẽ nguy hại cho chúng ta".
Tiếp theo, một nền dân chủ lâu đời với những định chế vững chắc như Mỹ đang bị tổn thương. Phương pháp của tổng thống Trump đã làm thay đổi hoàn toàn ngành ngoại giao truyền thống của Mỹ, tác động xấu đến hình ảnh và sức ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Cả một cỗ máy nằm dưới sự chỉ đạo võ đoán của tổng thống, cùng với sự đồng lõa của ngoại trưởng Mike Pompeo.
Cuối cùng, tổng thống Trump sẵn sàng can thiệp vào lực lượng quân đội, mà ví dụ điển hình là vụ Edward Gallagher, thuộc SEAL - lực lượng tinh nhuệ của Hải quân Hoa Kỳ. Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer từ chức để phản đối quyết định của tổng thống với giải thích : "Tôn trọng Nhà nước pháp quyền là điểm phân biệt chúng ta với các đối thủ". Nhà báo của Le Monde kết luận : "Chúng ta chỉ có thể hình dung ra tác động trong bốn năm tiếp theo", nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống.
Úc, Đài Loan thận trọng phân tích những tiết lộ của cựu điệp viên Trung Quốc
Vụ "cựu điệp viên" Trung Quốc Vương Lập Cường (Wang Liqiang) tiết lộ hàng loạt hoạt động can thiệp của Bắc Kinh ở Hồng Kông, Đài Loan và Úc, tiếp tục được nhật báo Le Monde đề cập.
Le Monde cho rằng "Cuộc đào tầu của một người tự nhận là tình báo Trung Quốc và những tiết lộ của nhân vật này khiến Úc bối rối". Từ ngày 23/11, Vương Lập Cường không ngừng lên truyền hình trả lời về hoạt động của ông trong cơ quan tình báo Trung Quốc, thậm chí tuyên thệ trước cơ quan tình báo Úc ASIO (Australia Security Interlligence Organisation).
Ông Vương khẳng định từng tham gia phá rối phong trào phản kháng ở Hồng Kông dưới vỏ bọc của công ty China Innovation Investment chuyên can thiệp vào các trường đại học và truyền thông địa phương ; gây ảnh hưởng đến bầu cử ở Đài Loan, ủng hộ ứng viên Quốc Dân đảng… Chính quyền Bắc Kinh khẳng định Vương Lập Cường gian lận nhập khẩu xe hơi với số tiền là 653.000 đô la năm 2016, bị kết án 15 tháng tù treo.
Đài Loan lập tổ điều tra "task force" về những phát biểu của cựu điệp viên Trung Quốc. Úc khẳng định "quyết tâm bảo vệ nền dân chủ và chủ quyền", đồng thời cẩn trọng "tách sự việc với phần hư cấu" trong quá trình phân tích những tiết lộ của Vương Lập Cường. Trong thời gian xác minh, cựu điệp viên Trung Quốc và gia đình được cấp thị thực tạm thời.
Duy Ngô Nhĩ : Nhiều doanh nghiệp Đức hoạt động ở Tân Cương trong tâm bão
Trong khi vụ "China Cables" tiếp tục thu hút công luận quốc tế, nhiều doanh nghiệp Đức bị lôi vào vòng xoáy này vì hoạt động trong vùng Tân Cương, nơi Bắc Kinh bị cáo buộc xây nhiều trại tập trung nhằm trấn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết tập đoàn xe hơi Đức Volkswagen đang bị yêu cầu giải thích hoạt động tại vùng này, đặc biệt là về điều kiện làm việc của nhà máy sử dụng đến 650 nhân viên tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương. Hiện tại, tập đoàn sở hữu đến 12 thương hiệu xe khác nhau cho biết việc mở nhà máy, hợp tác với công ty Saic của Trung Quốc năm 2013 hoàn toàn vì "mục đích kinh tế", "không một nhân viên nào bị ép làm việc". Vào tháng 04/2019, trả lời BBC, chủ tịch tập đoàn Herbert Diess khẳng định không biết về những khu trại này.
Tuy nhiên, báo Suddeutsche Zeitung của Đức thắc mắc về tính thích đáng của mô hình kinh tế của một nhà máy sản xuất 50.000 xe mỗi năm và những áp lực từ chính quyền Bắc Kinh đối với tập đoàn, đặc biệt Trung Quốc hiện chiếm đến 40% số xe xuất khẩu của Volkswagen.
Siemens là một công ty khác cũng nằm trong tầm ngắm. Tập đoàn công nghệ Đức hợp tác với China Electronics Technology Group Corporation (CETC), thuộc một công ty quân đội nhà nước. CETC đã phát triển nhiều chương trình theo dõi người Duy Ngô Nhĩ, từ mối quan hệ giữa người dân, đến dữ liệu trong điện thoại thông minh và mức tiêu thụ năng lượng…
Một số công ty Pháp, Danone, Essilor, Engie, Veolia… cũng có thể sẽ bị nhắm đến vì họ cổ phần trong một số doanh nghiệp ở Tân Cương hoặc hợp tác với các đối tác trong vùng này.
Tân Ủy ban Châu Âu "Xanh" hơn bao giờ hết
Tân chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã giới thiệu đội ngũ cộng tác viên mới ngày 27/11/2019.
Le Figaro đưa tin "Von der Leyen hứa "một bước khởi đầu mới" cho Liên Hiệp Châu Âu". Khí hậu và công nghệ số đứng đầu trong những ưu tiên chính trong 5 năm nhiệm kỳ của tân Ủy ban Châu Âu. Khí hậu sẽ trở thành vấn đề trọng tâm cho sức khỏe của hành tinh và của người dân, là vectơ mới cho "chiến lược tăng trưởng của Liên Hiệp Châu Âu" để đạt được tham vọng là vào năm 2050, Châu Âu sẽ là lục địa đầu tiên đạt được mức "trung hòa cacbon".
Pháp : Nghèo khó, thiếu an ninh : Những quan ngại mới vùng Ile-de-France
Nghèo khó và bất an ninh, những nguồn lo lắng hàng đầu của người dân vùng Ile-de-France. Nhật báo Le Figaro đã phân tích kết quả cuộc thăm dò của Viện Vùng Paris (Institut Paris Région).
Một phần năm người dân thủ đô Paris và vùng Ile-de-France từng là nạn nhân của nạn trộm cắp và tấn công, trong khi cảnh sát Paris thì vắng bóng hơn. Cảm giác lo sợ trong phương tiện công cộng ở Ile-de-France là tâm trạng chung của rất nhiều người dân trong vùng, thậm chí "sợ đi một mình vào buổi tối ngay trong khu phố của mình", trong bối cảnh các vụ xâm hại tình dục tăng 2,4% trong năm 2019, so với mức tăng 0,6% năm 2011.
Bản báo cáo của Institut Paris Région rung tiếng chuông cảnh báo về thứ tự những mối bận tâm của người dân thủ đô Paris và vùng Ile-de-France : tình trạng nghèo khó được 40% người được thăm dò ý kiến đặt lên hàng đầu, tiếp theo là thất nghiệp (31,1%), tình trạng tội phạm (15,7%) và ô nhiễm môi trường (11,8%).
Thu Hằng