Iran đã thực hiện lời đe dọa "đáp trả" Mỹ khi bắn 22 tên lửa vào hai căn cứ quân sự tại Iraq mà quân Mỹ đồn trú. Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran khẳng định đó là "một cái tát trực diện" để trả thù cho vụ sát hại tướng Iran Qasem Soleimani.
Một dân quân Houthi ở Yemen mang ảnh tướng Iran Qasem Soleimani, người bị sát hại trong trận oanh kích của Mỹ tại sân bay quốc tế Baghdad ngày 06/01/2020. Reuters /Naif Rahma
Vị chỉ huy cao cấp của Iran đóng vai trò quân sự và chính trị như thế nào tại Iran và Iraq ? Tại sao tổng thống Donald Trump chọn giải pháp "mạnh" nhất ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà báo Ehsan Manoochehri, trưởng ban tiếng Ba Tư, đài Phát thanh Quốc tế Pháp.
RFI : Trong lễ tang tướng Soleimani, người ta thấy có hàng triệu người tham gia. Tướng Soleimani đóng vai trò quân sự và ngoại giao như thế nào tại Iran ?
Ehsan Manoochehri : Trước tiên, phải nói rằng Iran là một nước mà trong nhiều sự kiện, lễ hội, luôn có rất đông người tham gia. Vì thế, rất dễ cho chính phủ Iran huy động đông đảo người dân đến dự lễ tang tướng Soleimani, trong đó dĩ nhiên giới quân nhân và gia đình của họ đều được huy động. Chính phủ chi trả các đoàn xe chở người từ khắp nơi tới.
Tất nhiên điều này cho thấy tướng Soleimani giữ một vai trò quan trọng. Tôi muốn nhắc lại là khi Iran tham chiến ở Syria để cứu tổng thống Bachar Al Assad khỏi các nhóm thánh chiến, chính quyền Tehran giải thích quyết định đó là cam kết của Iran trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh), bảo vệ Iran trước nguy cơ bị Daesh tấn công. Vì thế, điều quan trọng đối với Iran là phải đưa ra được một hình ảnh, giới thiệu được một nhân vật thể hiện cam kết của Iran. Và nhân vật đó chính là tướng Soleimani.
Trước khi Iran quyết định tham chiến ở Syria năm 2012, tướng Soleimani không đến mức nổi tiếng như vậy. Nhưng kể từ năm 2012, ông thường xuyên được giới thiệu trên báo chí và truyền thông chính thức để bảo vệ lập trường của Tehran cùng Bachar Al Assad chiến đấu.
Đó là vai trò quân sự của tướng Soleimani. Ông chỉ huy lực lượng Qods, chuyên thực hiện những chiến dịch ở nước ngoài, như ở Syria, Iraq, Lebanon, sau này thêm Yemen và thỉnh thoảng ở Afghanistan. Ngoài ra, tướng Soleimani từng tổ chức, thậm chí là đào tạo nhiều lực lượng khác, gồm một phần là lực lượng dân quân Pakistan, hoặc những người theo hệ phái Shia đến từ những nước khác và phần kia là người Afghanistan, gồm khoảng 12.000 đến 20.000 người. Đó là những người nhập cư, được tuyển với lời hứa cấp nhà, thẻ cư trú, lương bổng sau khi chiến tranh kết thúc.
Chính sách ngoại giao của Iran tại Iraq, Syria và Lebanon phần nào đó bị bỏ rơi vào tay các lực lượng mà tướng Soleimani chỉ huy. Vì thế, đại sứ quán Iran tại ba nước này đều có nguồn gốc từ lực lượng Qods, thường là cấp tướng thuộc lực lượng chiến đấu ở nước ngoài. Nói một cách nào đó, tướng Soleimani có vai trò như một "ngoại trưởng", nhưng chỉ đối với ba nước này, vì thế, người ta không thấy ngoại trưởng Iran công du Iraq. Tôi xin nhắc lại sự kiện cách đây vài tháng, tổng thống Syria Bachar Al Assad công du Iran và đã gặp giáo chủ tối cao. Tổng thống và ngoại trưởng Iran thậm chí không biết tin. Vì thế, ngoại trưởng Iran đã xin từ chức, nhưng giáo chủ tối cao đã trấn an và đơn từ chức đã không được chấp nhận.
RFI : Tướng Qasem Soleimani đóng vai trò như nào tại Iraq ?
Ehsan Manoochehri : Như tôi nói ở trên, tướng Soleimani đóng vai trò rất lớn ở Iraq bởi vì Iran đóng vai trò quan trọng ở Iraq. Chúng ta biết là sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, việc phân chia quyền lực tại Iraq trở thành "phân chia công việc". Vì cộng đồng người Shia chiếm đa số ở Iraq, nên họ chiếm đa số ở Nghị Viện, do vậy quyền hành pháp được giao cho người Shia, thủ tướng luôn là một người Shia. Tổng thống Iraq là một người Kurdistan, còn chủ tịch Nghị Viện là một người Sunni.
Một cách nào đó, người Shia ở Iraq nghe theo "lệnh" từ Iran. Mỗi khi việc thành lập bộ máy chính quyền Iraq gặp khó khăn hoặc có xung đột, Iran luôn đưa ra ý kiến. Ví dụ chính phủ Iraq hiện đang gặp khủng hoảng vì những tên tuổi, hoặc danh sách được Iran đề xuất hoặc ủng hộ thì lại không được người dân chấp nhận. Cuộc khủng hoảng thành lập chính phủ này đã kéo dài từ ngày 01/10/2019. Người dân không chấp nhận những ứng viên do đa số Shia ở Nghị Viện, có nghĩa là Iran, đề xuất, vì thế dân chúng vẫn tiếp tục biểu tình phản đối. Đúng là Soleimani đóng một vai trò rất quan trọng, vừa về quân sự, vừa về ngoại giao tại Iraq.
RFI : Tại sao tổng thống Donald Trump quyết định triệt tướng Soleimani, trong khi những tổng thống tiền nhiệm Mỹ luôn cố tránh ?
Ehsan Manoochehri : Tình hình đã thay đổi. Cần phải biết là chính phủ Mỹ nắm rất rõ những lần di chuyển đến Iraq của tướng Soleimani. Sân bay quốc tế Baghdad gần như là do liên quân quốc tế quản lý nên Hoa Kỳ biết rõ mọi chuyến công du của tướng Soleimani, thậm chí vài lần trong một tháng trong thời gian gần đây do cuộc khủng hoảng chính trị ở Iraq như nói ở trên. Vì thế, tướng Soleimani phần nào có cảm giác an toàn, được hưởng quyền miễn trừ từ phía Mỹ.
Hoa Kỳ cũng không muốn triệt hạ một vị tướng, trong quá khứ từng hợp tác với quân đội Mỹ khi Hoa Kỳ tham chiến ở Afghanistan sau năm 2001. Chính tướng Soleimani, thông qua thuộc cấp, tại một khách sạn ở Geneve (Thụy Sĩ), đã cung cấp các bản đồ bố trí quân sự của lực lượng Taliban ở Afghanistan. Thậm chí, ông còn đề xuất cung cấp cho phía Mỹ các kế hoạch tấn công, kiểu "Nếu là tôi, tôi sẽ làm như này !".
Tiếp theo, tại Iraq, chính phủ lâm thời được thành lập sau khi Saddam Hussein bị giết chết là kết quả thảo luận trực tiếp giữa tướng Soleimani và các nhà ngoại giao Mỹ. Qua đó, chúng ta có thể thấy ông là một vị tướng rất thực dụng.
Khi cuộc chiến chống Daesh nổ ra ở Iraq, Mỹ không muốn triển khai lực lượng trên bộ, mà muốn tướng Soleimani mang quân đến. Mỹ oanh kích trên không, còn những lực lượng dưới quyền chỉ huy của tướng Soleimani chiến đấu trên thực địa. Cần phải nhắc lại là nếu không tấn công trên bộ thì sẽ không đẩy lùi được kẻ thù.
Như vậy là giữa tướng Soleimani và quân đội Mỹ đã có nhiều lần hợp tác. Vấn đề ở chỗ, giờ Daesh gần như đã bị tiêu diệt, Iran, dĩ nhiên là cả tướng Soleimani, muốn Mỹ rút khỏi Iraq. Chính vì thế, từ ngày 01/10/2019 đến thời điểm tướng Soleimani bị chết, đã có 13 vụ tấn công vào những cơ sở của Mỹ ở Iraq. Quân đội Mỹ nhiều lần cảnh cáo chính quyền Tehran, vì các lực lượng dân quân Shia tại Iraq, như Hezollah, Hash al-Chabi…, đều tuân theo lệnh của lực lượng Quds, do tướng Soleimani chỉ huy.
Vì thế, lúc đầu, trong những đề xuất được gửi lên tổng thống Donald Trump, đã có phương án triệt hạ tướng Soleimani. Nhưng tổng thống Trump không chấp nhận giết tướng Soleimani mà "oanh kích" những căn cứ quân sự của lực lượng dân quân. Chiến dịch được tiến hành ngày 29/12/2019 và có 25 dân quân bị thiệt mạng.
Vấn đề ở chỗ, hai ngày sau, lực lượng dân quân đã trả đũa khi tấn công đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Đối với tổng thống Trump, đây là điều không thể chấp nhận được, bởi vì một mặt, người ta chưa quên hình ảnh sứ quán Mỹ tại Tehran bị tấn công, 56 nhân viên bị bắt làm con tin trong suốt 444 ngày vào năm 1979, mặt khác là vụ quân thánh chiến tấn công và đốt hai sứ quán khác của Mỹ ở Nairobi (Kenya) và Dar es Salaam (Tanzania) khiến nhiều người thiệt mạng.
Trong khi chỉ còn chưa đầy đến một năm nữa là bầu cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump không thể chấp nhận ngồi nhìn vụ tấn công khiến nhân viên ngoại giao Mỹ ở Baghdad gặp nguy hiểm. Vì thế, chủ nhân Nhà Trắng đã chọn phương án được cho là mạnh nhất, buộc Iran phải hiểu rằng Washington không chấp nhận nhìn thấy lợi ích của Mỹ bị tấn công.
RFI : Iran dọa trả đũa Mỹ, nhưng bằng cách nào vì tình hình kinh tế, tài chính Iran không phải là sáng sủa lắm do lệnh cấm vận của Mỹ và quốc tế ?
Ehsan Manoochehri : Đây là câu hỏi hay, vì về mặt tài chính, rất rất khó cho Iran đáp trả, nhưng mới đây Nghị Viện Iran đã thông qua một khoản ngân sách 200 triệu euro bổ sung thêm cho Lực Lượng Vệ Binh Cách Mạng. Khoản ngân sách này được trích từ quỹ chiến lược của Iran. Liệu 200 triệu euro có đủ hay không ? Liệu khoản tiền này có thực sự được chuyển cho quân đội hay không, hay chỉ là một hành động mang tính chính trị ? Tôi không thể trả lời câu hỏi này được. Ngoài ra, phải nói là tiền không phải là phương tiện duy nhất để tiến hành chiến tranh. Điều này muốn nói là Iran đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực sản xuất tên lửa. Đây là loại vũ khí duy nhất mà Iran có nhiều kinh nghiệm và có trữ lượng cần thiết. Tại vì không quân Iran gần như bị tiêu diệt trong cuộc chiến Iraq.
Tuy nhiên, phía Iran có thể có phương tiện để tác động đến an ninh của lực lượng Mỹ trong khu vực. Nhưng nếu thực sự xảy ra một cuộc chiến lớn, tôi cho rằng Iran không có đủ khả năng đối mặt với quân đội Mỹ, mà chỉ có thể phản ứng theo kiểu chiến tranh bất tương xứng, như tấn công vào tầu bè… Chắc chắn là họ có khả năng quấy nhiễu nhưng tôi cho rằng Iran sẽ không có khả năng đối đầu trực diện, trong khi Hoa Kỳ có thể có thêm sự ủng hộ của những nước phương Tây khác.
RFI : Đâu là hình ảnh của Mỹ trong mắt người dân Iran ?
Ehsan Manoochehri : Tôi nghĩ đây là câu hỏi khó trả lời chính xác. Tại Iran, có một bộ phân dân chúng không có chút thù hận gì với người Mỹ, nước Mỹ hay với Donald Trump. Thậm chí, ngày mà tướng Soleimani bị giết, trên nhiều bức tường ở Tehran xuất hiện nhiều câu như "Hoan hô Trump"…
Giống như những dân tộc khác trên thế giới, người dân Iran có cách nhìn rất khác nhau, dù là về người Mỹ, nước Mỹ, tổng thống Trump hay tướng Soleimani. Hình ảnh người dân Iran thù nghịch với Mỹ là một hình ảnh không có ý nghĩa. Chắc chắn là có những người, như chúng ta chứng kiến trong đám tang Soleimani, kêu gọi "Giết chết người Mỹ", có thể đó là những người hận Hoa Kỳ. Dù có hơn 1 triệu người đến dự đám tang, nhưng so với dân số 83 triệu người ở Iran, kể cả có là 2 triệu người, tôi cho rằng số lượng đó rất ít, chỉ chiếm khoảng 3 hoặc 4% dân số. Tất nhiên tôi không nói là đa số người dân Iran yêu nước Mỹ. Nếu muốn có một cái nhìn toàn cảnh, tôi cho rằng người dân Iran, về tổng thể, không thù nghịch với Mỹ hay với những dân tộc khác.
RFI : RFI tiếng Việt chân thành cảm ơn nhà báo Ehsan Manoochehri, trưởng ban tiếng Ba Tư, đài Phát thanh Quốc tế Pháp.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 08/01/2020
Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Iran – Hoa Kỳ đã đi từ đóng băng sang bùng nổ dữ dội sau khi tướng Qasem Soleimani của Iran và một số nhân vật quan trọng của dân quân được Iran hậu thuẫn đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ, tại phi trường quốc tế Baghdad ở Iraq.
Ngũ Giác Đài đã xác nhận Soleimani bị giết "theo lệnh của tổng thống" và gọi cuộc không kích là "hành động tự vệ". Tổng thống Trump đã tweet ngay sau đó hình lá cờ Mỹ nhưng không chú thích gì thêm.
Qasem Soleimani là thiếu tướng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và từ năm 1998 là chỉ huy trưởng lực lượng Quds.
Trong số 11 người khác bị chết trong cuộc ám sát có cả Abu Mahda Al-Muhandis, lãnh đạo phó Ủy ban Huy động Nhân dân, một tổ chức tập hợp 40 nhóm dân quân Iraq, gồm cả Hồi giáo Shia và Sunni, Ki-Tô hữu và Dòng Tên trong hàng ngũ của họ.
Qasem Soleimani là thiếu tướng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và từ năm 1998 là chỉ huy trưởng lực lượng Quds. Đây là một bộ phận của Lực lượng Bảo vệ Cách mạng có vai trò và trách nhiệm chủ yếu trong các hoạt động quân sự bí mật bên ngoài biên giới Iran.
Kể từ khi thành lập vào năm 1979, Quds được coi là một trong những lực lượng quân sự quan trọng nhất của Iran, dùng để tấn công các đối thủ ở Trung Đông. Quads là chuyên gia trong cái gọi là "chiến tranh có cường độ thấp", với mục đích xây dựng mạng lưới gián điệp, thao túng và xâm nhập các cộng đồng xã hội khác nhau.
Lực lượng Quds được coi là một trong những lực lượng quân sự quan trọng nhất của Iran, dùng để tấn công các đối thủ ở Trung Đông.
Soleimani sinh năm 1957 trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1979, ông gia nhập Lực lượng Bảo vệ Cách mạng trước khi thực sự bắt đầu sự nghiệp quân sự trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980. Mặc dù không được đào tạo chính quy, Soleimani đã chứng tỏ khả năng xuất sắc trong việc huấn luyện và chỉ huy. Ông ta được nhanh chóng biết đến do sự dũng cảm trong cuộc chiến giành lại các khu vực bị lực lượng Saddam Hussein chiếm đóng. Cuối cùng Soleimani được chỉ huy một sư đoàn riêng trong quân đội Iran, dù lúc đó chỉ mới 20 tuổi.
Soleimani là một trong những tướng lãnh có nhiều quyền lực nhất trong khu vực. Phương Tây gọi ông là "The Shadow Commander" vì ông cầm đầu các hoạt động bí mật ở nước ngoài. Ông ta là nhân vật trọng tâm ở cả Iran và Trung Đông và rất nổi tiếng trong giới bảo thủ ở Iran. Năm 2011, Soleimani được nhà lãnh đạo hàng đầu của Iran Ayatolla Ali Khamenei thăng cấp thiếu tướng. Hai người này thân nhau đến mức có lần Khamenei gọi Soleimani là "người tử vì đạo sống".
Là người chịu trách nhiệm về tình báo và các hoạt động quân sự bí mật của Iran, ông ta không chỉ là một trong những viên chức quân sự độc lập và xảo quyệt nhất của Iran mà còn là một nhà lãnh đạo đầy tiềm năng của quốc gia này trong tương lai.
Tướng David H. Petraeus, người lãnh đạo lực lượng quân sự Mỹ tại Iraq và nhà ngoại giao Mỹ Ryan Crocker trong bộ phim tài liệu "Iran’s Military Mastermind" đã nói về ảnh hưởng của Qasem Soleimani trong khu vực. Người Mỹ mô tả ông ta là người lôi cuốn, hiểu biết, rất chuyên nghiệp và độc ác. Ryan Crocker viện dẫn nhân vật phản diện trong bộ phim Star Wars-Univers : "Chúng tôi xem ông ta là Darth Vader trong chính trị Trung Đông đương đại".
Quasem Soleimani là Darth Vader trong chính trị Trung Đông đương đại
Theo The Guardian, Soleimani đã góp phần định hình khu vực sau chiến tranh Iraq vào những năm 1980 và cuộc cách mạng ở Syria trong những năm 2010. Trong một bài báo, The New Yorker viết rằng Hoa Kỳ và Iran đã hợp tác không chính thức trong một thời điểm để chống lại Taliban. Lý do hợp tác là sự hỗn loạn xảy ra sau khi Al-Qeada tấn công tòa tháp đôi ở New York ngày 11 tháng Chín năm 2001. Ngay sau cuộc tấn công, một số đặc vụ Iran, dưới sự chỉ đạo của Soleimani, đã gặp và giao cho các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ tại Geneve tấm bản đồ đánh dấu các căn cứ của Taliban cần phải ném bom phá hủy. Mục đích của cuộc họp mặt là để thảo luận một mặt trận chung chống lại Taliban.
Việc hợp tác chấm dứt khi tổng thống George W. Bush tuyên bố vào tháng Giêng 2002 Iran là một quốc gia trong "trục ma quỷ". Tòa Bạch Ốc khẳng định Iran là kẻ thù chính trong khu vực.
Soleimani giật dây từ hậu trường các sinh hoạt chính trị và hoạt động quân sự của Iran, Iraq, Syria và Lebanon.
Trong cuộc chiến Iran-Iraq, Soleimani có quan hệ với nhiều nhóm dân quân, trong đó có cả các nhà lãnh đạo người Kurd ở Iraq chống lại Saddam Hussein.
Soleimani được coi là nhân vật chính trong cuộc chiến gia tăng ảnh hưởng của người Shia và Iran ở Trung Đông. Soleimani cũng tác động một phần đến việc thiết lập bộ máy nhà nước Iraq bằng cách ủng hộ cuộc bầu cử của cựu thủ tướng người Shia Nouri Al-Maliki.
Soleimani được nhiều người mô tả là khối óc chiến lược quân sự của Iran ở Trung Đông trong những năm gần đây. Chiến lược này nhằm xây dựng các nhóm dân quân hùng mạnh, như Hezbollah ở Lebanon, hoặc liên minh trực tiếp với các quốc gia như Syria của Bashar Al-Assad.
Năm 2000, ông ta có được chiến thắng đầu tiên khi Israel rút khỏi miền nam Lebanon sau 16 năm chiếm đóng. Đến lúc đó, nhờ được Iran huấn luyện, Hezbollah đã trở nên quá mạnh đối với lực lượng Israel.
Theo những người trốn thoát khỏi Syria, Soleimani đã nhúng tay vào cuộc nội chiến ở Syria vào nửa cuối năm 2012. Vào thời điểm này, Iran lo chế độ Al-Assad không thể một mình đương đầu với các nhóm phiến quân và Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tờ The New Yorker cho biết Soleimani đã lãnh đạo cuộc chiến từ một căn cứ tại Damacus ở Syria. Gần đây, một số người nhấn mạnh đến vai trò của Soleimani trong việc tổ chức và huấn luyện các nhóm phiến quân thân chính phủ. Đây là lý do chính tại sao Bashar Al-Assad vẫn duy trì được quyền lực ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này.
Hoa kỳ và Iran đã từng có một kẻ thù chung ở Trung Đông : Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong cuộc chiến chống IS, năm 2014, khi đã chiếm được phần lớn miền bắc Iraq, IS tiến công như vũ bão về thành phố Erbil, cửa ngõ dẫn vào Baghdad, hàng trăm ngàn binh lính Iraq phải chạy trốn. Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, lọt vào tay chiến binh IS. Họ thu được rất nhiều vũ khí của Mỹ.
Hoa Kỳ ngưng viện trợ vũ khí cho lực lượng người Kurd mặc dù đã được báo động. Quân đội Iraq lúc đó chỉ có vũ khí lỗi thời của Nga. Trong cơn tuyệt vọng, thủ tướng Iraq Nouri Al-Maliki (2006–2014) phải cầu cứu Iran. Chính Soleimani đã cung cấp vũ khí hiện đại cho lực lượng Kurd và chính phủ Iraq để chặn đứng cuộc tiến công của IS. Trên ý nghĩa nào đó, người Kurd đã bị Hoa Kỳ bỏ rơi và khi tái tham chiến, liên quân cũng là đồng minh không chính thức với Soleimani.
Reuters trước đây cho biết Soleimani đã tới Nga vào tháng Bảy năm 2015 để thuyết phục Nga hỗ trợ nhiều hơn nữa cho chế độ Al-Assad. Những tháng kế tiếp, ông ta trực tiếp có mặt trong các cuộc đụng độ lớn với IS. Khi lực lượng Iraq mở cuộc tấn công giành lại quyền kiểm soát Tikrit năm đó, lực lượng đặc nhiệm Iran đã có mặt trên chiến trường trong khi không quân Mỹ ném bom các cứ điểm của IS trong thành phố. Soleimani đã chỉ huy một phần cuộc tấn công từ một ngôi làng cách đó khoảng 50 km.
Mohammed Marandi, người đứng đầu trong việc nghiên cứu chính sách Mỹ tại Đại học Tehran, nói với đài truyền hình Al Jazeera : "Nếu không có những người như ông ta, chúng ta sẽ thấy nhiều lá cờ đen hơn trong khu vực".
Tối thứ Sáu 3/1/2020, "Darth Vader của Trung Đông", người đàn ông có thể sẽ là nhà lãnh đạo tương lai của Iran, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Baghdad.
Hoàng Thủy Ngữ
(07/01/2020)
Mỹ tiêu diệt một tướng Iran đầy quyền lực tại Iraq
Thanh Phương-Trọng Nghĩa, RFI, 03/01/2020
Ba ngày sau vụ tấn công vào sứ quán Mỹ ở Bagdad, sáng sớm ngày 03/01/2020, viên tướng rất có thế lực, Qasem Soleimani, đặc sứ của Iran về các vấn đề Iraq, đã thiệt mạng trong một vụ oanh kích của Mỹ gần Bagdad.
Tướng Qasem Soleimani. Ảnh chụp này 01/10/2019, ở Tehran, Iran. AFP Photos/Khamenei.IR via Handout
Trong số 8 người khác bị giết chết, còn có Abou Mehdi al-Mouhandis, nhân vật số hai của tổ chức Iraq Hash al-Chabi, thân Iran.
Theo thông báo của Lầu Năm Góc, chính tổng thống Donald Trump đã ra lệnh hạ sát Soleimani. Vụ oanh kích của Mỹ là nhằm đáp trả vụ tấn công vào sứ quán Hoa Kỳ ở Bagdad, cũng như các vụ bắn rocket vào các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ, xảy ra từ nhiều tuần qua.
Phía Iran đã xác nhận cái chết của tướng Soleimani. Từ Tehran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình :
"Trong một thông cáo, lực lượng Vệ binh Cách mạng báo tin là tướng Soleimani đã thiệt mạng trong một vụ oanh kích bằng trực thăng Mỹ gần sân bay Bagdad.
Theo bản thông cáo, nhiều nhân vật thân cận của tướng Soleimani cũng như các chỉ huy của tổ chức Iraq Hash al-Chabi, mà Iran vẫn yểm trợ, cũng đã bị giết khi đoàn xe của họ bị trực thăng Mỹ oanh kích.
Trong những năm gần đây, tướng Soleimani đã đóng vai trò quan trọng trong vùng này. Chính ông là người đề ra chính sách của Iran yểm trợ cho chế độ của tổng thống Syria Bachar al-Assad.
Sau đó, cũng chính ông đã trực tiếp tham gia vào việc thành lập các lực lượng dân quân Iraq để chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh. Trong những năm gần đây, người ta thấy nhiều bức ảnh chụp ông đang chỉ huy nhiều chiến dịch quân sự ở Syria và Iraq.
Ông cũng đã đóng vai trò rất tích cực trong việc Iran yểm trợ tổ chức Hezbollah ở Lebanon. Tướng Soleimani còn là một nhân vật rất thân cận với lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei. Vị giáo chủ này hiện vẫn chưa có phản ứng gì, nhưng cách đây hai ngày, ông đã báo trước là Tehran sẽ đáp trả mạnh mẽ mọi cuộc tấn công của Mỹ vào các lợi ích của Iran".
Phản ứng từ Iran và Iraq
Chính quyền Iran đã có những phản ứng mạnh mẽ. Tổng thống Iran, Hassan Rohani, là một trong những người đầu tiên lên tiếng, khẳng định rằng "Iran và các quốc gia tự do khác trong khu vực" sẽ "báo thù Mỹ, kẻ đã phạm tội ác giết người khủng khiếp này".
Về mặt ngoại giao, chính quyền Tehran đã triệu tập người đứng đầu đại sứ quán Thụy Sĩ, đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Iran, để tố cáo một hành vi "khủng bố nhà nước của Mỹ".
Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif, cũng lên án vụ không kích của Mỹ, gọi đấy là một hành động "cực kỳ nguy hiểm và là một sự leo thang ngu ngốc".
Còn tại Iraq, thủ tướng từ nhiệm, Adel Abdel Mahdi tố cáo chiến dịch không kích của Mỹ đã "vi phạm trắng trợn" một thỏa thuận an ninh song phương Iraq-Hoa Kỳ. Theo ông, hành động đó sẽ "châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tàn khốc ở Iraq". Các nhóm dân quân thân Iran hay chống Mỹ cũng ra lệnh cho lực lượng của họ sẵn sàng ứng chiến.
Qais al-Khazali, người đứng đầu nhóm Asaib Ahl al-Haq, thành viên quan trọng nhất trong liên minh Hash al-Chabi tập hợp các nhóm bán quân sự thân Iran, đã ra chỉ thị viết tay cho "mọi chiến binh trong lực lượng kháng chiến" là phải sẵn sàng vì "một chiến thắng vĩ đại" đang gần kề.
Còn giáo sĩ Moqtada Sadr thì đã kích hoạt trở lại lực lượng Quân đội Mahdi của ông, gần một thập kỷ sau khi đã giải thể lực lượng chống Mỹ khét tiếng này.
Tuy nhiên, theo hãng AFP, trên Quảng trường Tahrir ở thủ đô Baghdad, tâm điểm của một phong trào phản kháng kéo dài từ ba tháng qua chống chính quyền Iraq bị cho là thân Iran, nhiều người biểu tình đã hò reo hay nhảy múa đón mừng tin tướng Qasem Soleimani bị hạ sát.
Thanh Phương, Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 03/01/2019
********************
Tướng Soleimani 'thoát hiểm nhiều' để rồi trúng hỏa tiễn Mỹ
BBC, 03/01/2020
Tướng hai sao của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, ông Qasem Soleimani từng vài lần thoát chết trong 20 năm qua để rồi bị trúng hỏa tiễn do Tổng thống Donald Trump ra lệnh bắn hôm 03/01/2020 ở Iraq.
Ông Soleimani (không quấn khăn, thứ nhì từ bìa phải) trong lễ Ashura hồi năm 2019 do Giáo chủ Ali Khamenei (bên trái, đeo kính) chủ trì
Sinh năm 1957 trong gia đình nghèo khó ở tỉnh Kerman, miền Nam Iran, ông từng thích tập tạ và nghe giảng kinh sách đạo Hồi.
Vào quân đội năm 1979, chỉ sau sáu tuần huấn luyện Qasem Soleimani đã bị đưa ra trận.
Cuộc chiến đẫm máu Iran - Iraq, với Hoa Kỳ hậu thuẫn cho Iraq, là thời gian Soleimani được thử lửa.
Thành tích hoạt động ngoại tuyến (ngoài biên giới) đã khiến ông được phong anh hùng.
Từ 1998, ông làm tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds, xây dựng các cơ sở thân Iran tại Lebanon (nhóm vũ trang Hezbollah), Syria và dân quân đồng đạo Shia với Iran ở nước láng giềng Iraq.
Hoạt động tại Iraq và Syria
Nhưng vai trò của Soleimani chỉ thực sự nổi bật từ 2005.
Sau khi chính phủ Iraq được thành lập trở lại, các phe phái của cựu thủ tướng Ihrahim al-Jaafari và Nouri al-Maliki ngày càng trở nên có uy thế.
Họ đưa tổ chức Hồi giáo Shia Badr, thân Iran, trở thành lực lượng chính trị bán vũ trang lớn, kiểm soát cả bộ nội vụ và giao thông Iraq.
Soleimani đóng vai trò hỗ trợ tổ chức Badr huấn luyện nhân sự.
Năm 2011, ông ra lệnh cho các nhóm này sang Syria để hỗ trợ tổng thống Bashar al-Assad trong nội chiến.
Được mệnh danh là 'kiến trúc sư' của chiến lược giúp ông Assad, Soleimani đã trực tiếp chỉ huy nhiều cuộc hành quân.
Trong cuộc chiến chống nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS), một số đơn vị của Mặt trận Hashd al-Shaabi chống IS là do ông Soleimani chỉ huy.
Nhưng ông Soleimani có vẻ đã đi xa hơn nhiều công việc của một chỉ huy tình báo, quân sự bình thường.
Ông Jack Straw, bộ trưởng ngoại giao Anh 2001 - 2006, người đã thăm Iran nhiều lần, tin rằng Soleimani "trên thực tế đã điều khiển một chính sách ngoại giao khu vực" cho Iran, thông qua các tổ chức ngoại vi.
Cũng có ý kiến nói ông Soleimani còn nắm trong tay cả một mạng lưới kinh doanh và tài chính khổng lồ, trải rộng khắp Trung Đông.
Soleimani (trái) với Tổng thống Syria Bashar al-Assad (giữa) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở Tehran
Nhưng các hoạt động chống lại quyền lợi của nhiều phe phái gồm cả Hoa Kỳ, Israel cùng các nước Ả Rập thù địch với Iran khiến Soleimani trở thành mục tiêu.
Năm 2006, có nguồn tin đồn nói ông bị giết trong vụ tai nạn phi cơ ở Tây Iran, làm chết các sĩ quan nước này.
Năm 2012, có vụ đánh bom ở Damascus giết chết một số cố vấn cao cấp cho Tổng thống Assad, nhưng ông Soleimani không làm sao.
Tháng 11/2015, lại có tin Soleimani "đã chết" hoặc bị thương nặng khi dẫn quân đánh vào Aleppo, Syria.
Tháng 8/2019, Israel công khai nói cần "nhổ rễ" ông Soleimani.
Israel đã xác nhận oanh kích các đơn vị Quds ở Syria vì họ "dùng drone sát nhân".
Mới tháng 10 vừa qua, trong một động thái khác thường, Iran tiết lộ đã "phá được âm mưu" nhằm ám sát tướng Soleimani của "Israel và các cơ quan tình báo Ả Rập".
Cuối cùng thì hỏa tiễn Hoa Kỳ đã giết chết ông Soleimani.
Vụ việc ngay lập tức đẩy giá dầu thô đầu năm lên cao, và đặt ra nhiều câu hỏi về căng thẳng trong vùng.
Theo nhà phân tích Jonathan Marcus của BBC News, vụ oanh kích tại sân bay Baghdad, giết chết ông Soleimani và chín người khác, "thể hiện khả năng của tình báo Mỹ".
Nhưng thật khó tin là Iran sẽ không đáp trả mạnh mẽ, cho dù có thể chưa phải là ngay lập tức, ông Marcus viết trên trang BBC News.
Vẫn theo ông Marcus "sẽ không có Thế chiến III nổ ra" nhưng :
"Năm nghìn quân Mỹ ở Iraq là mục tiêu chắc chắn, và ngoài ra là các mục tiêu dân sự khác có thể sẽ bị Iran hoặc các nhóm thân hữu tấn công. Căng thẳng vùng Vịnh sẽ lên cao. Trước mắt là giá dầu bị tăng".
Chuẩn tướng (một sao) Esmail Qaani, 63 tuổi được bổ nhiệm thay vào vị trí của ông Soleimani, người mang hàm thiếu tướng (2 sao).
Trách nhiệm của ông Qaani hẳn sẽ rất nặng nề vì Quds hoạt động nhiều năm qua dưới sự chỉ đạo của ông Soleimani và nay cả lực lượng này bị Hoa Kỳ coi là kẻ thù.
Ông Qaani được biết đến như người công khai coi thường Hoa Kỳ và từng nói năm 2018 rằng chính phủ Mỹ "tạo ra vụ 9/11 để gây ra hỗn loạn ở Trung Đông".
Hiện có câu hỏi là cuộc oanh kích của Hoa Kỳ có "hợp pháp" hay không.
Quan điểm của Mỹ nói Quds là "tổ chức khủng bố" nên trở thành mục tiêu quân sự chính đáng, cần phải loại bỏ.
Tổng thống Trump được gì ?
Trong năm tranh cử ở Hoa Kỳ, căng thẳng gia tăng với Iran là một nhân tố quan trọng.
Vẫn theo ông Marcus, đây là dịp để Tổng thống Trump chứng tỏ cho Iran thấy tình báo Hoa Kỳ có khả năng ra tay chính xác ở tầm xa.
Iran sẽ phải tính đến chuyện ứng phó ra sao mà không thể bỏ qua yếu tố này.
Trong năm tranh cử 2020, quan ngại chính của Tổng thống Trump là làm sao tránh thương vong, tổn thất nhân sự của người Mỹ trong khu vực.
*****************
Iran : Sẽ ‘trả thù Mỹ tàn khốc’ sau cái chết của Tướng Soleimani
VOA, 03/01/2020
Iran hứa sẽ trả thù tàn khốc sau cuộc không kích của Mỹ vào Baghdad hôm 3/1 làm thiệt mạng Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran và kiến trúc sư giúp gia tăng ảnh hưởng quân sự của Iran ở Trung Đông.
Biểu tình ở Tehran lên án vụ sát hại Tướng Soleimani
Tướng Soleimani được coi là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran sau Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Cuộc tấn công trong đêm, do Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn thuận, đánh dấu sự leo thang gay cấn của ‘cuộc chiến trong bóng tối’ ở Trung Đông giữa Iran với Hoa Kỳ và các đồng minh, chủ yếu là Israel và Ả-rập Xê-út.
Chỉ huy dân quân hàng đầu của Iraq, ông Abu Mahdi al-Muhandis, cố vấn của Soleimani, cũng bị giết trong vụ không kích.
Iran lâu nay ở trong một cuộc xung đột kéo dài với Mỹ, và nó đã leo thang đáng kể trong tuần qua với cuộc tấn công của các dân quân thân Iran vào Đại sứ quán Mỹ ở Iraq sau cuộc không kích của Mỹ vào lực lượng dân quân Kataib Hezbollah do Muhandis thành lập.
Lầu Năm Góc cho biết "quân đội Mỹ đã có hành động phòng thủ quyết đoán để bảo vệ nhân viên Mỹ ở nước ngoài bằng cách giết chết Qasem Soleimani" và cuộc không kích là do ông Trump ra lệnh để ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai.
Các quan chức Mỹ nói với điều kiện giấu tên cho biết rằng Soleimani đã bị giết chết trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái. Vệ binh Cách mạng Iran thì nói rằng ông đã bị giết trong cuộc tấn công của trực thăng Mỹ.
Lo ngại về sự gián đoạn đối với nguồn cung dầu ở Trung Đông đã đẩy giá dầu tăng gần 3 đô la.
Đại giáo sĩ Khamenei cho biết sự trả thù tàn khốc đang chờ đợi "những tên tội phạm" đã giết chết ông Soleimani. Cái chết của ông, dù "đau xót", sẽ tăng gấp đôi động lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ và Israel, ông nói.
Trong một tuyên bố phát trên đài truyền hình nhà nước, ông tuyên bố ba ngày quốc tang.
Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad kêu gọi tất cả công dân Mỹ rời khỏi Iraq ngay lập tức.
‘Anh hùng bất tử’
Tướng Soleimani lãnh đạo Lực lượng Quds, cánh nước ngoài của Vệ binh Cách mạng và có vai trò chủ chốt trong cuộc chiến ở Syria và Iraq.
Trong hơn hai thập kỷ, ông đã ở tuyến đầu trong việc mở rộng ảnh hưởng quân sự của Iran trên khắp Trung Đông và trở thành người nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước.
Những người dẫn chương trình truyền hình của Iran mặc trang phục đen và phát hình ảnh Soleimani dùng ống nhòm nhìn sa mạc và chào đón một người lính, và Muhandis nói chuyện với những người ủng hộ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng vụ ám sát này sẽ càng khiến Iran quyết tâm hơn trong cuộc chiến chống Mỹ, trong khi Vệ binh Cách mạng cho biết các lực lượng chống Mỹ sẽ trả thù trên khắp thế giới Hồi giáo.
Hàng trăm người Iran đã tuần hành về phía khu phức hợp của lãnh tụ Khamenei ở trung tâm Tehran để gửi lời chia buồn.
"Tôi không phải là người ủng hộ chế độ nhưng tôi thích Soleimani. Ông ấy rất dũng cảm và ông ấy yêu Iran, tôi rất tiếc trước nỗi mất mát của chúng tôi", Mina Khosrozadeh, một người nội trợ ở Tehran, nói.
Ở Kerman, quê nhà của Soleimani, những người mặc đồ đen tụ tập trước nhà thân phụ ông. Họ khóc khi nghe đọc Kinh Koran.
"Các anh hùng không bao giờ chết. Cái chết của ông không thể là sự thật. Qasem Soleimani sẽ luôn sống mãi", Mohammad Reza Seraj, một giáo viên trung học nói.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết cuộc tấn công được thực hiện mà không có sự tham vấn và không được sự cho phép của Quốc hội trong việc sử dụng lực lượng quân sự chống lại Iran.
Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã lên án vụ tấn công này là vi phạm các điều kiện để Mỹ duy trì sự hiện diện quân đội ở Iraq và là một hành động hung hăng xâm phạm chủ quyền của Iraq cũng như sẽ dẫn đến chiến tranh.
Giáo sĩ Shi'ite Iraq Moqtada al-Sadr, người tự thể hiện mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc có lập trường bác bỏ ảnh hưởng của cả Iran và Mỹ, đã ra lệnh cho những người ủng hộ ông sẵn sàng bảo vệ Iraq và kêu gọi tất cả các bên hành xử khôn ngoan.
Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã lên án điều mà họ gọi là sự xâm lược của Mỹ.
Israel từ lâu đã coi Soleimani là mối đe dọa lớn. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã cắt ngắn chuyến đi tới Hy Lạp và Đài phát thanh quân đội Israel cho biết quân đội nước này được dtrong tình trạng cảnh giác cao độ.
*****************
Mỹ : Có dấu hiệu Iran và đồng minh đang chuẩn bị tấn công
VOA, 03/01/2020
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 2/1 loan báo có những chỉ dấu cho thấy Iran hay những lực lượng được nước này ủng hộ có thể đang có kế hoạch tấn công thêm nữa và cho biết có khả năng Hoa Kỳ có thể có những hành động phủ đầu để bảo vệ người Mỹ.
Bộ trưởng quốc phòng Mark Esper nói về những cuộc không kích của Mỹ ở Iraq và Syria tại nơi nghỉ mát Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, ngày 29/12/2019.
Bộ trưởng Esper nói với các phóng viên : "Có một số chỉ dấu cho thấy họ đang chuẩn bị mở thêm những cuộc tấn công, điều này không có gì mới…chúng ta đã thấy trong vòng hai hay ba tháng qua".
"Nếu việc này xảy ra, chúng ta sẽ hành động và nếu chúng ta được tin hay có một số chỉ dấu về việc tấn công, chúng ta sẽ đánh phủ đầu cũng như bảo vệ các lực lượng Hoa Kỳ để bảo vệ người Mỹ".
Người biểu tình được Iran hỗ trợ ném đá vào tòa đại sứ Mỹ trong hai ngày biểu tình đã rút lui hôm 1/1/2020 sau khi Washington điều động thêm binh sĩ Mỹ đến tòa đại sứ.
Tổng thống Donald Trump, đang đối mặt với chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020, cáo buộc Iran dàn dựng bạo động. Ngày 31/12/2019, ông đe dọa trả đũa Iran nhưng sau đó ông nói là ông không muốn chiến tranh.
Xáo trộn bên ngoài tòa đại sứ Mỹ tại Baghdad diễn ra sau khi Hoa Kỳ không kích hôm 29/12/2019 vào những căn cứ của nhóm Kataib Hezbollah được Iran yểm trợ, làm 25 người thiệt mạng để trả đũa vụ tấn công bằng phi đạn làm một nhân viên khế ước Mỹ thiệt mạng tại miền bắc Iraq trong tuần qua.
Các cuộc biểu tình đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc chiến sau hậu trường giữa Washington và Tehran tại Trung Đông.
Ông Esper nói "Cuộc chơi đã thay đổi và chúng ta chuẩn bị làm những việc cần thiết để bảo vệ nhân viên của chúng ta và những quyền lợi và đối tác của chúng ta trong khu vực".
Trong cùng cuộc họp báo, nói có một chiến dịch lâu dài của Kataib Hezbollah chống lại người Mỹ ít nhất kể từ tháng 10 và cuộc tấn công bằng phi đạn tại bắc Iraq nhằm mục đích sát thương.
"31 rocket không phải là để cảnh cáo mà là để gây thiệt hại và sát thương", Tướng Milley nói.