Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/12/2024

Điểm báo Pháp - Tương lai Syria "mờ mịt"

RFI tiếng Việt

Tương lai Syria "mờ mịt" sau khi lật đổ "bạo chúa" al-Assad

Sau chiến thắng vang dội của nhóm phiến quân, lật đổ chế độ "bạo chúa" của gia tộc al-Assad ở Syria, hầu hết các báo Pháp số ra hôm nay đề cập đến thời kỳ hậu Syria "bất trắc", không rõ tương lai ra sao, sau hơn chục năm nội chiến đẫm máu.

hassan1

Một chiến binh phe đối lập dẫm chân lên đầu bức tượng cố tổng thống Hafez Assad ở Damascus, Syria, ngày 08/12/2024. AP - Hussein Malla

Trang nhất Libération có tựa "Syria trong không khí trọn niềm vui nhưng không rõ tương lai". Hôm Chủ nhật, lực lượng phiến quân tiến vào thủ đô Damascus, lật đổ chế độ đàn áp al-Assad, cai trị Syria từ 5 thập kỷ qua. Hàng triệu người Syria ở trong nước hay tị nạn ở nước ngoài đều hân hoan mừng chiến thắng. Kể từ nay, họ được "tự do", như những gì mà người dân Syria truyền tải nhau từ hơn chục ngày qua, khi lực lượng phiến quân do Abu Mohammed al-Golani lãnh đạo lần lượt "giải phóng" các thành phố Aleppo, Homs, và cuối cùng là thủ đô Syria. Người dân Syria chào mừng chiến thắng mà lực lượng của chính Syria giành được, chứ không phải nhờ vào can thiệp từ nước ngoài, như nhận định của nhật báo cánh tả Pháp.

Cuộc tấn công của phiến quân bắt đầu từ ngày 27/11, tại thành phố Idlib ở phía bắc Syria và tiến xuống phía nam mà không gặp trở ngại lớn nào từ phía quân đội, khiến chính họ bị ngạc nhiên, hóa ra al-Assad chỉ là con hổ giấy (có nghĩa là con hổ trong tiếng Ả rập). Tại Aleppo, Libération mô tả tình trạng kiệt quệ của quân đội Syria. Với mức lương ít ỏi, khoảng 20 đô la mỗi tháng, quân nhân trong tình trạng đói ăn, kiệt sức và các xe tăng không có hữu dụng gì, chỉ là một đội quân ma. Cảnh sát, hiến binh, quân nhân cởi bỏ quân phục, đầu hàng trước phiến quân.

Tin Bachar al-Assad chạy trốn khỏi Syria, đến Nga xin tị nạn, đã khiến niềm vui của hàng triệu người Syria được nhân lên gấp bội. Từ nay, họ có thể đi trên đường phố, tự do phát biểu công khai, dùng tên thật của mình mà không lo bị bỏ tù vô cớ. Tiếng tin nhắn điện thoại reo khắp nơi, mọi người chúc mừng nhau, lên kế hoạch, định hình tương lai cũng như các cuộc đoàn tụ. Những tù nhân, có cả trẻ em phụ nữ, được phiến quân trả tự do khỏi các nhà tù "kinh hoàng" của chế độ al-Assad.

"Đồ tể của Damascus" hết thời tại Syria

Xã luận La Croix nhắc lại Bachar al-Assad không phải là một nhà độc tài như những người khác, mà là một kẻ tàn ác khủng khiếp, được mệnh danh là "đồ tể của Damascus", sẵn sàng ném bom vào chính người dân của mình từ trực thăng, sử dụng vũ khí hóa học chống lại trẻ em, bỏ tù tất cả những ai dám đặt vấn đề về quyền lãnh đạo của ông, với những hình thức tra tấn cực đoan nhất.

Cuộc tấn công của lực lượng phiến quân Hồi giáo có vẻ nhanh chóng, tự phát, tận dụng khoảng trống do sự suy yếu của Hezbollah do Iran yểm trợ, cũng như của việc Nga rút quân Syria, điều về mặt trận ở Ukraine. Nhưng thực ra chiến dịch này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong hơn chục ngày HTS "giải phóng" Syria, ngoài vụ cướp phá dinh tổng thống, truyền thông chưa đưa tin về bất cứ hành vi lạm dụng nào, tạo ra một hình ảnh "đáng kính trọng" cho lực lượng nổi dậy này.

Thất bại của al-Assad cho thấy quyền lực của gia tộc này được duy trì dựa trên nỗi sợ hãi với những đàn áp tàn bạo cùng sự hỗ trợ từ bên ngoài, từ Iran, Nga hay Hezbollah ở Lebanon. Không ai, kể cả quân đội, muốn xả thân vì Bachar al-Assad.

Libération vẽ lại bức chân dung của lãnh đạo phiến quân Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), và vai trò chủ chốt trong việc lật đổ chế độ Bachar al-Assad. Lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, trong cuộc phỏng vấn với kênh al-Jazeera, ll-Golani che mặt, tự giới thiệu mình là người chỉ huy của Mặt trận al-Nosra. Tuy nhiên, 9 năm sau, trong một cuộc phỏng vấn với CNN cuối tuần trước, ông để lộ mặt, nêu rõ mục đích lật đổ chế độ Damascus, đưa ra tên thật Ahmed Hussein al-Charaa. Lực lượng HTS, được thành lập vào năm 2017, do ông lãnh đạo, đã kết hợp với các nhóm phiến quân khác và giành được chiến thắng vang dội, loại bỏ gia tộc Assad khỏi chính quyền Syria.

Theo La Croix, al-Golani gỡ bỏ trang phục galabied của quân thánh chiến Hồi giáo, khoác lên bộ quân phục, với vẻ ngoài của tướng Che Guevara. Libération nhấn mạnh al-Golani cũng đã tìm cách đổi mới hình ảnh để đạt được tính chính danh lãnh đạo đất nước, giữ khoảng cách với quá khứ "thánh chiến" khi chiến đấu cùng nhóm Hồi giáo al-Qaeda. Ban đầu, ông bị phương Tây coi là kẻ khủng bố, nhưng dần dần al Golani đã đổi mới hình ảnh, như một nhà lãnh đạo "thực dụng", sẵn sàng thực hiện các cải cách để giảm bớt lệnh cấm vận và giành được sự công nhận quốc tế. Al-Golani cũng đã đề cập đến khả năng giải thể tổ chức của mình và tạo ra một quá trình chuyển tiếp chính trị để quản lý các khu vực như Aleppo.

Trong chiến dịch này, HTS cũng đã có những hành động trấn an các cộng đồng thiểu số người Công giáo, người Alaoui, người Druze. Họ cũng triển khai các dịch vụ công, thiết lập một hình thức quản trị tại các khu vực mà họ kiểm soát, bao gồm các cải cách về kinh tế và xã hội, với việc thành lập các tổ chức như ngân hàng trung ương, phát hành thẻ căn cước và cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân. Chính phủ của al-Assad và quân đội Syria tan rã, nhưng các thể chế của Nhà nước, các cơ quan hành chính, do các công chức điều hành, không hẳn theo phe của chính phủ, mà vẫn tiếp tục làm việc với một lãnh đạo mới.

Trong phóng sự của Le Monde, Libération hay La Croix, hàng triệu người dân Syria, những người ở trong các trại tị nạn ở các nước láng giềng, đang tính đến đường trở về nước, với những đoàn xe từ miền đông Liban, hay từ Thổ Nhĩ Kỳ, tiến về phía Damascus. Với nhiều người tị nạn Syria, đây là lần đầu tiên họ quay trở lại con đường này từ chục năm qua, với hy vọng tìm lại quê hương, dù không chắc còn nhà cửa.

Libération cho rằng thật là "bẽ bàng" cho một số nước phương Tây và Saudi Arabia, bình thường lại quan hệ với chế độ al-Assad để đưa những người tị nạn trở về Syria, nhưng để làm được điều này thì lẽ ra phải lật đổ chế độ cầm quyền, thay vì mở cửa, nối lại đối thoại với kẻ bạo chúa.

Theo xã luận La Croix, Syria hiện bị chia cắt giữa các khu vực do các phe đối kháng nắm giữ, với sự đa dạng sắc tộc tôn giáo, chính trị, khiến cho việc quản lý đất nước gặp khó khăn, ngay cả Bachar al-Assad cũng không kiểm soát được đất nước. La Croix bày tỏ hy vọng về một cuộc đối thoại chính trị giữa những người Syria, "để chấm dứt thảm kịch của chính mình", bao gồm cả các nhóm thiểu số. Cuộc đối thoại này có lẽ cũng sẽ phụ thuộc vào các cường quốc đang cố giành lấy ảnh hưởng ở quốc gia vùng đệm này.

Các báo đề nói về một thời kỳ "hậu Assad mơ hồ", và tiến trình đến dân chủ đầy "rủi ro" ở Syria. Nếu như có những nghi vấn về tương lai của Syria sau khi được lực lượng Hồi giáo cực đoan giải phóng, thì theo Libération, người dân Syria biết rằng vẫn chưa có được ổn định và dân chủ trong nay mai. Trong không khí mừng chiến thắng như hiện nay, họ trích câu thơ tiếng Ả rập nổi tiếng của Imrou’l Qays : "Hôm nay ta cứ say, còn nghĩa vụ hãy để ngày mai lo".

Về phần mình, Le Figaro nêu lên sự thận trọng của bên thắng cuộc Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như là sự sa sút của Nga trong cuộc chiến tại Syria. Sau 9 năm can thiệp quân sự để hỗ trợ Bachar al-Assad đối phó với các phe đối lập, "chống khủng bố", Nga giúp Assad duy trì quyền lực nhưng không ngăn cản được đà suy yếu của chế độ cầm quyền.

 Các căn cứ quân sự Nga tại Hmeimim và Tartous, được cho là nơi mà Moskva duy trì sự hiện diện lớn nhất ngoài lãnh thổ của mình, hiện đang trong "tình trạ ng báo động cao", nhưng vẫn khẳng định là "không bị đe dọa". Tuy nhiên, không rõ Nga sẽ tiếp tục duy trì lực lượng tại Syria hay không, vì có những tin đồn cho rằng Nga đã rút các lực lượng hải quân khỏi Tartous và thay đổi chỉ huy quân sự tại Syria.

Một quan chức cấp cao Nga tuyên bố Moskva sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Syria "nếu cần, nhưng người dân Syria phải tự giải quyết cuộc chiến này mà không có sự can thiệp trực tiếp của Nga". Xã luận Libération kết luận kẻ thua cuộc lớn trong vụ việc này có lẽ là Vladimir Putin, chứng kiến sự sụp đổ của một đồng minh lớn ở Trung Đông, cũng như cái bắt tay giữa tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Nga và Ukraine cấp bách tuyển mộ binh lính

Về cuộc chiến ở Ukraine, cả La Croix và Le Monde đều quan tâm đến việc tuyển thêm binh lính từ cả hai phía Nga – Ukraine sau gần 3 năm tổn hao lực lượng. Mặc dù không bên nào đưa ra số liệu chính thức về thiệt hại nhân mạng, theo ước tính của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Pháp (IFRI), phía Nga có thể mất đi cả ngàn binh lính mỗi ngày. Điều tra của trang mạng Mediazona thì đã xác định được hơn 79 000 binh sĩ Nga tử trận và con số thực tế có thể cao gấp đôi.

Theo Le Monde, điện Kremlin cần thêm 30 000 lính mỗi tháng để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine, nhưng khó có thể tìm đủ, mặc dù Nga đã huy động nhiều nguồn lực với lệnh tổng động viên cũng như gia tăng các đãi ngộ nhằm thu hút người ký hợp đồng với quân đội. Các báo cũng đề cập đến việc tuyển mộ lính ở nước ngoài, ngoài lính từ Bắc Triều Tiên, còn có cả lính từ Ấn Độ, Yemen, hay Nepal.

Nhà thờ Đức Bà Paris - Quyền lực mềm của Pháp

Các báo Pháp số ra sáng nay cũng đặc biệt chú ý đến sự kiện Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa trở lại vào cuối tuần qua. Xã luận Le Monde nêu lên"quyền lực mềm" của Pháp khi mời hơn 40 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ, bao gồm cả Donald Trump trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đắc cử và cuộc gặp với tổng thống Ukraine Zelensky tại điện Élysée. Nhà thờ Đức Bà Paris - Notre-Dame de Paris đã mang đến cho Pháp một màn trình diễn tuyệt vời về "soft-power" của một quốc gia, giống như Thế vận hội Olympic Paris, có khả năng khiến cả thế giới đổ dồn ánh mắt, không chỉ vì những bi kịch, những thiếu sót, những cơn sốt, mà còn vì tài năng, khả năng tổ chức và sự kiên cường của đất nước đó.

Với những nghi lễ tôn giáo, những màn trình diễn nghệ thuật ngoạn mục cùng các cuộc họp thượng đỉnh bên lề, tạo ra một hình ảnh "thống nhất" giữa cuộc khủng hoảng chính trị. Quy mô của sự kiện cũng lớn như nỗi niềm "tiếc nuối" của cả thế giới, đối với công trình gần 900 tuổi bị ngọn lửa thiêu rụi ngày 15/04/2019.

Ông Macron đã giữ được lời hứa phục dựng lại biểu tượng của Paris trong vòng 5 năm, không chỉ nhờ vào cơn mưa "hàng triệu euro" rót xuống bởi những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hay những nhà tỷ phú từ khắp nơi trên thế giới, mà còn nhờ vào đội ngũ tài năng, gồm những người thợ mộc, thợ lợp mái nhà, kỹ sư, thợ phục chế, thợ cắt đá, công nhân kính màu và các ngành nghề khác…

Xã luận Le Figaro thì ví Notre-Dame de Paris như linh hồn của nước Pháp. Một lần nữa mở cửa cho thế giới, Nhà thờ Đức Bà Paris bộc lộ những vẻ đẹp ẩn giấu từ trăm năm qua. Ngọn lửa, cho đến nay vẫn chưa rõ nguồn gốc, nuốt chửng nhà thờ, được loan tải khắp các màn hình trên toàn thế giới, đã bộc lộ một "điều bất ngờ", đó là sự gắn kết của một dân tộc đối với một trong những viên ngọc quý của Pháp, dù có tin vào thiên đường hay không.

Sự tái sinh của "linh hồn" Pháp

Trong khi Le Figaro khẳng định sự tái sinh của Nhà thờ Đức Bà khơi dậy một niềm tự hào, đó là sự chấp nhận của một dân tộc đối với "một mảnh tâm hồn của mình", thì nhật báo cánh tả Libération chỉ trích một buổi lễ không tôn trọng chủ trương tách biệt tôn giáo và chính trị, khi thời tiết xấu khiến toàn bộ buổi lễ diễn ra dưới mái vòm của Nhà thờ Công giáo, trong bầu không khí thánh lễ với tiếng đàn organ vang rền.

Nhân sự kiện này, nhật báo công giáo La Croix cho phép người đọc truy cập miễn phí vào trang mạng của mình. Sau 5 năm đóng cửa trùng tu, thánh lễ đầu tiên đã được cử hành tại Nhà thờ Đức Bà hôm Chủ nhật vừa qua. Ngoài niềm hân hoan của những con chiên, sự kiện Nhà thờ Đức Bà mở cửa trở lại cũng mang đến một "thông điệp hy vọng".

Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại Pháp ngày càng sâu sắc, tổng thống Macron đang chật vật tìm ra một tân thủ tướng thay thế ông Michel Barnier, đối mặt với các lằn ranh đỏ từ tứ phía, khi các phe phái tả hữu không ai chịu ai. Ông Macron đã nắm bắt dịp này để tạo nên một luồng gió mới, ví Notre-Dame là "phép ẩn dụ hạnh phúc về thế nào là một quốc gia". Tối thứ Bảy, trong buổi lễ chính thức mở cửa lại công trình tôn giáo này, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kết thúc bài phát biểu của ông bằng khẩu hiệu "Nhà thờ Đức Bà muôn năm, nền Cộng Hòa muôn năm, nước Pháp muôn năm", một cụm từ mà chưa một tổng thống Pháp nào từng nói ra.

La Croix kết luận : "Trong khi, từ Kiev đến Damascus, thế giới đang rung chuyển, thì sự tái sinh của Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 7 tháng 12 khiến công trình này trở thành biểu tượng của cuộc tìm kiếm vẻ đẹp và hòa bình hơn bao giờ hết".

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 96 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)