Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chỉ mất ba ngày để chiếm Aleppo, quân nổi dậy Syria có lật đổ được Assad ?

Les Echos ngày 02/12/2024 nhận xét, tiếng súng vừa lắng ở Lebanon sau 13 tháng xung đột giữa Israel và Hezbollah, thỏa thuận ngưng bắn nhìn chung được tôn trọng, thì lửa chiến tranh lại bùng lên ở nước láng giềng Syria. La Croix đặt câu hỏi, tương quan lực lượng ở Trung Đông sẽ như thế nào. Cuộc nội chiến đã hồi sinh, liệu phe nổi dậy có lật đổ được Bachar Al Assad ?

aleppo1

Một chiến binh phe nổi dậy đứng trên xe tăng phất cờ Hayat Tahrir al-Sham tại thị trấn Saraqeb, tây bắc Idleb, Syria ngày 01/12/2024. Reuters - Mahmoud Hassano

Đà tiến vũ bão gây hoang mang cho Damascus và đồng minh

Les Echos tóm tắt tình hình : Quân nổi dậy Hồi giáo và các nhóm liên kết sáng thứ Sáu đã chiếm được Aleppo, trừ các khu vực của người Kurdistan. Phi trường Aleppo rơi vào tay phe nổi dậy, phi trường Damascus đóng cửa, các trục đường nối Aleppo và vùng tây bắc Syria với thủ đô bị cắt đứt. Quân nổi dậy cũng chiếm được mấy chục địa điểm chiến lược ở tỉnh Idleb và Hama, tịch thu nhiều chiến lợi phẩm như phi cơ quân sự, trực thăng, xe tăng, đạn dược.

Libération ghi nhận nhiều video trên mạng xã hội cho thấy tượng Bassel Al-Assad, người cha quá cố của tổng thống Syria, đặt ở một quảng trường, đã bị kéo đổ, hay các tù nhân được trả tự do. Nỗi xúc động càng tăng khi nhiều gia đình của người tù không có tin tức gì về họ trong nhiều năm trời. Hai ngoại trưởng Sergey Lavrov của Nga và Hakan Fidan của Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn bạc với nhau, và bày tỏ quan ngại về "diễn biến nguy hiểm" ở Syria. Iran khẳng định "các phần tử khủng bố" đã tấn công lãnh sự quán của họ ở Aleppo, ngoại trưởng Abbas Araghtchi kêu gọi Moskva phối hợp và hôm Chủ nhật đã sang Syria.

Được biết Aleppo nằm gần Idlib, nơi tập trung các nhóm vũ trang cuối cùng đối lập với Bachar Al-Assad, và những người tản cư do những trận bom của chế độ. Idleb và vùng tây bắc Syria từ 2011 nằm trong tay Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm Hồi giáo đã chia tay với Al Qaeda và chống lại quân thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh-IS).

Phe nổi dậy đánh bóng lại hình ảnh trước dân chúng

Le Figaro cho biết người dân Aleppo vẫn trong cú sốc, vì họ lại phải sống dưới quyền của phe nổi dậy. Hàng triệu người Syria khi thấy hình ảnh những lá cờ của đối lập phấp phới ở Aleppo cứ ngỡ như sống lại thời kỳ 2011, theo La Croix. Vào những giờ đầu tiên, nhiều người chạy khỏi thành phố, số khác trốn trong nhà. Rồi khi bắt đầu ra đường, họ thấy quân nổi dậy canh gác ở các rào chắn, kiểm tra giấy tờ, nhưng không tỏ ra hung hăng.

Thiểu số Công giáo ngạc nhiên với vẻ ngoài khá ôn hòa nơi những ông chủ mới của thành phố lớn thứ nhì Syria. Một người dân nói với nhật báo Pháp qua WhatsApp rằng khi quân Hồi giáo chiếm Idleb cách đây mười mấy năm, họ đàn áp người Công giáo, nhưng hiện nay thì không. Họ nói chỉ muốn lật đổ chế độ, nhưng dân chúng vẫn nghi ngại. Quân nổi dậy có danh sách những người cần tìm kiếm. Thống đốc Aleppo và đa số viên chức đã trốn thoát được, nhưng số khác, như giám đốc tình báo quân sự, đã bị cắt cổ. Cuộc tấn công bất ngờ đã sắp lại những lá bài trong cuộc xung đột tưởng chừng đã đóng băng.

Một nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc thông thạo hồ sơ Syria lý giải với Le Figaro : Thổ Nhĩ Kỳ muốn đánh bóng hình ảnh phe nổi dậy trước đây, thế nên cho đến nay phe này không hà hiếp người Công giáo. Thủ lãnh HTS, Mohammed Al-Joulani, có tên trong danh sách khủng bố của Liên Hiệp Quốc, đang được Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng đẩy lên làm thủ lãnh phe đối lập. Libération nói thêm Al-Joulani khoảng 40 tuổi, sinh tại Deraa, thành phố nơi khởi đầu phong trào nổi dậy.

Osama Churbagi, giám đốc tổ chức nhân đạo Mars cho biết, từ sáu, bảy năm qua, Al-Julani cố gắng tạo ra hình ảnh mới văn minh hơn. Chiếc áo galabieh truyền thống được thay bằng bộ vét. Bên cạnh đó, theo chuyên gia Charles Lister, phe HTS những năm gần đây đã tạo dựng tại Idlib một chính quyền bán kỹ trị, với lực lượng cảnh sát, chương trình y tế… Họ làm việc trực tiếp với Liên Hiệp Quốc trong chương trình viện trợ cho 2 triệu người di tản, sửa đường sá, lập bưu điện… Churbagi nhận xét các tuyên bố của họ cũng cởi mở hơn trước: "Đó là quân thánh chiến chứ không phải các chiến binh dân chủ, nhưng hiện thời không phải họ đến để áp dụng luật Hồi giáo charia".

Chỉ trong 3 ngày, bàn cờ Trung Đông thay đổi

Nói về việc "chiến tranh quay lại với Syria", La Croix đặt câu hỏi, tương quan lực lượng ở Trung Đông sẽ được đặt lại như thế nào ? Liên minh các nhóm nổi dậy chỉ trong ba ngày đã kiểm soát được hầu hết Aleppo, thành phố lớn thứ nhì của Syria. Hồi năm 2016, chế độ Bachar Al Assad phải mất bốn năm mới đạt được mục tiêu này. Chiến thắng chớp nhoáng trên cho thấy tương quan lực lượng khu vực đã thay đổi như thế nào.

Quân đội Syria không còn động lực sau nhiều năm chiến tranh. Theo chuyên gia Fabrice Balanche, những người lính đã quá chán ngán với đồng lương chết đói, chỉ muốn được về nhà. Trong khi đó các đồng minh là Hezbollah và Iran đã yếu hẳn đi từ khi Israel tấn công vào nam Lebanon. Nga, đồng minh quan trọng khác của Damas, tuy cho phi cơ can thiệp nhưng hạn chế hơn trước. Bên cạnh đó là khoảng trống quyền lực ở Hoa Kỳ, đối thoại giữa Erdogan và Assad không có tiến bộ. Thế nên đây là cơ hội cho lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) từ căn cứ địa Idlib, với sự trợ giúp của Quân đội Quốc gia Syria (ANS), các phe thân Thổ Nhĩ Kỳ.

Khó thể đoán được chiều hướng sẽ ra sao. Tám năm sau thất bại, sự quay lại của phe đối lập vừa tạo ra hy vọng vừa gây sợ hãi ở Aleppo, nhất là 20.000 người Công giáo ở thành phố này. Các trận đánh quy mô đầu tiên kể từ 2020 còn làm rõ thêm sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc áp đặt tiến trình chính trị cho cuộc nội chiến Syria, sau 13 năm chiến tranh và nửa triệu người chết. La Croix trong bài xã luận mong rằng rốt cuộc quốc tế sẽ tỉnh thức, giúp người dân Syria không còn cảm giác bị bỏ rơi trong cuộc chiến vô vọng.

Liệu chế độ Assad sẽ bị lật đổ ?

Sự đột phá của phe nổi dậy làm trổi dậy một cuộc nội chiến chưa bao giờ bị dập tắt, liệu có thể lật đổ được Bachar Al Assad hay không ? Chuyên gia Fabrice Balanche trên La Croix cho rằng chế độ tuy yếu kém nhưng không dễ gì sụp đổ. Aleppo vốn là chiến thắng lớn của Putin, nên Moskva có thể không kích để đe dọa "nếu không rút khỏi Aleppo, sẽ san bằng Idlib". Ngược lại, cuộc tấn công này có lợi cho Israel. Syria là giao điểm chiến lược của việc hỗ trợ hậu cần và vũ khí của Iran cho Lebanon và các nhóm vũ trang Palestine. Trên lý thuyết, sự kiện này giúp phá vỡ trục Iran : Hezbollah không còn được tiếp tế và nếu quay lại chiến đấu ở Syria thì phải giảm lực lượng ở Lebanon. Phương Tây cũng được lợi nên tạm thời không còn gọi là phe "thánh chiến" mà là "nổi dậy".

Trả lời Libération, chuyên gia Joseph Daher, giáo sư thỉnh giảng đại học Lausanne, cho rằng "Cuộc phản công của chế độ lệ thuộc vào sự trợ giúp của Nga và Iran". Sức mạnh chính của Nga tại đây là về không quân. Nga oanh tạc thì được,nhưng ai sẽ chiến đấu trên thực địa ? Hồi 2016, Aleppo được tái chiếm bởi nhiều nhóm dân quân liên quan đến Iran và với sự hiện diện tượng trưng của quân đội Syria. Moskva sẽ phải hợp tác theo kiểu khác với Tehran. Iran có thể huy động nhiều loại dân quân và hỗ trợ về chuyên môn. Về phía Damascus, lực lượng tinh nhuệ nhất đang do Maher Al-Assad chỉ huy để bảo vệ thủ đô, nhưng không có khả năng chiếm lại Aleppo. Le Figaro lưu ý, tuy Tehran khẳng định tiếp tục ủng hộ Assad, nhưng các ăng-ten của Iran tại Syria có vẻ như đã biến mất.

Israel tập trung tiêu diệt nguồn cung vũ khí cho Hezbollah tại Syria

Le Monde nhận định "Syria là trung tâm của chiến dịch Israel nhằm ngăn cản Hezbollah tạo dựng lại kho vũ khí". Từ hai tháng qua, Nhà nước Do Thái không ngừng oanh tạc các kho đạn và các tuyến đường buôn lậu tại nước láng giềng, để vũ khí không thể chuyển sang, khi 3/4 số rốc-kết và hỏa tiễn của Hezbollah tại Lebanon đã bị phá hủy. Hồi tháng 9, một chiến dịch trực thăng vận đã tiêu hủy nhà máy Hair Abbas ở bắc Syria chuyên sản xuất hỏa tiễn chính xác của Vệ binh Cách mạng Iran, sau khi oanh tạc trung tâm nghiên cứu vũ khí Masyaf cũng liên quan đến Iran. Đó là nhờ Israel có được nguồn tin tình báo dồi dào. Theo chuyên gia Navvar Saban của Thổ Nhĩ Kỳ, tại Syria, phe Hezbollah phải phối hợp với nhiều nhóm khác nhau, chẳng có lý tưởng gì và dễ dàng nhảy sang phía khác vì tiền.

Les Echos dẫn lời Pierre Razoux, giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải, nói thêm, ngay từ đầu cuộc tấn công, tướng Kiumars Purhashemi, cố vấn cao cấp của Iran tại Aleppo đã thiệt mạng trong trận đánh giữa phe nổi dậy và quân chính phủ. Theo ông, rất có thể Israel đã đưa thông tin cho Thổ Nhĩ Kỳ về sự hiện diện của viên tướng lãnh và sau đó Thổ Nhĩ Kỳ chuyển cho quân nổi dậy. Việc ông Donald Trump đắc cử khiến người ta cho rằng quân Mỹ sẽ rút nhanh khỏi Syria và Iraq. Đây là tin xấu cho người Kurdistan, nhưng lại tuyệt vời cho Erdogan, vốn muốn dấn lên ở miền bắc Syria. Chắc chắn là cuộc tấn công này có được đèn xanh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bị Israel cảnh cáo, nhà độc tài Assad tránh xa "trục kháng chiến" Iran

Trong khi đó Le Monde nhận thấy Bachar Al-Assad hoàn toàn im lặng. Từ đầu chiến tranh Gaza, nhà độc tài tránh tham gia "trục kháng chiến" của Iran, vì quân đội Syria yếu kém và Israel đã nhiều lần cảnh báo về mối nguy hiểm - thậm chí cho cá nhân ông ta - nếu vượt qua một số lằn ranh. Các vụ oanh kích vào Damascus hay Lattaquié, hoặc vào biệt thự của em trai ông là Maher Al-Assad, là những lời cảnh cáo cụ thể. Thế nên tổng thống Syria có thái độ nước đôi, tuy phản đối việc Iran và tay sai dùng Syria làm căn cứ để tấn công Israel, nhưng lại làm ngơ cho việc chuyển vũ khí sang Lebanon. Ngược lại, Israel không tìm cách lật đổ chế độ, vì họ có thể tha hồ oanh kích Hezbollah và các đồng minh.

Tuy nhiên,về lâu về dài, nhà bình luận quân sự Ron Ben Yishaï của nhật báo "Yediot Aharonot", được Les Echos trích dẫn, lo rằng phe lên thay thế có thể còn tệ hơn Bachar Al Assad. Quân nổi dậy Hồi giáo Sunni tấn công chế độ Damascus cũng nguy hiểm không kém quân thánh chiến Shia do Iran đỡ đầu. Trong trường hợp chế độ Syria sụp đổ, một phần biên giới phía bắc Israel có thể bị "quái vật thánh chiến mới" đe dọa. Nhất là nếu phe nổi dậy lợi dụng lúc hỗn quân hỗn quan để chiếm các vũ khí chiến lược ở Syria như hỏa tiễn, sau đó dùng để tấn công Israel.

Nga đưa lính đánh thuê Houthi ở Yemen ra tiền tuyến Ukraine ?

Tại một chiến trường khác luôn ác liệt là Ukraine, Le Figaro lưu ý rằng "Moskva có thể đã tuyển mộ lính đánh thuê Houthi ở Yemen". Theo Financial Times, mấy trăm người Yemen đang ở Nga, cho thấy ý định của Putin tuyển lính nước ngoài vì số quân Nga tử trận quá lớn, được cho là mỗi ngày có đến 1.000 lính thương vong.

Chuyên gia về phương đông Ruslan Suleimanov, vừa từ Yemen trở về, cho hay, trong bối cảnh thất nghiệp tràn lan, người dân Yemen sẵn sàng làm mọi việc kể cả tham gia chiến tranh. Nhiều người đã hỏi ông liệu có thể đi đánh mướn cho Nga hay không. Nhật báo Anh ước tính 200 quân Houthi đã được nhận từ tháng 7, gởi sang Nijni Novgorod bên sông Volga để huấn luyện cơ bản trước khi đưa ra mặt trận Ukraine, và nhiều người trong số này đã tử thương. Một lính Houthi kể : "Chúng tôi luôn bị oanh kích, không có một phút nào ngơi nghỉ". Họ bị điều đi đào giao thông hào và hầm trú ẩn trong các khu vực đầy mìn.

Dí súng vào thái dương buộc ký hợp đồng ra trận

Như vậy bên cạnh người Nepal, Ấn Độ, 12.000 lính Bắc Triều Tiên, đã có thêm người Yemen làm bia đỡ đạn. Tại đất nước 33 triệu dân này, cứ 10 người dân thì có 6 người sống trong cảnh cực nghèo. Tổng sản phẩm nội địa giảm mất 54% từ khi phe Houthi nổi dậy chống chính quyền để "đấu tranh chống bá quyền phương Tây". Financial Times cho biết việc tuyển lính đánh thuê được thực hiện thông qua một công ty "du lịch" đăng ký ở Oman, do một chính khách Houthi có ảnh hưởng lớn điều hành.

Abdullah, một người Yemen, kể lại họ được hứa thưởng 10.000 đô la, lương tháng 2.000 đô la cộng với hộ chiếu Nga và việc làm trong một nhà máy chế tạo drone. Nhưng khi đến nơi, thay vì làm "bảo vệ" hay "kỹ sư", họ bị dí súng vào thái dương buộc ký hợp đồng ra tiền tuyến. Abdullah sợ quá đã ký, nhưng anh nằm trong số 11 người may mắn được hồi hương nhờ Liên đoàn di dân Yemen can thiệp.

Houthi còn giúp đưa lậu vào Nga các hỏa tiễn chống tăng có hệ thống dẫn đường 9M133 Kornet, súng trường AKS20U và nhiều loại vũ khí khác. Theo The Wall Street Journal, kẻ làm trung gian trong việc thương lượng giữa Kremlin và phe Houthi không ai khác hơn là tay lái súng Viktor Bout, bị bắt giam ở Hoa Kỳ rồi cho dẫn độ về Nga năm 2022 để đổi lấy cầu thủ bóng rổ Mỹ Brittney Griner.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

NATO ngậm bồ hòn làm ngọt trước thành viên ngỗ nghịch Thổ Nhĩ Kỳ (RFI, 25/10/2019)

Là một thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, nhưng mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ lại ngang nhiên đưa quân sang Syria tấn công vào đồng minh của khối trong cuộc chiến chống Daesh là lực lượng người Kurdistan, sau đó lại liên kết với Nga, đối thủ của khối, để kiểm soát vùng chiếm đóng. Trước các hành động trên, nhiều tiếng nói đã vang lên đòi trục xuất Ankara ra khỏi liên minh.

trungdong1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan (P) và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. YASIN BULBUL / TURKISH PRIME MINISTER PRESS OFFICE / AFP

Thế nhưng vào hôm qua, 24/10/2019 nhân cuộc họp đầu tiên của NATO từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân qua Syria, các lãnh đạo Liên Minh như đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận các lập luận của thành viên ngỗ nghịch, để khỏi bị mất đi một đồng minh chiến lược của toàn khối.

Theo hãng tin Pháp AFP, chính tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã xác nhận rằng tranh cãi đã bùng lên gay gắt giữa các thành viên NATO, mà theo các nhà quan sát là giữa các nước Phương Tây với Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, ông Jens Stoltenberg từ chối lên án các hành đông của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí tán thành "những lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia" mà Ankara đưa ra để biện minh cho sự can thiệp quân sự vào Syria.

Một nhà ngoại giao cấp cao tham gia cuộc họp đã nói thẳng thừng rằng NATO không thể trừng phạt hay trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ vì hai lý do : Một là trong điều lệ NATO không có thủ tục trục xuất, và hai là "NATO không muốn mất Thổ Nhĩ Kỳ vì đây là một đồng minh chiến lược".

Về giá trị chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong hệ thống bố phòng của khối NATO, trả lời câu hỏi của đài truyền hình Pháp BFMTV mới đây, ông Jean Marcou, giáo sư trường Khoa Học Chính trị (Sciences Po) ở Grenoble, đồng thời là chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh đến thực tế theo đó Ankara là cường quốc quân sự lớn thứ hai của NATO.

Bên cạnh đó, về mặt địa dư, Thổ Nhĩ Kỳ nhìn ra cả Hắc Hải lẫn Địa Trung Hải, là giao lộ của các luồng di cư và là cầu nối giữa Châu Âu và toàn bộ vùng Cận Đông.

Do vậy, theo giáo sư Jean Marcou, cho dù bị Ankara gây căng thẳng, Phương Tây không thể mạo hiểm cắt cầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ như đã hiểu rất rõ điều đó. Ngay từ trước khi nổ ra vụ tấn công vào Syria, Ankara đã phớt lờ các khuyến cáo của NATO để đăt mua hệ thống tên lửa S400 của Nga. Thế mà NATO vẫn không thể trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên bình diện pháp lý cũng vậy, NATO khó có thể đụng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trả lời đài truyền hình France24, nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier, thuộc Học Viện Địa Chính Trị Pháp và Viện Thomas More, cho biết là trường hợp trục xuất không hề được dự trù trong khối NATO. Dĩ nhiên là giới lãnh đạo NATO có quyền đề ra khả năng này, nhưng do vị trí địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, một quyết định trục xuất nước này có nguy cơ làm cho NATO suy yếu hẳn đi.

Vả lại, theo chuyên gia Mongrenier, dù chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào người Kurdistan ở Syria đặt ra một vấn đề đạo đức đối với NATO, nhưng chiến dịch này không gây tổn hại cho lợi ích thiết yếu của các thành viên NATO.

Chỉ cần Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành nghĩa vụ trong khuôn khổ phòng thủ chung, và đừng gây nên những chuyện quá đáng tại Syria, thì các thành viên còn lại của NATO sẽ chấp nhận sự đã rồi.

Nhìn chung, chính những tính toán chiến lược kể trên đã khiến cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhẹ tay với Thổ Nhĩ Kỳ cho dù nước này đã tỏ ra ngang bướng.

Theo giới quan sát, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan biết rất rõ điều đó, và trong thời gian sắp tới đây, ông sẽ tiếp tục đóng vai ngỗ nghịch, nhưng sẽ cẩn thận để không đi quá trớn.

Trọng Nghĩa

******************

Syria : Ankara và Damascus đấu khẩu tại Hội đồng Bảo an (RFI, 25/10/2019)

Washington thông báo sẽ tăng cường quân sự, hợp tác với lực lượng Dân chủ Kurdisatan-Syria FDS để bảo vệ các mỏ dầu hỏa ở miền bắc Syria. Tại Liên Hiệp Quốc hôm qua 24/10/2019, đại sứ của Damascus lên án Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược.

trungdong2

Một đoàn quân xa Thổ Nhĩ Kỳ ở Kilis gần biên giới Thổ-Syria, ngày 09/10/2019. Mehmet Ali Dag/ Ihlas News Agency (IHA) via Reuters

Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho 300.000 thường dân Kurdistan đi lánh nạn. Tình trạng nạn nhân chiến cuộc được thảo luận tại Hội đồng Bảo an ngày thứ Năm. Đại diện Syria và Thổ Nhĩ Kỳ làm bầu không khí căng thẳng.

Từ NewYork, thông tín viên Carrie Nooten tường thuật :

Lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an, các thành viên dường như đồng thuận với nhau trên hồ sơ Syria : cần phải có một hành lang nhân đạo an toàn ở vùng biên giới bắc Syria. Tất cả thành viên, kể cả nước Nga, tỏ ra hài lòng thấy được bước đầu của một giải pháp chính trị : Hội đồng (soạn thảo) Hiến pháp Syria sẽ họp trong vài ngày nữa đây tại Genève.

Thế rồi, khi cuộc họp của Hội đồng Bảo an đến những giờ cuối thì bầu không khí trở nên căng thẳng : Đại diện của Syria cực lực lên án Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược và kêu gọi mọi lực lượng ngoại nhập bất hợp pháp phải rút khỏi Syria. Đáp lại lời công kích này, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Hiệp Quốc khẳng định, đối với Ankara, "mục tiêu đích thực" của chiến dịch quân sự "Nguồn hòa bình" là để "tiêu diệt khủng bố" mà thôi, và không có ý đồ gây hấn với Damascus.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhân cơ hội phát biểu để công kích các nước Tây phương đang lo âu về viễn ảnh thánh chiến Hồi giáo trốn thoát : Ankara cam kết sẽ giam giữ nghiêm ngặt các chiến binh Daesh bị lực lượng Kurdistan-Syria bắt được và canh giữ trong thời gian qua, nhưng giải pháp hay nhất vẫn là đem các chiến binh Hồi giáo này về quê hương gốc.

Mỹ tăng quân tại Syria

Một viên chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ sẽ tăng cường quân sự cùng với lực lượng Dân chủ Kurdisatan-Syria FDS, bảo vệ các mỏ dầu hỏa ở miền bắc Syria, chống khủng bố Daesh. Diễn biến mới này chứng tỏ Hoa Kỳ không có ý định rút khỏi Syria. Trái lại, các đơn vị còn ở lại sẽ được tăng viện "ngăn chận Daesh và những phần tử gây rối" đánh phá trung tâm dầu khí. Theo AFP, hiện nay vẫn còn 200 binh sĩ Mỹ ở Deir Ezzor, miền đông Syria, gần biên giới Irak, nơi có khu mỏ dầu lớn nhất của Syria.

Trên thực địa, Tổ chức Nhân quyền Syria, một cơ quan phi chính phủ có mạng lưới quan sát đáng tin cậy cho biết thêm là lực lượng FDS đã rời một số căn cứ ở miền đông, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trái lại, nhiều đơn vị YPG, dân quân bảo vệ dân nhân Kurdistan mà Ankara xem là khủng bố, vẫn tiếp tục bám trụ dọc theo 440 km chiều dài biên giới.

Theo AFP, tuy lên án Mỹ phản bội, nhưng phe Kurdistan ở Syria vẫn giữ quan hệ tốt với Washington và phương Tây. Đại diện của FDS, ông Mazloum Abdi tuyên bố ủng hộ một đề xuất của bộ trưởng Quốc Phòng Đức, thành lập một vùng an toàn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở miền bắc Syria, một sáng kiến rất khó thực hiện vì Nga sẽ dùng quyền phủ quyết. Quân đội Nga hôm nay loan báo đưa thêm 300 biệt kích từ Tchetchenia sang vùng biên giới Syria.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Syria : Hệ quả khó lường vì Donald Trump lại bốc đồng

Syria rối loạn thêm vì Donald Trump thiếu chính chắn, Trung Quốc tức giận vì doanh nghiệp bị Mỹ trừng phạt, bị dân Hồng Kông tẩy chay. Tổng thống Pháp kêu gọi dân chúng cảnh giác đối phó với tình trạng "Hồi giáo lầm đường" xâm nhập là những chủ đề lớn trên báo Pháp hôm nay.

boc1

Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria trong buổi lễ ký hiệp định thương mại Mỹ-Nhật tại Nhà Trắng ngày 7/10/2019. Reuters/Kevin Lamarque

Donald Trump gây thêm hỗn loạn tại Syria và kinh ngạc tại Washington khi bất ngờ thông báo rút quân bỏ rơi đồng minh Kurdistan. Bị toàn bộ nghị sĩ Cộng hòa phản đối, chủ nhân Nhà Trắng vội vàng "sửa sai". Đích thân thượng nghị sĩ Lindsey Graham cảnh báo tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ không được vi phạm làn ranh đỏ, động binh đánh vào miền bắc Syria.

Quyết định rồi cải chính, một lần nữa tổng thống Mỹ Donald Trump gây một làn sóng chỉ trích. Le Figaro, trong bài "Paris lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Syria", nhận định chua chát : Tổng thống Mỹ đơn phương hành động, không thông báo cho Paris. Trong thế giới của Donald Trump, đồng minh không có ý nghĩa gì cả trừ phi có thể khai thác phục vụ chính trị nội bộ và tâm tính thất thường của chủ nhân Nhà Trắng.

Trong bài xã luận "Ngoại giao vô trách nhiệm của Donald Trump", Le Monde thẩm định trong số những tuyên bố bốc đồng, những hành động thiếu suy nghĩ, thay đổi như chong chóng của Donald Trump từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thì vụ "rút quân" ở Syria là điều gây tai hại hơn cả. Các nước đồng minh của Mỹ và chính quyền Mỹ chới với đã đành, đây là lần đầu tiên cả phe Cộng hòa cũng bất bình vì tổng thống Donald Trump đã làm suy yếu tiếng nói của siêu cường.

Ngoài sự kiện không tôn trọng lời hứa, tuyên bố muốn bỏ Trung Đông còn giúp cho khủng bố hồi phục trong bối cảnh khu vực hoang mang, rối loạn. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một trong những trụ cột của phe đa số Cộng hòa đã từng lên án nghiêm khắc : Dối trá lớn nhất của chính quyền (Trump) là khẳng định tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã chết.

Nếu Donald Trump dùng lá bài "rút quân" để kiếm phiếu thì hệ quả chuyện dối trá này có thể dẫn đến những hệ quả tai hại vô cùng. Donald Trump tự hủy hoại uy tín. Chuyện gì sẽ xảy ra trên chiến trường Syria và địa bàn Trung Cận Đông ? Chiến binh Kurdistan chuyển quân lên biên giới phía bắc. Pháp và Israel lo ngại chiến tranh lan rộng nếu Ankara và Tehran lợi dụng thời cơ.

Theo Le Monde, quyết định bốc đồng của tổng thống Donald Trump, như thói quen của ông, thoáng nghe qua thì thấy là một chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên đã ký một thỏa thuận vào ngày 07/08 lập một vùng an toàn ở địa đầu giới tuyến của Syria nhưng thật ra chẳng có thỏa thuận gì cả từ chiều sâu tính từ biên giới cho đến trách nhiệm quản lý.

Đây là một nhu cầu chính trị khẩn cấp, sinh tử của tổng thống Erdogan. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa 2 triệu người Syria, trong số 3,6 triệu nạn nhân chiến cuộc về nước. Không thực hiện được lời hứa lúc tranh cử làm đảng của ông bị mất rất nhiều phiếu. Vấn đề là tổng thống Erdogan muốn lập một vành đai trong ảnh hưởng Thổ Nhĩ Kỳ và tống khứ người Kurdistan-Syria đi nơi khác.

Về phần lực lượng Kurdistan-Syria, từ chiều thứ Hai (7/10), họ ra lệnh hạn chế việc đi lại ở vùng cực bắc để tránh hiện tượng dân chúng mất tinh thần, sơ tán trong rối loạn. Cho dù Washington đã khẩn cấp trấn an, cải chính tuyên bố rút quân, nhưng theo một chuyên gia Pháp, với các nhóm thánh chiến ẩn mình chờ cơ hội ra tay, miền bắc Syria sẽ khó mà bình yên.

Về quân sự, La Croix trích lời tướng Mazloum Abdi, chỉ huy trưởng lực lượng tự do Kurdistan FDS, cho biết "hàng ngàn chiến binh Kurdistan" đã được chuyển lên vùng biên giới. Bảo vệ lãnh địa Kurdistan từ nay quan trọng hơn là canh giữ 10.000 tù binh Daesh.

Hành động bốc đồng của tổng thống Donald Trump, theo La Croix, tạo tình trạng bất trắc cho Syria. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ động binh, cuộc chiến sẽ kéo dài không biết đến bao giờ. Không loại trừ kịch bản người Kurdistan- Syria sẽ quay sang hợp tác với chế độ Damascus. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh cũng lợi dụng thời cơ. Ba cường quốc cấp vùng là Thổ, Iran và Israel sẽ chia cắt Syria ra từng mảnh với Moskva là trọng tài.

Les Echos cũng có cùng nhận định : Ankara sẽ chiếm một diện tích dài 480 km, rộng 30 km để cho hồi hương cả 3,6 triệu người Syria. Mục tiêu mà một nhà ngoại giao Mỹ cho là "ước mơ điên rồ".

Còn theo Le Figaro, Israel tự hỏi có còn tin được Donald Trump hay không ? Liệu Iran chơi bạo dùng drone và tên lửa tấn công trước như kịch bản Saudi Arabia ?

Trung Quốc trong tầm ngắm mới của Mỹ

Công ty và cơ quan Trung Quốc bị Mỹ đưa và danh sách đen vì tham gia vào chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Quyết định của Mỹ mang ý nghĩa gì, hệ quả ra sao ? Tại Hồng Kông, để trả đũa Bắc Kinh can thiệp, phong trào dân chủ nhắm vào cơ sở thương mại thân Bắc Kinh hoặc chủ nhân là người Hoa lục.

Trước hết, danh sách 28 thực thể, trong đó có cơ quan Công an Tân Cương, một loạt công ty nhà nước chế tạo, sản xuất máy móc, linh kiện cho hệ thống theo dõi sinh hoạt người dân một cách "bệnh hoạn" bị Mỹ cho vào sổ đen là một lời cảnh cáo : "Hoa Kỳ không thể dung thứ hành động trấn áp thô bạo các sắc tộc thiểu số ở Trung Quốc". Ý nghĩa thứ hai là nhắm vào các doanh nghiệp Tây phương đối tác với Mỹ khiến họ phải suy nghĩ, chọn lựa chơi với ai. Nhà phân tích Antoine Bondaz giải thích với Libération.

Les Echos cho biết chi tiết những công ty nào của Trung Quốc, trong lãnh vực gì sẽ bị trừng phạt. Thí dụ như Hikvision chế tạo camera, trị giá trên sàn giao dịch là 42 tỷ đôla, Đại Hoa, cũng chế tạo camera và bốn công ty chuyên môn về thông minh nhân tạo. Vào danh sách đen có nghĩa là không được nhập khẩu linh kiện từ Hoa Kỳ.

Nhiều nhóm đã lên tiếng than phiền bị Hoa Kỳ trừng phạt "thiếu cơ sở" làm cho hoạt động thương mại rắc rối hơn. Megvii Technology, một công ty con của Alibaba là trường hợp điển hình. Theo Les Echos, chắc không phải ngẫu nhiên mà bộ thương mại Mỹ, làm hài lòng các tổ chức nhân quyền, ra danh sách đen vào lúc phái đoàn thương lượng Trung Quốc sắp đến Washington. Bắc Kinh lên án Mỹ gây áp lực can thiệp vào nội tình Trung Quốc ở Tân Cương và Hồng Kông.

Hồng Kông : Phong trào dân chủ nhằm vào túi tiền doanh nghiệp thân Bắc Kinh

Từ Hồng Kông, thông tín viên của Libération cho biết các doanh nhân Hoa lục nổi trận lôi đình vì phương án đấu tranh có chọn lựa mục tiêu của phong trào biểu tình. Chiến thuật mới là "định vị" các cơ sở mà chủ là người Trung Quốc từ công ty cho đến quán ăn. Cuối tuần qua, khẩu hiệu "nếu chúng tôi bị đốt thì quý vị bị cháy theo" đã được thi hành triệt để.

Trước hết là công ty xe điện ngầm, cho đến gần đây là niềm hãnh diện về giao thông công cộng của Hồng Kông. Nhưng từ khi bị Bắc Kinh lên án chở người biểu tình, ban giám đốc đóng cửa một số trạm gần địa điểm nhạy cảm, Metro Hồng Kông bị cáo buộc làm tay sai cho Trung Quốc : công ty cộng sản rác rưởi là những chữ đỏ được vẽ trên tường ở trạm Tseu Kwan O.

Bên cạnh đó, phe tranh đấu kêu gọi thành viên đánh vào túi tiền doanh nhân Hoa lục, tẩy chay sản phẩm. Bỏ điện thoại Hoa Vi mua Samsung, bỏ mạng China Mobil dùng các mạng Hồng Kông, không dùng cà phê Pacific và nhà hàng McDonald do một công ty nhà nước Trung Quốc quản lý.

Những quán ăn thân Bắc Kinh bị ghi dấu xanh dương, theo phe dân chủ là màu vàng. Nhà hàng, siêu thị ủng hộ Trung Quốc bị tấn công không nương tay bằng bích chương, bằng sơn. Công ty của Trung Quốc thì bị đốt. Theo Libération, 1.500 công ty quốc tế tại Hồng Kông đi dây giữa áp lực của đảng cộng sản Trung Quốc một bên, và bên kia là phong trào dân chủ. Theo bên này thì sợ bên kia trả thù.

Theo một thăm dò ý kiến do các viện đại học thực hiện cuối tháng 9, phương thức đấu tranh triệt để vẫn được đa số người tham gia phong trào phản kháng ủng hộ cho dù gây thiệt hại kinh tế cho Hồng Kông.

Pháp : Nỗi lo Hồi giáo cực đoan len vào cảnh sát

Trong tang lễ bốn nhân viên cảnh sát Pháp bị một đồng nghiệp theo đạo Hồi đâm chết, tổng thống Pháp kêu gọi mọi công dân, mọi công chức động viên "chống Hồi giáo lầm đường" mà ông gọi là "con rắn 9 đầu" theo huyền thoại Hy Lạp.

"Thông điệp cứng rắn" của tổng thống Macron kêu gọi quốc dân đoàn kết chống Hồi giáo khủng bố chắc chắn sẽ được ủng hộ. Động viên dân chúng chống lại một loại Hồi giáo "biến dạng thành khủng bố và sát nhân" là hành động chính đáng. Nhưng điều quan trọng nhất là tìm căn nguyên vì sao có sơ sót trong các biện pháp sàn lọc, kiểm soát để một kẻ cuồng tín có thể xâm nhập vào một cơ quan trọng yếu của an ninh.

La Croix nhận định tương tự : "Tổng thống Pháp kêu gọi chống đạo Hồi lạc lối và nhấn mạnh cần phải cảnh giác chứ không xem ai theo đạo Hồi đều đáng bị nghi ngờ. Vấn đề là vụ thảm sát đã đặt cộng đồng Hồi giáo vào vị thế khó xử. Bị cực hữu lên án rồi lại bị tín đồ bên trong làm tổn thương uy tín. Một tín đồ điên cuồng đến mức giết một loạt bốn đồng nghiệp ngay tại nơi được an ninh tối đa".

Nhật báo công giáo kêu gọi cộng đồng Hồi giáo nên tự vấn vì sao một con người theo đạo có thể hành động dã man nhân danh đạo của mình ? Có như thế, tín đồ mới không bị đồng hóa với khủng bố. Nếu cộng đồng Hồi giáo không làm công việc tự vấn này thì "phía ngoài" sẽ bắt họ làm với những nguy cơ trói buộc.

Hai nhật báo Pháp hàm ý sau vụ thảm sát vừa qua, sau tuyên bố cần đối phó với "con rắn 9 đầu" của tổng thống Pháp, chính phủ sẽ có những biện pháp khắt khe trong việc tuyển dụng nhân viên, liên quan đến tôn giáo.

Giải Nobel 2019

Le Monde trở lại với giải Nobel Y học 2019 còn Le Figaro giới thiệu công trình khám phá vũ trụ, phát hiện hành tinh ngoài hệ mặt trời, Nobel Vật lý 2019

Le Monde chào mừng khám phá "cách tế bào tiếp thu" Oxy tùy theo trong môi trường có nhiều hay ít" và que trung gian cơ chế vận hành có tên là HIF-1. Đây là công trình của các giáo sư Gregg Semenza, William Kaelin, người Mỹ và Peter Ratcliff, người Anh vào thập niên 1990 và 2000. Ba vị tân khôi nguyên Nobel Y học 2019 sinh năm 1956,1957 và 1954.

Từ đó đến nay đã có hai ứng dụng cụ thể : Thuốc điều tiết EPO và VEGF chống tình trạng thiếu dưỡng khí đã có. Loại thứ ba, điều tiết cơ chế vận hành HIF-1 sắp được hoàn tất : Hoặc để kích thích tiểu mạch máu trong trường hợp cơ tim thiếu máu, hoặc để phong tỏa oxy để trị khối u ung thư.

Nobel Vật lý 2019 cũng được chia cho ba nhà vật lý vũ trụ. James Peebles, người Mỹ 84 tuổi. Hai đồng nghiệp còn lại là người Thụy sĩ Michel Mayor,77 tuổi và Didier Queloz, 53 tuổi.

Cách nay 24 năm, ba vị đã tìm ra một hành tinh quay xung quanh một "mặt trời" như mô hình trái đất trong thái dương hệ, nằm cách chúng ta 42 năm ánh sáng. Từ đó đến nay, khám phá này đã tạo hứng khởi cho hàng ngàn nhà nghiên cứu vũ trụ đi tìm "thế giới" giống hành tinh xanh và đã phát hiện hơn 4000 "hành tinh" đã được xác nhận và 2000 đang được kiểm chứng. Điều này làm tăng hy vọng là loài người không đơn côi trong vũ trụ bao la này. Đại học Genève, Thụy sĩ, được xem là "tiên phong" trong nỗ lực đi tìm sự sống trong vũ trụ.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Syria : Sự phản bội của Trump

Một mình chống lại tất cả, hay gần như tất cả. Trên đây là câu mở đầu trong bài xã luận của báo Le Monde "Syria : Sự phản bội của Trump". Tổng thống Mỹ đã ra lệnh rút quân đội khỏi Syria.

syria1

Lính Mỹ tuần tra tại khu vực Kurdistan Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh ngày 04/11/2018 - Reuters

Hôm 19/12, chủ nhân Nhà Trắng viết trên Twitter : "Chúng ta đã thắng tổ chức Nhà nước Hồi giáo". Rồi sau đó, trong một đoạn video, tổng thống Donald Trump nói : "Chúng ta đã chiến thắng. Đã đến lúc các đội quân của chúng ta trở về nhà. Tất cả họ sẽ trở về, và họ sẽ về ngay từ bây giờ".

Khi nhắc đến 2.000 quân nhân Mỹ đóng ở Syria, Donald Trump cho thấy ông đang thực hiện một trong các lời hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nguyên thủ Mỹ cũng dự kiến rút một nửa số quân khỏi Afghanistan. Kể từ khi tổng thống George W.Bush chọn cách đáp trả vụ tấn công 11/09/2011 bằng các cuộc chiến, hai tổng thống kế nhiệm là Barack Obama và Donald Trump đã đắc cử với lời hứa ngưng can thiệp quân sự vào Afghanistan.

Nhưng theo Le Monde, vấn đề nằm ở chỗ quyết định của tổng thống Trump, trong tình trạng xung đột hiện nay, là vô cùng nguy hiểm. Trái ngược với những điều mà ông khẳng định, tổ chức Nhà nước Hồi giáo chưa bị đánh bại. Từ hai năm nay, Daesh mất các thành phố và vùng lãnh thổ đặt căn cứ địa, nhưng thủ lĩnh Daesh, Abou Bakr Al Baghdadi vẫn còn sống. Daesh vẫn còn 20.000-30.000 chiến binh ở vùng biên giới Iraq - Syria.

Một vấn đề khác là quyết định của chủ nhân Nhà Trắng chỉ làm hài lòng một bên là Moskva, Tehran, Damascus và bên kia là Ankara. Tuy nhiên, không ai trong liên quân chống Daesh hài lòng. Và chính Washington lại là nơi Donald Trump bị phản đối nhiều nhất. Bộ trưởng quốc phòng James Mattis và đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại liên minh chống Hồi giáo cực đoan, Brett McGurt, đã ngay lập tức từ chức.

Mọi chuyện diễn ra cứ như thể Donald Trump đã quyết định một mình, mang lại lợi ích cho Moskva và Ankara, mà không thương lượng đổi chác điều gì. Tổng thống Nga Valdimir Putin, người từng nhận xét "Donald có lý", mới là người chiến thắng. Còn về Recep Erdogan, chính sau khi bàn luận với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mà Donald Trump thông báo quyết định rút quân khỏi Syria : Thổ Nhĩ Kỳ trở thành "cánh tay vũ trang" của Mỹ trong cuộc chiến chống Daesh ở Syria. Đổi lại, Erdogan được Trump bật đèn xanh cho phép tiêu diệt dân quân Kurdistan.

Le Monde nhận định quyết định của Donald Trump thật đáng xấu hổ, đó là "một sự phản bội". Lực lượng dân quân Kurdistan đã từng là đồng minh tốt nhất của liên quân quốc tế chống Daesh ở Syria. Dân quân Kurdistan vẫn ngày ngày chống phiến quân Hồi giáo cực đoan, giữ không cho hàng ngàn chiến binh Daesh tỏa ra khắp thế giới, nhất là không để họ thâm nhập vào Châu Âu. Bị Hoa Kỳ bỏ rơi, dân quân Kurdistan sẽ rơi vòng kìm kẹp của Ankara và Damascus.

Bài xã luận của Le Monde kết luận là giờ đây, ai cũng lường trước một điều : lời nói của tổng thống Mỹ không có nghĩa lý gì. Quý vị có thể tham gia vào một cuộc chiến mà cả thế giới nhìn nhận là chính đáng, mất hàng ngàn chiến binh, rồi sau đó bị bỏ rơi, chỉ đơn giản bằng một tin Twitter. Sự phản bội này là một tin tức tốt đẹp nhất mà phong trào Hồi giáo cực đoan mong chờ từ bao lâu nay.

Trung Quốc dự kiến ngưng kiểm soát tỉ lệ sinh đẻ

Nhìn sang Châu Á, trong lĩnh vực xã hội, báo Le Figaro cho biết "Bắc Kinh dự kiến ngưng kiểm soát chuyện sinh con từ năm 2019". Bốn mươi năm sau khi ban hành chính sách một con gây nhiều tranh cãi, rất có thể chính quyền Trung Quốc lại xóa bỏ hoàn toàn những quy định hạn chế số con của mỗi gia đình. Theo một tờ báo pháp luật của nhà nước, Bắc Kinh đang chuẩn bị thay đổi bộ luật dân sự, bỏ điều khoản liên quan đến kiểm soát sinh đẻ. Theo dự kiến, luật mới sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2020. Tuy nhiên, một số chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ hủy bỏ mọi quyết định về hạn chế số con trong các gia đình ngay từ năm 2019.

Chính sách một con được ban hành năm 1979 nhằm tránh việc dân số tăng quá nhanh, kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, mọi chuyện đã chệch hướng một cách khủng khiếp, chẳng hạn nhiều người bị cưỡng ép triệt sản hay phá thai. Không những thế, chính sách một con còn đẩy mạnh tốc độ lão hóa dân số. Vào cuối năm 2013, chính phủ đành phải điều chỉnh chính sách, cho phép những gia đình - mà một trong hai phụ huynh là con một - được sinh con thứ hai. Từ đầu năm 2016, theo quy định mới, mọi gia đình ở Trung Quốc đều có thể sinh 2 con.

Tuy nhiên, Le Figaro nhận định Trung Quốc đang phải đối mặt với "một quả bom nổ chậm". Theo dự báo của nhà chức trách nước này, vào năm 2050, 35% dân số Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi. Tình trạng này sẽ làm suy yếu hệ thống y tế, hưu trí và đe dọa nền kinh tế quốc gia.

Trong khi đó, các quy định mới về dân số lại chưa thể phát huy ngay tác dụng. Tỉ lệ sinh tăng mạnh vào năm 2016, rồi lại giảm trong năm 2017. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Hiệp hội phụ nữ Trung Quốc thực hiện năm 2016, hơn 53% số hộ gia đình có 1 con không muốn sinh thêm con, do chi phí giáo dục, chăm sóc sức khỏe và chi phí cho nhà ở quá cao.

Theo nhiều chuyên gia, để tỉ lệ sinh tăng trở lại, cần có những cải cách triệt để về mọi mặt, như chế độ an sinh xã hội phải có tác dụng khuyến khích người dân sinh con, giảm chi phí nhà cửa, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, chế độ nghỉ thai sản cho người làm công ăn lương phải do Nhà nước chứ không phải chủ doanh nghiệp gánh vác …

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng phải mất 30-50 năm thì các biện pháp mới phát huy tác dụng, bởi vì chính sách kế hoạch hóa gia đình trong gần 40 năm qua đã phá hủy cơ cấu dân số của Trung Quốc. Và các vấn đề không thể được giải quyết "chỉ trong ngày một, ngày hai".

Châu Âu : Vì sao doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động ?

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos tìm hiểu tại sao "Tình trạng thiếu việc làm ngày càng phổ biến ở Châu Âu". Trong khi nhiều nước Nam Âu như Ý, Tây Ban Nha đang cố gắng giảm tỉ lệ thất nghiệp thì tại nhiều nước Bắc Âu và Đông Âu, dù việc làm không thiếu, nhưng các doanh nghiệp đều than phiền ngày càng khó tuyển dụng lao động. Ẩn sau hiện tượng này không hẳn là do nền kinh tế tăng trưởng kém, mà chủ yếu là vấn đề "thất nghiệp do cơ cấu".

Ở Đông Âu, Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech là những nước có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao ở Châu Âu. Nhưng tình trạng lão hóa dân số, kèm theo đó là làn sóng người lao động chạy sang Tây Âu tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn, đã khiến các nước Đông Âu thiếu nhân công. Giới chuyên gia đề xuất nhiều biện pháp, chẳng hạn tăng lương, giảm thuế cho lao động có thu nhập thấp và tiếp nhận di dân quốc tế một cách có tổ chức để bù đắp thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ các nước này vẫn từ chối giải pháp tiếp nhận lao động nhập cư.

Còn ở Tây Âu, Bắc Âu, các nước Phần Lan, Áo, Đức vốn có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất Châu Âu, lại là những quốc gia đầu tiên mà các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng khó tuyển dụng lao động trên diện rộng, trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ y tá tới kỹ sư. Tại Đức, dân số già cũng khiến tình trạng thiếu lao động thêm nghiêm trọng. Chính phủ Đức mới đây đã phải thông qua dự luật tạo điều kiện thuận lợi để các di dân có trình độ, tay nghề được tham gia thị trường lao động ở Đức, kể cả người nhập cư tới từ các nước ngoài Liên Hiệp Châu Âu.

Có một nghịch lý là ngay tại các nước Nam Âu vốn có tỉ lệ thất nghiệp cao, thì việc tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn. Đó chính là tình trạng tạm gọi là "thất nghiệp cơ cấu", có nghĩa người lao động thiếu năng lực, kỹ năng làm việc nên khó được tuyển dụng. Giám đốc nghiên cứu của Natixis nhấn mạnh chính ở các nước có tỉ lệ thất nghiệp cao như Tây Ban Nha, Ý và Pháp, tỉ lệ thất nghiệp cơ cấu cũng rất cao. Tăng trưởng kinh tế không thể giải quyết được vấn đề này, giải pháp là phải cải cách mạnh mẽ giáo dục, đào tạo.

Tựa trang nhất các báo Pháp

Báo Le Monde nhận định "Tại Châu Âu, sự thụt lùi của các đảng lớn làm suy yếu chính phủ của các nước". Có 14/28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu có chính phủ liên minh mà các thành viên đều không có đa số tại Quốc hội. Từ Anh Quốc, Thụy Điển, đến Bỉ và Tây Ban Nha, tình trạng này bộc lộ sự bấp bênh, mong manh của các đại diện chính trị. Một trong các nguyên nhân là sự suy tàn của các đảng truyền thống, bảo thủ, Dân Chủ - Thiên Chúa giáo hay Xã Hội - Dân Chủ. Theo chính trị gia người Bỉ, Pascal Delwit, thực trạng này cũng là hậu quả của sự lớn mạnh của các đảng phái theo khuynh hướng cực đoan.

Quan tâm tới thời sự nước Mỹ, báo Libération chạy tít : "Trump : Người gây hại cho Wall Street". Trong khi tình trạng shutdown đe dọa nền kinh tế Mỹ, tổng thống Mỹ gây ra nỗi ngờ vực cho các thị trường và gợi lên nỗi ám ảnh về một cuộc khủng hoảng.

Báo công giáo La Croix nhìn vào thế khó của Pháp sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quân khỏi Syria : "Vấn đề người Kurdistan : Thế tiến thoái lưỡng nan của Pháp". Quyết định của Trump khiến liên quân quốc tế chống Daesh ở Syria tan rã. Sự can thiệp của riêng nước Pháp không đủ để bảo vệ người Kurdistan.

Trong khi đó, báo Le Figaro chú ý đến sự trở lại của nhà văn Houellebecq. Trong cuốn tiểu thuyết thứ bảy của ông mang tên Serotonin, tác giả Houellebecq đưa người đọc về vùng nông thôn Pháp ngày nay, vẫn với một cái nhìn phê phán về sự vận động của xã hội.

Còn báo kinh tế Les Echos chú ý đến tiền ảo. Giá trị của bitcoin sụt giảm 80% một cách nhanh chóng, nhanh không kém gì so với khi đồng tiền ảo này tăng giá chóng mặt hồi năm 2017.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Syria : Sáu lý do để Nga tiếp tục bảo vệ chế độ Bachar al-Assad (RFI, 18/04/2018)

Loạt tấn công của Anh-Pháp-Mỹ vào ba cơ sở được cho là liên quan đến việc nghiên cứu và tàng trữ vũ khí hóa học tại Syria của chế độ Damascus khiến Nga giận dữ. Bẩy năm kể từ khi cuộc chiến nổ ra tại Syria, điện Kremlin luôn ủng hộ chế độ cầm quyền.

syria1

Nga và Syria phân phát lương thực, bên trên là chân dung các nhà lãnh đạo Tchechnya, Nga và Syria, tại Abu al-Duhur, ngày 04/04/2018. George OURFALIAN / AFP

Về mặt chính thức, Nga hỗ trợ Damascus trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, nhưng trên thực tế, Moskva đang cứu chế độ Bachar al-Assad. Sau một thập kỷ rút khỏi trường quốc tế khi Liên Bang Xô Viết tan rã, Nga đã nối lại chính sách can thiệp có từ thời các Sa hoàng. Theo giải thích của trang Journal du Dimanche (JDD, 16/04/2018), tham gia vào cuộc xung đột tại Syria, Nga theo đuổi 6 mục đích khác nhau :

1. Nga muốn thể thiện là nước bảo vệ cộng đồng Cơ Đốc giáo Đông Phương

Để biện minh cho hành động tham chiến, Nga thường xuyên nêu mối đe dọa đè nặng lên cộng đồng Cơ Đốc giáo Đông Phương. Tại Syria, khoảng 7-9% dân số là giáo dân. Theo nhà sử học Frédéric Pichon, tác giả cuốn "Syria : thách thức nào đối với Nga ?", cách thể hiện vai trò của điện Kremlin và Tòa Thượng phụ Chính thống Moskva "biến Nga thành nước che chở truyền thống cho các cộng đồng Cơ Đốc giáo thiểu số trong thế giới Ả Rập".

2. Lợi ích kinh tế Nga tại Syria, quan trọng nhưng không hẳn quyết định

Nga có hai căn cứ quân sự tại Syria : cảng Tartus là nơi neo đậu duy nhất của Nga hướng ra Địa Trung Hải và cũng là cửa ngõ duy nhất dẫn ra các vùng "biển nóng" ; căn cứ không quân Latakia là cũng là lối vào khu vực Trung Đông của Nga.

Điện Kremlin còn muốn ngăn chặn ý đồ của Qatar xây dựng một đường ống dẫn khí đi qua Syria vì đường ống này có thể cạnh tranh với khí đốt của Nga tại Châu Âu. Ngoài ra, chế độ Bachar al-Assad cũng là một khách hàng vũ khí quan trọng của Moskva.

Tuy nhiên, theo đánh giá của sử gia Frédéric Pichon, đây là "một thách thức quan trọng, nhưng không hẳn là trọng yếu" vì lợi ích kinh tế của Nga tại Trung Đông dường như không quan trọng bằng vị trí chiến lược của vùng này đối với phương Tây, kể cả đối với việc xuất khẩu khí đốt.

3. Ngăn tình hình bất ổn ở Syria lan đến các nước láng giềng của Nga

"Nga lập luận rất nhiều về vùng đệm. Nhưng trước hết, Nga muốn chú ý đến các nước lân cận và kiểm soát tình hình bất ổn ở những nước này", theo nhận định của nhà nghiên cứu Isabelle Facon, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược. Điện Kremlin quan niệm rằng tình hình tại Trung Đông rất có nguy cơ "thành vết dầu loang tại Trung Á và vùng Kavkaz, nằm sát sườn Nga. Đây là luận điểm không đáng tin cậy nhưng Nga luôn viện vào cớ này".

Vì vậy, mục tiêu giảm đà phát triển của Hồi Giáo cực đoan trong khối hậu Xô Viết không chỉ còn là một cái cớ. "Đối với Nga, tình hình bất ổn ở Trung Đông có liên quan đến an ninh cho nước Nga và các nước láng giềng", vẫn theo giải thích của bà Facon. Đó là chưa kể đến các nhóm thánh chiến hiện diện trên lãnh thổ Nga và ở các nước Cộng hòa Xô Viết cũ. Chính vì những lý do này, tổng thống Putin cho rằng làn sóng Cách mạng Mùa xuân Ả Rập là một mối đe dọa cho an ninh của Nga.

4. Nga không muốn chỉ là "cường quốc trong khu vực"

Năm 2014, tổng thống Barack Obama đã khiến điện Kremlin tức giận khi đánh giá Nga là "một cường quốc trong khu vực" đang mất ảnh hưởng. Tham chiến vào Syria là cách trực tiếp phản đối phát biểu trên và cũng là một lời cảnh báo : "Chúng tôi là một cường quốc có tầm cỡ thế giới, có thể can thiệp khi lợi ích bị thách thức".

Nước Nga của tổng thống Putin đang tìm cách lấy lại vị thế trong trật tự quốc tế mà Nga từng bị loại khi Liên Bang Xô Viết tan rã. Điện Kremlin tìm cách thu hẹp sự hiện diện khắp nơi của Mỹ để phát triển một thế giới đa cực. Và để làm được việc này, Nga cần nhiều đối tác như với Syria, Iran, Trung Quốc…

Khi can thiệp vào Syria, Nga cũng muốn buộc phương Tây phải đối thoại với mình. Tuy nhiên, kết quả lại không như mong đợi vì "phương Tây vẫn không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và vẫn chưa quên hồ sơ Ukraina".

5. Lo sợ thay đổi chế độ trong vòng ảnh hưởng của Nga

Một kịch bản mà Nga muốn tránh bằng mọi giá : thay đổi chế độ Syria hiện nay. Đây cũng là "chiến mã của Moskva trong cuộc xung đột Syria", theo sử gia Frédéric Pichon. Còn nhà nghiên cứu Isabelle Facon nhận định : "Đối với Nga, các nước phương Tây một lần nữa lại theo đuổi chiến dịch thay đổi chế độ từ nhiều năm gần đây, như các cuộc cách mạng mầu (ở Gruzia, Ukraina, Kirghizistan, Belarus, Lebanon), lật đổ chế độ ở Iraq, Libya…". Tất cả những sự kiện này, đều có vai trò của phương Tây, đã đẩy xa những nước trên khỏi vòng ảnh hưởng của Nga.

Vẫn theo bà Facon, "ý nghĩ một nước phương Tây chấm dứt các chế độ không theo "tiêu chí" của họ ngày càng trở nên quan trọng với Nga". Những ý đồ này lại càng mất uy tín trong mắt Nga khi mà các chế độ được dựng lên, tại Iraq hay Libya chẳng hạn, cũng không phải là những nền dân chủ từng được hứa hẹn để biện minh cho các chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây.

6. Nga bác bỏ ý đồ "can thiệp để bảo vệ" của phương Tây

Ngoài nỗi sợ mất ảnh hưởng, một cuộc xung đột về giá trị cũng được tiến hành trong cuộc chiến tại Syria. Nga tỏ ra rất nghi ngờ về những giới hạn "trách nhiệm bảo vệ", lý do được phương Tây đưa ra để giải thích các tình huống can thiệp. Vì theo Nga, những tiêu chí được đưa ra quá bấp bênh.

Nga rút kinh nghiệm từ cuộc chiến tại Libya. Thay vì sử dụng quyền phủ quyết như mọi lần, Nga đã quyết định bỏ phiếu trắng về dự thảo nghị quyết lập vùng cấm bay tại Libya với điều kiện là nghị quyết này không nhằm lật đổ chế độ. Với điện Kremlin, vụ xử tử tổng thống Muammar Kadhfi là sự vi phạm nghị quyết trên. Từ đó, Nga luôn phủ quyết mọi hành động được tiến hành dưới danh nghĩa của Liên Hiệp Quốc tại Syria.

************************

Các bằng chứng khó chối cãi về việc chế độ Syria sử dụng vũ khí hóa học (RFI, 18/04/2018)

Ba ngày sau cuộc không kích trả đũa của phương Tây hôm 14/04/2018, các thanh tra của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC) rốt cuộc đã đến được Syria hôm 17/4. Họ làm nhiệm vụ tại thành phố Douma, nơi xảy ra vụ tấn công được cho là bằng hóa học, làm khoảng 40 người chết.

syria2

Khám nghiệm các trẻ em tại một bệnh viện ở Douma, Đông Ghouta sau vụ tấn công hóa học ngày 07/04/2018.White Helmets/Handout via Reuters

Theo báo Le Monde, tổng hợp từ các nguồn khác nhau, cho đến nay, Syria và Nga viện cớ "vấn đề an ninh" để cấm các thanh tra vào. Tuy vậy các "vấn đề an ninh" này không ngăn trở được các nhà báo của đài truyền hình Thụy Điển TV4 đến được hiện trường phỏng vấn cư dân. Một người sống sót cho biết : "Chúng tôi trú ẩn dưới tầng hầm. Vật thể đã rơi trúng tòa nhà vào lúc 19 giờ. Chúng tôi vội chạy ra ngoài, còn phụ nữ, trẻ em ở lại bên trong. Không ngờ tòa nhà tỏa đầy hơi độc, những ai ở bên trong đều chết cả".

Một người láng giềng kể với ê-kíp truyền hình Mỹ CBS cũng đến được hiện trường : "Bỗng dưng khí độc có mùi chlore lan tỏa xung quanh chúng tôi, không thể thở được".

Hình ảnh một trong hai quả bom khí độc rơi trúng nóc tòa nhà mà lực lượng Mũ Trắng quay được vẫn luôn hiện diện trên truyền hình Thụy Điển và truyền hình Mỹ CBS, chín ngày sau vụ tấn công. Một phóng viên Thụy Điển khi vào trong tòa nhà cho biết ngửi thấy mùi rất nồng nặc, cổ họng bị rát. Ngược lại báo chí Nhà nước Syria vốn tha hồ ngang dọc thành phố, khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Damascus có liên quan.

Vì sao chính quyền Pháp chắc chắn đây là tấn công hóa học ?

Chỉ có một ê-kíp của quân đội Nga đến Douma chớp nhoáng hôm 9/4 để xem xét một trong hai địa điểm có nhiều nạn nhân nhất. Moskva nói rằng đã lấy các mẫu thử, và hôm 11/4 khẳng định không có chất độc nào được sử dụng tại Douma, kết tội lực lượng Mũ Trắng đã "dàn dựng" vụ tấn công - kiểu quy chụp quen thuộc của Nga.

Paris hôm 14/4 đáp trả : "Sau khi nghiên cứu kỹ các video và hình ảnh các nạn nhân được đưa lên mạng, có thể kết luận với mức tin cậy rất cao, rằng hầu hết đều là sự kiện mới xảy ra, không hề bị chỉnh sửa". Vài giờ sau khi liên quân không kích, chính phủ Pháp công bố "bản đánh giá chính thức về vụ tấn công hóa học hôm 07/04/2018". Cũng nhằm chứng minh tính chính đáng của vụ oanh kích, Washington đã công bố bản đánh giá đêm 13 rạng 14/4.

Theo bản báo cáo của Paris : "Một tài liệu từ việc phân tích kỹ thuật các thông tin giải mật mà tình báo Pháp có được, Pháp cho rằng một vụ tấn công hóa học vào thường dân tại Douma đã diễn ra hôm 07/04/2018. Không có giả thiết nào khác ngoài việc đây là hành động của quân đội Syria, trong khuôn khổ cuộc tổng tiến công vào Đông Ghouta".

Vụ tấn công hóa học đã diễn ra như thế nào ?

Các tài liệu của Pháp và Mỹ nêu ra "nhiều vụ tấn công hóa học gây chết người", nhưng không nói rõ số lượng. Nhiều tiếng đồng hồ sau vụ tấn công hôm 07/04, ba tổ chức phi chính phủ Syria - Syrian Network for Human Rights, Violations Documentation Center in Syria và lực lượng Mũ Trắng - ghi nhận đó là hai vụ tấn công khác nhau. Vụ đầu tiên xảy ra gần một tiệm bánh mì vào lúc 16 giờ, vụ thứ hai vào khoảng 19 đến 19 giờ 30, đánh vào một tòa nhà ba tầng ở trung tâm thành phố.

Các video được báo chí địa phương đăng tải trong đêm 07 rạng 08/04 cho thấy nhiều xác chết tại hiện trường vụ thứ hai. Đó là các video của kênh truyền hình al-Jazira hôm 09/04 khi quân cảnh Nga đến nơi, và phóng sự của truyền hình Thụy Điển cũng chứng tỏ quay tại cùng một tòa nhà, ở gần quảng trường al-Shuhada.

Khoảng mấy chục người đã thiệt mạng tại đây. Lực lượng Mũ Trắng ước tính sơ khởi có 43 người chết, còn nhóm điều tra Bellingcat dựa theo các hình ảnh video đếm được 34 xác người tại hiện trường. Nhóm này vốn dựa vào kỹ thuật định vị và phân tích những nguồn mở, đã xem xét các video về tòa nhà bị nạn, được đưa lên mạng trong đêm. Phía Pháp ước lượng "có ít nhất 40 người chết vì chất độc hóa học".

Vì sao phải sử dụng đến vũ khí hóa học ?

Trong lúc Damascus đang tiến gần đến chiến thắng tại Ghouta sau tám tuần lễ tấn công, tại sao quân đội Syria lại phải dùng đến vũ khí hóa học ? Theo nhà phân tích, đó là chiến thuật quân sự của họ cộng với sự yên tâm sẽ không bị trừng phạt.

Hôm thứ Bảy 07/04, Douma đã phải chịu đựng trận bão lửa suốt 48 tiếng đồng hồ trước đó, sau hai tuần lễ tương đối yên tĩnh. Nhưng Damascus muốn kết thúc thủ phủ nổi dậy cuối cùng này, trong khi đa số lực lượng salafiste Jaych al-Islam (có khoảng 5.000 chiến binh) vẫn luôn từ chối di tản - theo các cuộc thương lượng do Nga bảo trợ vào giữa tháng Ba.

Thế nên Damascus phải sử dụng vũ khí hóa học ? Đối với Paris, không còn nghi ngờ gì nữa, việc này là từ "chủ trương về quân sự và chiến lược".

"Về chiến thuật, sử dụng loại vũ khí này giúp đẩy các chiến binh địch ra khỏi nơi trú ẩn, nhằm tiến hành các trận đánh trong thành phố với điều kiện thuận lợi cho chế độ.

Về chiến lược, mục tiêu chính là trừng phạt các thường dân sống tại những khu vực nổi dậy, gây khủng hoảng và sợ hãi khiến họ phải đầu hàng (…) ; chứng tỏ mọi sự chống cự đều vô ích, chuẩn bị cho việc tiêu diệt các ổ kháng cự cuối cùng".

Các vụ tấn công này đã khiến Douma phải đầu hàng ? Hôm 09/04, hai ngày sau khi bị tấn công, việc di tản thường dân lại được tiến hành trong hỗn loạn và sợ hãi. Theo các thông tín viên của hãng tin Smart News ủng hộ đối lập, chính quyền địa phương và nhóm Jaych al-Islam không còn kiểm soát được tình hình. Các chiến binh salafiste phóng hỏa các cơ sở và thiết bị của họ, còn các nhà kho thuộc các tổ chức phi chính phủ bị cư dân cướp phá để tìm lương thực.

Hãng tin nhà nước SANA trong cùng ngày cho biết phe nổi dậy vũ trang rốt cuộc đã chấp nhận rời thành phố. Hôm 12/04, sau tám tuần lễ tiến công, quân cảnh Nga được triển khai tại Douma, thành phố coi như đã đầu hàng.

Phía Mỹ khẳng định Hoa Kỳ "nắm trong tay một lượng lớn bằng chứng cho thấy trách nhiệm của chế độ Assad". Washington còn đi xa hơn Pháp, tố cáo chính các trực thăng của quân đội Syria đã tấn công hóa học.

"Nhiều trực thăng của quân chính phủ được trông thấy trên bầu trời Douma hôm 7/4. Các nhân chứng còn xác định cụ thể đó là loại Mi-8, có thể đã cất cánh từ sân bay Doumayr gần đó".

Hoa Kỳ dựa trên các dữ liệu được thu thập ngay lập tức của mạng lưới Sentry Syria. Đây là một hệ thống cảnh báo trên không, gồm các nhà quan sát không ngừng theo dõi bầu trời và các trao đổi vô tuyến, để xác định mục tiêu của những phi cơ cất cánh từ các sân bay của quân chính phủ Syria và Nga. Năm 2017, Washington đã công bố các dữ liệu radar của kế hoạch bay trong vụ thả bom khí độc sarin tại Khan Cheikhoun, và sau đó được các quan sát viên của Sentry Syria công nhận.

Những dữ liệu hôm 07/04 chứng tỏ các hoạt động nhộn nhịp trên bầu trời Douma, với những trực thăng và chiến đấu cơ bay đi từ căn cứ không quân Doumayr nằm cách Douma 40 km về phía đông bắc, và từ sân bay quân sự al-Sin cách thành phố bị vây hãm này 75 km về phía đông.

Nửa giờ sau khi khu vực quảng trường al-Shuhada bị tấn công, mạng lưới cảnh báo cho biết còn có ít nhất "bốn trực thăng chuyên thả bom" cất cánh từ căn cứ Doumayr. Hai chiếc trong số đó được trông thấy trên bầu trời Douma vài giây trước vụ tấn công. Từ ngữ "trực thăng thả bom" dùng để chỉ các trực thăng Mi-8 do Nga sản xuất, chuyên thả xuống các vật thể thường là những xy-lanh hơi độc sản xuất tại chỗ.

Cũng theo tài liệu Mỹ : "Nhiều nhân chứng đã chứng kiến cụ thể khẳng định những trực thăng này đã thả xuống các thùng hơi độc, một chiến thuật nhắm vào thường dân trong suốt cuộc chiến. Hình ảnh các vật thể thả xuống Douma phù hợp với các thùng hơi độc được chế độ sử dụng trước đó".

Loại chất độc nào đã được sử dụng ?

Tuy hiện chưa có các mẫu thử hóa học được các phòng thí nghiệm phân tích, Pháp cho rằng Douma hôm 07/04 đã bị tấn công hóa học. Các triệu chứng ghi nhận : "Nghẹt thở, khó thở, nước bọt và dịch mũi tiết ra rất nhiều, tổn thương đường hô hấp, phỏng da và phỏng giác mạc. Không thấy trường hợp nào bị thương do cơ học. Toàn bộ các triệu chứng đều là đặc trưng của việc bị tấn công bằng vũ khí hóa học, đặc biệt là các loại khí gây nghẹt thở, chất hữu cơ có phosphore hay cyanur".

Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc lâu nay khẳng định chế độ Damascus thường xuyên dùng đến khí chlore ở Syria. Nếu khí sarin - mà việc sử dụng tại Khan Cheikhoun đã được OIAC xác nhận, thuộc họ các chất hữu cơ có phosphore - hiện chưa thể biết chất này có được sử dụng tại Douma song song với chlore hay không. Hai xy-lanh khí độc nhận diện được tại địa điểm bị tấn công thứ hai đều phù hợp với các vụ trước đó trong bốn năm gần đây.

Ông Olivier Lepick, chuyên gia về vũ khí hóa học thuộc Quỹ nghiên cứu khoa học hôm 12/4 giải thích với báo Le Monde : "Những dấu vết có thể bị xóa đi từng ngày, khiến chúng ta khó thể hiểu thấu những gì đã diễn ra".

Nếu chỉ có khí chlore được sử dụng, thì đó là vụ tấn công gây chết người nhiều nhất từ trước đến nay, bằng một loại khí vẫn được coi là ít mang tính sát thương.

Thụy My

Published in Quốc tế

"Hướng tới sự bất lực trầm kha của phương Tây"

Đây là tựa bài nhận định của nhà báo Renaud Girard đăng trên mục Ý Kiến của báo Le Figaro (20/02/2018). Tác giả cho rằng phương Tây, Hoa Kỳ và Châu Âu, kể từ đầu thế kỷ 21, đang đi vào giai đoạn hoàng hôn.

batluc1

Ảnh minh họa. Cảnh đổ nát hoang tàn tại Ghouta, Syria sau một trận không kích, ngày 04/01/2018. Reuters/Bassam Khabieh

Những năm 1990 được coi là thập niên vàng của phương Tây. Cặp vợ chồng Mỹ-Châu Âu, kết hôn từ sau đệ nhị thế chiến, sống rất thuận hòa, giành được thắng lợi trong chiến tranh lạnh, trở thành mô hình kiểu mẫu mà Trung Quốc, Nga, Ấn Độ ao ước noi theo. Chồng Mỹ vợ Âu đi khắp nơi trên thế giới rao giảng về nền kinh tế thị trường và nhân quyền và ở khắp nơi, họ được lắng nghe.

Những ai dám phản bác thì ngay lập tức được cảnh báo là phải xám hối đi. Kỷ nguyên vàng đó mở đầu bằng một cuộc chiến ở Iraq và kết thúc với cuộc chiến ở Nam Tư cũ. Và khi bước vào thiên niên kỷ mới, khắp nơi người ta nói từ nay, phương Tây, người chiến thắng phát xít và chủ nghĩa cộng sản, áp đặt các giá trị và luật lệ cho toàn thế giới.

Thế nhưng, mọi việc đã thay đổi vào đầu thế kỷ 21, do sự phản ứng quá mức của chính quyền Hoa Kỳ sau loạt khủng bố ngày 11/09/2001. Khái niệm về "chiến tranh phòng ngừa" do nhóm cố vấn tân bảo thủ của tổng thống Mỹ George Bush đưa ra và áp dụng trong chiến tranh Iraq 2003, gây ra hai hậu quả : Thứ nhất, gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu "già cỗi". Thứ hai, làm dấy lên sự nghi ngại của các nước bên ngoài phương Tây.

Từ sau vụ vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (tấn công Iraq mà không cần có sự chấp thuận của Hội Đồng Bảo An), vai trò lãnh đạo phương Tây không ngừng bị tuột dốc. Phương Tây lên tiếng, ra lệnh, hò hét, ném bom, thế nhưng, các thực tế địa chính trị vẫn ngày càng xa lánh, giống như số phận của thế giới tìm cách dần dần thoát khỏi vòng tay phương Tây.

Renaud Girard kết luận : Một Châu Âu yếu kém cộng với một nước Mỹ không có tầm nhìn thế giới thúc đẩy phương Tây rơi vào tình trạng bất lực trầm kha.

Russiagate : Sự phóng túng tội lỗi của Trump

Ngày 16/02 vừa qua, công tố viên đặc biệt Robert Mueller cho công bố một tài liệu liên quan đến cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Báo Le Monde có bài xã luận : "Russiagate : Sự phóng túng tội lỗi của Trump".

Tài liệu vừa được công bố cho thấy là Nga đã thực sự tìm cách tác động đến cuộc bầu cử qua việc làm mất uy tín của ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton, có lợi cho nhà tỷ phú New York, ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump. Như vậy, đây không phải là tin giả - "fake news" nữa như ông Trump vẫn thường xuyên cáo buộc.

Trong lúc nhiều người trong nhóm thân cận của ông Trump bị nghi ngờ đã có tiếp xúc với Nga với ý đồ tác động đến việc bỏ phiếu, thì tổng thống Mỹ lại coi những cáo buộc này như là một cuộc "săn đuổi phù thủy" lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Thế nhưng, cuộc điều tra cho thấy thực tế vụ việc phức tạp hơn nhiều.

Cơ quan Nghiên cứu Internet, do một người thân cận với tổng thống Nga Vladimir Putin, đã thực hiện chiến dịch tác động nói trên, với mục đích "gây ra những bất đồng trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ". Trong vòng nhiều tháng, các chỉ trích, đả kích ứng viên Hillary Clinton trên nhiều lĩnh vực, đã được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc. Trong những tuần lễ cuối cùng, gần ngày bỏ phiếu, chiến dịch tuyên truyền hướng vào các tiểu bang còn "lưỡng lự" trong sự lựa chọn.

Tuy nhiên, khó có thể xác định được là chiến dịch tuyên truyền của Nga đã tác động đến mức độ nào tới kết quả cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống năm 2016. Ở đây, người ta chỉ thấy rõ là các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay tập đoàn tin học Google, đã thiếu trách nhiệm kiểm tra việc tuyên truyền những nội dung quấy rối, gây nhiễu một cuộc bầu cử dân chủ.

Le Monde nhấn mạnh, tin tốt đẹp với Donald Trump là cho đến nay, cuộc điều tra không đưa ra một bằng chứng nào về sự đồng lõa giữa nhóm cộng sự của ông và chiến dịch tuyên truyền của Nga. Ngược lại, ông Trump mới có vấn đề : cụ thể là ông vẫn luôn nghĩ rằng người ta nghi ngờ nhóm cộng sự của ông đồng lõa với Nga.

Có thể ông Trump tự ái về việc người ta nghĩ rằng ông thắng cử không phải do có đông đảo cử tri ủng hộ. Theo xã luận báo Le Monde, trước ý đồ như vậy của Nga, lẽ ra, ông phải lên án mạnh mẽ và rõ ràng, đồng thời đưa ra các biện pháp để tránh nguy cơ này tái diễn trong cuộc bầu cử lập pháp giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây.

Thay vì làm như vậy, ông lại mỉa mai chế nhạo những cuộc tranh luận mang tính bè phái tại Hoa Kỳ và ông kêu gọi nước Mỹ hãy thức tỉnh. Le Monde nhấn mạnh, lời kêu gọi này phải giành cho Donald Trump : không nên nhắm mắt trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc và tập trung vào việc bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.

Oxfam Haiti trong bão tố

Quấy rối tình dục không chỉ có trong điện ảnh mà giờ còn lan sang cả trong các lĩnh vực hoạt động xã hội nhân đạo, mà mới đây nhất là tại tổ chức phi chính phủ Oxfam. La Croix trong bài xã luận đề tựa "Một tổ chức phi chính phủ trong vòng xoáy" cho hay báo cáo nội bộ được công bố năm 2011 đã từng đề cập đến tình trạng hỗn độn của tổ chức này tại Haiti.

Tờ báo không những chỉ trích cách điều hành phi của tổ chức phi chính phủ này không xứng tầm với những giá trị nhân đạo mà cộng đồng quốc tế đã trông đợi và giao phó trên bình diện tinh thần lẫn vật chất.

Thái độ thiếu minh bạch và cách xử lý các vụ việc theo kiểu "nội bộ" rồi cho luân chuyển người có liên quan sang một tổ chức khác để giấu nhẹm vụ việc cho thấy một sự hỗn độn và đã làm mất uy tín của một tổ chức phi chính phủ lớn.

"Bát nước đổ đi khó xúc lại đầy". Làm thế nào vực dậy uy tín của tổ chức không phải là một điều dễ. Với La Croix, vụ tai tiếng này còn được xem như là một lời cảnh báo mới nhắm vào những tổ chức nào có ý định hành động như thế để "phòng thân", phản bội lại những giá trị mà lẽ ra họ phải bảo vệ.

Internet : "Chất gây ô nhiễm" học đường

La Croix còn quan tâm đến kết quả khảo sát môi trường học đường trong năm 2017 của Hiệp hội FAS cho rằng "Internet đang đầu độc bầu không khí học đường".

Chửi rủa trên mạng, phát tán hình ảnh hay các đoạn video làm tổn thương người khác… Thước đo bầu không khí học đường cho năm 2017 do FAS thực hiện cho thấy hiện tượng "gây tổn hại bằng kỹ thuật số" ảnh hưởng đến mọi nhân sự trong ngành giáo dục đã tăng thêm 19%.

Tuy mức tăng nhẹ, nhưng điều đáng quan tâm là thái độ xử sự của học sinh và phụ huynh theo như đánh giá của ông Vincent Bouba, tổng thư ký của FAS.

"Thái độ có phần dữ dội hơn. Cách đây vài năm, những lời chửi rủa hay cáo buộc các phương pháp giảng dạy nhắm vào một giáo viên hay một lãnh đạo trường học trên trang blog thường ẩn danh.

Giờ đây, một số học sinh hay phụ huynh không ngần ngại chỉ trích công khai trên chính trang xã hội Facebook của mình hay gởi đến đối tượng những thư điện tử gây phiền lòng. Người ta còn quan sát thấy ngày càng có nhiều học sinh sử dụng đến ứng dụng Periscope, cho phép ghi hình và phát trực tiếp những gì đang diễn ra trong lớp học. Nhiều học sinh đi đến việc gây ra sự cố, cố tình chọc tức giảng viên khiến họ mất kiềm chế trong khuôn khổ một trò chơi đánh cược có ghi hình".

Theo quan sát, có đến 44% giáo viên bị chửi rủa ít nhất một lần trong năm, thường xuyên nhất là từ học sinh, thỉnh thoảng đến từ phụ huynh.

Silicon Vally sẽ chỉ là huyền thoại ?

Trong lĩnh vực công nghệ, Les Echos trích dẫn một bài viết trên tờ The Economist dự báo "Ngày mà Trung Quốc sẽ qua mặt Silicon Valley".

Cái thời ngạo nghễ của Hoa Kỳ, chiếm giữ vị trí số một trên thế giới về lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất đang trên đà kết thúc, tờ báo viết. Vì sao ? Bởi vì giờ đây Trung Quốc đã qua mặt cường quốc số một thế giới trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, công nghiệp may mặc và sắp tới đây chắc chắn sẽ là công nghệ.

Theo thẩm định của The Economist, trong vòng từ 10-15 năm tới hai cường quốc này sẽ ngang hàng nhau nếu như Trung Quốc vẫn duy trì được nhịp độ phát triển như hiện nay. Hầu hết các chỉ số do tuần báo kinh tế Anh đưa ra cho thấy đà bắt kịp công nghệ cao của Trung Quốc hiện nay là rất nhanh.

Phụ nữ Ả Rập được "cởi trói" thêm một nấc

"Cuối cùng, phụ nữ Saudi Arabia được tự do mở doanh nghiệp không cần người bảo hộ". Đây là tựa đề mục "Câu chuyện" trên phụ trang kinh tế báo Le Figaro.

Mở đầu bài tờ báo viết : "Có cái gì đó đang mỉm cười tại vương quốc Saudi Arabia". Sau khi được phép vào sân vận động đá banh, rồi được phép lái xe ô tô, phụ nữ xứ Saudi Arabia giờ có thể tự mở doanh nghiệp mà không cần sự bảo hộ của nam giới. Bởi vì cho đến lúc này, phụ nữ Ả Rập vẫn buộc phải trình bằng chứng bảo hộ từ cha, chồng hay anh trai để được phép làm các thủ tục hành chính.

Kể từ tháng Sáu tới đây, khi luật cho phép phụ nữ được phép điều khiển xe ô tô có hiệu lực, du khách đến Saudi Arabia có cơ may gặp tài xế xe Uber là một quý cô hay quý bà. Bởi vì Uber và đối thủ cạnh tranh Careem, một doanh nghiệp trong nước, đều cho hay có ý định tuyển dụng một ngàn nữ tài xế.

Thiện ý tự do hóa lãnh vực tư nhân của hoàng tử kế vị Mohammed Ben Salman, còn được báo chí phương Tây gọi tắt là MBS đã tạo được một tiếng vang trong lòng dân. Một loạt các biện pháp cải cách đã được đề ra nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia vào đời sống kinh tế đất nước.

Riyadh đặt ra mục tiêu tăng lực lượng lao động nữ từ 22% lên 30% từ đây đến năm 2030. Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, Viện kiểm sát tại Riyadh đã thông báo tuyển dụng 140 phụ nữ làm việc tại các trạm kiểm soát ở biên giới và hiện đã có 100 ngàn nữ ứng viên nộp hồ sơ.

Thế nhưng, tờ báo lưu ý quý vị chớ vội mừng. Để có thể ngồi được vào những vị trí đó thì phụ nữ phải được đào tạo và có kiến thức. Vấn đề là quyền bảo hộ nam giới vẫn đè nặng trong rất nhiều lĩnh vực trong đó chuyện học hành hay đi du lịch.

Trang nhất các báo Pháp

Le Monde : "Di dân, các đề xuất cho một chính sách hội nhập thật sự". Đại biểu quốc hội thuộc đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron, ông Aurélien Taché ngày 19/02 đã đệ trình thủ tướng chính phủ 72 đề xuất nhằm tạo thuận lợi cho chính sách hội nhập người nước ngoài. Theo tác giả, chính phủ nên ưu tiên dành ra một khoản ngân sách ước tính 600 triệu euro hỗ trợ cho việc tăng cường học tiếng Pháp, giấy phép làm việc và tiếp cận nhà ở giúp người nhập cư hội nhập.

Cũng trên trang nhất Le Monde, với hàng tít "Nhạc jazz, tự do" nhật báo vinh danh cố nghệ sĩ violon và cũng là nhà soạn nhạc Didier Lockwood, qua đời hôm Chủ Nhật 18/02, ở độ tuổi 62. Tờ báo trở lại 40 năm sự nghiệp âm nhạc và nhất là cuộc gặp của ông với huyền thoại nhạc jazz khác của Pháp, nghệ sĩ Stephane Grappelli. Hai thế hệ khác nhau nhưng lại có cùng "tiếng đàn" và nhất là cùng một sở thích chuyển tải đam mê.

Libération : "Bạo hành, xâm hại, quấy rối tình dục. Những nhân chứng đang đè nặng Unef". Nhật báo thiên tả dành đến 6 trang báo lớn đăng các bài điều tra và lần đầu tiên lời chứng của 16 phụ nữ thuật lại việc các nhà lãnh đạo của nghiệp đoàn sinh viên có lẽ đã lạm dụng họ như thế nào. Những hành động này thường xuyên xảy ra nhưng từ lâu vẫn bị "ém nhẹm".

Les Echos : "Món tiền hời từ nguồn thuế đánh vào những căn hộ thứ hai". Những ai có căn hộ thứ hai để cho thuê sẽ phải trả thuế cư ngụ cho căn hộ này cao hơn trong năm nay. Sau Paris, Nice, Bordeaux, nhiều thành phố du lịch lớn khác cho biết sẽ tăng mức thuế này nhắm vào những loại căn hộ trên.

Le Figaro : "Số phận của Merkel treo lơ lửng theo lá phiếu của các đảng viên đảng Dân Chủ - Xã Hội". Bởi vì, từ ngày hôm nay, các thành viên của đảng SPD sẽ cho biết có thông qua thỏa thuận tiếp tục thành lập chính phủ liên minh với đảng bảo thủ của bà Merkel hay không.

La Croix : "Netanyahu, bất chấp tất cả". Mặc dù đang bị cáo buộc tham nhũng đeo bám, nhưng uy tín của thủ tướng Israel hiện nay vẫn còn rất cao trong lòng dân.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Tại Syria, liên minh người Kurdistan và người Ả Rập được Mỹ hậu thuẫn mang tên Lực Lượng Dân Chủ Syria FDS, ngày 15/10/2017 loan báo là trận đánh Raqqa đã bước vào giai đoạn tối hậu, mà mục tiêu là triệt hạ toàn bộ các ổ kháng cự của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daesh còn sót lại trong thành phố.

sỷia1

Syria : Một quang cảnh thành phố Raqqa, ngày 12/10/2017. Reuters/Erik De Castro

Cuộc tấn công được mệnh danh là tối hậu này đã được tung ra sau khi nhiều chiến binh thánh chiến ngoại quốc đã rời khỏi Raqqa trong khuôn khổ một thỏa thuận mà các lãnh đạo bộ tộc đã đúc kết. Chính một lãnh đạo Hội Đồng Dân Sự Raqqa đã cho biết như trên, qua đó đã giải tỏa phần nào tình trạng mập mờ hôm 14/10, bao quanh việc di tản các chiến binh thánh chiến.

Theo thông tín viên RFI từ Beyrouth, Paul Khalifeh, chiến dịch di tản những chiến binh Daesh ra khỏi Raqqa đã gặp vướng mắc do việc tình báo Pháp không muốn để sổng một cán bộ Daesh bị nghi là chủ mưu loạt khủng bố đẫm máu tại Paris vào tháng 11 năm 2015 :

Số phận các chiến binh nước ngoài đã làm chậm lại việc di tản quân thánh chiến ra khỏi Raqqa. Rốt cuộc, việc di tản đã bắt đầu được tiến hành vào ngày thứ Bảy và tiếp tục trong đêm sang Chủ Nhât.

Theo giám đốc Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, ông Rami Abdel Rahman, việc thực hiện thỏa thuận bị chậm lại là do phản đối của tình báo Pháp liên quan đến một trong những chiến binh nói trên. Paris không muốn kẻ tình nghi đã lên kế hoạch vụ khủng bố ngày 13/11/2015 tại Paris được đưa ra khỏi Raqqa.

Ông Rami Abdel Rahman muốn nói đến Abdelilah Himich, được mệnh danh là "Abdel, người lính lê dương" hay "Abou Souleyman al-Faransi". Nghi phạm này từng là lính lê dương Pháp, sinh ra tại Rabat, Maroc, và bị tình báo Mỹ tố cáo là đầu não vụ khủng bố tại Paris và Bruxelles.

Là người mang quốc tịch Pháp có vị trí cao nhất trong hàng ngũ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Himich chỉ huy một lữ đoàn 300 người, chủ yếu là quân thánh chiến Châu Âu. Theo giám đốc Đài Quan Sát Nhân Quyền, cơ quan tình báo Pháp dường như đã yêu cầu là phải bắt giữ, hoặc trừ khử hẳn Abdelilah Himich.

Sau cùng, cản lực của Pháp được tháo gỡ nhưng không biết là trên cơ sở nào. Cuối cùng thì quân thánh chiến đã rời Raqqa với 400 thường dân làm bia đỡ đạn cho họ, theo một lãnh đạo bộ tộc đã tham gia các vụ thương lượng".

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế
dimanche, 05 février 2017 09:56

Syria : Daesh bị tấn công tứ phía

Ngày 05/02/2017 ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov tuyên bố Moskva ủng hộ tiến trình đàm phán về Syria của Liên Hiệp Quốc và hội nghị tại Astana hồi tháng 1/2017 là một bước tiến để chuẩn bị cho hội nghị được dự trù mở tại Genève ngày 20/02/2017. Về tình hình tại chỗ : quân đội chính phủ cản bước tiến của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Deir Ezzor ở miền đông và trong vùng sa mạc gần thành phố Homs ở miền trung.

daesh1

Quân thánh chiến bị lực lượng FDS tấn công ở phía bắc Raqqa, Syria. Ảnh ngày 3/02/2017. REUTERS/Rodi Said

Quân thánh chiến Hồi Giáo Syria đang bị tấn công từ tứ phía. Thông tín viên đài RFI trong khu vực, Paul Khalife gửi về bài tường trình :

"Mối nguy hiểm để Deir Ezzor, gần biên giới giữa Syria với Iraq, rơi vào tay quân thánh chiến Hồi Giáo dường như đã được xua tan. Sau khi bị quân Daesh tấn công hồi tháng Giêng vừa qua, quân đội chính phủ đã ổn định lại được tình hình trước khi chuyển sang thế tấn công.

Trong 48 giờ qua, quân đội chính quy với sự yểm trợ của không quân Nga, đã đẩy lui được quân thánh chiến ở phía nam thành phố Deir Ezzor, thủ phủ của tỉnh cùng tên. Tuy nhiên, quân đội trung thành với chế độ Damascus vẫn chưa dẹp được toàn bộ Daesh tại một số khu vực vẫn còn trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Ngoài ra, ở vùng sa mạc gần Homs, quân thánh chiến cũng đang bị mất đà sau khi đã chiếm lại được thành cổ Palmyra hôm 10/12/2016. Hiện tại, quân đội Syria đã đẩy lui được Daesh ra xa 15 cây số về phía đông trên một tuyến đường khoảng 20 km và lực lượng quân sự Syria chỉ còn cách thành cổ Palmyra khoảng 20 cây số mà thôi. Ở mặt trận phía đông bắc thủ đô Damascus, quân thánh chiến cũng đang thua nặng trước âm mưu chiếm sân bay quân sự Sine".

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Người Mỹ cho rằng Nga đang tìm cách thoát khỏi cuộc chiến Syria và có bất đồng với Iran.

Bãi lầy Syria

Trang Stratfor của Mỹ nhận định với việc tái chiếm Aleppo, các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giành được chiến thắng lớn nhất trong cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua tại Syria. Sự hỗ trợ về quân sự, ngoại giao và tài chính từ Iran and Nga đã đóng vai trò rất lớn trong chiến thắng này.

Theo báo Mỹ, cả Nga và Iran đều đầu tư rất nhiều vào cuộc chiến này, song hai bên vẫn bất đồng về một số vấn đề liên quan đến cuộc xung đột, mà thể hiện rõ nhất qua cam kết của họ đối với lực lượng trung thành với ông Assad. Cam kết của Nga trong cuộc chiến Syria được đánh giá là không mạnh như Iran mong muốn.

syria1

Máy bay Su-34 của Nga ở Syria

Thông qua việc can dự vào Syria, Nga đang tìm cách nâng vị thế của mình tại Trung Đông, trên trường quốc tế, xử lý mối đe dọa đến từ những phần tử cực đoan và giành lợi thế trong các cuộc đàm phán với phương Tây.

Trái lại, Iran coi cuộc chiến Syria là mặt trận quan trọng số một trong cuộc chiến sinh tồn có liên quan trực tiếp tới an ninh địa chính trị của họ. Chính vì vậy, Iran quyết tâm giành thắng lợi quân sự hoàn toàn bằng mọi giá.

Trái lại, Nga không muốn phải can dự đến cùng vào cuộc xung đột Syria và muốn rút lui khi cuộc chiến bị đẩy đến giai đoạn cao trào.

Tờ báo Mỹ cho rằng bất chấp mong muốn của Nga, cuộc chiến tại Syria còn lâu mới kết thúc. Các lực lượng trung thành với ông Assad đã giành được Aleppo, song họ lại để mất thành phố Palmyra vào tay tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Đây có thể coi là một thất bại khá nghiêm trọng.

syria2

Binh sĩ Nga dò phá bom mìn tại Aleppo

Các nhà hoạch định quốc phòng của Nga nhận thức rõ rằng việc kéo dài sự can dự tại Syria thêm vài năm nữa sẽ gây phương hại tới năng lực chiến đấu của quân đội Nga và có thể khiến Nga mắc kẹt trong "bãi lầy" Trung Đông, giống như tình huống của Mỹ tại Iraq. Do đó, Nga đang tìm cách thoái lui.

Để có thể thoát khỏi cuộc chiến Syria, Nga cần phải có một giải pháp chính trị thông qua đàm phán cho cuộc xung đột này. Một tiến trình như vậy đòi hỏi phải có sự tham gia của các lực lượng nổi dậy cùng các thế lực bên ngoài hậu thuẫn họ, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, Moscow đã tăng cường đối thoại với Ankara về vấn đề Syria, thậm chí cả trước khi hối thúc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc.

Cuộc chiến giành Aleppo bộc lộ những nỗ lực tích cực của cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt được một thỏa hiệp, theo đó phiến quân rút khỏi thành phố để lực lượng trung thành với ông Assad an toàn tiến vào đây.

Bất đồng với Iran ?

Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không hề đơn giản do ban đầu Iran phản đối kế hoạch này. Tại Aleppo, lực lượng dân quân do Iran lãnh đạo đã nhanh chóng chặn đường thoát của quân nổi dậy, và Tehran chỉ đồng ý tạo lối thoát cho các tay súng đang bị bao vây nếu những ưu tiên của họ được bổ sung vào thỏa thuận ngừng bắn.

Iran yêu cầu phải đưa hai ngôi làng al-Fuah và Kefraya đang bị bao vây của người Shi'ite vào trong kế hoạch. Ngoài ra, ngày 20/12, Tehran đã công khai chỉ trích nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về Aleppo mà Nga hậu thuẫn.

syria3

Một góc Aleppo sau khi được quân chính phủ Syria giải phóng

Những phức tạp xung quanh chiến dịch sơ tán Aleppo gợi nhớ nỗ lực ngừng bắn cho Syria hồi tháng 9/2016 mà Mỹ và Nga môi giới. Lệnh ngừng bắn này đã sụp đổ phần lớn là do lực lượng nổi dậy cũng như các lực lượng trung thành với ông Assad - một số nhận lệnh chỉ huy trực tiếp từ các sĩ quan của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - từ chối tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.

IRGC cũng phản đối sự tham gia của Saudi Arabia và Qatar vào vòng hòa đàm sắp tới, bất luận những nỗ lực của Nga nhằm lôi kéo hai quốc gia này có mặt tại bàn đàm phán.

Theo Stratfor, dù có ảnh hưởng đáng kể đối với Damascus, Moscow vẫn khó có thể lái được cuộc chiến Syria theo ý mình do không có khả năng tác động mạnh bằng Tehran.

syria4

Binh sĩ Iran

Iran được tờ báo Mỹ đánh giá là đã hỗ trợ lực lượng trung thành với ông Assad nhiều hơn so với Nga. Moscow chủ yếu hỗ trợ trong lĩnh vực ngoại giao và không lực. Trái lại, Iran lại hỗ trợ trực tiếp bằng con người, nguồn lực mà Syria cần nhất.

Stratfor cho rằng Iran đã tiếp viện hàng chục nghìn tay súng, trong đó có cả các đội quân tinh nhuệ thuộc lực lượng Hezbollah. Ngoài ra, Iran còn hỗ trợ tài chính để duy trì nền kinh tế Syria.

Stratfor tiết lộ rằng Nga nhận thức rõ những vấn đề này và đang tìm cách sửa sai. Cuối tháng 11/2016, các lực lượng vũ trang của Syria công bố thành lập một đơn vị mới, đó là Quân đoàn số 5. Lực lượng này được các đồng minh ngoại quốc của Syria trả lương hàng tháng tới 580 USD/người. Tuy chưa được xác nhận, song các dấu hiệu ban đầu cho thấy Nga là nhà tài trợ chính cho Quân đoàn số 5 cả về vũ khí và huấn luyện.

Tờ báo Mỹ nhấn mạnh rằng giữa lúc Moscow tìm kiếm lối thoát chiến lược ra khỏi cuộc nội chiến Syria, bất đồng giữa các cam kết của Nga và Iran sẽ càng trở nên rõ rệt hơn.

Bảo Minh

Published in Quốc tế

Nga đã thành công nhất trong 3 năm qua, trong khi những gì phương Tây thể hiện là khá nghèo nàn với những "bất ngờ đầy khó chịu".

Xa luân chiến

Theo Wilson Center, học giả cấp cao Maxim Trudolyubov tại Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho rằng, trong ba năm qua, Nga đã chứng minh mình là một cường quốc lớn, bất chấp những dự đoán ban đầu về sự thất bại, thậm chí là sụp đổ trước hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva liên quan đến việc sáp nhập Crimea năm 2014.

Sự khác biệt của năm 2016 là Nga đã thành công nhất trong 3 năm qua, trong khi những gì phương Tây thể hiện là khá nghèo nàn với những "bất ngờ đầy khó chịu".

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước trả lời báo chí

Tất cả bắt đầu vào tháng 2/2014, khi Tổng thống thân Nga của Ukraine Viktor Yanukovich trốn khỏi đất nước. Nga đã cho rằng phương Tây đang tiến hành một cuộc "cách mạng màu" ở Ukraine, tiếp theo là sự kiện sáp nhập Crimea và tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine. Một cuộc đối đầu lớn giữa Nga và phương Tây đã xảy ra. Theo truyền thông quốc tế, đó là một cuộc chiến tranh lạnh thứ 2 và Nga sẽ là bên bị thiệt hại đầu tiên.

Mỹ đã phản ứng trước các sự kiện trên bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt với các cá nhân liên quan đến việc sáp nhập Crimea và khởi xướng một số biện pháp chế tài khác. Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác, bao gồm Canada, Nhật Bản và Australia, cũng đưa ra cách biện pháp chống Nga như hạn chế đi lại và trừng phạt một số lĩnh vực kinh tế.

Nga đã phải ngừng một số dự án thăm dò dầu khí, trong đó có một số dự án hợp tác với phía Mỹ, bao gồm cả các dự án nhiều tỷ USD với tập đoàn Exxon Mobil. Các công ty của Nga bị mất gần như tất cả các khả năng cho vay ở phương Tây. Moskva cũng đã đáp trả bằng cách biện pháp như hạn chế nhập khẩu các mặt hàng phương Tây như pho mát của Pháp, táo của Ba Lan và nhiều sản phẩm khác ở châu Âu.

Các biện pháp trừng phạt và đáp trả trên diễn ra trong bối cảnh giá dầu quốc tế suy giảm, lĩnh vực mà nền kinh tế Nga phụ thuộc rất lớn. Trong thực tế, sự suy giảm giá dầu đã cho thấy đây là một thách thức tồi tệ hơn nhiều so với các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Tại một số thời điểm đồng Ruble bị mất giá trầm trọng. Đến cuối năm 2014, giá các mặt hàng nhập khẩu của Nga đã tăng đột biến. Nền kinh tế của Nga đã bị suy giảm trong 3 năm qua sau khi nước này rơi vào cuộc xung đột trên với phương Tây. GDP của Nga đã đạt 2,2 nghìn tỷ USD năm 2013 và kể từ đó đã giảm xuống còn 1,3 nghìn tỷ USD.

Người cười sau cùng

Tuy nhiên, dường như hầu hết người Nga không bị tác động nhiều bởi nền kinh tế khó khăn, trong khi hệ thống chính trị Nga lại trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Rõ ràng, năm 2016, Nga có triển vọng hơn nhiều so với năm 2014. Ở trong nước, Nga không có thách thức nghiêm trọng nào phát sinh đối với trật tự chính trị và xã hội hiện nay. Xét về mặt quốc tế, Nga không còn là nước bị "lép vế" so với phương Tây như trong năm 2014 và 2015.

Ông Trudolyubov cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành công trong việc phá thế bao vây cô lập của phương Tây. Moskva đã tiến hành chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria để hỗ trợ Tổng thống Syria al-Assad. Dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra một số sự cố, nhưng hiện nay, hai nước đang xích lại gần nhau hơn.

Sau sự cố Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị sát hại, người phát ngôn Điện Kremlin nêu rõ : "Đây có thể là một nỗ lực nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Moskva và Ankara. Nhưng hai nước sẽ chỉ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn để chống lại những hành động khiêu khích đó". Và mặc dù có những khác biệt, nhưng cả hai hiện là "cầu thủ quốc tế" lớn ở Syria.

putin2

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Bản Abe

Bên cạnh đó, ông Putin đã vừa kết thúc vòng đàm phán đầu tiên của cuộc đàm phán mang tính đột phá với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một động thái mà, theo thời gian, có thể dẫn đến một hiệp ước hòa bình giữa hai nước.

Nga và Nhật Bản chưa bao giờ ký một hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, vì tranh chấp lãnh thổ. Mới đây, ông Putin và Abe đã đồng ý bắt đầu đàm phán về các hoạt động kinh tế chung về quần đảo tranh chấp Kuril (theo cách gọi của Nga) hay Lãnh thổ phương Bắc (theo phía Nhật).

Hiện nay, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga trong năm 2014 và 2015 vẫn được duy trì, trong khi ngày 29/12, Mỹ đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt về ngoại giao và kinh tế để trả đũa các hành động được cho là ''sách nhiễu'' của cơ quan an ninh Nga nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ tại Moskva, cũng như chiến dịch tấn công mạng mà Washington cáo buộc do Điện Kremlin chỉ đạo nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.

Tuy nhiên, có hai sự kiện quan trọng khác diễn ra ngoài lãnh thổ của Nga đang có lợi cho Moskva. Đó và việc Anh rời khỏi EU và chiến thắng của ông Donald Trump tại Mỹ. Hai sự kiện này không ảnh hưởng đến Nga trực tiếp nhưng, từ quan điểm của Nga, chúng đánh dấu một thay đổi thuận lợi trong những xu hướng ảnh hưởng mang tính toàn cầu.

Cuối cùng, ông Trudolyubov kết luận : chúng là những điều giúp ông Putin giành chiến thắng, không phải theo một cách nào khác.

Sự thật đau đớn

Không chỉ giới phân tích mới nhận ra điều này, ngay cả quan chức Mỹ cũng thừa nhận sự thất bại của Washingon trước Moscow.

Ngày 23/12/2016, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Washington người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby tuyên bố, Ngoại trưởng nước này John Kerry đánh giá, những nỗ lực ngoại giao của Washington nhằm đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria đã thất bại và ông rất thất vọng về điều này.

''Nếu các bạn hỏi Ngài Ngoại trưởng Ngài ấy sẽ trả lời rằng rất thất vọng trước vị thế của Mỹ hiện nay trong vấn đề Syria cũng như thực tế rằng, những nỗ lực ngoại giao của chúng ta nhằm đạt được tiến trình chuyển đổi chính trị tại quốc gia này đã thất bại, chỉ khi đó ý kiến của người dân Syria mới thống nhất và được lắng nghe, đất nước cũng trở nên an toàn và tốt đẹp hơn'' – đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.

putin3

Putin thỏa mãn, Obama không vui

Hay như trước đó, hôm 5/12/2016 các quan chức Mỹ thừa nhận với Reuters rằng : "Ai thắng ? Putin, Iran và Assad. Ai thua ? Điều đó quá rõ ràng đó là chúng tôi, Jordan (nơi CIA đào tạo các chiến binh của phe nổi dậy ôn hòa) và đặc biệt là Ả Rập Saudi".

Theo Reuters, ngày 20/1/2017 tới đây sẽ là ngày ông Obama rời khỏi văn phòng của mình ở Nhà Trắng, với hàng loạt thất bại chính sách của ông tại Trung Đông trong những năm qua.

Đầu tiên là hy vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine bị dập tắt. Tiếp theo là việc quân Mỹ không thể rút lui hoàn toàn khỏi Iraq trong năm 2011.

Món ''bánh vẽ'' Mosul trao hụt cho bà Hillary, lỗi hẹn trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donal Trump vẫn đang khiến giới chức Mỹ đau đầu tìm ra giải pháp vẹn toàn.

Hôm 27/12, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã phải ngậm ngùi thừa nhận, quân đội Iraq có thể sẽ phải mất thêm 3 tháng nữa mới có thể đánh đuổi quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi chiến trường ở Mosul.

Tại Afghanistan, Taliban đang nổi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tại Libya, nơi mà Mỹ đã hậu thuẫn để lật đổ đại tá Muammar Gaddafi thì đang trong tình trạng hỗn loạn không hồi kết.

Nhưng Syria rõ ràng là thất bại nặng nề nhất khi Tổng thống Obama không can thiệp mạnh vào cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của 500.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa sang các nước láng giềng hoặc châu Âu tị nạn.

Có thể thấy, chiến lược Mỹ và EU thực hiện nhằm vào Nga đã bị Tổng thống Putin vô hiệu hóa. Không những vậy, ông Putin và nước Nga đã biến những khó khăn, nghịch cảnh, thành động lực, cơ hội để nước Nga khẳng định vị thế của mình, xác lập lại một trật tự thế giới mới - nơi mà vai trò ''người điều khiển cuộc chơi'' của Mỹ đã mờ nhạt.

Trương Lương

Published in Quốc tế
Trang 2 đến 2