Mỹ tiêu diệt một tướng Iran đầy quyền lực tại Iraq
Thanh Phương-Trọng Nghĩa, RFI, 03/01/2020
Ba ngày sau vụ tấn công vào sứ quán Mỹ ở Bagdad, sáng sớm ngày 03/01/2020, viên tướng rất có thế lực, Qasem Soleimani, đặc sứ của Iran về các vấn đề Iraq, đã thiệt mạng trong một vụ oanh kích của Mỹ gần Bagdad.
Tướng Qasem Soleimani. Ảnh chụp này 01/10/2019, ở Tehran, Iran. AFP Photos/Khamenei.IR via Handout
Trong số 8 người khác bị giết chết, còn có Abou Mehdi al-Mouhandis, nhân vật số hai của tổ chức Iraq Hash al-Chabi, thân Iran.
Theo thông báo của Lầu Năm Góc, chính tổng thống Donald Trump đã ra lệnh hạ sát Soleimani. Vụ oanh kích của Mỹ là nhằm đáp trả vụ tấn công vào sứ quán Hoa Kỳ ở Bagdad, cũng như các vụ bắn rocket vào các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ, xảy ra từ nhiều tuần qua.
Phía Iran đã xác nhận cái chết của tướng Soleimani. Từ Tehran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình :
"Trong một thông cáo, lực lượng Vệ binh Cách mạng báo tin là tướng Soleimani đã thiệt mạng trong một vụ oanh kích bằng trực thăng Mỹ gần sân bay Bagdad.
Theo bản thông cáo, nhiều nhân vật thân cận của tướng Soleimani cũng như các chỉ huy của tổ chức Iraq Hash al-Chabi, mà Iran vẫn yểm trợ, cũng đã bị giết khi đoàn xe của họ bị trực thăng Mỹ oanh kích.
Trong những năm gần đây, tướng Soleimani đã đóng vai trò quan trọng trong vùng này. Chính ông là người đề ra chính sách của Iran yểm trợ cho chế độ của tổng thống Syria Bachar al-Assad.
Sau đó, cũng chính ông đã trực tiếp tham gia vào việc thành lập các lực lượng dân quân Iraq để chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh. Trong những năm gần đây, người ta thấy nhiều bức ảnh chụp ông đang chỉ huy nhiều chiến dịch quân sự ở Syria và Iraq.
Ông cũng đã đóng vai trò rất tích cực trong việc Iran yểm trợ tổ chức Hezbollah ở Lebanon. Tướng Soleimani còn là một nhân vật rất thân cận với lãnh đạo tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei. Vị giáo chủ này hiện vẫn chưa có phản ứng gì, nhưng cách đây hai ngày, ông đã báo trước là Tehran sẽ đáp trả mạnh mẽ mọi cuộc tấn công của Mỹ vào các lợi ích của Iran".
Phản ứng từ Iran và Iraq
Chính quyền Iran đã có những phản ứng mạnh mẽ. Tổng thống Iran, Hassan Rohani, là một trong những người đầu tiên lên tiếng, khẳng định rằng "Iran và các quốc gia tự do khác trong khu vực" sẽ "báo thù Mỹ, kẻ đã phạm tội ác giết người khủng khiếp này".
Về mặt ngoại giao, chính quyền Tehran đã triệu tập người đứng đầu đại sứ quán Thụy Sĩ, đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Iran, để tố cáo một hành vi "khủng bố nhà nước của Mỹ".
Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif, cũng lên án vụ không kích của Mỹ, gọi đấy là một hành động "cực kỳ nguy hiểm và là một sự leo thang ngu ngốc".
Còn tại Iraq, thủ tướng từ nhiệm, Adel Abdel Mahdi tố cáo chiến dịch không kích của Mỹ đã "vi phạm trắng trợn" một thỏa thuận an ninh song phương Iraq-Hoa Kỳ. Theo ông, hành động đó sẽ "châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tàn khốc ở Iraq". Các nhóm dân quân thân Iran hay chống Mỹ cũng ra lệnh cho lực lượng của họ sẵn sàng ứng chiến.
Qais al-Khazali, người đứng đầu nhóm Asaib Ahl al-Haq, thành viên quan trọng nhất trong liên minh Hash al-Chabi tập hợp các nhóm bán quân sự thân Iran, đã ra chỉ thị viết tay cho "mọi chiến binh trong lực lượng kháng chiến" là phải sẵn sàng vì "một chiến thắng vĩ đại" đang gần kề.
Còn giáo sĩ Moqtada Sadr thì đã kích hoạt trở lại lực lượng Quân đội Mahdi của ông, gần một thập kỷ sau khi đã giải thể lực lượng chống Mỹ khét tiếng này.
Tuy nhiên, theo hãng AFP, trên Quảng trường Tahrir ở thủ đô Baghdad, tâm điểm của một phong trào phản kháng kéo dài từ ba tháng qua chống chính quyền Iraq bị cho là thân Iran, nhiều người biểu tình đã hò reo hay nhảy múa đón mừng tin tướng Qasem Soleimani bị hạ sát.
Thanh Phương, Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 03/01/2019
********************
Tướng Soleimani 'thoát hiểm nhiều' để rồi trúng hỏa tiễn Mỹ
BBC, 03/01/2020
Tướng hai sao của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, ông Qasem Soleimani từng vài lần thoát chết trong 20 năm qua để rồi bị trúng hỏa tiễn do Tổng thống Donald Trump ra lệnh bắn hôm 03/01/2020 ở Iraq.
Ông Soleimani (không quấn khăn, thứ nhì từ bìa phải) trong lễ Ashura hồi năm 2019 do Giáo chủ Ali Khamenei (bên trái, đeo kính) chủ trì
Sinh năm 1957 trong gia đình nghèo khó ở tỉnh Kerman, miền Nam Iran, ông từng thích tập tạ và nghe giảng kinh sách đạo Hồi.
Vào quân đội năm 1979, chỉ sau sáu tuần huấn luyện Qasem Soleimani đã bị đưa ra trận.
Cuộc chiến đẫm máu Iran - Iraq, với Hoa Kỳ hậu thuẫn cho Iraq, là thời gian Soleimani được thử lửa.
Thành tích hoạt động ngoại tuyến (ngoài biên giới) đã khiến ông được phong anh hùng.
Từ 1998, ông làm tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds, xây dựng các cơ sở thân Iran tại Lebanon (nhóm vũ trang Hezbollah), Syria và dân quân đồng đạo Shia với Iran ở nước láng giềng Iraq.
Hoạt động tại Iraq và Syria
Nhưng vai trò của Soleimani chỉ thực sự nổi bật từ 2005.
Sau khi chính phủ Iraq được thành lập trở lại, các phe phái của cựu thủ tướng Ihrahim al-Jaafari và Nouri al-Maliki ngày càng trở nên có uy thế.
Họ đưa tổ chức Hồi giáo Shia Badr, thân Iran, trở thành lực lượng chính trị bán vũ trang lớn, kiểm soát cả bộ nội vụ và giao thông Iraq.
Soleimani đóng vai trò hỗ trợ tổ chức Badr huấn luyện nhân sự.
Năm 2011, ông ra lệnh cho các nhóm này sang Syria để hỗ trợ tổng thống Bashar al-Assad trong nội chiến.
Được mệnh danh là 'kiến trúc sư' của chiến lược giúp ông Assad, Soleimani đã trực tiếp chỉ huy nhiều cuộc hành quân.
Trong cuộc chiến chống nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS), một số đơn vị của Mặt trận Hashd al-Shaabi chống IS là do ông Soleimani chỉ huy.
Nhưng ông Soleimani có vẻ đã đi xa hơn nhiều công việc của một chỉ huy tình báo, quân sự bình thường.
Ông Jack Straw, bộ trưởng ngoại giao Anh 2001 - 2006, người đã thăm Iran nhiều lần, tin rằng Soleimani "trên thực tế đã điều khiển một chính sách ngoại giao khu vực" cho Iran, thông qua các tổ chức ngoại vi.
Cũng có ý kiến nói ông Soleimani còn nắm trong tay cả một mạng lưới kinh doanh và tài chính khổng lồ, trải rộng khắp Trung Đông.
Soleimani (trái) với Tổng thống Syria Bashar al-Assad (giữa) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở Tehran
Nhưng các hoạt động chống lại quyền lợi của nhiều phe phái gồm cả Hoa Kỳ, Israel cùng các nước Ả Rập thù địch với Iran khiến Soleimani trở thành mục tiêu.
Năm 2006, có nguồn tin đồn nói ông bị giết trong vụ tai nạn phi cơ ở Tây Iran, làm chết các sĩ quan nước này.
Năm 2012, có vụ đánh bom ở Damascus giết chết một số cố vấn cao cấp cho Tổng thống Assad, nhưng ông Soleimani không làm sao.
Tháng 11/2015, lại có tin Soleimani "đã chết" hoặc bị thương nặng khi dẫn quân đánh vào Aleppo, Syria.
Tháng 8/2019, Israel công khai nói cần "nhổ rễ" ông Soleimani.
Israel đã xác nhận oanh kích các đơn vị Quds ở Syria vì họ "dùng drone sát nhân".
Mới tháng 10 vừa qua, trong một động thái khác thường, Iran tiết lộ đã "phá được âm mưu" nhằm ám sát tướng Soleimani của "Israel và các cơ quan tình báo Ả Rập".
Cuối cùng thì hỏa tiễn Hoa Kỳ đã giết chết ông Soleimani.
Vụ việc ngay lập tức đẩy giá dầu thô đầu năm lên cao, và đặt ra nhiều câu hỏi về căng thẳng trong vùng.
Theo nhà phân tích Jonathan Marcus của BBC News, vụ oanh kích tại sân bay Baghdad, giết chết ông Soleimani và chín người khác, "thể hiện khả năng của tình báo Mỹ".
Nhưng thật khó tin là Iran sẽ không đáp trả mạnh mẽ, cho dù có thể chưa phải là ngay lập tức, ông Marcus viết trên trang BBC News.
Vẫn theo ông Marcus "sẽ không có Thế chiến III nổ ra" nhưng :
"Năm nghìn quân Mỹ ở Iraq là mục tiêu chắc chắn, và ngoài ra là các mục tiêu dân sự khác có thể sẽ bị Iran hoặc các nhóm thân hữu tấn công. Căng thẳng vùng Vịnh sẽ lên cao. Trước mắt là giá dầu bị tăng".
Chuẩn tướng (một sao) Esmail Qaani, 63 tuổi được bổ nhiệm thay vào vị trí của ông Soleimani, người mang hàm thiếu tướng (2 sao).
Trách nhiệm của ông Qaani hẳn sẽ rất nặng nề vì Quds hoạt động nhiều năm qua dưới sự chỉ đạo của ông Soleimani và nay cả lực lượng này bị Hoa Kỳ coi là kẻ thù.
Ông Qaani được biết đến như người công khai coi thường Hoa Kỳ và từng nói năm 2018 rằng chính phủ Mỹ "tạo ra vụ 9/11 để gây ra hỗn loạn ở Trung Đông".
Hiện có câu hỏi là cuộc oanh kích của Hoa Kỳ có "hợp pháp" hay không.
Quan điểm của Mỹ nói Quds là "tổ chức khủng bố" nên trở thành mục tiêu quân sự chính đáng, cần phải loại bỏ.
Tổng thống Trump được gì ?
Trong năm tranh cử ở Hoa Kỳ, căng thẳng gia tăng với Iran là một nhân tố quan trọng.
Vẫn theo ông Marcus, đây là dịp để Tổng thống Trump chứng tỏ cho Iran thấy tình báo Hoa Kỳ có khả năng ra tay chính xác ở tầm xa.
Iran sẽ phải tính đến chuyện ứng phó ra sao mà không thể bỏ qua yếu tố này.
Trong năm tranh cử 2020, quan ngại chính của Tổng thống Trump là làm sao tránh thương vong, tổn thất nhân sự của người Mỹ trong khu vực.
*****************
Iran : Sẽ ‘trả thù Mỹ tàn khốc’ sau cái chết của Tướng Soleimani
VOA, 03/01/2020
Iran hứa sẽ trả thù tàn khốc sau cuộc không kích của Mỹ vào Baghdad hôm 3/1 làm thiệt mạng Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran và kiến trúc sư giúp gia tăng ảnh hưởng quân sự của Iran ở Trung Đông.
Biểu tình ở Tehran lên án vụ sát hại Tướng Soleimani
Tướng Soleimani được coi là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran sau Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Cuộc tấn công trong đêm, do Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn thuận, đánh dấu sự leo thang gay cấn của ‘cuộc chiến trong bóng tối’ ở Trung Đông giữa Iran với Hoa Kỳ và các đồng minh, chủ yếu là Israel và Ả-rập Xê-út.
Chỉ huy dân quân hàng đầu của Iraq, ông Abu Mahdi al-Muhandis, cố vấn của Soleimani, cũng bị giết trong vụ không kích.
Iran lâu nay ở trong một cuộc xung đột kéo dài với Mỹ, và nó đã leo thang đáng kể trong tuần qua với cuộc tấn công của các dân quân thân Iran vào Đại sứ quán Mỹ ở Iraq sau cuộc không kích của Mỹ vào lực lượng dân quân Kataib Hezbollah do Muhandis thành lập.
Lầu Năm Góc cho biết "quân đội Mỹ đã có hành động phòng thủ quyết đoán để bảo vệ nhân viên Mỹ ở nước ngoài bằng cách giết chết Qasem Soleimani" và cuộc không kích là do ông Trump ra lệnh để ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai.
Các quan chức Mỹ nói với điều kiện giấu tên cho biết rằng Soleimani đã bị giết chết trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái. Vệ binh Cách mạng Iran thì nói rằng ông đã bị giết trong cuộc tấn công của trực thăng Mỹ.
Lo ngại về sự gián đoạn đối với nguồn cung dầu ở Trung Đông đã đẩy giá dầu tăng gần 3 đô la.
Đại giáo sĩ Khamenei cho biết sự trả thù tàn khốc đang chờ đợi "những tên tội phạm" đã giết chết ông Soleimani. Cái chết của ông, dù "đau xót", sẽ tăng gấp đôi động lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ và Israel, ông nói.
Trong một tuyên bố phát trên đài truyền hình nhà nước, ông tuyên bố ba ngày quốc tang.
Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad kêu gọi tất cả công dân Mỹ rời khỏi Iraq ngay lập tức.
‘Anh hùng bất tử’
Tướng Soleimani lãnh đạo Lực lượng Quds, cánh nước ngoài của Vệ binh Cách mạng và có vai trò chủ chốt trong cuộc chiến ở Syria và Iraq.
Trong hơn hai thập kỷ, ông đã ở tuyến đầu trong việc mở rộng ảnh hưởng quân sự của Iran trên khắp Trung Đông và trở thành người nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước.
Những người dẫn chương trình truyền hình của Iran mặc trang phục đen và phát hình ảnh Soleimani dùng ống nhòm nhìn sa mạc và chào đón một người lính, và Muhandis nói chuyện với những người ủng hộ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng vụ ám sát này sẽ càng khiến Iran quyết tâm hơn trong cuộc chiến chống Mỹ, trong khi Vệ binh Cách mạng cho biết các lực lượng chống Mỹ sẽ trả thù trên khắp thế giới Hồi giáo.
Hàng trăm người Iran đã tuần hành về phía khu phức hợp của lãnh tụ Khamenei ở trung tâm Tehran để gửi lời chia buồn.
"Tôi không phải là người ủng hộ chế độ nhưng tôi thích Soleimani. Ông ấy rất dũng cảm và ông ấy yêu Iran, tôi rất tiếc trước nỗi mất mát của chúng tôi", Mina Khosrozadeh, một người nội trợ ở Tehran, nói.
Ở Kerman, quê nhà của Soleimani, những người mặc đồ đen tụ tập trước nhà thân phụ ông. Họ khóc khi nghe đọc Kinh Koran.
"Các anh hùng không bao giờ chết. Cái chết của ông không thể là sự thật. Qasem Soleimani sẽ luôn sống mãi", Mohammad Reza Seraj, một giáo viên trung học nói.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết cuộc tấn công được thực hiện mà không có sự tham vấn và không được sự cho phép của Quốc hội trong việc sử dụng lực lượng quân sự chống lại Iran.
Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã lên án vụ tấn công này là vi phạm các điều kiện để Mỹ duy trì sự hiện diện quân đội ở Iraq và là một hành động hung hăng xâm phạm chủ quyền của Iraq cũng như sẽ dẫn đến chiến tranh.
Giáo sĩ Shi'ite Iraq Moqtada al-Sadr, người tự thể hiện mình là một người theo chủ nghĩa dân tộc có lập trường bác bỏ ảnh hưởng của cả Iran và Mỹ, đã ra lệnh cho những người ủng hộ ông sẵn sàng bảo vệ Iraq và kêu gọi tất cả các bên hành xử khôn ngoan.
Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã lên án điều mà họ gọi là sự xâm lược của Mỹ.
Israel từ lâu đã coi Soleimani là mối đe dọa lớn. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã cắt ngắn chuyến đi tới Hy Lạp và Đài phát thanh quân đội Israel cho biết quân đội nước này được dtrong tình trạng cảnh giác cao độ.
*****************
Mỹ : Có dấu hiệu Iran và đồng minh đang chuẩn bị tấn công
VOA, 03/01/2020
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 2/1 loan báo có những chỉ dấu cho thấy Iran hay những lực lượng được nước này ủng hộ có thể đang có kế hoạch tấn công thêm nữa và cho biết có khả năng Hoa Kỳ có thể có những hành động phủ đầu để bảo vệ người Mỹ.
Bộ trưởng quốc phòng Mark Esper nói về những cuộc không kích của Mỹ ở Iraq và Syria tại nơi nghỉ mát Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, ngày 29/12/2019.
Bộ trưởng Esper nói với các phóng viên : "Có một số chỉ dấu cho thấy họ đang chuẩn bị mở thêm những cuộc tấn công, điều này không có gì mới…chúng ta đã thấy trong vòng hai hay ba tháng qua".
"Nếu việc này xảy ra, chúng ta sẽ hành động và nếu chúng ta được tin hay có một số chỉ dấu về việc tấn công, chúng ta sẽ đánh phủ đầu cũng như bảo vệ các lực lượng Hoa Kỳ để bảo vệ người Mỹ".
Người biểu tình được Iran hỗ trợ ném đá vào tòa đại sứ Mỹ trong hai ngày biểu tình đã rút lui hôm 1/1/2020 sau khi Washington điều động thêm binh sĩ Mỹ đến tòa đại sứ.
Tổng thống Donald Trump, đang đối mặt với chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020, cáo buộc Iran dàn dựng bạo động. Ngày 31/12/2019, ông đe dọa trả đũa Iran nhưng sau đó ông nói là ông không muốn chiến tranh.
Xáo trộn bên ngoài tòa đại sứ Mỹ tại Baghdad diễn ra sau khi Hoa Kỳ không kích hôm 29/12/2019 vào những căn cứ của nhóm Kataib Hezbollah được Iran yểm trợ, làm 25 người thiệt mạng để trả đũa vụ tấn công bằng phi đạn làm một nhân viên khế ước Mỹ thiệt mạng tại miền bắc Iraq trong tuần qua.
Các cuộc biểu tình đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc chiến sau hậu trường giữa Washington và Tehran tại Trung Đông.
Ông Esper nói "Cuộc chơi đã thay đổi và chúng ta chuẩn bị làm những việc cần thiết để bảo vệ nhân viên của chúng ta và những quyền lợi và đối tác của chúng ta trong khu vực".
Trong cùng cuộc họp báo, nói có một chiến dịch lâu dài của Kataib Hezbollah chống lại người Mỹ ít nhất kể từ tháng 10 và cuộc tấn công bằng phi đạn tại bắc Iraq nhằm mục đích sát thương.
"31 rocket không phải là để cảnh cáo mà là để gây thiệt hại và sát thương", Tướng Milley nói.