Chính phủ mới có giúp Syria vực dậy, hay chỉ là một phiên bản Taliban ?
Thời sự quốc tế, trong tuần vừa qua, đã bị chấn động bởi sự kiện phe nổi dậy Hồi giáo tại Syria lật đổ chế độ Bachar al-Assad và những lo ngại về chế độ mới, liệu có thể giúp Syria vực dậy, hay chỉ là "huyền thoại Taliban". Tại Pháp, chính trường cũng không kém phần nóng bỏng, với tân thủ tướng và những thách thức thỏa hiệp với các đảng phái, đưa nước Pháp thoát khỏi "vũng lầy" về ngân sách. Nhìn sang Châu Á, tổng thống Yoon vẫn bám trụ chức tổng thống, nền dân chủ nước này vẫn còn nhiều thử thách.
Lãnh đạo lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) Abu Mohamed al-Jolani có mặt tại Idlib, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, 7/02/2023. AFP – Omar Haj Kadour
Nhìn từ Beirut, theo Courrier International, sự sụp đổ của chế độ Bachar al-Assad gợi lại nhiều cảm xúc và ký ức đau thương tại đất nước có mối quan hệ chặt chẽ với Syria trong suốt nửa thế kỷ. Liban đã bị Syria xâm lược vào năm 1976, tiếp tục bị chi phối cho đến năm 2005, khi cuộc "Cách mạng cây tuyết tùng- Cèdre" buộc Syria rút quân.
Chế độ al-Assad chấm dứt cũng giáng một đòn mạnh vào Hezbollah, nhóm vũ trang có liên hệ chặt chẽ với Syria và Iran, vốn đã bị tổn thất nặng nề do chiến dịch quân sự của Israel. Đối với Nhà nước Do Thái, al-Assad ra đi là một chiến thắng lớn, khiến các mắt xích của Iran tại khu vực bị suy yếu.
Tuy nhiên, Israel cũng vẫn lo ngại về sự trỗi dậy của các lực lượng Hồi giáo Sunni, vốn không thân thiện với Nhà nước Do Thái và có thể làm thay đổi tình hình ở cao nguyên Golan, khu vực mà Israel đang chiếm giữ từ năm 1967. Lo ngại về biến động chính trị và quân sự trong khu vực, Israel đã điều quân đội vào vùng đệm tại Golan, khiến quốc tế lên án.
Nếu như tình hình tại Syria là một thất bại cho đồng minh Nga, hiện đang "cưu mang" gia đình Bachar al-Assad, thì tại Thổ Nhì Kỳ, chiến thắng của lực lượng phiến quân Hồi giáo HTS được đón nhận nồng nhiệt. Các tờ báo của nhà nước coi đây là thành quả từ chính sách của tổng thống Recep Tayyip Erdogan, luôn đứng về phía các lực lượng đối lập tại Syria.
Về mặt kinh tế, sự sụp đổ của al-Assad cũng mở ra cơ hội lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào việc tái thiết Syria. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, nếu có thỏa thuận giữa chính phủ hai nước.
Mặc dù Erdogan tuyên bố tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Syria, trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát nhiều khu vực miền bắc Syria trong nhiều năm, đặc biệt là những khu vực giành được từ các lực lượng người Kurdistan. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiếp tục duy trì quyền kiểm soát và ảnh hưởng lớn đối với các khu vực này.
Người Syria bị ngó lơ, tự phó mặc cho số phận
Courrier International cũng đề cập đến phản ứng của các nước Châu Âu mừng vui về tình hình ở Syria, nhưng ngay sau đó lại nhanh chóng thông báo ngừng xử lý đơn xin tị nạn của người Syria, để buộc họ hồi hương. Đó là những nước Áo, Đan Mạch, Na Uy, Bỉ, Ý, Hy Lạp, Anh Quốc, Thụy Sĩ, Thụy Điển và đặc biệt là Đức, nơi có cộng đồng người Syria hải ngoại lớn nhất ở Châu Âu. Nhật báo L'Écho của Bỉ viết : "Trước sự phấn khích chính trị này, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đã kêu gọi ‘kiên nhẫn và cảnh giác".
Xã luận của tuần báo L’Express thì đưa ra nhận xét về sự bất lực của phương Tây đối với các vấn đề ở Trung Đông. Nội chiến từ hơn chục năm qua, với các chính sách tàn bạo dã man của chế độ al-Assad, lần lượt vượt hết các lằn ranh đỏ, nhưng Mỹ, Pháp, Anh vẫn do dự, làm ngơ, để người dân Syria bị cô lập, phó mặc cho số phận. L’Express cũng đặt câu hỏi : Liệu việc al-Assad bị soán ngôi có thể khiến các nhà độc tài trong khu vực cũng phải e sợ hay không, khi làn sóng nổi dậy lật đổ chế độ có thể lan rộng ?
Trang nhất tuần san Le Nouvel Obs đăng bức chân dung của Bachar al-Assad bị giẫm đạp dưới đất, nát nhàu, bên cạnh dòng tựa "Những chủ nhân mới của Damascus". Trong hồ sơ về chủ đề này, Le Nouvel Obs viết : "Có ai mà lại không vui mừng khi chứng kiến sự kết thúc của cuộc chiến tranh kéo dài gần 14 năm, gây ra hàng trăm ngàn cái chết và tàn phá một đất nước từng là ngọn hải đăng của lịch sử văn hóa thế giới ?".
Thế nhưng sự xuất hiện của lực lượng tiếp quản Syria, Hayat Tahrir al-Sham (HTS), cũng khiến người ta phải dè chừng. Ngay sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, lãnh đạo HTS, al-Julani đã đến nhà thờ Hồi giáo Omeyyades, công khai tuyên bố rằng chiến thắng này sẽ mở ra một trang sử mới cho Hồi giáo của Syria. Hành động này "làm sống lại truyền thống của các vị vua và tiểu vương đã nhậm chức […] tại nhà thờ Hồi giáo", "loại trừ phụ nữ khỏi đời sống chính trị, vì nhà thờ Hồi giáo là nơi ‘cấm’ phụ nữ", quét dọn sạch "các nhóm thiểu số tôn giáo bao gồm cả những người Hồi giáo không theo hệ phái Sunni".
HTS chỉ thay đổi chiến lược ?
Các tuần san đều lần lượt vẽ lại chân dung của al-Julani theo ngòi bút của riêng mình, nhưng tựu trung lại đều phác họa một thủ lĩnh với lý lịch tư pháp dày đặc, bên cạnh con số 10 triệu euro mà Hoa Kỳ treo thưởng nếu bắt được kẻ "khủng bố" này. al-Julani, từng là quân thánh chiến chống Mỹ, có liên hệ với các thủ lĩnh như Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo của Nhà nước Hồi giáo (Daesh-IS). al-Julani đã công khai tuyên bố rằng mình không còn là một chiến binh thánh chiến như trước và đã tách khỏi Daesh vào năm 2013. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đó chỉ là một chiến lược để "xóa bỏ hình ảnh khủng bố của nhóm HTS", đồng thời tạo dựng mối quan hệ với phong trào dân tộc Syria.
Tại Idlib, nơi đặt trụ sở của HTS, lực lượng này tuyên bố bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nhóm này không thay đổi bản chất, tức là mục tiêu xây dựng một chế độ Hồi giáo cực đoan theo luật sharia, và hiện tại chỉ là một "bước ngoặt chiến lược". Trên thực tế, theo Le Nouvel Obs, HTS vẫn duy trì các mối quan hệ chặt chẽ với al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác, với nhiều chiến binh và phần tử nguy hiểm từ Daesh hiện đang trú ẩn tại Idlib. Le Nouvel Obs kết luận rằng các nhà ngoại giao và nhà báo phương Tây đang "bị cám dỗ để thúc đẩy chế độ Hồi giáo mới này". Họ muốn tin vào al-Julani mới, giống như những ai ngây thơ, đã tin vào "huyền thoại về Taliban ôn hòa" bốn năm trước.
Các báo mô tả đất nước bị đè nặng bởi trang sử nhuốm máu từ chế độ al-Assad, trải qua 13 năm nội chiến, với hơn 500 000 người thiệt mạng, với những hình ảnh từ nhà tù Saidnaya - địa ngục trần gian, nhiều tù nhân bị giam giữ vô cớ, tra tấn trong hàng năm, không thấy ánh sáng, đến tên tuổi của mình cũng không nhớ. Thế nhưng, L’Express đặc biệt lưu ý đến việc các tù nhân vừa được phóng thích, hàng trăm người trong số đó là những chiến binh thánh chiến.
Pháp : Nhiệm vụ tìm ra một chính phủ ổn định của Macron
Khủng hoảng chính trị ở Pháp là chủ đề được hầu hết các tuần san lớn của Pháp quan tâm. Sau nhiều ngày chờ đợi với các đồn đoán khác nhau, điện Élysée sáng thứ Sáu cuối cùng thông báo bổ nhiệm François Bayrou, lãnh đạo đảng cánh trung Modem, làm tân thủ tướng.
Các báo đưa ra những phân tích đằng sau hậu trường. Tuần san Le Nouvel Obs đặt câu hỏi lớn trên trang nhất, liệu tổng thống Emmanuel Macron có kế hoạch B hay không ? Nguyên thủ Pháp hy vọng nhờ "phương pháp mới" để tìm một thủ tướng có khả năng không xúc phạm ai, tránh được cuộc khủng hoảng chế độ hay hàng loạt lời kêu gọi ông từ chức ? Khi mà nước Pháp đang trong tình trạng "không có ngân sách cho năm 2025", đối mặt với bất ổn tài chính.
Để tránh khủng hoảng chính trị ngày càng sâu sắc hơn sau sự sụp đổ của chính phủ Barnier, ông Macron muốn thiết lập một chính phủ đoàn kết, loại trừ đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN), giảm phụ thuộc vào đảng cực hữu này, tránh để RN nắm vai trò quyết định trong chính sách và củng cố vị thế của các đảng truyền thống. Tổng thống cũng đề xuất một "thỏa thuận không bỏ phiếu bất tín nhiệm", để các đảng không cản trở hoạt động của tân chính phủ, dù không hoàn toàn ủng hộ.
Để đạt được thỏa thuận này, các đảng cũng đặt ra các điều kiện. Đảng Xã hội yêu cầu "đóng băng cải cách hưu trí", và tổ chức một hội nghị để thảo luận về quỹ hưu trí. Đảng cánh hữu Những người Cộng Hòa thì muốn loại bỏ các vấn đề "gây khó chịu", như cải cách hưu trí và luật nhập cư.
Xã luận của Le Nouvel Obs đề cập đến "một cánh tả có trách nhiệm". Khi đối mặt với các vấn đề chính trị và kinh tế cấp bách, đảng Cộng sản Pháp (PCF) và đảng Xã hội (PS) đã thay đổi chiến lược. Trong khi Jean-Luc Melenchon của đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) ủng hộ cuộc khủng hoảng, để buộc tổng thống từ chức và tổ chức bầu tân lãnh đạo, thì đảng PCF và PS muốn tìm thỏa hiệp và thể hiện trách nhiệm chính trị, ví dụ như giải quyết tranh cãi về cải tổ hưu trí, thay vì yêu cầu bãi bỏ việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 64.
Cây bút xã luận của tuần san cho rằng Macron đang cố gắng xây dựng một "chính phủ vì lợi ích chung" với sự tham gia của các đảng sẵn sàng thỏa hiệp, loại trừ LFI và RN. Nhưng thành công của chiến lược này phụ thuộc vào việc liệu ông Macron có thể từ bỏ quyền kiểm soát, và trao quyền cho một thủ tướng mới, mang lại sự ổn định chính trị về lâu về dài. Thế nhưng, Le Noubel Obs kết luận rằng "chính trị thì thường không sử dụng lý trí".
Macron, tổng thống bị chỉ trích nhiều nhất trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa
Việc chính phủ của Michel Barnier bị lật đổ cũng tác động đáng kể đến hình ảnh của tổng thống Macron, vốn đã dần bị phai nhạt, ngày càng khiến người dân mất lòng tin, theo như nhận định từ Frédéric Dabi, giám đốc viện thăm dò IFOP của Pháp. Ông Frédéric cho rằng người dân Pháp hiện đang theo một logic - thờ ơ với các vấn đề quốc gia, hoặc khó hiểu, đặc biệt là trước hành động giải tán Quốc hội của tổng thống hồi tháng 6, khiến ông Macron là "lãnh đạo bị chỉ trích nhiều nhất trong toàn bộ lịch sử của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa".
Nhìn từ quốc tế, tuần san của Courrier International đưa ra góc nhìn của báo El Pais, Tây Ban Nha, cho rằng sự mù quáng của Emmanuel Macron đã đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có, thậm chí vượt ra ngoài biên giới nước Pháp". Điều gì sẽ xảy ra ở Châu Âu nếu không có ai chịu trách nhiệm ở Paris và Berlin, hai trụ cột của Lục địa Già, nhất là vào lúc Donald Trump quay lại Nhà Trắng ? Chưa kể đến cuộc chiến giữa Nga và Ukraine hay những căng thẳng nóng bỏng ở Trung Đông.
Đức đang trải qua một cuộc khủng hoảng đáng lo ngại, phải đối mặt với một cuộc thay đổi chính phủ, phải cân nhắc về mô hình hoạt động của chính phủ, sau khi đặt cược vào quốc phòng từ Mỹ, năng lượng giá rẻ từ Nga, hay xuất khẩu sang Trung Quốc. Tình hình ở Pháp thì "thảm khốc" không kém. Và thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng không phải là thủ tướng Michel Barnier, không thể đàm phán với ai, bị cánh tả hữu lật đổ, mà là vị tổng thống cầm quyền như một Jupiter (vị thần La Mã cai quản trời đất, với tích cách hống hách, thống trị).
Nếu như Macron từng được kỳ vọng mang lại sự đổi mới, thì nay ông bị chỉ trích vì quản lý yếu kém, với các chính sách không hiệu quả, đặc biệt là trong việc đối phó với các vấn đề xã hội và tài chính.
Chính trị Pháp "chao đảo", Châu Âu cũng lung lay
Ông Macron cũng bị cáo buộc đã "mở đường" cho cực hữu trỗi dậy, bằng những nhượng bộ trong chính sách nhập cư và an ninh, trong bối cảnh cực hữu ngày càng giành nhiều ảnh hưởng tại châu lục, hay các định chế của Châu Âu. Nước Pháp bị đè nặng bởi nợ công và thâm hụt ngân sách, nhưng lại bế tắc trong việc tìm ra giải pháp, sẽ khiến thị trường tài chính lo ngại. Xếp hạng tín dụng của Pháp có thể bị hạ bậc, và điều này có nguy cơ gây bất ổn cho toàn khu vực euro. Nếu Paris không sớm tìm ra giải pháp, vấn đề này có thể làm suy yếu khả năng ứng phó của Liên Âu trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Theo Courrier International, nền Đệ Ngũ Cộng Hòa được thành lập từ thời tướng Charles De Gaule chỉ có thể hoạt động nếu giành được đa số tại Quốc hội, vậy phải chăng đã đến lúc thay đổi chế độ này ?
Tuần san Pháp cũng đưa ra quan điểm từ Ý. "Nếu các nền dân chủ đại diện cho phương Tây gặp khó khăn thì đó không phải là một tai nạn mà là một hiện tượng mang tính cơ cấu". Ý đã trải qua cuộc khủng hoảng mà Đức và Pháp đang phải đối mặt. Nếu tình hình ở Đức là giai đoạn đầu : các đảng truyền thống vẫn ngăn chặn được sự gia tăng của cực hữu, thì Pháp là giai đoạn hai : đối mặt với sự hỗn loạn khi phải tìm ra giải pháp trước các đảng cực đoan, và Ý là giai đoạn ba, tức là đảng cực hữu, từng có liên hệ với Đức Quốc Xã, lên nắm quyền, nhưng hiện lại là nước ổn định nhất Châu Âu.
Quan hệ giữa Pháp và Giáo hoàng Francis : lúc nóng lúc lạnh
Vẫn liên quan đến nước Pháp, tuần san của La Croix thì chú ý đến chuyến công du của Giáo hoàng Francis đến đảo Corse vào cuối tuần này. Tờ báo công giáo điểm lại quan hệ giữa Paris và Tòa thánh những năm qua, "giống như thời tiết nắng mưa thất thường ở vùng Bretagne", một ngày âm u ảm đạm, nhưng tia nắng mặt trời nhiều lần le lói. Chọn ghé thăm lãnh thổ của Pháp, nhưng không phải Paris mà là Ajaccio ở đảo Corse, giáo hoàng người Argentina vừa giữ khoảng cách với Pháp, nhưng vừa tỏ ra thân mật.
Giáo hoàng đã khước từ lời mời từ phía Paris đến dự lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức bà Notre-Dame, mà thay vào đó chỉ gửi một bức thư đến giáo dân Pháp. Bởi ngài "thích đến những vùng lãnh thổ nhỏ bé, hay những nơi mà ngài có thể gần với dân chúng" vì đó là sứ vụ truyền giáo của mình. Và Paris không đáp ứng tiêu chí này, nhất là với sự hiện diện của các lãnh đạo quốc gia lớn. Do đó, Ajaccio, thành phố biển đảo, với tín ngưỡng bình dân, phù hợp hơn và giáo hoàng mong muốn các giá trị tôn giáo ở vùng Địa Trung Hải sẽ được lan tỏa đến các cộng đồng Công giáo khác. Dưới góc độ địa chính trị, giáo hoàng quan tâm đến tam giác "Nga - Trung Quốc - Iran" hơn, và các khu vực ít được chú ý, các nước thuộc thế giới thứ ba, thay vì Pháp hay Châu Âu.
La Croix cũng đề cập đến một số tranh cãi tại hậu trường về chuyến thăm, diễn ra một tuần sau khi Nhà thờ Đức Bà mở cửa trở lại, có thể gây hiểu lầm rằng giáo hoàng "ngó lơ" Paris. Hơn nữa, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đảo Corse đang đàm phán về quyền tự trị, dẫn đến nhiều lo ngại rằng sự hiện diện của giáo hoàng có phần "chính trị".
Mối quan hệ giữa Giáo hoàng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn tốt đẹp, nhưng cũng tồn tại những khác biệt lớn về các vấn đề xã hội như hôn nhân đồng giới hay vấn đề trợ tử để kết thúc sự sống.
Yoon Suk-yeol, tổng thống "độc tài", "mối nguy" cho nền dân chủ Hàn Quốc
Nhìn sang Châu Á với những diễn biến chính trị tại Hàn Quốc sau vụ tổng thống Yoon Suk-yeol ban hành thiết quân luật nhưng bất thành. Tuần san The Economist đánh giá rằng hành động của tổng thống Yoon không chỉ gây sốc cho người dân Hàn Quốc, gợi lại ký ức đau thương về cuộc đảo chính quân sự những năm 1970, 1980, với cuộc thảm sát ở Gwangju, mà còn phơi bày cho thế giới một nền dân chủ mong manh và khả năng "phục hồi" của Hàn Quốc.
Tuần báo kinh tế nêu ra hai điểm yếu của Seoul. Đầu tiên là môi trường chính trị phân cực cao, khiến ông Yoon Suk-yeol, vốn không có nhiều kinh nghiệm chính trị có thể lên nắm quyền lãnh đạo. Yoon Suk-yeol, từng là một công tố viên, thiếu khả năng đối thoại, chỉ nhìn thấy hai loại người : tội phạm hoặc vô tội. Do đó, ông coi đối thủ chính trị của mình là những "kẻ thù", cần loại bỏ. Với tư tưởng cực hữu cùng sự tự cao, ông Yoon Suk-yeol được cho là có những đặc điểm của các nhà độc tài trong lịch sử.
Theo The Economist, sự phân cực trong giới chính trị Hàn Quốc cũng cho phép phe bảo thủ bỏ qua tính cách độc đoán của ông, coi ông là ứng cử viên tổng thống để ngăn chặn một chính quyền tiến bộ khác. Ông Yoon cũng không ngần ngại bổ nhiệm những bạn học, những người thân cận vào mạng lưới tình báo hay quân đội, để thao túng các cơ quan này. Tổng thống Yoon đã sử dụng quyền lực của ông tấn công các đối thủ chính trị, bảo vệ bản thân và vợ khỏi những vấn đề pháp lý. Chính quyền của ông trở nên khét tiếng "lạm dụng quyền công tố, trở thành một chính quyền của công tố, bởi công tố và vì công tố, theo một cách diễn đạt sai lệch câu nói nổi tiếng của Lincoln". Ông Yoon lựa chọn khủng hoảng thay vì thỏa hiệp.
Courrier International thì đưa ra quan điểm của một tờ báo thuộc phe đối lập ở Hàn Quốc, chỉ trích tổng thống Yoon "là mối nguy của đất nước", nhưng đã được đảng của ông, chấp nhận quay lưng với người dân, để cứu vớt chiếc ghế tổng thống của ông. Quốc hội Hàn Quốc vừa qua đã không thể thông qua lệnh phế truất do vấp phải sự phản đối từ đảng cầm quyền Quyền lực Nhân dân (PPP)
Vụ việc cũng cho thấy sự kháng cự mạnh mẽ để "bảo vệ nền dân chủ" Hàn Quốc. Cả thế giới đã chứng kiến cảnh người dân tập trung quanh tòa nhà Quốc hội, trở thành lực lượng tuyến đầu. Các nghị sĩ đảng đối lập vượt qua cảnh sát, leo hàng rào vào Quốc hội để dỡ bỏ thiết quân luật.
Thế nhưng nền dân chủ tại Hàn Quốc vẫn mong manh, khi các thủ tục luận tội ông Yoon bị chặn lại, ông vẫn giữ vị trí quyền lực. Theo tuần san The Economist, ông Yoon cần phải từ chức và các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm thì Hàn Quốc mới sang trang mới được. Ngoài ra, cũng cần phải xóa bỏ sự phân cực chính trị, phi chính trị hóa quân đội và tình báo, và thúc đẩy đối thoại chính trị để nền dân chủ Hàn Quốc không bị đe dọa trong tương lai.
Một cuộc khảo sát cho thấy 73,6% người dân ủng hộ việc luận tội Yoon. Đảng đối lập Dân Chủ cũng tiếp tục tổ chức các cuộc bỏ phiếu mỗi tuần để đẩy mạnh tiến trình luận tội. Hàng trăm nghìn người dân đã tập trung trước Quốc hội yêu cầu Yoon từ chức, bất chấp thời tiết lạnh giá.
Chi Phương
Abu Mohammad al-Jolani, người mới lật đổ Bashar al-Assad, cựu tổng thống Syria, đã đọc bản hiệu triệu đầu tiên với dân chúng. Lãnh tụ đoàn quân nổi dậy HTS (Hayat Tahrir al-Sham) không dùng một đài truyền hình, cũng không ngồi tại bàn giấy trong văn phòng dinh tổng thống, tượng trưng cho quyền lực. Ông chọn bối cảnh một thánh đường Hồi giáo. Thánh đường có lịch sử 1.300 năm, mang tên Umayyad, một dòng chính của Hồi giáo, do Abī Sufyān xướng xuất ngay tại ở thủ đô Damascus từ năm 661. Abī Sufyān gốc cùng quê hương Mecca với Đức Tiên Tri Muhammad và sống cùng một thời. Khi Hồi giáo chia ra hai ngành, dòng Umayyad thành giáo phái Sunni, đối lập với phái Shia hiện do các giáo sĩ Iran lãnh đạo. Cuộc cách mạng mới điễn ra ở Syria nằm trong lịch sử cuộc đối đầu giữa hai giáo phái Hồi giáo chính.
Một chiến binh Syria xé bức họa có hình tổng thống Syria, Bashar Assad và người cha, Hazef Assad, tại phi trường quốc tế Aleppo, Syria, 2/12/2024.
Đa số dân Syria theo giáo phái Sunni, Bashar al-Assad theo một chi phái của Shia gọi là Alawite. Bố con ông vẫn được Iran ủng hộ. Một số dân Syria còn theo giáo phái Druze và nhiều nhóm Thiên Chúa giáo.
Trong ngôi đền cổ kính làm bằng đá cẩm thạch đen, trắng, Abu Mohammad al-Jolani nói : "Đây là Chiến thắng của toàn thể anh em Hồi giáo. Chiến thắng nhờ ơn Thượng Đế và tất cả những đấng tử đạo cùng những cô nhi, quả phụ của họ". Ông nói thẳng đến chính quyền Iran : "Chiến thắng này đánh dấu một trang sử mới, (chấm dứt cảnh) Iran dùng nước Syria như một sân chơi cho họ bành trướng tham vọng, tuyên truyền chia rẽ, nuôi dưỡng tham nhũng".
Abu Mohammad al-Jolani lãnh đạo một tập hợp chống Assad dưới danh hiệu Hayat Tahrir al-Sham, viết tắt là HTS. Hơn 20 năm trước, al-Jolani theo al-Qaeda, nhóm chủ mưu vụ đánh sập hai tòa nhà ở New York ngày 11/9/2001. Mỹ và Israel coi ông là một tay khủng bố, đã treo giải thưởng 10 triệu mỹ kim trên đầu ông. Bây giờ, trong lực lượng HTS có cả các nhóm dân quân do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ. Mohammad al-Jolani đang cố xóa bỏ hình ảnh quá khích thời trẻ, xác định mình chủ trương một đường lối ôn hòa chống những phương pháp tàn bạo cực đoan. Nhắc tới việc chính quyền Assad che chở các nhóm buôn ma túy để kinh tài ông nói : "Syria đang được tẩy rửa sạch sẽ". Trước khi tiến vào thủ đô Damascus mấy ngày, ông đã dành một cuộc phỏng vấn cho đài truyền hình CNN của Mỹ, không chọn đài Al Jazeera, tiếng nói quen thuộc trong thế giới Á rập.
Nga và Iran là những đồng minh lâu đời, bảo vệ chế độ al-Assad trong cuộc nội chiến bắt đầu từ 2011. Quân Nga đóng ở Syria đã cho máy bay đánh bom yểm trợ các cuộc hành quân của quân đội al-Assad. Iran đã gửi một số binh sĩ trong Đạo quân Hồi giáo Cách mạng, với quân số từ 5 đến 10 ngàn, qua giúp huấn luyện quân đội chính quyền. Các nhóm chống Assad được Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cùng các tiểu vương quốc trong United Arab Emirates hỗ trợ.
Hàng chục năm qua, Iran đã sử dụng đất Syria làm hành lang gửi vũ khí và tiếp liệu cho các nhóm dân quân theo phái Shia trong cả vùng, kể cả Iraq và Lebanon. Nhóm Hezbollah, theo phái Shia từ Lebanon đã đặt căn cứ, đóng quân tại Syria. Nhóm này mới kéo về nước để chống cự các cuộc tấn công của quân Israel. Trong khi đó, máy bay Nga đang rút bớt về Ukraine ứng chiến. Chính quyền al-Assad mất hai lực lượng bảo vệ ; mở cơ hội cho al-Jolani tập họp lực lượng, chiếm các thành phố quan trọng, tiến vào Damascus.
Cuộc cách mạng chớp nhoáng diễn ra chưa đầy hai tuần lễ cho thấy một chế độ độc tài dựa trên bạo lực bề ngoài có vẻ vững chắc nhưng bên trong mục nát, sẵn sàng tan rã. Nhiều binh sĩ cởi bỏ quân phục, mặc đồ thường dân. Bản tin chính thức của chính phủ Iraq loan tin 1.000 binh sĩ Syria đã chạy qua nước họ xin tị nạn. Cả hệ thống chỉ huy nghi ngờ lẫn nhau, người này tố cáo người kia là phản bội, khi Phát ngôn viên của HTS báo tin nhiều sĩ quan của al-Assad đang thương lượng để đầu hàng.
Nga và Iran hoàn toàn bất lực không cứu được chế độ al-Assad. Năm 2016 không quân Nga đã giúp Assad chiếm lại thành phố Aleppo, bảo vệ địa vị. Từ đó, Vladimir Putin đầu tư quá nhiều vào chế độ Assad cho nên bây giờ mất mát cũng quá lớn. Putin đành chấp thuận cho ông ta mang gia đình chạy qua Moscow tị nạn, nhưng không ra mặt đón tiếp.
Gia đình Assad đã làm chủ Syria từ năm 1971, khi ông bố, Hafez al-Assad, lên ngôi tổng thống. Ông chết năm 2000, người con trưởng chết vì tai nạn xe hơi, Bashar al-Assad đang học y khoa ở London đã về nước nắm quyền. Năm 2011, dân chúng nổi lên theo cuộc cách mạng Mùa Xuân Á Rập, đã bị Bashar tàn sát. Đạo quân Hồi giáo Cách Mạng của Iran, nhóm Hezbollah từ Lebanon đã giúp bảo vệ chế độ, cùng với máy bay không lực Nga. Cuộc nội chiến bắt đầu sau đó đã làm chết hơn 300.000 người, gần 6 triệu người bỏ nước đi tị nạn ; Thổ Nhĩ Kỳ phải đón nhận 3,2 triệu.
Mỹ, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu cùng yêu cầu Bashar từ chức nhưng ông ta tổ chức bầu cử để tiếp tục cầm quyền với 88,7% số phiếu, năm 2014, rồi lại thắng với 95,1% số phiếu năm 2021. Hàng trăm ngàn người Syria bị giam trong ngục thất ; họ chỉ được tự do sau khi Bashar bỏ chạy, nhưng người ta vẫn còn tìm chưa hết các căn hầm bí mật giam giữ những người đối lập.
Khi đoàn quân cách mạng HTS tiến đánh các cứ điểm của al-Assad, Tổng thống Joe Biden và vị tổng thống tương lai Donald Trump đều dè dặt tuyên bố nước Mỹ đứng ngoài không can dự. Bây giờ tình hình đã ngã ngũ, thái độ của nước Mỹ sẽ tùy thuộc hành động của chính quyền mới của ông al-Jolani ; người đã từng bị chính phủ Mỹ treo giá 10 triệu đô la.
Abu Mohammad al-Jolani sinh tại nước Saudi Arabia, cha mẹ là người Syria gốc ở vùng Golan Heights hiện do Israel chiếm đóng (ngay khi al-Assad bỏ chạy, xe thiết giáp Israel đã tiến chiếm thêm một phần đất nữa). Năm 2021, al-Jolani cho đài PBS biết ông đã theo nhóm al-Qaeda ở Iraq chiến đấu chống quân Mỹ. Ông từng bị bắt, giam giữ 5 năm tại những nhà tù nổi tiếng như Abu Ghraib và Camp Bucca của quân đội Mỹ.
Sau khi chiến thắng, al-Jolani bày tỏ một thái độ ôn hòa. Lực lượng HTS hứa sẽ bảo vệ các văn phòng của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, "vì họ đều phục vụ dân chúng" Syria. Họ cũng kêu gọi OPCW, một tổ chức quốc tế chống vũ khí hóa học, giúp dẹp bỏ các kho chất độc chế độ Assad đã tàng trữ. Cựu thị trưởng một thành phố nhỏ, Mohammed al-Bashir, được cử làm thủ tướng lâm thời cho đến tháng 3 sang năm.
Mỹ, Israel, Châu Âu và các nước Á Rập có thể yên tâm hơn vì Iran và Nga đã mất một đồng minh quan trọng. Nga đã mất một đầu cầu cho cả vùng Trung Đông. Iran mất một hệ thống tiếp vận cho những nhóm dân quân Shia A tại các nước chung quanh Syria.
Không biết ông al-Jolani sẽ thiết lập một chế độ mang tính chất Hồi giáo mạnh hay nhẹ nhưng nhiều người tin rằng ông sẽ không theo đường lối cực đoan và, ngoài Israel ra, sẽ không đe dọa các nước láng giềng khác.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 11/12/2024
Nhóm vũ trang nổi dậy Syria đã đạt bước tiến đáng kinh ngạc, đặt dấu chấm hết đối với chế độ cai trị kéo dài hàng thập kỷ của Bashar al-Assad, khi đánh chiếm thủ đô và buộc tổng thống phải chạy khỏi đất nước vào ngày 8/12.
Một người đàn ông vẫy cờ để ăn mừng sự cáo chung của chế độ al-Assad -EPA
Cuộc lật đổ diễn ra sau cuộc nội chiến kéo dài 13 năm, bắt đầu sau khi Assad tiến hành đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ, vốn đã khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa, kéo các cường quốc trên thế giới cùng lực lượng ủy nhiệm vào cuộc.
Thế giới hiện đang theo dõi để xem cục diện chính trị của Syria sẽ thay đổi như thế nào sau khi chế độ cai trị kéo dài nửa thế kỷ của gia đình Assad chấm dứt.
Những bên có lợi ích gắn liền với cuộc xung đột và tương lai của đất nước bao gồm, một bên là Nga và Iran – những nước ủng hộ Assad – và bên kia là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước hỗ trợ các nhóm phiến quân khác nhau.
Ở đây, chúng ta sẽ tìm hiểu xem các quốc gia này, cùng với Israel, đã và sẽ đóng vai trò như thế nào ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ
Trong cuộc nội chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ các lực lượng đối lập - chủ yếu là Quân đội Quốc gia Syria (SNA) bằng cách cung cấp vũ khí, hỗ trợ quân sự và chính trị.
Quốc gia láng giềng phương bắc của Syria chủ yếu quan tâm đến việc sử dụng quân nổi dậy để kiềm chế lực lượng dân quân YPG (Yekîneyên Parastina Gel - People's Defense Units) người Kurd, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là sự mở rộng của nhóm phiến quân người Kurd bị cấm trong nước.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn khoảng ba triệu người Syria đang tị nạn tại quốc gia này trở về quê nhà.
YPG là lực lượng dân quân lớn nhất nằm trong một nhóm nổi dậy khác, đó là liên minh Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn và do lực lượng người Kurd lãnh đạo.
Trong chiến tranh, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân nổi dậy đồng minh đã chiếm giữ các vùng lãnh thổ từ những nhóm này dọc theo biên giới phía bắc của Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có liên quan về mặt chính trị. Vào năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn để ngăn chặn nỗ lực của chính phủ nhằm chiếm lại tỉnh Idlib, thành trì của quân nổi dậy ở miền tây bắc Syria.
Idlib đã nằm dưới sự quản lý kể từ năm 2017 của chính quyền của nhóm quân nổi dậy Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng đã dẫn dắt cuộc lật đổ cuối cùng đối với chế độ Assad.
Nhiều người cho rằng cuộc tấn công này không thể diễn ra nếu không có sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận việc hậu thuẫn HTS.
Trong khi đó, cuộc xung đột ở miền bắc Syria vẫn tiếp diễn: Khi Assad sụp đổ, SNA đã phát động một cuộc tấn công riêng nhằm vào các khu vực do lực lượng SDF chiếm giữ.
Nga
Nga đã có mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ với chính quyền Assad và đặt các căn cứ quân sự ở quốc gia này trước khi xảy ra cuộc nội chiến.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng sự hiện diện của đất nước mình tại Syria và sự ủng hộ dành cho Assad để thách thức quyền lực và sự thống trị của phương Tây trong khu vực.
Năm 2015, Nga đã phát động một chiến dịch không kích và cử hàng ngàn quân đến hỗ trợ chế độ Assad.
Đổi lại, Nga đã nhận được hợp đồng thuê 49 năm đối với một căn cứ không quân và căn cứ hải quân, thiết lập các đầu mối quan trọng ở đông Địa Trung Hải, giúp các nhà thầu quân sự di chuyển vào và ra khỏi Châu Phi.
Sự kiện này đánh dấu giai đoạn quan trọng trong nỗ lực khẳng định vai trò một cường quốc toàn cầu của Nga, vốn trước đây chỉ tập trung nỗ lực vào các quốc gia Liên Xô cũ
Nhưng cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát từ năm 2022 đã khiến đồng minh của Assad bận rộn, góp phần dẫn tới thất bại nhanh chóng của Syria trước các nhóm quân nổi dậy vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12.
Assad và gia đình đã được cấp quyền tị nạn tại Moscow sau khi chạy trốn khỏi thủ đô Damascus, truyền thông Nga đưa tin.
Mỹ
Sau khi các cuộc biểu tình đòi dân chủ của Syria vào năm 2011 bị đáp trả bằng vũ lực, tổng thống Mỹ vào thời điểm đó là Barack Obama đã chỉ trích chính quyền Assad - nhưng Mỹ chỉ thực sự can dự về mặt quân sự để chống Nhà nước Hồi giáo (IS).
Một liên minh toàn cầu do Mỹ đứng đầu đã thực hiện các cuộc không kích và triển khai lực lượng đặc biệt kể từ năm 2014 để giúp liên minh quân nổi dậy do người Kurd lãnh đạo là SDF chiếm được lãnh thổ từng do IS chiếm giữ ở vùng đông bắc.
Sau khi chính quyền Assad sụp đổ, chính phủ Mỹ cho biết họ đã tiến hành hàng chục cuộc không kích nhằm vào các doanh trại và cơ sở của IS ở miền trung Syria để đảm bảo IS không thể trục lợi từ tình trạng bất ổn này.
Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025, từng tuyên bố Syria là một "mớ hỗn độn" mà Washington nên tránh xa.
Thời Donald Trump làm tổng thống vào năm 2019, ông đã rút quân đội Mỹ khỏi Syria, một động thái mà các quan chức của ông dần dần đảo ngược.
Mỹ hiện có khoảng 900 quân đồn trú ở Syria.
Iran
Iran và Syria đã là đồng minh kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo của Iran hồi năm 1979. Syria đã ủng hộ Iran trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980.
Trong cuộc nội chiến Syria, Iran được cho là đã triển khai hàng trăm binh sĩ và chi hàng tỷ đô la để trợ giúp Assad.
Hàng ngàn chiến binh Hồi giáo Shia được Iran trang bị vũ khí, huấn luyện và tài trợ - chủ yếu từ phong trào Hezbollah tại Lebanon, nhưng ngoài ra còn có các lực lượng từ Iraq, Afghanistan và Yemen sát cánh với quân đội Syria.
Nhưng giống như Nga, Hezbollah đã bị suy yếu trong cuộc xung đột với Israel ở Lebanon, từ đó có lẽ đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ của quân đội Syria.
Israel
Israel có chung đường biên giới với Syria. Trong Chiến tranh Sáu ngày vào năm 1967, Israel đã chiếm Cao nguyên Golan, nằm cách thủ đô Damascus khoảng 60 km về phía nam, trước khi sáp nhập cao nguyên này vào năm 1981.
Việc sáp nhập này không được Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia khác công nhận.
Israel đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến Iran tại Syria trong cuộc chiến, mặc dù quốc gia này hiếm khi lên tiếng thừa nhận đã có các cuộc không kích như vậy.
Kể từ khi lực lượng quân nổi dậy lật đổ Assad, Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công trên khắp Syria. Các mục tiêu bao gồm hạ tầng quân sự, các đơn vị hải quân và các địa điểm sản xuất vũ khí của Syria.
Israel cho biết họ đang hành động để ngăn chặn vũ khí rơi "vào tay những kẻ cực đoan".
Quân Israel đã chiếm giữ vùng đệm phi quân sự ở Cao nguyên Golan và có thể đã tràn sang lãnh thổ Syria gần đó.
BBC Verify đã xác định vị trí địa lý của hình ảnh một người lính thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đứng cách vùng đệm này hơn nửa cây số, nằm bên trong lãnh thổ Syria, trên một sườn đồi gần làng Kwdana.
Mallory Moench
Nguồn : BBC, 11/12/2024
Chế độ Assad sụp đổ tại Syria : Cơ hội nào để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ?
Le Figaro hôm nay dành nhiều chỗ cho thời sự Pháp, với các bài về cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng cuối cùng của chính phủ vừa bị giải tán, việc thành lập tân nội các, dự luật tài chính đặc biệt …
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Syria Bachar Al Assad (trái) tại Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 22/09/2023 via Reuters - SANA
Về hồ sơ Syria, bên cạnh các chủ đề "Những bước đi đầu tiên khó khăn của quá trình chuyển tiếp chính trị", "Nước Nga bị sỉ nhục", "Moskva chơi trò giữ thăng bằng để duy trì vị thế ở Syria", Le Figaro còn chú ý đến tác động và những cơ hội mà Trung Quốc có thể được hưởng từ sự thay đổi quyền lực chính trị ở Damascus.
Trước tiên, theo Le Figaro, sự sụp đổ của triều đại Assad ở Syria khiến Trung Quốc mất đi một lực lượng ủng hộ truyền thống ở Trung Đông có từ thời Mao Trạch Đông. Bắc Kinh cũng phải chú ý theo dõi, vì lo ngại những biến động ở Damascus có thể tác động đến an ninh Tân Cương, nơi có cộng đồng người Hồi giáo, cũng như những hệ quả của sự thay đổi chế độ Syria đối với Iran và Nga, hai đối tác quan trọng của Bắc Kinh.
Le Figaro trích dẫn một giáo sư danh dự tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh nhận định đây là một bước thụt lùi về uy tín của Bắc Kinh, làm suy yếu vai trò ngoại giao của Trung Quốc ở Trung Đông. Chưa kể Bắc Kinh mất những khoản đầu tư lớn. Tập Cận Bình từng thể hiện rõ tham vọng vô hạn ở Trung Đông, ngang nhiên thách thức Washington ở khu vực vốn được xem là sân sau của Hoa Kỳ.
Cũng giống như các cường quốc khác, Trung Quốc sẽ phải nhanh chóng thích ứng với tình hình bất ổn mới, cân nhắc về thời kỳ hậu Al Assad, do sức nặng kinh tế và ngoại giao quá lớn trong hồ sơ Syria.
Một chuyên gia về chiến lược của Trung Quốc trong khu vực, được Le Figaro trích dẫn, nhấn mạnh : "Sự suy yếu ảnh hưởng của Iran và Nga khiến Syria không có đối tác kinh tế mạnh mẽ, điều này có thể mang lại cơ hội cho Bắc Kinh. Các mối quan hệ được thiết lập với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất có thể tạo điều kiện thuận lợi" cho sự can dự của Trung Quốc vào Syria, với điều kiện Bắc Kinh phải khéo léo xóa tan hình ảnh người đỡ đầu cho nhà độc tài Bachar Al Assad.
Còn giới tân lãnh đạo của Damascus dĩ nhiên sẽ không thể ngó lơ Bắc Kinh, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, có vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng áp lực của phương Tây và cũng là một nhà cung cấp cơ sở hạ tầng cho Syria.
Đức : Tranh luận về hồ sơ người tị nạn Syria
Tờ báo công giáo La Croix hôm nay vẫn dành chuyên mục Sự kiện cho hồ sơ Syria qua loạt bài viết : "Châu Âu đóng cửa với người tị nạn Syria", "Giáo hoàng kêu gọi tình bằng hữu và sự tôn trọng lẫn nhau tại Syria", "Sau niềm vui, tình trạng bình thường mới được thiết lập ở Syria", "Tại Đức, việc đưa người tị nạn Syria về nước lại khuấy động các cuộc tranh luận".
Từ cuộc di cư ồ ạt của người Syria năm 2015, Đức là nước Châu Âu có cộng đồng người Syria đông nhất : 973.000 người. Sau khi chế độ Bachar Al Assad sụp đổ, chỉ 3 tháng trước kỳ bầu cử lập pháp tại Đức, nhiều chính đảng tại Đức đề xuất hỗ trợ tiền để giúp di dân Syria trở về nguyên quán và tặng vé máy bay để thúc đẩy họ hồi hương.
Đảng cực hữu AfD lập luận "quyền tị nạn là quyền có giới hạn về thời gian". Cánh hữu truyền thống cũng chia sẻ quan điểm của đảng cực hữu. Đảng Dân Chủ - Thiên Chúa còn đề nghị "trục xuất ngay lập tức những tội phạm và người nguy hiểm" mà trước đây không thể bị trục xuất do chính quyền Syria bất hợp tác. Chính quyền Đức hôm 09/12 cũng thông báo ngưng xử lý 47.000 hồ sơ xin tị nạn đang được cứu xét trong thời gian chờ tình hình ở Syria ổn định.
Liệu Berlin có sớm thúc đẩy người Syria trở về quê nhà ? Về lâu dài, liệu Berlin có ngưng tiếp nhận người Syria, ngưng biện pháp bảo vệ tạm thời dành cho hơn 300.000 người Syria ? Theo thông tín viên báo La Croix tại Đức, thủ tướng Olaf Scholz đã ghìm cuộc tranh luận, nhận định tình hình ở Syria vẫn còn "rất, rất nguy hiểm".
Từ năm 2021 đến 2023, 173.000 di dân Syria đã được cấp quốc tịch Đức. Con số cao đặc biệt này phản ánh thực tế là cộng đồng người Syria đã hòa nhập rất tốt vào xã hội Đức và không ngừng được mở rộng.
Tị nạn : Quyền có ý nghĩa sống còn đối với người Syria ?
Tương tự La Croix, báo Libération cũng dành sự quan tâm đến hồ sơ di dân Syria tại Châu Âu, với nhận định : "Tại Châu Âu, quyền của người nhập cư bị các chính quyền dân túy gặm nhấm". Chính quyền nhiều nước đang hy vọng sự thay đổi quyền lực ở Damascus có thể giúp họ đưa 1 triệu di dân về Syria, cho dù tình hình vẫn đầy bất ổn.
Trong bài xã luận "Bài ngoại", tờ báo thiên tả xem đây là một dấu hiệu đáng lo ngại về ảnh hưởng của các đảng cực hữu. Lẽ ra ngành ngoại giao phải họp khẩn cấp để bàn cách hỗ trợ khu vực đang bất ổn nghiêm trọng, cứu trợ quốc gia vừa thoát khỏi chế độ độc tài tàn bạo, nơi 80% dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói, thiếu thốn đủ thứ, nhưng từ Berlin, Roma, Bruxelles, Paris, Berlin, đến Stockholm, đâu đâu cũng nói đến việc ngưng tiếp nhận, thậm chí lên kế hoạch trục xuất di dân Syria. Đối với Libération, thái độ bài ngoại của các nước thành viên Liên Âu còn đặc biệt đáng lo ngại, bởi vì, nếu tình hình chính trị tại Damascus chuyển biến xấu, rất có thể chỉ sau vài tháng nữa quyền tị nạn đối với nhiều người Syria sẽ là quyền có ý nghĩa sống còn.
Quốc phòng Châu Âu : Chia rẽ nội bộ nguy hiểm hơn mối đe dọa Trump
Nhìn sang Le Monde, các chủ đề được khai thác rất tản mạn, cả về thời sự trong nước và quốc tế : việc tổng thống Pháp tìm kiếm thỏa hiệp về việc không bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng sắp được bổ nhiệm, bước đi đầu tiên tìm kiếm tính chính danh của ê-kip cầm quyền mới ở Syria, các tổn thương tâm lý của những người từng bị giam giữ trong các nhà tù dưới chế độ của tổng thống Al Assad ; lực lượng Ukraine dùng drone tầm xa tấn công các hậu cứ của Nga ; căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Bangladesh ; những nỗ lực của Liên Âu để cứu vãn ngành công nghiệp ô tô, những tranh cãi về bản quyền chế tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo…
Về quốc phòng Châu Âu, mục Địa chính trị/Thời luận của báo Le Monde đặc biệt quan tâm đến những khó khăn tài chính mà Liên Âu đang gặp phải để củng cố quốc phòng trong bối cảnh vừa phải hỗ trợ Ukraine chống quân Nga xâm lược, vừa phải dè chừng vị tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, người luôn đòi hỏi các nước thành viên NATO ở Châu Âu phải chi 2% GDP cho quốc phòng.
Le Monde nhắc lại là một số nước Châu Âu như Ba Lan, hay các nước Batltic, đã nỗ lực rất nhiều, trái lại một số nước khác nằm xa Nga hơn thì còn xa mới đạt ngưỡng 2% GDP ngân sách cho quốc phòng : Bỉ (1,2%), Ý và Đức (1,6%). Tân ủy viên Quốc phòng Châu Âu, Andrius Kubilius, từng là thủ tướng Litva, nhận định Liên Âu cần có 500 tỉ euro để vũ trang chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất, chẳng hạn một cuộc tấn công xâm lược của Nga. Nhưng lấy đâu ra một khoản tiền lớn như vậy ?
Tại NATO, ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nêu lên 3 khả năng : đóng góp từ ngân sách của các quốc gia, dùng tài sản của Nga bị Châu Âu phong tỏa, Liên Âu vay chung.
Theo phân tích của Le Monde, lựa chọn đầu tiên liên quan đến sự can đảm chính trị mà hiện nay ít chính phủ nào có thể tưởng tượng được. Lựa chọn thứ hai, liên quan đến khối tài sản gần 300 tỷ euro của Nga đang bị phong tỏa ở Châu Âu và cho đến nay chỉ có tiền lãi được sử dụng. Vấn đề này vẫn gây chia rẽ giữa các quốc gia, do liên quan đến khuôn khổ pháp lý. Lựa chọn thứ ba mới được sử dụng một lần duy nhất trong đại dịch Covid-19, với khoản vay chung 750 tỷ euro để cứu nền kinh tế Châu Âu. Hẳn mọi người đều nhớ đến sự phản đối kịch liệt của nhiều thành viên, đi đầu là Đức.
Thách thức đầu tư tăng vọt cho quốc phòng vượt xa khuôn khổ viện trợ Ukraine, liên quan đến khả năng Châu Âu bảo đảm an ninh của chính mình trong một thế giới bất ổn mà không có sự bảo vệ của Mỹ. Đồng thời điều này liên quan đến khả năng Châu Âu tham gia vào thỏa thuận hòa bình có thể có giữa Hoa Kỳ, Nga và Ukraine, được cho là chắc chắn sẽ có hệ quả đối với an ninh của châu lục. Nếu Châu Âu muốn khẳng định tiếng nói trên bàn đàm phán, họ phải có đóng góp đặc biệt. Donald Trump sẽ không tự nhiên mời Liên Âu tham gia, và theo Le Monde, dĩ nhiên tổng thống Nga Putin cũng không muốn.
Tình thế cấp bách có thể làm gia tăng áp lực, làm nổi bật sự chia rẽ giữa những nước thành viên quyết tâm nhất và những nước vẫn cứ muốn tin rằng có thể duy trì tình hình như trước đây. Jana Kopcova, thuộc tổ chức tư vấn Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nhận định nếu chẳng may Châu Âu lâm cảnh nguy cấp thì cũng không phải là do Donald Trump, mà là do Liên Hiệp đã thiếu quyết định đúng đắn cách nay 2 năm.
Trong khi đó, Le Monde nhấn mạnh, nước Nga của Putin đã không lãng phí thời gian : năm 2024, 30% chi tiêu công của Moskva là dành cho quốc phòng.
Rối loạn kinh tế và mối nguy dân túy
Cũng như đa phần các báo, hai hồ sơ chính của báo kinh tế Les Echos hôm nay vẫn là thời sự Pháp và Syria. Trong bối cảnh chính trường Pháp bất ổn, trong mục Ý kiến, Les Echos giới thiệu bài viết của Vincent Pons, giáo sư đại học Harvard của Mỹ về "Rối loạn kinh tế và mối nguy dân túy".
Các cuộc khủng hoảng và suy thoái tài chính làm tăng đáng kể cơ hội thắng lợi của một tổng thống hoặc thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, lạm phát bất ngờ giai đoạn 2021 - 2023 chắc chắn đã góp phần khiến ứng viên đảng Dân Chủ thất cử : những cử tri xem lạm phát là mối bận tâm chính đã bỏ phiếu áp đảo cho Donald Trump. Giá cả tăng vọt do khủng hoảng Covid và chiến tranh Ukraine cũng đã làm suy yếu các đảng cầm quyền trên khắp thế giới. Một nghiên cứu mới của ba kinh tế gia Đức cho thấy những đợt lạm phát như vậy thường có lợi cho các đảng dân túy, là dịp để cử tri dùng lá phiếu trừng phạt các đảng chính trị truyền thống.
Đất nhiễm mặn : Mối đe dọa ngày càng lớn
Về hồ sơ môi trường, khí hậu, bên cạnh tình trạng ngành du lịch thế giới xả thải quá nhiều khí carbon, báo Le Monde quan tâm đến vấn đề đất và nước nhiễm mặt, trong bối cảnh hội nghị COP 16 về chống suy thoái đất đang diễn ra tại Saudi Arabia.
Hôm qua 11/12, nghiên cứu đầu tiên tính từ 50 năm trở lại đây được công bố, đánh giá mức độ nhiễm mặn toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), 1,3 tỷ ha (10,7% tổng diện tích) đất toàn cầu bị nhiễm mặn. Le Monde lưu ý là trong số nhiều thách thức về khí hậu và môi trường, tình trạng đất và nước nhiễm mặn vẫn chưa được đánh giá đúng mức, trong khi tác động của nạn nhiễm mặn ngày càng gia tăng trên tất cả các Châu lục, từ Hoa Kỳ, Pháp, đến Uzbekistan…
Một phần hiện tượng đất - nước nhiễm mặn có liên quan đến chu trình tự nhiên của muối, nguồn gốc khu vực, như rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước, hồ nước mặn. Nhưng dòng chảy tự nhiên của muối ngày càng bị gián đoạn bởi biến đổi khí hậu, làm cạn kiệt nguồn nước, làm tăng nồng độ muối ở một số khu vực và khiến mực nước biển dâng cao, tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập. Tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng do hoạt động của con người : tưới tiêu, thoát nước, phá rừng, sử dụng quá nhiều phân hóa học, khai thác quá mức mạch nước ngầm, hoạt động khai thác mỏ…
Khoảng 1/3 dân số thế giới đang sống ở những nước thiếu nguồn nước ngọt, khiến nhu cầu về nước ngày càng tăng, kèm theo đó là sự suy giảm chất lượng nước. Ít nhất 16% lượng nước ngầm hiện giờ bị coi là nước mặn hoặc nước lợ, nhưng theo FAO tỷ lệ này trên thực tế có lẽ cao hơn nhiều.
Nhiễm mặn đe dọa trực tiếp đến khả năng sản xuất của đất nông nghiệp. Theo nghiên cứu được công bố hôm qua, khoảng 10% đất trồng trọt bị ảnh hưởng do độ mặn hoặc độ ẩm. Nếu không có các biện pháp thích ứng, các tác động có thể rất lớn : các chuyên gia về đất ước tính là ở những nước đất bị nhiễm mặn nhiều, năng suất lúa gạo và đậu có thể giảm lần lượt 72% và 68%.
Để giảm thiểu tình trạng nhiễm mặn, các chuyên gia kêu gọi thay đổi các phương thức khai thác nông nghiệp, quản lý nước tốt hơn, phát triển các loại cây phủ đất, thúc đẩy luân canh và đa dạng hóa cây trồng, khuyến khích nông lâm kết hợp. Đối với những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cần phát triển các loài thực vật chịu mặn, ưa mặn.
Paris thứ 2 thế giới về chuyển đổi giao thông
Liên quan đến quy hoạch giao thông đô thị, báo Libération cho biết là dựa trên 71 tiêu chí như giao thông cộng cộng, các tuyến đường dành cho xe đạp, khả năng tiếp cận các tuyến metro, sự phát triển bền vững… một nghiên cứu của Mỹ đã xếp Paris là thành phố tốt thứ 2 thế giới về chuyển đổi giao thông, trong số 70 thành phố được xếp hạng. Từ vị trí thứ 15 trong báo cáo hồi năm 2019, nay Paris đã trở thành 1 trong những thành phố năng động nhất về giao thông, nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho người đi bộ và xe đạp, bên cạnh hệ thống metro dầy đặc và tự động hóa.
Các công nghệ mới nổi, các loại xe tự động được trang bị trí thông minh nhân tạo không chỉ góp phần khiến dịch vụ giao thông dễ tiếp cận hơn và hiệu quả hơn, mà còn giữ vai trò thiết yếu để bảo đảm các mục tiêu khí hậu. Tuy nhiên, các chuyên gia báo động mới chỉ có rất ít thành phố lên kế hoạch đầu tư đủ để đạt kết quả tốt trong mọi tiêu chí đánh giá.
Pháp khuyến nghị tiêm ngừa Zona thần kinh
Trong lĩnh vực y tế, báo công giáo La Croix quan tâm đến bệnh Zona và đi tìm lời đáp cho câu hỏi tại sao phải tiêm ngừa bệnh này. Zona là một bệnh viêm nhiễm về da do sự tái hoạt động của virus thủy đậu, gây đau đớn, có thể dẫn đến các biến chứng, nhất là ở người già yếu, kéo dài nhiều tháng hoặc lâu hơn và gây tàn phế. Để ngăn chặn tình trạng này, Bảo hiểm Y tế đã quyết định hoàn trả chi phí tiêm vac-xin phòng bệnh Zona cho những người trên 65 tuổi hoặc người trên 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch.
Thùy Dương
Syria đối mặt với bước ngoặt trời long đất lở
Cuối cùng, chế độ Assad đã cho thấy nó mục ruỗng, tham nhũng và suy tàn đến mức đã sụp đổ chỉ trong chưa đầy hai tuần.
Người dân Syria có thể đang ăn mừng sự sụp đổ của Assad, nhưng tương lai đất nước vẫn còn bất định.
Không ai mà tôi từng trò chuyện cảm thấy gì khác ngoài sự kinh ngạc trước việc chế độ này đã tan thành tro bụi nhanh đến thế.
Vào mùa xuân năm 2011, thời điểm các cuộc nổi dậy ở thế giới Ả Rập nổ ra, tình hình khác hẳn, khi người Syria đã cố gắng đón lấy một chút thứ phép màu cách mạng vốn đã cuốn trôi các tổng thống của Tunisia và Ai Cập, đồng thời đang đe dọa các nhà lãnh đạo kỳ cựu ở Libya và Yemen.
Ở thời điểm năm 2011, chế độ do Hafez al-Assad sáng lập và truyền lại cho con trai ông ta là Bashar al-Assad sau khi ông ta qua đời vào năm 2000 đã trở nên mục nát và suy đồi. Tuy nhiên, hệ thống mà Hafez xây dựng vẫn giữ được phần lớn sức mạnh bạo tàn mà ông ta tin là cần thiết để kiểm soát Syria.
Assad cha đã giành lấy quyền lực ở một đất nước vốn dễ xảy ra các cuộc đảo chính và đã trao lại quyền lực cho con trai mình mà không gặp phải thách thức đáng kể nào.Vào năm 2011, Bashar al-Assad đã dùng lại sách lược cũ của cha mình.
Ở thời điểm hiện nay nhìn lại thì thật khó mà tưởng tượng, nhưng lúc bấy giờ ông ta vẫn có được sự ủng hộ nhất định từ một bộ phận dân chúng Syria, nhiều hơn so với các nhà độc tài vốn đã bị quét sạch bởi những đám đông hô vang khẩu hiệu của năm đó : "Nhân dân muốn lật đổ chế độ".
Bashar al-Assad từng là người ủng hộ mạnh mẽ người Palestine, và Hezbollah trong cuộc chiến thành công của Hezbollah chống lại Israel vào năm 2006 tại Lebanon. Ông ta trẻ hơn các lãnh đạo Ả Rập khi đó, những người mà sau đó ít lâu đã bị phế truất.
Sau khi cha ông ta qua đời, Assad đã hứa hẹn cải cách. Năm 2011, một số người dân Syria vẫn muốn tin vào ông ta, hy vọng rằng các cuộc biểu tình sẽ là động lực thúc đẩy sự thay đổi mà ông ta từng hứa hẹn, cho đến khi ông ta ra lệnh cho binh lính bắn chết những người biểu tình ôn hòa ngay trên đường phố.
Một đại sứ Anh tại Syria từng nói với tôi rằng cách để hiểu chế độ Assad là xem các bộ phim về mafia, như Bố già. Những ai tuân phục sẽ được tưởng thưởng. Còn bất kỳ ai chống lại người đứng đầu gia đình hoặc các trợ thủ thân cận của ông ta đều sẽ bị loại trừ. Trong trường hợp của Syria, điều đó có thể là treo cổ, xử bắn, hoặc giam giữ vô thời hạn trong các xà lim ngầm. Giờ đây, chúng ta đang thấy những người bị giam giữ đó, gầy gò và xanh xao, lóa mắt trước ánh sáng bên ngoài, qua hình ảnh được quay lại bằng điện thoại của các chiến binh nổi dậy, những người đã phóng thích hàng ngàn người khỏi cảnh tù đày suốt nhiều năm.
Bashar al-Assad dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Riyadh, Ả Rập Xê Út, ngày 11 tháng 11 năm 2023. Reuters
Sự yếu kém của chế độ Assad, đến mức đã nhanh chóng sụp đổ như một túi giấy ướt, đã bị che đậy bởi hệ thống nhà tù đáng sợ và tàn bạo mà nó vẫn duy trì.
Quan điểm chung của cộng đồng quốc tế đều cho rằng Bashar al-Assad là một lãnh đạo yếu kém, phụ thuộc vào Nga và Iran, cai trị một quốc gia mà ông ta đã làm tan vỡ để duy trì quyền lực gia đình. Tuy nhiên, ông ta vẫn đủ mạnh để được coi là một thực tế ở Trung Đông, thậm chí còn có thể được xem là hữu ích.
Trong những ngày cuối cùng trước khi lực lượng nổi dậy khởi binh từ Idlib, có nhiều thông tin cho thấy Mỹ, Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang cố gắng tách Syria của Assad ra khỏi Iran.
Israel đã tiến hành các cuộc không kích ngày càng mạnh vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria, những nơi họ cho rằng là một phần của chuỗi cung ứng vũ khí mà Iran sử dụng để chuyển đến Hezbollah ở Lebanon.
Cuộc tấn công của Israel tại Lebanon đã giáng những đòn nặng nề vào Hezbollah, với mục tiêu ngăn chặn tổ chức này hồi phục. Đồng thời, UAE và Mỹ đã tìm cách đưa ra các động lực để Assad phá vỡ liên minh với Tehran, bao gồm việc nới lỏng lệnh trừng phạt và cho phép ông ta tiếp tục nỗ lực phục hồi quan hệ quốc tế.
Cả Benjamin Netanyahu và Joe Biden đều lên tiếng kể công sau sự sụp đổ của chế độ Assad, và điều này không phải là không có cơ sở. Thiệt hại mà Israel gây ra cho Hezbollah và Iran bằng vũ khí và sự hỗ trợ liên tục của Mỹ, cùng với việc Biden cung cấp vũ khí cho Ukraine, đã khiến các đồng minh thân thiết nhất của Assad không thể hoặc không muốn cứu ông ta.
Tuy nhiên, việc họ vẫn xem Assad như một phần trong chiến lược kiềm chế và làm suy yếu Iran cho đến vài ngày trước khi ông ta bị lật đổ cho thấy họ chưa bao giờ nghĩ rằng ông ta chỉ còn vài ngày nữa là phải chạy trốn sang Nga trong đêm.
Họ đã góp phần vào sự sụp đổ của ông ta, nhưng phần lớn là do tình cờ hơn là một chiến lược có tính toán kỹ lưỡng.
Sự sụp đổ của chế độ Assad có thể đã chặt đứt chuỗi cung ứng của Iran, nếu những người cầm quyền mới ở Syria đi đến quyết định rằng các thỏa thuận với các bên khác sẽ hữu ích hơn liên minh với Iran.
Mọi bên đều đang suy nghĩ rất nhiều về những gì sẽ đến tiếp theo và vẫn còn quá sớm để rút ra kết luận chắc chắn.
Người Syria, các láng giềng của họ và cả thế giới hiện đang đối mặt với một trận động đất địa chính trị nữa, lớn nhất trong chuỗi sự kiện nổ ra theo sau các cuộc tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái. Có thể đây không phải là trận động đất cuối cùng.
Iran đang chứng kiến sự sụp đổ chung cuộc của các trụ cột chính trong mạng lưới mà họ gọi là "trục kháng chiến". Các thành phần quan trọng nhất của trục này đã bị biến đổi ; Hezbollah bị tổn hại nặng nề và chế độ Assad đã tiêu vong.
Các nhà lãnh đạo Iran có thể muốn thực hiện các gợi ý mà họ từng đưa ra về khả năng đàm phán với Donald Trump khi ông ta nhậm chức. Hoặc sự trần trụi chiến lược mới của Iran có thể khiến họ đưa ra quyết định định mệnh là biến uranium đã được làm giàu cao thành vũ khí hạt nhân.
Người Syria có mọi lý do để vui mừng. Trong những năm sau 2011, dưới chế độ áp bức và bạo tàn của Assad, ông ta và các trợ thủ vẫn có thể tìm được những chiến binh nam giới sẵn sàng chiến đấu.
Nhiều binh sĩ mà tôi gặp ở các chiến tuyến đã nói với tôi rằng Assad là một lựa chọn tốt hơn so với các phần tử cực đoan thánh chiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuy nhiên, vào năm 2024, đối mặt với một lực lượng nổi dậy được tổ chức tốt với tuyên bố là những người quốc gia chủ nghĩa, Hồi giáo nhưng không còn là thánh chiến, những người lính nghĩa vụ miễn cưỡng của Assad đã từ chối chiến đấu, vứt bỏ quân phục và trở về nhà.
Kịch bản tốt nhất là người Syria, với sự giúp đỡ của các nước mạnh trong khu vực, sẽ tìm được một con đường để tạo ra không khí hòa giải dân tộc thời hậu chiến, thay vì một làn sóng cướp bóc và trả thù đẩy đất nước vào một cuộc chiến mới.
Abu Mohammad al-Jolani, thủ lĩnh của nhóm thắng cuộc HTS, đã kêu gọi các chiến binh của mình và tất cả các phe phái của Syria tôn trọng lẫn nhau.
Các chiến binh của ông ta đã lật đổ chế độ và ông ta là người gần nhất với vị thế của một nhà lãnh đạo trên thực tế tại Syria.
Tuy nhiên, Syria có hàng chục nhóm vũ trang khác không hẳn đồng tình với ông ta và sẽ muốn giành quyền kiểm soát ở lãnh địa của riêng họ. Tại miền nam Syria, các nhóm dân quân bộ tộc đã không công nhận quyền lực của gia đình Assad. Họ sẽ không tuân theo các mệnh lệnh mà họ không ưa từ cấu trúc mới ở Damascus.
Tại vùng sa mạc miền đông, Mỹ đã thấy một mối đe dọa lớn từ những tàn dư của nhóm Nhà nước Hồi giáo nên đã tiến hành các đợt không kích. Người Israel, lo lắng về khả năng hình thành một nhà nước Hồi giáo sát biên giới của mình, đang tấn công vào hạ tầng quân sự của quân đội Syria.
Có lẽ sẽ là tốt hơn nếu tìm cách biến Quân đội Syria Ả Rập cải cách trở thành một phần của giải pháp ở một đất nước thiếu luật pháp và trật tự. Quyết định liều lĩnh của Mỹ vào năm 2003 - giải thể quân đội Iraq - đã gây ra những hậu quả thảm khốc.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan có lẽ hài lòng với những gì ông ta thấy. Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan đã làm nhiều hơn bất kỳ cường quốc nào khác để bảo vệ quyền tự trị của tỉnh Idlib, nơi HTS đã chuyển mình thành một lực lượng chiến đấu ở thời điểm Syria dường như đã rơi vào tình trạng đóng băng.
Erdogan có thể thấy ảnh hưởng của mình vươn đến biên giới Israel, vào thời điểm quan hệ Israel-Thổ Nhĩ Kỳ đã bị nhiễm độc bởi chiến tranh ở Gaza.
Kịch bản tồi tệ nhất đối với người Syria là đất nước của họ sẽ rơi vào hoàn cảnh của hai chế độ độc tài Ả Rập khác, nơi đã chìm vào hỗn loạn bạo lực theo sau sự sụp đổ của các chế độ ở đó. Đại tá Gaddafi của Libya và Saddam Hussein của Iraq đã bị lật đổ mà không có một sự thay thế sẵn có. Can thiệp quân sự thiếu cân nhắc từ bên ngoài đã góp phần tạo ra hai thảm họa này. Khoảng trống mà các nhà độc tài để lại đã bị lấp đầy bởi các làn sóng cướp bóc, trả thù, giành quyền lực và nội chiến.
Người Syria đã không có quyền tự quyết định số phận của họ trong nhiều thế hệ. Cá nhân họ đã bị tước đoạt quyền đó bởi hai tổng thống nhà Assad và những người đi theo hai ông này. Đất nước Syria đã mất quyền tự quyết sau khi chiến tranh làm cho họ trở nên quá yếu nhược và các cường quốc nước ngoài đã lợi dụng để gia tăng và bảo vệ quyền lực của mình.
Người Syria hiện vẫn không có quyền tự quyết định cuộc sống của chính họ. Họ có thể có cơ hội tạo dựng một đất nước mới và tốt đẹp hơn nếu họ có quyền làm chủ cuộc đời mình.
Jeremy Bowen
Nguồn : BBC, 10/12/2024
Lý giải chiến thắng thần tốc của quân nổi dậy Syria
BBC, 09/12/2024
Chiến thắng thần tốc của quân nổi dậy Syria đã khiến thế giới sửng sốt.
Hàng loạt yếu tố thuận lợi hội tụ đã dẫn tới chiến thắng nhanh chóng của quân nổi dậy Syria
Sau 13 năm nội chiến, các lực lượng dân quân đối lập ở Syria nhận thấy thời cơ làm lung lay chiếc ghế quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad đã tới, và chừng sáu tháng trước, họ trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch tổng tấn công và nhận được sự đồng thuận ngầm từ Ankara, theo hai nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.
Thần tốc
Chỉ với hai tuần phát động, chiến dịch nhanh chóng đạt được mục tiêu ban đầu – giành quyền kiểm soát Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria – và khiến hầu hết mọi người bất ngờ. Từ đó, chỉ trong vòng hơn một tuần, liên minh quân nổi dậy tiến tới Damascus và đặt dấu chấm hết cho năm thập kỷ cai trị của gia đình Assad.
Thành công thần tốc của chiến dịch này có thể nói là nhờ "thiên thời" : Quân đội của Assad kiệt quệ và rệu rã ; các đồng minh chính như Iran và Hezbollah bị suy yếu trầm trọng do xung đột với Israel ; và Nga, nhà viện trợ quân sự chính, bị phân tâm và thoái chí.
Theo các nguồn tin, gồm một nhà ngoại giao trong khu vực và một thành viên của quân nổi dậy, lực lượng nổi dậy sẽ không thể tiến công nếu không báo trước với Thổ Nhĩ Kỳ - vốn luôn là bên hậu thuẫn chính cho phe đối lập ở Syria từ những ngày đầu chiến sự. Thổ Nhĩ Kỳ có triển khai binh lính ở tây bắc Syria và hỗ trợ cho một vài lực lượng nổi dậy dự định tham gia chiến dịch, trong đó có cánh Quân đội Quốc gia Syria (SNA). Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ coi nhóm chủ lực trong liên minh này, Hayat Tahrir al-Sham (HTS), là một tổ chức khủng bố. Theo nhà ngoại giao nói trên, kế hoạch táo bạo của phe nổi dậy là con đẻ của HTS và thủ lĩnh của nhóm là Ahmed al-Sharaa (được biết tới nhiều hơn với cái tên Abu Mohammad al-Jolani).
Washington, Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ coi Abu Mohammad al-Jolani là một phần tử khủng bố do ông này từng có mối liên kết với al Qaeda. Dù vậy, trong suốt thập kỷ vừa rồi, HTS, từng được biết tới là Mặt trận al-Nusra, đã tìm cách cải thiện hình ảnh trong khi điều hành một nhà nước bán chính thức tập trung ở Idlib. Tại đây, nhóm này đã thu thuế các hoạt động thương mại và từ người dân, theo các chuyên gia.
Chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, do thỏa thuận với Nga năm 2020 về giảm leo thang chiến sự ở tây bắc Syria, từ lâu đã phản đối một cuộc tấn công lớn của phe nổi dậy, lo ngại điều đó thể dẫn tới một làn sóng tị nạn mới tràn qua biên giới nước mình. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, hồi đầu năm nay, phe nổi dậy nhận thấy lập trường của Ankara đối với Assad trở nên căng thẳng, sau khi ông Assad nhiều lần từ chối những đề xuất của ông Erdogan trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị nhằm phá thế bế tắc quân sự kéo dài khiến Syria bị chia cắt giữa chính quyền Assad và một liên minh các nhóm nổi dậy có sự hậu thuẫn từ các thế lực nước ngoài. Nguồn tin từ phe nổi dậy Syria nói rằng lực lượng này đã chia sẻ kế hoạch chi tiết với Thổ Nhĩ Kỳ, sau những nỗ lực của Ankara hợp tác với Assad thất bại.
Thông điệp là : "Con đường đó trong nhiều năm qua không hiệu quả – vậy hãy thử đi theo con đường của chúng tôi. Anh chẳng cần phải làm gì cả, miễn đừng can thiệp là được". Reuters không thể xác định chính xác bản chất của những trao đổi này.
Hadi al-Bahra, lãnh đạo phe đối lập Syria ở nước ngoài được quốc tế công nhận, nói với Reuters vào tuần trước rằng HTS và SNA lên kế hoạch "sơ bộ" với nhau trước chiến dịch và đã đồng thuận "đạt được hợp tác và tránh xung đột với nhau". Ông nói thêm rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã theo dõi hoạt động và nội dung thảo luận của những nhóm vũ trang.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói ở Doha (Qatar) hôm Chủ nhật rằng nỗ lực tiếp cận ông Assad của Tổng thống Erdogan trong vài tháng qua đã thất bại và Thổ Nhĩ Kỳ "đã biết có điều gì đó đang tới". Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Nuh Yilmaz, trong một hội thảo về các vấn đề Trung Đông tại Bahrain hôm Chủ nhật, khẳng định Ankara không đứng sau hay đồng tình với chiến dịch này, đồng thời nhấn mạnh rằng họ lo ngại về tình trạng bất ổn.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ không trả lời trực tiếp những câu hỏi từ Reuters về việc liệu có tồn tại một sự đồng thuận giữa HTS và Ankara về chiến dịch tại Aleppo hay không.
Trả lời câu hỏi về nhận thức của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc chuẩn bị của chiến dịch, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng HTS "không nhận lệnh hay chỉ đạo từ chúng tôi và cũng không phối hợp tác chiến với chúng tôi". Người này nói rằng "theo cách hiểu đó" nếu cho rằng chiến dịch tại Aleppo được tiến hành với sự đồng ý hay bật đèn xanh từ Thổ Nhĩ Kỳ thì là không đúng. MIT, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, không phản hồi đề nghị bình luận của Reuters ngay lập tức. Reuters cũng không thể liên lạc được với đại diện của HTS.
Mong manh
Phe nổi dậy Syria tấn công Assad vào lúc ông suy yếu nhất. Bị phân tán với những cuộc chiến ở nơi khác, đồng minh quân sự của ông Assad (gồm Nga, Iran và nhóm Hezbollah ở Lebanon) đã không thể huy động đủ hỏa lực cần thiết như trong nhiều năm qua. Lực lượng vũ trang yếu kém của Syria đã không thể kháng cự.
Một nguồn tin từ chính quyền nói với Reuters rằng xe tăng và máy bay không có nhiên liệu vận hành do nạn tham nhũng và cướp bóc – một minh chứng cho sự suy kiệt nghiêm trọng của nhà nước Syria. Trong hai năm qua, nhuệ khí trong quân đội đã xuống dốc nghiêm trọng, theo nguồn tin ẩn danh do sợ bị trả thù.
Ông Aron Lund, một thành viên của Viện nghiên cứu Century International chuyên về Trung Đông, nhận định rằng liên minh nổi dậy do HTS dẫn đầu có sức mạnh và sự thống nhất lớn hơn bất kỳ lực lượng nổi dậy nào từng tham chiến trước đây, "và phần lớn điều đó là nhờ công của Abu Mohammad al-Jolani". Tuy nhiên, ông nói rằng yếu tố then chốt là sự suy yếu của chính quyền Syria. "Sau khi mất Aleppo như vậy, lực lượng của Assad đã không thể phục hồi và và quân nổi dậy càng tấn công thì quân chính phủ ngày càng yếu đi," ông nói.
Tốc độ tiến công của phe nổi dậy – chiếm được Hama vào ngày 5/12 và Homs khoảng ngày 8/12 và chiếm được luôn thủ đô Damascus cùng ngày – vượt xa mọi dự đoán. "Cơ hội là có, nhưng không ai ngờ chính quyền sụp đổ nhanh đến vậy. Mọi người đều nghĩ sẽ có giao chiến," ông Bassam al-Kuwatli, Chủ tịch Đảng Tự do Syria – một nhóm đối lập nhỏ có trụ sở ngoài Syria, nhận định.
Một quan chức Mỹ nói với điều kiện ẩn danh rằng dù Washington có biết về sự ủng hộ toàn diện của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho phe nổi dậy, Mỹ không được thông báo về bất kỳ sự đồng thuận ngầm nào Thổ Nhĩ Kỳ dành cho chiến dịch tại Aleppo. Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng phản hồi ngay yêu cầu bình luận của Reuters về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào ngày 8/12, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng việc Nga bỏ mặc Assad đã khiến ông này thua cuộc, nói thêm rằng Moscow ngay từ đầu đáng lẽ đã không nên bảo vệ Assad và đã mất hứng thú do cuộc chiến ở Ukraine mà Nga không bao giờ nên khởi xướng.
Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lưu ý tới vai trò của Israel trong việc làm suy yếu Hezbollah. Các nguồn tin nói với Reuters rằng Hezbollah đã rút nốt lực lượng của mình ra khỏi Syria vào hôm 7/12.
Hậu quả từ Gaza
Những nguồn tin hiểu về cách Hezbollah triển khai nhân lực nói rằng lực lượng này, vốn được Iran hậu thuẫn và đóng vai trò trụ cột giữ vững quyền lực cho ông Assad từ những ngày đầu chiến sự, đã rút phần lớn binh lính tinh nhuệ khỏi Syria trong năm qua để tham gia vào cuộc chiến với Israel – cuộc xung đột bùng nổ từ cuộc chiến ở Gaza. Israel đã giáng những đòn nặng nề vào Hezbollah, đặc biệt sau khi chiến dịch tấn công hồi tháng 9 của Israel đã tiêu diệt thủ lĩnh Hassan Nasrallah cùng nhiều chỉ huy và chiến binh của nhóm này.
Chiến dịch tiến công của phe nổi dậy Syria được tiến hành trùng với thời điểm lệnh ngừng bắn của cuộc xung đột tại Lebanon có hiệu lực - ngày 27/11. Các nguồn thạo tin với Hezbollah cho biết nhóm này không muốn tham gia vào những trận chiến lớn tại Syria khi đang tập trung vào hành trình dài hồi phục sau những thiệt hại nặng nề.
Đối với liên minh nổi dậy, việc Hezbollah rút quân mang đến một cơ hội đắt giá. "Chúng tôi chỉ muốn chiến đấu một trận sòng phẳng với chính quyền," nguồn tin thuộc phe nổi dậy Syria chia sẻ.
Sự sụp đổ của đế chế Assad giáng một đòn chí mạng vào tầm ảnh hưởng Iran tại Trung Đông, diễn ra chỉ ít lâu sau cái chết của Nasrallah, cùng những thiệt hại do Israel gây ra cho Hezbollah. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ giờ có vẻ như là nhân tố nước ngoài mạnh nhất ở Syria, với việc triển khai binh lính trên bộ và khả năng tiếp cận đến giới lãnh đạo phe nổi dậy.
Ngoài việc đảm bảo hồi hương người tị nạn Syria, Thổ Nhĩ Kỳ còn có mục tiêu kiềm chế sức mạnh của những nhóm người Kurd đang kiểm soát các khu vực rộng lớn ở đông bắc Syria và được Mỹ hậu thuẫn. Ankara coi họ là khủng bố.
Trong khuôn khổ chiến dịch ban đầu, lực lượng SNA (Syrian National Army) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã giành được quyền kiểm soát nhiều khu vực, bao gồm thành phố Tel Refaat, từ tay những lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn. Hôm 8/12, một nguồn tin từ an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phe nổi dậy đã tiến vào thành phố Manbij ở phía bắc Syria sau khi tiếp tục đẩy lùi lực lượng người Kurd.
"Ở đây, Thổ Nhĩ Kỳ là bên thắng cuộc ngoại bang lớn nhất. Erdogan hóa ra đã chọn đúng phe, hoặc ít nhất là bên thắng cuộc, của lịch sử vì lực lượng ủy nhiệm của mình ở Syria đã chiến thắng", ông Birol Baskan, một nhà khoa học chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và cựu học giả không thường trú thuộc Viện Trung Đông, đánh giá.
Nguồn : BBC, 09/12/2024
***********************
Abu Mohammad al-Jolani : Thủ lĩnh lật đổ chính phủ Syria là ai ?
Mina al-Lami, BBC, 09/12/2024
Thủ lĩnh nhóm vũ trang nổi dậy Syria, Abu Mohammad al-Jolani, đã từ bỏ bí danh gắn liền với quá khứ thánh chiến của mình và sử dụng tên thật - Ahmed al-Sharaa - trong các thông cáo chính thức từ thứ Năm tuần rồi, ngay trước khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.
Abu Mohammad al-Jolani phát biểu trước những người ủng hộ tại Nhà thờ Hồi giáo Umayyad ở Damascus vài giờ sau khi lật đổ Bashar al-Assad
Động thái này nằm trong nỗ lực của Jolani nhằm củng cố tính chính danh của mình trong bối cảnh mới, khi nhóm vũ trang Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) do ông ta dẫn dắt cùng các phe phái vũ trang khác tuyên bố đã chiếm được thủ đô Damascus, củng cố quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria.
Sự chuyển hóa của Jolani không phải là điều mới xảy ra mà đã được dày công xây dựng trong nhiều năm trời, thể hiện qua các phát biểu công khai, các cuộc phỏng vấn với các hãng tin quốc tế cũng như qua sự thay đổi về ngoại hình của ông ta.
Jolani từng mặc trang phục truyền thống của chiến binh thánh chiến, nhưng trong vài năm trở lại đây, ông ta đã chuyển sang lối ăn mặc theo phong cách phương Tây. Hiện nay, khi chỉ đạo các cuộc tấn công, ông ta mặc quân phục, tượng trưng cho vai trò chỉ huy của mình trong các chiến dịch.
Nhưng Jolani - hay Ahmed al-Sharaa - thực sự là ai, và tại sao và bằng cách nào ông ta đã thay đổi như vậy ?
Sợi dây giữa IS và Iraq
Trong một cuộc phỏng vấn với đài PBS vào năm 2021, Jolani đã tiết lộ rằng ông ta sinh năm 1982 tại Ả Rập Xê Út, nơi cha ông ta là một kỹ sư dầu khí cho đến năm 1989. Năm đó, gia đình Jolani trở về Syria và ông ta lớn lên tại khu Mezzeh, Damascus.
Hành trình trở thành một chiến binh thánh chiến của Jolani bắt đầu ở Iraq, gắn liền với al-Qaeda thông qua tiền thân của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) là nhóm al-Qaeda tại Iraq, sau này là Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI).
Sau cuộc xâm lược Iraq do Mỹ dẫn dắt vào năm 2003, ông ta gia nhập các chiến binh nước ngoài khác tại Iraq và vào năm 2005, ông ta bị giam giữ ở trại Bucca. Chính tại nơi đây, ông ta đã củng cố các mối quan hệ thánh chiến của mình và sau đó được giới thiệu với Abu Bakr al-Baghdadi, một học giả trầm lặng, người sau này trở thành thủ lĩnh IS.
Năm 2011, Baghdadi cử Jolani đến Syria với nguồn quỹ để thành lập Mặt trận al-Nusra, một phe nhóm bí mật có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI). Đến năm 2012, al-Nusra đã trở thành một lực lượng chiến đấu nổi trội ở Syria và vẫn che giấu mối liên hệ với IS và al-Qaeda.
Abu Bakr al-Baghdadi đã cử Jolanitới Syria để thành lập Mặt trận al-Nusra – Reuters
Căng thẳng nổ ra vào năm 2013 khi nhóm của Baghdadi ở Iraq đơn phương tuyên bố sáp nhập hai nhóm (ISI và Nusra), tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL, hay còn gọi là ISIS), đồng thời lần đầu tiên tiết lộ công khai các mối liên hệ giữa họ. Jolani phản đối, vì ông ta muốn tách nhóm của mình ra khỏi các chiến thuật bạo lực của ISI và điều này đã dẫn đến rạn nứt.
Để thoát khỏi tình thế khó khăn đó, Jolani đã cam kết trung thành với al-Qaeda, biến Mặt trận al-Nusra trở thành một nhánh của tổ chức này tại Syria. Ngay từ đầu, Jolani đã ưu tiên tranh thủ sự ủng hộ của người Syria, tách bạch mình khỏi tính chất tàn bạo của IS và nhấn mạnh cách tiếp cận thánh chiến một cách thực tế hơn.
Gia nhập al-Qaeda
Vào tháng 4/2013, Mặt trận al-Nusra trở thành chi nhánh của al-Qaeda ở Syria, khiến tổ chức này ở thế đối đầu với IS. Mặc dù bước đi của Jolani phần nào là để duy trì sự ủng hộ của người dân địa phương và tránh việc khiến cho người Syria cùng các phe phái nổi dậy khác bị cô lập, mối liên kết với al-Qaeda cuối cùng không mang lại nhiều lợi ích cho nỗ lực này.
Vào năm 2005, thách thức trở nên cấp bách khi al-Nusra và các phe phái khác chiếm được tỉnh Idlib, buộc họ phải hợp tác trong việc quản lý khu vực này.
Jolani đổi tên Mặt trận al-Nusra thành Jabhat Fatah al-Sham vào năm 2016. Năm 2017, tổ chức này trở thành Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Reuters
Năm 2016, Jolani cắt đứt quan hệ với al-Qaeda, đổi tên nhóm thành Jabhat Fatah al-Sham và sau đó thành Hayat Tahrir al-Sham (HTS) vào năm 2017. Ban đầu động thái này có vẻ chỉ mang tính hình thức, nhưng sự phân tách đã phơi bày những chia rẽ sâu sắc.
Al Qaeda cáo buộc Jolani phản bội, dẫn đến sự ly khai và việc phải thành lập Hurras al-Din, một chi nhánh mới của al-Qaeda tại Syria nhưng Hurras al-Din đã bị HTS diệt trừ vào năm 2020. Tuy nhiên, các thành viên của Hurras al-Din vẫn duy trì hiện diện một cách thận trọng trong khu vực.
HTS cũng nhắm mục tiêu vào các tay súng IS và chiến binh nước ngoài tại Idlib, phá hủy mạng lưới của họ và buộc một số phải trải qua các chương trình "giảm bớt cực đoan". Những nước đi này được xem là minh chứng cho nỗ lực thống nhất các lực lượng nổi dậy và giảm đấu đá nội bộ, phát đi tín hiệu cho thấy chiến lược của Jolani nhằm định vị HTS là một lực lượng nổi trội và có tính khả thi về mặt chính trị tại Syria.
Mặc dù đã công khai đoạn tuyệt với al-Qaeda và thay tên đổi họ, HTS vẫn bị Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Mỹ tiếp tục treo thưởng 10 triệu USD cho thông tin về nơi ở của Jolani. Các cường quốc phương Tây cho rằng sự tách bạch này chỉ là vỏ bọc.
Thành lập 'chính phủ' ở Idlib
Dưới sự dẫn dắt của Jolani, HTS trở thành lực lượng thống trị tại Idlib, thành trì lớn nhất của phe nổi dậy ở tây bắc Syria và là nơi sinh sống của khoảng bốn triệu dân, phần lớn trong số này là những người buộc phải di tản khỏi các tỉnh khác của Syria.
Để giải quyết mối lo ngại về việc một nhóm chiến binh cai quản khu vực, HTS đã thành lập một mặt trận dân sự, gọi là "Chính phủ Cứu quốc Syria" (SG-Salvation Government) vào năm 2017. Nhóm này được xem như cánh chính trị và hành chính của HTS. SG hoạt động giống như một nhà nước, với một thủ tướng, các bộ và cơ quan địa phương phụ trách các lĩnh vực như giáo dục, y tế và tái thiết, đồng thời duy trì một hội đồng tôn giáo theo định hướng của Sharia, tức luật Hồi giáo.
Để định vị lại hình ảnh của mình, Jolani tích cực tương tác với công chúng, đến thăm các trại của dân di tản, tham dự các sự kiện và giám sát các nỗ lực viện trợ, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng như trận động đất năm 2023.
HTS nêu bật những thành tựu trong quản trị và hạ tầng để chính danh hóa vai trò cai quản của mình và chứng minh khả năng cung cấp cho người dân sự ổn định và các dịch vụ. Nhóm này từng ngợi ca Taliban khi Taliban trở lại nắm quyền vào năm 2021, xem Taliban như nguồn cảm hứng và hình mẫu về cách cân bằng hiệu quả giữa các nỗ lực thánh chiến và khát vọng chính trị, bao gồm cả việc thực hiện những thỏa hiệp mang tính chiến thuật để đạt mục tiêu.
Những nỗ lực của Jolani tại Idlib phản ánh chiến lược rộng hơn của ông ta nhằm chứng minh rằng HTS không chỉ có khả năng tiến hành các cuộc thánh chiến mà còn có thể quản trị hiệu quả. Bằng cách ưu tiên sự ổn định, cung cấp các dịch vụ công và tái thiết, Jolani muốn biến Idlib thành một hình mẫu thành công dưới sự cai quản của HTS, từ đó nâng cao tính chính danh của nhóm và tham vọng chính trị của chính mình. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Jolani, HTS đã nghiền nát và gạt phăng các phe phái chiến binh khác, cả thánh chiến lẫn phe nổi dậy, trong nỗ lực củng cố quyền lực và thống trị khu vực.
Biểu tình chống HTS
Trong hơn một năm trước khi cuộc tấn công của quân nổi dậy do HTS dẫn dắt nổ ra vào ngày 27/11, Jolani đã phải đối diện với các cuộc biểu tình ở Idlib từ những người Hồi giáo cực đoan cũng như các nhà hoạt động Syria.
Những người chỉ trích so sánh sự cai trị của ông ta với Assad, cáo buộc HTS theo chủ nghĩa độc tài, đàn áp bất đồng chính kiến và bịt miệng những người lên tiếng phê phán. Người biểu tình gọi lực lượng an ninh của HTS là "Shabbiha," một thuật ngữ dùng để mô tả những tay sai trung thành của Assad. Họ còn cáo buộc rằng HTS đã cố tình tránh các cuộc giao chiến đáng kể chống lại lực lượng chính phủ và gạt ra rìa các chiến binh thánh chiến cùng những chiến binh nước ngoài tại Idlib, nhằm ngăn những người này tham gia vào các hành động như vậy, tất cả đều nhằm xoa dịu các tác nhân quốc tế.
Ngay cả trong cuộc tấn công gần đây nhất, các nhà hoạt động vẫn liên tục kêu gọi HTS trả tự do cho những người bị giam giữ tại Idlib - những người mà họ nói rằng đã bị giam do quan điểm bất đồng. Đáp lại những lời chỉ trích này, HTS đã thực hiện một số cải cách trong năm qua. Nhóm đã giải tán hoặc đổi tên một lực lượng an ninh gây tranh cãi bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và thành lập một "Cục Khiếu nại" để người dân có thể nộp đơn khiếu nại. Tuy nhiên, giới phê phán cho rằng các biện pháp này chỉ là màn kịch nhằm kiềm chế sự bất mãn.
Để hợp thức hóa việc củng cố quyền lực ở Idlib và đàn áp sự đa dạng giữa các nhóm chiến binh, HTS lập luận rằng việc thống nhất dưới một ngọn cờ duy nhất là điều cốt yếu để đạt được tiến bộ và cuối cùng là lật đổ chính phủ Syria.
HTS và cánh dân sự của mình - Chính phủ Cứu quốc Syria (SG-Salvation Government) - như người đi trên dây khi một mặt phải cố gắng xây dựng một hình ảnh hiện đại, ôn hòa để được lòng dân và cộng đồng quốc tế, mặt khác vẫn duy trì bản sắc Hồi giáo để làm hài lòng những người theo đường lối cứng rắn trong các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát và ngay trong nội bộ HTS.
Ví dụ, vào tháng 12/2023, HTS và SG đã vấp phải những phản ứng dữ dội sau khi một "lễ hội" được tổ chức tại một trung tâm mua sắm mới hào nhoáng bị những người theo đường lối cứng rắn lên án là "vô đạo đức". Và vào tháng 8 năm nay, một buổi lễ lấy cảm hứng từ Thế vận hội Paralympic cũng hứng chịu những chỉ trích gay gắt từ những người có quan điểm cứng rắn, khiến SG phải xem xét lại việc tổ chức những sự kiện như vậy.
Những sự việc này cho thấy thách thức mà HTS đang đối mặt trong việc dung hòa kỳ vọng giữa nền tảng Hồi giáo của mình với các yêu cầu rộng hơn từ người dân Syria, những người đang tìm kiếm tự do và sự chung sống hài hòa, sau nhiều năm nằm dưới ách cai trị chế độ độc tài Assad.
Hướng đến con đường mới ?
Khi cuộc tấn công mới nhất diễn ra, truyền thông toàn cầu tập trung vào quá khứ thánh chiến của Jolani, khiến một số người ủng hộ phe nổi dậy kêu gọi ông ta rút lui, coi ông ta là một gánh nặng. Mặc dù trước đây ông ta đã bày tỏ việc sẵn lòng giải tán nhóm và bước sang một bên, nhưng những hành động gần đây và các lần xuất hiện công khai của ông ta lại thể hiện một câu chuyện khác.
Thành công của HTS trong việc thống nhất các phe nổi dậy và nắm quyền kiểm soát gần toàn bộ đất nước trong vòng chưa đầy hai tuần đã củng cố vị thế của Jolani, át đi những lời chỉ trích từ những người cực đoan và những người cáo buộc rằng ông theo chủ nghĩa cơ hội. Jolani và Chính phủ Cứu quốc Syria (SG-Salvation Government) kể từ đó đã trấn an được cả công chúng trong nước và quốc tế.
Đối với người Syria, bao gồm cả các nhóm thiểu số, họ đưa ra cam kết bảo đảm an toàn ; đối với các quốc gia láng giềng và các cường quốc như Nga, họ hứa hẹn duy trì quan hệ hòa bình. Jolani thậm chí đã cam đoan với Nga rằng các căn cứ của Nga tại Syria sẽ không bị tổn hại nếu các cuộc tấn công chấm dứt. Sự chuyển hướng này phản ánh chiến lược "thánh chiến ôn hòa" của HTS từ năm 2017, nhấn mạnh tính thực dụng hơn là lý tưởng cứng nhắc.
Cách tiếp cận của Jolani có thể là dấu hiệu cho sự quá độ của các phong trào thánh chiến toàn cầu như IS và al-Qaeda, khi sự cứng nhắc của họ ngày càng cho thấy tính không hiệu quả và không bền vững. Con đường của ông ta có thể là nguồn cảm hứng cho các nhóm khác để thích nghi, đánh dấu một kỷ nguyên mới của "thánh chiến" có tính địa phương và linh hoạt về chính trị, hoặc chỉ là sự chệch khỏi tạm thời con đường truyền thống để đạt được các mục tiêu chính trị và lãnh thổ.
Mina al-Lami
Nguồn : BBC, 09/12/2024
**********************************
Syria : Sự sụp đổ của Assad là một đòn giáng vào uy tín của Nga
Steve Rosenberg, BBC, 09/12/2024
Tổng thống bị lật đổ của Syria, ông Bashar al-Assad, đã chạy tới Nga, nước đã bảo trợ ông ta trong nhiều năm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad thăm căn cứ không quân Hmeymim tại Syria vào năm 2017. Reuters
Chính sức mạnh quân sự của Nga đã giúp Tổng thống Bashar al-Assad duy trì quyền lực suốt chín năm qua. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày qua, dự án của Kremlin tại Syria đã sụp đổ và rõ ràng Moscow đã không thể làm gì để ngăn chặn.
Trong một tuyên bố vào hôm qua 8/12, Bộ Ngoại giao Nga thông báo rằng ông Assad đã rời khỏi ghế tổng thống và rời khỏi Syria (nhưng không cho biết ông ta đã đến đâu). Bộ này cũng cho biết Moscow đang "theo dõi các diễn biến kịch tính tại Syria với sự quan ngại sâu sắc". Sự sụp đổ của chế độ Assad là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Nga.
Khi đưa hàng ngàn binh sĩ đến hỗ trợ Tổng thống Assad vào năm 2015, một trong những mục tiêu chính của Nga là khẳng định vị thế của mình như một cường quốc toàn cầu. Đây là thách thức lớn đầu tiên mà Vladimir Putin đưa ra để đương đầu với sức mạnh và sự thống trị của phương Tây, bên ngoài không gian của Liên Xô cũ. Và dường như bước đi này là một thành công. Năm 2017, Tổng thống Putin đã đến thăm căn cứ không quân Hmeimim của Nga tại Syria và tuyên bố rằng nhiệm vụ đã hoàn thành. Bất chấp các thông tin được phổ biến rộng rãi về việc các chiến dịch không kích của Nga gây thương vong cho dân thường, Bộ Quốc phòng Nga vẫn tự tin đến mức đưa các nhà báo quốc tế đến Syria để chứng kiến các chiến dịch quân sự của họ ở đây.
Trong một chuyến đi như vậy, tôi nhớ một sĩ quan đã nói với tôi rằng Nga tới Syria là "để ở lâu dài." Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở uy tín.
Đổi lại sự hỗ trợ quân sự, chính quyền Syria đã trao cho Nga quyền thuê căn cứ không quân ở Hmeimim và căn cứ hải quân ở Tartus trong 49 năm. Nga đã thiết lập được một chỗ đứng quan trọng ở Đông Địa Trung Hải. Các căn cứ này trở thành trung tâm để đưa các nhà thầu quân sự ra vào Châu Phi.
Một câu hỏi quan trọng đối với Moscow lúc này là : điều gì sẽ xảy ra với các căn cứ của Nga ở Syria ?
Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Nga thông báo rằng các căn cứ của họ tại Syria đã được đặt "trong tình trạng báo động cao", nhưng khẳng định hiện tại "không có mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với chúng".
Assad là đồng minh trung thành nhất của Nga ở Trung Đông. Kremlin đã đầu tư rất lớn vào ông ta, đổ nhiều nguồn lực – tài chính, quân sự và chính trị – để giữ ông ta tại vị. Giới chức Nga sẽ gặp khó khăn trong việc diễn giải sự sụp đổ của Assad theo cách nào đó, ngoài việc coi đây là một thất bại đối với Moscow.
Tuy nhiên, trong một bài đăng trên mạng xã hội, Konstantin Kosachev, Phó Chủ tịch Thượng viện Nga, đã viết : "Những gì đang xảy ra ở Syria rất khó khăn đối với tất cả mọi người, không có ngoại lệ nào… một thảm kịch cho tất cả. Đối với người Nga, ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo an ninh cho công dân của mình, bao gồm cả dân thường – đặc biệt là các nhà ngoại giao và gia đình của họ – và tất nhiên là cả các quân nhân".
Steve Rosenberg
Nguồn : BBC, 09/12/2024
******************************
Tương lai bất định của Syria thời hậu al-Assad
Anh Vũ, RFI, 09/12/2024
Cuộc tấn công chớp nhoáng do liên minh các lực lượng nổi dậy, đứng đầu là tổ chức Hayat al-Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đến sự sụp đổ của chế độ gia đình trị al-Assad là sự kiện mang tính bước ngoặt lớn nhất ở Syria. Ngay sau những hân hoan vui mừng chiến thắng, vấn đề tương lai lãnh đạo đất nước vừa được giải phóng đang được cấp bách đặt ra cùng với vô số điều bất định.
Bức hình tổng thống Syria Bashar al-Assad bị rạch và ném ra đường ở Qamishli, Syria, sau khi quân nổi dậy tuyên bố đã lật đổ chính quyền al Assad, ngày 08/12/2024. Reuters - Orhan Qereman
Lãnh đạo phong trào Hồi giáo cực đoan Hayat Tahrir al Sham (HTS), Abu Mohammad al Golani, sau khi tiến vào Damascus đã nói đến “sự khởi đầu một kỷ nguyên mới cho Syria”. Cựu lãnh đạo nhánh al Qaeda ở Syria, tên chính thức là Ahmed al Chareh, đã kêu gọi trong một thông cáo báo chí : “Cấm hoàn toàn các lực lượng quân sự ở thành phố Damascus tiếp cận các cơ quan chính quyền, những cơ quan này sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của cựu thủ tướng cho đến khi bàn giao chính thức”.
Ông Mohammad al Jalali, lãnh đạo chính phủ cũ, cũng đã cho biết sẵn sàng hợp tác với người lãnh đạo mới được nhân dân lựa chọn.
Nhưng đằng sau những tuyên bố tỏ thiện chí ôn hòa, mong muốn ổn định tình hình của phe nổi dậy là các câu hỏi : Ai sẽ lãnh đạo đất nước Syria, bị xé nát sau 13 năm nội chiến đẫm máu, giờ trong tình trạng kinh tế kiệt quệ ? Năng lực quản lý đất nước của bên thắng cuộc ra sao ?
Cùng HTS al Golani đã lãnh đạo gần như toàn bộ tỉnh Idlib từ năm 2019, nhưng với toàn bộ một quốc gia như Syria thì mọi chuyện không đơn giản. Giới chuyên gia lưu ý, HTS cũng như đối tác của họ là lực lượng Quân đội Quốc gia Syria đều là nhưng tổ chức chuyên quyền, phi dân chủ.
Chuyên gia Joseph Daher, thuộc đại học Lausane, Thụy Sĩ, nhận định : "HTS có ảnh hưởng lớn, nhưng sẽ không có năng lực quân sự và nhân lực để quản lý hết. Các lãnh đạo sẽ buộc phải chia sẻ quyền lực, đồng thời cố gắng duy trì trật tự, để quá trình chuyển tiếp không quá hỗn loạn, nhằm tạo cho mình một hình ảnh có trách nhiệm" đối với bên ngoài. Khi chiếm được thành phố Aleppo, thành phố lớn thứ 2 của Syria, thủ lĩnh của HTS cũng đã kêu gọi bảo đảm an toàn với người Công giáo.
Trong số vô số điều bất định của "kỷ nguyên mới này", có việc kiểm soát bờ biển Địa Trung Hải, nơi có đa số sắc dân Alaoui, trung thành với Bachar al-Assad sinh sống. Nguy cơ họ bị trả thù sau một cuộc nội chiến đẫm máu không phải là nhỏ. Bên cạnh đó, những tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, ẩn náu trong khu vực sa mạc giữa Homs và Irak, vẫn còn rất nguy hiểm, có thể nhân cơ hội Syria hỗn loạn để hồi sinh. Để phòng xa, từ khi Damascus thất thủ, ngày 08/12, không quân Hoa Kỳ đã liên tục tập kích vào các vị trí của các tổ chức khủng bố tại Syria, trong đó đặc biệt có các nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Trước những nguy cơ đè nặng lên đất nước vừa được giải phóng và trong khi bàn cờ khu vực đang rối ren, Pháp hôm Chủ nhật nhắc lại tầm quan trọng của việc tôn trọng "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria", ủng hộ "một giải pháp chính trị toàn diện, tuân theo nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc". Văn kiện năm 2015 này thiết lập lộ trình giải quyết xung đột thông qua tiến trình chính trị và tổ chức bầu cử tự do tại Syria.
Chuyên gia Joseph Daher tin rằng tổ chức một cuộc bỏ phiếu như vậy hiện không có trong các kế hoạch của HTS, nhưng cần phải đạt được điều này. Trên thực tế, hiện nay không lực lượng quân sự nào có khả năng một mình quản lý đất nước. Đây là cơ hội mà xã hội dân sự Syria phải nắm bắt, để trở thành một lực lượng đối trọng có đủ khả năng bảo vệ các giá trị dân chủ và xã hội. Đó sẽ là một cuộc chiến đấu mới cho Syria thời hậu Assad.
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 09/12/2024
Cách đây vài ngày, không ai có thể nghĩ được chế độ độc tài al Assad lại có thể sụp đổ nhanh như thế. Một số nhà báo có tiếng tăm ở ngay tại hiện trường cũng thổ lộ là họ cũng không ngờ. Thứ Năm 05/12/2024, Tổng thống Thổ, một trong những tác nhân ủng hộ của cuộc tấn công này còn kêu gọi Bachar al Assad khẩn cấp tìm ra một giải pháp chính trị cho Syria theo nghị quyết 2254 của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Nước Nga thì kêu gọi tái lập trật tự hiến định mở đường cho một thỏa thuận chính trị…
Quân nổi dậy reo hò chiến thắng giữa thủ đô Damscus - Ảnh minh họa
Thùng rỗng kêu to, nhiều khi cũng có tác dụng. Sau khi bị thất bại ở Aleppo, Idlib, Hama, Homs, chính quyền al Assad vẫn tuyên bố là tuyến phòng thủ Damascus đã được củng có từ nhiều năm nay, là bất khả xâm phạm… Do vậy, hầu như tất cả mọi người vẫn tin là chưa sập ngay được.
Tuy nhiên, theo thiển nghĩ của người viết, vận mệnh của al Assad đã được định đoạt từ ngày 24/02/2014, ngày mà Putin đã khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Một yếu tố tình cờ cũng vô cùng quan trọng nữa, một nước tính ngu xuẩn của quân khủng bố Hamas đã đẩy cả khối độc tài vào tình trạng thảm hại hiện nay : ngày 07/10/2023, quân khủng bố Hamas ở dải Gaza bất ngờ tấn công tàn sát người Israel và bắt nhiều con tin. Quá giận dữ, Israel đã tấn công Gaza, càn quét truy đuổi quân khủng bố Hamas (mức độ tàn bạo của Israel trong cuộc tấn công này là chủ đề khác, không nói đến ở đây). Một số nước và lực lượng ủng hộ Hamas như Iran, Hezbollah… cũng nhân dịp này bị Israel đánh cho tơi tả luôn và họ cũng chính là các lực lượng ủng hộ al Assad.
Ban đầu mọi người nghĩ rằng cuộc tấn công của Hamas là có lợi cho cuộc xâm lược của Nga, nhưng cho đến nay thì chúng ta lại thấy nó rất có hại cho Nga.
Bản đồ những căn cứ quân sự của Nga tại Syria
Ai có thể ngờ rằng, lợi dụng lúc Nga đang quá mệt mỏi ở Ukraine, trong khi Hamas, Hezbollah, Iran chỉ mong Israel thôi không đánh nữa vì đã bị thiệt hại quá nhiều, các lực lượng chống đối al Assad - chỉ với chục ngàn quân với những trang bị khiêm nhường - đã đánh chiếm Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria, một cách dễ dàng. Không còn được đồng minh (Hezbollah và Iran) hỗ trợ, quân đội của al Assad đã tan rã giống hệt như quân đội của Iraq trước sức tấn công của Mỹ.
Thực ra lực lượng của quân nổi dậy không có mạnh và không đông bằng quân chính quy al Assad, nhưng đó là một đội quân rệu rã, hoàn toàn không có tinh thần chiến đấu, quen với tham nhũng. Cách đây vài ngày al Assad quyết định tăng gấp đôi tiền lương cho lính nhưng cũng chẳng có tác dụng gì. Lính của al Assad lũ lượt bỏ ra đầu hàng. Trang bị chiến tranh do Nga cung cấp rơi hết vào tay quân nổi dây, trong đó có cả trực thăng và hàng chục xe tăng T72. Họ đã dùng chính những chiến lợi phẩm này để đánh đuổi quân al Assad và tiến về Damascus. Trước sự tiến quân vũ bão này, Nga không còn có lực lượng để phản ứng nữa, chỉ ném vài quả bom, trong đó có vụ định phá một chiếc cầu trên sông Oronte cách Homs 24 km để chặn đường tiến quân của đối phương.
Một nguyên nhân rất cơ bản nữa khiến sự sụp đổ nhanh đến mức không ai dám nghĩ tới đó là tất cả không quân, thủy quân, bộ binh Nga cũng được lệnh "tùy nghi di tản". Với tốc độ truyền tin ngày nay, tất cả các lính tráng của al Assad biết hết mọi thông tin này. Rồi đến lúc họ biết nốt tin al Assad đã chạy trốn thì hỏi còn đánh đấm gì nữa. Quân nổi dậy cứ thẳng tiến vào dinh tổng thống al Assad bằng cả "taxi". Sau đó, dân tình cũng xông vào đó hôi của, đốt phá. Đại sứ quán Iran cũng chung số phận. Tượng đài bố con nhà al Assad bị lật đổ, kéo lê trên đường phố.
Cả gia đình Bachar al Assad đã đến Moskva ti nạn
Hôm nay, người ta đã biết rõ hơn về việc chạy trốn của al Assad. Cách đây hơn một tuần, cả gia đình al Assad đã chạy sang Moskva. Cuối cùng, chế độ al Assad đã sụp đổ từ bên trong, mạnh ai nấy chạy. al Assad cũng bỏ của chạy lấy người, bỏ lại lâu đài, dinh thự và hàng chục xe sưu tầm sang trọng. al Assad đã chuẩn bị hết cho cuộc chạy trốn này, đã mua khoảng 20 căn hộ với giá 40 triệu dô la Mỹ trong các thành phố lớn của Nga, như Moskva và saint Peterburg.
Ấn tượng nhất đối với tôi khi xem các phóng sự là cảnh mở cửa nhà tù (Phóng thích toàn bộ tù nhân là một chuyện khác, không bàn ở đây). Chế độ độc tài al Assad là một chế độ khủng khiếp nhất của thời đại này, còn trên tài cả chủ nhân của nó là Putin. Khi người ta vào mở cửa nhà tù, rất nhiều tù nhân sợ hãi không dám ra. Nhiều người tưởng trong mơ. Quân nổi dậy phải luôn mồm nói : "Đừng sợ, đừng sợ, chúng tôi vào đây giải phóng các anh chị em, ra đi, ra đi". Trong tù có rất nhiều phụ nữ và trẻ em…
Tương lai của Syria vẫn còn là một ẩn số. Đất nước này đã trải qua một thời kỳ độc tài khủng khiếp, nội chiến rất điêu tàn, 5 triệu người bỏ nước ra đi, ngày hôm qua tôi còn đọc được ở đâu đó con số 10 triệu. Hiện nay, đất nước lại được giải phóng bởi nhiều lực lượng khác nhau, nhưng lực lượng chính lại là HTS (Tổ chức giải phóng Levant, Hayat Tahrir al-Sham) mà người đứng đầu hiện nay là Abu Mohammad al Julani (tên thật là Amed Hussein al Shara, 42 tuổi), đã từng chiến đấu cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq, đã từng bị Mỹ bắt và bỏ tù… Nhưng gần đây, al Julani đã đoạn tuyệt với al Qaeda… đã có một bộ mặt sạch sẽ hơn và cũng đang muốn tỏ ra với phương Tây là có một bộ mặt sạch sẽ. Thực tế trong những ngày đánh nhau vừa qua, lực lượng HTS cũng chưa hề có hành động biểu hiện là một lực lượng khủng bố, không có các hành động trả thù, giết người vô cớ, không có lộn xộn… Nói chung, các thành phố mà họ đã chiếm lĩnh đều yên bình.
Cho đến hôm nay, Syria vẫn bị "chiếm đóng" bởi nhiều lực lượng khác nhau (xem bản đồ : mầu khác nhau của các lực lượng khác nhau).
Bản đồ phân bổ những chống đối chế độ al Assad tại Syria
Tương lai quan hệ của Syria với các nước cũng là một ẩn số lớn. Biden hay Trump đều nói là không quan tâm và không muốn dây vào, nhưng nói và làm lại là hai chuyện khác nhau. Bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, Mỹ vẫn cảnh báo HTS không được liên minh với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (mầu đen trên bản đồ). HTS cũng không hề tuyên bố đoạn tuyệt với Nga… Có thể đây là một chính sách ngoại giao khôn ngoan : Khi còn non nớt thì tạm thời không gây sự gì với ai. Tại Syria, Nga có 2 căn cứ quân sự chiến lược cực kỳ quan trọng, đó là cửa ra vào Địa Trung Hải và đầu cầu sang Châu Phi. Nga vẫn đang hy vọng có thể có hợp đồng mới với các chủ nhân mới, mặc dù trước đây một vày ngày các chủ nhân mới này là kẻ thù của Nga, vẫn bị Nga gọi là quân khủng bố. Phải thay ngựa giữa đường, Putin không thể làm gì được hơn. Vấn đề là có còn sức mà làm không và các chủ nhân mới có muốn không ? Truyền thông Nga đã chính thức thông báo gia đình al Assad đã tới Moskva và đã được Putin cho tỵ nạn.
Một số bạn cuồng Putin vẫn tin là Nga sẽ trở lại và sẽ lại còn mạnh hơn xưa. Đợi đấy.
Tóm lại, chính vì xâm lược Ukraine, Putin đã làm cho chế độ al Assad sụp đổ, làm tan tành mọi cố gắng và tiền của Nga, làm thất bại chính sách toàn cầu của Nga, là một lợi thế mà thượng đế dành cho Ukraine vào một thời điểm quan trọng.
Thất bại của al Assad một lần nữa là một bài học cho các chế độ độc tài : Ác như thế mà vẫn sụp đổ với "tốc độ ánh sáng". Tượng đài xây nhiều như thế, to như thế, tốn tiền như thế rồi cũng sẽ đến ngày nhân dân đứng lên giật đổ hết và kéo lê trên đường. Thắng lợi của những người đang làm chủ Syria hôm nay cũng là một bài học cho người dân của các nước có chế độ độc tài : Muốn có tự do chỉ có một con đường duy nhất là đấu tranh, đấu tranh có tổ chức. Tùy theo hoàn cảnh của từng nước, đấu tranh không có nghĩa là phải cầm súng…
Người Syria thành công ngày hôm nay, nhưng họ đã có hàng trăm ngàn người hy sinh và đấu tranh không mệt mỏi từ hơn nửa thế kỷ. Họ rất dũng cảm.
Hoàng Quốc Dũng
(09/12/2024)
Tương lai Syria "mờ mịt" sau khi lật đổ "bạo chúa" al-Assad
Sau chiến thắng vang dội của nhóm phiến quân, lật đổ chế độ "bạo chúa" của gia tộc al-Assad ở Syria, hầu hết các báo Pháp số ra hôm nay đề cập đến thời kỳ hậu Syria "bất trắc", không rõ tương lai ra sao, sau hơn chục năm nội chiến đẫm máu.
Một chiến binh phe đối lập dẫm chân lên đầu bức tượng cố tổng thống Hafez Assad ở Damascus, Syria, ngày 08/12/2024. AP - Hussein Malla
Trang nhất Libération có tựa "Syria trong không khí trọn niềm vui nhưng không rõ tương lai". Hôm Chủ nhật, lực lượng phiến quân tiến vào thủ đô Damascus, lật đổ chế độ đàn áp al-Assad, cai trị Syria từ 5 thập kỷ qua. Hàng triệu người Syria ở trong nước hay tị nạn ở nước ngoài đều hân hoan mừng chiến thắng. Kể từ nay, họ được "tự do", như những gì mà người dân Syria truyền tải nhau từ hơn chục ngày qua, khi lực lượng phiến quân do Abu Mohammed al-Golani lãnh đạo lần lượt "giải phóng" các thành phố Aleppo, Homs, và cuối cùng là thủ đô Syria. Người dân Syria chào mừng chiến thắng mà lực lượng của chính Syria giành được, chứ không phải nhờ vào can thiệp từ nước ngoài, như nhận định của nhật báo cánh tả Pháp.
Cuộc tấn công của phiến quân bắt đầu từ ngày 27/11, tại thành phố Idlib ở phía bắc Syria và tiến xuống phía nam mà không gặp trở ngại lớn nào từ phía quân đội, khiến chính họ bị ngạc nhiên, hóa ra al-Assad chỉ là con hổ giấy (có nghĩa là con hổ trong tiếng Ả rập). Tại Aleppo, Libération mô tả tình trạng kiệt quệ của quân đội Syria. Với mức lương ít ỏi, khoảng 20 đô la mỗi tháng, quân nhân trong tình trạng đói ăn, kiệt sức và các xe tăng không có hữu dụng gì, chỉ là một đội quân ma. Cảnh sát, hiến binh, quân nhân cởi bỏ quân phục, đầu hàng trước phiến quân.
Tin Bachar al-Assad chạy trốn khỏi Syria, đến Nga xin tị nạn, đã khiến niềm vui của hàng triệu người Syria được nhân lên gấp bội. Từ nay, họ có thể đi trên đường phố, tự do phát biểu công khai, dùng tên thật của mình mà không lo bị bỏ tù vô cớ. Tiếng tin nhắn điện thoại reo khắp nơi, mọi người chúc mừng nhau, lên kế hoạch, định hình tương lai cũng như các cuộc đoàn tụ. Những tù nhân, có cả trẻ em phụ nữ, được phiến quân trả tự do khỏi các nhà tù "kinh hoàng" của chế độ al-Assad.
"Đồ tể của Damascus" hết thời tại Syria
Xã luận La Croix nhắc lại Bachar al-Assad không phải là một nhà độc tài như những người khác, mà là một kẻ tàn ác khủng khiếp, được mệnh danh là "đồ tể của Damascus", sẵn sàng ném bom vào chính người dân của mình từ trực thăng, sử dụng vũ khí hóa học chống lại trẻ em, bỏ tù tất cả những ai dám đặt vấn đề về quyền lãnh đạo của ông, với những hình thức tra tấn cực đoan nhất.
Cuộc tấn công của lực lượng phiến quân Hồi giáo có vẻ nhanh chóng, tự phát, tận dụng khoảng trống do sự suy yếu của Hezbollah do Iran yểm trợ, cũng như của việc Nga rút quân Syria, điều về mặt trận ở Ukraine. Nhưng thực ra chiến dịch này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong hơn chục ngày HTS "giải phóng" Syria, ngoài vụ cướp phá dinh tổng thống, truyền thông chưa đưa tin về bất cứ hành vi lạm dụng nào, tạo ra một hình ảnh "đáng kính trọng" cho lực lượng nổi dậy này.
Thất bại của al-Assad cho thấy quyền lực của gia tộc này được duy trì dựa trên nỗi sợ hãi với những đàn áp tàn bạo cùng sự hỗ trợ từ bên ngoài, từ Iran, Nga hay Hezbollah ở Lebanon. Không ai, kể cả quân đội, muốn xả thân vì Bachar al-Assad.
Libération vẽ lại bức chân dung của lãnh đạo phiến quân Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), và vai trò chủ chốt trong việc lật đổ chế độ Bachar al-Assad. Lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, trong cuộc phỏng vấn với kênh al-Jazeera, ll-Golani che mặt, tự giới thiệu mình là người chỉ huy của Mặt trận al-Nosra. Tuy nhiên, 9 năm sau, trong một cuộc phỏng vấn với CNN cuối tuần trước, ông để lộ mặt, nêu rõ mục đích lật đổ chế độ Damascus, đưa ra tên thật Ahmed Hussein al-Charaa. Lực lượng HTS, được thành lập vào năm 2017, do ông lãnh đạo, đã kết hợp với các nhóm phiến quân khác và giành được chiến thắng vang dội, loại bỏ gia tộc Assad khỏi chính quyền Syria.
Theo La Croix, al-Golani gỡ bỏ trang phục galabied của quân thánh chiến Hồi giáo, khoác lên bộ quân phục, với vẻ ngoài của tướng Che Guevara. Libération nhấn mạnh al-Golani cũng đã tìm cách đổi mới hình ảnh để đạt được tính chính danh lãnh đạo đất nước, giữ khoảng cách với quá khứ "thánh chiến" khi chiến đấu cùng nhóm Hồi giáo al-Qaeda. Ban đầu, ông bị phương Tây coi là kẻ khủng bố, nhưng dần dần al Golani đã đổi mới hình ảnh, như một nhà lãnh đạo "thực dụng", sẵn sàng thực hiện các cải cách để giảm bớt lệnh cấm vận và giành được sự công nhận quốc tế. Al-Golani cũng đã đề cập đến khả năng giải thể tổ chức của mình và tạo ra một quá trình chuyển tiếp chính trị để quản lý các khu vực như Aleppo.
Trong chiến dịch này, HTS cũng đã có những hành động trấn an các cộng đồng thiểu số người Công giáo, người Alaoui, người Druze. Họ cũng triển khai các dịch vụ công, thiết lập một hình thức quản trị tại các khu vực mà họ kiểm soát, bao gồm các cải cách về kinh tế và xã hội, với việc thành lập các tổ chức như ngân hàng trung ương, phát hành thẻ căn cước và cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân. Chính phủ của al-Assad và quân đội Syria tan rã, nhưng các thể chế của Nhà nước, các cơ quan hành chính, do các công chức điều hành, không hẳn theo phe của chính phủ, mà vẫn tiếp tục làm việc với một lãnh đạo mới.
Trong phóng sự của Le Monde, Libération hay La Croix, hàng triệu người dân Syria, những người ở trong các trại tị nạn ở các nước láng giềng, đang tính đến đường trở về nước, với những đoàn xe từ miền đông Liban, hay từ Thổ Nhĩ Kỳ, tiến về phía Damascus. Với nhiều người tị nạn Syria, đây là lần đầu tiên họ quay trở lại con đường này từ chục năm qua, với hy vọng tìm lại quê hương, dù không chắc còn nhà cửa.
Libération cho rằng thật là "bẽ bàng" cho một số nước phương Tây và Saudi Arabia, bình thường lại quan hệ với chế độ al-Assad để đưa những người tị nạn trở về Syria, nhưng để làm được điều này thì lẽ ra phải lật đổ chế độ cầm quyền, thay vì mở cửa, nối lại đối thoại với kẻ bạo chúa.
Theo xã luận La Croix, Syria hiện bị chia cắt giữa các khu vực do các phe đối kháng nắm giữ, với sự đa dạng sắc tộc tôn giáo, chính trị, khiến cho việc quản lý đất nước gặp khó khăn, ngay cả Bachar al-Assad cũng không kiểm soát được đất nước. La Croix bày tỏ hy vọng về một cuộc đối thoại chính trị giữa những người Syria, "để chấm dứt thảm kịch của chính mình", bao gồm cả các nhóm thiểu số. Cuộc đối thoại này có lẽ cũng sẽ phụ thuộc vào các cường quốc đang cố giành lấy ảnh hưởng ở quốc gia vùng đệm này.
Các báo đề nói về một thời kỳ "hậu Assad mơ hồ", và tiến trình đến dân chủ đầy "rủi ro" ở Syria. Nếu như có những nghi vấn về tương lai của Syria sau khi được lực lượng Hồi giáo cực đoan giải phóng, thì theo Libération, người dân Syria biết rằng vẫn chưa có được ổn định và dân chủ trong nay mai. Trong không khí mừng chiến thắng như hiện nay, họ trích câu thơ tiếng Ả rập nổi tiếng của Imrou’l Qays : "Hôm nay ta cứ say, còn nghĩa vụ hãy để ngày mai lo".
Về phần mình, Le Figaro nêu lên sự thận trọng của bên thắng cuộc Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như là sự sa sút của Nga trong cuộc chiến tại Syria. Sau 9 năm can thiệp quân sự để hỗ trợ Bachar al-Assad đối phó với các phe đối lập, "chống khủng bố", Nga giúp Assad duy trì quyền lực nhưng không ngăn cản được đà suy yếu của chế độ cầm quyền.
Các căn cứ quân sự Nga tại Hmeimim và Tartous, được cho là nơi mà Moskva duy trì sự hiện diện lớn nhất ngoài lãnh thổ của mình, hiện đang trong "tình trạ ng báo động cao", nhưng vẫn khẳng định là "không bị đe dọa". Tuy nhiên, không rõ Nga sẽ tiếp tục duy trì lực lượng tại Syria hay không, vì có những tin đồn cho rằng Nga đã rút các lực lượng hải quân khỏi Tartous và thay đổi chỉ huy quân sự tại Syria.
Một quan chức cấp cao Nga tuyên bố Moskva sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Syria "nếu cần, nhưng người dân Syria phải tự giải quyết cuộc chiến này mà không có sự can thiệp trực tiếp của Nga". Xã luận Libération kết luận kẻ thua cuộc lớn trong vụ việc này có lẽ là Vladimir Putin, chứng kiến sự sụp đổ của một đồng minh lớn ở Trung Đông, cũng như cái bắt tay giữa tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nga và Ukraine cấp bách tuyển mộ binh lính
Về cuộc chiến ở Ukraine, cả La Croix và Le Monde đều quan tâm đến việc tuyển thêm binh lính từ cả hai phía Nga – Ukraine sau gần 3 năm tổn hao lực lượng. Mặc dù không bên nào đưa ra số liệu chính thức về thiệt hại nhân mạng, theo ước tính của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Pháp (IFRI), phía Nga có thể mất đi cả ngàn binh lính mỗi ngày. Điều tra của trang mạng Mediazona thì đã xác định được hơn 79 000 binh sĩ Nga tử trận và con số thực tế có thể cao gấp đôi.
Theo Le Monde, điện Kremlin cần thêm 30 000 lính mỗi tháng để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine, nhưng khó có thể tìm đủ, mặc dù Nga đã huy động nhiều nguồn lực với lệnh tổng động viên cũng như gia tăng các đãi ngộ nhằm thu hút người ký hợp đồng với quân đội. Các báo cũng đề cập đến việc tuyển mộ lính ở nước ngoài, ngoài lính từ Bắc Triều Tiên, còn có cả lính từ Ấn Độ, Yemen, hay Nepal.
Nhà thờ Đức Bà Paris - Quyền lực mềm của Pháp
Các báo Pháp số ra sáng nay cũng đặc biệt chú ý đến sự kiện Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa trở lại vào cuối tuần qua. Xã luận Le Monde nêu lên"quyền lực mềm" của Pháp khi mời hơn 40 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ, bao gồm cả Donald Trump trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đắc cử và cuộc gặp với tổng thống Ukraine Zelensky tại điện Élysée. Nhà thờ Đức Bà Paris - Notre-Dame de Paris đã mang đến cho Pháp một màn trình diễn tuyệt vời về "soft-power" của một quốc gia, giống như Thế vận hội Olympic Paris, có khả năng khiến cả thế giới đổ dồn ánh mắt, không chỉ vì những bi kịch, những thiếu sót, những cơn sốt, mà còn vì tài năng, khả năng tổ chức và sự kiên cường của đất nước đó.
Với những nghi lễ tôn giáo, những màn trình diễn nghệ thuật ngoạn mục cùng các cuộc họp thượng đỉnh bên lề, tạo ra một hình ảnh "thống nhất" giữa cuộc khủng hoảng chính trị. Quy mô của sự kiện cũng lớn như nỗi niềm "tiếc nuối" của cả thế giới, đối với công trình gần 900 tuổi bị ngọn lửa thiêu rụi ngày 15/04/2019.
Ông Macron đã giữ được lời hứa phục dựng lại biểu tượng của Paris trong vòng 5 năm, không chỉ nhờ vào cơn mưa "hàng triệu euro" rót xuống bởi những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hay những nhà tỷ phú từ khắp nơi trên thế giới, mà còn nhờ vào đội ngũ tài năng, gồm những người thợ mộc, thợ lợp mái nhà, kỹ sư, thợ phục chế, thợ cắt đá, công nhân kính màu và các ngành nghề khác…
Xã luận Le Figaro thì ví Notre-Dame de Paris như linh hồn của nước Pháp. Một lần nữa mở cửa cho thế giới, Nhà thờ Đức Bà Paris bộc lộ những vẻ đẹp ẩn giấu từ trăm năm qua. Ngọn lửa, cho đến nay vẫn chưa rõ nguồn gốc, nuốt chửng nhà thờ, được loan tải khắp các màn hình trên toàn thế giới, đã bộc lộ một "điều bất ngờ", đó là sự gắn kết của một dân tộc đối với một trong những viên ngọc quý của Pháp, dù có tin vào thiên đường hay không.
Sự tái sinh của "linh hồn" Pháp
Trong khi Le Figaro khẳng định sự tái sinh của Nhà thờ Đức Bà khơi dậy một niềm tự hào, đó là sự chấp nhận của một dân tộc đối với "một mảnh tâm hồn của mình", thì nhật báo cánh tả Libération chỉ trích một buổi lễ không tôn trọng chủ trương tách biệt tôn giáo và chính trị, khi thời tiết xấu khiến toàn bộ buổi lễ diễn ra dưới mái vòm của Nhà thờ Công giáo, trong bầu không khí thánh lễ với tiếng đàn organ vang rền.
Nhân sự kiện này, nhật báo công giáo La Croix cho phép người đọc truy cập miễn phí vào trang mạng của mình. Sau 5 năm đóng cửa trùng tu, thánh lễ đầu tiên đã được cử hành tại Nhà thờ Đức Bà hôm Chủ nhật vừa qua. Ngoài niềm hân hoan của những con chiên, sự kiện Nhà thờ Đức Bà mở cửa trở lại cũng mang đến một "thông điệp hy vọng".
Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại Pháp ngày càng sâu sắc, tổng thống Macron đang chật vật tìm ra một tân thủ tướng thay thế ông Michel Barnier, đối mặt với các lằn ranh đỏ từ tứ phía, khi các phe phái tả hữu không ai chịu ai. Ông Macron đã nắm bắt dịp này để tạo nên một luồng gió mới, ví Notre-Dame là "phép ẩn dụ hạnh phúc về thế nào là một quốc gia". Tối thứ Bảy, trong buổi lễ chính thức mở cửa lại công trình tôn giáo này, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kết thúc bài phát biểu của ông bằng khẩu hiệu "Nhà thờ Đức Bà muôn năm, nền Cộng Hòa muôn năm, nước Pháp muôn năm", một cụm từ mà chưa một tổng thống Pháp nào từng nói ra.
La Croix kết luận : "Trong khi, từ Kiev đến Damascus, thế giới đang rung chuyển, thì sự tái sinh của Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 7 tháng 12 khiến công trình này trở thành biểu tượng của cuộc tìm kiếm vẻ đẹp và hòa bình hơn bao giờ hết".
Chi Phương
Buổi lễ mở lại cửa Notre Dame de Paris đã diễn ra trong một bầu không khí rất trang nghiêm nhưng cũng rất hoành tráng, rất tươi vui nhưng cũng rất trang trọng với sự tham dự của 57 nguyên thủ và các đại diện của các nước, cùng các nhân vật quan trọng của thế giới.
Lễ mở cửa lại Nhà Thờ Đức Bà Paris đã diến ra rất trang trọng với sự tham dự của 57 nguyên thủ và đại diện của các nước
Xem buổi lễ này không khỏi không có những lúc phải nhỏ lệ, mặc dù tôi không phải là người công giáo. Người ta rất giỏi, đã làm lên những công trình vĩ đại và khi có những buổi lễ như vậy, người ta cũng rất giỏi dàn dựng chương trình, một buổi lễ thật sự trang trọng, ở đó người ta vinh danh từ những người tầm thường nhất đã có công cứu lại nhà thờ, lính cứu hỏa, thợ thuyền… Tôi hoàn toàn không thấy mấy ông lãnh đạo phì nộn cắm mặt xuống đọc "đít cua" lòng thòng vô nghĩa, cũng không thấy đám người cầm cờ chạy lung tung, càng không thấy ảnh lãnh tụ.
Nhà thờ Đức Bà, một biểu tượng cực quan trọng của Paris đã bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ thứ XII. Tôi thực sự khâm phục tài năng của các kiến trúc sư, các kỹ sư, các nghệ nhân của Pháp thời đó. Đó thực sự là một công trình tuyệt đẹp và vĩ đại cho đến tận bây giờ. Bản thân nhà thờ đã có một tầm vĩ đại, nhưng nó lại được nâng tầm vĩ đại hơn nhờ các tác phẩm văn học đặc biệt là tác phẩm "Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà" của văn hào Victor Hugo. Cả thế giới đều biết tới nhà thờ này. Tới Paris mà chưa ghé nơi đây thì coi như chưa tới. Đây cũng là cây số zero (km 0), nới xuất phát những khoảng cách của nước Pháp với các nơi khác.
Nhờ vào tầm vóc đó, sau khi bị hỏa hoạn vào ngày 15/04/2019, một phong trào quyên góp đã tự động dấy lên trên toàn thế giới qua tổ chức Fondation de Notre-Dame, để lấy tiền tái phục sinh nhà thờ. Kẻ vài đồng, người cả triệu, tổng cộng số tiền thu được lên tới 846 triệu euro, riêng nước Mỹ 66 triệu, thừa để tái thiết (702 triệu). Tổng cộng có 340.000 người tham gia cho tiền. Ban đầu, người ta dự tính phải mất 15 năm để phục hồi lại, nhưng với nguồn tài chính dồi dào, với tài năng siêu thặng của nhân tài Pháp, công trình tái dựng đã hoàn thành trong 5 năm, một kỷ lục. Đặc biệt là văn khố Pháp vẫn còn giữ được bản thiết kế gốc nên đã làm lại y như cũ (1).
Trở lại với những thông tin bên lề Nhà thờ Đức Bà. Chỉ trong một ngày đã có rất nhiều tin vui đến với chúng ta.
Tôi đã nói trong bài trước là Tổng thống Macron sẽ gặp riêng Trump và Zelensky, trước buổi lễ nói trên. Nhưng cuối cùng, do sự dàn xếp của Macron, Trump cũng đã gặp Zelensky trong vòng 35 phút. Sau đó Trump tuyên bố yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức để tiến tới đàm phán. Đây là một thắng lợi ngoại giao rất lớn của Zelensky trước khi bước vào một giai đoạn mới, nhờ có Chúa, nhà thờ Đức Bà.
Tin thứ hai rất quan trọng nữa là, sau khi biết được bị Nga bỏ rơi, nhà độc tài Al Assad đã cùng gia đình bỏ chạy sang Nga. "Nghĩa quân" nổi dậy HTS đã tiến vào thủ đô Damascus một cách dễ dàng. Thủ tướng Syria vẫn ở lại và tuyên bố sẵn sàng chuyển giao quyền lực.
Qua sự việc này chúng ta thấy rất rõ là Nga đã mệt mỏi lắm rồi. Lần trước (2016), Al Assad đã đứng bên bờ vực thẳm, Nga đã bỏ ra biết bao nhiêu tiền của, thực hiện những "tội ác chông nhân loại" (thả bom hơi độc sarin) để cứu Al Assad, bây giờ chỉ còn đứng nhìn thành quả biến thành mây khói.
Syria tạm thời chấm dứt nội chiến. Tuy nhiên chúng ta vẫn theo dõi sát những hoạt động của nghĩa quân nổi dậy. Tôi chưa biết dùng từ gì, tạm thời dùng từ nghĩa quân.
Đợi ngày tàn của bạo chúa Putin.
Vive Ukraine.
Hoàng Quốc Dũng
(08/12/2024)
Chế độ Assad ở Syria có nguy cơ sụp đổ : Thất bại của Putin ?
Le Point nhận định việc quân nổi dậy Hồi giáo chiếm được Aleppo cho thấy trục Nga-Iran đã yếu hẳn đi nên Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách khai thác. Tuần báo phê phán việc phương Tây không can thiệp trước đây, khiến Putin nhảy vào Syria. Le Figaro cuối tuần nhận thấy đây là thất bại của chiến lược Nga, Foreign Policy phân tích các nguyên nhân khiến chế độ Assad suy sụp.
Quân nổi dậy tiến vào Homs ngày 07/12/2024, dù quân chính phủ cố gắng giữ thành phố này để bảo vệ Bachar Al Assad đã ngự trị tại Syria suốt 24 năm. Reuters – Mahmoud Hasano
Hệ quả bất ngờ từ vụ thảm sát người Do Thái của Hamas
Le Point ghi nhận, một cú sốc địa chính trị đôi khi mang lại hệ quả bất ngờ xa hẳn nơi xuất phát. Chẳng hạn cuộc nội chiến Syria vừa hồi phục sau bốn năm với việc phe nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chiếm Aleppo và Hama một cách ngoạn mục, đang đe dọa sự phát triển của phe Shia từ Tehran đến Beirut, đặt Nga và Iran vào thế thủ. Đó là tác động không chờ đợi từ vụ thảm sát người Do Thái của Hamas hôm 07/10/2023.
Sự trả đũa thẳng tay của Israel nhắm vào các lực lượng thân Iran trong khu vực, nhất là Hezbollah ở Lebanon, đã làm các phe hỗ trợ Assad bị yếu đến nỗi phe nổi dậy vùng lên giành lợi thế. Aleppo, thành phố lớn thứ nhì Syria bị chiếm chỉ trong bốn ngày, trong khi hồi 2013 quân chính phủ được Hezbollah cùng với Vệ binh Cách mạng và không quân Nga hợp sức phải mất đến bốn năm. Tuần báo cho rằng việc đất nước của "Mùa xuân Ả Rập" năm 2011 chìm vào cuộc nội chiến làm ít nhất 350.000 người chết, tạo ra làn sóng tị nạn ồ ạt vào Châu Âu, là do sự thờ ơ của Barack Obama.
Do Obama từ chối can thiệp, Putin làm mưa làm gió ở Syria
Le Point nhắc lại, năm 2013 tổng thống Mỹ đã từ chối can thiệp, bỏ mặc Syria cho các phe thánh chiến sau khi chế độ Bachar Al Assad dùng khí độc sarin thảm sát chính người dân của mình. Những kẻ cuồng tín Hồi giáo ở Châu Âu liền tham gia tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, gây ra nhiều vụ khủng bố đẫm máu ở Syria và nhiều nơi khác, nhất là vụ thảm sát Bataclan, tháng 11/2015 tại Paris. Thấy Washington khoanh tay đứng nhìn, Vladimir Putin bèn tranh thủ để can thiệp vào Syria đồng thời tấn công nước láng giềng Ukraine năm 2014, mở đường cho cuộc xâm lăng hiện nay.
Syria là điểm hợp lưu giữa chủ nghĩa đế quốc Iran – bành trướng về phía Địa Trung Hải, và Nga – tiến về các vùng biển ấm ; hình thành nên trục Moskva-Tehran vừa tấn công Ukraine vừa hỗ trợ Assad. Và cũng tại Syria, phương Tây nhờ vào người Kurdistan để chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, nhưng lại bỏ rơi họ khi tổ chức khủng bố này bị đánh tan.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhân việc Israel và Hezbollah ngưng bắn, đã bật đèn xanh cho các phe dân quân Hồi giáo, trong những năm gần đây vốn chỉ kiểm soát được Idlib ở vùng đông bắc gần Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà độc tài Ankara muốn buộc Damascus phải thương lượng để trục xuất về Syria đa số người tị nạn, đồng thời được rảnh tay để tấn công người Kurdistan, đẩy họ về phía đông. Thời kỳ chuyển tiếp ở Washington gây bất ổn tại nhiều khu vực trên thế giới vì chẳng thể biết được ý định của Donald Trump. Hiện không biết phe nổi dậy Syria sẽ còn tiến tới đâu, nhưng có một điều chắc chắn là một lần nữa Châu Âu vẫn đứng xem ở balcon, cho dù có nguy cơ phải trả giá cho bạo lực lại bùng lên ở nước mình.
Chiến lược của Nga tại Syria đã thất bại
The Economist nhận xét, sự sống sót của chế độ Damascus không hẳn tùy thuộc vào các đồng minh, mà vào các kẻ thù cũ của mình. Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm chủ chốt trong phe nổi dậy, được huấn luyện chu đáo hơn so với cách đây 10 năm, còn Quân đội Quốc gia Syria (ANS) thực ra là lực lượng ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ. HTS sử dụng rộng rãi các drone để giám sát và tấn công, và tung vào các đơn vị đặc nhiệm. Quân chính phủ bỏ chạy để lại xe tăng, pháo và nhiều thiết bị, được phe nổi dậy chiếm lấy.
Thành phố Hama, suốt 13 năm qua chưa hề trong tay quân nổi dậy, đã thất thủ mà hầu như không chiến đấu. Le Monde số cuối tuần cho biết trong một nỗ lực tuyệt vọng, Assad tăng lương gấp đôi cho lính để hy vọng tái chiếm, còn Le Figaro nhận thấy đây là thất bại của chiến lược Nga. Trang DeepState dẫn các nguồn mở và ảnh vệ tinh nói rằng Nga đang di tản toàn bộ hạm đội ở căn cứ Tartous lịch sử, chuyển đi ba khinh hạm, một tàu ngầm và hai tàu hộ tống. Theo chuyên gia Nicole Grajewski của Viện Carnegie, đà tiến nhanh chóng bất ngờ của phe nổi dậy khiến Moskva không có thì giờ phối hợp với quân đội Syria để không kích và tổ chức phản công quy mô.
Vì sao chế độ Assad suy sụp ?
Courrier International dịch bài viết của Foreign Policy, nhận định trong nhiều năm trời, cộng đồng quốc tế cho rằng cuộc khủng hoảng Syria đã thuộc về quá khứ, chế độ Assad chiến thắng, nên đã dành nguồn lực cho các thách thức ở nơi khác. Các chính phủ Ả Rập cũng xích lại gần hơn với Damascus. Tuy nhiên nền kinh tế Syria đã xuống dốc không phanh. Đầu năm 2020, một đô la Mỹ tương đương 1.150 đồng livre Syria. Vào đầu cuộc nổi dậy cách đây một tuần, tỉ giá tăng lên 14.750 livre và đến ngày 04/12, một đô la đổi được đến 17.500 livre. Liên Hiệp Quốc ước tính ít nhất 90% người Syria sống dưới ngưỡng nghèo khó.
Chẳng còn ai giúp Assad cứu Syria khỏi tình trạng phá sản. Kinh tế Nga khốn đốn vì cuộc xâm lăng Ukraine, Iran cũng thê thảm. Chế độ Damascus đang trở thành quốc gia ma túy lớn nhất thế giới. Việc buôn lậu được giao cho đơn vị tinh nhuệ là sư đoàn thiết giáp số 4 do Maher, em trai của Bachar Al Assad phụ trách, nhưng nay buôn bán ma túy lan tràn khắp nơi, trong hầu hết bộ máy quân sự và dân quân thân chế độ. Các lực lượng Nga, Iran, Hezbollah có trên mặt trận khi cuộc tấn công của phe nổi dậy bắt đầu hôm 27/11, nhưng chẳng làm được gì nhiều để hỗ trợ quân chính phủ Syria thiếu phối hợp, mất tinh thần.
Những năm gần đây Moskva chỉ có thể giúp Assad các drone tự sát đã lỗi thời, không thể so sánh với drone Kataib Shahine của nhóm nổi dậy Hayat Tahrir Al-Cham (HTS). Nhóm này có cả lực lượng đặc biệt Asaib Al-Hamra (băng-đô đỏ). Theo những tin tức mới nhất, HTS loan báo đã kiểm soát toàn bộ Homs, thành phố chiến lược chỉ cách thủ đô Damascus 150 kilomet.
Pháp khủng hoảng chính trị, Macron lại phải tìm thủ tướng mới
Về nước Pháp, trang bìa The Economist đăng hình lối vào một trạm métro Paris nhưng thay tên trạm bằng tiếng chửi thề quen thuộc của người Pháp. Bên cạnh đó là hình vẽ chú gà trống Gô-loa bị bịt mắt đang ở tư thế một chân còn trên bờ vực, chân kia bước vào khoảng không, với dòng tít "Emmanuel Macron lại mất thêm một thủ tướng nữa".
Dưới cái nhìn của tuần báo Anh, Pháp đang khủng hoảng sâu sắc khi không có chính phủ và không ngân sách. Ngày thứ Bảy 07/12, gần 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước hiện diện trong dịp Nhà thờ Đức Bà Paris, di sản gô-tích thế kỷ 12 của Pháp mở cửa trở lại, chỉ 5 năm sau vụ hỏa hoạn. Nước Pháp có thể hãnh diện trước mà không quốc gia nào có thể thực hiện nổi, nhưng tiếc thay sự kiện này lại diễn ra vào lúc chính phủ Michel Barnier vừa bị cực hữu và cực tả hợp sức lật đổ.
Các đảng truyền thống trung hữu và trung tả đang bị chia rẽ. Trong những cuộc bầu cử tổng thống gần đây, phân nửa số cử tri đã chọn các phe cực đoan trong vòng đầu. Các đời tổng thống liên tiếp không chủ động được ngân sách, dân số lão hóa và những mối đe dọa an ninh ngày càng cáo khiến phải tăng thuế. Nhìn chung, đa số nước Châu Âu đều vướng vào chiếc bẫy này. Tại Pháp, do đảng cầm quyền không có đa số tại Quốc hội, viễn cảnh một loạt chính phủ thiểu số chỉ điều hành trong một thời gian ngắn khiến vấn đề ngân sách càng khó giải quyết. Tổng thống Emmanuel Macron đã triệu tập bầu cử trước thời hạn cách đây mới 6 tháng nên không thể tổ chức bỏ phiếu trước tháng 7/2025, và lúc đó cũng chưa chắc đạt được đa số.
Vấn đề là đa số cử tri Pháp không muốn đối mặt với thực tế kinh tế. Cũng như các nước Châu Âu khác đang già đi, Pháp phải cạnh tranh với Mỹ và Châu Á, buộc phải chi ra những số tiền lớn, năm nay thâm hụt ngân sách vượt quá 6% GDP. Kế hoạch cắt giảm 40 tỉ euro và tăng thuế 20 tỉ euro của ông Barnier chỉ có thể giúp giảm bớt 1%, nhưng dù vậy cũng là quá nhiều đối với cánh hữu và cánh tả vô trách nhiệm, với động cơ tranh giành quyền lực, khuấy động sự bất bình của người dân. Tăng trưởng của Pháp khoảng 1% một năm, không phải là tệ trong khu vực đồng euro, nhưng nợ công đã lên đến 110% GDP. Cử tri sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho các phe cực đoan, sự yếu kém của hai đầu tàu Pháp-Đức sẽ ảnh hưởng đến toàn Châu Âu.
Nhà thờ Đức Bà Paris, chuyện thần thoại Pháp
Về việc Nhà thờ Đức Bà mở cửa trở lại, tất cả các báo đều dành rất nhiều trang, ra thêm phụ bản cho sự kiện toàn cầu quan trọng này, được mấy trăm nhà báo quốc tế đăng ký đến đưa tin. Thành công ngoạn mục trong việc trùng tu di sản là nhờ nhiều yếu tố : quyết tâm của chính quyền mà cụ thể là tổng thống Emmanuel Macron, sự đóng góp chưa từng thấy của 340.000 nhà hảo tâm từ 150 quốc gia trên thế giới, việc chỉ huy chặt chẽ tiến trình một cách hoàn toàn minh bạch, kỹ năng tinh xảo của những người thợ Pháp…
Le Nouvel Obs nhấn mạnh "Nhà thờ Đức Bà Paris, một câu chuyện thần thoại Pháp". La Croix Hebdo đăng tám truyện ngắn có liên quan đến Nhà thờ Đức Bà của tám nhà văn. Hình ảnh công trình tráng lệ này chiếm trang nhất của Le Figaro số cuối tuần lẫn Le Figaro Magazine, với dòng tít "Sự lộng lẫy và niềm vui". Đây cũng là cơ hội ngoại giao : tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức được cuộc gặp tay ba với tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky trong dịp này.
Thiệt hại nặng ở Ukraine, nhưng Putin có chịu dừng lại ?
Liên quan đến Ukraine, L’Express nói về "Kế hoạch của ông Trump để kết thúc chiến tranh". Theo cựu đại sứ Mỹ ở NATO, Douglas Lute, thì tuy Donald Trump nói rằng sẽ giải quyết trong vòng 24 giờ, nhưng lúc đó chỉ là ý định thay vì một kế hoạch rõ ràng, và nay đã thấy xuất hiện một số hướng cụ thể. Ông Trump giao cho tướng Keith Kellogg hồ sơ khó khăn này. Nhân vật trung thành với "America first" đề nghị đặt điều kiện chỉ viện trợ quân sự nếu Kiev chấp nhận đàm phán, và tạm ngưng tiến trình kết nạp NATO trong một thời gian dài.
Trên thực tế, không dễ dàng thuyết phục được các bên tham chiến và các đồng minh Châu Âu. Một nhà quan sát cho rằng đó không phải là kế hoạch hòa bình mà chỉ dẫn đến hỗn loạn, cho dù dư luận Ukraine sau ba năm chiến tranh đã dần dà chấp nhận việc đàm phán. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng chỉ đồng ý tạm đóng băng tình trạng hiện nay, khi Nga đang chiếm đóng 20% lãnh thổ Ukraine, nếu NATO chấp nhận bảo đảm an ninh cho phần còn lại của Ukraine. Nếu Mỹ ngưng viện trợ tình hình sẽ rất đáng lo. Còn lại một "con voi trong phòng" : chính nước Nga. Dù thiệt hại hết sức nặng nề, nhưng vẫn cho rằng có thể chịu đựng được chiến tranh trong vài năm nữa, liệu Kremlin có dừng lại ở đây ?
Vấn đề Đài Loan : "Tập Cận Bình đã đổ đầy bình xăng"
Tại Châu Á, việc Tập Cận Bình tiếp tục "đả hổ diệt ruồi" trong quân đội khiến nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc khó thể xâm lăng Đài Loan trong vòng vài năm tới.Các vụ thanh trừng những lãnh đạo cao cấp trong quân đội Trung Quốc gần đây vì tham nhũng làm dấy lên hy vọng ông Tập vẫn chưa tin tưởng vào khả năng chiếm Đài Loan nhanh chóng và với phí tổn chấp nhận được. Các yếu tố gần đây khác cũng có thể khiến Tập Cận Bình phải dừng lại, trong số đó có việc Nga đánh mãi vẫn không chiếm được Ukraine, Đài Loan phòng thủ chặt chẽ hơn và các liên minh quân sự ngày càng được siết chặt của Mỹ ở Châu Á. Nhất là những khó khăn về kinh tế và bất mãn xã hội khiến ông Tập phải chú tâm vào nội tình Hoa lục.
Tuy nhiên những quan điểm như vậy không được chia sẻ rộng rãi, một phần là do sự trở lại nắm quyền của Donald Trump khiến người ta nghi ngờ về sự bền vững của các liên minh với Hoa Kỳ. Chuyên gia Andrew Erickson, trường Hải chiến Mỹ lưu ý rằng các vụ bê bối tham nhũng trong quá khứ không ngăn cản được sự phát triển quân sự không ngừng của Trung Quốc. Ông nói : "Tập Cận Bình đã đạp mạnh chân ga và đổ đầy bình xăng".
Vũ khí nguyên tử chiến thuật đang bị bình thường hóa
Nhìn rộng ra trên thế giới, trong khi khắp nơi trên lo tăng cường kho vũ khí nguyên tử, ý tưởng một vụ "tấn công chiến thuật" đã trở nên hiện thực. Courrier International dành hồ sơ cho "Nguyên tử, hồi kết của sự cấm kỵ" trích đăng bình luận của báo chí quốc tế, cho rằng đây là bước ngoặt biểu hiện xu hướng chạy đua vũ trang hạt nhân trên thế giới.
Ngày 19/11, Kremlin công bố sắc lệnh về chủ thuyết nguyên tử mới của Nga, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí nguyên tử trong trường hợp bị tấn công. Từ nay, Nga có thể "đánh phủ đầu" dù quốc gia "xâm lược" không dùng vũ khí nguyên tử và cũng không phải là nước sở hữu loại vũ khí tối thượng này. Nếu lâu nay nỗi sợ một vụ Hiroshima mới, đồng nghĩa với tận thế, giúp làm bóng ma nguyên tử rời xa, thì nay sự cấm kỵ này đang dần bị phá vỡ. Bởi vì không còn là việc sử dụng những vũ khí khủng khiếp như Little Boy và Fat Man (hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki), mà là hỏa tiễn chiến thuật.
Và điều này làm thay đổi tất cả, vào lúc các hiệp ước hạn chế vũ khí, chống chạy đua vũ trang hạt nhân đã bị "quẳng vào thùng rác", như nhận xét của tờ Sunday Times. Bên cạnh các cường quốc nguyên tử Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, các quốc gia trung bình, từ Hàn Quốc đến Saudi Arabia tranh luận về khả năng sở hữu chương trình hạt nhân riêng. Trong bối cảnh căng thẳng cực độ ở bán đảo Triều Tiên và Trung Đông, nơi Israel, và Iran - sắp có được quả bom nguyên tử - công khai đối đầu, tình hình rất đáng lo ngại.
Giám đốc chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt của Stockholm International Peace Research Institute (Sipri), ông Wilfred Wan cảnh báo : "Chưa bao giờ thấy vũ khí nguyên tử đóng vai trò rộng rãi đến thế trong quan hệ quốc tế kể từ thời chiến tranh lạnh". Báo cáo cho biết số đầu đạn nguyên tử Trung Quốc chỉ trong một năm qua từ 410 đã tăng lên 500. Một sự bình thường hóa loại vũ khí đáng sợ này.
Thụy My