Chế độ Assad ở Syria có nguy cơ sụp đổ : Thất bại của Putin ?
Le Point nhận định việc quân nổi dậy Hồi giáo chiếm được Aleppo cho thấy trục Nga-Iran đã yếu hẳn đi nên Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách khai thác. Tuần báo phê phán việc phương Tây không can thiệp trước đây, khiến Putin nhảy vào Syria. Le Figaro cuối tuần nhận thấy đây là thất bại của chiến lược Nga, Foreign Policy phân tích các nguyên nhân khiến chế độ Assad suy sụp.
Quân nổi dậy tiến vào Homs ngày 07/12/2024, dù quân chính phủ cố gắng giữ thành phố này để bảo vệ Bachar Al Assad đã ngự trị tại Syria suốt 24 năm. Reuters – Mahmoud Hasano
Hệ quả bất ngờ từ vụ thảm sát người Do Thái của Hamas
Le Point ghi nhận, một cú sốc địa chính trị đôi khi mang lại hệ quả bất ngờ xa hẳn nơi xuất phát. Chẳng hạn cuộc nội chiến Syria vừa hồi phục sau bốn năm với việc phe nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chiếm Aleppo và Hama một cách ngoạn mục, đang đe dọa sự phát triển của phe Shia từ Tehran đến Beirut, đặt Nga và Iran vào thế thủ. Đó là tác động không chờ đợi từ vụ thảm sát người Do Thái của Hamas hôm 07/10/2023.
Sự trả đũa thẳng tay của Israel nhắm vào các lực lượng thân Iran trong khu vực, nhất là Hezbollah ở Lebanon, đã làm các phe hỗ trợ Assad bị yếu đến nỗi phe nổi dậy vùng lên giành lợi thế. Aleppo, thành phố lớn thứ nhì Syria bị chiếm chỉ trong bốn ngày, trong khi hồi 2013 quân chính phủ được Hezbollah cùng với Vệ binh Cách mạng và không quân Nga hợp sức phải mất đến bốn năm. Tuần báo cho rằng việc đất nước của "Mùa xuân Ả Rập" năm 2011 chìm vào cuộc nội chiến làm ít nhất 350.000 người chết, tạo ra làn sóng tị nạn ồ ạt vào Châu Âu, là do sự thờ ơ của Barack Obama.
Do Obama từ chối can thiệp, Putin làm mưa làm gió ở Syria
Le Point nhắc lại, năm 2013 tổng thống Mỹ đã từ chối can thiệp, bỏ mặc Syria cho các phe thánh chiến sau khi chế độ Bachar Al Assad dùng khí độc sarin thảm sát chính người dân của mình. Những kẻ cuồng tín Hồi giáo ở Châu Âu liền tham gia tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, gây ra nhiều vụ khủng bố đẫm máu ở Syria và nhiều nơi khác, nhất là vụ thảm sát Bataclan, tháng 11/2015 tại Paris. Thấy Washington khoanh tay đứng nhìn, Vladimir Putin bèn tranh thủ để can thiệp vào Syria đồng thời tấn công nước láng giềng Ukraine năm 2014, mở đường cho cuộc xâm lăng hiện nay.
Syria là điểm hợp lưu giữa chủ nghĩa đế quốc Iran – bành trướng về phía Địa Trung Hải, và Nga – tiến về các vùng biển ấm ; hình thành nên trục Moskva-Tehran vừa tấn công Ukraine vừa hỗ trợ Assad. Và cũng tại Syria, phương Tây nhờ vào người Kurdistan để chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, nhưng lại bỏ rơi họ khi tổ chức khủng bố này bị đánh tan.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhân việc Israel và Hezbollah ngưng bắn, đã bật đèn xanh cho các phe dân quân Hồi giáo, trong những năm gần đây vốn chỉ kiểm soát được Idlib ở vùng đông bắc gần Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà độc tài Ankara muốn buộc Damascus phải thương lượng để trục xuất về Syria đa số người tị nạn, đồng thời được rảnh tay để tấn công người Kurdistan, đẩy họ về phía đông. Thời kỳ chuyển tiếp ở Washington gây bất ổn tại nhiều khu vực trên thế giới vì chẳng thể biết được ý định của Donald Trump. Hiện không biết phe nổi dậy Syria sẽ còn tiến tới đâu, nhưng có một điều chắc chắn là một lần nữa Châu Âu vẫn đứng xem ở balcon, cho dù có nguy cơ phải trả giá cho bạo lực lại bùng lên ở nước mình.
Chiến lược của Nga tại Syria đã thất bại
The Economist nhận xét, sự sống sót của chế độ Damascus không hẳn tùy thuộc vào các đồng minh, mà vào các kẻ thù cũ của mình. Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm chủ chốt trong phe nổi dậy, được huấn luyện chu đáo hơn so với cách đây 10 năm, còn Quân đội Quốc gia Syria (ANS) thực ra là lực lượng ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ. HTS sử dụng rộng rãi các drone để giám sát và tấn công, và tung vào các đơn vị đặc nhiệm. Quân chính phủ bỏ chạy để lại xe tăng, pháo và nhiều thiết bị, được phe nổi dậy chiếm lấy.
Thành phố Hama, suốt 13 năm qua chưa hề trong tay quân nổi dậy, đã thất thủ mà hầu như không chiến đấu. Le Monde số cuối tuần cho biết trong một nỗ lực tuyệt vọng, Assad tăng lương gấp đôi cho lính để hy vọng tái chiếm, còn Le Figaro nhận thấy đây là thất bại của chiến lược Nga. Trang DeepState dẫn các nguồn mở và ảnh vệ tinh nói rằng Nga đang di tản toàn bộ hạm đội ở căn cứ Tartous lịch sử, chuyển đi ba khinh hạm, một tàu ngầm và hai tàu hộ tống. Theo chuyên gia Nicole Grajewski của Viện Carnegie, đà tiến nhanh chóng bất ngờ của phe nổi dậy khiến Moskva không có thì giờ phối hợp với quân đội Syria để không kích và tổ chức phản công quy mô.
Vì sao chế độ Assad suy sụp ?
Courrier International dịch bài viết của Foreign Policy, nhận định trong nhiều năm trời, cộng đồng quốc tế cho rằng cuộc khủng hoảng Syria đã thuộc về quá khứ, chế độ Assad chiến thắng, nên đã dành nguồn lực cho các thách thức ở nơi khác. Các chính phủ Ả Rập cũng xích lại gần hơn với Damascus. Tuy nhiên nền kinh tế Syria đã xuống dốc không phanh. Đầu năm 2020, một đô la Mỹ tương đương 1.150 đồng livre Syria. Vào đầu cuộc nổi dậy cách đây một tuần, tỉ giá tăng lên 14.750 livre và đến ngày 04/12, một đô la đổi được đến 17.500 livre. Liên Hiệp Quốc ước tính ít nhất 90% người Syria sống dưới ngưỡng nghèo khó.
Chẳng còn ai giúp Assad cứu Syria khỏi tình trạng phá sản. Kinh tế Nga khốn đốn vì cuộc xâm lăng Ukraine, Iran cũng thê thảm. Chế độ Damascus đang trở thành quốc gia ma túy lớn nhất thế giới. Việc buôn lậu được giao cho đơn vị tinh nhuệ là sư đoàn thiết giáp số 4 do Maher, em trai của Bachar Al Assad phụ trách, nhưng nay buôn bán ma túy lan tràn khắp nơi, trong hầu hết bộ máy quân sự và dân quân thân chế độ. Các lực lượng Nga, Iran, Hezbollah có trên mặt trận khi cuộc tấn công của phe nổi dậy bắt đầu hôm 27/11, nhưng chẳng làm được gì nhiều để hỗ trợ quân chính phủ Syria thiếu phối hợp, mất tinh thần.
Những năm gần đây Moskva chỉ có thể giúp Assad các drone tự sát đã lỗi thời, không thể so sánh với drone Kataib Shahine của nhóm nổi dậy Hayat Tahrir Al-Cham (HTS). Nhóm này có cả lực lượng đặc biệt Asaib Al-Hamra (băng-đô đỏ). Theo những tin tức mới nhất, HTS loan báo đã kiểm soát toàn bộ Homs, thành phố chiến lược chỉ cách thủ đô Damascus 150 kilomet.
Pháp khủng hoảng chính trị, Macron lại phải tìm thủ tướng mới
Về nước Pháp, trang bìa The Economist đăng hình lối vào một trạm métro Paris nhưng thay tên trạm bằng tiếng chửi thề quen thuộc của người Pháp. Bên cạnh đó là hình vẽ chú gà trống Gô-loa bị bịt mắt đang ở tư thế một chân còn trên bờ vực, chân kia bước vào khoảng không, với dòng tít "Emmanuel Macron lại mất thêm một thủ tướng nữa".
Dưới cái nhìn của tuần báo Anh, Pháp đang khủng hoảng sâu sắc khi không có chính phủ và không ngân sách. Ngày thứ Bảy 07/12, gần 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước hiện diện trong dịp Nhà thờ Đức Bà Paris, di sản gô-tích thế kỷ 12 của Pháp mở cửa trở lại, chỉ 5 năm sau vụ hỏa hoạn. Nước Pháp có thể hãnh diện trước mà không quốc gia nào có thể thực hiện nổi, nhưng tiếc thay sự kiện này lại diễn ra vào lúc chính phủ Michel Barnier vừa bị cực hữu và cực tả hợp sức lật đổ.
Các đảng truyền thống trung hữu và trung tả đang bị chia rẽ. Trong những cuộc bầu cử tổng thống gần đây, phân nửa số cử tri đã chọn các phe cực đoan trong vòng đầu. Các đời tổng thống liên tiếp không chủ động được ngân sách, dân số lão hóa và những mối đe dọa an ninh ngày càng cáo khiến phải tăng thuế. Nhìn chung, đa số nước Châu Âu đều vướng vào chiếc bẫy này. Tại Pháp, do đảng cầm quyền không có đa số tại Quốc hội, viễn cảnh một loạt chính phủ thiểu số chỉ điều hành trong một thời gian ngắn khiến vấn đề ngân sách càng khó giải quyết. Tổng thống Emmanuel Macron đã triệu tập bầu cử trước thời hạn cách đây mới 6 tháng nên không thể tổ chức bỏ phiếu trước tháng 7/2025, và lúc đó cũng chưa chắc đạt được đa số.
Vấn đề là đa số cử tri Pháp không muốn đối mặt với thực tế kinh tế. Cũng như các nước Châu Âu khác đang già đi, Pháp phải cạnh tranh với Mỹ và Châu Á, buộc phải chi ra những số tiền lớn, năm nay thâm hụt ngân sách vượt quá 6% GDP. Kế hoạch cắt giảm 40 tỉ euro và tăng thuế 20 tỉ euro của ông Barnier chỉ có thể giúp giảm bớt 1%, nhưng dù vậy cũng là quá nhiều đối với cánh hữu và cánh tả vô trách nhiệm, với động cơ tranh giành quyền lực, khuấy động sự bất bình của người dân. Tăng trưởng của Pháp khoảng 1% một năm, không phải là tệ trong khu vực đồng euro, nhưng nợ công đã lên đến 110% GDP. Cử tri sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho các phe cực đoan, sự yếu kém của hai đầu tàu Pháp-Đức sẽ ảnh hưởng đến toàn Châu Âu.
Nhà thờ Đức Bà Paris, chuyện thần thoại Pháp
Về việc Nhà thờ Đức Bà mở cửa trở lại, tất cả các báo đều dành rất nhiều trang, ra thêm phụ bản cho sự kiện toàn cầu quan trọng này, được mấy trăm nhà báo quốc tế đăng ký đến đưa tin. Thành công ngoạn mục trong việc trùng tu di sản là nhờ nhiều yếu tố : quyết tâm của chính quyền mà cụ thể là tổng thống Emmanuel Macron, sự đóng góp chưa từng thấy của 340.000 nhà hảo tâm từ 150 quốc gia trên thế giới, việc chỉ huy chặt chẽ tiến trình một cách hoàn toàn minh bạch, kỹ năng tinh xảo của những người thợ Pháp…
Le Nouvel Obs nhấn mạnh "Nhà thờ Đức Bà Paris, một câu chuyện thần thoại Pháp". La Croix Hebdo đăng tám truyện ngắn có liên quan đến Nhà thờ Đức Bà của tám nhà văn. Hình ảnh công trình tráng lệ này chiếm trang nhất của Le Figaro số cuối tuần lẫn Le Figaro Magazine, với dòng tít "Sự lộng lẫy và niềm vui". Đây cũng là cơ hội ngoại giao : tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức được cuộc gặp tay ba với tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky trong dịp này.
Thiệt hại nặng ở Ukraine, nhưng Putin có chịu dừng lại ?
Liên quan đến Ukraine, L’Express nói về "Kế hoạch của ông Trump để kết thúc chiến tranh". Theo cựu đại sứ Mỹ ở NATO, Douglas Lute, thì tuy Donald Trump nói rằng sẽ giải quyết trong vòng 24 giờ, nhưng lúc đó chỉ là ý định thay vì một kế hoạch rõ ràng, và nay đã thấy xuất hiện một số hướng cụ thể. Ông Trump giao cho tướng Keith Kellogg hồ sơ khó khăn này. Nhân vật trung thành với "America first" đề nghị đặt điều kiện chỉ viện trợ quân sự nếu Kiev chấp nhận đàm phán, và tạm ngưng tiến trình kết nạp NATO trong một thời gian dài.
Trên thực tế, không dễ dàng thuyết phục được các bên tham chiến và các đồng minh Châu Âu. Một nhà quan sát cho rằng đó không phải là kế hoạch hòa bình mà chỉ dẫn đến hỗn loạn, cho dù dư luận Ukraine sau ba năm chiến tranh đã dần dà chấp nhận việc đàm phán. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng chỉ đồng ý tạm đóng băng tình trạng hiện nay, khi Nga đang chiếm đóng 20% lãnh thổ Ukraine, nếu NATO chấp nhận bảo đảm an ninh cho phần còn lại của Ukraine. Nếu Mỹ ngưng viện trợ tình hình sẽ rất đáng lo. Còn lại một "con voi trong phòng" : chính nước Nga. Dù thiệt hại hết sức nặng nề, nhưng vẫn cho rằng có thể chịu đựng được chiến tranh trong vài năm nữa, liệu Kremlin có dừng lại ở đây ?
Vấn đề Đài Loan : "Tập Cận Bình đã đổ đầy bình xăng"
Tại Châu Á, việc Tập Cận Bình tiếp tục "đả hổ diệt ruồi" trong quân đội khiến nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc khó thể xâm lăng Đài Loan trong vòng vài năm tới.Các vụ thanh trừng những lãnh đạo cao cấp trong quân đội Trung Quốc gần đây vì tham nhũng làm dấy lên hy vọng ông Tập vẫn chưa tin tưởng vào khả năng chiếm Đài Loan nhanh chóng và với phí tổn chấp nhận được. Các yếu tố gần đây khác cũng có thể khiến Tập Cận Bình phải dừng lại, trong số đó có việc Nga đánh mãi vẫn không chiếm được Ukraine, Đài Loan phòng thủ chặt chẽ hơn và các liên minh quân sự ngày càng được siết chặt của Mỹ ở Châu Á. Nhất là những khó khăn về kinh tế và bất mãn xã hội khiến ông Tập phải chú tâm vào nội tình Hoa lục.
Tuy nhiên những quan điểm như vậy không được chia sẻ rộng rãi, một phần là do sự trở lại nắm quyền của Donald Trump khiến người ta nghi ngờ về sự bền vững của các liên minh với Hoa Kỳ. Chuyên gia Andrew Erickson, trường Hải chiến Mỹ lưu ý rằng các vụ bê bối tham nhũng trong quá khứ không ngăn cản được sự phát triển quân sự không ngừng của Trung Quốc. Ông nói : "Tập Cận Bình đã đạp mạnh chân ga và đổ đầy bình xăng".
Vũ khí nguyên tử chiến thuật đang bị bình thường hóa
Nhìn rộng ra trên thế giới, trong khi khắp nơi trên lo tăng cường kho vũ khí nguyên tử, ý tưởng một vụ "tấn công chiến thuật" đã trở nên hiện thực. Courrier International dành hồ sơ cho "Nguyên tử, hồi kết của sự cấm kỵ" trích đăng bình luận của báo chí quốc tế, cho rằng đây là bước ngoặt biểu hiện xu hướng chạy đua vũ trang hạt nhân trên thế giới.
Ngày 19/11, Kremlin công bố sắc lệnh về chủ thuyết nguyên tử mới của Nga, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí nguyên tử trong trường hợp bị tấn công. Từ nay, Nga có thể "đánh phủ đầu" dù quốc gia "xâm lược" không dùng vũ khí nguyên tử và cũng không phải là nước sở hữu loại vũ khí tối thượng này. Nếu lâu nay nỗi sợ một vụ Hiroshima mới, đồng nghĩa với tận thế, giúp làm bóng ma nguyên tử rời xa, thì nay sự cấm kỵ này đang dần bị phá vỡ. Bởi vì không còn là việc sử dụng những vũ khí khủng khiếp như Little Boy và Fat Man (hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki), mà là hỏa tiễn chiến thuật.
Và điều này làm thay đổi tất cả, vào lúc các hiệp ước hạn chế vũ khí, chống chạy đua vũ trang hạt nhân đã bị "quẳng vào thùng rác", như nhận xét của tờ Sunday Times. Bên cạnh các cường quốc nguyên tử Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, các quốc gia trung bình, từ Hàn Quốc đến Saudi Arabia tranh luận về khả năng sở hữu chương trình hạt nhân riêng. Trong bối cảnh căng thẳng cực độ ở bán đảo Triều Tiên và Trung Đông, nơi Israel, và Iran - sắp có được quả bom nguyên tử - công khai đối đầu, tình hình rất đáng lo ngại.
Giám đốc chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt của Stockholm International Peace Research Institute (Sipri), ông Wilfred Wan cảnh báo : "Chưa bao giờ thấy vũ khí nguyên tử đóng vai trò rộng rãi đến thế trong quan hệ quốc tế kể từ thời chiến tranh lạnh". Báo cáo cho biết số đầu đạn nguyên tử Trung Quốc chỉ trong một năm qua từ 410 đã tăng lên 500. Một sự bình thường hóa loại vũ khí đáng sợ này.
Thụy My