VOA, 04/12/2020
Nhà văn Phạm Thành, chủ trang blog Bà Đầm Xòe, đã bị chuyển từ trại tạm giam sang bệnh viện tâm thần. Người nhà của nhà văn bất đồng chính kiến cho VOA biết động thái này gây thêm hoang mang và lo lắng cho gia đình khi nhà chức trách thông báo mục đích việc nhập viện là để "giám định và kiểm tra sức khoẻ".
Nhà văn Phạm Thành, tên đầy đủ là Phạm Chí Thành, 68 tuổi, bị bắt vào ngày 21/5/2020 với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật Hình Sự năm 2015. Ông bị bắt chỉ vài tháng sau khi viết sách chỉ trích Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Từ Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ của nhà văn Phạm Thành, nói với VOA :
"Ngày 24/11, họ chuyển anh ấy từ trại số 1 Hỏa Lò thuộc Công an thành phố Hà Nội đến Viện pháp y Tâm thần Trung ương ở huyện Thường tín.
"Ngày 25/11, Điều tra viên báo với tôi rằng như vậy. Trong lòng tôi rất hỗn loạn. Tôi không biết làm thế nào cả.
"Tôi sống với anh ấy bao nhiêu năm thì tinh thần, sức khỏe của anh ấy bình thường, không có vấn đề gì về tâm thần cả. Bây giờ chuyển xuống Viện thì tôi không rõ họ thẩm định sức khỏe hay làm gì khác".
VOA đã liên lạc Công an thành phố Hà Nội và Viện pháp y Tâm thần Trung ương ở huyện Thường tín để tìm hiểu về việc chuyển viện này của ông Thành nhưng chưa được phản hồi.
Bà Nghiêm cho biết hôm 27/11 bà có đến Viện đã gửi tiền lưu ký và quà nhưng không được gặp trực tiếp ông Thành. Bà viết trên Facebook : "Tôi vô cùng lo lắng nếu có sự cố bất ổn xảy ra".
Bà Nghiêm bày tỏ sự lo ngại với VOA :
"Tôi rất lo ngại một việc là chồng tôi vào viện tâm thần đó mà anh ấy không mắc bệnh. Người ta hành xử cho dùng thuốc men về tâm thần thì tôi rất lo ngại.
"Tôi kêu gọi công an và nhà chức trách rằng [chồng tôi] không có bệnh thì không làm thế nọ thế kia, áp chế đối với chồng tôi. Không nên có những hành xử không tốt hay gây lo ngại cho gia đình".
"Tôi cũng kêu gọi trả tự do cho chồng tôi bởi vì chồng tôi không có tội gì cả", bà Nghiêm nói.
Truyền thông Việt Nam cho rằng ông Phạm Thành là "kẻ chống phá Đảng, Nhà nước có hệ thống".
Báo Yên Bái Online vào tháng 7/2020 viết : "Thành nhiều lần liên lạc, trả lời phỏng vấn đài BBC, VOA, RFA vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc tình hình đất nước. Báo chí chống cộng ở nước ngoài ra sức khích lệ, thường xuyên ngoáy vào cái họng ngứa ngáy của những kẻ đầu óc không bình thường để họ phun ra những lời chống lại Tổ quốc, cho chúng lợi dụng chống phá Việt Nam".
Vào tháng 9/2019, ông Thành cho ra mắt cuốn sách "Nguyễn Phú Trọng : Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo" được xuất bản ở nước ngoài và phát hành trên mạng xã hội. Có nhiều đồn đoán trên Facebook rằng nhà văn Phạm Thành bị bắt là vì cuốn sách này.
Nhà báo Phạm Thành có nhiều năm làm việc cho Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016, và đồng thời là tác giả của sách Nền Kinh tế Thị trường Định hướng xã hội chủ nghĩa Xuống hố cả lũ và tiểu thuyết Cò hồn Xã nghĩa.
Một vài blogger và người bất đồng chính kiến trước đây đã từng bị chính quyền đưa vào bệnh viện tâm thần trong thời gian bị giam giữ vì bị cho rằng họ là những người "có đầu óc không bình thường". Gần đây nhất có trường hợp blogger Lê Anh Hùng, một cộng tác viên của đài VOA, hay trước đây là trường hợp của mục sư Thân Văn Trường, nhà hoạt động Nguyễn Trung Lĩnh, luật sư Bùi Kim Thành…
**********************
VOA, 03/12/2020
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, nhà hoạt động dân chủ hàng đầu của Việt Nam đang thụ án tù 16 năm, đã tuyệt thực từ ngày 24/11 để phản đối việc Tòa án Tối cao không phản hồi đề nghị miễn hình phạt còn lại của ông, và ông quyết sẽ tuyệt thực "cho đến chết", theo tin từ gia đình.
Bà Trần Diệu Liên ở thành phố Hồ Chí Minh, chị của ông Thức, cho VOA biết như trên hôm 2/12, hai ngày sau khi thăm ông ở trại giam số 6 tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
"Tôi và gia đình có đi thăm Thức hôm 30/11, biết rằng Thức đã bắt đầu tuyệt thực từ 24/11. Hôm đó thấy Thức rất yếu, lúc ra có các nhân viên an ninh đi kèm, lúc nói chuyện thì Thức bị hụt hơi. Thức cho biết đã tuyệt thực đến ngày thứ 7, trong người thấy rất mệt".
Trả lời phỏng vấn của VOA về lý do tuyệt thực của ông Thức, bà Liên nói :
"Thức tuyệt thực là vì Tòa án Tối cao không trả lời đơn của Thức về đề nghị miễn hình phạt còn lại mà Thức đã làm từ 7/7/2018. Đến 19/8/2020, Thức có làm đơn đề nghị Tòa án Tối cao phải phúc đáp. Nhưng cho tới nay Tòa án vẫn im lặng".
"Thức tuyên bố tuyệt thực để yêu cầu nhà nước và Tòa án Tối cao phải thượng tôn pháp luật".
"Thức nói là sẽ tuyệt thực vô thời hạn, và có thể là tuyệt thực cho đến chết, đến khi nào mà Tòa án Tối cao trả lời đơn".
Bà Liên cho biết Bộ luật hình sự Việt Nam sửa đổi năm 2015 đã quy định rõ ràng, trường hợp của Thức đáng ra phải được trả tự do ngay nhưng nhà cầm quyền "cố tình" không áp dụng các quy định đó mà tìm cách diễn giải luật theo cách riêng của họ để duy trì bản án 16 năm như đã tuyên vào năm 2009.
"Điều này không những không đúng với luật pháp hiện hành mà còn đi ngược sự văn minh và tiến bộ của nhân loại", bà Liên nói.
VOA đã liên lạc Bộ Công an Việt Nam, cơ quan quản lý trại giam số 6, và Tòa án Nhân dân Tối cao để tìm hiểu thêm về việc ông Thức tuyệt thực và thư đề nghị của ông, nhưng cả hai cơ quan này đều chưa phản hồi.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng 5/2018, luật sư Ngô Ngọc Trai, người tư vấn pháp lý cho gia đình ông Thức, cho VOA biết nỗ lực mới đây xin Chủ tịch nước đặc xá cho ông dựa trên cơ sở là sự thay đổi về luật pháp được xem là "có lợi" cho ông Thức.
Bộ luật Hình sự sửa đổi 2015 của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày đầu năm 2018, có điểm thay đổi trong điều luật về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Một khoản bổ sung của điều luật nói về "chuẩn bị phạm tội" với mức hình phạt 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội.
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung ở thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook hôm 2/12 : "Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực hơn 10 ngày để đòi hỏi tòa án phải trả lời các đơn khiếu nại của anh. Tòa án xứ này đang chơi chiêu ‘im lặng là vàng’, giả câm giả điếc giả mù".
Bà Liên cho VOA biết về thông điệp của ông Thức :
"Thức dặn dò gia đình rằng phải tính đến trường hợp xấu nhất. Thức nhờ chúng tôi gửi lời nhắn nhủ đến mọi người".
Bà Liên đọc mẩu giấy mà ông Trần Huỳnh Duy Thức, năm nay 54 tuổi, viết từ trại giam gửi cho gia đình và cộng đồng :
"Con xin lỗi ba, cả nhà và mọi người.
Tôi xin lỗi vì đã không đi được đến thành công với các bạn, hãy tiếp tục con đường khai sáng cho dân tộc và cho nhân loại, các cuộc đấu tranh cần hướng đến thượng tôn quyền con người, hãy tận dụng sự ra đi của tôi để đẩy cuộc đấu tranh này đến cuối cùng trong năm nay và năm sau.
Cảm ơn mọi người, tôi sẽ luôn nhớ theo các bạn".
Vào năm 2009, ông Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân trong ngành viễn thông và sáng lập viên phong trào dân chủ mang tên Con đường Việt Nam, bị một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án 16 năm tù giam, 5 năm quản chế với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Trong vụ án này còn có các nhà hoạt động Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và cả ba người này đều đã mãn án tù.
Ngày 5/5/2016, ông Thức bị cưỡng bức chuyển trại từ trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An sau khi có đơn tố cáo phạm nhân bị ngược đãi tại trại giam.
Tại nhà tù số 6 ở Thanh Chương, ông Thức tuyệt thực một vài lần để kêu gọi thượng tôn pháp luật và yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý về thể chế chính trị.
Vào tháng 5/2019, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ cho biết Dân biểu Zoe Lofgren đã bảo trợ cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông.
Sống dưới một chế độ xấu xa, hủ bại mà không dám lên tiếng là có lỗi với con cháu.
Phạm Thành
Trong ký ức thơ ấu của tôi, Đà Lạt không phải là nơi có nhiều chim chóc. Ngoài những bầy sẻ ríu rít đón chào nắng sớm trên mái ngói, và những đàn én bay lượn khắp nơi vào lúc hoàng hôn – thỉnh thoảng – tôi mới nhìn thấy vài chú sáo lò cò giữa sân trường vắng, hay một con chàng làng lẻ loi (và trầm ngâm) trên cọc hàng rào.
Chào mào tuy hơi nhiều nhưng chỉ ồn ào tụ họp, giữa những cành lá rậm ri, khi đã vào hè và trái mai (anh đào) cũng đà chín mọng. Họa hoằn mới thấy được thấy đôi ba con chim lạ, đỏ/vàng rực rỡ (chả biết tên chi) xa tít trên những cành cây cao ngất, giữa đồi thông vi vút.
Ở California thì chim chóc nhiều hơn, và cũng dạn dĩ hơn. Tiếc vì vốn liếng tiếng Anh giới hạn (và cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên cũng thế) nên tôi chỉ gọi tên được dăm ba loại chim thôi : robin, blue bird, hummingbird, mockingbird, house sparrow – sẻ nhà. Nơi đâu có người là có chim se sẻ, tiếng kêu gần gũi thân quen của chúng vào lúc chiều tàn – ở bất cứ phương nao – cũng đều khiến cho tôi cảm thấy được an ủi (phần nào) trong suốt những tháng ngày lưu lạc.
Mãi cho đến những năm gần đây (khi không còn phải bận bịu với chuyện áo cơm) tôi mới có dịp tìm biết thêm ít/nhiều về thế giới của loài chim, qua những tập phim tài liệu, và qua ống kính của giới birder (hay con gọi là birdwathcher) chuyên nghiệp tự quê nhà.
Hôm đầu năm nay, người ngắm chim Huynh Ngoc Chenh mới trình làng một chú Sơn Ca (trông) rất bảnh.
Bên dưới bức ảnh là lời bình của FB Nghiem Vietanh :
"Sơn ca có nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo địa phương, như chiền chiện ; Huế gọi là Cà lơi ; Quảng Nam, Quảng Ngãi gọi là Chà chiện, ở bãi sông Hồng còn một loại nữa cũng giống sơn ca nhưng nhỏ hơn và không biết hót, à con sẻ mía. Con của ông Chênh, bắc cờ kêu chiền chiện, con này cũng hót nhưng chỉ hót khi chúng bay trên không trung, nuôi trong lồng chúng không hót…".
Tôi nghe tên Sơn Ca từ khi còn thơ ấu nhưng mãi đến nay mới được thấy hình, và được biết thêm đôi điều lạ lẫm : "Bắc cờ kêu chiền chiện, con này cũng hót nhưng chỉ hót khi chúng bay trên không trung, nuôi trong lồng chúng không hót…".
Hay nhỉ ?
Hóa ra có những con chim không hót trong lồng ! Chi tiết thú vị này khiến tôi nhớ đến những dòng chữ của Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc :
Ngày 14-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký "Sắc lệnh về chế độ báo chí", buộc người dân ra báo phải xin phép, chấm dứt trên miền Bắc thời kỳ ai muốn làm báo chỉ cần đăng ký mà người dân An Nam được hưởng gần một thế kỷ dưới thời thực dân Pháp… Ngày 5-6-1958, dưới sự chủ trì của Tố Hữu, "800 văn nghệ sỹ" đã ký vào một nghị quyết "hoan nghênh kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm". Ngày 7-7-1958 Ban Chấp hành Hội Nhà văn ra thông báo "kỷ luật nhóm Nhân Văn"…
Lê Đạt gọi thời kỳ "hậu Nhân Văn" là những ngày "khôn ngoan không dám làm người". Phần lớn các nạn nhân, vốn là những văn nhân tài hoa, đều phải cúi đầu, tự mình viết bài xỉ vả mình. Họ được ở lại Hà Nội và sau một thời gian lao động phần lớn được trở lại hành nghề. Cũng có những nhà văn, nhà thơ bỏ về rừng như Hữu Loan, Nguyên Hồng. Nhưng, cái giá mà họ và gia đình họ phải trả là vô cùng đau đớn.
Tôi có đọc "Lời Tự Thuật Của Hữu Loan" nên cũng biết qua về "cái giá" mà nhà thơ và cả gia đình phải trả cho quyết định "về rừng" của ông. Kể thì "đau đớn" và khốn nạn thật nhưng vẫn chưa đến nỗi nào, nếu so với tình cảnh của nhiều người cầm cầm bút độc lập hiện nay. Xin ghi lại đôi ba trường hợp.
Trương Duy Nhất sinh năm 1964, bắt đầu viết báo từ năm 1987. Đến năm 2011, ông đột nhiên tuyên bố "nghỉ báo viết blog để viết theo lẽ phải !" Nói cách khác, và nói theo cách riêng của Trương Duy Nhất, là ông ngang nhiên ra khỏi cái "Hợp tác xã Tư tưởng" của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tôi không hiểu – vào thế kỷ trước, ở miền Bắc – khi một nông dân bỏ Hợp tác xã Nông nghiệp thì sẽ bị trừng phạt ra sao nhưng thấy cái giá mà Trương Duy Nhất phải trả hiện nay thì cay nghiệt quá, "một đòn thù chính trị đê hèn" : hai cái án tù, tổng cộng là 12 năm chẵn. Cả hai vụ án này – chắc chắn – đã không xẩy ra, nếu bạn Nhất vẫn chịu hót… trong lồng !
Trường hợp chia tay với làng báo quốc doanh của Đoan Trang thì hơi khác, nhẹ nhàng và kín đáo hơn. Nhân vật này lặng lẽ rời bỏ cái Hợp tác xã Tư tưởng Việt Nam không một lời tuyên bố hay tuyên ngôn gì ráo. Tuy thế, cái giá mà Đoan Trang phải trả – xem ra – cũng không rẻ lắm. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho RFA, vào hôm 5 tháng 3 năm 2020, cô cho biết :
"Từ khi tôi trở về nước vào năm 2015, về được 3 tháng thì tôi bị công an tấn công trong một cuộc tuần hành cây xanh, chấn thương 2 chân. Sau liveshow ca sĩ Nguyễn Tín năm 2018 thì tôi bị chấn thương ở tay. Sức khỏe của tôi gần như xuống dốc không phanh nên tôi không biết còn chịu được bao lâu".
Nói tóm lại và nói cho chính xác là Đoan Trang chỉ bị truy sát và truy lùng thôi chứ chưa mất mạng và cũng chưa bị túm. Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, không được "may mắn" thế.
Năm 2012 ông bị bắt khẩn cấp vì bị tình nghi biên soạn tài liệu "nhằm lật đổ chính quyền nhân dân." Qua năm 2019, ông lại bị khởi tố và bắt giam lần nữa với cáo buộc là đã "đăng 63 bài báo xuyên tạc sự thật, kích động các cá nhân trỗi dậy và lật đổ chính quyền nhân dân, kích động hận thù và cực đoan, đánh lừa mọi người về tình hình kinh tế xã hội nhằm mục đích gây lo lắng công cộng và bất ổn xã hội".
Tuy không rành rẽ về bói toán hay lý số, tôi vẫn có thể đoán (chắc) được rằng lòng bàn tay của ông Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập có đường tù ngục vì đường này cũng có thể thấy ngay được qua cái chức vụ của ông. Cái gì chứ Độc Lập với Tự Do là "hai món" mà đám cầm quyền ở Việt Nam hiện nay tối kỵ (họ nuốt không trôi) nên Phạm Chí Dũng vướng vòng lao lý là chuyện tất nhiên.
Sau Phạm Chí Dũng đến lượt Phạm Thành, nguyên Tổng thư ký báo Thanh Niên. Ông vừa bị "tó" tại nhà, với cáo buộc là đã vi phạm Điều 117 Bộ Luật Hình Sự. Điều này có khoản ghi rõ như sau :
"Người phạm tội có hành vi làm ra, tạo ra, xác lập thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân… tạo ra hình ảnh méo mó, phản cảm, sai lệch về việc làm, hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị...".
BBC, nghe được vào hôm 22 tháng 5 năm 2020 ái ngại loan tin :
Blogger 'Bà Đầm Xòe', cây bút chỉ trích Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bị bắt vì cuốn sách "Nguyễn Phú Trọng : Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo" do ông tự xuất bản năm 2019 đã gây xôn xao dư luận. Nội dung chính cuốn sách "ngoài luồng" này tập trung vào thái độ và hành động của ông Nguyễn Phú Trọng trước Trung Quốc… Trước đó, ông từng tự xuất bản một số cuốn sách khác như "Hậu Chí Phèo", "Nền Kinh tế Thị trường Định hướng xã hội chủ nghĩa Xuống hố cả lũ".
Phen này Phạm Thành chắc chết, chết chắc, với Đảng và Nhà nước ta chứ chả phải bỡn đâu !
Lê Đạt gọi thời kỳ "hậu Nhân Văn" là những ngày "khôn ngoan không dám làm người." Xét ra thì thời kỳ "hậu đổi mới" còn ti tiện và tàn tệ hơn nhiều. Dân Việt, tuy thế, vẫn chưa bao giờ thiếu vắng những nhân vật cầm bút vẫn nhất định làm người. Xin chân thành cảm ơn quí vị.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 23/05/2020 (tuongnangtien's blog)
Bắt blogger Phạm Thành, vì lý do gì ?
Nguyễn Vũ Bình - Tuấn Khanh, RFA, 23/05/2020
Nhà cầm quyền Việt Nam đã liên tục cho bắt 3 nhân vật bất đồng chính kiến ở miền Bắc Việt Nam, mà cả ba là những vị cao niên, ai cũng mang thể chất đau yếu, cần thuốc men mỗi ngày. Đó là ba nhà văn Nguyễn Đức Thạch, Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy.
"Cuối cùng, tôi nhận ra rằng ông Trọng là người đã làm tất cả những gì mà Trung Quốc muốn" (Phạm Thành) - Ảnh Dân Làm Báo)
Có vẻ như chiến dịch bắt bớ trước đại hội 13 có một danh sách dài, và cũng không hẳn sẽ kết thúc sau đó. Từ năm 2019, đã có những lời bàn về một tin hành lang, rằng sẽ có những cuộc săn đuổi và nhổ cỏ tận gốc những thành phần "gai mắt" - kể cả "gai mắt tiềm năng" - chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2023, Việt Nam phải ký và đưa vào hoạt động Công ước 87 của ILO về Công đoàn độc lập.
Nhà văn Trần Đức Thạch, được biết là một trong những thành viên Hội Anh em Dân chủ còn sót lại. Ông Nguyễn Tường Thụy là Phó chủ tịch Hội nhà báo Độc lập, và là người đang kiểm soát trang báo tự do Việt Nam Thời Báo. Nhưng với ông Phạm Thành, một cây bút tự do và đơn độc, việc bắt giữ ông có vẻ khó hiểu, nếu như không gắn với quyển sách của ông, gây chấn động dư luận từ một năm trước, có tên Nguyễn Phú Trọng : Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo.
Rất nhiều lời bình luận hiện nay, cho rằng việc bắt giữ ông Phạm Thành mang ý nghĩa trả thù cá nhân nhiều hơn là chính trị. Sự kiện này cũng gợi nhớ đến bác sĩ Hồ Hải, một nhân vật bị bắt và kết án vào thời gian đại hội 12 của đảng Cộng sản, với lý do khá gần với ông Phạm Thành.
Vốn là một người bạn gần gũi và chia sẻ nhiều các quan điểm chính trị với ông Phạm Thành, nhà báo – cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Vũ Bình, dành ít thời gian nói về trường hợp của ông Phạm Thành, hay còn có bút danh khác trên blog là Bà Đầm Xòe.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho biết về chi tiết vụ bắt giữ là "Vợ của anh Thành nhắn cho biết công an ập vào nhà lúc 8g sáng, ngày 22/5/2020, đọc lệnh bắt, khám xét nhà rồi sau đó đưa anh Thành đến Hỏa Lò. Tôi có hỏi là công an họ nói vì tội gì, chị Thành nói lúc đó lo lắng quá nên không nhớ, nhưng chỉ biết là do cuốn sách Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo".
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình còn nhận xét rằng nhà văn Phạm Thành viết rất nhiều, tuy nhiên điều bị coi là giọt nước tràn ly là cuốn sách nói trên.
Tuấn Khanh : Nhưng tại sao, mãi hơn một năm, từ khi cuốn sách đó ra đời thì mới lệnh bắt đột ngột như vậy ?
Nguyễn Vũ Bình : Người ta không vội vã gì cả. Họ thong thả lên chuyên án, và sẽ ra tay khi đối tượng không dự trù được. Cách đây 2-3 tháng, khi tình hình căng thẳng nói chung, thì anh Thành đã chuẩn bị tình thần cho việc bị bắt giữ. Thế nhưng công an lại không chọn thời điểm đó để bắt. Rồi đến khi, đối tượng cảm giác mình không bị bắt nữa, thì công an mới hành động.
Tại sao họ lại hành động như vậy ? VÌ khi họ bắt lúc đối tượng chuẩn bị tinh thần rồi, việc thẩm tra và khai thác khó khăn hơn, đánh gục ý chí hay đày đọa tinh thần cũng không dễ dàng gì. Còn người khi bị bắt bất ngờ sẽ dễ cho công an khai thác hơn. Nguyên tắc của an ninh là như vậy, nên vấn đề không thể nói là bắt sớm hay muộn.
Tuấn Khanh : Nhà báo Phạm Thành có cảm nhận trước việc ông ta sẽ bị bắt hay không ?
Nguyễn Vũ Bình : Anh Thành rất thân với tôi, và hay trò chuyện về chuyện này khi hai anh em ngồi uống rượu với nhau. Cá nhân tôi thì không tin rằng mọi chuyện đi qua êm xuôi. Tình hình căng nhất trong giới phản biện xã hội là lúc nhà báo Phạm Chí Dũng bị đưa đi. Ai cũng chuẩn bị cho mình tình huống xấu nhất, nhưng công an lại không hành động ngay với anh Thành vào giai đoạn ấy. Nên tôi có cảnh báo với anh Thành về việc này.
Tuấn Khanh : Việc tấn công trực diện vào ông Trọng (với vài trăm bài viết) của nhà văn Phạm Thành khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Thậm chí có người còn bàn theo thuyết âm mưu rằng ông Phạm Thành được một nhóm nào đó, chống lưng, thì mới dám ra mặt với ông Nguyễn Phú Trọng như vậy ?
Nguyễn Vũ Bình : Điều đó thì tôi tin và biết là không có. Vì lâu nay, anh Thành viết rất nhiều đề tài, chỉ có riêng về giai đoạn suy luận mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thì anh Thành mới đặt vấn đề với ông Trọng trong vai trò vai trò đảng trưởng đảng CSVN. Nói chung, anh Thành nghĩ gì thì viết đó, và với ai mà anh ta chú ý, nhận diện, đều có một lối bình luận trực diện, chứ anh Thành không quan tâm phe nhóm gì. Theo quan điểm của tôi, hầu hết những người lên tiếng ở Việt Nam, đều là vấn đề tranh đấu chứ chẳng vì phe nhóm gì mà tự gây khó cho mình như vậy..
Tuấn Khanh : Sự kiện ông Phạm Thành bị bắt, nhắc đến trường hợp của bác sĩ Hồ Hải ở Sài Gòn. Bác sĩ Hồ Hải bị tuyên án 4 năm tù và 2 năm quản chế vào tháng 2/2018 vì những bài viết của mình, mà tương tự như ông Phạm Thành, cũng chỉ trích gay gắt ông Nguyễn Phú Trọng. Liệu ông Trọng có phải là một nhân vật quyền lực hay nhỏ mọn đến mức luôn tấn công vào những người chỉ trích mình ?
Nguyễn Vũ Bình : Tôi không nghĩ vậy. Việc bắt bớ ở Việt Nam rất phức tạp, và nếu không có tin tức cụ thể trong nội bộ thì rất dễ suy diễn nhiều hướng. Anh Thành đã viết rất nhiều đề tài, tấn công nhiều nhân vật, thậm chí tấn công vào cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. ông Trọng chỉ là một trong số đó. Nhưng mọi chuyện được chú ý vì ông Trọng có vai vế lớn trong đảng và xã hội. Nếu bắt giữ anh Thành theo lý luận vì vấn đề tư thù cá nhân, thì có thể đôi khi ông Trọng chưa nghĩ đến, mà ai đó trong hệ thống muốn lập công, bắt để tạo cơ hội bày tỏ với ông Trọng thì sao ? Mọi thứ cứ nên để xem cáo trạng sắp tới như thế nào đã.
Tuấn Khanh : Nhưng hiện nay, rất nhiều lời bình cho rằng ông Thành gặp khó với chính quyền bởi cuốn sách nhắm đến Nguyễn Phú Trọng. Và hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng hiện vẫn có những quyển còn gây khó chịu hơn như Đèn cù hay Bên thắng cuộc… vẫn chưa gặp chuyện gì xấu. Vậy Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo có điều gì đáng sợ đến mức công an phải bắt khẩn cấp ông Phạm Thành như vậy ?
Nguyễn Vũ Bình : Xã hội Việt Nam luôn tồn tại sự không rõ ràng, và mọi thứ đều chỉ là những lời bàn. Trong hệ thống cũng có những trường hợp hành động duy ý chí chứ không dựa trên căn bản điều gì cả.
Nên xét rằng, nếu anh Thành không có cuốn sách về ông Trọng, với mức độ chỉ trích và phản biện dày đặc của anh, cũng có thể anh bị bắt. Có thêm cuốn sách, thì số phận một người tranh đấu đối diện với việc bị bắt có tăng thêm nhiều khả năng như vậy. Tâm lý của người dân thì thường suy đoán, dựa vào những gì dễ thấy nhất thôi. Việc bắt anh Thành trước đại hội 13, cũng có thể mở ra thêm nhiều hướng suy nghĩ nữa, chứ không riêng gì về cuốn sách. Nó có thể là cái cớ, hoặc nó là một giọt nước tràn ly trong cái nhìn tổng quan của ngành an ninh với bối cảnh chung xã hội Việt Nam lúc này.
Tuấn Khanh (ghi)
Nguồn : RFA, 23/05/2020 (tuankhanh's blog)
******************
Nhà văn bất đồng chính kiến Phạm Thành bị bắt giam ngay trước Đại hội đảng 13
RFA, 21/05/2020
Nhà văn Phạm Chí Thành (hay còn gọi là Phạm Thành), chủ trang blog Bà Đầm Xòe và là tác giả của một số cuốn sách chỉ trích chế độ và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa bị Cơ quan An ninh điều tra, công an Hà Nội bắt giam vào sáng ngày 21 tháng 5 năm 2020.
Nhà báo Phạm Thành - Blog Bà Đầm Xoè
Bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ ông Phạm Thành nói qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do vào tối 21/5 như sau :
"Vào 8 giờ sáng thì cháu nó đang mở cửa đi làm thì công an ập vào một đoàn rất là đông.
Hôm nay lại mất điện, tôi cũng đang nằm thì tôi chạy xuống thì có một đoàn hỏi ông Thành đang ở đâu thì tôi cũng trả lời là ông đang ở trên tầng năm để tưới cây.
Thế là họ bảo là có lệnh bắt ông Thành, khi mà đưa anh ấy xuống thì họ bắt đầu đọc lệnh bắt đọc lệnh khám nhà.
Khi họ khám thì họ thu hai cái máy tính, một cái máy in và một số tài liệu sách vở, bản thảo của ảnh. Lúc hơn 10 giờ thì cho đi".
Bà Nghiêm cho biết khi nghe công an đọc lệnh bắt, bà bủn rủn chân tay và không thể nghe rõ chồng bà bị bắt vì tội gì.
Tuy nhiên, theo một số thông tin trên trang Facebook của một số những người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam, nhà báo Phạm Thành bị bắt theo Điều 117-BLHS năm 2015 : "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Đài Á Châu Tự Do hiện chưa thể kiểm chứng được thông tin này.
Việc nhà văn Phạm Thành bị bắt khi đảng cộng sản Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 13 dự kiến tổ chức trong khoảng đầu năm 2021.
Ông Phạm Thành, sinh năm 1952 từng nhiều năm làm thư ký tòa soạn cho Đài Tiếng Nói Việt (VOV).
Năm 2016, ông cùng với hàng chục người khác tham gia vào phong trào tự ứng cử Đại biểu Quốc hội.
Ông là tác giả của những cuốn sách tự in không được nhà nước công nhận như tiểu thuyết Cò hồn Xã nghĩa, Nền Kinh tế Thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa xuống hố cả lũ.
Năm 2019 ông Phạm Thành tự xuất bản sách chỉ trích Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam mang tên "Nguyễn Phú Trọng : Thế Thiên Hành Đạo Hay Đại Nghịch Bất Đạo".
******************
Nhà văn Phạm Thành, người viết sách chỉ trích Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, bị bắt sáng ngy 21/5/2020 tại Hà Nội, theo tin từ các nhà báo độc lập.
Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình cho VOA biết thông tin về việc Công an Hà Nội bắt tạm giam nhà văn Phạm Thành, sau khi được bà Nguyễn Thị Nghiêm, vợ ông Thành, báo tin.
"Chị Nghiêm, vợ anh Thành cho tôi biết là anh Thành bị bắt rồi, anh bị bắt tạm giam bốn tháng. Chị bảo họ có khám nhà trong hai tiếng rưỡi, từ 8 giờ sáng đến 10 giờ 30. Chị bảo họ đưa anh ấy đến số 89 Trần Hưng Đạo [Cơ quan An ninh điều tra, Công an Thành phố Hà Nội], sau đó đưa về nhà tù Hỏa Lò. Chị nói họ không để lại giấy tờ gì cả".
VOA đã liên lạc Công an Thành phố Hà Nội để tìm hiểu vụ việc bắt giam nhà văn Phạm Thành nhưng chưa được phản hồi.
Nhà văn Phạm Thành, tên đầy đủ là Phạm Chí Thành, năm nay 68 tuổi, viết blog với biệt danh là Bà Đầm Xòe, là tác giả của cuốn sách "Nguyễ n Phú Trọng : Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo" được xuất bản ở nước ngoài và phát hành trên mạng xã hội vào tháng 9 năm 2019. Có nhiều đồn đoán trên Facebook rằng nhà văn Phạm Thành bị bắt là vì cuốn sách này.
Trong cuộc phỏng vấn với VOA khi phát hành quyển sách này, ông Thành nói : "Tôi tự tin rằng việc in ấn này là không có gì sai luật. Tôi cũng muốn nói cho những người khác rằng họ có sách thì cứ in. Nhà nước không in, thì tôi, dùng quyền của tôi theo điều 25 của Hiến pháp đã quy định, để in".
"Quyển sách này là một bằng chứng, một dữ liệu về những lời ăn tiếng nói, hành xử của ông Trọng, trong những chính sách đối nội và đối ngoại của ông ấy, đối với Trung Quốc cũng như đối với thế giới. Tôi nhận ra rằng ông Trọng là người mà làm tất cả những điều gì mà Trung Quốc muốn", ông Thành từng nói với VOA Việt Ngữ.
Ông Thành nói thêm : "Tôi đã 41 năm theo Đảng và Nhà nước rồi, bây giờ ngoảnh lại thấy dân tộc này cái gì cũng tụt lùi, nguyên nhân tại đâu ? Nguyên nhân là chúng ta không có dân chủ, nguyên nhân là Đảng cộng sản duy trì sự độc tài !"
Nhà báo Phạm Thành có nhiều năm làm việc cho Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016, và đồng thời là tác giả của sách Nề n Kinh tế Thị trường Định hướng xã hội chủ nghĩa Xuống hố cả lũ và tiểu thuyết Cò hồ n Xã nghĩa.
Từ Thái Lan, nhà báo độc lập Đường Văn Thái, nêu nhận định về việc công an Việt Nam bắt giam nhà văn Phạm Thành.
"Từ đầu năm 2020 đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt hai người cao tuổi là ông Phạm Thành và ông Trần Đức Thạch. Ông Thành cũng là hội viên của Hội nhà báo Việt Nam Độc lập.
"Những người từng làm cho cơ quan nhà nước Việt Nam và nói ra sự thật thì bị chính quyền bắt bớ. Nhà cầm quyền Việt Nam sợ ông Thành nói ra sự thật trước thềm đại hội Đảng 13 nên họ tìm cách bịt miệng, bắt bớ, giam cầm ông Thành".
Ông Nguyễn Vũ Bình nêu nhận định việc ông Phạm Thành bị bắt :
"Trước mỗi đại hội, theo thông lệ, họ hay thị uy, bảo vệ đại hội, hay tránh sự phiền phức, hay những tiếng nói phản biện thì họ bắt một số người. Đây là những việc làm sai trái.
"Những người phản biện nêu ý kiến của mình, bày tỏ các vấn đề của đất, vấn đề chính sách, quan điểm đường lối…mà bị bắt như thế là hoàn toàn không được…Không ai phục và chấp nhận việc bắt bớ như thế".
*********************
Phản ứng vụ bắt blogger Bà Đầm Xòe : ‘Không ngạc nhiên, luôn gặp nguy hiểm’
BBC, 21/05/2020
Một nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội và một cựu Đạo diễn truyền hình Việt Nam từ Anh quốc nói với BBC News tiếng Việt hôm 21/05/2020 rằng không có gì đáng "ngạc nhiên" khi được biết tin nhà văn Phạm Thành, tức Blogger Bà Đầm Xòe, cựu phóng viên, nguyên Phó Trưởng phòng, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (VOV), bị bắt.
Tranh cổ động : Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất ở Việt Nam
Trao đổi trên một chương trình thảo luận của BBC hôm thứ Năm, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội nói :
"Tôi không ngạc nhiên lắm. Bởi vì trong giai đoạn vừa rồi, trong tầm ba tới bốn tháng trở lại đây, tự tăng cường lực lượng an ninh theo dõi, cũng như thậm chí là canh gác, cầm chân những người hoạt động ở Hà Nội cũng như là ở Việt Nam rất là nhiều.
"Tôi biết là những sự căng thẳng ở trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội Đảng này, thì phía nhà nước, phía an ninh cũng cần phải có những động thái mạnh mẽ nào đó và họ sẽ tìm một người nào đó để họ có thể bắt giữ, chứ không hẳn chỉ là do những việc là do ông Phạm Thành làm".
Từ Leeds, Anh quốc, blogger Song Chi, cựu Đạo diễn truyền hình tại Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, nói với BBC :
"Tất nhiên là Đại hội Đảng 13 sắp tới, tình hình sẽ căng hơn và hơn nữa vài năm gần đây thấy rằng chuyện đàn áp mạnh hơn rất nhiều.
"Cho nên không có gì ngạc nhiên là có những người bị bắt. Vài năm gần đây có những khuôn mặt rất nổi bật, ví dụ như nhà báo, blogger Trương Duy Nhất bị bắt và đã bị kết án 10 năm tù, nhà báo, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng cũng bị bắt và chưa ra tòa.
"Do đó sẽ không ngạc nhiên khi có những khuôn mặt nổi bật như vậy bị bắt, mà nhà báo Phạm Thành là một trong những khuôn mặt nổi bật".
Bị bắt vì viết sách chỉ trích ?
Tuy nhiên, cựu Đạo diễn Song Chi cho rằng vẫn còn có yếu tố khác đáng nói hơn đứng sau nguyên nhân dẫn tới vụ việc bắt giữ với ông Phạm Thành, bà nói :
"Nhưng khác với anh Nguyễn Lân Thắng, tôi cho rằng nhà báo Phạm Thành bị bắt không phải là ông chỉ là một blogger nổi tiếng, mà có thể còn vì những tác phẩm của ông nữa nhất là cuốn sách viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Chỉ trích đích danh cá nhân một nhân vật cấp cao trong Tứ trụ hoặc là trong Bộ Chính trị thì sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều.
"Nhà báo Phạm Thành viết một cuốn sách về ông Nguyễn Phú Trọng thì với mức độ chỉ trích như vậy, chắc chắn bản án sẽ không nhẹ, tôi sợ như vậy".
Nguyên nhân, tính toán khác ?
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng trao đổi lại :
"Đúng là ý kiến đó cũng xác đáng, bởi vì những tác phẩm bình luận chính trị mà lại phê phán vào những nhân vật chính trị hiện đang nắm quyền hành ở Việt Nam, phải nói là nó rất là nguy hiểm.
"Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ông Phạm Thành ở trong giai đoạn này, họ đã quyết định bắt ông, thì nó không phải bởi vì do tác phẩm của ông Phạm Thành.
"Nếu như mà nói về những ảnh hưởng xã hội, cũng như những bài viết liên quan đến chỉ trích nhà nước, chỉ trích nhân vật nào đó, thì ở Việt Nam còn nhiều lắm.
"Nhưng điều mà tôi muốn nói ở đây là họ đã nhắm vào ông Phạm Thành bởi vì ông Phạm Thành mặc dù cũng có những đóng góp rất lớn ở trong phong trào phản biện xã hội, nhưng ông không có một mối liên hệ, liên kết đủ mạnh, đủ lớn.
"Và khi họ đã lựa chọn ông Phạm Thành là họ cũng tính rồi, tức là họ tính là khi họ bắt một nhân vật mà họ thấy rằng là cũng 'được được', cũng làm chuyện này, chuyện kia, nhưng mà khi thực hiện việc bắt đó thì làm sao bắt những ai mà sự phản ứng của xã hội nó ở mức thấp nhất thì người ta sẽ nhắm vào những người đó".
'Vẫn như cũ mà thôi ?'
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng nói thêm về khía cạnh pháp luật và tự do ngôn luận.
"Tất nhiên là luật pháp quy định việc không được xúc phạm nhân phẩm, không được bôi nhọ, không được nói những điều sai trái về người khác, thì điều đó là hoàn toàn là đúng. Thế nhưng ở Việt Nam, chuyện đúng hay sai là một khoảng cách rất là xa.
"Hoàn toàn những sự kiện, những vụ án, nếu như ở nước ngoài, nó có một hệ thống tư pháp, có một hệ thống tòa án cũng như là việc mà công an, cảnh sát điều tra việc đó hoàn toàn dựa trên pháp luật, rất là công tâm.
"Thế còn ở Việt Nam thì việc người ta xét xử, là hoàn toàn mù mờ và hoàn toàn dựa trên lợi ích của đảng cầm quyền, chứ không phải là dựa trên công lý".
Trong một diễn biến riêng rẽ, cây bút David Hutt có bình luận ngày 22/5 trên báo mạng Asia Times.
Ông Hutt ghi nhận việc blogger Bà Đầm Xòe vừa bị bắt và phỏng đoán có thể ông Phạm Thành bị bắt vì có liên hệ với Nhà xuất bản Tự Do.
Trên website, Nhà xuất bản Tự Do tự nhận họ là "một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào ngày 14 tháng 2 năm 2019, với tinh thần lan tỏa tri thức và tự do thông tin"
"Chúng tôi hoạt động độc lập, với hoạt động chính là xuất bản và phát hành các ấn phẩm không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam. Những ấn phẩm này được phát hành thông qua hình thức bán và cho tặng miễn phí".