Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/03/2021

Khủng bố nội địa, một nguy cơ của nước Mỹ

Nhã Duy

Thuyết hoang tưởng QAnon bảo rằng Donald Trump sẽ quay lại nắm quyền vào ngày 4 tháng Ba làm bất cứ người có trí tuệ và cảm nhận thông thường nào cũng mỉm cười khi nghe qua nhưng đã gây ra niềm tin cho không ít những người yêu thích Trump. Nó như một que lửa nhỏ nhoi để những người này thắp lên, tự đắm mình huyễn hoặc, bám víu vào một điều chính họ cũng có thể mơ hồ, không chắc chắn.

inside1

Thuyết hoang tưởng QAnon nói rằng Donald Trump sẽ quay lại nắm quyền vào ngày 4/3/2021. Ảnh minh họa những người ủng hộ Donald Trump trưng bày áp phích QAnon tại một cuộc mít tinh do Tổng thống Trump tổ chức ngày 31/7/2018, ở Tampa, Florida. Ảnh Getty Images

Những kẻ lập thuyết hay lan truyền những điều hoang đường như vậy không ngây thơ, khờ khạo. Họ là bậc thầy để đánh vào tâm lý số đông của những kẻ quá khích, vào những con thiêu thân cuồng mê lãnh tụ sẳn lòng tin theo bất cứ điều gì họ đưa ra. Nhưng nó kích động dăm nhóm hay cá nhân cực đoan nào đó có thể ra tay. Hay tạo ra tâm lý ngóng chờ và mong đợi một cuộc biến loạn, chao đảo như từng xảy ra tại tòa nhà Quốc hội ở những người mong có người khác làm thay điều mình mong muốn nhưng không dám làm. Cộng tất cả điều này, QAnon châm thêm lửa vào một chủ nghĩa khủng bố nội địa tiềm ẩn tại nước Mỹ hiện nay.

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội đầu tuần qua, cựu giám đốc FBI Chirstopher Wray từ thời Donald Trump bảo rằng cuộc bạo loạn tại Quốc hội là một vụ khủng bố nội địa của những kẻ cực hữu và đang có nguy cơ gia tăng với hàng ngàn vụ đã và đang được FBI điều tra. Trên thực tế, FBI đã cảnh báo nguy cơ này và giới an ninh tại Washington DC đã được đặt vào tình trạng báo động trong tuần này, cũng như Quốc hội đã phải tạm ngưng chương trình nghị sự. Cảnh sát điện Capitol cũng đã yêu cầu vệ binh quốc gia tiếp tục ở lại DC cho đến mùa Thu năm nay, thay vì đến giữa tháng Ba.

Khủng bố nội địa hiện diện trong nhiều đời tổng thống và kéo dài trong nhiều năm qua. Vụ đánh bom vào công sở liên bang tại Oklahoma vào năm 1995 do hai tên khủng bố cực đoan da trắng Timothy McVeigh và Terry Nichols là một vụ chấn động lúc bấy giờ. Nó sát hại 168 người dân và gây thiệt hại liên quan tổng cộng đến 650 triệu đô la. Năm 2008, hai thanh niên da trắng quá khích thuộc nhóm tân Quốc Xã đầu trọc đã có âm mưu sát hại 88 người da đen rồi ám sát tổng thống Barack Obama, là ứng viên tổng thống cuối cùng của đảng Dân chủ lúc bấy giờ.

Nhắc lại vài vụ tiêu biểu này để thấy tính chất của các vụ khủng bố nội địa phần lớn do những người Mỹ trắng cực đoan và cực hữu gây nên, mang mục đích chống đối chính phủ hay vì lòng thù hận chủng tộc, sắc tộc, cho dù cũng có một số vụ đơn lẻ do những cá nhân cực tả thực hiện. Chúng có thể là những âm mưu có tổ chức hay đơn thuần là cảm xúc và hành động cá nhân. Nguy cơ này trở nên mạnh mẽ hơn sau bốn năm nắm quyền của Donald Trump, người đề cao chủ nghĩa chủng tộc, tinh thần bài ngoại cùng những sách động bạo lực chống lại những ai chống đối hay gây bất lợi cho ông ta.

Những âm mưu khủng bố nội địa càng nguy hiểm hơn khi có sự ngấm ngầm hay ra mặt ủng hộ từ chính những cấp dân cử cánh hữu khi góp phần lan truyền các thuyết âm mưu, đưa ra những cáo buộc xảo trá về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Các cuộc điều tra hiện nay vẫn đang tiếp diễn về lý do tại sao các cảnh báo về nguy cơ bạo loạn tại Quốc hội trong ngày 6 tháng Một đã được cung cấp nhưng việc chuẩn bị và ứng phó xem ra không có sự phối hợp và rất chậm trễ giữa các cơ quan an ninh và quân đội.

Khi liên quan đến chính trị, việc giải quyết vấn đề khủng bố nội địa sẽ khá khó khăn cho nội các tổng thống Joe Biden bởi nó liên quan đến công dân Hoa Kỳ cùng các viện dẫn về quyền tự do ngôn luận và tụ hội, luật tự do súng đạn cho dù chúng có vượt quá khuôn khổ hiến pháp và luật pháp. Đồng thời trong mắt công luận, không ít người cánh hữu xem đó là những hành động anh hùng, yêu nước. Các tội danh về khủng bố nội địa hiện nay không rõ ràng và rạch ròi, ít nhất về ý thức hệ như các tội ác thông thường khác.

Các báo cáo của FBI cho biết chỉ khoảng 10% những kẻ tham gia cuộc bạo loạn tại Quốc hội là thuộc các tổ chức cực đoan, còn lại hầu hết là những người bình thường, tự nhận mình là những người yêu nước, bảo vệ cho cuộc bầu cử "bị đánh cắp", mặc dù đó là niềm tin sai lầm bởi nước Mỹ có luật pháp, các cuộc bầu cử đã được chứng minh là dân chủ, công bằng và hợp pháp, hợp hiến. Một số người bị bắt trong vụ này từng là các cựu quân nhân, đang là nhân viên công lực hay những người đang có hồ sơ an ninh (security clearance) để làm việc trong các lãnh vực liên quan đến an ninh quốc gia.

Riêng trong cộng đồng gốc Việt tại Mỹ, trong khi các báo cáo cùng giới truyền thông tường trình những vụ tấn công mang tính bạo lực hay xúc phạm vào cộng đồng người Á Châu ngày càng tăng cao thì không ít người vẫn tiếp tục sử dụng các ngôn từ và luận điệu của nhóm cực đoan dùng chống lại chính mình. Dường như những người này tin rằng họ cùng gia đình mình được miễn nhiễm trước các cuộc tấn công cũng bị xem là thuộc về tính chất của các cuộc khủng bố nội địa mang lý do thù hận sắc tộc. Những mù quáng cùng các niềm tin sai lầm như vậy làm cho cuộc chiến chống khủng bố nội địa trở nên phức tạp hơn.

Donald Trump không quay lại trong ngày 4 tháng Ba vừa qua và chắc chắn sẽ rất khó có cơ hội cùng sự ủng hộ để quay lại chính trường Hoa Kỳ trong tương lai. Nhưng chủ nghĩa khủng bố nội địa mà ông ta bơm vào nước Mỹ chắc chắn sẽ còn ở lại và có nhiều nguy cơ xảy ra lúc nào đó trong tương lai. Đó là một thách thức to lớn và là bài toán cần giải quyết của nội các tổng thống Joe Biden và nước Mỹ nói chung.

Nhã Duy

(06/03/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nhã Duy
Read 685 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)