Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/07/2021

Thực phẩm là gì để gọi là ‘thiết yếu’ hay ‘không thiết yếu’ ?

Hoài Nguyễn

Sau vụ ‘bánh mì’, Khánh Hòa ra hướng dẫn về mặt hàng thiết yếu. Nhiều tỉnh ở miền Tây đã ra văn bản hướng dẫn cụ thể về việc ‘hàng hóa thiết yếu’ là những mặt hàng nào.

Đinh Quang Anh Thái - ‘Bánh mì không phải là thực phẩm’

Sở dĩ có những lúng túng trong chuyện ‘thiết yếu’ và ‘không thiết yếu’ vì nội dung của văn bản số 2601/VPCP-KGVX, phát hành ngày 3/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, người ký là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có yêu cầu cụ thể như sau (trích) :

"Ngày 31 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Các ngành, các cấp, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, một số nội dung của Chỉ thị còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu :

1. Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết :

a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác ;

b) Các trường hợp khẩn cấp như : cấp cứu, khám chữa bệnh ; thiên tai, hỏa hoạn…

c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m".

Cụm yêu cầu "Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác" bắt đầu gây rối rắm tùy vào cách ‘vận dụng’ của chính quyền địa phương.

Sở dĩ gọi là ‘vận dụng’, vì nhân danh "tư tưởng nhất quán, xuyên suốt chống dịch như chống giặc ", nên gần như các cấp thừa hành đã không căn cứ các điều luật tương ứng, mà đã tự đặt cho mình các quyền về định nghĩa thế nào là ‘thiết yếu’.

Đơn cử, riêng trong khoản gọi là "thực phẩm", thì Luật An toàn thực phẩm đã chỉ rõ hàng loạt yêu cầu về "thực phẩm" – trích Điều 2 :

"Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm.

Thực phẩm tươi sống là thực phẩm chưa qua chế biến bao gồm thịt, trứng, cá, thủy hải sản, rau, củ, quả tươi và các thực phẩm khác chưa qua chế biến.

Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng là thực phẩm được bổ sung vitamin, chất khoáng, chất vi lượng nhằm phòng ngừa, khắc phục sự thiếu hụt các chất đó đối với sức khỏe cộng đồng hay nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng.

Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Thực phẩm biến đổi gen là thực phẩm có một hoặc nhiều thành phần nguyên liệu có gen bị biến đổi bằng công nghệ gen.

Thực phẩm đã qua chiếu xạ là thực phẩm đã được chiếu xạ bằng nguồn phóng xạ để xử lý, ngăn ngừa sự biến chất của thực phẩm.

Thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay, trong thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự.

Thực phẩm bao gói sẵn là thực phẩm được bao gói và ghi nhãn hoàn chỉnh, sẵn sàng để bán trực tiếp cho mục đích chế biến tiếp hoặc sử dụng để ăn ngay".

Nói thêm, thật ra cũng khó thể trách các chính quyền địa phương vì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không có nội dung nào về văn bản gọi là "Chỉ thị của Thủ tướng".

thucpham2

thucpham3

thucpham4

thucpham5

thucpham6

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nghiêm cấm việc ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Như vậy, lẽ ra Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ được ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức là "Quyết định", do đó "Chỉ thị 16" do Thủ tướng ban hành, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Bởi vậy nên nói vi phạm Chỉ thị 16 rồi bị xử phạt, chỉ là do quen miệng hoặc nhầm lẫn về chuyên môn mà thôi (!?).

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 22/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn
Read 412 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)