Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lệ thường, cứ sau mốc thời gian 100 ngày đầu tiên nhậm chức đứng đầu Chính phủ, báo chí lại có các bài viết khen ngợi tân Thủ tướng. Xét về ý tứ của chữ nghĩa, khi khen ngợi tân Thủ tướng về những điều gì đó, thì cũng có nghĩa ngầm chê trách cựu Thủ tướng đã xử trí kém về ‘những điều ấy’.

khen1

100 ngày điều hành của Thủ tướng và kỳ vọng từ người dân…

Trên báo điện tử của Chính phủ số phát hành ngày 25-10-2020, ở bài viết "Những con số biết nói", đã đăng ý kiến của giáo sư nông học Võ Tòng Xuân với rút tít phụ là "Tạo nhiều ‘xe bồn’ doanh nghiệp để làm đầy ‘cây xăng’ quốc gia", nội dung như sau (trích) :

"Trong 100 ngày đầu sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận vị trí người đứng đầu Chính phủ, ông đã đề ra ngay một kế hoạch hành động rất đúng hướng để thực hiện mục tiêu làm tăng GDP bình quân đầu người của nước ta bằng cách nhắm vào cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng nông dân Việt Nam.

Ông đã thực hiện theo lời khuyên của các chuyên gia là phải tạo thật nhiều "xe bồn" doanh nghiệp (tiền đóng thuế) để luôn làm đầy "cây xăng" quốc gia (ngân sách). Ông chỉ đạo các bộ, ngành phải tạo mọi điều kiện thuận tiện cho doanh nghiệp phát triển để họ có thể đóng góp thật tốt vào ngân sách quốc gia. Đồng thời ông động viên tầng lớp nông dân cần kết hợp với nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để kiên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản chất lượng và an toàn, truy xuất được nguồn gốc".

Cũng trên báo điện tử của Chính phủ, ở bài viết "100 ngày điều hành của Thủ tướng và kỳ vọng từ người dân" phát hành ngày 21/7/2016, dành không ít tụng ca (trích) :

"Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã "xốc" ngay vào vấn đề lớn nhất, bao trùm nhất của nền kinh tế, đó là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

(…) Thủ tướng yêu cầu kiên quyết loại bỏ hàng ngàn giấy phép con, tuyên bố "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế", hạn chế tối đa các đoàn kiểm tra nhà nước đến doanh nghiệp… từ đó loại bỏ hàng loạt nỗi ám ảnh của các doanh nhân, doanh nghiệp bấy lâu nay…

(…) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều kêu gọi thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, hối thúc lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tạo mọi điều kiện cho sinh viên, giới trẻ khởi nghiệp, tạo nhanh hệ sinh thái khởi nghiệp để doanh nghiệp khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp.

(…) Qua 3 lần họp Chính phủ thường kỳ mỗi tháng, Thủ tướng đều nhắc đi nhắc lại những thông điệp lớn. Đó là xây dựng một Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ. Cải tổ lại bộ máy hành chính cồng kềnh, hiệu lực trong thực thi và gắn rõ trách nhiệm cho từng người đứng đầu".

Ngày 5/4/2021, ông Nguyễn Xuân Phúc rời ghế Thủ tướng để nhậm chức Chủ tịch nước.

Giờ là câu chuyện 100 ngày của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Những gì được gọi là thành tích về kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giờ đây cho thấy đã quá chông chênh và dường như mọi chuyện không hề đẹp như những con số trong báo cáo thành tích tổng kết nhiệm kỳ.

Ghi nhận tiếp theo đây là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI :

"Thực trạng phát triển kinh tế – xã hội trong 6 tháng đầu năm 2021 đã báo hiệu một nhiệm kỳ đầy cam go của Chính phủ mới. Mặc dù GDP đang phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng 5,64% là chưa đạt kỳ vọng và tình hình theo dự báo sẽ tiếp tục xấu vì dịch.

Một hiện tượng nữa cũng đang rất cần lưu ý là đang có sự phân hóa tương đối lớn giữa các khu vực kinh tế.

Khu vực FDI phục hồi mạnh mẽ, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng khu vực kinh tế trong nước lại rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua rất yếu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm gần như giậm chân tại chỗ so với cùng kỳ 2 năm trước. Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ chỉ đạt mức 3,96%, tương đương tốc độ tăng trưởng thấp của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp là 3,82% và kém xa (chưa bằng một nửa) tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng (8,36%).

Sự tương phản này là hệ quả của Covid-19. Các biện pháp giãn cách xã hội đang khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực dịch vụ bị tổn thương nặng nề. Sau hơn 1 năm chống chọi với dịch bệnh, các nguồn lực đang dần cạn kiệt.

Nói cách khác, lĩnh vực dịch vụ (ngoài dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) đang là tử huyệt của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải… đang chết dần, chết mòn và nhiều khả năng sẽ không thể vực dậy sau đại dịch nếu không có sự hỗ trợ cấp bách và mạnh mẽ từ Nhà nước.

Với các ngành dịch vụ, Chính phủ cần trợ giúp nhiều hơn nữa. Nhưng biện pháp căn cơ vẫn là phải áp dụng "hộ chiếu vắc xin" càng sớm càng tốt, áp dụng đối với cả các công dân Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi. Có như vậy, việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế trong nước mới có thể diễn ra nhanh chóng.

Tôi mong muốn trong thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng sẽ dành nhiều thời gian hơn để tiếp xúc, lắng nghe và giải quyết những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp".

So với người tiền nhiệm, cái khó của ông Phạm Minh Chính là ông chưa hề trải qua thời gian nào là "người trong cuộc" như ông Nguyễn Xuân Phúc vốn là Phó Thủ tướng ở thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau đó ông Phúc thay ông Dũng làm Thủ tướng.

Có lẽ để có nhận xét trúng hơn về tài năng quản trị quốc gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phải chờ vào kết quả điều hành của ông ra sao ở lần bùng dịch Covid hiện tại.

Còn bây giờ thì di sản của thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dễ thấy nhất là trong những gì mà ngành y tế đang phải than trời.

"Điều chúng tôi hy vọng nhất là ngành y tế có thêm ‘vũ khí’ để chiến đấu. Bởi nếu không có trang thiết bị, chúng tôi cũng không thể làm gì khác hơn được nữa" – bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện là Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, nói với báo chínhư vậy.

Bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết : "Trung tâm hồi sức Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 4 máy ECMO được chuyển sang từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Để đảm bảo phục vụ công suất của bệnh viện, chúng tôi cần có thêm 10-15 máy ECMO.

Sắp tới, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải huy động thêm máy ECMO và máy thở từ các đơn vị chưa sử dụng đến như Bệnh viện Đại học Y dược, Vinmec… và cần thiết sẽ có thêm nguồn lực từ các địa phương. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, những thiết bị này sẽ được trả về đúng vị trí. Nhưng nếu vẫn chưa đủ, chúng ta buộc phải có phương án mua sắm đầu tư máy móc".

Có lẽ từ lâu rồi, mặt trời đã tắt nắng lui về phía hoàng hôn chứ không như nhận định được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần vào cuối khóa 12 của Đảng và cũng là nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, "Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam".

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 22/07/2021

Additional Info

  • Author Nguyễn Nam
Published in Diễn đàn

Phạm Minh Chính là người kế nhiệm, còn Nguyễn Xuân Phúc là người tiền nhiệm. Mọi thuận lợi trước đây Nguyễn Xuân Phúc là người hưởng hết. Thời Nguyễn Tấn Dũng về vườn, lúc đó Phạm Minh Chính chưa đủ độ chín nên cơ hội dồn hết cho Nguyễn Xuân Phúc. Khi mà Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị ngồi vào ghế thủ tướng thì Phạm Minh Chính chỉ mới từ tỉnh tiến về Trung ương. Làm thủ tướng thì ít nhất trước đó ứng viên phải là ủy viên Bộ Chính trị, hay nói cách khác khi nào nhiệm kỳ ủy viên bộ chính trị bước sang nhiệm kỳ thư hai thì người đó mới đủ tư cách tranh chiếc ghế thủ tướng.

chinh1

Chỉ sau một nhiệm kỳ, Nguyễn Xuân Phúc đã thua Phạm Minh Chính dù ở thế thuận lợi hơn

Năm 2016 khi Nguyễn Tấn Dũng rời chính trường, lúc đó Nguyễn Xuân Phúc bước sang nhiệm kỳ thứ hai với tư cách ủy viên Bộ Chính trị, còn Phạm Minh Chính chỉ mới lần đầu tiên vào Bộ Chính trị thì hoàn toàn không đủ tư cách.

Người ta nói "buôn có bạn, bán có phường", hay "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" là nói đến những cón người cùng đẳng cấp chơi nhau. Nguyễn Tấn Dũng chưa bao giờ xem Nguyễn Xuân Phúc là người cùng đẳng cấp mà ông ta chỉ xem Phạm Minh Chính là chiến hữu thân thuộc, rất tiếc năm 2016 lúc ông Nguyễn Tấn Dũng xuống thì không thể giới thiệu Phạm Minh Chính vì ông này chưa đủ thâm niên trong Bộ Chính trị. Lúc ông Nguyễn Tấn Dũng thất thế Phạm Minh Chính vẫn là ủy viên trung ương đảng. Mà ủy viên trung ương đảng thì không đủ tư cách để làm thủ tướng, chính vì vậy nhiệm kỳ 2016-2021 ông Phạm Minh Chính nhường Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng. Việc ông Nguyễn Xuân Phúc làm ông Phạm Minh Chính không phục và ông Nguyễn Tấn Dũng không hài lòng, tuy nhiên ông Phạm Minh Chính không đủ tiêu chuẩn thì đành nhìn Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng mà lòng không phục.

Không ai hiểu Nguyễn Xuân Phúc cho bằng Nguyễn Tấn Dũng, con người không có lập trường, gió chiều nào ngã theo chiều đó và cứ thế ngoi lên chứ bản lĩnh chỉ là con số không tròn trĩnh. Khi Nguyễn Tấn Dũng mạnh, Nguyễn Xuân Phúc ngã theo Dũng, khi Nguyễn Phú Trọng mạnh, Nguyễn Xuân Phúc ngã theo Trọng. Chính vì vậy, khi Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng kéo con trai về Kiên Giang cho an tâm thay vì ngồi ở Bộ Xây dựng. Bởi dưới thời Nguyễn Xuân Phúc mà Nguyễn Thanh Nghị ngồi ở Bộ Xây dựng thì rủi nhiều hơn may.

Cơ hội trong tay những Nguyễn Xuân Phúc không biết giữ

Việc sự nghiệp của ông Phạm Minh Chính bị chập một nhịp 5 năm tạo cơ hội cho Nguyễn Xuân Phúc trám vào làm Phạm Minh Chính rất bực và Nguyễn Tấn Dũng thì rất lo âu. Việc kéo Nguyễn Thanh Nghị về Kiên Giang thay vì để Nghị ở lại Bộ Xây dựng cho thấy Nguyễn Tấn Dũng không tin tưởng Nguyễn Xuân Phúc. Quả thực khi Nguyễn Xuân Phúc nắm ghế thủ tướng thì không đời nào ông Dũng gởi con trai của ông vào chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được.

chinh2

Ở ghế chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc bị cái bóng ông Phạm Minh Chính che khuất hoàn toàn

Năm 2016 ông Nguyễn Xuân Phúc ngã theo ông Nguyễn Phú Trọng cũng xem như nước cờ khôn ngoan. Ông Phúc thừa biết, bản thân ông không bao giờ đủ bản lĩnh để đối đầu với Nguyễn Phú Trọng như người tiền nhiệm đã làm và ông đã thỏa hiệp. Dưới thời Nguyễn Xuân Phúc, Trương Minh Tuấn không thể ẩn nấp được dưới trướng Nguyễn Xuân Phúc và đã bị Nguyễn Phú Trọng bắt giam. Như vậy dưới thời Nguyễn Xuân Phúc, chính phủ như là chỗ không người, ông Nguyễn Phú Trọng muốn bắt ai thì bắt, với một ông thủ tướng như thế thì làm sao Nguyễn Tấn Dũng dám để Nguyễn Thanh Nghị ở Bộ Xây dựng dưới thời Nguyễn Xuân Phúc được ? Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng mà không kéo Nguyễn Thanh Nghị về Kiên Giang thì có thể nay Nghị đã bị cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng thui cho ra tro chứ không phải còn cơ hội để ngồi chễm chệ vào ghế bộ trưởng bộ xây dựng như hiện nay.

Ông Nguyễn Xuân Phúc để Nguyễn Phú Trọng thọc tay vào chính phủ muốn bắt ai thì bắt, ông Phúc tưởng như làm như thế thì cơ hội được Nguyễn Phú Trọng ưu ái cho ngồi ghế thủ tướng một nhiệm kỳ nữa. Nhưng không, với con người không bản lĩnh như vậy thì dù được Nguyễn Phú Trọng che chở thì ông Phúc cũng bị kẻ bản lĩnh hơn đá văng ra khỏi chiếc ghế thủ tướng.

Phạm Minh Chính chậm một nhịp nhưng tới đích kịp lúc

Có thể nói rằng, cái may lớn nhất cho Phạm Minh Chính và cả Nguyễn Tấn Dũng là ông Nguyễn Xuân Phúc đã nắm vàng trong tay mà để vàng vuột khỏi tay. Vì Phạm Minh Chính vào Bộ Chính trị sau Nguyễn Xuân Phúc một nhiệm kỳ nên đã để Nguyễn Xuân Phúc "ẵm" mất chiếc ghế quyền lực thứ hai trong đảng cộng sản. Khi ngồi vào ghế thủ tướng, thông thường thì người ta có thể tạo vây cánh vững mạnh để khi đến nhiệm kỳ hai được ủng hộ đông đảo thành viên chính phủ thì xem như Nguyễn Xuân Phúc chắc xuất ngồi lại ghế thủ tướng. Tuy nhiên trong 5 năm làm thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc không hề tạo được vây cánh hùng mạnh, trong khi số bộ và cơ quan ngang bộ trong chính phủ gấp 3 lần so với ban bí thư. Có lẽ Nguyễn Xuân Phúc gặp bất lợi vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên làm thủ tướng là bởi con người của ông. Nguyễn Xuân Phúc là một thủ tướng làm cho người ta coi thường nhiều nhất. Một thủ tướng thiếu uy, thiếu dũng nên không được thuộc cấp nể trọng.

Điều dễ thấy nhất là khi mới làm thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc làm cho cư dân mạng cười nghiêng ngả vì những hành động và những câu nói ngớ ngẩn của ông. Chưa có đời thủ tướng nào mà làm cho toàn dân kinh bỉ như ông Nguyễn Xuân Phúc. Đến đâu, ông Phúc cũng bảo địa phương đó là đầu tàu của đất nước, cuối cùng nền kinh tế của Việt Nam là một nền kinh tế vô định và không biết nơi nào là đẩu tàu kéo nền kinh tế. Vì quá nhiều đầu tàu, nền kinh tế Việt Nam sẽ đi theo hướng nào.

Đến ban ngành nào ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đều nói ngành đó là "mũi nhọn". Cuối cùng, người dân chua chát ví nền kinh tế đất nước Việt Nam theo cái nhìn của ông Nguyễn Xuân Phúc là nền kinh tế "con nhím" vì nó có quá nhiều mũi nhọn.

Nói thế để mọi người thấy rằng, Nguyễn Xuân Phúc là con người không có khiếu ăn nói nhưng thích ba hoa. Con người không làm chủ được chính sách, vì người đã làm chủ chính sách thì không bao giờ phát biểu trước sau bất nhất như vậy. Trong 5 năm làm thủ tướng, hầu hết người dân Việt Nam nhận xét ông Nguyễn Xuân Phúc là "anh hề" thay vì nhìn nhận ông ta như là nhà quản trị quốc gia. Đấy là điều đáng buồn đối với đất nước Việt Nam.

Người dân đã không tôn trọng ông Nguyễn Xuân Phúc thì làm sao thuộc hạ của ông ta nể phục ? Đấy là lý do tại sao Nguyễn Xuân Phúc đã bị mất chức thủ tướng về tay ông Phạm Minh Chính, trong khí đó ông Phạm Minh Chính không phải là người của chính phủ. Đã leo lên chức thủ tướng, dù thiếu trí tuệ thì ít nhất cũng có một chút bản lĩnh thì thuộc hạ mới nể sợ, còn nhu nhược, gió chiều nào ngã theo chiều đó như Nguyễn Xuân Phúc thì khó mà đối đầu với Phạm Minh Chính được.

Phạm Minh Chính đè mất hình ảnh Nguyễn Xuân Phúc

Thực ra sự vận hành của bộ máy nhà nước dưới bàn tay Đảng cộng sản thì kẻ dốt lãnh đạo cũng như người giỏi. Mọi hoạt động không được vượt ra khỏi chủ trương của đảng. Mà chủ trương của đảng thì chưa bao giờ là sáng suốt. Đảng cộng sản Việt Nam là một đảng chính trị học đòi từng đường đi nước bước của người anh em của nó, đó chính là Đảng cộng sản tTung Quốc. Mọi chính sách, khi Bắc Kinh áp dụng cho Trung Quốc thì cứ y như vậy, sau từ 3 đến 5 năm nó cũng được áp dụng tại Việt Nam. Đã là rập khuôn thì chẳng cần gì người giỏi hay người dở. Giỏi như Nguyễn Bá Thanh thì cuối cùng cũng bị những kẻ tiểu nhân hại cho thiệt mạng, được ích gì ?

Phạm Minh Chính hay Nguyễn Xuân Phúc đối với người dân đều không khác nhau, vì mọi việc làm của chính phủ đều theo chủ trương của đảng. Tuy nhiên với ông Phạm Minh Chính thì có vẻ như ông đã không dẫm lại vết xe đổ của ông Nguyễn Xuân Phúc là làm anh hề trước công chúng, mà trong những ngày qua, có vẻ như ông tả xung hữu đột cũng khá nhiều. Nói chung, việc xây dựng hình ảnh cá nhân thì Phạm Minh Chính giỏi hơn Nguyễn Xuân Phúc.

Trong những ngày qua, ông Nguyễn Xuân Phúc dường như còn lưu luyến với chức vụ cũ nên vẫn thường hay nói về chính sách. Tuy nhiên những điều ông Nguyễn Xuân Phúc nói gần như bị ông Phạm Minh Chính dìm mất, không ai còn chú ý chủ tịch nước nói gì mà người ta chỉ chú ý đến tân thủ tướng. Với vai trò mới, ông Phạm Minh Chính đã đè tên tuổi của Nguyễn Xuân Phúc dưới cái thân của mình. Nguyễn Xuân Phúc hết thời, giờ là thời của Phạm Minh Chính.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 12/05/2021

Additional Info

  • Author Thu Thủy
Published in Diễn đàn