Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/11/2019

Điểm báo Pháp - Pháp đơn độc chống khủng bố ở Sahel

RFI tiếng Việt

Pháp đơn độc chống khủng bố ở Sahel để bảo vệ Châu Âu

Mười ba quân nhân Pháp hy sinh trong tai nạn trực thăng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Mali, để bảo vệ nước Pháp và Châu Âu, tiếp tục là chủ đề được các nhật báo Pháp bình luận trong số ra ngày 28/11/2019.

sahel1

Máy bay trực thăng quân sự NH 90 Caiman trong Chiến dịch Barkhane, ở Inaloglog, Mali, ngày 17/10/2017. Picture taken October 17, 2017. Reuters/Benoit Tessier

Công luận Pháp lật lại câu hỏi : Có nhất thiết phải tham gia chống khủng bố ở tận Châu Phi, trong khi nhiều cuộc biểu tình tại đây đòi lực lượng Pháp ngừng can thiệp ? Chi phí quá nhiều để chịu thiệt hại là bao nhiêu ?

Pháp nên rút khỏi Sahel ?

Trong bài phỏng vấn với Libération, cựu tổng thống François Hollande, người quyết định chiến dịch "Serval" can thiệp quân sự ở Mali năm 2013, nay đổi tên là "Barkhane", khẳng định Pháp phải tiếp tục duy trì hiện diện ở khu vực này, dù có thêm 13 người hy sinh, nâng tổng số quân nhân thiệt mạng từ đầu 2013 lên thành 41 người.

Chiến dịch Barkhane đang bị sa lầy ? Theo cựu tổng thống Hollande, ngay từ khi quyết định can thiệp, Pháp đã thẩm định cần từ 10 đến 15 năm. Những năm đầu tiên, lực lượng Pháp đã nhanh chóng đẩy lùi thánh chiến khủng bố khỏi miền bắc Mali, nhưng cũng đã dự đoán là tàn quân sẽ chuyển sang Niger, Burkina Faso, Tchad và Mauritanie. Và điều đang diễn ra, biến vùng đất califat thánh chiến rộng tương đương với diện tích Châu Âu. Bình ổn khu vực, bảo đảm an ninh cho người dân địa phương mới cần nhiều thời gian hơn cả. Thách thức còn đó vì vẫn xảy ra các vụ bắt cóc, giết người (hai nhà báo của RFI ở Mali), tấn công đoàn xe nhân viên phương Tây (Burkina Faso), phá làng giết dân...

Xã luận của Libération khẳng định "không thể rút" với câu hỏi : "Phía Tây Châu Phi đang hình thành mầm mống Nhà nước khủng bố, theo kiểu tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq. Chúng ta có muốn thấy điều này không ?"

Sau 6 năm can thiệp, lực lượng Pháp chưa hoàn thành nhiệm vụ, vì số lượng các nhóm thánh chiến trong vùng vẫn không giảm. Quân đội được huấn luyện để chiến đấu, chứ không phải để quản lý, tập hợp dân chúng hoặc can thiệp vào chính trường địa phương. Lực lượng Pháp không thể làm dịu những mâu thuẫn, khiếm khuyết của các xã hội và nhà nước mà họ ủng hộ. Nhưng không vì những lý do đó mà rút quân. Đây cũng là nhận định trong bài xã luận "Sahel : Tránh cạm bẫy" của Le Monde.

Thực vậy, trước các chính phủ trong vùng Sahel, thường xuyên chìm trong những vụ tai tiếng tham nhũng, không thể đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của người dân, trong đó có an ninh, trong khi quân đội thì gần như vô dụng, thiên về vấn đề chủng tộc, lực lượng thánh chiến đã thuyết phục được người dân địa phương, khai thác những tranh chấp, mâu thuẫn lâu đời về nguồn gốc thông qua những lời hứa cho tiền, bảo vệ… Vì thế, một số bộ phận người dân đã quay lưng lại với chính phủ, phản đối sự can thiệp của Pháp.

Chiến thắng duy nhất chỉ có thể đạt được qua việc tái thiết đất nước, như ở Mali hoặc Burkina Faso. Thế nhưng, phải vượt qua được nhiều thách thức lớn : ngân sách của các nước này trống rỗng, giới lãnh đạo bất lực trong việc mở rộng quyền lực trong khu vực rộng lớn này, tàn quân của cố tổng thống Libya Kadhafi rải rác trong vùng… Sẽ không có bình ổn nếu chưa tái lập được an ninh.

Nhưng chỉ mình quân đội Pháp sẽ không làm được việc này, theo bài xã luận của Le Monde. Còn xã luận của Le Figaro khuyến cáo phải xem xét lại việc phối hợp với Liên Hiệp Châu Âu trong cuộc chiến chống thánh chiến Hồi Giáo ở Châu Phi, đào tạo quân nhân địa phương, giúp cải cách các chế độ được ủng hộ... Chừng nào chưa giải quyết được những vấn đề trên, một ngày nào đó, chính phủ có nguy cơ sẽ bị mất thể diện, theo Libération.

Liên Hiệp Châu Âu tăng viện

Báo Le Figaro cho rằng "Tại Sahel, Paris gánh cho cả Châu Âu" với khoảng 4.500 quân nhân Pháp tham gia "chiến dịch ngăn chặn quan trọng" này. Bài xã luận của Le Figaro khẳng định không bên nào, trong số 13.000 lính mũ nồi xanh Liên Hiệp Quốc được giao nhiệm vụ "gìn giữ hòa bình" hoặc 620 nhân viên Châu Âu được cử đến làm cố vấn và đào tạo cho 5 nước Châu Phi, có thể thay thế lực lượng Pháp trên chiến trường.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, sắp mãn nhiệm, đánh giá : "Tại Mali, cũng như ở nơi khác, chính quân đội Pháp đang bảo vệ danh dự và an ninh cho Châu Âu". Vậy thì, không gì cấm cản Bruxelles chia sẻ thêm chi phí với Pháp, vì toàn bộ Liên Hiệp Châu Âu chi chưa đầy 1/10 khoản ngân sách 600 triệu euro mà Paris dành cho chiến dịch Barkhane.

Cái giá cho nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Trump

Tổng thống Donald Trump tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai trong bối cảnh Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ tiếp tục các cuộc điều trần trong cuộc điều tra nhằm phế truất chủ nhân Nhà Trắng. Đâu là "cái giá cho nhiệm kỳ thứ hai của Trump" ? Câu hỏi được nhà báo Sylvie Kauffmann phân tích trong mục Địa chính trị của Le Monde.

Trước hết, ông Donald Trump ưu tiên áp dụng chiến lược "kiểm soát quyền lực tư pháp", mà nhiều nhà lãnh đạo dân túy theo đuổi như hai thủ tướng Hungary và Ba Lan. Ông Trump đã bổ nhiệm hai thẩm phán Tòa án Tối cao có quyền lực trọn đời. Hiện Tòa án Tối cao có 5 thẩm phán Cộng hòa (trên tổng số 9 thẩm phán). Cuối tuần vừa rồi, thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg, được tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm, đã phải nhập viện. Không ai biết sức khỏe của vị thẩm phán 86 tuổi sẽ ra sao trong thời gian tới. Nếu tái đắc cử vào năm 2020, ông Donald Trump có thể sẽ bổ nhiệm từ một đến hai thẩm phán mới vào Tòa án Tối cao.

Sự chênh lệch này ảnh hưởng sâu sắc đối với Hoa Kỳ trên nhiều phương diện, từ quyền phá thai đến sở hữu súng và nhập cư. Nhà tỉ phú Bloomberg, ra tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, cảnh báo : "Thêm bốn năm hành động phi đạo đức và vô trách nhiệm của Donald Trump. Nếu ông ấy đảm nhiệm thêm nhiệm kỳ hai, thiệt hại mà ông ấy gây ra có lẽ sẽ nguy hại cho chúng ta".

Tiếp theo, một nền dân chủ lâu đời với những định chế vững chắc như Mỹ đang bị tổn thương. Phương pháp của tổng thống Trump đã làm thay đổi hoàn toàn ngành ngoại giao truyền thống của Mỹ, tác động xấu đến hình ảnh và sức ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Cả một cỗ máy nằm dưới sự chỉ đạo võ đoán của tổng thống, cùng với sự đồng lõa của ngoại trưởng Mike Pompeo.

Cuối cùng, tổng thống Trump sẵn sàng can thiệp vào lực lượng quân đội, mà ví dụ điển hình là vụ Edward Gallagher, thuộc SEAL - lực lượng tinh nhuệ của Hải quân Hoa Kỳ. Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer từ chức để phản đối quyết định của tổng thống với giải thích : "Tôn trọng Nhà nước pháp quyền là điểm phân biệt chúng ta với các đối thủ". Nhà báo của Le Monde kết luận : "Chúng ta chỉ có thể hình dung ra tác động trong bốn năm tiếp theo", nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống.

Úc, Đài Loan thận trọng phân tích những tiết lộ của cựu điệp viên Trung Quốc

Vụ "cựu điệp viên" Trung Quốc Vương Lập Cường (Wang Liqiang) tiết lộ hàng loạt hoạt động can thiệp của Bắc Kinh ở Hồng Kông, Đài Loan và Úc, tiếp tục được nhật báo Le Monde đề cập.

Le Monde cho rằng "Cuộc đào tầu của một người tự nhận là tình báo Trung Quốc và những tiết lộ của nhân vật này khiến Úc bối rối". Từ ngày 23/11, Vương Lập Cường không ngừng lên truyền hình trả lời về hoạt động của ông trong cơ quan tình báo Trung Quốc, thậm chí tuyên thệ trước cơ quan tình báo Úc ASIO (Australia Security Interlligence Organisation).

Ông Vương khẳng định từng tham gia phá rối phong trào phản kháng ở Hồng Kông dưới vỏ bọc của công ty China Innovation Investment chuyên can thiệp vào các trường đại học và truyền thông địa phương ; gây ảnh hưởng đến bầu cử ở Đài Loan, ủng hộ ứng viên Quốc Dân đảng… Chính quyền Bắc Kinh khẳng định Vương Lập Cường gian lận nhập khẩu xe hơi với số tiền là 653.000 đô la năm 2016, bị kết án 15 tháng tù treo.

Đài Loan lập tổ điều tra "task force" về những phát biểu của cựu điệp viên Trung Quốc. Úc khẳng định "quyết tâm bảo vệ nền dân chủ và chủ quyền", đồng thời cẩn trọng "tách sự việc với phần hư cấu" trong quá trình phân tích những tiết lộ của Vương Lập Cường. Trong thời gian xác minh, cựu điệp viên Trung Quốc và gia đình được cấp thị thực tạm thời.

Duy Ngô Nhĩ : Nhiều doanh nghiệp Đức hoạt động ở Tân Cương trong tâm bão

Trong khi vụ "China Cables" tiếp tục thu hút công luận quốc tế, nhiều doanh nghiệp Đức bị lôi vào vòng xoáy này vì hoạt động trong vùng Tân Cương, nơi Bắc Kinh bị cáo buộc xây nhiều trại tập trung nhằm trấn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết tập đoàn xe hơi Đức Volkswagen đang bị yêu cầu giải thích hoạt động tại vùng này, đặc biệt là về điều kiện làm việc của nhà máy sử dụng đến 650 nhân viên tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương. Hiện tại, tập đoàn sở hữu đến 12 thương hiệu xe khác nhau cho biết việc mở nhà máy, hợp tác với công ty Saic của Trung Quốc năm 2013 hoàn toàn vì "mục đích kinh tế", "không một nhân viên nào bị ép làm việc". Vào tháng 04/2019, trả lời BBC, chủ tịch tập đoàn Herbert Diess khẳng định không biết về những khu trại này.

Tuy nhiên, báo Suddeutsche Zeitung của Đức thắc mắc về tính thích đáng của mô hình kinh tế của một nhà máy sản xuất 50.000 xe mỗi năm và những áp lực từ chính quyền Bắc Kinh đối với tập đoàn, đặc biệt Trung Quốc hiện chiếm đến 40% số xe xuất khẩu của Volkswagen.

Siemens là một công ty khác cũng nằm trong tầm ngắm. Tập đoàn công nghệ Đức hợp tác với China Electronics Technology Group Corporation (CETC), thuộc một công ty quân đội nhà nước. CETC đã phát triển nhiều chương trình theo dõi người Duy Ngô Nhĩ, từ mối quan hệ giữa người dân, đến dữ liệu trong điện thoại thông minh và mức tiêu thụ năng lượng…

Một số công ty Pháp, Danone, Essilor, Engie, Veolia… cũng có thể sẽ bị nhắm đến vì họ cổ phần trong một số doanh nghiệp ở Tân Cương hoặc hợp tác với các đối tác trong vùng này.

Tân Ủy ban Châu Âu "Xanh" hơn bao giờ hết

Tân chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã giới thiệu đội ngũ cộng tác viên mới ngày 27/11/2019.

Le Figaro đưa tin "Von der Leyen hứa "một bước khởi đầu mới" cho Liên Hiệp Châu Âu". Khí hậu và công nghệ số đứng đầu trong những ưu tiên chính trong 5 năm nhiệm kỳ của tân Ủy ban Châu Âu. Khí hậu sẽ trở thành vấn đề trọng tâm cho sức khỏe của hành tinh và của người dân, là vectơ mới cho "chiến lược tăng trưởng của Liên Hiệp Châu Âu" để đạt được tham vọng là vào năm 2050, Châu Âu sẽ là lục địa đầu tiên đạt được mức "trung hòa cacbon".

Pháp : Nghèo khó, thiếu an ninh : Những quan ngại mới vùng Ile-de-France

Nghèo khó và bất an ninh, những nguồn lo lắng hàng đầu của người dân vùng Ile-de-France. Nhật báo Le Figaro đã phân tích kết quả cuộc thăm dò của Viện Vùng Paris (Institut Paris Région).

Một phần năm người dân thủ đô Paris và vùng Ile-de-France từng là nạn nhân của nạn trộm cắp và tấn công, trong khi cảnh sát Paris thì vắng bóng hơn. Cảm giác lo sợ trong phương tiện công cộng ở Ile-de-France là tâm trạng chung của rất nhiều người dân trong vùng, thậm chí "sợ đi một mình vào buổi tối ngay trong khu phố của mình", trong bối cảnh các vụ xâm hại tình dục tăng 2,4% trong năm 2019, so với mức tăng 0,6% năm 2011.

Bản báo cáo của Institut Paris Région rung tiếng chuông cảnh báo về thứ tự những mối bận tâm của người dân thủ đô Paris và vùng Ile-de-France : tình trạng nghèo khó được 40% người được thăm dò ý kiến đặt lên hàng đầu, tiếp theo là thất nghiệp (31,1%), tình trạng tội phạm (15,7%) và ô nhiễm môi trường (11,8%).

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 471 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)