Chế độ Assad sụp đổ tại Syria : Cơ hội nào để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ?
Le Figaro hôm nay dành nhiều chỗ cho thời sự Pháp, với các bài về cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng cuối cùng của chính phủ vừa bị giải tán, việc thành lập tân nội các, dự luật tài chính đặc biệt …
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Syria Bachar Al Assad (trái) tại Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 22/09/2023 via Reuters - SANA
Về hồ sơ Syria, bên cạnh các chủ đề "Những bước đi đầu tiên khó khăn của quá trình chuyển tiếp chính trị", "Nước Nga bị sỉ nhục", "Moskva chơi trò giữ thăng bằng để duy trì vị thế ở Syria", Le Figaro còn chú ý đến tác động và những cơ hội mà Trung Quốc có thể được hưởng từ sự thay đổi quyền lực chính trị ở Damascus.
Trước tiên, theo Le Figaro, sự sụp đổ của triều đại Assad ở Syria khiến Trung Quốc mất đi một lực lượng ủng hộ truyền thống ở Trung Đông có từ thời Mao Trạch Đông. Bắc Kinh cũng phải chú ý theo dõi, vì lo ngại những biến động ở Damascus có thể tác động đến an ninh Tân Cương, nơi có cộng đồng người Hồi giáo, cũng như những hệ quả của sự thay đổi chế độ Syria đối với Iran và Nga, hai đối tác quan trọng của Bắc Kinh.
Le Figaro trích dẫn một giáo sư danh dự tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh nhận định đây là một bước thụt lùi về uy tín của Bắc Kinh, làm suy yếu vai trò ngoại giao của Trung Quốc ở Trung Đông. Chưa kể Bắc Kinh mất những khoản đầu tư lớn. Tập Cận Bình từng thể hiện rõ tham vọng vô hạn ở Trung Đông, ngang nhiên thách thức Washington ở khu vực vốn được xem là sân sau của Hoa Kỳ.
Cũng giống như các cường quốc khác, Trung Quốc sẽ phải nhanh chóng thích ứng với tình hình bất ổn mới, cân nhắc về thời kỳ hậu Al Assad, do sức nặng kinh tế và ngoại giao quá lớn trong hồ sơ Syria.
Một chuyên gia về chiến lược của Trung Quốc trong khu vực, được Le Figaro trích dẫn, nhấn mạnh : "Sự suy yếu ảnh hưởng của Iran và Nga khiến Syria không có đối tác kinh tế mạnh mẽ, điều này có thể mang lại cơ hội cho Bắc Kinh. Các mối quan hệ được thiết lập với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất có thể tạo điều kiện thuận lợi" cho sự can dự của Trung Quốc vào Syria, với điều kiện Bắc Kinh phải khéo léo xóa tan hình ảnh người đỡ đầu cho nhà độc tài Bachar Al Assad.
Còn giới tân lãnh đạo của Damascus dĩ nhiên sẽ không thể ngó lơ Bắc Kinh, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, có vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng áp lực của phương Tây và cũng là một nhà cung cấp cơ sở hạ tầng cho Syria.
Đức : Tranh luận về hồ sơ người tị nạn Syria
Tờ báo công giáo La Croix hôm nay vẫn dành chuyên mục Sự kiện cho hồ sơ Syria qua loạt bài viết : "Châu Âu đóng cửa với người tị nạn Syria", "Giáo hoàng kêu gọi tình bằng hữu và sự tôn trọng lẫn nhau tại Syria", "Sau niềm vui, tình trạng bình thường mới được thiết lập ở Syria", "Tại Đức, việc đưa người tị nạn Syria về nước lại khuấy động các cuộc tranh luận".
Từ cuộc di cư ồ ạt của người Syria năm 2015, Đức là nước Châu Âu có cộng đồng người Syria đông nhất : 973.000 người. Sau khi chế độ Bachar Al Assad sụp đổ, chỉ 3 tháng trước kỳ bầu cử lập pháp tại Đức, nhiều chính đảng tại Đức đề xuất hỗ trợ tiền để giúp di dân Syria trở về nguyên quán và tặng vé máy bay để thúc đẩy họ hồi hương.
Đảng cực hữu AfD lập luận "quyền tị nạn là quyền có giới hạn về thời gian". Cánh hữu truyền thống cũng chia sẻ quan điểm của đảng cực hữu. Đảng Dân Chủ - Thiên Chúa còn đề nghị "trục xuất ngay lập tức những tội phạm và người nguy hiểm" mà trước đây không thể bị trục xuất do chính quyền Syria bất hợp tác. Chính quyền Đức hôm 09/12 cũng thông báo ngưng xử lý 47.000 hồ sơ xin tị nạn đang được cứu xét trong thời gian chờ tình hình ở Syria ổn định.
Liệu Berlin có sớm thúc đẩy người Syria trở về quê nhà ? Về lâu dài, liệu Berlin có ngưng tiếp nhận người Syria, ngưng biện pháp bảo vệ tạm thời dành cho hơn 300.000 người Syria ? Theo thông tín viên báo La Croix tại Đức, thủ tướng Olaf Scholz đã ghìm cuộc tranh luận, nhận định tình hình ở Syria vẫn còn "rất, rất nguy hiểm".
Từ năm 2021 đến 2023, 173.000 di dân Syria đã được cấp quốc tịch Đức. Con số cao đặc biệt này phản ánh thực tế là cộng đồng người Syria đã hòa nhập rất tốt vào xã hội Đức và không ngừng được mở rộng.
Tị nạn : Quyền có ý nghĩa sống còn đối với người Syria ?
Tương tự La Croix, báo Libération cũng dành sự quan tâm đến hồ sơ di dân Syria tại Châu Âu, với nhận định : "Tại Châu Âu, quyền của người nhập cư bị các chính quyền dân túy gặm nhấm". Chính quyền nhiều nước đang hy vọng sự thay đổi quyền lực ở Damascus có thể giúp họ đưa 1 triệu di dân về Syria, cho dù tình hình vẫn đầy bất ổn.
Trong bài xã luận "Bài ngoại", tờ báo thiên tả xem đây là một dấu hiệu đáng lo ngại về ảnh hưởng của các đảng cực hữu. Lẽ ra ngành ngoại giao phải họp khẩn cấp để bàn cách hỗ trợ khu vực đang bất ổn nghiêm trọng, cứu trợ quốc gia vừa thoát khỏi chế độ độc tài tàn bạo, nơi 80% dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói, thiếu thốn đủ thứ, nhưng từ Berlin, Roma, Bruxelles, Paris, Berlin, đến Stockholm, đâu đâu cũng nói đến việc ngưng tiếp nhận, thậm chí lên kế hoạch trục xuất di dân Syria. Đối với Libération, thái độ bài ngoại của các nước thành viên Liên Âu còn đặc biệt đáng lo ngại, bởi vì, nếu tình hình chính trị tại Damascus chuyển biến xấu, rất có thể chỉ sau vài tháng nữa quyền tị nạn đối với nhiều người Syria sẽ là quyền có ý nghĩa sống còn.
Quốc phòng Châu Âu : Chia rẽ nội bộ nguy hiểm hơn mối đe dọa Trump
Nhìn sang Le Monde, các chủ đề được khai thác rất tản mạn, cả về thời sự trong nước và quốc tế : việc tổng thống Pháp tìm kiếm thỏa hiệp về việc không bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng sắp được bổ nhiệm, bước đi đầu tiên tìm kiếm tính chính danh của ê-kip cầm quyền mới ở Syria, các tổn thương tâm lý của những người từng bị giam giữ trong các nhà tù dưới chế độ của tổng thống Al Assad ; lực lượng Ukraine dùng drone tầm xa tấn công các hậu cứ của Nga ; căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Bangladesh ; những nỗ lực của Liên Âu để cứu vãn ngành công nghiệp ô tô, những tranh cãi về bản quyền chế tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo…
Về quốc phòng Châu Âu, mục Địa chính trị/Thời luận của báo Le Monde đặc biệt quan tâm đến những khó khăn tài chính mà Liên Âu đang gặp phải để củng cố quốc phòng trong bối cảnh vừa phải hỗ trợ Ukraine chống quân Nga xâm lược, vừa phải dè chừng vị tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, người luôn đòi hỏi các nước thành viên NATO ở Châu Âu phải chi 2% GDP cho quốc phòng.
Le Monde nhắc lại là một số nước Châu Âu như Ba Lan, hay các nước Batltic, đã nỗ lực rất nhiều, trái lại một số nước khác nằm xa Nga hơn thì còn xa mới đạt ngưỡng 2% GDP ngân sách cho quốc phòng : Bỉ (1,2%), Ý và Đức (1,6%). Tân ủy viên Quốc phòng Châu Âu, Andrius Kubilius, từng là thủ tướng Litva, nhận định Liên Âu cần có 500 tỉ euro để vũ trang chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất, chẳng hạn một cuộc tấn công xâm lược của Nga. Nhưng lấy đâu ra một khoản tiền lớn như vậy ?
Tại NATO, ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nêu lên 3 khả năng : đóng góp từ ngân sách của các quốc gia, dùng tài sản của Nga bị Châu Âu phong tỏa, Liên Âu vay chung.
Theo phân tích của Le Monde, lựa chọn đầu tiên liên quan đến sự can đảm chính trị mà hiện nay ít chính phủ nào có thể tưởng tượng được. Lựa chọn thứ hai, liên quan đến khối tài sản gần 300 tỷ euro của Nga đang bị phong tỏa ở Châu Âu và cho đến nay chỉ có tiền lãi được sử dụng. Vấn đề này vẫn gây chia rẽ giữa các quốc gia, do liên quan đến khuôn khổ pháp lý. Lựa chọn thứ ba mới được sử dụng một lần duy nhất trong đại dịch Covid-19, với khoản vay chung 750 tỷ euro để cứu nền kinh tế Châu Âu. Hẳn mọi người đều nhớ đến sự phản đối kịch liệt của nhiều thành viên, đi đầu là Đức.
Thách thức đầu tư tăng vọt cho quốc phòng vượt xa khuôn khổ viện trợ Ukraine, liên quan đến khả năng Châu Âu bảo đảm an ninh của chính mình trong một thế giới bất ổn mà không có sự bảo vệ của Mỹ. Đồng thời điều này liên quan đến khả năng Châu Âu tham gia vào thỏa thuận hòa bình có thể có giữa Hoa Kỳ, Nga và Ukraine, được cho là chắc chắn sẽ có hệ quả đối với an ninh của châu lục. Nếu Châu Âu muốn khẳng định tiếng nói trên bàn đàm phán, họ phải có đóng góp đặc biệt. Donald Trump sẽ không tự nhiên mời Liên Âu tham gia, và theo Le Monde, dĩ nhiên tổng thống Nga Putin cũng không muốn.
Tình thế cấp bách có thể làm gia tăng áp lực, làm nổi bật sự chia rẽ giữa những nước thành viên quyết tâm nhất và những nước vẫn cứ muốn tin rằng có thể duy trì tình hình như trước đây. Jana Kopcova, thuộc tổ chức tư vấn Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nhận định nếu chẳng may Châu Âu lâm cảnh nguy cấp thì cũng không phải là do Donald Trump, mà là do Liên Hiệp đã thiếu quyết định đúng đắn cách nay 2 năm.
Trong khi đó, Le Monde nhấn mạnh, nước Nga của Putin đã không lãng phí thời gian : năm 2024, 30% chi tiêu công của Moskva là dành cho quốc phòng.
Rối loạn kinh tế và mối nguy dân túy
Cũng như đa phần các báo, hai hồ sơ chính của báo kinh tế Les Echos hôm nay vẫn là thời sự Pháp và Syria. Trong bối cảnh chính trường Pháp bất ổn, trong mục Ý kiến, Les Echos giới thiệu bài viết của Vincent Pons, giáo sư đại học Harvard của Mỹ về "Rối loạn kinh tế và mối nguy dân túy".
Các cuộc khủng hoảng và suy thoái tài chính làm tăng đáng kể cơ hội thắng lợi của một tổng thống hoặc thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, lạm phát bất ngờ giai đoạn 2021 - 2023 chắc chắn đã góp phần khiến ứng viên đảng Dân Chủ thất cử : những cử tri xem lạm phát là mối bận tâm chính đã bỏ phiếu áp đảo cho Donald Trump. Giá cả tăng vọt do khủng hoảng Covid và chiến tranh Ukraine cũng đã làm suy yếu các đảng cầm quyền trên khắp thế giới. Một nghiên cứu mới của ba kinh tế gia Đức cho thấy những đợt lạm phát như vậy thường có lợi cho các đảng dân túy, là dịp để cử tri dùng lá phiếu trừng phạt các đảng chính trị truyền thống.
Đất nhiễm mặn : Mối đe dọa ngày càng lớn
Về hồ sơ môi trường, khí hậu, bên cạnh tình trạng ngành du lịch thế giới xả thải quá nhiều khí carbon, báo Le Monde quan tâm đến vấn đề đất và nước nhiễm mặt, trong bối cảnh hội nghị COP 16 về chống suy thoái đất đang diễn ra tại Saudi Arabia.
Hôm qua 11/12, nghiên cứu đầu tiên tính từ 50 năm trở lại đây được công bố, đánh giá mức độ nhiễm mặn toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), 1,3 tỷ ha (10,7% tổng diện tích) đất toàn cầu bị nhiễm mặn. Le Monde lưu ý là trong số nhiều thách thức về khí hậu và môi trường, tình trạng đất và nước nhiễm mặn vẫn chưa được đánh giá đúng mức, trong khi tác động của nạn nhiễm mặn ngày càng gia tăng trên tất cả các Châu lục, từ Hoa Kỳ, Pháp, đến Uzbekistan…
Một phần hiện tượng đất - nước nhiễm mặn có liên quan đến chu trình tự nhiên của muối, nguồn gốc khu vực, như rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước, hồ nước mặn. Nhưng dòng chảy tự nhiên của muối ngày càng bị gián đoạn bởi biến đổi khí hậu, làm cạn kiệt nguồn nước, làm tăng nồng độ muối ở một số khu vực và khiến mực nước biển dâng cao, tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập. Tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng do hoạt động của con người : tưới tiêu, thoát nước, phá rừng, sử dụng quá nhiều phân hóa học, khai thác quá mức mạch nước ngầm, hoạt động khai thác mỏ…
Khoảng 1/3 dân số thế giới đang sống ở những nước thiếu nguồn nước ngọt, khiến nhu cầu về nước ngày càng tăng, kèm theo đó là sự suy giảm chất lượng nước. Ít nhất 16% lượng nước ngầm hiện giờ bị coi là nước mặn hoặc nước lợ, nhưng theo FAO tỷ lệ này trên thực tế có lẽ cao hơn nhiều.
Nhiễm mặn đe dọa trực tiếp đến khả năng sản xuất của đất nông nghiệp. Theo nghiên cứu được công bố hôm qua, khoảng 10% đất trồng trọt bị ảnh hưởng do độ mặn hoặc độ ẩm. Nếu không có các biện pháp thích ứng, các tác động có thể rất lớn : các chuyên gia về đất ước tính là ở những nước đất bị nhiễm mặn nhiều, năng suất lúa gạo và đậu có thể giảm lần lượt 72% và 68%.
Để giảm thiểu tình trạng nhiễm mặn, các chuyên gia kêu gọi thay đổi các phương thức khai thác nông nghiệp, quản lý nước tốt hơn, phát triển các loại cây phủ đất, thúc đẩy luân canh và đa dạng hóa cây trồng, khuyến khích nông lâm kết hợp. Đối với những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cần phát triển các loài thực vật chịu mặn, ưa mặn.
Paris thứ 2 thế giới về chuyển đổi giao thông
Liên quan đến quy hoạch giao thông đô thị, báo Libération cho biết là dựa trên 71 tiêu chí như giao thông cộng cộng, các tuyến đường dành cho xe đạp, khả năng tiếp cận các tuyến metro, sự phát triển bền vững… một nghiên cứu của Mỹ đã xếp Paris là thành phố tốt thứ 2 thế giới về chuyển đổi giao thông, trong số 70 thành phố được xếp hạng. Từ vị trí thứ 15 trong báo cáo hồi năm 2019, nay Paris đã trở thành 1 trong những thành phố năng động nhất về giao thông, nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho người đi bộ và xe đạp, bên cạnh hệ thống metro dầy đặc và tự động hóa.
Các công nghệ mới nổi, các loại xe tự động được trang bị trí thông minh nhân tạo không chỉ góp phần khiến dịch vụ giao thông dễ tiếp cận hơn và hiệu quả hơn, mà còn giữ vai trò thiết yếu để bảo đảm các mục tiêu khí hậu. Tuy nhiên, các chuyên gia báo động mới chỉ có rất ít thành phố lên kế hoạch đầu tư đủ để đạt kết quả tốt trong mọi tiêu chí đánh giá.
Pháp khuyến nghị tiêm ngừa Zona thần kinh
Trong lĩnh vực y tế, báo công giáo La Croix quan tâm đến bệnh Zona và đi tìm lời đáp cho câu hỏi tại sao phải tiêm ngừa bệnh này. Zona là một bệnh viêm nhiễm về da do sự tái hoạt động của virus thủy đậu, gây đau đớn, có thể dẫn đến các biến chứng, nhất là ở người già yếu, kéo dài nhiều tháng hoặc lâu hơn và gây tàn phế. Để ngăn chặn tình trạng này, Bảo hiểm Y tế đã quyết định hoàn trả chi phí tiêm vac-xin phòng bệnh Zona cho những người trên 65 tuổi hoặc người trên 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch.
Thùy Dương