Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/12/2024

Điểm báo Pháp - Mục tiêu thực sự của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

RFI tiếng Việt

Tổng thống Pháp Macron : Mục tiêu thực sự của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Sau khi chính phủ của thủ tướng Michel Barnier bị lật đổ, nhiều tờ báo Pháp số ra hôm nay, 06/12/2024, đồng loạt chạy tựa trang nhất về tổng thống Emmanuel Macron, "mục tiêu thực sự của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm". Trở về sau chuyến công du cấp nhà nước tới Saudi Arabia, điều gì đang chờ đợi nguyên thủ quốc gia Pháp

motion1

Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình từ Điện Elysée, Paris, Pháp, tối 05/12/2024. AFP – Ludovic Marin

Đối với Le Figaro, ông Macron đang đối mặt với bài toán dường như "không có lời giải", phải nhanh chóng chỉ định tân thủ tướng trong lúc bị áp lực từ mọi phía. Le Monde thì chạy tựa người đứng đầu điện Elysée "một mình đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có". Trong khi đó, Libération nhận định khủng hoảng chính trị lần này là "một bài học" cho quyết định giải tán Quốc hội hồi tháng 6 của tổng thống Pháp. Tối qua, ông đã phát biểu trên truyền hình để trấn an người dân Pháp và hứa sẽ chỉ định thủ tướng mới "trong vài ngày tới". Tuy nhiên tờ báo thiên tả đặt câu hỏi rằng "vài ngày" sẽ là bao lâu ? Là 51 ngày để đưa ra một cái tên, rồi sau đó bị lật đổ trong vòng 3 tháng ?

Xã luận của tờ Le Monde cho rằng "mục tiêu thực sự của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này không phải là Michel Barnier mà chính là Emmanuel Macron". Sự hỗn loạn hiện nay trong chính trường Pháp là cơ hội để các chính trị gia đối lập chỉ trích ông Macron và yêu cầu ông rời khỏi chiếc ghế tổng thống. Trả lời trên đài TF1, lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) Marine Le Pen tuyên bố tổng thống "là người có tiếng nói quyết định, rằng liệu ông ấy muốn người dân Pháp có một cuộc bầu cử (tổng thống) mới trước năm 2027, hay là cố ngồi trên yên ngựa bằng mọi giá". Trong khi đó ông Jean Luc Melenchon, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, viết trên mạng X : "Kể cả cứ ba tháng thay một Barnier thì Macron cũng không trụ nổi ba năm nữa đâu". Đối mặt với những lời kêu gọi từ chức, tổng thống Pháp vẫn nhấn mạnh trước truyền thông sẽ không có chuyện ông rời bỏ Điện Elysée trước khi hết nhiệm kỳ.

Chính trường Pháp rối ren, phe cực hữu "ngư ông đắc lợi" ?

Theo Le Monde, tổng thống đang phải trả giá, đồng thời khiến cả đất nước phải trả giá cho quyết định giải tán Quốc hội "một cách tai hại", khiến cho không một đảng nào nắm đa số ghế, đồng thời khiến cử tri nghi hoặc về tính dân chủ, vì ông Macron đã cố ý kéo dài quá trình chỉ định thủ tướng. Tổng thống đã muốn giải tán Quốc hội thời điểm đó để tránh cho chính phủ tiền nhiệm Attal bị bỏ phiếu bất tín nhiệm khi đưa ra dự thảo ngân sách cho năm 2025, nhưng cuối cùng, 6 tháng sau, viễn cảnh này vẫn xảy ra. Nhưng tồi tệ hơn là nó còn mang tới sự căng thẳng và hỗn loạn cho cả đất nước.

Quyết định này còn giúp cho đảng cực hữu RN "chưa bao giờ tới gần quyền lực đến thế". Le Monde nhận định rằng RN đang "làm chủ cuộc chơi" khi vừa tham gia vào việc cầm quyền (vì Barnier đã một phần nhượng bộ các yêu cầu của đảng này), vừa cho thấy khả năng lật đổ chính phủ. Tuy nhiên, để tránh bị chỉ trích khi bỏ phiếu bất tín nhiệm, khiến cả nước Pháp một lần nữa rơi vào khủng hoảng, lãnh đạo RN đã cố làm "giảm tầm mức nghiêm trọng" trong quyết định của mình, theo nhận định từ cả hai nhật báo Le Monde Le Figaro. Trả lời phỏng vấn, bà Le Pen không gọi đây là một "chiến thắng" cho RN, mà là một "giải pháp duy nhất" cho nước Pháp và nhấn mạnh thêm rằng đảng này đã không từ chối việc thoả hiệp, dù Le Monde nhắc lại rằng chính bà Le Pen đã gạt đi "những nhượng bộ quý giá" mà ông Barnier đưa ra trước đó.

Nước Pháp "vô hình" trên mặt trận ngoại giao Châu Âu

Khủng hoảng chính trị này hoàn toàn có thể biến thành khủng hoảng thể chế, nhất là khi mà sự hoài nghi về khả năng cầm quyền của đương kim tổng thống cùng với những chỉ trích về sự bất lực của các nghị sĩ đang ngày càng gay gắt trong chính trường Pháp. Không chỉ vậy, nó còn khiến nhiều người lo ngại rằng một nước Pháp "bất ổn về chính trị" và "yếu kém về kinh tế" sẽ mất dần ảnh hưởng tại Liên Hiệp Châu Âu. Dù vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai tại Châu Âu, cường quốc hạt nhân, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, liệu Paris có thể giữ vững vị thế của mình? Điều này sẽ được thể hiện qua quyết định của chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu Ursula von der Leyen về hiệp định tự do mậu dịch Mercosur. Theo nhật báo kinh tế Les Echos, Paris đã nhiều lần kêu gọi bà von der Leyen không ký hiệp định này để bảo vệ "chủ quyền nông nghiệp", tránh cho nông dân Pháp phải cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ đến từ 5 nước Mỹ Latinh.

Tuy nhiên trong tình cảnh hiện nay, Le Figaro nhận định lời nói của Macron đã không còn trọng lượng và theo La Croix, rất có thể hiệp định này sẽ được ký kết khi bà Von der Leyen đến dự thượng đỉnh Mercosur hôm nay tại Montevideo, Uruguay. Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với Điện Elysée cho Le Monde biết : "Ở điện Elysée cũng như trong giới nghị sĩ Pháp ở Bruxelles, người ta lo ngại rằng nước Pháp đã rơi vào tình cảnh khó cứu vãn", nên chẳng có lý do gì phải nỗ lực vì lợi ích của nước Pháp nữa.

Syria xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi

Cuộc xung đột ở Syria cũng là một chủ đề lớn được các báo Pháp số ra hôm nay quan tâm sau khi lực lượng nổi dậy chiếm được Hama, thành phố lớn thứ hai của nước này. Sau chiến thắng tại Aleppo, lực lượng Hồi giáo dẫn đầu bởi các chiến binh thánh chiến của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhánh cũ của al-Qaeda tại Syria, thông báo đã chiếm được nhà tù trung tâm và giải thoát các tù nhân. Quân đội Syria, vốn đã hứa bảo vệ thành phố bị bao vây kể từ thứ Hai, cuối cùng đã phải rút lui sau hai ngày giao tranh ác liệt, "để bảo vệ tính mạng của dân thường và tránh chiến đấu trong khu vực đô thị". Le Figaro nhận định đây là một lý do "khó tin" đến từ một quân đội ít khi chú trọng đến những yếu tố này.

Để mất Hama là một thất bại nghiêm trọng đối với chính quyền Syria, vì thành phố này luôn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011. Xét về mặt chiến lược, thành phố này là chìa khóa để tiến vào Homs, cách đó 45 km, một thành phố lớn ở trung tâm, là giao lộ giữa các khu vực quan trọng nhất của Syria.

Le Figaro phân tích thành công quân sự của liên minh nổi dậy gắn liền với sự suy yếu đột ngột của một số đồng minh của tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đầu tiên phải kể tới Hezbollah. Bị Israel tấn công, lực lượng này đã phải rút một số đơn vị ở Syria về lại Liban trong khi người bảo trợ cho họ là Iran cũng đang bị suy yếu. Trong khi đó, đồng minh Nga vẫn đang phải đối mặt với cuộc chiến ở Ukraina. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận việc hỗ trợ cho phe nổi dậy Hồi giáo, dù điều đó có vẻ không thuyết phục lắm.

Nhật báo Le Monde nhắc lại rằng từ lâu nay Ankara vẫn là nguồn tài trợ chính cho các phiến quân chống tổng thống Al-Assad. Ngăn chặn các chiến binh người Kurdistan tập hợp ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và ổn định khu vực phía bắc Syria để có thể gửi lại những người tị nạn Syria đang sống trên lãnh thổ của mình, chính là động lực thúc đẩy tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan can thiệp vào Syria. Và giờ đây Ankara có thể rảnh tay, không cần tốn thêm một binh sĩ nào ở phía bắc Syria mà vẫn đạt được mục tiêu.
Nền dân chủ Hàn Quốc đứng vững trước quyết định thiết quân luật của tổng thốn.

Về thời sự Châu Á, tình trạng bất ổn chính trị tại Hàn Quốc vẫn là một chủ đề nóng. Sau thất bại trong việc áp đặt thiết quân luật, chính quyền tổng thống bảo thủ Yoon Suk-yeol đã nhanh chóng bị những thành phần cấp tiến của Hàn Quốc phản đối. Vào đêm 4 rạng sáng 5 tháng 12, 190 nghị sĩ đối lập và một nghị sĩ độc lập đã đệ trình một kiến nghị luận tội tổng thống Yoon tại Quốc hội. Họ cáo buộc ông Yoon Suk-yeol đã "vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp" để "tránh bị truy tố pháp lý". Nghị sĩ Kim Seung-won, thuộc Đảng Dân chủ (PD, đảng đối lập chính), nhấn mạnh "Ông ấy đã cố gắng chiếm quyền kiểm soát Quốc hội bằng cách triển khai 250 lính đặc nhiệm (…) và đây là tội không thể tha thứ".

Theo luật, nghị quyết luận tội phải được đưa ra bỏ phiếu trong vòng từ 24 đến 72 giờ sau khi được trình bày tại kỳ họp. Nếu hai phần ba trong số 300 nghị sĩ (tức 200 người) bỏ phiếu thông qua và quyết định này được Tòa án Tối cao phê chuẩn, thì tổng thống sẽ mất chức. Quyền điều hành tạm thời sẽ do thủ tướng đảm nhận. Tổng cộng, các đảng đối lập có 192 đại biểu. Do đó, số phận của ông Yoon Suk-yeol phụ thuộc vào 8 phiếu còn lại trong Quốc hội.

Le Monde nhận định, quyết định thiết quân luật này là một nỗ lực trong tuyệt vọng của ông Yoon Suk-yeol. Từ khi lên nhậm chức vào năm 2022, ông đã không được lòng dân. Quyền lực của tổng thống càng bị suy yếu sau thất bại lớn của phe ông trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 4, mà nguyên nhân được cho là đường lối lãnh đạo mang tính độc đoán của ông, cùng với sự bất lực trong việc kiềm chế lạm phát và giải quyết vấn đề việc làm cho người trẻ. Trong những tuần gần đây, phe đối lập đã đòi luận tội Choe Jae-hae, chủ tịch Hội đồng Kiểm toán và Thanh tra, cùng ba công tố viên, cáo buộc họ thiên vị trong các cuộc điều tra nhằm vào đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee, bị nghi ngờ tham nhũng và thao túng chứng khoán.

Trong khi đó Libération thì nhấn mạnh là qua quyết định đó, ta mới thấy sức sống mãnh liệt của nền dân chủ Hàn Quốc. Ngay từ những phút đầu tiên sau khi tuyên bố của tổng thống được công bố, các nghị sĩ và cố vấn của họ đã làm hết sức để ngăn chặn binh lính trang bị vũ khí tiến vào Quốc hội. Phản ứng nhanh chóng của họ đã giúp quy tụ đủ số nghị sĩ để bỏ phiếu thông qua một nghị quyết tuyên bố quyết định của ông Yoon Suk-yeol là vô hiệu và bất hợp pháp. Một số nghị sĩ thậm chí đã trèo qua hàng rào cao để có thể vào bỏ phiếu. Trong thành công này còn phải kể tới sự tham gia của những người trong chính nội bộ của ông Yoon Suk-yeol, những người đại diện xã hội dân sự, cùng hàng ngàn người dân đã xuống đường để phản đối quyết định thiết quân luật vô lý này và kêu gọi đảm bảo quyền tự do cơ bản của một đất nước dân chủ.

Minh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Phương
Read 133 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)