Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chế độ độc tài Syria sụp đổ : Cơ hội thay đổi lớn tại Trung Đông

Các diễn biến tại Syria sau khi chế độ độc tài Assad sụp đổ, với các hiểm họa và cơ hội, tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo Pháp, hôm nay, 11/12/2024. Một hồ sơ lớn khác là nỗ lực của tổng thống Pháp nhằm nhanh chóng tìm được một thủ tướng mới.

cohoi1

Người dân Syria ăn mừng lật đổ Bachar al-Assad ở Vienna, Áo, ngày 08/12/2024. © Elisabeth Mandl / Reuters

"Nhập cư, khủng bố… các thách thức của thời kỳ hậu Assad" là tựa trang nhất Le Figaro. Libération dành chủ đề chính cho "Giữa hy vọng và lo ngại : Syria, năm Zero". Le Monde dành số đặc biệt cho "Nước Syria chứng kiến những tội ác kinh hoàng của chế độ Assad". "Trung Đông tái định hình sau khi Assad sụp đổ" là tựa chính của L’Humanité.

Le Figaro dành nhiều bài để nói về đe dọa khủng bố gia tăng sau khi Assas sụp đổ. Bài "Chiến thắng của phe nổi dậy Syria và các đe dọa khủng bố Hồi giáo tại Pháp" chú ý trước hết đến phát biểu của thủ lĩnh lực lượng HTS thắng trận, Abu Mohammad al-Golani, tại nhà thờ Hồi giáo Ommeyades, thủ đô Damascus, ca ngợi một chiến thắng của "toàn khu vực", cũng như của "umma" - cộng đồng Hồi giáo thế giới. Theo Le Figaro, việc sử dụng từ ngữ này một mặt là điều "bắt buộc" đối với thủ lĩnh phe chiến thắng trong một xã hội mà đạo Hồi là tôn giáo của đa số, mặt khác không khỏi kích động tinh thần thánh chiến của các phần tử cực đoan tại Pháp.

Hàng loạt lý do khiến thánh chiến trỗi dậy

Hàng loạt lý do được Le Figaro nêu ra để chứng minh cho nguy cơ khủng bố đè nặng lên nước Pháp, trong đó có việc các phần tử thánh chiến trước đây bị kìm chân tại tỉnh tây bắc Idleb, Syria, căn cứ địa của phong trào HTS, giờ đây có khả năng rảnh tay hoạt động. Tình hình tương tự với việc nhiều phần tử thánh chiến bị lực lượng người Kurdistan giam giữ có nguy cơ tẩu thoát, trong bối cảnh các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân tại các khu vực đông bắc Syria.

Bài "Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh chờ đợi hỗn loạn, và chuẩn bị trở lại" của Le Figaro dẫn lời của giám đốc khoa học của Soufan Center, ở New York, "hỗn loạn chắc chắn sẽ là cơ hội tuyệt vời với Daesh. Lực lượng này đang chờ đợi thời cơ, trong lúc tìm cách tái xây dựng một cách từ từ nhưng chắc chắn các mạng lưới trên khắp cả nước".

Liên minh quốc tế chống thánh chiến phải đổi kế hoạch

Về chủ đề này, Le Monde cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh cố gắng để việc lực lượng nổi dậy HTS chiếm thủ đô Syria không tạo cơ hội cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo củng cố lực lượng. Vào đầu mùa thu năm nay, liên minh quốc tế chống Daesh, do Mỹ đứng đầu, đã có kế hoạch rút quân khỏi Syria và Iraq kể từ đầu năm tới, tuy nhiên việc chế độ Assad bất ngờ bị lật đổ buộc liên minh phải xem xét lại kế hoạch. Trên thực tế, trước khi Assad sụp đổ, Mỹ và các đồng minh đã lo ngại về sự trỗi dậy của Daesh tại các vùng biên giới Syria – Iraq, và xa hơn. Chưa bao giờ bạo lực lại dâng cao tại khu vực này kể từ năm 2019. Lý do kích phát là cuộc tấn công khủng bố của Hamas tại Israel ngày 7/10/2023, và chiến tranh Gaza.

Trung Đông : Cơ hội 2003 bị bỏ lỡ

Nếu như Le Figaro tập trung vào đe dọa khủng bố gia tăng với nước Pháp, Le Monde hướng cái nhìn về triển vọng thay đổi lớn tại khu vực Trung Cận Đông. Bài xã luận "Một cơ hội cho Cận Đông cần nắm lấy" của Le Monde so sánh thời điểm hiện tại với năm 2003, khi chế độ độc tài Saddam Hussein sụp đổ tại Iraq. Cơ hội đã bị bỏ lỡ vào thời điểm đó. "Thay vì thiết lập nên một chế độ đa nguyên, nếu không phải là dân chủ, ở Bagdad, quan tâm đến các lợi ích của người dân Iraq, cuộc xâm chiếm của Mỹ… rốt cuộc đã gieo rắc hỗn loạn lâu dài, làm bùng lên phong trào Hồi giáo vũ trang, và góp phần tích cực vào việc gia tăng sức mạnh của Iran". Kết quả là các lực lượng theo hệ phái Shia, với Iran là hạt nhân, đã bành trướng mạnh mẽ cho đến bờ đông Địa Trung Hải và "tái khởi động cuộc chiến tranh lạnh với các nước theo hệ phái Sunni, cùng Israel".

Các cường quốc khu vực cần kiềm chế

Hai mươi mốt năm sau, theo Le Monde, khu vực Trung Cận Đông một lần nữa đứng trước một tình thế tương tự. Sự sụp đổ của chế độ độc tài Assad, thống trị Syria nửa thế kỷ, có nguy cơ dẫn đến những hỗn loạn kinh hoàng tương tự, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội. Cụ thể là với sự suy yếu của lực lượng Hezbollah ở Lebanon, sau các chiến dịch tấn công của Israel, và việc trục Iran – Iraq – Syria bị cắt đứt, có thể tạo điều kiện cho việc tái lập các định chế nhà nước tại Lebanon. Chế độ Hồi giáo Iran, suy yếu hơn hẳn, cũng đang buộc phải tìm thỏa hiệp với cựu thù Saudi Arabia.

Sau nhiều thập niên chiến tranh, hỗn loạn, người dân Trung Cận Đông khao khát được yên ổn. Để biến cơ hội thành hiện thực, theo Le Monde, các thế lực chủ chốt tại khu vực phải ứng xử kiềm chế, và có trách nhiệm. Israel phải chấm dứt cuộc chiến tàn bạo tại Gaza, ngừng leo thang tại West Bank, kiềm chế trong các tham vọng lãnh thổ tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nước láng giềng.

Cơ hội lớn, hiểm họa lớn : Syria trước ngã ba đường

L’Humanité hướng cái nhìn về lực lượng HTS, ông chủ mới của Syria trong hồ sơ "Khu vực Trung Đông với tương lai đầy bất trắc của một nước Syria mới". Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, Gier Pederson, cũng thừa nhận "Syria đang đứng trước ngã ba đường : Một bên là những cơ hội rất lớn, bên kia là các hiểm họa rất lớn, và chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng cả hai". Theo L’Humanité, hành xử trong những ngày vừa qua của phe chiến thắng, bảo vệ trật tự tại thủ đô, bắt đầu chuyển giao quyền lực trong ôn hòa, trước hết là để đáp ứng các đòi hỏi "của hai thế lực đỡ đầu, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, và trên một mức độ nhất định là Mỹ, Saudi Arabia và Israel". Hành xử này là một dấu hiệu sơ bộ cho thấy nước Syria mới có thể đóng góp vào việc xây dựng một khu vực Trung Đông mới.

Theo L’Humanité, lực lượng của thủ lĩnh Golani "có thể loại trừ Daesh", khiến Mỹ hài lòng, và đẩy lui người Kurdistan, khiến Thổ Nhĩ Kỳ hài lòng. Các ẩn số lớn hiện nay là "chế độ Hồi giáo" mà HTS có thể thiết lập tại Syria là chế độ như thế nào, và số phận các căn cứ hải quân và không quân Nga tại Syria sẽ ra sao.

Châu Âu không có "lá bài" nào khác hơn là HTS

Bài xã luận của Le Figaro coi Syria hơn bao giờ hết "là thùng thuốc súng", và Châu Âu đã trả giá đắt để hiểu rõ là làn sóng di cư và mối đe dọa khủng bố đối với châu lục phụ thuộc trực tiếp vào việc đất nước này có bình ổn hay không. Trong bối cảnh hiện nay, "các lãnh đạo Châu Âu không có lá bài nào khác là lực lượng HTS". Đây rõ ràng không phải là một đối tác "lý tưởng, nhưng còn hơn là hỗn loạn". Le Figaro nhấn mạnh : Châu Âu không có lựa chọn nào khác hơn là để cho lực lượng này "một cơ hội", bởi nếu Golani thất bại, toàn châu lục sẽ bị đe dọa.

"Macron vẫn tiếp tục tìm chính phủ"

Về thời sự nước Pháp, "Macron vẫn tiếp tục tìm chính phủ" là một hồ sơ trang nhất của Le Monde. Hôm qua, tổng thống Pháp có cuộc họp với tất cả lãnh đạo các đảng chấp nhận "lô gíc thỏa hiệp", ngoài hai đảng cực hữu và cực tả. Trong bối cảnh hiện tại khó có hy vọng cho một chính phủ "đoàn kết dân tộc" như tổng thống mong muốn, hai đảng Xã hội cánh tả và Những người Cộng hòa cánh hữu cho biết sẵn sàng thảo luận về "một thỏa thuận tối thiểu về các điều kiện, mà hai đảng này có thể chấp nhận sẽ không bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới, trong lúc vẫn duy trì vị thế của một đảng đối lập".

Về chủ đề này, Le Figaro có bài "Các đảng thừa nhận những bất đồng giữa họ, Macron cam kết sẽ khẩn trương hơn". Tổng thống Pháp đã cam kết sẽ bổ nhiệm thủ tướng mới trong vòng 48 giờ, và nhân vật này sẽ thương lượng với các đảng về một cam kết không bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới.

Về triển vọng bổ nhiệm chính phủ mới, Libération cho biết "Tại điện Elysée, các đảng vẫn chưa tìm được một thỏa thuận". Theo Libération, các đảng có mặt tại phủ tổng thống hôm qua không loại trừ việc lập một "chính phủ chung", nhưng cũng tính đến việc phải đạt một thỏa hiệp về không bỏ phiếu bất tín nhiệm, được coi là phương án B, trong trường hợp không đạt thỏa thuận về một chính phủ liên hiệp.

"Phương pháp mới của Macron"

Bài xã luận của nhật báo công giáo La Croix chú ý đến "phương pháp mới của Macron". Theo La Croix thừa nhận, đặt hy vọng vào một chính phủ liên hiệp, bao gồm các bộ trưởng thuộc Đảng cộng sản Pháp và đảng Những người Cộng hòa, là "ảo tưởng", nhưng điều mà các chính khách có thể làm được trong bối cảnh hiện nay là "nhân nhượng lẫn nhau", để không lật đổ chính phủ mới.

Chính phủ bị lật đổ : "Bài học" cho cựu thủ tướng Barnier và cho chính giới Pháp

Về các nỗ lực lập chính phủ mới tại Pháp, Les Echos có bài viết đáng chú ý mang tựa đề : "Bốn bài học cho cựu thủ tướng Barnier". Vì sao lại là bốn bài học cho cựu thủ tướng ? Nguyên do là vì trước khi đảm nhận chức thủ tướng, ngắn nhất trong lịch sử đệ ngũ Cộng hòa Pháp, ông Michel Barnier đã gần hoàn tất cuốn hồi ký "120 bài học cuộc đời". Les Echos đề nghị vị thủ tướng vừa bị lật đổ rút ra ít nhất bốn bài học mới. Trong đó, ba bài học đầu tiên là cho cá nhân ông Barnier, và bài học thứ tư vừa cho ông, vừa cho cả chính giới Pháp.

Bài học thứ nhất là hoàn toàn không thể tin tưởng ở lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen, bởi sự tráo trở của nhà lãnh đạo này. Les Echos nhắc cựu tổng thống một bài học xương máu khác là không nên từ bỏ những vấn đề mang tính nguyên tắc, cụ thể như việc ông đã xóa bỏ "nguyên tắc công bằng về thuế" trong dự thảo luật sau cùng nhằm làm hài lòng đối thủ chính trị.

Một bài học cho cá nhân cựu thủ tướng, nhưng cũng là cho tất cả, đó là đoàn kết nhiều khi chỉ có được sau khi đã có sự hy sinh. Chính phủ Barnier bị lật đổ, nhưng chính hành động lật đổ này đã làm lộ rõ sự cực đoan của đảng Xã hội. Ngay sau đó, đảng Xã hội đã buộc phải chấp nhận thay đổi, chấp nhận hướng đến một thỏa hiệp vì quyền lợi chung của đất nước, từ bỏ lập trường cứng rắn của liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới. Khi còn là thủ tướng, ông Barnier đã có hết sức để kêu gọi các đảng phái hợp tác, nhưng bất thành. Giờ đây, khi ông không còn đó, tình hình lại xoay chuyển theo chiều hướng tích cực hơn. Việc chính phủ Barnier bị lật đổ có ý nghĩa tích cực ở điểm này, theo Les Echos.

Nước Pháp chuẩn bị đối phó "kịch bản 4°C"

Nước Pháp chuẩn bị đối phó với kịch bản mức tăng nhiệt độ hơn 4°C so với thời tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ là tựa trang nhất của Le Monde. Theo một báo cáo vừa được cơ quan khí tượng Pháp công bố. Nhiệt độ tại Pháp năm 2030 có thể tăng thêm 2°C vào năm 2030, và hơn đến 4°C vào cuối thế kỷ. Theo Le Monde, đây không hề là kịch bản "bi quan", mà chỉ là kịch bản thực tế, và chỉ mới là mức "tăng trung bình", căn cứ trên việc tổng hợp cam kết cắt giảm khí thải của các nước.

25 tỉ lượt hành khách năm 2025 : Kỷ lục với hàng không

Ngành hàng không phát triển mạnh, với số lượng hành khách tăng đến 25 tỉ lượt người vào năm tới 2025, bất chấp tình trạng thiếu máy bay thiếu, là hồ sơ trang nhất của Les Echos. Một trong những yếu tố chính là giá vé máy bay giảm. Năm 2024, tổng lợi nhuận của các hãng hàng không là hơn 30 tỉ euro.
Pháp bị chỉ trích vì tài trợ các hãng máy bay giá rẻ

Sự phát triển của ngành hàng không không phải là một tin vui với môi trường, vì đây là một ngành tạo nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. La Croix có bài chỉ trích các trợ giúp của chính quyền Pháp cho các hãng máy bay giá rẻ, phụ trách các lộ trình ngắn, là một tác nhân quan trọng thúc đẩy hành khách sử dụng dịch vụ gây ô nhiễm này.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Quốc tế

Trung Đông chìm trong máu lửa, một năm sau vụ thảm sát ở Israel ngày 7 tháng Mười

Đúng một năm sau vụ Hamas thảm sát man rợ người Do Thái, các tuần báo tập trung bài vở cho vùng đất Trung Đông không ngừng xảy ra những biến động.

candong1

Ảnh chỉ mang tính minh họa : Một người câu cá ở Tel Aviv bên bờ biển Địa Trung Hải, nơi cuộc xung đột diễn ra giữa Israel và Hamas. Ảnh chụp ngày 04/10/2024. Reuters - Gonzalo Fuentes

Courrier International đưa tít trang bìa "7 tháng Mười, một năm chiến tranh", The Economist tổng kết "Một năm Trung Đông náo động", Le Nouvel Obs nói về "Cuộc chiến không hồi kết của Israel" trong khi L’Express chú ý đến khía cạnh "Một năm lan rộng nạn bài Do Thái". Le Point tuy dành trang bìa cho các vấn đề kinh tế Pháp nhưng hồ sơ bên trong là "Cận Đông trên miệng núi lửa".

Một năm trôi qua, cánh cửa địa ngục vẫn chưa khép lại

Le Nouvel Obs nhận xét, một năm sau vụ thảm sát kinh hoàng của Hamas trên lãnh thổ Israel dẫn đến cuộc trả đũa khủng khiếp của Nhà nước Do Thái tại Dải Gaza và nay là chống lại Hezbollah ở Lebanon, ngày 07/10/2023 đã trở thành một thời điểm lịch sử. Chỉ cần nói "ngày 7 tháng Mười", cũng như "ngày 11 tháng Chín" để chỉ vụ tấn công tòa tháp đôi ở Manhattan năm 2011, hay "ngày 13 tháng Mười Một" về vụ khủng bố Bataclan ở Paris năm 2015.

Vào sáng sớm ngày 07/10 hôm ấy, người ta chưa nhận ra tầm vóc và tính chất man rợ của những gì diễn ra ở kibboutz Nahal Oz và lễ hội âm nhạc, nhưng sau đó mới biết rằng không phải là một sự cố thường lệ với người Palestine, mà là một sự kiện có thể thay đổi dòng chảy lịch sử. Gần 1.200 người bị giết hại dã man, trong đó hơn 2/3 là thường dân, 250 con tin gồm nam nữ, trẻ em bị bắt đưa về Gaza.

Một năm sau, cánh cửa địa ngục vẫn chưa khép lại. Người Do Thái bị chấn thương lâu dài, người Palestine ở Gaza chịu đựng sự trừng phạt tập thể, những nước trong khu vực trước hết là Lebanon một lần nữa bị lôi kéo vào cuộc xung đột, và xa hơn nữa, một thế giới bất lực trước cú sốc. Hàng trăm con tin Israel vẫn trong tay Hamas, hàng ngàn trẻ em Gaza trong số những nạn nhân bị thiệt mạng và bị thương vì oanh kích. Không thể đánh đồng một nhóm khủng bố với một chính phủ hợp pháp, nhưng cũng phải nghĩ đến số phận thường dân, trước sự thụt lùi của luật pháp quốc tế và sự yếu kém của Liên Hiệp Quốc.

Số phận khác biệt của ba nhân vật chính

Trong trang sử bi thảm này, nổi lên ba cái tên : Benjamin Netanyahou , Yahya Sinouar et Hassan Nasrallah. Thủ tướng Netanyahou, nhân vật gây tranh cãi trên chính trường Israel từ ba thập niên qua, vừa lấy lại được uy tín sau thắng lợi trước Hezbollah. Hai đối thủ của Israel : Sinouar - thủ lãnh Hamas và Nasrallah - thủ lãnh Hezbollah, đã đánh giá thấp khả năng trả đũa của Nhà nước Do Thái và ngỡ rằng các đồng minh Israel có thể can ngăn. Nasrallah đã phải trả giá bằng mạng sống. Phe Hezbollah khoe khoang kho vũ khí hỏa tiễn và drone, tính kỷ luật của tổ chức, sự thống trị trên chính trường Lebanon ; nhưng tất cả không chống chọi được lâu với trận bão lửa và tình báo siêu việt của Israel.

Sinouar may mắn hơn, ông ta vẫn còn sống sót, sau khi Nasrallah bị tan xác dưới quả bom 2 tấn được F-15 của Israel thả xuống, và "người anh em" Ismail Haniyeh bị tiêu diệt ngay tại Tehran hôm 31/07, Fatah Charif Abou al-Amine, chỉ huy Hamas ở Lebanon chết trong vụ không kích ngày 30/09. Thủ lãnh Hamas ẩn náu sâu trong địa đạo trong khi hai triệu người Palestine khốn khổ trên mảnh đất đã thành bình địa, lệ thuộc vào viện trợ nhân đạo chỉ đến được nhỏ giọt. Le Nouvel Obs cho rằng Yahya Sinouar có thể tự mãn vì vấn đề Palestine lại là trung tâm chú ý, nhưng với cái giá nào ? Và với viễn cảnh nào, trước một đối thủ đầy quyết tâm như Israel ?

Netanyahou mơ tóm được Sinouar dù sống hay chết sau khi đã khử Nasrallah : ông có thể ngưng lại cuộc chiến dường như không có chiến lược cụ thể. Israel tái lập được uy tín về khả năng răn đe, nhưng bị dư luận chỉ trích vì thiệt hại gây ra nơi thường dân Gaza. Và liệu cứ phải chinh chiến mãi trong một môi trường thù địch ? Giải pháp nào cho 5,5 triệu người Palestine trên lãnh thổ chiếm đóng từ 1967 ? Trong khi chờ đợi, năm kỷ niệm đầu tiên của ngày 07/10 vừa u ám vì nỗi đau ký ức, vẫn còn các con tin, chiến tranh trên nhiều mặt trận ; lại vừa hãnh diện vì chiến thắng - với nguy cơ trở thành ngạo mạn.

Sai lầm lớn của Hamas khi khởi động cuộc chiến với Nhà nước Do Thái

The Economist đi sâu vào sai lầm to lớn của Hamas, và cho rằng có lẽ trong những ngày này, Yahya Sinwar đã phải suy nghĩ về quyết định khủng bố Israel, lôi kéo cả Trung Đông vào vòng xoáy đầy máu lửa. Cuộc thảm sát kinh khủng nhất lịch sử Israel dẫn đến cuộc chiến tranh đẫm máu nhất cho người Palestine, vụ tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào Nhà nước Do Thái.

Thủ lãnh Hamas muốn khởi động một cuộc chiến để định hình lại Trung Đông, và đã đạt được, nhưng không phải theo cách ông ta hình dung. Gaza trở thành bình địa ; Hamas thiệt hại nặng ; Hezbollah mất đi thủ lãnh, bộ chỉ huy quân sự và tiếng tăm về năng lực, Iran trở nên dễ tổn thương. Hầu như không có một cuộc biểu tình ủng hộ nào trong thế giới Ả rập, nhất là sau vụ cáo buộc Israel oanh kích một bệnh viện làm chết nhiều người, nhưng rốt cuộc là tên lửa của Palestine. Không có Nhà nước nào cắt quan hệ với Israel. Ngay cả hệ quả kinh tế cũng hạn chế : giá dầu thô Brent còn thấp hơn 10 đô la so với trước cuộc tấn công vào Israel.

Sinwar gây chiến với hai giả thiết : được sự ủng hộ của "trục kháng chiến" hùng mạnh và đoàn kết, một loạt tổ chức dân quân thân Iran, và cả khu vực sẽ chống lại Israel. Nhưng thủ lãnh Hezbollah ngần ngại vì đại đa số người Lebanon phản đối tham gia chiến tranh để hỗ trợ Gaza, không muốn làm cạn kho vũ khí, và ông chủ Iran cũng không nhiệt tình. Nasrallah có phản ứng nửa vời bằng một chiến dịch bắn hỏa tiễn tầm ngắn khiến 60.000 dân miền bắc Israel phải di tản. Houthi ở Yemen hăng hái hơn nhưng ở xa, chỉ có thể tấn công Israel bằng một ít hỏa tiễn và drone, tuy cũng gây tác hại nhưng không đủ để thay đổi cuộc chiến.

Iran và các lực lượng ủy nhiệm đã trở thành nạn nhân sự cường điệu của chính mình. Năm vừa qua cho thấy những nhóm trong "trục kháng chiến" không chia sẻ cùng lợi ích. Các quốc gia Ả Rập lo đàn áp đối lập, không còn coi những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine là một loại xú-páp cần thiết ; cũng không muốn ủng hộ Hamas, nhóm Hồi giáo tay sai của Iran. Thế nên tuy tố cáo cuộc tấn công vào Gaza nhưng họ vấn giữ quan hệ với Nhà nước Do Thái. Ngoài mặt ủng hộ ngưng bắn nhưng bên trong họ lo ngại một thỏa thuận làm kẻ thù mạnh hơn.

Hậu chiến tranh lạnh : Mỹ tả xung hữu đột

L'Express nhận định, sau vụ thảm sát man rợ nhất kể từ nạn diệt chủng Shoah, chính phủ Netanyahou đã đáp trả bằng chiến tranh. Một lời đáp trực tiếp, mang tính sống còn của một nền dân chủ mà Hamas và Hezbollah thề sẽ hủy diệt. Sự trả đũa ồ ạt của Nhà nước Do Thái không làm ai ngạc nhiên. Dù là Benjamin Netanyahou hay ai khác, phản ứng để sống sót đều như vậy.

Những nhà ngoại giao "đoan chính" nói về sự bất tương xứng khi đáp trả, để xoa dịu dư luận phương Tây trước những hình ảnh bạo lực. Nhưng liệu có phải nhắc lại những hành động khủng bố dã man của Hamas hay Hezbollah ? Có nên quên đi những cánh tay vũ trang được những kẻ cuồng tín điều khiển từ xa ? Bởi vì không chỉ là xung đột Israel-Palestine, mà còn lại sự sống lại của chiến tranh lạnh. Nói theo nhà bình luận Thomas Friedman của New York Times, là "hậu của hậu chiến tranh lạnh".

Không còn Stalin, không còn Truman. Cuộc chiến Đông-Tây xưa kia nhường chỗ cho cuộc đối đầu giữa một phương Tây mất phương hướng và Hoa Kỳ phải tả xung hữu đột, và một "trục kháng chiến" gồm Iran, Nga, Bắc Triều Tiên với sự hỗ trợ ngầm của Trung Quốc. Pháp không thể tiếp tục ngây thơ, phải biết mình đứng đâu trên bản đồ thế giới, nêu đích danh những kẻ khủng bố như Hassan Nasrallah "tay vấy máu người Pháp".

Hoa Kỳ tuy kêu gọi ngưng bắn nhưng vẫn cung cấp vũ khí, đạn dược cho Israel. Vì một lý do đơn giản, theo nhà nghiên cứu Fabrice Balanche của đại học Lyon II : "Nếu Mỹ bỏ rơi Israel, sẽ mở ra cả một đại lộ cho Iran và phía sau là Nga, Trung Quốc". Tác giả bài viết cho rằng Benjamin Netanyahou đáng ghét hơn cả Donald Trump, nhưng cú đòn mà thủ tướng Israel giáng vào các thủ lãnh Hamas và Hezbollah đã làm rung chuyển toàn bộ "trục kháng chiến".

Chiến tích của Israel sẽ đi vào quân sử thế giới  

L’Express cũng nhấn mạnh, chỉ trong 10 ngày, Israel đã thực hiện được điều tưởng chừng bất khả : trừ khử toàn bộ ban chỉ huy của Hezbollah, lực lượng dân quân có mấy chục ngàn tay súng và 150.000 rốc-kết mà chẳng mất một người lính nào.

Kỳ tích này chắc chắn đi vào lịch sử quân sự thế giới, từ loạt vụ nổ máy nhắn tin cho tới việc tiêu diệt thủ lãnh Hassan Nasrallah. Tình báo Israel hiệu quả chưa từng thấy, khó thể hình dung có ai làm tốt hơn. Tuy nhiên Nhà nước Do Thái không có thời gian để tận hưởng chiến tích.

Dịp kỷ niệm ngày 07/10 nhắc nhở cả nước về thực tế đáng sợ của lục địa, một Trung Đông mà số phận của một đất nước có thể đảo lộn với hỏa tiễn hay tấn công tự sát của những kẻ cuồng tín. Iran quen với những vụ khủng bố cộng đồng Do Thái ở nước ngoài, chẳng hạn cuộc tấn công đại sứ quán Israel ở Buenos Aires năm 1992 làm 29 người thiệt mạng, một tháng sau khi một chỉ huy Hezbollah bị tiêu diệt. Vũ khí của Tehran đổ vào West Bank luôn sôi sục, và Iran muốn lật đổ chính quyền Jordanie sau chiến thắng của phe Hồi giáo ở Quốc hội tháng trước. Rất nhiều thách thức mang tính sống còn cho Israel.

Không phải Palestine, Iran mới là chìa khóa cho hồ sơ Trung Đông

Trên Le Point, bà Simone Rodan-Benzaquen, giám đốc Châu Âu của tổ chức phi chính phủ American Jewish Committee (AJC) nhấn mạnh đến vai trò chủ chốt của Cộng hòa Hồi giáo Iran trong việc gây bất ổn cho Trung Đông. Trong nhiều năm trời, các nhà ngoại giao và chuyên gia cho rằng giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine là chìa khóa cho tất cả vấn đề ở Trung và Cận Đông. Ý tưởng này được biến thành lý thuyết dưới thời tổng thống Jimmy Carter (1977-1981), ảnh hưởng đến các chính sách quốc tế. Kể từ ngày 07/10, quan điểm này lại càng thống trị trên truyền thông và chính giới Pháp. Thế nhưng theo tác giả, lý thuyết trên không những sai lạc mà còn nguy hiểm. Phải chăng lời đáp chỉ duy nhất từ phía Israel, và sẽ giúp cải thiện tình hình ở Lebanon, Afghanistan, Syria, Iraq, Yémen, Sudan ?

Kể từ 1979, chế độ Tehran lao vào việc xuất khẩu cuộc cách mạng Hồi giáo của mình, thiết lập một "vòng lửa" - chiến lược do tướng Qasem Soleimani vạch ra - dựa vào các tổ chức ủy nhiệm như Hamas, Hezbollah, Houthi để bóp nghẹt Israel ; gây rối ở Syria, Yemen, Iraq, Jordan. Các giáo sĩ Iran tài trợ cho Hamas và 28 tổ chức khủng bố khác ở West Bank, chống lại thỏa thuận Oslo (1993), khuyến khích tấn công tự sát nhắm vào thường dân Do Thái để phá hoại mọi ý định xích lại gần nhau giữa Israel và Palestine. Mới nhất là cản trở thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.

Nhất là một chế độ Iran sở hữu vũ khí nguyên tử là mối đe dọa không chỉ cho Nhà nước Do Thái mà cả vùng Trung Đông và xa hơn nữa. Iran còn chuyển giao vũ khí cho Nga để giết người Ukraina, liên kết với các nhà độc tài trên toàn thế giới, chống lại phương Tây và trật tự quốc tế đã được thiết lập. Khi coi vấn đề Palestine là chính, cái nhìn của cộng đồng quốc tế lâu nay đã tránh né mối nguy thực sự, và Israel rơi vào một cuộc chiến trên 7 mặt trận. Liên Hiệp Châu Âu không đưa Vệ binh Cách mạng vào danh sách các tổ chức khủng bố, và cũng không áp dụng các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc về chương trình nguyên tử Iran. Trong tình hình nóng bỏng hiện nay, cần khẩn cấp xem lại quan điểm này.

Nếu chiếm Đài Loan, tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc có thể bí mật tấn công Mỹ

Tại Châu Á, Le Nouvel Obs phân tích về yếu tố Đài Loan trong chiến lược nguyên tử Trung Quốc. Bắc Kinh nhất quyết chiếm Đài Loan, và nhờ đó từ phía đông của đảo quốc có thể triển khai tàu ngầm hạt nhân ở Thái Bình Dương. Vừa qua Bắc Kinh đã gánh chịu một nỗi nhục lớn : chiếc tàu ngầm nguyên tử thế hệ mới nhất bị chìm tại bến cảng gần Vũ Hán, trong khi lò phản ứng đang có nhiên liệu hạt nhân. Tai nạn này xảy ra từ nhiều tháng qua, được "Wall Street ­Journal" tiết lộ hôm 26/09. Được biết đến cuối 2022 Trung Quốc đã có 48 tàu ngầm loại thường và 6 tàu ngầm nguyên tử, nhưng mẫu mới này là tương lai cho hạm đội.

Ngay trước khi bị báo Mỹ vạch trần, Bắc Kinh vừa mới khoe thành công của thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa ngày 25/09 tại Thái Bình Dương. Một hỏa tiễn thuộc loại có sức công phá mãnh liệt nhất thế giới, có thể mang theo những đầu đạn nguyên tử gây thảm họa. Theo "New York Times", tháng Ba năm nay tổng thống Mỹ đã thông qua một tài liệu mật mang tên "Nuclear Employment Guidance" ("Hướng dẫn về việc sử dụng sức mạnh nguyên tử"), định hướng chiến lược đáp trả sự bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc, đồng thời đối phó với khả năng "thách thức nguyên tử phối hợp" giữa Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên.

Trên lý thuyết, theo nguyên tắc răn đe, Bắc Kinh không sử dụng vũ khí nguyên tử đầu tiên và chỉ ở giới hạn cần thiết. Tuy nhiên Washington không thể yên tâm khi năm 2021 phát hiện những nhà kho cho hỏa tiễn liên lục địa được xây dựng tại các tỉnh sa mạc miền bắc (Tân Cương, Cam Túc, Nội Mông). Trung Quốc có thể tăng gấp ba số đầu đạn nguyên tử, từ 400 lên 1.500 đến năm 2035.

Bắc Kinh kiên quyết muốn chiếm Đài Loan vì các lý do chính trị, kinh tế và biểu tượng, và đặc biệt nhờ đó các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc có thể đi vào Thái Bình Dương mà không phải vượt qua eo biển bị các nước khác theo dõi chặt chẽ, khiến đội tàu ngầm trở thành vô hình. Tạp chí "Telos" cho biết khả năng răn đe nguyên tử trên đại dương trở thành nhân tố trung tâm trong tham vọng chiếm Đài Loan. Thế nên có thể hiểu được nỗi lo của Hoa Kỳ : các tiềm thủy đĩnh nguyên tử Trung Quốc có thể bất thần tấn công vào lãnh thổ Mỹ.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Lò lửa Trung Đông vẫn âm ỉ sau vụ tiêu diệt hai thủ lãnh Hamas và Hezbollah

Phản ứng của Iran và các lực lượng ủy nhiệm Hamas, Hezbollah sau khi thủ lãnh của hai phong trào này bị Israel tiêu diệt vẫn là dấu hỏi. The Economist đặt vấn đề "Sau cái chết của Ismail Haniyeh, phải chăng Hamas sẽ chuyển từ đấu tranh vũ trang sang chính trị ?".

trungdong1

Một áp-phích với ảnh thủ lãnh Hamas Ismail Haniyeh và tổng thống Iran Masoud Pezeshkian dựng trên tầng cao một tòa nhà ở Tehran, ngày 01/08/2024. Chỉ vài giờ sau khi dự lễ nhậm chức của ông Pezeshkian, Haniyeh bị giết chết trong một vụ nổ - via Reuters / Majid Asgaripour

Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Paris, người dân Venezuela nổi lên chống lại tổng thống Nicolas Maduro được cho là gian lận bầu cử. Trung Đông rúng động với hai vụ tấn công tại Tehran và Beyrut, tiêu diệt hai thủ lãnh của Hamas và Hezbollah. Chiến cuộc tiếp diễn ở Ukraine nhưng đã lóe lên tia hy vọng đàm phán, cuộc trao đổi tù nhân đầu tiên với Nga. Tại Hoa Kỳ, bà Kamala Harris là phụ nữ gốc Á-Phi đầu tiên trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Dân Chủ. Đó là những chủ đề được các tuần báo đề cập kỳ này, trên báo giấy và trên trang web.

Thế vận hội Paris 2024 khởi đầu tốt đẹp cho Pháp

Thành tích của đội tuyển Pháp tại Thế vận hội Paris 2024 gây phấn khởi cho công chúng. Libération cuối tuần đăng ảnh hai nhà vô địch judo và bơi lội của Pháp, chơi chữ bằng dòng tít "Or normes" (tiêu chí vàng), đồng âm với "Hors normes" (siêu đẳng). Hôm thứ Sáu, vận động viên nhu đạo Teddy Riner giành thêm huy chương vàng Olympic thứ ba, trong khi Léon Marchand đạt thành tích khó tin với huy chương vàng thứ tư môn bơi chỉ trong vòng một tuần lễ. Le Figaro đưa tít "Hoàng đế Teddy Riner" sau khi hôm trước đã gọi "Vua Léon". Điều thú vị : Riner là người rước đuốc cuối cùng trong lễ khai mạc, còn Marchand được "tấn phong" ngôi vua trên đường đua xanh.

Libération nhận xét "Cho đến nay, việc tổ chức ngày hội lớn đã giữ được lời hứa". Sau nhiều tháng bị ngờ vực và chỉ trích, các nhà tổ chức hài lòng khi tuần lễ thế vận đầu tiên trôi qua ổn thỏa, cộng thêm những hình ảnh đẹp đẽ và khán giả đông đúc chưa từng thấy tại các địa điểm tranh tài. Các phương tiện giao thông công cộng vẫn đúng giờ và khá thoải mái. Trong khi lực lượng an ninh được huy động tối đa trong suốt thời gian Thế vận hội, các hoạt động tội phạm giảm hẳn. Đặc biệt là thành công của Club France, nơi hội ngộ giữa người hâm mộ và vận động viên, đã hoàn toàn kín chỗ cho đến khi kết thúc. Wall Street Journal đặt câu hỏi, bất ngờ lớn nhất của Thế vận hội Paris 2024 là gì ? Và nhật báo Mỹ tự trả lời : Chẳng thấy dân Pháp càu nhàu nữa !

Cuộc trao đổi tù nhân quy mô nhất từ sau chiến tranh lạnh

Cuộc trao đổi tù nhân giữa phương Tây và Nga được báo chí cuối tuần bàn luận nhiều. Theo Libération, có vẻ đây là di sản cuối nhiệm kỳ của Joe Biden, Le Figaro chỉ trích "hiệp ước với quỷ sứ", Le Monde coi là "thành công ngoại giao với dư vị cay đắng". Nhìn chung về phía Hoa Kỳ, Libération ghi nhận đến nay Joe Biden đã giải cứu 70 công dân Mỹ bị cầm tù ở nước ngoài, đa số bị bắt trước khi ông lên làm tổng thống. Donald Trump thì giúp giải thoát được 59 người, cho đến khi thủ tục truất phế ông làm ngưng lại mọi thương lượng.

Việc trả tự do cho 16 con tin phương Tây và tù nhân Nga hôm thứ Năm 01/08, trong đó có nhà báo Evan Gershkovich của Wall Street Journal và Alsou Kourmacheva của Radio Free Europe, mang tính lịch sử. Trước hết, đây là cuộc trao đổi tù nhân quy mô nhất kể từ sau chiến tranh lạnh. Không phải tại Glienicker Brücke, "cầu gián điệp" nổi tiếng thời trước, mà bằng một loạt chuyến bay hạ cánh xuống một phi trường Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chiến dịch này không khác thời Đông-Tây đối đầu.

Được thương lượng từ hơn một năm qua ở nhiều cấp, với sự tham dự của CIA, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhà Trắng cùng với nhiều chính phủ đồng minh như Đức, Na Uy, Ba Lan, Slovenia ; việc trao đổi thực hiện được nhờ một kênh liên lạc đặc biệt được lập ra bởi tổng thống Joe Biden và Vladimir Putin nhân cuộc họp ở Genève tháng 6/2021. Biden phải thuyết phục thủ tướng Đức Olaf Scholz, đổi lại Berlin đòi phải trả tự do cho một số người Đức và nhà đấu tranh Nga Vladimir Kara-Mourza đang bị cầm tù. Alexei Navalny lẽ ra được thả trong dịp này nhưng ông đã chết bí ẩn trong tù.

Các nhà nước côn đồ và ngoại giao con tin

Tuy nhiên sự kiện này đã bộc lộ mặt thật của chế độ Moskva. Những kẻ mà Putin nhiệt liệt đón mừng không phải là nhà đấu tranh chính trị, nhà báo nhưng là những tên tội phạm như Vadim Krassikov, hay gián điệp như cặp vợ chồng Nga sống ở Slovenia dưới danh tính giả mạo Achentina. Sự khác biệt với thời chiến tranh lạnh là Nga và Iran nay chơi trò "ngoại giao con tin". Tất cả những người ngoại quốc sống tại hai nước này có nguy cơ trở thành món hàng trao đổi.

Tương tự, Le Figaro cuối tuần nhận định các "Nhà nước côn đồ" như Nga, Iran, Trung Quốc nay không bỏ tù các điệp viên phương Tây, mà bắt cóc những công dân bình thường - du khách, nhà báo, doanh nhân - để đổi lấy những tên tội phạm đủ loại : kẻ sát nhân, buôn vũ khí, lừa đảo. Tất nhiên là nên vui mừng khi những người vô tội tìm lại được tự do, nhưng Putin nay có thể đóng vai người hùng tại Nga.

Ông chủ điện Kremlin tuy chịu thả, Vladimir Kara-Mourza, nhà đối lập chủ chốt sau khi Alexeï Navalny bị sát hại, nhưng ông ta biết rằng có thể ra tay trừ khử ai đó không vừa mắt mà không hề hấn gì. Bài học thứ hai là mọi chiếc cầu vẫn chưa bị cắt đứt với Kremlin, một ngày nào đó có thể dùng để thương lượng một lối thoát cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên nên cảnh giác vì Sa hoàng mới không tôn trọng bất cứ quy định nào và không hề giữ lời, phương Tây có thể thiệt thòi lớn.

"Kẻ sát nhân ở Tiergarten" được Putin chào đón như người hùng

L’Express nhấn mạnh "Krassikov, điệp viên Nga mà Putin nhất thiết muốn đưa về". Đó là kẻ năm 2019 đã bắn chết Zelimkhan Khangochvili, nhà ly khai Georgia (Gruzia) gốc Chechnya tị nạn tại Đức, trong công viên Tiergarten ở Berlin. Vadim Krassikov, chỉ huy một đơn vị đặc nhiệm của tình báo Nga FSB, cũng là nghi can trong một vụ ám sát tương tự. Tòa án Đức đã kết án chung thân.

Le Figaro dẫn điều tra của Wall Street Journal New York Times cho biết Putin và Krassikov thực ra thân thiết hơn người ta tưởng. Tổng thống Nga coi tên sát nhân này là "bạn thân", và người lính trung thành của chế độ Moskva từng thực hiện nhiều nhiệm vụ nhạy cảm do Kremlin trực tiếp giao phó. Có thời gian Krassikov là cận vệ cho các nhân vật tối quan trọng. Putin yêu cầu phải có Vadim Krassikov trong số tù nhân được trao đổi, đón anh ta ở sân bay với một bó hoa lớn. Theo tờ Bild của Đức, Krassikov đã hỗ trợ rất nhiều cho Vladimir Putin trong việc thăng tiến ở Saint Petersburg trong thập niên 90, có liên quan đến vụ đột tử tháng 2/2000 của Anatoly Sobchak, cựu thị trưởng thành phố và là người đầu tiên đỡ đầu cho Putin.

Thủ lãnh Hamas bị tiêu diệt bằng hỏa tiễn hay bom ?

Tại Trung Đông, về nguyên nhân cái chết của thủ lãnh Hamas Ismaïl Haniyeh, L'Express dẫn nguồn từ New York Times cho rằng do bị gài bom chứ không phải hỏa tiễn. Trước đó hãng tin Tasnim của Vệ binh Cách mạng nói rằng một vật giống như hỏa tiễn đã xuyên vào cửa sổ căn phòng Ismaïl Haniyeh và phát nổ, còn phía Israel nói là đêm đó chỉ tấn công vào Fouad Chokr, thủ lãnh Hezbollah ở Beyrut. Nhật báo Mỹ dựa vào năm người có trách nhiệm ở Trung Đông ẩn danh, khẳng định Haniyeh bị giết bằng một quả bom được giấu hai tháng trước trong khu nhà. Vụ nổ làm rung chuyển tòa nhà, bể kiếng và sụp đổ một phần tường bên ngoài.

Hai nhân vật Iran ẩn danh cho biết thủ lãnh Thánh chiến Hồi giáo Ziyad al-Nakhalah ngủ ở phòng bên cạnh, như vậy rõ ràng nhắm vào Ismaïl Haniyeh. Sự chính xác của vụ tấn công khiến người ta nghĩ đến chiến thuật kích hoạt từ xa bằng trí thông minh nhân tạo (AI), vũ khí robot mà Israel đã dùng để trừ khử nhà khoa học nguyên tử Iran, Mohsen Fakhrizadeh năm 2020. Các gián điệp Mossad sau khi chắc rằng Ismaïl Haniyeh đang ở trong phòng mới ra tay, như vậy việc ám sát đã được chuẩn bị nhiều tháng trước và theo dõi chặt chẽ. Vụ này chắc chắn gây hoang mang cho Vệ binh Cách mạng vốn sử dụng khu nhà cho các cuộc họp bí mật và làm nơi lưu trú cho các khách mời quan trọng.

Hezbollah thận trọng sau cái chết của thủ lãnh quân sự

Israel chỉ nhận trách nhiệm vụ tấn công vào Beyrut, nhằm trả đũa việc Hezbollah bắn rốc-kết vào Majdal Shams ở cao nguyên Golan trước đó ba ngày, sát hại 12 trẻ em. Cả Israel lẫn Hezbollah đều không muốn chiến tranh lan rộng, nhưng lo chuẩn bị. Hezbollah đã bố trí các hỏa tiễn tầm xa trên giàn phóng, còn Israel cho biết sẵn sàng cho một chiến dịch quy mô. Phía Hezbollah phải mất một ngày mới loan báo cái chết của thủ lãnh quân sự Fouad Chokr, có thể đây là dấu hiệu thận trọng của phe này vì sợ Mỹ can thiệp.

Sự trả đũa của Hezbollah cũng tùy thuộc vào Iran, nhà tài trợ chính. Cho đến nay, Tehran không muốn lực lượng tay sai của mình lao vào một cuộc chiến lớn, làm lãng phí số đầu tư từ nhiều thập niên vào Hezbollah. Tuy nhiên việc Israel ám sát Haniyeh ngay trên lãnh thổ Iran có thể làm thay đổi. Xưa nay Iran chỉ trực tiếp tấn công Israel có một lần với trên 300 hỏa tiễn và drone hồi tháng 4, nhưng lần này có thể mạnh mẽ hơn. Haniyeh bị tiêu diệt chỉ vài giờ sau khi dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Masoud Pezeshkian – đây hẳn là điều ông ta không hề muốn thấy trong ngày làm việc đầu tiên.

Iran thấy rằng chiến lược bao vây Nhà nước Do Thái bằng các lực lượng ủy nhiệm đã thành công, nhưng đồng thời cũng thấy là Israel đánh vào những điểm dễ tổn thương nhất của mình, từ Tehran tới Beyrut, Yemen. Iran nhận ra một liên minh thực tế đang nổi lên với nhóm tàu sân bay Mỹ trong vịnh Persian, một lực lượng can thiệp quốc tế ở Hồng Hải, ngay cả các chế độ Ả rập cũng bắn chặn những hỏa tiễn của Iran hướng về Israel. Thế nên nước Cộng hòa Hồi giáo hãy còn do dự.

Hamas sẽ chuyển sang đấu tranh chính trị ?

The Economist đặt câu hỏi "Sau cái chết của Ismail Haniyeh, phải chăng Hamas sẽ chuyển từ đấu tranh vũ trang sang chính trị ?". Sự kiện thủ lãnh chính trị bị ám sát đặt tổ chức này vào thế lưỡng nan. Trên lý thuyết thì Haniyeh là lãnh tụ tối cao, nhưng trên thực tế quyền lãnh đạo là ở Gaza, trong tay nhánh quân sự al-Qassam Brigades của Yahya Sinwar. Quyết định theo đuổi cuộc chiến hay tìm kiếm ngưng bắn thuộc về Sinwar.

Trước mắt, vụ ám sát làm tăng thêm quyền lực cho Sinwar. Nhưng những người thực dụng trong Hamas cho rằng quyết định tấn công Israel ngày 07/10 của ông ta đã phá hoại hai thập niên xây dựng một nhà nước. Các nhân vật này muốn tái tạo lại Hamas như một phong trào chính trị và nhánh vũ trang của Huynh đệ Hồi giáo, thay vì giữ vai trò một nhóm du kích thánh chiến.

Dù sao đi nữa, cái chết của Haniyeh có thể gây ra đấu đá trong nội bộ Hamas, có thể định hình tương lai của phe này và của Palestine. Tất cả tùy thuộc vào cách thức mà Hamas tiến hành chiến tranh ở Gaza. Theo ước tính của Israel, lực lượng Hamas còn trên 10.000 người.

Tương lai mờ mịt của phong trào

Hiện nay hầu hết người dân Gaza đang căm ghét Hamas. Họ trở thành vô gia cư, đói khổ, trong khi trước đây Israel để cho hàng ngàn người Palestine vào làm việc. Đã có 40.000 người thiệt mạng – một tình trạng tệ hại nhất từ trước đến nay, và các công trình, di sản của Palestine đã trở thành gạch vụn. Chưa kể người dân Dải Gaza còn phải chịu đựng nạn cướp bóc từ những kẻ vũ trang thuộc Hamas.

Về ngoại giao, phe này không đạt được thành quả nào. Nhiều chính phủ Ả rập và phương Tây cấm đoán họ, Iran và những phe tay sai không thành công trong việc bảo đảm an ninh cho các lãnh đạo Hamas. Nếu bị trục xuất khỏi Qatar, họ khó tìm được nơi trú ẩn mới. Chính quyền Iraq dù thân cận với Iran đã nói không. Yemen đang hỗn loạn có thể cho ở nhờ một thời gian. Một khi chiến tranh kết thúc, Hamas và cư dân có thể muốn có những lãnh đạo kiểu khác.

Trong số những người cho là có thể thay thế Haniyeh, Khalil al-Haya là người thân cận nhất của Sinwar thậm chí còn đề nghị Hamas có thể giải giáp. Ứng cử viên nhiều hy vọng nhất là Khaled Meshaal từng lãnh đạo phe này từ 2017, có thể muốn đặt Hamas dưới quyền của Phong trào Giải phóng Palestine (PLO). Chưa chắc al-Qassam Brigades chấp nhận điều này. Nhà báo Palestine Muhammad Daraghmeh nhận xét, các lãnh đạo Hamas coi vụ 07/10 là một tính toán sai lầm. Liệu những người sắp lên thay có cùng ý kiến hay không ?

Hà Nội và tiếng loa phường

Liên quan đến Việt Nam, trong bài cuối cùng của loạt du ký bốn kỳ, nhà văn Mỹ Douglas Kennedy cho biết cảm nghĩ về Hà Nội, chặng cuối của chuyến đi. Ấn tượng nhất đối với nhà văn tại Hà Nội là tiếng loa phường, một giọng nói oai vệ hàng ngày đánh thức mọi người vào lúc sáng sớm. Tưởng rằng đó là tiếng rao hàng như ở miền Nam, nhưng hóa ra là những chỉ thị của Đảng, những khuyến cáo để trở thành công dân tốt. "Đó là Hà Nội !" - người dịch giùm những chỉ đạo từ loa phóng thanh bối rối tránh tia nhìn của người khách Mỹ.

Ngụ tại khu phố cổ, Douglas Kennedy đến Hàng Giấy, nghĩ là sẽ tìm được những vật phẩm thủ công kiểu origami, nhưng ông chỉ thấy những món hàng rẻ tiền bán cho du khách ; tương tự với những con phố khác. Ông rất ngạc nhiên khi thấy Văn Miếu chỉ vinh danh những sĩ phu thời xưa, mà không có nhà văn đương đại nào. Nhà văn cũng đến thăm những di tích như Phủ Chủ tịch, Hỏa Lò… nhưng có cảm giác đất nước này ngày càng trở nên tư bản.

Sống khỏe mạnh đến 100 tuổi

Trên lãnh vực y tế, "bách niên giai lão" sắp tới không còn là giấc mơ viển vông. Le Point cho biết các nhà khoa học bắt đầu đột phá vào các bí mật của quá trình lão hóa, và hứa hẹn con người có thể sống thọ trăm tuổi với sức khỏe tốt. Ở tuổi 94, Clint Eastwood vừa đạo diễn bộ phim thứ 40, và theo tin đồn đãi thì có lẽ đây là bộ phim cuối cùng của ông. Nhưng theo giáo sư Bruno Vellas, chuyên gia lão khoa, thì con người sau 60 tuổi còn có thể sống thêm 30% phần đời nữa.

Viện nghiên cứu HealthAge của ông ở Toulouse vừa thành lập cách đây một năm, tập hợp khoảng 100 nhà nghiên cứu với ngân sách 40 triệu euro, tấn công vào cơ chế lão hóa để đẩy lùi và xử lý tốt hơn những chứng bệnh liên quan đến tuổi già. Giáo sư Eric Verdin cho rằng phân nửa số trẻ em sinh ra hôm nay có thể sống đến trăm tuổi. Các nhà khoa học tìm cách giải quyết những chứng như thiểu năng tim, đột quỵ, ung thư, Alzheimer, Parkinson, tiểu đường type 2… để con người có thể sống thọ nhưng khỏe khoắn.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Mục tiêu tối thượng của Tổng thống Nga Putin : Đẩy Mỹ và đồng minh của Washington ra khỏi Trung Đông ?

Chiến tranh Gaza kéo dài 1 tháng rưỡi nay kể từ sau vụ tấn công tàn bạo của tổ chức Palestine Hamas nhắm vào Israel hôm 07/10/2023 ít nhiều đã khiến truyền thông bớt nói đến chiến tranh Ukraine. Mọi sự chú ý dường như hướng về Trung Đông, nơi chỉ trong một thời gian ngắn đã khiến hơn chục ngàn người chết ở cả hai phía - Israel và Palestine, kéo theo đó là xung đột giữa Israel với lực lượng Hezbollah Liban và phiến quân Huthi Yemen. 

trungdong1

Rohani, Putin và Erdogan. 2018 / Sputnik /AFP / Mikhail Metzel

Trong bối cảnh này, riêng về Nga, nhiều chuyên gia nhận định đây là cơ hội để tổng thống Vladimir Putin tìm kiếm ưu thế địa chính trị. Trả lời phỏng vấn Desk Russie, một trang web chuyên về thông tin và các bài phân tích về Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, chuyên gia Jean-Sylvestre Mongrenier, giảng viên danh dự về Sử - Địa, nhà nghiên cứu của Viện Địa Chính Trị Pháp, Đại học Paris VIII, và cũng là nhà nghiên cứu của Viện Thomas More về các thách thức địa chính trị và quốc phòng tại Châu Âu, nhận định "Mục tiêu tối thượng của Putin là loại Mỹ và các đồng minh Châu Âu ra khỏi Trung Đông". 

RFI tiếng Việt giới thiệu bài phỏng vấn chuyên gia Jean-Sylvestre Mongrenier đăng trên Desk Russie ngày 28/10/2023. 

RFI : Đối với Putin, cuộc chiến Israel-Hamas dường như là một cơ may tuyệt vời khiến phương Tây rời mắt khỏi Ukraine, khiến Ukraine có nguy cơ ít được phương Tây chú ý hơn, và nhìn rộng hơn là bị giảm viện trợ quân sự. Ông có đồng ý với quan điểm này không ? Và nếu có thì việc phương Tây không còn quan tâm đến Ukraine có thể đi xa đến đâu ?

Jean-Sylvestre Mongrenier : Quả thực, đây chính là nguy cơ, và chủ nhân điện Kremlin đang trông chờ tình trạng khủng hoảng ở Trung Đông, hoặc thậm chí là một sự bùng nổ nói chung, có thể sẽ chuyển hướng một phần viện trợ quân sự và tài chính của phương Tây sang Israel, theo hướng bất lợi cho Ukraine. Tuy nhiên, việc phương Tây không còn quan tâm đến Ukraine sẽ rất nguy hiểm, bởi vì cuộc xung đột này ở biên giới sườn đông Châu Âu và khối NATO mang tính sống còn. Điều này là hiển nhiên đối với các nước Châu Âu, nhưng việc tìm được lối thoát cho cuộc chiến ở Ukraine cũng mang tính quyết định đối với Hoa Kỳ. 

Trong "tương quan lực lượng", nói như các nhà chiến lược Liên Xô, vận mệnh của Châu Âu sẽ quyết định vận mệnh của Hoa Kỳ ở Trung Đông và Viễn Đông, với những hệ quả gián tiếp khắp Tây bán cầu. Cuộc chiến ở Ukraine và các hoạt động ở Gaza là một phần bối cảnh toàn cầu, một cuộc xung đột bá quyền lớn quy mô toàn cầu. Cuối cùng, "nước Nga - Âu Á" của Putin theo đuổi các mục tiêu riêng của họ ở Trung Đông ; đó không chỉ là một chiến lược ngoại vi nhằm đánh lạc hướng phương Tây khỏi cuộc chiến ở Ukraine. 

RFI : Không lên án Hamas là một tổ chức khủng bố và yêu cầu Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu về một nghị quyết lên án việc quân đội Israel phong tỏa và tấn công Gaza, như vậy phải chăng Nga đang khẳng định rõ ràng họ đứng về phía Palestine, và đây có phải là một bước ngoặt trong chính sách của Nga ở Trung Đông ?

Jean-Sylvestre Mongrenier : Không những không lên án Hamas mà Nga còn duy trì mối quan hệ liên tục với các nhánh Plaestine của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo, cũng như với Hezbollah và các tổ chức khủng bố khác (trong đó có cả PKK). Putin và những người thân cận với ông không giấu giếm, thậm chí còn khoe khoang là "Nga đối thoại với tất cả mọi người". Về điều này, Nga kế thừa chính sách ngoại giao của Liên Xô, từng đoạn tuyệt với Israel và dẫn đầu "mặt trận chối bỏ" (bao gồm các chế độ và tổ chức thù địch với các thỏa thuận Trại David và hiệp ước hòa bình Israel-Ai Cập hồi năm 1978-1979). KGB thậm chí còn đi xa hơn, hỗ trợ hậu cần cho những kẻ khủng bố. Yury Andropov, từng là lãnh đạo cơ quan tình báo KGB, sau đó là lãnh đạo Liên Xô sau cái chết của Brejnev, đã thể hiện chính sách "nửa kín nửa hở" này. Lãnh đạo một "Nhà nước-KGB", vốn vượt quyền đảng cộng sản Liên Xô, Andropov về mặt nào đó là tiền thân của Putin. 

Do đó, xét về lâu dài, việc Putin lựa chọn ủng hộ Hamas - một dạng Hezbollah ở Gaza dưới sự kiểm soát của Teheran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran - không có gì mâu thuẫn. Nga là đồng minh của chế độ Iran hệ phái Hồi giáo Shia, và việc hỗ trợ Hamas là nhằm mục đích tập hợp các chế độ và người dân trong vùng, dựa vào một thái độ thù hằn chung nhắm vào Israel. Mục tiêu tối thượng của Putin không phải là chống lại Israel mà là đuổi Mỹ và các đồng minh Châu Âu của Washington ra khỏi Trung Đông. Nhìn lại mọi việc thì dường như các mối liên hệ thiết lập với Israel là một phần của cả hệ thống chung, nhằm hướng tới việc đưa Nga quay trở lại Trung Đông : đoạt lại các vị thế đã mất sau sự tan rã của Liên Xô, giành được vị thế mới, khai thác tốt nhất có thể các cơ hội và mâu thuẫn trong vùng. 

Cuộc chiến ở Ukraine - một cuộc chiến "toàn diện" từ ngày 24/02/2022 (bắt đầu từ năm 2014) - đã mở ra một giai đoạn mới, thậm chí là một thời đại mới : một cuộc xung đột bá quyền trên quy mô toàn cầu, mà theo Putin là nhằm đạt được một "Đại Á Châu" Trung-Nga. Theo hướng này, Trung Đông chỉ là phần tây của "Đại Á Châu" này, nên phải được đặt dưới sự kiểm soát của Nga và Trung Quốc. Nhìn từ Moskva, hoạt động ngoại giao tích cực và các trò chơi "quái gở" được triển khai ở Trung Đông có thể cũng là phương tiện cải thiện "các nội dung trao đổi" trong liên minh Trung-Nga. 

RFI : Trong cùng một ngày, Putin đã nói chuyện với cả Netanyahu, lãnh đạo Ai Cập, Iran và chính quyền Palestine. Chiến lược của Nga phải chăng là tiếp tục đối thoại với cả hai bên đang có xung đột ? Hay Nga sẽ dứt khoát đứng về phía Palestine nếu điều đó có lợi cho họ ?

Jean-Sylvestre Mongrenier : Nước Nga của Putin chắc chắn không phải là một "nhà môi giới trung thực", mong muốn tạo thuận lợi để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Họ cũng không phải là một siêu cường vượt trội, nhắm đến soạn thảo một thỏa hiệp giữa hai "tác nhân" mà họ dường như giữ khoảng cách ngang bằng nhau. Mục tiêu của Nga là giành được ưu thế trong vùng. Tổng thống Putin, ngoại trưởng Lavrov và các nhà lãnh đạo Nga đã có quan điểm ủng hộ Hamas, và các nhà tuyên truyền của chính quyền Nga đã rất rõ ràng : "Israel là đồng minh của Hoa Kỳ", "Hamas đang tiến hành một cuộc chiến tranh đa cực", "Sự thất bại của các cơ quan của Israel là thất bại của Hoa Kỳ và phương Tây" vân vân và vân vân 

Những quan điểm này là một phần của hệ thống tổng thể đã được nói tới ở trên. Nhưng cũng không loại trừ khả năng sẽ có các cuộc trao đổi giữa Putin và Netanyahu, nhưng nếu có thì cũng là để tìm cách gây chia rẽ Israel và Mỹ, để Moskva đóng vai trò là trung gian duy nhất có thể có với các chế độ Ả Rập, cũng như Hamas và Hezbollah. Với nhãn quan về một "Tây Á" tương lai của Nga hoặc dưới sự lãnh đạo của Trung-Nga, có thể Israel sẽ có chỗ nhưng là dưới một hình thức được bảo hộ, với sự kiểm soát chặt chẽ của Moskva. Nói tóm lại, đó sẽ là một Nhà nước Israel ở "chiếu dưới" và yếu đuối, dễ tan vỡ. 

Xét đến cùng thì đó cũng chính là điều mà Stalin hướng tới, hồi năm 1948, khi ủng hộ và công nhận Nhà nước Israel : đó là đánh bại và loại Anh ra khỏi khu vực. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra theo cách đó và Liên Xô đã quay lưng lại với Israel. Bên trong Liên Xô khi đó là lúc chống tư tưởng Phục quốc Do Thái, lên án phong trào quốc tế Do Thái và thuyết âm mưu Do Thái. Một lần nữa, chúng ta cần nhìn nhận theo những giai đoạn lịch sử dài. 

RFI : Có đúng là Moskva muốn biến xung đột Israel-Palestine thành chiến trường đối đầu giữa các nước "phương Nam" mà Nga và Trung Quốc muốn đại diện, và bên kia là phương Tây ? Nếu vậy thì điều này là phù hợp với những gì ông Putin đã phát biểu tại Diễn đàn Valdai ngày 05/10 ?

Jean-Sylvestre Mongrenier : Vâng, đúng là như vậy. "Nam bán cầu" không tạo thành một tổng thể địa chính trị thống nhất và gắn kết, nhưng nó là một thực tế tâm lý và đại diện mang tính tập thể, với những hệ quả năng động. Điều quan trọng là nhận ra sức mạnh của các ý tưởng, ngay cả những ý tưởng sai và không đồng nhất. "Nam bán cầu" là một ý tưởng mạnh mẽ mang tính thúc đẩy, có ảnh hưởng đến nhận thức, các quyết sách và hành động của chính phủ một số nước thuộc thế giới ngoài phương Tây. Đó là một khẩu hiệu mạnh, một lời hô hào chiến tranh nhằm tập hợp dư luận và chính phủ các nước Châu Phi - Á Âu và Châu Mỹ la-tinh. 

Không nên tiếp cận ý tưởng về "Nam bán cầu" theo cách cao siêu, theo kiểu một cuộc tranh luận về mức độ chặt chẽ của một khái niệm địa kinh tế mới trỗi dậy. Chúng ta không nên phủ nhận hiệu quả và tác hại của cụm từ này. Cũng cần lưu ý rằng ban đầu Nga nói về "đa số toàn cầu", ngầm hiểu là "phần còn lại chống phương Tây". Sức nặng của phương Tây đã giảm kể từ khi diễn ra quá trình chuyển đổi nhân khẩu học ở thế giới thứ ba. 

RFI : Cuối cùng thì mục đích tối thượng của Nga phải chăng là thay thế vị thế của Mỹ ở Trung Đông với tư cách là một cường quốc bên ngoài ? Họ có phương tiện làm như vậy không ?

Jean-Sylvestre Mongrenier : Vâng, đúng như vậy. Điều này không chỉ dựa vào nguồn lực quốc gia của Nga mà còn dựa vào sự kết hợp giữa các "nguồn lực" (theo nghĩa rộng) của Nga với đồng minh Iran và những lực lượng liên kết với Iran như Hamas, Jihad thánh chiến, Hezbollah, với sự ủng hộ phía sau của Trung Quốc tân Mao-ít thời Tập Cận Bình (Trung Quốc tiêu thụ 3/4 chất đốt của khu vực Trung Đông). Moskva tìm cách khai thác những mâu thuẫn ở các nước và trong khu vực, đặc biệt là mâu thuẫn giữa các chế độ Ả Rập hệ phái Sunni, những nước ủng hộ sự hòa hợp với Israel nhưng lại chịu sự cạnh tranh từ Teheran. Iran vô địch về một hình thức thánh chiến vượt qua được sự chia rẽ giữa hai nhánh Shia và Sunni. Trong bối cảnh đó là nạn bài Do Thái của người Ả Rập và Hồi giáo, theo đó người Do Thái là hiện thân của những điều xấu xa, phi pháp, bị cấm đoán. 

Hoa Kỳ như vậy phải đối mặt với những nguy cơ của "sự dàn trải chiến lược quá mức", với nguồn nhân lực và vật chất đồng thời phải được triển khai ở cả Châu Âu, Trung Đông và Viễn Đông. Đó là một cuộc xung đột lớn đang diễn ra, từ Châu Âu qua eo biển Đài Loan, Đông Bắc Á (bán đảo Triều Tiên), đến nút thắt Trung Đông. Thậm chí có thể xem đó là một "Cuộc chơi vĩ đại". Thế nhưng, cụm từ này vẫn còn xa mới diễn đạt được hết thực tế. 

Nói tóm lại, Nga chắc chắn không có đủ phương tiện để thiết lập một trật tự mới ở Trung Đông, nhưng họ có thể làm suy yếu đáng kể vị thế của Mỹ và phương Tây, trong đó có Pháp, thậm chí là có thể đẩy phương Tây ra khỏi Trung Đông. Được củng cố bằng sự phẫn nộ về những gì đã xảy ra trong lịch sử, khả năng gây phiền toái của họ rất đáng sợ. Chúng ta phải ngừng đánh giá thấp lòng căm thù, niềm đam mê và tinh thần kiên định, bền bỉ đã cổ vũ Putin và những người thân cận của ông ta, nhất là khi họ có sự cộng hưởng với người dân các nước Trung Đông, hay ít nhất cũng là một bộ phận lớn người dân khu vực này. Thật kinh ngạc khi thấy cuối cùng thì cư dân những nước bị đặt dưới sự kiểm soát của các chính quyền ít nhiều chuyên chế lại nhanh chóng ngoan ngoãn nghe theo chính quyền, tham gia đông đảo phong trào chống Israel, Hoa Kỳ và phương Tây. Chúng ta hãy đọc lại bài luận của La Boétie về "tinh thần nô lệ tự nguyện"… 

Thùy Dương

**********************

Xung đột Israel - Hamas bao trùm thượng đỉnh BRICS

Chi Phương, RFI, 21/11/2023

Nam Phi chủ trì hội nghị thượng đỉnh BRICS, qua hình thức trực tuyến, vào hôm nay, 21/11/2023. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng tham gia cuộc họp này đặc biệt này. Các nước sẽ đưa ra một tuyên bố chung về tình hình ở Cận Đông, đặc biệt là ở Gaza. 

trungdong2

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel ở dải Gaza, quang cảnh nhìn từ miền nam Israel, thứ Ba 21/11/2023. AP - Leo Correa

Ngoài nguyên thủ của năm nước thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), lãnh đạo của một số nước có khả năng gia nhập khối vào tháng Giêng năm 2024, như Ả Rập Xê Út, Achentina, Ai Cập, Iran, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, Ethiopia, cũng tham dự cuộc họp trực tuyến này.

Từ Johannesburg, thông tín viên Claire Bargelès tường trình :

"Lãnh đạo của Nam Phi sẽ là người khai mạc cuộc họp vì quốc gia này vẫn giữ vai trò chủ tịch luân phiên của khối BRICS. Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas là chủ đề mà chính phủ Nam Phi đặc biệt quan tâm. Kể từ đầu cuộc chiến, lãnh đạo Nam Phi đã lên tiếng tố cáo những hành động được mô tả là 'man rợ' ở dải Gaza, đảng Đại Hội Dân Tộc Phi cầm quyền vẫn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine. Nam Phi cùng với 4 quốc gia khác cũng yêu cầu Tòa anh Hình sự Quốc tế mở một cuộc điều tra chống lại Israel. Prétoria cũng đã triệu hồi nhân viên ngoại giao của nước này ở Tel Aviv.

Tuy nhiên lập trường của các đối tác của Nam Phi lại khác nhau. Ví dụ, Ấn Độ và Ethiopia thì bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ở Gaza. Trung Quốc lại muốn thể hiện là một trung gian hòa giải khả dĩ. Còn về phía Nga, điện Kremlin đã xác nhận Vladimir Putin tham gia vào cuộc họp này, Moskva đang sử dụng cuộc chiến này để tấn công vào sự bá quyền của Hoa Kỳ.

Do vậy, cần phải chờ xem nội dung của tuyên bố chung được thông qua vào cuối cuộc họp sẽ ra sao. Dẫu sao thì 5 quốc gia BRICS sẽ có dịp gặp lại nhau vào ngày mai, với sự hiện diện của nhiều nước hơn trong khuôn khổ cuộc họp trực tuyến của khối G20, dự trù diễn ra vào thứ Tư tới".

Theo AFP, quan hệ giữa Israel và Nam Phi ngày càng căng thẳng, khi vào hôm qua, Israel đã triệu hồi đại sứ của nước này tại Nam Phi, trong khi đảng Đại Hội Dân tộc Phi thì đề xuất đóng cửa sứ quán của Israel ở Pretoria, cắt đứt quan hệ với Tel Aviv, cho đến khi lệnh ngừng bắn được thực hiện ở Gaza.

Chi Phương

Additional Info

  • Author Jean-Sylvestre Mongrenier, Thùy Dương, Chi Phương
Published in Diễn đàn

Để bảo vệ các lợi ích kinh tế và an ninh, Trung Quốc sẽ can dự nhiều hơn vào Trung Đông. Việc hòa giải thành công hai cường quốc đối thủ trong khu vực là Iran và Saudi Arabia gần đây là thành quả của một chính sách đối ngoại bền bỉ của Bắc Kinh. 

trungdong1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong một lần tiếp đồng nhiệm Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud, tại Vô Tích, tỉnh Giang Tô, ngày 10/01/2022. AP - Anonymous

Liệu cách tiếp cận ngoại giao này của Trung Quốc, vốn dĩ khác biệt so với các đối thủ phương Tây, đi đầu là Mỹ có thể giúp cường quốc Châu Á khẳng định vị thế "nhà hòa giải lý tưởng" cho xung đột Israel – Hamas hay không ?

"Phải chăng Trung Quốc đang đường hoàng đi vào Trung Đông ?" là câu hỏi lớn trên trang mạng RTS – Đài Phát Thanh và Truyền Hình Thụy Sĩ. Ngày 10/03/2023, tại Bắc Kinh, trước sự bất ngờ của thế giới, Iran và Saudi Arabia thông báo nối lại bang giao sau bảy năm gián đoạn. Ngày 19/10, tiếp thủ tướng Ai Cập, Moustafa al-Madbouly bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quả quyết rằng Bắc Kinh mong muốn "mang lại" hơn nữa "ổn định" cho Trung Đông.

Làm thế nào Trung Quốc có thể ngày càng khẳng định vị thế của mình tại một khu vực trước đây được cho là sân sau của Mỹ, và trong một chừng mực nào đó là Liên Xô, giờ là Nga ? Bằng cách nào Trung Quốc có thể nói chuyện cùng lúc với các nước đôi khi là những kẻ thù lẫn nhau ?

Trả lời RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu về Nam – Trung Á, Didier Chaudet, trước hết nhìn lại lịch sử quan hệ Trung Quốc – Trung Đông, và nhận định rằng, trái với phương Tây và trong một chừng mực nào đó là Nga, Trung Quốc có một tầm nhìn dài hạn trong đối ngoại, một chính sách trung lập rõ ràng, gần như bất biến. Một ưu điểm rất được các đối tác Trung Đông đánh giá cao.

**********

RFI : Ngay từ những năm 1950, Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng các mối quan hệ với Trung Đông nhưng thành công rất hạn chế do vấp phải nhiều khó khăn. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao ?

Didier Chaudet : Sau Đệ Nhị Thế Chiến, đối với Trung Quốc, phát triển ra ngoài việc nội bộ, môi trường khu vực Châu Á là khá phức tạp do cuộc nội chiến tại Trung Quốc kéo dài đến tận năm 1949, tiếp đến là cuộc chiến tranh Triều Tiên, rồi những gì xảy ra với Việt Nam, tất cả những điều đó buộc Trung Quốc phải tập trung vào môi trường khu vực xung quanh mình cũng như là các vấn đề nội bộ của mình. Vì vậy trên thực thế, do thực trạng lúc đó, nên rất khó để Trung Quốc tiến xa đến Trung Đông.

Hơn nữa, vào thời kỳ đó, qúy vị đã có hai đại cường hoạt động ở Trung Đông : Đó là Hoa Kỳ và Liên Xô. Chừng nào Mao Trạch Đông còn hòa hợp với Liên Xô, thì phía Bắc Kinh vẫn còn một kỷ luật nghiêm ngặt tôn trọng sự lãnh đạo của Liên Xô.

Nhưng khi Staline mất, những căng thẳng giữa Mao Trạch Đông và ban lãnh đạo mới của Liên Xô xuất hiện, lô-gic đã thay đổi. Khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Matxcơva ngày càng gia tăng, một trong những mong muốn lớn nhất của Trung Quốc là làm sao gạt bỏ, thay thế tầm ảnh hưởng của Liên Xô.

RFI : Vào thời điểm đó, để xích lại gần với Algerie, có các mối quan hệ với Mặt trận Giải phóng Quốc gia (FLN), rồi Ai Cập của ông Gamal Abdel Nasser, một người mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc – xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc Mao Trạch Đông – đương nhiên trong lô-gic chủ nghĩa cộng sản, xã hội chủ nghĩa – còn có những luận điệu chống chủ nghĩa đế quốc. Đó còn là một lô-gic của cuộc đấu tranh nhân dân chống thế lực tư sản phản động.

Didier Chaudet : Trên thực tế, diễn ngôn thông thường nhất là trong một thế giới quan nảy sinh từ những cuộc đấu tranh của những người cộng sản Trung Quốc ngay trên lãnh thổ của mình. Họ có một tầm nhìn riêng, tất nhiên là chống chủ nghĩa đế quốc, mà theo họ, nó gắn liền với cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng điều chắc chắn là cuộc đấu tranh đó được thực hiện theo một cách mạnh mẽ hơn so với những người cộng sản Nga và nói tiếng Nga, những người ở Liên Xô, vốn dĩ cũng có một tầm nhìn, ít nhất là trong thượng tầng lãnh đạo. Họ có tầm nhìn về một đại cường, nhất là dưới thời Staline. Mục đích vẫn là áp đặt một thế mạnh và tầm ảnh hưởng của Matxcơva chứ không hẳn chỉ có chống chủ nghĩa đế quốc. Có thể nói, tư tưởng bài chủ nghĩa đế quốc của Mao Trạch Đông thời kỳ đó là không thể phủ nhận.

Vì vậy, mỗi lần ở Trung Đông, và nhìn chung là trong thế giới Ả rập, luôn xuất hiện một xu hướng tự đặt mình vào quan điểm chống chủ nghĩa đế quốc. Ưu điểm của diễn ngôn bài đế quốc của những người theo đường lối cứng rắn là có thể chỉ trích cả Mỹ rồi sau này là Liên Xô, để chứng tỏ rằng người Liên Xô không phải là những người chống chủ nghĩa đế quốc thực sự, không giống như người cộng sản Trung Quốc.

RFI : Từ lâu chỉ được xem như là nhà nhập khẩu dầu lửa lớn nhất, đối tác kinh tế hàng đầu của Trung Đông, nhưng việc hòa giải thành công hai nước thù địch Iran và Saudi Arabia đã cho thấy Trung Quốc có một bước đột phá ngoại giao ngoạn mục. Ông có giải thích rằng đó là do Trung Quốc có một lập trường rất trung lập trong khu vực. Bắc Kinh không đặt vị thế của mình trong mối quan hệ với những căng thẳng của khu vực. Đây chính là sự khác biệt lớn trong cách tiếp cận Trung Đông của Trung Quốc so với các cường quốc Âu – Mỹ ?

Didier Chaudet : Theo quan điểm Trung Quốc, điều thú vị là khả năng tiếp cận nguyên liệu thô, phát triển các mối quan hệ ngoại giao, phát triển quan hệ kinh tế. Và theo lô-gic này, trên thực tế là một lô-gic bảo vệ các lợi ích quốc gia, các lợi ích kinh tế của Trung Quốc thì việc Saudi Arabia và Iran không ưa nhau là điều không quan trọng đối với Bắc Kinh. Điều họ quan tâm là phát triển các mối quan hệ tại chỗ và chúng cho thấy có hiệu quả bởi vì các nước trong khu vực sẽ không nói với Trung Quốc rằng vì qúy vị giao tiếp với kẻ thù của tôi nên tôi sẽ không giao thương với qúy vị.

Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nhu cầu về nguyên liệu thô của khu vực ngày càng lớn. Các nước trong vùng vừa muốn bán hàng, vừa muốn xây dựng các mối quan hệ ngoài phương Tây, vốn dĩ là một mối quan hệ lịch sử phức tạp. Vì vậy, đó là sự a thoa giữa hai nhu cầu phát triển theo thời gian. Và đúng là trong giai đoạn giữa thời ông Đặng Tiểu Bình và chủ tịch Tập Cận Bình, có một chính sách được thực hiện liên tục để thiết lập các mối quan hệ lâu dài mà không đưa ra các lời hứa thiếu cân nhắc hay áp đặt một quan điểm tư tưởng khắc nghiệt bằng cách này hay cách khác.

Còn đối với các nước vùng Trung Đông, dù rằng họ không biết đến Trung Quốc ngay cả ở cấp lãnh đạo, cũng như là các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không biết rõ về Trung Đông, nhưng họ đã phát triển các mối quan hệ tốt đẹp dựa trên một nền tảng tương đối lành mạnh. Đó là thương mại, tìm kiếm lợi ích chung, tìm cách bảo vệ các lợi ích quốc gia của mỗi bên, không ý thức hệ, không áp lực, và hơn nữa mỗi bên cố gắng đạt được tối đa điều mình muốn theo cách riêng của mình.

RFI : Đây cũng chính là phương cách để Trung Quốc cạnh tranh với thế thống trị ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông trong giai đoạn này ?

Didier Chaudet : Học thuyết Carter vào cuối thập niên 1970, đầu những năm 1980 tại Mỹ khẳng định rằng vịnh Ba Tư, về cơ bản, trực tiếp nằm dưới sự bảo vệ và thống trị của Mỹ. Vì vậy, nếu như Trung Quốc đến Saudi Arabia, Qatar hay các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất cố gắng áp đặt một tầm nhìn ý thức hệ rằng, nếu qúy vị giao dịch với chúng tôi thì qúy vị nên rời xa Hoa Kỳ, tất nhiên điều đó sẽ không xảy ra.

Nhưng việc đến các nước này với một cách tiếp cận phi ý thức hệ với tư cách là đại diện của một thị trường Châu Á đang phát triển mạnh mẽ và một thị trường Châu Á khao khát dầu hỏa và khí đốt, tự nhiên đã khiến Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Trung – Cận Đông.

Còn hơn thế, khi họ so sánh với các nước Châu Âu và Mỹ, những nước muốn áp đặt theo một cách hoàn toàn ngẫu nhiên một tầm nhìn nhất định về thế giới, một hệ tư tưởng nhất định nhưng họ cũng không thực hiện điều đó một cách có hệ thống.

Vì vậy, điều đó mang lại cảm giác về một đối tác không an toàn và khá đạo đức giả khi xét đến các giá trị, trong khi phía Trung Quốc, họ có những người đến làm kinh doanh, bảo vệ lợi ích của các nước trong khu vực, cố gắng mua những thứ mà ở xứ họ không có… điều này làm cho mọi việc trở nên đơn giản hơn.

RFI : Như vậy, theo ông, còn có một điểm khác biệt lớn so với phương Tây là Trung Quốc có được một chính sách dài hạn tại Trung Đông ?

Didier Chaudet : Chính xác. Vấn đề còn nằm ở mối quan hệ lâu dài. Khi Trung Quốc đưa ra lập luận này cho Con Đường Tơ Lụa Mới, họ biết rõ là dự án này sẽ không biến mất sau bốn năm. Mỹ và Châu Âu cũng như các đồng minh của họ gần như mỗi hai năm một lần, muốn phát minh ra một con đường tơ lụa mới của phương Tây để cạnh tranh với dự án của Trung Quốc và mỗi lần như thế họ đều thất bại bởi vì cần phải chấp nhận bỏ tiền trong thời gian dài nhưng điều này thì khó thực hiện vì chúng ta có một nền kinh tế mà chúng ta đang có trên thế giới kể từ năm 2008 và nhất là khi chúng ta có các kỳ bầu cử cứ mỗi ba hay năm năm một lần, thì điều đó hầu như là không thể.

Nhưng điều này còn liên quan đến chính sách ngoại giao khác nhau tại Châu Âu và Mỹ. Họ vẫn bị giằng xé giữa một tầm nhìn thực tế về quan hệ ngoại giao và một tầm nhìn mang tính tư tưởng về nền dân chủ chống độc tài. Nhưng vì họ không nhất quán trong những gì họ làm vì nhiều lý do rõ ràng. Người ta không thể chỉ trích hết tất cả các chế độ độc tài, nếu không họ sẽ chẳng nói chuyện được với ai cả.

RFI : Việc phương Tây có cách hành xử "nhất bên trọng, nhất bên khinh", khi chỉ trích một số chế độ độc tài này nhưng lại không với số khác, lên án vài vi phạm nhân quyền ở nơi này nhưng nói không ở nơi khác hay như xem xét số này là nạn nhân, rồi ít hay nhiều là nạn nhân, còn làm cho các phát biểu của phương Tây trở nên rất "đạo đức giả" và ngày càng "khó nghe" ở Trung Đông ?

Didier Chaudet : Phía Trung Quốc họ có một chính sách lâu dài. Ngày nay với ông Tập Cận Bình, thậm chí là ngay cả trước đó, các chính sách ở Trung Quốc trên thực tế thường được củng cố theo thời gian. Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc không khác gì hơn là sự củng cố chính sách ngoại giao kinh tế đã tồn tại ít nhất từ mười năm qua.

Vì vậy, trên thực tế, mọi việc dễ dự đoán hơn, rõ ràng hơn, người ta biết mình đang đối mặt với điều gì, họ biết rõ là điều đó sẽ không thay đổi. Đối với giới lãnh đạo Trung Đông, cách tiếp cận này của Trung Quốc làm cho mọi việc trở nên rõ ràng hơn nhiều, ngay cả khi họ chưa hiểu chính xác thế giới Trung Quốc vận hành như thế nào, họ cũng chưa biết rõ hệ thống chính trị, văn hóa. Thậm chí ở cấp độ ngôn ngữ, các nước Trung Đông vẫn chưa có nhiều nhà ngoại giao nói thạo tiếng Hoa. Việc giảng dạy tiếng Hoa giờ đang bùng nổ ở Trung Đông, nhưng hiện tượng này chỉ mới diễn ra gần đây.

Quả thật, tuy không có những kết nối văn hóa, không có những kết nối lịch sử, trái ngược với những gì phương Tây có thể đưa ra nhưng điều cơ bản ở đây là quan điểm trung lập để cho chính sách thực dụng có thể vận hành. Vì có thể dự đoán được, vì không có sự thay đổi theo thời gian, nên cách làm này của Trung Quốc cho phép củng cố các mối liên kết theo thời gian. Phương Tây có thể đã đánh giá thấp khả năng tạo ra các mối liên kết theo thời gian giữa Trung Quốc và Trung Đông.

RFI : Ông cho rằng sự can dự của Trung Quốc vào Trung Đông sẽ ngày càng lớn. Một trong những mối nguy lớn nhất cho an ninh Trung Quốc trong tương lai là tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech. Xin ông giải thích rõ thêm ?

Didier Chaudet : Nếu chúng ta xem một tờ báo của Daech, có tên là "Tiếng nói từ Khorassan", một tờ nguyệt san, trong số đăng gần đây ở Afghanistan, số ra đầu tháng 10/2023 đã nhắm thẳng vào Trung Quốc và nói rằng họ nhắm mục tiêu vào Trung Quốc vì nước này tiến hành một chính sách đáng chỉ trích ở Tân Cương hay Afghanistan.

Vì vậy, Trung Quốc có nhu cầu tìm kiếm các đồng minh tại nhiều nước Hồi Giáo khác nhau, kể cả ở Trung Đông để chiến đấu chống lại bất kỳ mối nguy hiểm thánh chiến nào có thể nhằm vào Trung Quốc trong tương lai. Nhưng vì đây là một vấn đề Trung Quốc biết tương đối ít và chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm, nên Trung Quốc sẽ cần đến sự giúp đỡ từ nhiều nước.

Trung Quốc đã có được sự trợ giúp rõ ràng từ cơ quan mật vụ Pakistan. Phe Taliban ở Afghanistan cũng đang bảo đảm các lợi ích của Trung Quốc và chiến đấu chống các nhóm khủng bố có thể muốn tấn công Trung Quốc. Nhưng rộng hơn là chính ở Trung Đông, tôi nghĩ rằng Trung Quốc ngày càng sẽ có nhiều nhu cầu, mong muốn chuyển hướng đến những nước trong khu vực, những nước có thể giúp Trung Quốc bảo vệ các lợi ích, lợi ích kinh tế cũng như là công dân của mình.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn Didier Chaudet, chuyên gia về Nam – Trung Á.

Minh Anh thực hiện

Nguồn : RFI, 02/11/2023

Additional Info

  • Author Didier Chaudet, Minh Anh
Published in Diễn đàn

Mỹ tấn công lực lượng dân quân thân Iran tại Syria và Iraq

Anh Vũ, RFI, 28/06/2021

Để đáp trả liên tiếp các vụ tấn công bằng thiết bị không người lái vào các căn cứ Mỹ tại Iraq, theo lệnh của tổng thống Joe Biden, quân đội Mỹ, ngày hôm qua, 27/06/2021, đã mở một loạt các cuộc không kích vào các cơ sở của lực lượng dân quân vũ trang do Iran hậu thuẫn tại Syria và Iraq. Theo Washington, đó là những cơ sở hậu cần trọng yếu để mở các cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ tại Iraq.

trungdong1

Lầu Năm Góc thông báo không kịch nhiều mục tiêu của lực lượng thân Iran tại Syria và Iraq. Ảnh : trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ.  Staff AFP/Archivos

Thông tín viên Loubna Anaki từ New York cho biết thêm thông tin :

Tin được thông báo qua thông cáo của Bộ Quốc phòng cho biết các cuộc không kích diễn ra trong đêm nhằm vào 3 mục tiêu, trong đó 2 mục tiêu nằm ở Syria, 1 tại Iraq.

Đó là các địa điểm cất giữ vũ khí đạn dược của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn. Những nhóm quân này đã dùng thiết bị bay không người lái tiến hành nhiều cuộc tấn công vào quân Mỹ.

Chỉ tính riêng trong tháng Tư, đã có 5 vụ tấn công bằng thiết bị bay mang chất nổ điều khiển từ xa nhằm vào các căn cứ của Mỹ tại Iraq, trong đó có cả những địa điểm của CIA và lực lượng đặc nhiệm Mỹ.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ giải thích : "Tổng thống Biden đã nói rất rõ là ông sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ nhân viên Mỹ".

Đây không phải lần đàu tiên tổng thống Mỹ ra lệnh tiến hành các chiến dịch quân sự kiểu như thế này. Hồi tháng Hai vừa qua, các cơ sở của lực lượng dân quân thân Iran tại Syria cũng đã bị oanh tạc.

Hoa Kỳ nhận thấy Tehran sử dụng lực lượng dân quân vũ trang và các cuộc tấn công người Mỹ nhằm gây áp lực để Washington gỡ bỏ các trừng phạt.

Khi trở lại Nhà Trắng ngày cuối tuần, được hỏi về các vụ tấn công vừa rồi, ông Joe Biden nói ông sẽ có tuyên bố ngày hôm nay về các chiến dịch quân sự này.

Các đợt không kích đã làm ít nhất 5 chiến binh của lực lượng dân quân Iraq thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, theo thông báo của tổ chức phi chính phủ Đài Quan sát Nhân quyền tại Syria (OSDH).

Trong một bối cảnh khác, theo Reuters, hôm nay, 28/06/2021, tại Nhà Trắng, ông Joe Biden tiếp tổng thống mãn nhiệm Israel, Reuven Rivlin, để thảo luận thêm về các nỗ lực của Hoa Kỳ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran ký hồi 2015 cũng như những vấn đề liên quanđến thành lập chính phủ mới ở Israel của tân thủ tướng Naftali Bennett.

Anh Vũ

**********************

M không kích nhm vào lc lượng dân quân do Iran hu thun Syria, Iraq

VOA, 28/06/2021

Quân đi M, dưới s ch đo ca Tng thng Joe Biden, đã thc hin các cuc không kích nhm vào "các cơ s được s dng bi các nhóm dân quân do Iran hu thun" gn biên gii gia Iraq và Syria, khiến quân đi Iraq lên án và dân quân đưa ra li kêu gi tr thù, theo AP.

trungdong2

Cuộc không kích đã tạo ra thiệt hại nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng của một vài nhóm dân quân do Iran hỗ trợ như Kait’ib Hezbollah và Kait’ib Sayyid al Shuhad

Thư ký Báo chí Lu Năm Góc John Kirby cho biết các lc lượng dân quân đang s dng các cơ s này đ tiến hành các cuc tn công bng máy bay không người lái nhm vào quân đi M Iraq. Đây là ln th hai chính quyn Biden thc hin hành đng quân s trong khu vc k t khi ông nm quyn vào đu năm nay.

Theo li ông Kirby, quân đi M đã nhm mc tiêu vào ba cơ s hot đng và ct tr vũ khí vào đêm Ch nht, 2 cơ s Syria và 1 cơ s Iraq.

Ông mô t các cuc không kích là đ "phòng th" và nói rng chúng được thc hin đ đáp tr các cuc tn công ca dân quân.

"Hoa Kỳ đã thc hin hành đng cn thiết, thích hp và có ch ý nhm hn chế nguy cơ leo thang, nhưng cũng đ gi mt thông đip răn đe rõ ràng", AP dn li ông Kirby nói.

Lu Năm Góc cho biết các cơ s này được s dng bi các phe nhóm dân quân do Iran hu thun, bao gm Kataib Hezbollah và Kataib Sayyid al-Shuhada.

Hai quan chc dân quân Iraq nói vi hãng tin AP Baghdad rng 4 dân quân đã thit mng trong các cuc không kích gn biên gii vi Syria. C hai quan chc giu tên cho biết cuc tn công đu tiên nhm vào mt cơ s lưu tr vũ khí bên trong lãnh th Syria, nơi các dân quân b giết. Cuc tn công th hai đánh vào khu vc biên gii.

Đài quan sát Nhân quyn Syria, mt nhóm có tr s ti Anh chuyên theo dõi cuc xung đt Syria thông qua các nhà hot đng trên thc đa, cho biết có ít nht 7 dân quân Iraq thit mng trong các cuc không kích.

Các phe phái dân quân Iraq do Iran hu thun th s tr thù cho v tn công và cho biết trong mt tuyên b chung rng h s tiếp tc nhm mc tiêu vào các lc lượng Hoa K. "Chúng tôi s tr thù bng máu ca các v t đo công chính ca chúng tôi chng li nhng th phm ca ti ác ghê tm này và vi s giúp đ ca Chúa, chúng tôi s khiến k thù phi nếm mùi cay đng ca tr thù", AP dn tuyên b nói.

Lc lượng Huy đng Nhân dân (PMF), mt nhóm do nhà nước Iraq vi phn ln là người Hi giáo dòng Shia, nói người ca h đang làm nhim v ngăn chn s xâm nhp ca nhóm Nhà nước Hi giáo và ph nhn s hin din ca các kho vũ khí.

Quân đi Iraq lên án các cuc không kích là "vi phm trng trn và không th chp nhn được đi vi ch quyn và an ninh quc gia ca Iraq". Nước này kêu gi tránh leo thang nhưng bác b rng Iraq là nơi đ "các bên dàn xếp" - ám ch M và Iran. Theo AP, đây là ln th hin s lên án hiếm hoi ca quân đi Iraq v các cuc không kích ca M.

Ti Iran, phát ngôn viên B Ngoi giao Saeed Khatibzadeh cáo buc M to ra bt n trong khu vc.

"Chc chn, nhng gì Hoa K đang làm đang phá v an ninh ca khu vc", AP dn li ông nói hôm th Hai.

Các cuc không kích hôm Ch nht đánh du ln th hai chính quyn Biden tiến hành các cuc không kích dc khu vc biên gii Iraq-Syria. Vào tháng 2, M đã tiến hành các cuc không kích nhm vào các cơ s Syria, gn biên gii vi Iraq, mà h cho rng đã được s dng bi các nhóm dân quân do Iran hu thun.

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt, VOA tiếng Việt
Published in Quốc tế

Thượng đỉnh Nga - Thổ : Erdogan "vớt vát" với lệnh ngừng bắn tại Idleb, Syria

Sau 100 ngày bùng cháy dữ dội, chảo lửa Idleb, tây bắc Syria sẽ thật sự được dập tắt hay không ? Và sẽ được kéo dài trong bao lâu ? Sau ba giờ thảo luận, cả hai nguyên thủ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã "đạt được một lệnh ngừng bắn tại Syria". Nhưng để có được thỏa thuận này, "Thổ Nhĩ Kỳ đã nhượng bộ Nga những gì ?".

ngatho1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung, Moskva, ngày 05/03/2020 Pavel Golovkin/Pool via Reuters

Trước khi giải mã, Le Figaro không quên lưu ý rằng trong cuộc họp thượng đỉnh hôm qua, tổng thống Nga Putin hoàn toàn trong thế mạnh. Chủ nhân điện Kremlin đặt điều kiện để tổ chức cuộc gặp : Thượng đỉnh diễn ra tại Moskva thay vì ở Ankara và là một cuộc gặp song phương chứ không phải là bốn bên (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Đức) như đề nghị ban đầu của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau nhiều giờ thảo luận, tổng thống Nga đồng ý một lệnh hưu chiến nhưng có những điều kiện kèm theo. Trong mục tiêu chiến lược của Nga là làm thế nào lấy lại hai trục lộ chính M4 (Aleppo - Lattaquia, căn cứ địa của Assad) và M5 (Aleppo - Damascus). Thứ Hai, 02/3, thành phố Saraqeb rơi vào tay quân đội Syria nhờ vào sự yểm trợ của không quân Nga, cũng như là lực lượng quân sự Iran và phe Hezbollah. Với thắng lợi này, bài toán M5 xem như đã được giải quyết, binh sĩ Nga đã hiện diện trong khu vực. Điều này có một ý nghĩa rất rõ ràng : "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy muốn tái chiếm thành phố, điều đó có nghĩa là họ sẽ phải gây chiến với Nga" theo như giải thích của nhà đối lập, Haytham Manna.

Giờ chỉ còn lại thế cờ M4. Đây chính là điểm nguyên thủ Thổ phải nhượng bộ tổng thống Nga. Phía Ankara sẽ có được một "hành lang an toàn", nằm sâu 6 km ở phía bắc và 6 km ở phía nam trên trục lộ này thay vì là 15 km như ông Erdogan đòi hỏi. Theo quan điểm của Moskva, tháng 10/2019, việc Ankara và phe nổi dậy có được vùng phía đông, nằm giữa Ras el-Ain và Tall Abyad là đã quá đủ. Thế nên, không có chuyện ông nhượng bộ tiếp cho Ankara vùng Idleb.

Do vậy, với chiều rộng 6 km hành lang an toàn, hai thành phố do phe nổi dậy chiếm đóng là Jisr al Shoghour và Ariha xem như bị "vô hiệu hóa". Moskva và Tehran sẽ cung cấp một hệ thống phòng thủ chống drone cho phép đẩy lùi các cuộc tấn công bằng máy bay tự hành từ Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần các chốt các quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idleb, nhằm cứu vãn danh dự cho "đồng minh mới", Putin dường như đã đề nghị biến chúng thành chốt gác chung Nga - Thổ, thậm chí là cả tuần tra chung.

Nói một cách khác : Ông Erdogan chẳng khác gì như "gà bị trói chân". Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ còn được Nga và Trung Quốc - hai quốc gia đầu tư làm lại con lộ M5 - yêu cầu phải giải trừ vũ khí và "ôm lấy" khoảng từ 10 - 15 ngàn quân thánh chiến mà Ankara ủng hộ nhưng không tài nào khuyên giải được.

Erdogan đành an ủi ra về với lệnh hưu chiến mà không thể kháng cự trước những đòi hỏi của Putin. Kết quả thượng đỉnh một lần nữa khẳng định tổng thống Nga Vladimir Putin mới thật sự là chủ nhân cuộc chơi. Với Moskva, "một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là ngăn chặn Mỹ và Châu Âu gia tăng ảnh hưởng trong cuộc xung đột Syria".

Libya : Trục Damascus - Benghazi đối đầu Tripoli - Ankara

Cuộc đọ sức giữa hai "người bạn" Nga và Thổ có lẽ không chỉ dừng ở Syria mà còn ở cả Libya. Le Monde cho biết "Một trục Haftar - Assad đang trỗi dậy ở Libya".

Dấu hiệu cho thấy cuộc chiến đang dần bị quốc tế hóa là chính phủ Đông Libya của tướng Khalifa Haftar, không được cộng đồng quốc tế công nhận, nhưng được Nga, Ai Cập và một số nước Ả Rập ủng hộ, vừa mở một tòa đại sứ tại Damascus. Một bước tiến mới trong việc tái hội nhập khu vực của chế độ Assad trên trường ngoại giao của thế giới Ả Rập. Một trục Damascus - Benghazi nhằm đáp trả liên minh đối thủ Ankara - Tripoli.

Theo quan sát của Ghassan Salamé, cựu đặc sứ Liên Hiệp Quốc chuyên trách hồ sơ Libya, từ năm 2018, các hoạt động hàng không giữa Damascus - Benghazi diễn ra liên tục, nhưng ông không thể nào biết rõ "có những gì bên trong" các chiếc máy bay đó. Quan hệ Damascus - Benghazi còn thể hiện rõ qua việc Syria gởi 1.500 binh sĩ có huấn luyện đến Benghazi. Có lẽ là nhằm thay thế số lính đánh thuê Nga ở phía nam do tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, vốn thân cận với điện Kremlin, tuyển dụng.

Le Monde cho rằng, trục Syria - Benghazi còn là một phần trong chiến lược chinh phục Châu Phi hạ Sahara của Moskva. Trong triển vọng này, Benghazi đóng vai trò như là một bệ phóng cho Nga đi về hướng Nam, nhất là nước Cộng hòa Trung Phi (RCA), mà tập đoàn Wagner đang hoạt động rất mạnh tại đây. Theo nhận định của một nhà quan sát với Le Monde, "Libya giống như là một mắt xích trong chuỗi hậu cần của Nga sang Châu Phi".

Châu Âu trấn an Hy Lạp, "vỗ về" Thổ Nhĩ Kỳ

Gặp khó khăn với Nga tại Syria và Libya, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quay sang bắt chẹt Liên Hiệp Châu Âu bằng cách thả cửa cho hàng chục ngàn di dân ùa sang biên giới Hy Lạp. Trong hoàn cảnh này, Liên Hiệp tuy chỉ trích mạnh mẽ nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng phải "cố gắng không làm mất lòng Erdogan".

Thua cuộc trên bàn cờ Idleb, Syria, Erdogan dùng di dân để đe dọa Liên Hiệp Châu Âu, yêu cầu khối này phải chia sẻ một phần "gánh nặng" trong việc tiếp nhận di dân và người tị nạn. Thứ Tư, 4/3, tổng thống Thổ nhắc lại với các đồng nghiệp Liên Hiệp Châu Âu rằng chỉ có một giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng di dân là phải ủng hộ ông trong cuộc chiến chống các lực lượng Bachar al-Assad tại Syria.

Đáp lại lời kêu gọi này, Liên Hiệp Châu Âu chỉ cam kết hỗ trợ một khoản trợ giúp 170 triệu euro để đối phó với tình hình nhân đạo bi thảm do các cuộc tấn công của chế độ Damascus nhắm vào Idleb gây ra kể từ tháng 12/2019.

Bruxelles cho biết rất có thể sẽ điều chỉnh lại thỏa thuận di dân ký kết với Ankara năm 2016 và dự kiến nhiều biện pháp hỗ trợ mới. Liên Hiệp Châu Âu có thể sẽ tái thúc đẩy một số hứa hẹn đã đưa ra vào thời kỳ đó, trong đó có chính sách cấp thị thực nhập cảnh.

Dù vậy, để tỏ lòng liên đới với Hy Lạp, khối này cũng không quên chỉ trích mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ đã "điều khiển một cách vô liêm sỉ những người trong tình cảnh vô vọng". Theo các bằng chứng hình ảnh do giới chức Hy Lạp cung cấp, chính quyền Ankara đã lên kế hoạch từ lâu dịch chuyển hàng ngàn di dân về phía biên giới Hy Lạp.

Liên Hiệp Châu Âu cho biết để hỗ trợ Hy Lạp trong việc ngăn chặn di dân, khối này sẽ huy động khoảng một trăm lính biên phòng và tuần duyên từ cơ quan Frontex cũng như là 160 quan chức Văn phòng chuyên trách tị nạn để giúp Hy Lạp xúc tiến việc xét đơn xin tị nạn.

Virus Corona : Bệnh nhân số không ở đâu ?

Virus corona tiếp tục khuynh đảo thế giới. Trung Quốc phập phù theo dõi diễn tiến dịch bệnh "hy vọng vượt qua được giai đoạn tồi tệ của trận dịch" như ghi nhận của báo Le Monde. Tại cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, tuy mỗi ngày vẫn có thêm số ca tử vong và ca nhiễm bệnh mới, nhưng nhịp độ đã chậm lại hơn, và nhất là không có thêm trường hợp mới nào ngoài tâm dịch chính là tỉnh Hồ Bắc.

Điều làm cho giới nghiên cứu Trung Quốc lo lắng nhất hiện nay là "bệnh nhân số không" vẫn "bặt vô âm tín". Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc một viện nghiên cứu ở Vân Nam, được công bố hôm 20/01, những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện là nằm ngoài khu chợ Huanan, ở Vũ Hán.

Chính điều này đã làm dấy lên lời đồn thổi cho rằng nguồn gốc của dịch bệnh bắt nguồn từ phòng nghiên cứu vi khuẩn học tuyệt mật P4 ở Vũ Hán. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải lên tiếng nhắc nhở "chưa có kết luận về xuất xứ của chủng virus này", đồng thời trích dẫn một chuyên gia Trung Quốc cho rằng virus corona "chưa hẳn có nguồn gốc" từ Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh yêu cầu chấm dứt gọi đó là "virus Trung Quốc" và "virus chính trị".

Khủng hoảng y tế, khủng hoảng niềm tin

Trận dịch này cũng là một đòn thử thách cho giới lãnh đạo của nhiều nước. Bài phân tích của thông tín viên của báo Le Monde tại Tokyo cho thấy "virus corona gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin chính trị tại Nhật Bản". 60% số người dân Nhật Bản được hỏi không hài lòng về cách xử lý dịch bệnh của chính phủ thủ tướng Shinzo Abe. Khủng hoảng dịch tễ đã làm lộ rõ những cách xử lý yếu kém của chính phủ trước một tình trạng khẩn cấp, thái độ quan liêu của giới viên chức rồi phản ứng ngoại giao và kinh tế vụng về của thủ tướng Abe vì không muốn làm phật lòng Trung Quốc…

Bệnh viện lỗi thời, bảo hiểm không có

Cơn khủng hoảng y tế này cũng là cơ hội phơi bày những hệ thống y tế yếu kém tại một số nước như Bắc Triều Tiên chẳng hạn dù rằng nước này tuyên bố không có một ca nhiễm nào. Trong vài ngày tới, chính quyền Bình Nhưỡng cho phép một bộ phận các nhà ngoại giao nước ngoài rời lãnh thổ đến Vladivostok của Nga bằng chuyến bay đặc biệt do hãng hàng không quốc gia Air Koryo thực hiện.

Nguyên nhân là vì từ hơn một tháng nay, Bắc Triều Tiên đã cho cách ly hơn 400 nhà ngoại giao của nhiều nước và thân nhân của họ. Hơn nữa, Bình Nhưỡng ý thức được rằng hệ thống bệnh viện của đất nước đã lỗi thời, thiếu thốn thuốc men và thiếu cả thực phẩm, do vậy đất nước khó có thể sơ tán các kiều dân nước ngoài.

Trái với Bắc Triều Tiên, cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ có một hệ thống bệnh viện hiện đại, nhưng không vì thế là không có những "hạn chế" như quan sát của báo Le Monde. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như 27,5 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế không thể làm các xét nghiệm và chữa trị do chi phí quá cao ? Mối họa lây nhiễm chắc có lẽ điều không thể tránh khỏi. Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ chỉ còn mong cho tháng Tư đến mau vì "dịch bệnh sẽ tắt" như ông từng tuyên bố.

Minh Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan : Trùm bắt bí trên trường quốc tế

Siêu vi Covid-19 trên thế giới và ngày Siêu Thứ Ba - Super Tuesday - tại Mỹ là hai chủ đề chia nhau trang nhất các báo Pháp ra ngày thứ Ba 03/03/2020.

trum1

Di dân Afghanistan đến đảo Lesbos, Hy Lạp qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 02/3/2020. Reuters/Alkis Konstantinidis

Chen vào hai trọng tâm lớn này là vòng đàm phán Liên Âu-Anh Quốc thời hậu Brexit bắt đầu mở ra, và nhất là tình hình căng thẳng tại biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ với việc Ankara mở cửa xua người xin tị nạn vào Châu Âu để bắt bí Bruxelles.

Vấn đề làn sóng người tị nạn đang mấp mé ngoài cửa ngõ Châu Âu đã được nhật báo thiên hữu Le Figaro nêu bật trong tựa lớn trang nhất : "Trước dòng người di cư dồn đến, tiếng kêu báo động từ Hy Lạp". Tờ báo ghi nhận các cố gắng mà chính quyền Athens đang bỏ ra nhằm chặn bước tiến của hàng chục ngàn người xin tị nạn, giờ được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đẩy sang Liên Hiệp Châu Âu.

Tờ báo cũng hoan nghênh việc giới lãnh đạo Liên Âu kiên quyết phản đối hành vi "bắt chẹt không thể chấp nhận được" của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, và hứa sẽ giúp đỡ Hy Lạp. Một cách cụ thể, theo Le Figaro, bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã tuyên bố : "Thách thức đối với Hy Lạp cũng là một thách thức đối với Châu Âu".

Để cho thấy rõ lập trường của mình, hôm nay, thứ Ba 03/03, bộ ba lãnh đạo Liên Âu là các chủ tịch Ủy Ban, Nghị Viện và Hội Đồng Châu Âu sẽ cùng với thủ tướng Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis, đến thăm vùng biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ đoạn bắt bí Châu Âu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Sau khi mở cửa biên giới với Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 02/3 đã đe dọa để cho "hàng triệu" người di cư tràn ngập Liên Hiệp Châu Âu, vào lúc Ankara muốn được phương Tây giúp đỡ trong các hoạt động quân sự ở Syria. Đối với Le Figaro, "ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp, đang có một ‘cuộc di cư’ được điều khiển từ xa", mà người gây ra không ai khác hơn là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ "Erdogan, bậc thầy về việc dùng mối đe dọa di cư để bắt bí".

Trong bài xã luận mang tựa đề "Người di cư : Mặt trận chung", phó ban biên tập nhật báo Pháp đã không ngần ngại tố cáo việc tổng thống Erdogan lợi dụng số 3,5 triệu người Syria đang lánh nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành một hình thức bắt bí Châu Âu.

Le Figaro lưu ý : "Tổng thống Thổ muốn buộc Châu Âu can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột Syria bên cạnh ông, (mà trước tiên hết là) mở rộng đóng góp tài chính vào việc quản lý những người tị nạn đã có mặt trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như một làn sóng mới đến từ vùng Idleb".

Tờ báo nêu rõ những thủ đoạn mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng để xúi giục người tị nạn tràn vào Châu Âu qua biên giới trên bộ với Hy Lạp. Chính những con người khốn khổ này đã cho biết là họ được cung cấp các bản đồ chỉ rõ các tuyến đường dẫn đến vùng biên giới, được hưởng giá cực thấp khi mua vé xe. Trên đài truyền hình, những kẻ buôn người được cho quảng cáo ở khung giờ bản tin thời sự.

Đối với tờ báo Pháp, các hành động trên đúng là nằm trong khuôn khổ một chiến dịch có phối hợp, đã biến hàng chục ngàn người xin tị nạn thành "cánh tay vũ trang" mà ông Erdogan dùng để đánh vào Châu Âu.

Ngăn chặn làn sóng nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ : Một hành động can đảm

Tuy nhiên, Hy Lạp đã có phản ứng nhanh chóng và kịp thời. Trong vòng bốn ngày gần đây, các lực lượng biên phòng Hy Lạp đã đẩy lùi gần 20.000 người xin tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ dồn về vùng biên giới. Theo Le Figaro, đây là một hành động can đảm của chính quyền Athens.

Tờ báo giải thích : "Hy Lạp đã đóng kín cửa vào Liên Hiệp Châu Âu với nguy cơ là sẽ phải gánh chịu búa rìu dư luận về những phản ứng ngăn chặn thô bạo". Có điều, theo Le Figaro đó là một sự thô bạo mà Hy Lạp phải chịu đựng mà không hề mong muốn.

Vì sợ rằng một mình không chận nổi dòng người di cư, Athens đã kêu gọi Châu Âu giúp đỡ bằng cách kích hoạt Điều 78-3 của Hiệp ước Rôma. Cùng với Hy Lạp, giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đều tố cáo hành vi bắt chẹt không thể chấp nhận được của ông Erdogan.

Le Figaro hết sức tán đồng phản ứng cứng rắn đối với Ankara : "Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã hành xử như kẻ thù, hãy đối xử với ông ta đúng như thế, hãy ngừng các khoản tài trợ cũng như đình chỉ cuộc đàm phán gia nhập Liên Âu của nước này".

Dẫu sao thì Châu Âu cũng không có tiếng nói trong hồ sơ Syria, vốn có thể sẽ được giải quyết trong cuộc họp tay đôi Erdogan-Putin dự kiến vào thứ Năm 05/3 này.

Từ đền Angkor đến thuyền gondola Venise : Du lịch khốn đốn vì covid-19

Hồ sơ nặng ký trên các báo Pháp hôm nay vẫn là diễn biến đáng lo ngại của dịch Covid-19 trên cấp độ thế giới và đặc biệt là tại Châu Âu và tại Pháp. Các báo càng lúc càng nói nhiều về tác hại kinh tế ngày càng rõ nét của dịch bệnh, nhất là đối với ngành du lịch, giải trí.

Les Echos đã chạy tựa lớn trang nhất trên chủ đề : "Ngành công nghệ thế giới : Nạn nhân chính của con virus corona". Nhật báo kinh tế ghi nhận một loạt dấu hiệu : Các nhà máy hoạt động chậm hẳn lại, chuỗi cung ứng hậu cần bị trục trặc, các cửa hàng bị đóng cửa, sức cầu thấp hẳn.

Kể từ trung tuần tháng 2/2020, các đại gia trong ngành công nghệ đã bắt đầu lo lắng cho doanh thu trong nửa đầu năm 2020 này. Có điều, theo Les Echos, dịch bệnh sẽ không xóa bỏ được các xu hướng mang tính cơ cấu đang hỗ trợ cho ngành phát triển.

Le Monde thì dành nguyên một hồ sơ cho tình trạng điêu đứng mà ngành du lịch đang phải trải qua, với bài viết chính mang tựa đề : "Cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Không một nước nào thoát được", và "con virus corona đang làm tê liệt ngành du lịch".

Tờ báo Pháp khẳng định rằng tác hại kinh tế đã được ước tính lên đến khoảng hai mươi tỷ euro thất thu trong ngành du lịch và giải trí. Tại khắp nơi trên thế giới, các nhà điều hành tour du lịch và khách sạn đang lo lắng về sự sụt giảm đột ngột của lượng du khách tại các điểm đến ăn khách.

Cam Bốt : Mất du khách Trung Quốc là thảm họa quốc gia

Trong một bài viết riêng rẽ, Le Monde nêu ví dụ của khu đền Angkor tại Cam Bốt, đã trở nên vắng vẻ khác thường vì không còn du khách Trung Quốc. Trên một đất nước mà ngành du lịch chiếm hơn 12% của nền kinh tế, và một phần ba du khách nước ngoài là đến từ Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 đã mang quy mô một thảm họa quốc gia.

Trong số khoảng hơn 6,6 triệu người nước ngoài đến du lịch tại Cam Bốt trong năm 2019, có hơn 2,3 triệu đến từ Trung Quốc, hơn hẳn số khách đến từ Việt Nam và Lào, hơn cả du khách Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nước vốn đã bỏ xa khách Châu Âu và Mỹ.

Một bài viết thứ hai phân tích tình hình tại Ý với một tựa đề rất châm biếm : "Từ Milano đến Venise, ngành du lịch Ý bị nhiễm virus corona". Chính quyền địa phương đã ước tính một mức thiệt hại tài chính có thể lên tới 2 tỷ euro.

Siêu Thứ Ba tại Mỹ : Ngày đăng quang của Bernie Sanders ?

Sau siêu vi mang đến dịch Covid-19, báo Pháp cũng rất quan tâm đến một sự kiện được đánh giá là siêu hạng khác : Ngày Super Tuesday tại Mỹ hôm nay 03/3, khi có không dưới 14 tiểu bang bầu sơ bộ chọn ứng cử viên đại diện đảng Dân Chủ ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới đây.

Nhật báo Le Monde đã dành cho sự kiện này tựa đề lớn nhất trải dài trên 5 cột báo ở ngay trang nhất với một nội dung hết sức khách quan : "Đảng Dân Chủ : Cuộc đối đầu Biden-Sanders".

Libération, cũng đưa sự kiện Mỹ lên trang bìa, nhưng không ngần ngại chọn phe khi chạy tựa : "Bernie Sanders : Một nước Mỹ khác là điều có thể".

Tờ báo Pháp có xu hướng thiên tả này đã nhắc lại rằng các nhà bình luận truyền thống thường viện dẫn nhận định truyền thống : chỉ có chuyển vào phía trung thì mới thắng cử. Đó là trường hợp của những người như Kennedy, Clinton, Obama.

Thế nhưng lần này Libération đặt niềm tin vào Bernie Sanders, một người có xu hướng cấp tiến, vẫn thiên tả, hiện đang dẫn đầu cuộc đua.

Riêng Le Figaro thì lại chú ý đến nhân vật thứ ba trong số các ửng cử viên đảng Dân Chủ : Michael Bloomberg, một doanh nhân giàu có, nguyên là thị trưởng New York.

Đối với Le Figaro, ngày hôm nay sẽ mang tính quyết định đối với nhà tỷ phú, từng chủ trương bỏ qua các cuộc bầu cử sơ bộ nhỏ và lẻ tẻ, để tập trung vào ngày hôm nay.

Đàm phán Liên Âu-Anh Quốc thời hậu Brexit : Coi chừng "no deal"

Dù rất chú ý đến các đề tài khác, nhưng La Croix hôm nay đã dành trang nhất cho vòng đàm phán về quan hệ Liên Hiệp Châu Âu-Anh Quốc thời hậu Brexit.

Dưới tựa lớn trang nhất : "Trận đấu ở thượng tầng", nhật báo công giáo nhắc lại rằng các cuộc đàm phán về mối quan hệ hậu Brexit trong tương lai giữa Luân Đôn và Liên Hiệp Châu Âu đã khai mạc hôm 02/3 tại Bruxelles.

Có điều, theo tờ báo, sự kiện đã mở ra trong không khí căng thẳng, cả hai bên đều mạnh mẽ cho thấy các giới hạn mà đối phương không thể vượt qua, xác nhận sự bất đồng sâu sắc.

Theo La Croix, nếu đàm phán thất bại, tiến trình Brexit áp dụng vào cuối giai đoạn chuyển tiếp, vào ngày 31/12, sẽ là "không thỏa thuận", với hậu quả kinh tế khốc liệt - đối với cả Vương Quốc Anh lẫn lục địa Châu Âu.

La Croix kết luận : "Đàm phán Luân Đôn-Bruxelles, phần gay go nhất đã bắt đầu".

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Syria : Bachar tấn chiếm Idleb, trục Nga – Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ tan vỡ ? (RFI, 28/02/2020)

Tuần trăng mật giữa Nga và Thổ phải chăng đang lâm nguy ? Từ nhiều tuần qua, chiến sự bùng lên dữ dội giữa quân đội trung thành với chế độ Damascus và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng tỉnh biên giới Idleb, khiến gần một triệu thường dân phải bỏ nhà cửa chạy sơ tán. Giới quan sát lo ngại những mục tiêu trái ngược giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria dẫn đến một thảm kịch nhân đạo lớn chưa từng có.

syria1 - Copie

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan (trái) và nguyên thủ Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Sotchi, Nga, tháng 10/2019. Alexey DRUZHININ / SPUTNIK / AFP

Vùng Idlib hay còn gọi là Idleb, nằm ở phía tây bắc Syria, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 1,5 triệu dân, chủ yếu sống bằng nghề nông, đặc biệt là trồng cây ô liu. Năm 2015, tổng thống Syria, Bachar al-Assad từng tuyên bố : "Idleb sẽ là mồ chôn phiến quân". Lời đe dọa này giờ có nguy cơ biến thành hiện thực. Từ tháng 12/2019, chế độ Damascus mở các đợt tấn công nhắm vào Idleb, ổ kháng cự cuối cùng của phe nổi dậy chống chính quyền Bachar al-Assad.

Khu vực trước đây nổi tiếng yên bình giờ biến thành nơi tập trung nhiều nhóm nổi dậy chống chế độ cũng như các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan có tuyên thệ trung thành với Al Qaida. Theo nhật báo Công giáo La Croix, trước đà tiến quân của chế độ Damas, khoảng 3-4 triệu thường dân và chiến binh đang bị vây hãm và không có lối thoát nào nữa bởi vì không còn một khu vực nổi dậy nào khác để tiếp nhận họ. Idleb là thành trì thánh chiến cuối cùng, và Bachar al-Assad muốn thâu tóm lại toàn bộ lãnh thổ.

Chuyện gì xảy ra ở Idleb ?

Điều trớ trêu là trong khuôn khổ "tiến trình Astana" do ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đề xuất, một thỏa thuận đã được Moskva và Ankara ký kết tại Sotchi năm 2018 nhằm giải quyết tạm thời cuộc xung đột ở Syria. Theo đó, nhiều "vùng giảm căng thẳng" được thành lập, trong đó có Idleb.

Cũng trong khuôn khổ thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ được phép lập 12 chốt quan sát và triển khai quân. Và cho đến đầu/2/2020, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tỏ ra tương đối im lặng trước đà tiến quân của Damascus dù rằng vẫn lên tiếng lấy làm tiếc rằng Nga "không tuân thủ" thỏa thuận được ký kết giữa hai nước.

Tuy nhiên, tình hình bỗng nhiên có những diễn biến bất ngờ. Ngày 03/2, quân đội Syria nã pháo vào các chốt gác của Thổ Nhĩ Kỳ làm 7 binh sĩ thiệt mạng. Quân đội Thổ đáp trả bằng pháo giết chết 13 quân nhân Syria. Kể từ hôm đó đến nay, các cuộc va chạm giữa hai bên tiếp tục xảy ra. Trong một diễn biến mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một đợt oanh kích dữ dội trong đêm thứ Năm 27 rạng sáng thứ Sáu 28/2 nhắm vào các vị trí của Damascus tại Idleb sau vụ 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tử trận trong một cuộc đọ súng hôm trước. Đây cũng là đợt thiệt hại nhân mạng nhiều nhất của phía Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng hai tuần qua, nâng tổng số binh lính bị thiệt mạng lên đến hơn 40 người.

Vì sao Nga – Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đối đầu quân sự ở Idleb ?

Rõ ràng các cuộc tấn công quân sự của Damascus tại Idleb đã làm tan vỡ thỏa thuận Sotchi và có nguy cơ dẫn đến một sự đối đầu giữa quân sự Nga và Thổ. Vì sao như thế ? Nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng đó là vì giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có những mục tiêu khác biệt tại Syria.

Nước Nga của ông Putin thì muốn tái chinh phục vị thế trung tâm ở Cận Đông bằng mọi giá, nên ủng hộ vô điều kiện chế độ Syria, vốn muốn chiếm lại vùng Idleb, thành trì cuối cùng của quân thánh chiến, nhằm có thể tuyên bố là đã thắng cuộc nội chiến kéo dài từ chín năm qua. Hơn nữa, phía Nga cũng cho rằng không chấp nhận khu vực này được dùng để làm nơi trú ẩn của quân khủng bố thánh chiến. Ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov hôm thứ Ba, 25/2 tuyên bố thẳng thừng đó có thể sẽ là "một sự đầu hàng trước quân khủng bố".

Thổ Nhĩ Kỳ, vốn không ủng hộ chế độ Assad và hỗ trợ các nhóm nổi dậy chống Damascus, lao vào Syria còn nhằm mục tiêu triệt hạ các lực lượng người Kurdistan, một mối họa hiện sinh bởi sự liên hệ của phe này với những người đòi ly khai Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, Ankara quan ngại chiến sự ở Idleb sẽ gây ra một làn sóng người tị nạn mới. Gần một triệu người dân đã bỏ chạy khỏi khu vực kể từ khi Damascus mở chiến dịch tấn công, trong khi mà hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tiếp nhận hơn 3,5 triệu người tị nạn Syria trong những điều kiện ngày càng khó khăn hơn.

Theo một thăm dò mới nhất, cứ 5 người Thổ Nhĩ Kỳ được hỏi có 4 người muốn trả số người tị nạn này về nước. Ankara tuy hy vọng rằng có thể từ từ hay cưỡng bức tái định cư số người tị nạn này ở vùng phía bắc Syria nhưng chỉ mới chiếm được 1/3 diện tích vùng lãnh thổ mong muốn.

Đâu là điểm cốt lõi căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ?

Chỉ có điều trong cuộc đọ sức này, quân đội Thổ ở trong thế yếu. Chế độ Damascus nhờ vào sự yểm trợ của không quân Nga tiến như vũ bão và oanh kích vào các điểm được cho là có quân thánh chiến không phân biệt thường dân. Việc không quân Nga được quyền kiểm soát không phận Syria đã đẩy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong thế bị động, theo như phân tích của bà Agnès Levallois, chuyên gia về Trung Đông và Địa Trung Hải, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược với đài RFI.

"Trên địa bàn, Nga đương nhiên là mạnh hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Chính điều này đã làm cho Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng bởi vì chúng ta thấy rõ trong các cuộc đối đầu mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất rất nhiều binh sĩ, đây là điều mà tổng thống Erdogan khó có thể chấp nhận và ông không muốn là việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lao vào địa bàn Syria dẫn đến nhiều thiệt hại nhân mạng như thế.

Trong mối tương quan lực lượng này, Nga dĩ nhiên là mạnh hơn Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì Nga đang kiểm soát không phận Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có ở mặt đất. Do vậy, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có một phạm vi hoạt động rất hạn hẹp ngay cả trên phương diện quân sự. Bởi vì trong một cuộc xung đột, ai làm chủ không phận thì thống trị mặt trận.

Điều này giải thích vì sao căng thẳng xảy ra. Nga vẫn tiếp tục ủng hộ chế độ Assad và trong khuôn khổ thỏa thuận ký kết năm 2018, Nga chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đã không làm gì hạn chế hay tiêu diệt ảnh hưởng của quân thánh chiến ngay trong lòng vùng Idleb. Moskva cho rằng phần này của thỏa thuận đã không được Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng".

Tuần trăng mặt Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đã qua ?

Căng thẳng này bùng phát trong bối cảnh Moskva và Ankara thời gian gần đây tỏ nhiều cử chỉ thân thiện kể từ sau sự cố quân sự năm 2015. Quan hệ hai bên được sưởi ấm còn thể hiện rõ qua việc chính quyền Erdogan mua tên lửa S-400 của Nga bất chấp các khuyên can của các nước thành viên trong khối NATO và Mỹ. Hay như việc cả hai nguyên thủ cùng có mặt làm lễ khánh thành hoành tráng đường ống dẫn khí đốt TurkStream đi từ Nga đến Châu Âu qua ngả Hắc Hải.

Theo Les Echos, những sự kiện này đã không che giấu được một sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc. Cuộc chiến tại Syria gợi nhắc lại các cuộc đọ sức giữa đế chế Sa hoàng và Ottoman năm 1853, 1877 rồi Đệ Nhất Thế Chiến nhằm giành quyền ảnh hưởng tại vùng Trung Đông giàu dầu hỏa, vùng Balkan và nhất là vùng Hắc Hải. Đây chính là cửa ngỏ duy nhất cho phép Nga, cường quốc hải quân đi vào vùng biển nước ấm Địa Trung Hải.

Chỉ có điều, như ngạn ngữ có câu "Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết". Trong cuộc đối đầu này, người dân Syria là những nạn nhân đầu tiên. Tính từ đầu cuộc chiến Syria đến nay, gần 500.000 người chết hay bị mất tích, hơn 55% thường dân phải di tản (tương đương với khoảng 22 triệu dân). Nội chiến tại Syria thể hiện rõ tất cả những gì là ghê rợn nhất của chiến tranh : từ tấn công vũ khí hóa học, thành phố bị tàn phá, các cuộc thảm sát có tổ chức…

Trong khung cảnh hãi hùng này, 14 ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng kêu gọi các bên ngưng chiến tìm kiếm một thỏa thuận chính trị cho đất nước. Lời kêu gọi này cho thấy rõ sự bất lực của phương Tây trong trước những cuộc tàn sát được báo trước !

Minh Anh

*********************

Tỉnh Idleb - Syria : 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, Ankara ồ ạt phản công (RFI, 28/02/2020)

Ít nhất 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng tại tỉnh Idleb, miền tây bắc Syria hôm 27/02/2020. Theo Ankara, thủ phạm là không quân Syria. Đây là một trong các tổn thất nặng nề chưa từng có mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu trong những thập niên gần đây. Ankara tuyên bố đã phản công mạnh để trả đũa.

syria2 - Copie

Người dân Syria di tản trước các đợt tấn công của quân đội Damascus nhắm vào Idleb, ngày 11/02/2020. Reuters/Khalil Ashawi

Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương họp khẩn ngày 28/02/2020, theo yêu cầu của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Liên Hiệp Châu Âu lo ngại "đụng độ quân sự quốc tế trên quy mô lớn". Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu kêu gọi khẩn cấp chấm dứt tình trạng "leo thang quân sự" hiện nay. Thông tín viên Anne Andlauer tường trình từ Istanbul :

"Theo chính quyền Hatay, tỉnh giáp biên với Idleb, nơi nhiều người bị thương đang được chăm sóc, thì không quân Syria đã tấn công các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Baluon, một địa điểm nằm ở phía tây nam của Saraqeb, một thị xã mà quân nổi dậy Syria - được Ankara hậu thuẫn - vừa chiếm lại trước đó từ tay Damas. Cho đến nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chính thức tố cáo các lực lượng của chế độ Damascus (mà không nhắm vào Nga).

Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức đã trả đũa trực tiếp và mạnh mẽ. Theo người phụ trách bộ phận truyền thông của phủ tổng thống, toàn bộ các vị trí của Damas, được phát hiện, đã chìm dưới hỏa lực của các đơn vị lục quân và không quân của chúng ta.

Về phần mình, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã họp trong vòng hơn 6 giờ, với Hội đồng an ninh bất thường, để đưa ra quyết định, đặc biệt về việc tiếp tục các chiến dịch quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Idleb, nơi hàng nghìn binh sĩ được triển khai từ đầu tháng đến nay, nhưng không được không quân hậu thuẫn.

Ankara kêu gọi NATO có các hỗ trợ cụ thể, và một lần nữa đưa ra mối đe dọa di cư. Sau cuộc tấn công này, các nguồn tin chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ không ngăn cản người tị nạn chạy sang Châu Âu bằng đường bộ hay đường biển. Đây là một phương tiện để gây áp lực nhằm buộc phương Tây hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại chế độ Damascus – cùng đồng minh Nga – tại tỉnh Idleb".

Nga trấn an Thổ Nhĩ Kỳ

Nga cũng tỏ ra lo ngại về chiến sự leo thang tại Idleb. Hôm nay, tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc điện đàm về tình hình tại Idleb. Phủ tổng thống Nga ra thông cáo cho biết lãnh đạo hai nước rất quan ngại về căng thẳng leo thang tại tỉnh tây bắc Syria, khiến ít nhất 33 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, đồng thời nhấn mạnh đến việc "cải thiện hiệu quả" của các kênh liên lạc giữa quân đội hai nước, và sẽ có "các biện pháp bổ sung" để bình ổn tình hình.

Trước đó, trong một cuộc họp báo, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã gửi lời chia buồn đến Thổ Nhĩ Kỳ, và bày tỏ mong muốn tránh "các thảm kịch như vậy" tái diễn. Lãnh đạo ngoại giao Nga nhấn mạnh là Moskva "làm tất cả để bảo đảm an toàn cho các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ", triển khai tại Syria.

Trong/2 này, tổng cộng có ít nhất 53 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng tại Idleb. Cộng đồng quốc tế lo ngại một thảm họa nhân đạo tại Idleb : Gần một triệu người dân chạy, trốn chiến tranh, đang bị kẹt lại tại một dải đất hẹp ở tỉnh này, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi xung đột tại Syria bùng nổ, năm 2011 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận khoảng 3,5 triệu người tị nạn Syria.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Tổng thống Trump trình làng kế hoạch hòa bình Trung Đông (VOA, 29/01/2020)

Tổng thng Donald Trump ngày 28/1 đ ngh thành lp mt quc gia Palestine vi th đô ti đông Jerusalem, trong mt n lc đt được bước đt phá hòa bình vi Israel nhưng s khó thuyết phc người Palestine.

trungdong1

Tổng thng M Donald Trump và Th tướng Israel Benjamin Netanyahu ti cuc hp báo chung v kế hoch hòa bình Trung Đông ca Tng thng Trump ti Tòa Bch c ngày 28/1/2020.

Theo kế hoch hòa bình Trung Đông ca ông Trump được loan báo trong mt bui l ti Tòa Bch c vi s tham d ca Th tướng Israel Benjamin Netanyahu, Hoa Kỳ s công nhn các khu đnh cư ca Israel ti B Tây b Israel chiếm đóng.

Để đáp li, Israel s đng ý chp nhn ngưng trong 4 năm các hot đng định cư mi trong khi tư cách quc gia ca Palestine được thương thuyết.

"Ngày hôm nay, Israel đã bước mt bước ln v phía hòa bình", ông Trump nói thêm là ông đã gi thơ v đ ngh kế hoch hòa bình đến Tng thng Palestine Mahmoud Abbas.

"Đây là một ngày lịch s", ông Netanyahu nói, so sánh kế hoch hòa bình ca ông Trump vi vic cu Tng thng Harry Truman công nhn quc gia Israel vào năm 1948.

Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Palestine đã bác b kế hoch hòa bình ngay c trước khi kế hoch này được công b, nói rằng chính quyn ông Trump thiên v Israel.

Sự vng mt ca Palestine khi ông Trump tuyên b kế hoch hòa bình chc chn s gây nên ch trích là kế hoch nghiêng v nhng nhu cu ca Israel hơn là ca h.

Những cuc đàm phán Israel-Palestine đ v vào năm 2014 và hiện chưa rõ kế hoch ca ông Trump s làm sng li nhng cuc tho lun này hay không.

Người Palestine t chi nói chuyn vi chính quyn ông Trump đ phn đi nhng chính sách thân Israel như là chuyn tòa đi s M t Tel Aviv đến Jerusalem.

Người Palestine mun đông Jerusalem là th đô ca mt quc gia tương lai ca h.

Các giới chc cao cp trong chính quyn ông Trump nói h d kiến kế hoch này thot đu s khơi mào nhng hoài nghi t Palestine nhưng hy vng là theo thi gian h s đng ý thương thuyết. Kế hoch đt ra nhng rào cn người Palestine cn vượt qua đ tr thành mt quc gia, mc tiêu h đã tìm kiếm lâu nay.

Vẫn còn đi xem Israel phn ng như thế nào, vì có nhng áp lc mà Th tướng cánh hu Netanyahu phi đi mt trong n lc tái cử ln th ba trong chưa đy mt năm.

Cả hai ông Trump và ông Netanyahu đu đang phi đi mt vi nhng thách thc trong nước. Ông Trump b H vin quyết đnh lun ti trong tháng trước và đang b x ti thượng vin v ti làm dng quyn hành.

Còn ông Netanyahu hôm 28/1 chính thức b truy t v ti tham nhũng, sau khi ông rút lui n lc đ được quc hi cho min tr không b xét x. C hai ông đu tuyên b không có làm điu gì sai trái.

Kế hoch ca M đưa ra nhng chi tiết nhm phá v bế tc lch s gia Israel và Palestine trong vài năm qua là kết qu t n lc 3 năm ca nhng c vn cao cp ca ông Trump trong đó có con r ca ông là Jared Kushner.

Các giới chc M nói ông Trump ng h mt d tho bn đ được đ ngh v hai quc gia. Quc gia Palestine sẽ ln gp đôi đt đai người Palestine hin đang kim soát và s được ni lin bng đường sá, cu cng và nhng đường hm.

Các nhà lãnh đạo Israel đng ý thương thuyết trên căn bn kế hoch ca ông Trump và đng ý bn đ, các gii chc nói. Israel đng ý về tình trng quc gia Palestine tùy thuc vào nhng dàn xếp an ninh đ bo v người Israel, các gii chc cho hay.

Israel cũng có những bước đ đm bo người Hi giáo được tiếp cn đn al-Aqsa Jerusalem và tôn trng vai trò ca Jordan đi vi các đa điểm thiêng.

Một gii chc M nói câu hi đi vi người Palestine là liu h s "ngi vào bàn và thương thuyết hay không ?"

cách quc gia ca Palestine s tùy thuc vào người Palestine có nhng bước t qun tr như tôn trng nhân quyn, t do báo chí và có những đnh chế minh bch và tin cy được, các gii chc nói.

Kế hoch ca ông Trump kêu gi người Palestine tr v quc gia tương lai Palestine ca h và thành lp mt "qu đn bù rng rãi", mt trong nhng gii chc này nói.

Về vic Israel gi li các khu định cư, mt gii chc M cho biết "Kế hoch căn c vào mt nguyên tc là mi người s không phi chuyn dch đ hoàn tt hòa bình... Nhưng kế hoch chm dt vic m rng nhng khu đnh cư trong tương lai được xem như thc tế nht".

Trước loan báo ca ông Trump, hàng ngàn người biu tình ti thành ph Gaza và quân đi Israel cng c các v trí gn mt đim nóng gia thành ph Ramallah ca Palestine và khu đnh cư Beit El ca người Israel ti B Tây.

Ngày 27/1, lãnh tụ Palestine, Abbas, nói ông s không đồng ý bt c tha thun nào không đm bo mt gii pháp hai quc gia. Công thc này là căn bn nhiu năm n lc hòa bình ca quc tế, theo đó Israel chung sng vi mt quc gia Palestine.

Theo Reuters

**********************

Trung Đông : Donald Trump công bố kế hoạch hòa bình thiên vị Israel (RFI, 29/01/2020)

Kế hoạch hòa bình Trung Đông của tổng thống Mỹ Donald Trump được long trọng loan báo vào ngày 28/01/2020 tại Washington. Người Palestine được quyền lập quốc với thủ đô là Đông Jerusalem và kèm thêm nhiều điều kiện. Trái lại, Israel được rất nhiều ưu đãi từ chủ quyền ở thung lũng sông Jordan cho đến các khu định cư gặm nhấm vùng canh tác của người Palestine.

trungdong2

Donald Trump và Benyamin Netanyahu trong buổi họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington, ngày 28/01/2020 Reuters/Brendan McDermid

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :

Israel là ánh sáng trên thế giới, tổng thống Mỹ nhấn mạnh như thế. Đứng bên cạnh chủ nhân Nhà Trắng, thủ tướng Israel tươi cười rạng rỡ. Kế hoạch của Donald Trump được hoạch định để làm hài lòng Benjamin Netanyahu. Nguyên thủ Mỹ tuyên bố tiếp : Kế hoạch dầy 80 trang và chưa bao giờ có một đề nghị chi tiết đến như thế. Theo nhãn quan của tôi đây là một cơ hội tốt để hai bên cùng có lợi. Hôm nay, Israel bước một bước khổng lồ tiến đến hòa bình.

Donald Trump không đề cập đến những nét chính của điều mà ông gọi là một nước Palestine trong tương lai. Trái lại, ông nói rõ là Israel có thể vững tâm tiến tới với sự ủng hộ của Mỹ sáp nhập vùng thung lũng sông Jordan : Hoa Kỳ sẽ công nhận chủ quyền của Israel tại các vùng lãnh thổ mà theo nhãn quan của tôi là phần đất bất khả phân của nước Israel.

Còn đối với người Palestine, tổng thống Mỹ đưa ra một danh sách điều kiện để lập quốc. Ông trấn an : Tôi muốn hiệp định này là một hiệp định rất tốt cho người Palestine. Nó sẽ được như vậy…

Tổng thống Mỹ tin rằng kế hoạch của ông sẽ thành công. Benjamin Netanyahu cám ơn và chào mừng ngày lịch sử. Thế nhưng, ngay đài truyền hình Fox News, có tiếng thân Donald Trump dường như không chia sẻ mối lạc quan này. Fox News cắt ngang chương trình tường thuật buổi lễ tại Nhà Trắng để chuyển qua truyền hình vụ xử truất phế tại Thượng Viện.

Tú Anh

Additional Info

  • Author Tổng hợp
Published in Quốc tế
Trang 1 đến 4