Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/07/2021

Khen Thủ tướng Phạm Minh Chính là đồng nghĩa chê cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ?

Nguyễn Nam

Lệ thường, cứ sau mốc thời gian 100 ngày đầu tiên nhậm chức đứng đầu Chính phủ, báo chí lại có các bài viết khen ngợi tân Thủ tướng. Xét về ý tứ của chữ nghĩa, khi khen ngợi tân Thủ tướng về những điều gì đó, thì cũng có nghĩa ngầm chê trách cựu Thủ tướng đã xử trí kém về ‘những điều ấy’.

khen1

100 ngày điều hành của Thủ tướng và kỳ vọng từ người dân…

Trên báo điện tử của Chính phủ số phát hành ngày 25-10-2020, ở bài viết "Những con số biết nói", đã đăng ý kiến của giáo sư nông học Võ Tòng Xuân với rút tít phụ là "Tạo nhiều ‘xe bồn’ doanh nghiệp để làm đầy ‘cây xăng’ quốc gia", nội dung như sau (trích) :

"Trong 100 ngày đầu sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận vị trí người đứng đầu Chính phủ, ông đã đề ra ngay một kế hoạch hành động rất đúng hướng để thực hiện mục tiêu làm tăng GDP bình quân đầu người của nước ta bằng cách nhắm vào cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng nông dân Việt Nam.

Ông đã thực hiện theo lời khuyên của các chuyên gia là phải tạo thật nhiều "xe bồn" doanh nghiệp (tiền đóng thuế) để luôn làm đầy "cây xăng" quốc gia (ngân sách). Ông chỉ đạo các bộ, ngành phải tạo mọi điều kiện thuận tiện cho doanh nghiệp phát triển để họ có thể đóng góp thật tốt vào ngân sách quốc gia. Đồng thời ông động viên tầng lớp nông dân cần kết hợp với nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để kiên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản chất lượng và an toàn, truy xuất được nguồn gốc".

Cũng trên báo điện tử của Chính phủ, ở bài viết "100 ngày điều hành của Thủ tướng và kỳ vọng từ người dân" phát hành ngày 21/7/2016, dành không ít tụng ca (trích) :

"Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã "xốc" ngay vào vấn đề lớn nhất, bao trùm nhất của nền kinh tế, đó là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

(…) Thủ tướng yêu cầu kiên quyết loại bỏ hàng ngàn giấy phép con, tuyên bố "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế", hạn chế tối đa các đoàn kiểm tra nhà nước đến doanh nghiệp… từ đó loại bỏ hàng loạt nỗi ám ảnh của các doanh nhân, doanh nghiệp bấy lâu nay…

(…) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều kêu gọi thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, hối thúc lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tạo mọi điều kiện cho sinh viên, giới trẻ khởi nghiệp, tạo nhanh hệ sinh thái khởi nghiệp để doanh nghiệp khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp.

(…) Qua 3 lần họp Chính phủ thường kỳ mỗi tháng, Thủ tướng đều nhắc đi nhắc lại những thông điệp lớn. Đó là xây dựng một Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ. Cải tổ lại bộ máy hành chính cồng kềnh, hiệu lực trong thực thi và gắn rõ trách nhiệm cho từng người đứng đầu".

Ngày 5/4/2021, ông Nguyễn Xuân Phúc rời ghế Thủ tướng để nhậm chức Chủ tịch nước.

Giờ là câu chuyện 100 ngày của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Những gì được gọi là thành tích về kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giờ đây cho thấy đã quá chông chênh và dường như mọi chuyện không hề đẹp như những con số trong báo cáo thành tích tổng kết nhiệm kỳ.

Ghi nhận tiếp theo đây là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI :

"Thực trạng phát triển kinh tế – xã hội trong 6 tháng đầu năm 2021 đã báo hiệu một nhiệm kỳ đầy cam go của Chính phủ mới. Mặc dù GDP đang phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng 5,64% là chưa đạt kỳ vọng và tình hình theo dự báo sẽ tiếp tục xấu vì dịch.

Một hiện tượng nữa cũng đang rất cần lưu ý là đang có sự phân hóa tương đối lớn giữa các khu vực kinh tế.

Khu vực FDI phục hồi mạnh mẽ, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng khu vực kinh tế trong nước lại rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua rất yếu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm gần như giậm chân tại chỗ so với cùng kỳ 2 năm trước. Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ chỉ đạt mức 3,96%, tương đương tốc độ tăng trưởng thấp của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp là 3,82% và kém xa (chưa bằng một nửa) tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng (8,36%).

Sự tương phản này là hệ quả của Covid-19. Các biện pháp giãn cách xã hội đang khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực dịch vụ bị tổn thương nặng nề. Sau hơn 1 năm chống chọi với dịch bệnh, các nguồn lực đang dần cạn kiệt.

Nói cách khác, lĩnh vực dịch vụ (ngoài dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) đang là tử huyệt của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải… đang chết dần, chết mòn và nhiều khả năng sẽ không thể vực dậy sau đại dịch nếu không có sự hỗ trợ cấp bách và mạnh mẽ từ Nhà nước.

Với các ngành dịch vụ, Chính phủ cần trợ giúp nhiều hơn nữa. Nhưng biện pháp căn cơ vẫn là phải áp dụng "hộ chiếu vắc xin" càng sớm càng tốt, áp dụng đối với cả các công dân Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi. Có như vậy, việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế trong nước mới có thể diễn ra nhanh chóng.

Tôi mong muốn trong thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng sẽ dành nhiều thời gian hơn để tiếp xúc, lắng nghe và giải quyết những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp".

So với người tiền nhiệm, cái khó của ông Phạm Minh Chính là ông chưa hề trải qua thời gian nào là "người trong cuộc" như ông Nguyễn Xuân Phúc vốn là Phó Thủ tướng ở thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau đó ông Phúc thay ông Dũng làm Thủ tướng.

Có lẽ để có nhận xét trúng hơn về tài năng quản trị quốc gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phải chờ vào kết quả điều hành của ông ra sao ở lần bùng dịch Covid hiện tại.

Còn bây giờ thì di sản của thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dễ thấy nhất là trong những gì mà ngành y tế đang phải than trời.

"Điều chúng tôi hy vọng nhất là ngành y tế có thêm ‘vũ khí’ để chiến đấu. Bởi nếu không có trang thiết bị, chúng tôi cũng không thể làm gì khác hơn được nữa" – bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện là Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, nói với báo chínhư vậy.

Bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết : "Trung tâm hồi sức Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 4 máy ECMO được chuyển sang từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Để đảm bảo phục vụ công suất của bệnh viện, chúng tôi cần có thêm 10-15 máy ECMO.

Sắp tới, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải huy động thêm máy ECMO và máy thở từ các đơn vị chưa sử dụng đến như Bệnh viện Đại học Y dược, Vinmec… và cần thiết sẽ có thêm nguồn lực từ các địa phương. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, những thiết bị này sẽ được trả về đúng vị trí. Nhưng nếu vẫn chưa đủ, chúng ta buộc phải có phương án mua sắm đầu tư máy móc".

Có lẽ từ lâu rồi, mặt trời đã tắt nắng lui về phía hoàng hôn chứ không như nhận định được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần vào cuối khóa 12 của Đảng và cũng là nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, "Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam".

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 22/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam
Read 452 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)