Thuyết hoang tưởng QAnon bảo rằng Donald Trump sẽ quay lại nắm quyền vào ngày 4 tháng Ba làm bất cứ người có trí tuệ và cảm nhận thông thường nào cũng mỉm cười khi nghe qua nhưng đã gây ra niềm tin cho không ít những người yêu thích Trump. Nó như một que lửa nhỏ nhoi để những người này thắp lên, tự đắm mình huyễn hoặc, bám víu vào một điều chính họ cũng có thể mơ hồ, không chắc chắn.
Thuyết hoang tưởng QAnon nói rằng Donald Trump sẽ quay lại nắm quyền vào ngày 4/3/2021. Ảnh minh họa những người ủng hộ Donald Trump trưng bày áp phích QAnon tại một cuộc mít tinh do Tổng thống Trump tổ chức ngày 31/7/2018, ở Tampa, Florida. Ảnh Getty Images
Những kẻ lập thuyết hay lan truyền những điều hoang đường như vậy không ngây thơ, khờ khạo. Họ là bậc thầy để đánh vào tâm lý số đông của những kẻ quá khích, vào những con thiêu thân cuồng mê lãnh tụ sẳn lòng tin theo bất cứ điều gì họ đưa ra. Nhưng nó kích động dăm nhóm hay cá nhân cực đoan nào đó có thể ra tay. Hay tạo ra tâm lý ngóng chờ và mong đợi một cuộc biến loạn, chao đảo như từng xảy ra tại tòa nhà Quốc hội ở những người mong có người khác làm thay điều mình mong muốn nhưng không dám làm. Cộng tất cả điều này, QAnon châm thêm lửa vào một chủ nghĩa khủng bố nội địa tiềm ẩn tại nước Mỹ hiện nay.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội đầu tuần qua, cựu giám đốc FBI Chirstopher Wray từ thời Donald Trump bảo rằng cuộc bạo loạn tại Quốc hội là một vụ khủng bố nội địa của những kẻ cực hữu và đang có nguy cơ gia tăng với hàng ngàn vụ đã và đang được FBI điều tra. Trên thực tế, FBI đã cảnh báo nguy cơ này và giới an ninh tại Washington DC đã được đặt vào tình trạng báo động trong tuần này, cũng như Quốc hội đã phải tạm ngưng chương trình nghị sự. Cảnh sát điện Capitol cũng đã yêu cầu vệ binh quốc gia tiếp tục ở lại DC cho đến mùa Thu năm nay, thay vì đến giữa tháng Ba.
Khủng bố nội địa hiện diện trong nhiều đời tổng thống và kéo dài trong nhiều năm qua. Vụ đánh bom vào công sở liên bang tại Oklahoma vào năm 1995 do hai tên khủng bố cực đoan da trắng Timothy McVeigh và Terry Nichols là một vụ chấn động lúc bấy giờ. Nó sát hại 168 người dân và gây thiệt hại liên quan tổng cộng đến 650 triệu đô la. Năm 2008, hai thanh niên da trắng quá khích thuộc nhóm tân Quốc Xã đầu trọc đã có âm mưu sát hại 88 người da đen rồi ám sát tổng thống Barack Obama, là ứng viên tổng thống cuối cùng của đảng Dân chủ lúc bấy giờ.
Nhắc lại vài vụ tiêu biểu này để thấy tính chất của các vụ khủng bố nội địa phần lớn do những người Mỹ trắng cực đoan và cực hữu gây nên, mang mục đích chống đối chính phủ hay vì lòng thù hận chủng tộc, sắc tộc, cho dù cũng có một số vụ đơn lẻ do những cá nhân cực tả thực hiện. Chúng có thể là những âm mưu có tổ chức hay đơn thuần là cảm xúc và hành động cá nhân. Nguy cơ này trở nên mạnh mẽ hơn sau bốn năm nắm quyền của Donald Trump, người đề cao chủ nghĩa chủng tộc, tinh thần bài ngoại cùng những sách động bạo lực chống lại những ai chống đối hay gây bất lợi cho ông ta.
Những âm mưu khủng bố nội địa càng nguy hiểm hơn khi có sự ngấm ngầm hay ra mặt ủng hộ từ chính những cấp dân cử cánh hữu khi góp phần lan truyền các thuyết âm mưu, đưa ra những cáo buộc xảo trá về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Các cuộc điều tra hiện nay vẫn đang tiếp diễn về lý do tại sao các cảnh báo về nguy cơ bạo loạn tại Quốc hội trong ngày 6 tháng Một đã được cung cấp nhưng việc chuẩn bị và ứng phó xem ra không có sự phối hợp và rất chậm trễ giữa các cơ quan an ninh và quân đội.
Khi liên quan đến chính trị, việc giải quyết vấn đề khủng bố nội địa sẽ khá khó khăn cho nội các tổng thống Joe Biden bởi nó liên quan đến công dân Hoa Kỳ cùng các viện dẫn về quyền tự do ngôn luận và tụ hội, luật tự do súng đạn cho dù chúng có vượt quá khuôn khổ hiến pháp và luật pháp. Đồng thời trong mắt công luận, không ít người cánh hữu xem đó là những hành động anh hùng, yêu nước. Các tội danh về khủng bố nội địa hiện nay không rõ ràng và rạch ròi, ít nhất về ý thức hệ như các tội ác thông thường khác.
Các báo cáo của FBI cho biết chỉ khoảng 10% những kẻ tham gia cuộc bạo loạn tại Quốc hội là thuộc các tổ chức cực đoan, còn lại hầu hết là những người bình thường, tự nhận mình là những người yêu nước, bảo vệ cho cuộc bầu cử "bị đánh cắp", mặc dù đó là niềm tin sai lầm bởi nước Mỹ có luật pháp, các cuộc bầu cử đã được chứng minh là dân chủ, công bằng và hợp pháp, hợp hiến. Một số người bị bắt trong vụ này từng là các cựu quân nhân, đang là nhân viên công lực hay những người đang có hồ sơ an ninh (security clearance) để làm việc trong các lãnh vực liên quan đến an ninh quốc gia.
Riêng trong cộng đồng gốc Việt tại Mỹ, trong khi các báo cáo cùng giới truyền thông tường trình những vụ tấn công mang tính bạo lực hay xúc phạm vào cộng đồng người Á Châu ngày càng tăng cao thì không ít người vẫn tiếp tục sử dụng các ngôn từ và luận điệu của nhóm cực đoan dùng chống lại chính mình. Dường như những người này tin rằng họ cùng gia đình mình được miễn nhiễm trước các cuộc tấn công cũng bị xem là thuộc về tính chất của các cuộc khủng bố nội địa mang lý do thù hận sắc tộc. Những mù quáng cùng các niềm tin sai lầm như vậy làm cho cuộc chiến chống khủng bố nội địa trở nên phức tạp hơn.
Donald Trump không quay lại trong ngày 4 tháng Ba vừa qua và chắc chắn sẽ rất khó có cơ hội cùng sự ủng hộ để quay lại chính trường Hoa Kỳ trong tương lai. Nhưng chủ nghĩa khủng bố nội địa mà ông ta bơm vào nước Mỹ chắc chắn sẽ còn ở lại và có nhiều nguy cơ xảy ra lúc nào đó trong tương lai. Đó là một thách thức to lớn và là bài toán cần giải quyết của nội các tổng thống Joe Biden và nước Mỹ nói chung.
Nhã Duy
(06/03/2021)
Phép mầu đã không xảy ra ! Joe Biden không bị bắt mà vẫn trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ ! "Kế hoạch" đã không được thực hiện, mà thực ra chẳng có kế hoạch nào hết ! Thất vọng tràn trề trong mạng lưới QAnon, những người vẫn trông đợi vào "kế hoạch" do Donald Trump chỉ đạo.
Báo Le Monde (ngày 20/01/2021) nhận định : "Joe Biden nhậm chức : những người ủng hộ QAnon đối mặt với bức tường thực tế khó khăn". Ông Donald Trump rời Nhà Trắng sáng sớm 20/01 để về khu tư dinh Mar-a-Lago ở Florida, chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống. Đến phút chót, rất nhiều người theo QAnon vẫn động viên nhau phải "tin vào kế hoạch".
"Bão" đã không nổi
Sáng sớm 20/01, Alexis Cossette-Trudel, một người Canada theo thuyết âm mưu có ảnh hưởng, kêu gọi : "Hỡi những người còn nghi ngờ vào tối nay, hãy nhớ rằng Trump có nhiều năm hào quang hơn các đối thủ của ông như thế nào". Nhân vật này tự tin : "Sự nối tiếp của cuộc bầu cử đã được lên kế hoạch tỉ mỉ ít nhất là từ năm 2018. (…) Giờ đến lượt các lực lượng vũ trang Mỹ thay thế. Hooah ! Một thế giới tươi đẹp hơn đang ở ngay trước mắt".
Họ đợi "bão" nổi lên vào ngày 20/01 nhờ các lực lượng vũ trang. Le Monde nhắc lại, theo thuyết âm mưu QAnon, một cơn bão (storm) sẽ cùng lúc nổi lên nhờ vào hoạt động ngầm của Donald Trump cuốn bay mọi thành viên của băng đảng lãnh đạo bị cho là "tham nhũng". Từ tổng thống Joe Biden đến bà Hillary Clinton, cựu ứng viên tổng thống năm 2016 cùng với vài chục quan chức thuộc đảng Dân chủ và rất nhiều người nổi tiếng khác sẽ bị quân đội đồng loạt bắt giữ để buộc họ phải chịu trách nhiệm cho những hành động gây ra : từ tổ chức các mạng lưới ấu dâm đến gian lận bầu cử, theo những lời tuyên truyền của thuyết âm mưu lan rộng Mỹ, đặc biệt trong năm 2020.
"Bão" sẽ đến ! Rất nhiều lần, tài khoản nặc danh "Q" khẳng định như vậy, kèm theo những chỉ dẫn được mã hóa để định hướng người ủng hộ, nhưng rồi bặt vô âm tín từ giữa tháng 12/2020. Nhiều tuần trước lễ nhậm chức của ông Joe Biden và sau khi chịu hết thất bại này sang thất bại khác trong kế hoạch đảo ngược kết quả bầu cử, rất nhiều người theo QAnon chắc mẩm bão sẽ xảy ra vào ngày 20/01 vì toàn bộ "bè lũ gian lận" tập trung ở Washington.
Suốt cả buổi sáng diễn ra lễ nhậm chức, còn cựu tổng thống Trump đã yên vị ở Florida, những người ủng hộ "Q" vẫn ngồi chờ "Q" trước màn hình, chờ "Q" thông báo đã có hàng loạt vụ bắt giữ. "Q" bặt vô âm tín, như suốt một tháng qua ! Một số người bắt đầu chột dạ : "Nếu là lừa đảo thì sao ?". "Q" đã lừa họ, lợi dụng lòng tin của họ ? Trên một kênh truyền thông Telegram của QAnon, Anthony thừa nhận với Grey là Donald Trump đã thất bại, "trừ phi đó là kế hoạch ngay từ đầu".
Khẩu hiệu "tin vào kế hoạch" bắt đầu bị nghi ngờ nhưng họ vẫn cố bám niềm tin vào hình ảnh 17 lá cờ Mỹ được dựng trước chiếc Air Force One chờ đưa cựu tổng thống Trump về Florida. Suốt nhiệm kỳ của ông Trump, họ vẫn tin tổng thống gửi mật mã cho họ mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng. 17 lá cờ, ắt phải có thông điệp nào đó vì đúng với thứ tự thứ 17 của Q trong bảng chữ cái !
Vô vọng ! Cả ngày hôm đó, lễ nhậm chức của ông Joe Biden vẫn diễn ra như kế hoạch. Nhiều người theo QAnon bắt đầu phẫn nộ, như dòng tin của tài khoản MAGA1771 trên một diễn đàn của QAnon : "Không có kế hoạch nào hết. Biden vừa nhậm chức. Không có bắt giữ hàng loạt. Đã đến lúc thức tỉnh và nhìn vào thực tế trước mắt".
Phải cam kết "mua thêm vũ khí và đạn" trước khi tham gia diễn đàn
Trong bài diễn văn nhậm chức, tân tổng thống Mỹ nhắc đến "sự trỗi dậy của cực hữu chính trị, của tư tưởng da trắng thượng đẳng và khủng bố trong nước" là mối nguy hiểm cho đất nước.
Những người theo cực hữu và mạng lưới QAnon đã hiểu thông điệp trên. Vài phút sau lễ nhậm chức, một kênh Telegram của những người theo thuyết âm mưu đã đổi tên để ít bị chú ý hơn. Ngoài ra, những người muốn tham gia diễn đàn phải nhấn vào lời khuyến cáo "mua thêm nhiều vũ khí và đạn hơn". Một diễn đàn lớn khác đã chặn mọi bình luận mới.
Những gương mặt chính của mạng lưới QAnon tiếp tục thuyết phục những người theo họ rằng "vẫn chưa hết". Ngược với thông điệp của Ron Watkins, cựu điều phối viên diễn đàn 8kun, nơi "Q" từng thường xuyên đăng tin và đã có lúc được cho là người đứng sau tài khoản "Q". Sau lễ nhậm chức của Joe Biden, Ron Watkins viết : "Giờ chúng ta có thể ngẩng cao đầu và trở lại cuộc sống cách tốt nhất có thể. Chúng ta có tổng thống mới và với tư cách là những công dân, chúng ta có trách nhiệm tôn trọng Hiến pháp". Phải chăng đây là thông điệp "gác kiếm" ?