Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/12/2024

Điểm báo Pháp - Cơ hội thay đổi lớn tại Trung Đông

RFI tiếng Việt

Chế độ độc tài Syria sụp đổ : Cơ hội thay đổi lớn tại Trung Đông

Các diễn biến tại Syria sau khi chế độ độc tài Assad sụp đổ, với các hiểm họa và cơ hội, tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo Pháp, hôm nay, 11/12/2024. Một hồ sơ lớn khác là nỗ lực của tổng thống Pháp nhằm nhanh chóng tìm được một thủ tướng mới.

cohoi1

Người dân Syria ăn mừng lật đổ Bachar al-Assad ở Vienna, Áo, ngày 08/12/2024. © Elisabeth Mandl / Reuters

"Nhập cư, khủng bố… các thách thức của thời kỳ hậu Assad" là tựa trang nhất Le Figaro. Libération dành chủ đề chính cho "Giữa hy vọng và lo ngại : Syria, năm Zero". Le Monde dành số đặc biệt cho "Nước Syria chứng kiến những tội ác kinh hoàng của chế độ Assad". "Trung Đông tái định hình sau khi Assad sụp đổ" là tựa chính của L’Humanité.

Le Figaro dành nhiều bài để nói về đe dọa khủng bố gia tăng sau khi Assas sụp đổ. Bài "Chiến thắng của phe nổi dậy Syria và các đe dọa khủng bố Hồi giáo tại Pháp" chú ý trước hết đến phát biểu của thủ lĩnh lực lượng HTS thắng trận, Abu Mohammad al-Golani, tại nhà thờ Hồi giáo Ommeyades, thủ đô Damascus, ca ngợi một chiến thắng của "toàn khu vực", cũng như của "umma" - cộng đồng Hồi giáo thế giới. Theo Le Figaro, việc sử dụng từ ngữ này một mặt là điều "bắt buộc" đối với thủ lĩnh phe chiến thắng trong một xã hội mà đạo Hồi là tôn giáo của đa số, mặt khác không khỏi kích động tinh thần thánh chiến của các phần tử cực đoan tại Pháp.

Hàng loạt lý do khiến thánh chiến trỗi dậy

Hàng loạt lý do được Le Figaro nêu ra để chứng minh cho nguy cơ khủng bố đè nặng lên nước Pháp, trong đó có việc các phần tử thánh chiến trước đây bị kìm chân tại tỉnh tây bắc Idleb, Syria, căn cứ địa của phong trào HTS, giờ đây có khả năng rảnh tay hoạt động. Tình hình tương tự với việc nhiều phần tử thánh chiến bị lực lượng người Kurdistan giam giữ có nguy cơ tẩu thoát, trong bối cảnh các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân tại các khu vực đông bắc Syria.

Bài "Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh chờ đợi hỗn loạn, và chuẩn bị trở lại" của Le Figaro dẫn lời của giám đốc khoa học của Soufan Center, ở New York, "hỗn loạn chắc chắn sẽ là cơ hội tuyệt vời với Daesh. Lực lượng này đang chờ đợi thời cơ, trong lúc tìm cách tái xây dựng một cách từ từ nhưng chắc chắn các mạng lưới trên khắp cả nước".

Liên minh quốc tế chống thánh chiến phải đổi kế hoạch

Về chủ đề này, Le Monde cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh cố gắng để việc lực lượng nổi dậy HTS chiếm thủ đô Syria không tạo cơ hội cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo củng cố lực lượng. Vào đầu mùa thu năm nay, liên minh quốc tế chống Daesh, do Mỹ đứng đầu, đã có kế hoạch rút quân khỏi Syria và Iraq kể từ đầu năm tới, tuy nhiên việc chế độ Assad bất ngờ bị lật đổ buộc liên minh phải xem xét lại kế hoạch. Trên thực tế, trước khi Assad sụp đổ, Mỹ và các đồng minh đã lo ngại về sự trỗi dậy của Daesh tại các vùng biên giới Syria – Iraq, và xa hơn. Chưa bao giờ bạo lực lại dâng cao tại khu vực này kể từ năm 2019. Lý do kích phát là cuộc tấn công khủng bố của Hamas tại Israel ngày 7/10/2023, và chiến tranh Gaza.

Trung Đông : Cơ hội 2003 bị bỏ lỡ

Nếu như Le Figaro tập trung vào đe dọa khủng bố gia tăng với nước Pháp, Le Monde hướng cái nhìn về triển vọng thay đổi lớn tại khu vực Trung Cận Đông. Bài xã luận "Một cơ hội cho Cận Đông cần nắm lấy" của Le Monde so sánh thời điểm hiện tại với năm 2003, khi chế độ độc tài Saddam Hussein sụp đổ tại Iraq. Cơ hội đã bị bỏ lỡ vào thời điểm đó. "Thay vì thiết lập nên một chế độ đa nguyên, nếu không phải là dân chủ, ở Bagdad, quan tâm đến các lợi ích của người dân Iraq, cuộc xâm chiếm của Mỹ… rốt cuộc đã gieo rắc hỗn loạn lâu dài, làm bùng lên phong trào Hồi giáo vũ trang, và góp phần tích cực vào việc gia tăng sức mạnh của Iran". Kết quả là các lực lượng theo hệ phái Shia, với Iran là hạt nhân, đã bành trướng mạnh mẽ cho đến bờ đông Địa Trung Hải và "tái khởi động cuộc chiến tranh lạnh với các nước theo hệ phái Sunni, cùng Israel".

Các cường quốc khu vực cần kiềm chế

Hai mươi mốt năm sau, theo Le Monde, khu vực Trung Cận Đông một lần nữa đứng trước một tình thế tương tự. Sự sụp đổ của chế độ độc tài Assad, thống trị Syria nửa thế kỷ, có nguy cơ dẫn đến những hỗn loạn kinh hoàng tương tự, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội. Cụ thể là với sự suy yếu của lực lượng Hezbollah ở Lebanon, sau các chiến dịch tấn công của Israel, và việc trục Iran – Iraq – Syria bị cắt đứt, có thể tạo điều kiện cho việc tái lập các định chế nhà nước tại Lebanon. Chế độ Hồi giáo Iran, suy yếu hơn hẳn, cũng đang buộc phải tìm thỏa hiệp với cựu thù Saudi Arabia.

Sau nhiều thập niên chiến tranh, hỗn loạn, người dân Trung Cận Đông khao khát được yên ổn. Để biến cơ hội thành hiện thực, theo Le Monde, các thế lực chủ chốt tại khu vực phải ứng xử kiềm chế, và có trách nhiệm. Israel phải chấm dứt cuộc chiến tàn bạo tại Gaza, ngừng leo thang tại West Bank, kiềm chế trong các tham vọng lãnh thổ tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nước láng giềng.

Cơ hội lớn, hiểm họa lớn : Syria trước ngã ba đường

L’Humanité hướng cái nhìn về lực lượng HTS, ông chủ mới của Syria trong hồ sơ "Khu vực Trung Đông với tương lai đầy bất trắc của một nước Syria mới". Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, Gier Pederson, cũng thừa nhận "Syria đang đứng trước ngã ba đường : Một bên là những cơ hội rất lớn, bên kia là các hiểm họa rất lớn, và chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng cả hai". Theo L’Humanité, hành xử trong những ngày vừa qua của phe chiến thắng, bảo vệ trật tự tại thủ đô, bắt đầu chuyển giao quyền lực trong ôn hòa, trước hết là để đáp ứng các đòi hỏi "của hai thế lực đỡ đầu, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, và trên một mức độ nhất định là Mỹ, Saudi Arabia và Israel". Hành xử này là một dấu hiệu sơ bộ cho thấy nước Syria mới có thể đóng góp vào việc xây dựng một khu vực Trung Đông mới.

Theo L’Humanité, lực lượng của thủ lĩnh Golani "có thể loại trừ Daesh", khiến Mỹ hài lòng, và đẩy lui người Kurdistan, khiến Thổ Nhĩ Kỳ hài lòng. Các ẩn số lớn hiện nay là "chế độ Hồi giáo" mà HTS có thể thiết lập tại Syria là chế độ như thế nào, và số phận các căn cứ hải quân và không quân Nga tại Syria sẽ ra sao.

Châu Âu không có "lá bài" nào khác hơn là HTS

Bài xã luận của Le Figaro coi Syria hơn bao giờ hết "là thùng thuốc súng", và Châu Âu đã trả giá đắt để hiểu rõ là làn sóng di cư và mối đe dọa khủng bố đối với châu lục phụ thuộc trực tiếp vào việc đất nước này có bình ổn hay không. Trong bối cảnh hiện nay, "các lãnh đạo Châu Âu không có lá bài nào khác là lực lượng HTS". Đây rõ ràng không phải là một đối tác "lý tưởng, nhưng còn hơn là hỗn loạn". Le Figaro nhấn mạnh : Châu Âu không có lựa chọn nào khác hơn là để cho lực lượng này "một cơ hội", bởi nếu Golani thất bại, toàn châu lục sẽ bị đe dọa.

"Macron vẫn tiếp tục tìm chính phủ"

Về thời sự nước Pháp, "Macron vẫn tiếp tục tìm chính phủ" là một hồ sơ trang nhất của Le Monde. Hôm qua, tổng thống Pháp có cuộc họp với tất cả lãnh đạo các đảng chấp nhận "lô gíc thỏa hiệp", ngoài hai đảng cực hữu và cực tả. Trong bối cảnh hiện tại khó có hy vọng cho một chính phủ "đoàn kết dân tộc" như tổng thống mong muốn, hai đảng Xã hội cánh tả và Những người Cộng hòa cánh hữu cho biết sẵn sàng thảo luận về "một thỏa thuận tối thiểu về các điều kiện, mà hai đảng này có thể chấp nhận sẽ không bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới, trong lúc vẫn duy trì vị thế của một đảng đối lập".

Về chủ đề này, Le Figaro có bài "Các đảng thừa nhận những bất đồng giữa họ, Macron cam kết sẽ khẩn trương hơn". Tổng thống Pháp đã cam kết sẽ bổ nhiệm thủ tướng mới trong vòng 48 giờ, và nhân vật này sẽ thương lượng với các đảng về một cam kết không bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới.

Về triển vọng bổ nhiệm chính phủ mới, Libération cho biết "Tại điện Elysée, các đảng vẫn chưa tìm được một thỏa thuận". Theo Libération, các đảng có mặt tại phủ tổng thống hôm qua không loại trừ việc lập một "chính phủ chung", nhưng cũng tính đến việc phải đạt một thỏa hiệp về không bỏ phiếu bất tín nhiệm, được coi là phương án B, trong trường hợp không đạt thỏa thuận về một chính phủ liên hiệp.

"Phương pháp mới của Macron"

Bài xã luận của nhật báo công giáo La Croix chú ý đến "phương pháp mới của Macron". Theo La Croix thừa nhận, đặt hy vọng vào một chính phủ liên hiệp, bao gồm các bộ trưởng thuộc Đảng cộng sản Pháp và đảng Những người Cộng hòa, là "ảo tưởng", nhưng điều mà các chính khách có thể làm được trong bối cảnh hiện nay là "nhân nhượng lẫn nhau", để không lật đổ chính phủ mới.

Chính phủ bị lật đổ : "Bài học" cho cựu thủ tướng Barnier và cho chính giới Pháp

Về các nỗ lực lập chính phủ mới tại Pháp, Les Echos có bài viết đáng chú ý mang tựa đề : "Bốn bài học cho cựu thủ tướng Barnier". Vì sao lại là bốn bài học cho cựu thủ tướng ? Nguyên do là vì trước khi đảm nhận chức thủ tướng, ngắn nhất trong lịch sử đệ ngũ Cộng hòa Pháp, ông Michel Barnier đã gần hoàn tất cuốn hồi ký "120 bài học cuộc đời". Les Echos đề nghị vị thủ tướng vừa bị lật đổ rút ra ít nhất bốn bài học mới. Trong đó, ba bài học đầu tiên là cho cá nhân ông Barnier, và bài học thứ tư vừa cho ông, vừa cho cả chính giới Pháp.

Bài học thứ nhất là hoàn toàn không thể tin tưởng ở lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen, bởi sự tráo trở của nhà lãnh đạo này. Les Echos nhắc cựu tổng thống một bài học xương máu khác là không nên từ bỏ những vấn đề mang tính nguyên tắc, cụ thể như việc ông đã xóa bỏ "nguyên tắc công bằng về thuế" trong dự thảo luật sau cùng nhằm làm hài lòng đối thủ chính trị.

Một bài học cho cá nhân cựu thủ tướng, nhưng cũng là cho tất cả, đó là đoàn kết nhiều khi chỉ có được sau khi đã có sự hy sinh. Chính phủ Barnier bị lật đổ, nhưng chính hành động lật đổ này đã làm lộ rõ sự cực đoan của đảng Xã hội. Ngay sau đó, đảng Xã hội đã buộc phải chấp nhận thay đổi, chấp nhận hướng đến một thỏa hiệp vì quyền lợi chung của đất nước, từ bỏ lập trường cứng rắn của liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới. Khi còn là thủ tướng, ông Barnier đã có hết sức để kêu gọi các đảng phái hợp tác, nhưng bất thành. Giờ đây, khi ông không còn đó, tình hình lại xoay chuyển theo chiều hướng tích cực hơn. Việc chính phủ Barnier bị lật đổ có ý nghĩa tích cực ở điểm này, theo Les Echos.

Nước Pháp chuẩn bị đối phó "kịch bản 4°C"

Nước Pháp chuẩn bị đối phó với kịch bản mức tăng nhiệt độ hơn 4°C so với thời tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ là tựa trang nhất của Le Monde. Theo một báo cáo vừa được cơ quan khí tượng Pháp công bố. Nhiệt độ tại Pháp năm 2030 có thể tăng thêm 2°C vào năm 2030, và hơn đến 4°C vào cuối thế kỷ. Theo Le Monde, đây không hề là kịch bản "bi quan", mà chỉ là kịch bản thực tế, và chỉ mới là mức "tăng trung bình", căn cứ trên việc tổng hợp cam kết cắt giảm khí thải của các nước.

25 tỉ lượt hành khách năm 2025 : Kỷ lục với hàng không

Ngành hàng không phát triển mạnh, với số lượng hành khách tăng đến 25 tỉ lượt người vào năm tới 2025, bất chấp tình trạng thiếu máy bay thiếu, là hồ sơ trang nhất của Les Echos. Một trong những yếu tố chính là giá vé máy bay giảm. Năm 2024, tổng lợi nhuận của các hãng hàng không là hơn 30 tỉ euro.
Pháp bị chỉ trích vì tài trợ các hãng máy bay giá rẻ

Sự phát triển của ngành hàng không không phải là một tin vui với môi trường, vì đây là một ngành tạo nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. La Croix có bài chỉ trích các trợ giúp của chính quyền Pháp cho các hãng máy bay giá rẻ, phụ trách các lộ trình ngắn, là một tác nhân quan trọng thúc đẩy hành khách sử dụng dịch vụ gây ô nhiễm này.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 65 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)