Dân Pháp nói không với cực hữu : Cái tát cho Tập Hợp Dân Tộc
"Nước Pháp nín thở chờ đợi" -đó là tít của Le Monde xuất bản từ cuối tuần trước, và hôm nay 08/07/2024 nhật báo thiên tả Libération thở phào nhẹ nhõm "Ouf !"trên trang nhất, sau khi có kết quả cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai. Le Figaro nhận định "Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement national - RN) thất bại, cánh tả vượt lên trên phe Macron". La Croixnhấn mạnh "Nước Pháp nói không với cực hữu",còn Les Echos thẳng thừng chạy tít lớn "Cái tát".
Ông Jordan Bardella, chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement national - RN) phát biểu trước báo chí ở Paris ngày 08/07/2024, một hôm sau cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai tại Pháp. Reuters - Guglielmo Mangiapane
Kết quả thật bất ngờ : Cánh tả dẫn đầu, đảng cầm quyền về nhì, cực hữu về thứ ba, và ngay cả cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) cũng trụ lại được. Không có cuộc thăm dò nào dự báo được trật tự trên. Một lần nữa, người Pháp đã chận đường cực hữu trong khi phe này ngỡ rằng sắp nắm được quyền lực.
Gió đổi chiều một cách ngoạn mục
Đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) không thể nắm quyền ! Theo La Croix, đó là thông điệp của đa số dân Pháp trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai. Một sự xoay chiều ngoạn mục chỉ trong vòng một tuần lễ : Từ hy vọng có được đa số tuyệt đối, cực hữu chỉ còn là lực lượng đối lập đông nhất. Đó là nhờ chiến lược dồn phiếu cho những ứng cử viên có khả năng đánh bại Tập Hợp Dân Tộc. Cánh tả được lợi, nhưng cánh trung tập hợp dưới màu áo Ensemble ! (tạm dịch Chung sức hay Đồng lòng) cũng trụ lại được.
Tuy nhiên nước Pháp có thể trở nên không thể lãnh đạo nổi, trừ phi đạt được các thỏa thuận. Một điều khó khăn trong khi ai cũng nghĩ đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2027. Tuy nhiên không nên để cho người dân một lần nữa lại phải đóng vai khán giả, hay quên đi những bất bình đã dẫn đến việc bỏ phiếu cho cực hữu. Sự thức tỉnh mới đây chứng minh một nước Pháp khoan dung, không nhường bước trước xu hướng cực đoan.
Mặt trận chống cực hữu tỏ ra hiệu quả
Nhật báo thiên tả Libération nói lời cảm ơn mặt trận cộng hòa, được quyết định nhanh chóng vào tối 30/06 ngay sau vòng đầu. Một lần nữa người Pháp chứng tỏ sự chín chắn về chính trị khi đi bầu đông đảo, nhằm bảo vệ những giá trị của kỷ nguyên Ánh sáng đã làm nên nền dân chủ Pháp. Những giá trị mà Tập Hợp Dân Tộc (RN) tuy trưng ra bộ mặt hòa dịu hơn, vẫn tiếp tục đe dọa.
Khi nói không với một chính phủ cực hữu, cử tri đã bác bỏ ý tưởng về một nước Pháp bài ngoại, tự cô lập, Nhà nước pháp quyền dần dà bị xói mòn. Tuy nhiên tờ báo cũng nhắc nhở cánh tả tuy say men chiến thắng nhưng nên tránh xu hướng cực đoan, và đừng quên cực hữu đang mạnh hơn bao giờ hết với số lượng đông đảo trong Quốc hội.
Tập Hợp Dân Tộc choáng váng trước thất bại bất ngờ
Les Echos nhận xét, chưa bao giờ đảng của bà Marine Le Pen lại có được những điều kiện thuận lợi như vừa qua. Nước Pháp ngả sang hữu, tổng thống Macron bị chống đối, thủ lãnh cực tả Mélenchon càng bị ghét hơn. Thế rồi bỗng dưng những cử tri vắng mặt rời khỏi nhà, bỏ phiếu theo khuyến cáo của phe mình. Đất nước đứng lên và nói "không".
Theo Le Figaro, đây là thất bại nặng nề của Tập Hợp Dân Tộc (RN). Dù số ghế chiếm được nhiều hơn nhưng cũng không xóa được cú sốc. Họ đã đến quá gần quyền lực, đã thắng lớn trong hai cuộc bầu cử trước đó, chiếm được 1/3 số cử tri, nhưng rốt cuộc cực hữu vẫn gây lo ngại và ngờ vực cho đa số dân Pháp.
Từ chiến dịch ngăn chặn này, cánh tả được lợi dù căng thẳng về trường hợp Mélenchon, và chương trình chi tiêu vô cùng lớn được lập ra vội vã. Ba khối mà không khối nào có được đa số sẽ phải sống chung, với khả năng phe Macron liên minh với cánh tả. Đó là nghịch lý của cuộc bầu cử này. Emmanuel Macron khi giải tán Quốc hội đã gây bất bình cho những người thân cận với nguy cơ đảng cầm quyền sụp đổ, nhưng bộ ba sau bầu cử lại đặt ông vào vị trí trung tâm. Macron sẽ cố gắng thu phục ở cánh trung và cánh tả để lập đa số và chính phủ liên minh.
Cánh tả sẽ gây khó dễ cho ông vì họ về đầu. Và còn phải thương lượng giữa cực tả và phe dân chủ xã hội, đề nghị một nhân vật cánh tả được cả cánh trung lẫn cánh hữu chấp nhận làm thủ tướng. Nguy cơ tê liệt định chế đang xa dần vì Tập Hợp Dân Tộc và Nước Pháp Bất Khuất (La France insoumise – LFI) khó thể hợp thành phe đa số để cản trở. Khó khăn nhất là tìm được sự hòa hợp lâu dài. Một chính sách cánh tả cho một đất nước đã nghiêng sang hữu ? Những ngày sắp tới sẽ rất phức tạp.
Nước Pháp hữu khuynh nhưng có nguy cơ phải theo đường lối cánh tả
Tương tự, xã luận của Le Figaro nói về nghịch lý "Nước Pháp hữu khuynh, mục tiêu thiên tả". "Mặt trận cộng hòa" được gấp rút dựng lên để chặn đường cực hữu được hưởng ứng đến nỗi liên minh cánh tả bỗng vọt lên dẫn đầu,dù sau vòng một ít ai tin vào khả năng này. Trước bầu cử, phe Macron mà đứng đầu là thủ tướng Gabriel Attal còn trấn an là bỏ phiếu cho Mặt trận Bình dân Mới không rủi ro gì vì cánh tả không thể thắng. Kết quả : Trong một nước Pháp chưa bao giờ hữu khuynh như vậy, mà cuộc bỏ phiếu Nghị Viện Châu Âu và Quốc hội vòng một đã chứng tỏ, lại phải thiên về tả, vì Emmanuel Macron không có chọn lựa nào khác để lập liên minh.
Tổng thống có thể hài lòng vì đánh bại Marine Le Pen đến lần thứ ba, dù có mất đi vài chục dân biểu nhưng đảng của ông kháng cự tốt hơn dự kiến. Nhưng chiến thắng này không thể làm quên đi tình hình lộn xộn sắp tới, và ông phải chịu trách nhiệm trước lịch sử vì quyết định giải tán trước đây, bởi vì Quốc hội sắp tới sẽ khó điều khiển hơn. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, không phải sống chung với Jordan Bardella, nhưng lại phải chịu đựng cảnh sống chung với cánh tả mà Jean-Luc Mélenchon đang thống trị.
Liệu Macron có phải dành chức thủ tướng cho nhân vật do cực tả chọn lựa ? Đó sẽ là thảm họa chính trị cho Macron và cho nước Pháp. Ông sẽ phải trả giá : nhìn chung cánh tả đã đòi bỏ cải cách hưu trí, lại đánh thuế tài sản và ngưng luật nhập cư. Những cử tri Tập Hợp Dân Tộc có cảm giác cuộc bỏ phiếu của họ đã bị đánh cắp, còn những người Pháp trung dung và thiên hữu cũng bực tức vì họ không hề gần gũi ý tưởng của phe xã hội. Một điều chắc chắn là nước Pháp còn bất ổn lâu dài.
Trắc nghiệm một chính phủ kỹ trị ?
Nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng nên tìm ra phương án B. Tại sao lại không thử sức với một chính phủ kỹ trị trong lúc mọi người chưa kịp hoàn hồn ? Chỉ có mười phút vào tối Chủ nhật, để trôi từ vực thẳm này sang vực thẳm khác. Vào đúng 20 giờ, thời điểm luật định để công bố kết quả, cực hữu đã đụng phải một bức tường hay đúng hơn là trần thủy tinh với chiến thắng của mặt trận cộng hòa. Nhưng chỉ mười phút sau, Jean-Luc Mélenchon đã chấm dứt mặt trận này khi đòi quyền lực cho liên minh cánh tả. Thủ lãnh cực tả đã khiến những ai đã quên lãng phải nhớ lại : chiến lược của Nước Pháp Bất Khuất (LFI) trước hết là gây rối loạn.
Một lần nữa, với một Quốc hội khó tìm được đa số hơn cả khóa trước, với một bộ phận chính giới coi trọng chiếc ghế của mình hơn là các giá trị và sự khả tín của chương trình, đã đến lúc tìm một giải pháp khả dĩ. Phải chăng nên tham khảo kinh nghiệm của Mario Monti bên Ý năm 2011-2012 để thoát khủng hoảng tài chánh ? Những viên chức cao cấp, những ông chủ lớn, các lãnh đạo hiệp hội, giới luật gia... nhanh chóng học cách sống chung, bắt đầu từ số không để xây dựng lại. Nước Pháp chưa trắc nghiệm khả năng này.
Nga ồ ạt oanh kích Ukraine để chận F-16
Liên quan đến Ukraine, Le Monde nhận thấy "Nga gây áp lực để ngăn việc chuyển giao F-16 cho Ukraine".Những chiến đấu cơ đầu tiên được đồng minh cung cấp được loan báo trong tháng 7, nên Moskva liên tục tấn công vào các căn cứ Không quân của Ukraine, vào lúc hội nghị thượng đỉnh NATO ngày mai sẽ khai mạc tại Washington.
Trước hết ở Myrhorod thuộc tỉnh Poltava ở miền trung Ukraine vào đầu tháng, rồi đến phi trường Dolgintsevo thuộc vùng Dnipropetrovsk cách tiền tuyến 80 kilomet, theo Moskva, có ít nhất 6 tiêm kích bị phá hủy. Những tháng gần đây, Nga tập trung tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng đến nỗi Ukraine lo ngại hệ thống sưởi và điện sẽ hoạt động kém hơn những mùa đông trước. Một nguồn tin quân sự phương Tây nhận định, Nga giương oai diễu võ để "gây hoang mang cho Ukraine và các nước ủng hộ, vào thời điểm bản lề".
Được biết khoảng 95 chiếc F-16 được Bỉ, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch hứa tặng cho Kiev từ nay đến 2028, và những tuần vừa qua các chiến đấu cơ đầu tiên đã đến Romania, nơi các phi công F-16 tương lai của Ukraine sắp hoàn thành chương trình huấn luyện. Trên thực tế việc chuyển giao F-16 lệ thuộc vào việc tạo ra những "vòm phòng không" để bảo vệ phi trường và nhà kho.
Phòng không : Ukraine quá thiếu
Ukraine thiếu rất nhiều các hệ thống gồm radar, giàn phóng hỏa tiễn có thể phá hủy ngay trên không các tên lửa hay phi cơ địch. Một giàn Patriot của Mỹ trị giá trên 1 tỉ đô la, chưa kể các hỏa tiễn (1 triệu đô la một quả). Trong khi đó đồng minh chỉ cung cấp nhỏ giọt. Chuyên gia Vincent Tourret của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhận xét, vấn đề lớn là không có phần lãnh thổ nào của Ukraine được bảo vệ hoàn toàn.
Bên cạnh đó, Nga còn gia tăng tấn công bằng "bom lượn". Hàng ngàn quả bom từ thời Liên Xô những tháng gần đây đã được hiện đại hóa bằng hệ thống dẫn đường để chính xác hơn. Bom lượn được máy bay Nga thả xuống ở ngoài tầm kiểm soát của Ukraine, khó thể phát hiện. Nhà nghiên cứu Yohann Michel của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng ở Lyon giải thích, hầu như không thể chống lại trừ phi đẩy lui được các phi cơ thả bom. Toàn bộ các hỏa tiễn tầm xa như Scalp, Storm Shadow, ATACMS chỉ tấn công trên mặt đất.
F-16 giúp giới hạn những vụ oanh tạc này, nhưng những chiến đấu cơ sẽ gởi đến Ukraine không phải là những chiếc tân tiến nhất. Và số lượng cũng không đủ : theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), phải có được 12 phi đội mới hiệu quả, trong khi nếu tính cả số chiến đấu cơ được hứa chuyển giao, tổng cộng Kiev chỉ có 8 phi đội. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Ukraine chờ đợi những động thái mạnh mẽ hơn - Bầu trời không được bảo vệ thì không thể phát triển được kỹ nghệ quốc phòng.
NATO muốn cam kết ủng hộ Kiev lâu dài
Theo thông tin của Le Monde, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, Liên minh Bắc Đại Tây Dương sẽ loan báo gởi nhiều hệ thống Patriot cho Ukraine. Ít nhất một giàn Patriot đang đặt ở Israel sẽ được chuyển giao - hồi tháng 4 Nhà nước Do Thái đã xác nhận sẽ thay thế Patriot bằng hệ thống của Israel hiện đại hơn.
Hứa với Ukraine về một "cầu nối" hay "một lộ trình không thể đảo ngược" ? Đồng minh cân nhắc trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO từ 09 đến 11/07. Theo một viên chức cao cấp Mỹ, đó là việc định chế hóa quy trình, qua việc hỗ trợ quân đội Ukraine, tăng cường phòng không, phát triển kỹ nghệ vũ khí. Mục tiêu là làm thế nào Ukraine sẵn sàng gia nhập NATO ngay ngày đầu tiên một khi có được sự đồng thuận giữa 32 quốc gia thành viên.
Thụy My
Như các bạn đã biết, kết quả cuộc bầu cử các đại biểu quốc hội Châu Âu đã cho thấy đảng của tổng thống Macron mất uy tín trầm trọng và đồng thời cũng cho thấy làn sóng cực hữu dâng cao ở Pháp. Không hài lòng với kết quả này, Tổng thống Macron đã giận (dỗi), giải tán Quốc hội Pháp để cho dân bầu lại.
Sau kết quả bầu cử Quốc hội Liên Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiyeen bố giải tán Quốc hội Pháp ngay tối Chủ nhật 09/06/2024,
Các hoạt động của chính trường Pháp tương đối phức tạp. Để hiểu rõ, chúng ta cần phải biết qua về một số khái niệm và quy định của các sinh hoạt này.
1. Tổng thống chỉ định thủ tướng, nhưng thủ tướng phải là người nằm trong một đảng (hay liên minh các đảng) chiếm đa số ghế trong Quốc hội (trên 50% ghế, nghĩa là phải có ít nhất 289 ghế). Sau đó, thủ tướng sẽ thành lập chính phủ, tức là chỉ định các bộ trưởng để tổng thống duyệt.
2. Quốc hội được bầu 5 năm một lần. Các đại biểu quốc hội được bầu qua 2 vòng. Nếu đại biểu nào đạt trên 50% số phiếu ngay vòng đầu ở một đơn vị bầu cử thì đại biểu đó trúng cử ngay, không có vòng hai. Tuy nhiên, đa số các trường hợp đã không như vậy. Do vậy, tất cả các đại biểu nào đạt được 12,5% trở lên thì sẽ là ứng viên cho vòng hai, bất kể là bao nhiêu, nghĩa là từ 2 đến 7 ứng cử viên, nhưng trường họp 3 ứng cử viên ở vòng hai là đa số, người Pháp gọi là "triangulaire". Ở một đơn vị bẩu cử, thường có nhiều đại biểu của các đảng khác nhau chỉ để tranh một ghế. Như vậy, ở vòng hai có thể có từ 2 đến 5 ứng cử viên (đã có một lần duy nhất 5 ứng viên, năm 1973. Về mặt toán học mà nói thì có thể có đến 7).
3. Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội trước thời hạn để bầu lại.
4. Trường hợp tổng thống là người của đảng này, nhưng thủ tướng lại là người của đảng khác thì gọi là chung sống (cohabitation).
5. Một cách tóm tắt nhất, cánh tả là các đảng ngồi ở bên trái ở Quốc hội. Cánh tả gồm những đảng như cộng sản, xã hội, xanh, môi trường… thiên về xã hội như giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường, che chỡ người nhập cư bất hợp pháp, ủng hộ của các quốc gia Châu Phi, hỗ trợ người Palestine… Các đảng cực tả là những đảng chủ trương xóa bỏ giai cấp tư bản, cướp của người giàu, rút khỏi Liên Âu, mọi người tự do ra vào nước Pháp... Cánh hữu ngồi ở bên phải và có xu hướng ngược lại, nghĩa là phát triển kinh tế, đầu tư vào kỹ thuật cao cấp, tăng cường an ninh nội địa, hạn chế người nhập cư bất hợp pháp... Trong khi cực hữu là những đảng theo đuổi ý tưởng dân tộc hẹp hòi của người da trắng, bài ngoại, thậm chí phát xít.
Những tóm tắt vừa nêu trên về xu hướng chính trị Tả-Hữu trong sinh hoạt chính trị Pháp chỉ mang tính minh họa, nghĩa là rất đơn giản và không đầy đủ, chỉ để các bạn có một khái niệm chung thôi chứ thực tế phức tạp hơn nhiều. Thực tế thì tôi nghĩ rằng cho đến nay, lãnh đạo của bất cứ đảng phái nào cũng đều mong muốn phát triển đất nước. Cánh tả thì cho rằng phải nâng cao mức sống của người nghèo, nghĩa là tăng lương, giảm giờ làm việc, được hưởng những dịch vụ miễn phí như chi phí đi lại, nghỉ hè, giải trí… (làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu). Trong khi cánh hữu thì cho rằng nếu dành ngân sách cho những nhu cầu như vậy thì sẽ làm cho nước Pháp không cạnh tranh được, người giầu bỏ đi, di dân bất hợp pháp từ Châu Phi và Trung Á sẽ tràn vào làm xáo trộn đất nước…
Muốn nói gì thì nói, nói chung nước Pháp từ xưa đến nay vẫn là một nước bao dung, hào phóng, nhân đạo. Trong mấy chục năm qua, người Pháp vẫn nghĩ đến những người yếu thế và thường dồn phiếu cho những đảng cánh tả hoặc hữu ôn hòa qua các cuộc bầu cử Tổng thống, Quốc hội hay các chính quyền địa phương (mairie).
Vấn đề là từ hơn 30 năm qua, sau khi phe xã hội lên cầm quyền năm 1981, tất cả các đảng Tả-Hữu của Pháp đều không giải quyết được những ưu tư cơ bản về tăng trưởng kinh tế, giải quyết nạn thất nghiệp và dân nhập cư bất hợp pháp. Tất nhiên nguyên nhân không phải chỉ là vấn đề lãnh đạo, nó còn tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác như bối cảnh quốc tế, sự ra đời của những sản phẩm tinh học cấp cao…
Ở một nước dân chủ, khi mọi sự không như ý muốn thì "trăm tội đổ đầu tằm". Đình công, bãi công, biểu tình, đập phá khắp nơi làm cho tình hình càng trầm trọng hơn. Không như ở ta, nhiệm vụ chính của các đảng đối lập trong các nước dân chủ có họ là "chọc gậy bánh xe". Đảng cầm quyền làm đúng cũng "chọc", làm sai cũng "chọc" và khái niệm đúng-sai ở đây là vô cùng tương đối nên lúc nào cũng "chọc" để gây chú ý bất kể có lợi hay có hại cho quốc gia. Qua đó người Pháp cũng đã mệt mỏi và thất vọng với giới lãnh đạo nên muốn có một sự thay đổi.
Nước Pháp từ trước tới nay rất dị ứng với cực hữu, trước đây là đảng Mặt Trận Dân Tộc (Front National - FN) do ông Jean-Marie Le Pen thành lập năm 1972. Năm 2018, sau con gái của ông là bà Marine Le Pen lên thay. Bà Marine Le Pen có công lớn là đã thay đổi bộ mặt bị dư luận quỷ hóa của cha đầy tiếng xấu thành Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement National – RN) cho có vẽ hiền hòa hơn. Từ năm 2018 đến nay, đảng cực hữu này đã phát triển với một vận tốc hơn hẵn các đảng phái tả-hữu khác của Pháp : trong các cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, ông Jean-Marie Le Pen đã vào chung kết năm 2022, bà Marine Le Pen đã hai lần vào chung kết (2017 và 2022), trong các cuộc bầu cử Quốc hội đảng cực hữu từ 1 dân biểu trên tổng số 577 ghế năm 1988, lên 7 ghế năm 2017, rồi đó tăng vọt lên 88 ghế năm 2022 và 180 ghế năm 2024 (đứng đầu tổng số ghế).
Sự đi lên của Tập Hợp Dân Tộc trùng hợp với sự phát triển của các phong trào cực hữu và các đảng phái dân túy trong Liên Hiệp Châu Âu nên Tập Hợp Dân Tộc càng có nhiều cơ hội để phát triển. Một trong những con bài của các đảng phái dân túy cả tả lẫn hữu luôn luôn coi các vấn đề phức tạp về kinh tế, ngân sách, thương mại, hay ổn định xã hội chỉ là những ảo tưởng, nếu họ được lên cầm quyền thì sẽ "Giải quyết những vấn đề vô cùng phức tạp bằng một giải pháp vô cùng đơn giản". Chẳng hạn như tăng lương tối thiểu lên 1.600 €/tháng, có quyền về hưu 60 tuổi… Khẩu hiệu của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc càng giản dị hơn, "trăm tội" đổ lên đầu người nước ngoài, đuổi hết người nhập cư bất hợp pháp về nước thì xã hội Pháp sẽ được an bình…
Vòng một của cuộc bầu cử quốc hội Pháp ngày 30/6 đã mang lại thắng lợi lớn cho đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Theo dự báo ước tính thì Tập Hợp Dân Tộc có thể đạt tới tối đa 295 ghế ở vòng 2, tức là vượt quá bán, vị Thủ tướng sẽ là Chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc, Jordan Bardella, 29 tuổi. Nhưng vấn đề không đơn giản toán học như vậy.
Để dễ hình dung hơn vấn đề, các bạn cần hiểu rằng bầu cử 2 vòng cũng giống hệt trận bóng đá tứ kết có 2 hiệp, hay bóng đá có trận lượt đi và lượt về. Thắng trước đậm vẫn có thể thua sau. Đó là tất cả những gì đã xẩy ra hôm Chủ nhật 7/7 vừa qua, khi có kết quả vòng hai. Đa số dân Pháp thở phào nhẹ nhõm, giống như Fernandez đá quả Penalty cuối cùng vào lưới của đội Bồ Đào Nha, đưa đội Pháp vào bán kết.
Kết quả chung cuộc, đảng Mặt trận bình dân mới (Nouveau Front Populaire – NFP) : 182 ghế, đảng Cùng nhau (Ensemble) của Macron : 163 ghế, các đảng cực hữu (Tập Hợp Dân Tộc và liên minh) chỉ về thứ 3 với 143 ghế, đảng Cộng Hòa và liên minh : 68 ghế, các đảng nhỏ cánh tả khác : 11 ghế, linh tinh khác nữa 10 ghế (xem hình)
Tại sao đảng cực hữu miền Trung Dân Tộc lại thất bại ở hiệp hai (hay trận lượt về) ? Có nhiều giải thích :
1. Lãnh đạo những đảng phái tả hữu cổ điển cảnh giác về mối nguy của cực hữu và kêu gọi trách nhiệm cộng hòa (responsabilité républicain) của dư luận Pháp.
2. Số người tham gia bầu cử vòng hai, ý thức được trách nhiệm đã đi bầu đông hơn hẳn so với các kỳ bầu cử trước đây, đạt gần 67% (cao nhất từ trước đến nay của nền Đệ ngủ Cộng hòa Pháp).
3. Dân chúng Pháp vẫn còn giữ truyền thống Cộng hòa nên chưa muốn trao quyền cho cực hữu.
4. Một điều rất quan trọng là, sau vòng 1, hầu như tất cả cách đảng cả Tả lẫn Hữu đều quyết tâm ngăn chặn đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, kể cả với cái giá chấp nhận cực Tả và hy sinh bản thân. Cụ thể là lãnh đạo các đảng phái chính trị cả Tả lẫn Hữu đều nghiên cứu tình hình cụ thể của từng đơn vị bầu cử để hy sinh các ứng cử viên của mình, nếu ứng cử viên và đảng mình về hạng ba thi kêu gọi ủng hộ viên của mình dồn phiếu cho ứng cử viên đảng khác về hạng 1 hay hạng 2 để ứng cử viên đảng đó thắng ứng cử viên đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Thí dụ như ở một đơn vị bầu cử X, vào vòng hai còn 3 đấu thủ, trong đó có cực hữu RN, thì 2 đảng còn lại đàm phán với nhau rút lui một ứng cử viên để dồn phiếu cho người kia thắng Tập Hợp Dân Tộc. Tương tự như vậy, họ đã đàm phán để rút lui các ứng cử viên ở cả những nơi còn 4 ứng cử viên… Tổng cộng đã có khoảng 214 ứng cử viên của các đảng đã phải hy sinh ứng cử viên của mình để ngăn chặn ứng cử viên đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Cũng lạ là chưa bao giờ thấy họ lại đoàn kết nhất trí như thế, kể cả phải chấp nhận cho Mặt trận bình dân mới (NFP) thắng ở một số nơi, mặc dù trong Mặt trận bình dân mới có đảng cực tả Nước Pháp bất khuất của lãnh tụ Jean-Luc Melenchon mà nhiều người rất ghét.
Các đảng đã làm vậy để chặn cực hữu. Rất nhiều cử tri cũng đã làm tương tự, tức là bầu không phải để bầu cho người của mình mà bầu cho thằng mình không thích nhưng lại chặn được thằng mình quá ghét. Chính vì vậy, tôi mới nói là một cuộc bầu cử không giống ai.
Như vậy, điều tồi tệ nhất đã không xẩy ra, sẽ không có thủ tướng cực hữu Bardella (29 tuổi), người chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ dân cử nào trong xã hội (trừ trong đảng Tập Hợp Dân Tộc), nghĩa là không có kinh knghiệm cầm quyền. Như vậy không có "chung sống" Macron-Bardella. Đặc biệt lần này trên toàn nước Pháp không có mấy ông cực tả xúi giục phe mình nhẩy ra đốt phá linh tinh, tối hôm Chủ nhật 7/7 vừa qua. Cực tả hay cực hữu đều rất cực.
Tóm lại, hiện tại có 3 nhóm lớn trong Quốc hội mà chẳng có nhóm nào chiếm đa số. Vậy các cuộc đàm phán lại tiếp tục để tạo một liên minh có đa số ghế. Nhưng bây giờ đàm phán rất khó khăn vì ngay trong nhóm lớn nhất, Mặt trận bình dân mới (NFP), một liên minh kết hợp lỏng lẻo giữa các đảng cánh tả chỉ để tạo sự thống nhất để tham gia bầu cử, đã cải vả rất ỏm tỏi rồi.
Hiện tại Macron, vẫn yêu cầu thủ tướng cũ Gabriel Attal tại vị để đảm bảo sự ổn định của nhà nước, trong khi chờ đợi bổ nhiệm một thủ tướng mới.
Chính trị ở xứ giẫy chết này hoàn toàn khác ở ta. Phiếu bầu của người dân có tính quyết định. Ngày hôm qua, bằng lá phiếu của mình, người dân Pháp đã lật ngược một thế cờ bất lợi cho tương lai của mình, một điều tối kỵ ở xứ Chiều Nay nơi mà chỉ có một Đảng cầm quyền. Người Pháp tranh giành quyền lực rất dữ dội và cũng đánh nhau rất dữ dội, nhưng họ thực hành một cách văn minh và hòa bình hơn nhiều.
Dân chủ muôn năm hay độc tài muôn năm ?
Hoàng Quốc Dũng
(08/07/2024)
Giải tán Quốc hội Pháp : Canh bạc đầy rủi ro của tổng thống Macron
Tổng thống Emmanuel Macron giải tán Quốc hội Pháp sau khi đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement national - RN) "thắng lớn" trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu là chủ đề được tất cả các báo Pháp quan tâm hôm nay 10/06/2024.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Paris, Pháp, ngày 09/06/2024. Reuters - Sarah Meyssonnier
Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro cho rằng chủ nhân điện Elysée đang đánh một canh bạc mạo hiểm khi đưa ra quyết định nói trên với những hậu quả khôn lường, đẩy nước Pháp vào tình trạng bất định. Việc đảng RN giành được nhiều ghế tại Nghị Viện đã được dự đoán từ trước. Tuy nhiên, phản ứng sau đó của tổng thống Macron khiến nhật báo thiên hữu hết sức ngạc nhiên. Để đối phó với một thất bại nặng nề mà đối với ông dường như là một sự sỉ nhục, Emmanuel Macron đã quyết định "chơi đến cùng" ! Một tháng rưỡi trước khi Thế Vận Hội Olympic Paris khai mạc, ngoài cuộc khủng hoảng chính trị sau chiến thắng vang dội của RN, tổng thống Macron đã tạo thêm một cuộc khủng hoảng thể chế với việc giải tán Quốc hội.
Đó là điều mà người đứng đầu danh sách Tập Hợp Dân Tộc trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, Jordan Bardella, đã yêu cầu từ nhiều tuần qua, và cũng là điều mà Emmanuel Macron ban đầu không có ý định làm khi nói rằng "bầu cử Nghị Viện Châu Âu sẽ chỉ tác động đến Châu Âu". Với việc đột ngột đáp ứng yêu cầu của Bardella, Emmanuel Macron có nguy cơ giao quyền lực cho đảng mà ông từng cam kết sẽ đẩy lùi đà phát triển !
Le Figaro nhận định chủ nhân điện Elysée dường như đang đặt cược vào chính các cử tri đã táo bạo bầu cho RN và muốn họ phải "sửa sai" trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, sau "cơn địa chấn" mà sự lựa chọn tập thể của họ vừa tạo ra. Thông qua việc "trầm trọng hóa" mọi chuyện, tổng thống Macron hy vọng sẽ giành lại được quyền kiểm soát tình hình, tìm ra các liên minh mới, để có được số tuyệt đối ở Quốc hội.
Tuy nhiên, tờ báo thiên hữu cho rằng không gì có thể khẳng định Emmanuel Macron sẽ thành công ! Đà phát triển của đảng Tập Hợp Dân Tộc không phải là một sự ngẫu nhiên. Nó phản ánh sự bất bình từ sâu xa, hiện đang lan rộng khắp Châu Âu và về cơ bản được thúc đẩy bởi mối lo ngại kép : những rủi ro từ tình trạng nhập cư không được kiểm soát làm đảo lộn sự cân bằng xã hội, hay mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo đối với tương lai của nền văn minh phương Tây. Lời kêu gọi những thành phần "trung dung" đứng lên chống lại những thành phần "cực đoan" của tổng thống Macron không chắc sẽ mang lại kết quả như mong muốn.
Le Figaro đặt câu hỏi, Emmanuel Macron sẽ làm gì nếu buộc phải bổ nhiệm Jordan Bardella làm thủ tướng ? Liệu ông có thể đối mặt với áp lực từ mọi phía kêu gọi ông từ chức ? Nhật báo thiên hữu kết luận rằng không ai có thể trách chủ nhân điện Elysée đã tạo điều kiện cho người dân bày tỏ lập trường của mình, nhưng rõ ràng ông đang đánh cược vào tương lai của bản thân cũng như của cả nước Pháp với trò chơi ném xúc xắc.
Tổng thống Macron muốn cử tri tỉnh ngộ
Trang nhất và bài xã luận của tờ Libération không tỏ ra ngạc nhiên trước kết quả này và cũng cho rằng tổng thống Macron đang đánh một canh bạc rất lớn. Trong mọi trường hợp, nhật báo thiên tả nhận định chủ nhân điện Elysée đã thất bại trong cuộc chiến chống phe cực hữu, khi ông tầm thường hóa những mối đe dọa từ phe này bằng cách "coi" họ là đối thủ chính đáng và duy nhất của mình.
Libération cho rằng giải tán Quốc hội sẽ không tạo ra một "phép nhiệm màu". Hậu quả là rất có khả năng một đại diện của đảng RN sẽ bước vào điện Matignon (dinh thủ tướng) trước khi Thế Vận Hội Olympic khai mạc. Đây có lẽ là ván cược của Macron để chứng minh sự bất lực của đảng cực hữu trong việc giải quyết các vấn đề của người Pháp từ giờ đến năm 2027, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Hy vọng rằng sau hai năm chứng kiến RN ngồi ở vị trí lãnh đạo chính phủ, cử tri sẽ tỉnh ngộ và không bầu họ vào điện Elysée. Tổng thống Macron đang muốn đóng vai trò người cản bước tiến của phe cực hữu vào điện Elysée, tuy nhiên, canh bạc này dường như mang lại rất nhiều rủi ro.
Phe cực hữu mạnh lên ở khắp Châu Âu
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành trang nhất quan tâm đến bầu cử Nghị Viện Châu Âu, và nhấn mạnh đến việc những ước tính đầu tiên cho thấy phe cực hữu đang mạnh lên ở rất nhiều nước, bao gồm Đức, Pháp, Hà Lan hay Áo, so với năm 2019.
Chiến tranh Ukraine : Tổng thống Pháp Macron không muốn để Nga "áp đặt luật chơi"
Nhìn sang Ukraine, xã luận của nhật báo Le Monde cho rằng với tuyên bố tăng cường viện trợ cho Kiev, tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn tránh để điện Kremlin làm chủ tình hình trên chiến trường, và điều này buộc ông phải nhận được thêm sự ủng hộ về chính trị và ngoại giao.
Vốn không muốn kích động một vòng xoáy bạo lực trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp, các quốc gia phương Tây vẫn không ngừng giúp đỡ Ukraine tự vệ, nhưng không muốn rơi vào thế tham chiến trực diện. Tuy nhiên, Emmanuel Macron dường như có một lập trường khác. Đối với chủ nhân điện Elysée, "Pháp không đối đầu trực tiếp với Nga", nhưng phải có khả năng không cho căng thẳng leo thang, tức là "không để Nga áp đặt những giới hạn của bản thân". Nói cách khác, ông Macron muốn chủ động vạch ra những đường hướng đã cam kết với Ukraine, thay vì để Moskva "áp đặt luật chơi" thông qua các hành động đe dọa của mình.
Vài ngày sau khi bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng tên lửa của Pháp để tấn công vào các căn cứ trên lãnh thổ Nga, những nơi được Moskva sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào Kharkiv, ông Macron thể hiện mình là một nhà lãnh đạo Châu Âu cam kết sát cánh cùng Ukraine, mặc dù sự hỗ trợ mà Paris dành cho Kiev thấp hơn nhiều so với Mỹ và Đức. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang gia tăng các biểu hiện thù địch với Paris, điều mà ông Macron coi là những "dấu hiệu bồn chồn" từ điện Kremlin.
Le Monde kết luận rằng chính thái độ hung hăng của Nga đã khiến các nước Châu Âu đoàn kết xích lại gần nhau trong việc hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, cam kết của chủ nhân điện Elysée còn phải dựa vào sự hỗ trợ mạnh mẽ cả về chính trị lẫn ngoại giao. Hình ảnh một Hạ Viện hoang vắng, hôm 07/06, trong lúc tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu, không phải là một dấu hiệu khả quan.
Gaza : Israel cứu được bốn con tin nhưng giết chết hàng trăm người Palestine
Nhìn sang Trung Đông, nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất nói về chiến dịch giải cứu con tin của Israel được thực hiện giữa ban ngày tại khu vực trung tâm dải Gaza. Nhà nước Do Thái đã tiến hành một cuộc đột kích quy mô lớn và cứu được 4 con tin hôm 08/06, nhưng lại giết chết ít nhất 100 nạn nhân người Palestine.
Những tiếng vỗ tay đi kèm với tiếng hò reo trên bãi biển Tel Aviv. Mọi người đều tỏ ra vui mừng sau khi loa phóng thanh thông báo rằng "quân đội Israel đã giải cứu được 4 con tin : Almog Meir Jan, Andrey Kozlov, Shlomi Ziv và Noa Argamani ". Được chuyển đến bệnh viện Sheba ở Tel HaShomer bằng trực thăng, những con tin mới trở về nhà đều có sức khỏe tốt. Người dân phần nào thở phào nhẹ nhõm ở Israel, trong bối cảnh nỗi ám ảnh của vụ thảm sát ngày 07/10/2023 vẫn còn hiện hữu.
Vào lúc 11 giờ sáng thứ Bảy, những binh sĩ thuộc các đơn vị tinh nhuệ Yamam và Shin Bet được lệnh tấn công hai tòa nhà nhiều tầng trong trại tị nạn Nusseirat ở trung tâm Gaza, nơi tình báo Israel xác định rằng các con tin đang bị giam giữ. Cuộc đột kích đã vấp phải sự kháng cự của Hamas.
Hind Khoudary, nhà báo Gaza có mặt tại bệnh viện Al-Aqsa ở Deir Al-Balah, cách đó 6 km, đưa tin về "những cuộc bắn phá dữ dội". Ít nhất 94 người chết, bao gồm cả trẻ em và hơn 100 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện, theo phát ngôn viên của bệnh viện, được hãng tin Mỹ AP trích dẫn. Về phần mình, bộ Y tế Hamas đưa ra con số 274 người chết và 698 người bị thương.
Tuy nhiên, không có kênh truyền hình nào của Israel đề cập đến các nạn nhân người Palestine trong vụ đột kích nói trên, và mọi sự chú ý chỉ tập trung vào cuộc đoàn tụ của các con tin với gia đình. Omri Shtivi, anh trai của một con tin bị bắt giữ hôm 07/10, than phiền trước đám đông tụ tập tại một quảng trường ở Tel Aviv : "Vẫn còn 120 con tin đang muốn được trở về nhà. Chúng ta không thể lừa dối bản thân. Các chiến dịch quân sự sẽ không thể giúp tất cả mọi người sống sót trở về. Chỉ có một thỏa thuận ngừng bắn mới làm được điều này".
Tennis : Carlos Alcaraz vô địch Roland Garros 2024
Trong lĩnh vực thể thao, Le Figaro có bài viết nói về sự kiện thần đồng quần vợt người Tây Ban Nha Carlos Alcaraz đánh bại Alexander Zverev và lần đầu tiên đăng quang tại Roland Garros và lần thứ ba tại các giải thuộc hệ thống Grand Slam.
Roland Garros 2024 bắt đầu trong nước mắt khi giải đấu dường như đã nói lời chia tay với cây vợt vĩ đại nhất giải, huyền thoại Rafael Nadal, với 14 danh hiệu tại Porte d’Auteuil. Tuy nhiên, "câu chuyện Nadal" khép lại và mở rộng cánh cửa cho một câu chuyện mới. Carlos Alcaraz, vừa mừng sinh nhật thứ 21, trở thành tay vợt trẻ nhất trong lịch sử tennis vô địch các giải Grand Slam trên cả ba mặt sân, đồng thời, trở thành "người thừa kế" xứng đáng của đàn anh Rafael Nadal.
Trước khi Roland Garros năm nay khai mạc, giới quan sát đã tỏ ra lo lắng trước phong độ của Alcaraz sau khi kết quả từ đầu năm của anh không mấy khả quan. Quá căng thẳng trong trận bán kết Roland Garros năm ngoái, Alcaraz đã bị chuột rút và để thua trước Novak Djokovic. Năm nay, trong trận bán kết với tay vợt người Ý Jannik Sinner, anh lại bị những cơn chuột rút hành hạ, nhưng đã vượt lên chính mình để đánh bại tân số 1 thế giới trước khi thắng nốt Zverev trong trận chung kết.
Phan Minh
Quốc hội Pháp : Một sự "lột xác" đầy "may rủi"
Một sự lột xác. Quốc hội mới của Pháp trẻ hơn, nhiều gương mặt nữ hơn và toàn "tân binh". Đây là nhận định chung của các báo Pháp (20/06/2017) về kết quả bầu cử Quốc hội vòng hai, ngày Chủ Nhật 18/6.
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Pháp
Đầu tiên hết, Le Monde trên trang nhất công nhận "Macron thắng cược". Trong số 352 ghế dân biểu dành cho liên minh cánh trung LREM – Modem, đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chiếm đến 308 ghế tại Quốc hội.
Tuy nhiên, chiến thắng này của ông Macron cũng bị phai mờ phần nào trước tỷ lệ vắng mặt kỷ lục chưa từng có trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Gần 2/3 (57,4%) đã không tham gia bỏ phiếu. Do vậy, tuy có được đa số áp đảo, nhưng tổng thống Macron và đảng của ông không có được một vị thế thống trị như nhận định của bài xã luận trên báo công giáo La Croix.
Quốc hội Pháp "lột xác"
Dù vậy, nhật báo thiên hữu Le Figaro và tờ báo công giáo La Croix trên trang nhất cũng nhận thấy "làn sóng Macron" đang mang đến : Một "diện mạo mới cho Quốc hội".
Thứ nhất, lần này, sẽ có rất "nhiều dân biểu mới lần đầu khám phá điện Bourbon" (trụ sở Quốc hội Pháp), như tựa đề bài viết trên trang 2 của Le Figaro. Trong số 577 dân biểu đắc cử, có đến 424 người là "tân binh", chưa từng là dân biểu.
Đại đa số tân dân biểu đều xuất thân từ "xã hội dân sự", hoạt động trong các lĩnh vực tư nhân, đủ mọi ngành nghề : từ thể thao, kinh doanh, chính trị, y khoa, luật, chủ doanh nghiệp…, thậm chí có cả sinh viên. Đến mức, Libération trên trang nhất phải hóm hỉnh công nhận đây là một "Quốc hội thông thoáng".
Thứ hai, số lượng nữ dân biểu tại Quốc hội lần này đã tăng vọt từ con số 155 (năm 2012) lên đến 224 nữ dân biểu, tức chiếm đến gần 40% so với 26,86% (2012) và 10% (2007). Trong đó, ba đảng có tỷ lệ nữ dân biểu cao nhất là Cộng Hòa Tiến Bước 47%, tiếp đến là MoDem 45%, Nước Pháp Bất Khuất 41%
Với báo kinh tế Les Echos, chỉ riêng hai yếu tố này thôi đủ để cho thấy Quốc hội mới của Pháp lần này có "tính đại diện tốt nhất".
Sự hiện diện đông đảo lãnh vực tư nhân và doanh nghiệp trong Quốc hội là một điều tốt, nhưng nhật báo cũng lấy làm tiếc cho sự thiếu vắng của giới công nhân hay những người làm công ăn lương. Bởi vì việc nhìn nhận tính chất đa dạng các ngành nghề trong xã hội Pháp là cần thiết.
"Đã đến lúc hành động"
Về phần mình, Le Figaro trong bài xã luận cho rằng, sau một thời gian dài theo dõi mệt mỏi các chiến dịch vận động tranh cử : từ sơ bộ trong các đảng chính trị, rồi đến tổng thống và cuối cùng là lập pháp, giờ đã đến lúc "chuyển qua hành động".
Lên chương trình tranh cử thì dễ, thực hiện chúng mới là điều khó nhất, tờ báo viết. Giờ đã đến lúc phải đi vào từng chi tiết, từng con số cụ thể. Bởi vì, không ai hiểu rõ là làm thế nào tân chính phủ mới tài trợ cho những chi tiêu lớn đã được vạch ra. Hay như bằng cách nào, ở đâu để thực hiện các khoản tiết kiệm.
Sau quá trình chinh phục quyền lực giờ là lúc "bước qua hành động". Tổng thống Pháp giờ có thể trông cậy vào 350 dân biểu "tân binh" của mình, mong cho họ tiến bước và nhanh hơn nữa.
"May rủi"
Bình luận về việc đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Emmanuel Macron có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội mà đa số các dân biểu đảng này đến từ các tổ chức xã hội dân sự, báo Libération thiên tả có bài xã luận với tựa đề ngắn gọn : "May rủi".
Nước Pháp có đặc thù là đa số giới tinh hoa, lãnh đạo chính trị kinh tế thường xuất thân từ các "trường lớn", một hệ thống đào tạo rất chọn lọc. Mở đầu bài xã luận, Libération dùng cách ngôn, phóng đại : chúng ta đã trải qua thời trị vì của Trường Hành Chính Quốc Gia (ENA), giờ đây, chúng ta chuyển qua thời trị vì của Trường Cao Học Khoa Học Kinh Tế và Thương Mại (ESSEC).
Tuy nhiên, thành phần xã hội dân sự trong đa số dân biểu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước không phản ánh được thực tế thống kê của xã hội nước Pháp vì có ít công nhân, nông dân, nhân viên và có nhiều, thậm chí rất nhiều người bằng cấp cao, một số khá đông là cán bộ quản lý thuộc khu vực tư nhân.
Đa số này mang nặng suy nghĩ quản trị, một sự hòa trộn giữa tư tưởng thực dụng tự do kinh tế và lạc quan khoan dung, ngự trị Quốc hội. Theo Libération, tư tưởng của Macron là chủ nghĩa nhân văn thị trường, rất chú trọng đến thành công, nhưng đồng thời cởi mở ra bên ngoài, đi kèm những thiện ý.
Xã luận tờ báo truy tìm xuất xứ : trong truyền thống chính trị Pháp, cái vỏ mới của tư tưởng này có cội nguồn cổ xưa : đó là thuyết Saint Simon. Bá tước Saint Simon là một lý thuyết gia về chủ nghĩa xã hội và công nghiệp vào đầu thế kỷ 19.
Học thuyết này cho rằng cần trao quyền lực cho một liên minh các nhà bác học và giới sản xuất để họ phát triển nền kinh tế và tổ chức xã hội theo các nguyên tắc cơ hội đồng đều và tương tế. Tư tưởng này sau đó đã biến đổi hoặc thành chủ nghĩa xã hội hoặc thành chế độ tinh hoa độc tài dưới thời Napoléon III.
Như vậy, tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang ở ngã tư đường : Chiến thắng của ông và đảng Cộng Hòa Tiến Bước có thể mở ra một thời kỳ cải cách cần thiết, cho dù một số cải cách có thể bị phản đối. Tuy nhiên, sự thống trị của đảng này cũng có thể biến đổi thành một chính phủ "kỹ trị" cao ngạo với tất cả những rủi ro hệ lụy đối với nền dân chủ.
Cuối cùng, Libération cảnh báo, trước đây, một số người mang tư tưởng Saint Simon đóng góp nhiều cho nền Cộng Hòa non trẻ, nhưng cũng có nhiều người khai thác tư tưởng này để phục vụ cho một chế độ bạo chúa sáng suốt, nhân danh năng lực quản trị.
Anh và Châu Âu khởi động "chia tay"
London và Bruxelles sắp "chia tay" là chủ đề thời sự quốc tế được các báo Pháp chú ý đến nhiều nhất. Le Figaro thông báo : "Vương Quốc Anh và Liên Hiệp Châu Âu khởi động tiến trình ly dị".
Hôm qua, trưởng đoàn đàm phán đại diện cho Liên Hiệp Châu Âu, Michel Barnier đã tiếp bộ trưởng Anh phụ trách Brexit, David Davis, tại Bruxelles, nhằm bắt đầu cuộc đàm phán Brexit. Tuy nhiên, theo nhận định của Le Monde, "Brexit : Đàm phán bắt đầu, nhưng Theresa May lại trong thế yếu".
Nước Anh đang lao vào một cuộc phiêu lưu đầy bất định dưới sự điều khiển của một thủ tướng Anh trong thế mong manh do những thất bại trong cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn hồi đầu tháng 06/2017.
Ngoài vấn đề an ninh sau hai cuộc tấn công khủng bố, bà Theresa May còn phải đối mặt với làn sóng bất bình của người dân Anh sau vụ hỏa hoạn tòa nhà cao tầng Grenfell, làm thiệt mạng 58 người. Trong hoàn cảnh này, thủ tướng Anh đến với bàn đàm phán với một kế hoạch chưa mấy rõ ràng.
Dù vậy, Les Echos trong bài viết "Liên Hiệp Châu Âu và Anh quốc cùng xuất phát" cho hay, đôi bên đã tìm được một đồng thuận cho các ưu tiên cũng như là lịch trình đàm phán. Theo đó, hai bên sẽ duy trì cuộc gặp mỗi tháng một lần, nhằm tìm kiếm "những giải pháp sáng tạo" cho những vấn đề chính như các khoản chi phí mà London phải thanh toán cho Liên Hiệp Châu Âu, hay quy chế nào cho các công dân Liên Âu đang sinh sống và làm việc tại Anh Quốc.
Hàn Quốc từ bỏ điện hạt nhân
Thời sự Châu Á hầu như vắng bóng. Riêng Les Echos chú ý đến việc "Hàn Quốc cam kết từ bỏ hạt nhân". Với 25 lò phản ứng, cung cấp đến 30% nguồn điện, Hàn Quốc là đứng hàng thứ 5 trên thế giới về sản xuất điện hạt nhân.
Tuy nhiên, tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, đã đến lúc nên thay đổi chính sách năng lượng của đất nước hiện nay, tập trung chủ yếu vào hiệu năng và chi phí thấp. Ông cho rằng "ưu tiên hiện nay là phải hướng theo an toàn và môi sinh".
Do đó, tổng thống Hàn Quốc cho biết sẽ không kéo dài thêm tuổi thọ khai thác những trung tâm hạt nhân nào đã đến hạn, cũng như không xây thêm các lò hạt nhân. Thông báo này có thể sẽ gây ra những tác động mạnh lên lĩnh vực khai thác hạt nhân của Hàn Quốc.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, tổng thống Hàn Quốc dự tính xây thêm nhiều trung tâm khai thác điện bằng khí ga. Đồng thời, nguồn năng lượng tái tạo cũng sẽ được tăng dần từ 4,7% lên 20% vào năm 2030.
Tác động tiêu cực của chất gây rối loạn nội tiết
Trên lĩnh vực khoa học – y tế, La Croix đặt câu hỏi "Chất gây rối loạn nội tiết có tác động ra sao lên quá trình mang thai ?".
Để trả lời câu hỏi trên, tờ báo cho hay vào đầu tháng 7/2017 Hiệp Hội Sức Khỏe Môi Trường Pháp tổ chức hai hội thảo tại Aix-en-Provence, thảo luận về hiện tượng phơi nhiễm các chất gây ô nhiễm ở những phụ nữ mang thai và các bào thai.
Theo các nhà khoa học nhiều loại hóa chất độc hại như bisphenol A, phtalates, thuốc trừ sâu, dioxin, hay những chất chống cháy hiện diện khắp nơi : trong thức ăn, mỹ phẩm, vật dụng nội trợ, dụng cụ bếp bằng nhựa…
La Croix trích nhận định của giáo sư Patrick Fenichel, trường đại học Archet, tại Nice, cho rằng các chất độc hại thấm vào cơ thể chúng ta qua đường hô hấp, tiếp xúc với da và qua nguồn thực phẩm. Phụ nữ mang thai cũng không tránh được hiện tượng nhiễm độc này.
Giáo sư Fenichel lưu ý : "Tất cả những thứ gì nhiễm độc người mẹ đều có thể thấm vào bào thai. Đây lại chính là giai đoạn dễ bị tổn thương nhất".
Minh Anh
Tsunami, raz de marée. Người ta dùng những chữ đó, không phải để nói về thủy triều Nhật Bản, nhưng để mô tả kết quả bầu cử Hạ Viện Pháp. Phong trào En Marche của tân tổng thống Macron, như một làn sóng vũ bão, đã làm trôi các chính đảng, tràn vào quốc hội, thay đổi hoàn toàn bộ mặt chính trị Pháp. Trò chơi ngoạn mục của Macron tiếp diễn.
Phong trào En Marche của tân tổng thống Macron, như một làn sóng vũ bão, đã làm trôi các chính đảng và tràn vào Quốc hội Pháp
Cuộc bầu cử dân biểu ngày Chủ Nhật 11 /06 mới chỉ là vòng đầu, phải chờ vòng hai, Chủ nhật tới, mới có kết quả chính thức, nhưng người ta phỏng đoán không sợ sai lầm là phong trào La République en Marche (LREM-Những người Cộng hòa Tiến bước), của Macron sẽ thắng rất xa số ghế đa số tuyệt đối cần thiết, đè bẹp đối phương, từ tả sang hữu.
Ngay từ tối Chủ nhật, người ta đếm không hết những chính trị gia hàng đầu bị loại, tuyên bố sẽ rời bỏ chính trị, hay lập những phong trào mới.
Cơn bão chính trị
Dân Pháp bỏ phiếu hai vòng, vòng đầu để loại bớt con số ứng cử viên đông đảo (gần 8 ngàn ứng cử viên tranh nhau 577 ghế). Ứng cử viên nào chiếm trên 50% số phiếu sẽ đắc cử. Nếu không, những người chiếm trên 12,5 % số cử tri ghi danh sẽ lọt vào vòng hai.
Căn cứ trên kết quả vòng đầu, người ta phỏng đoán LREM sẽ đưa vào hạ viện trên 400 dân biểu (từ 400 tới 460, tùy cơ quan thăm dò), trong khi chỉ cần 289 ghế (trên tổng số 577) để có đa số tuyệt đối ở Hạ viện, đủ để bổ nhiệm thủ tướng và thông qua các đạo luật. Nhắc lại : Quốc hội Pháp có hai viện, thượng và hạ, nhưng Hạ viện giữ vai trò quyết định. Hai viện thảo luận, biểu quyết về một đạo luật, nhưng khi có bất đồng ý kiến, Hạ viện có tiếng nói cuối cùng.
LREM một mình, chiếm phần bánh lớn nhất. Còn lại mảnh vụn, trên 100 ghế, chia cho tất cả các đảng khác, từ tả sang hữu.
Hai đảng LR (Les Républicains - Những người Cộng hòa, hữu phái ôn hòa) và PS (Parti socialiste - Đảng Xã hội, tả phái ông hòa) đã thay nhau cầm quyền từ nhiều thập niên, thua nặng. Hai đảng này, chiếm trên 90% số ghế trong quốc hội hiện tại, một sớm một chiều bị gạt ra lề đường.
LR, liên kết với đảng đứng giữa UDI (Union des Démocates et Indépendants - Liên hiệp những người Dân chủ và Độc lập), chỉ chiếm trên dưới 100 ghế, mất một nửa, trở thành một nhóm đối lập không có ảnh hưởng gì. PS còn thê thảm hơn nữa. PS, liên kết với đảng xanh và một vài nhóm tả phái ôn hòa) sẽ mất 90% dân biểu, chỉ còn từ 20 tới 30 ghế, so với 290 ghế, đa số tuyệt đối trong quốc hội cũ. Trong đệ ngũ Cộng hòa (từ 1958), chưa bao giờ người ta chứng kiến một cuộc thanh trừng dữ dội tới mức độ đó.
Tất cả những người lãnh đạo đảng Xã Hội bị loại ngay vòng đầu bởi những ứng cử viên vô danh LREM, hôm qua hàng xóm cũng không biết tên, biết mặt, kể cả tổng thư ký đảng, Jean Chistophe Cambadélis (8 % phiếu bầu !), hay ứng cử viên tổng thống Benoit Hamon. Những nhân vật này, trước đây, với tên tuổi và địa vị của họ, chỉ cần ghi tên cũng đã coi như thắng cử. Những ứng cử viên xã hội hiếm hoi tai qua nạn khỏi là những người đã ủng hộ Macron, được LREM tha tội, không đưa người ra tranh cử.
Hai đảng cưc đoan, FN (Front National, Mặt trận Dân tộc, cực hữu), và LFI (La France Insoumise - Nước Pháp bất khuất, cực tả), lên như diều trong cuộc tranh cử tổng thống, cũng chịu chung số phận. LFI, Liên hiệp với Đảng Cộng Sản Pháp (PCF), sẽ có không quá 10 dân biểu, không đủ 15 ghế để thành lập một nhóm để có tiếng nói trong hạ viện. FN, đảng cực hữu đã đưa Marine Le Pen vào vòng chung kết trong cuộc tranh cử Tổng thống, sẽ chiếm từ 1 tới 8 ghế. Từ 11 triệu phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống, các ứng cử viên FN tụt xuống còn dưới 3 triệu.
Dégagisme
Những lý do gì khiến Macron thắng một cách dễ dàng như vậy ? Tạm đưa vài lý do :
Thứ nhất : dân Pháp đưa Macron vào điện Elysée, muốn cho ông ta đa số ở Hạ Viện để cải cách nước Pháp. Có người dùng chữ "réparer" (sửa chữa), "réparer la France", sửa chữa nước Pháp, như người ta sửa chữa một chiếc xe cũ. Macron đã chứng tỏ, trong một tháng đóng vai Tổng thống, rằng ông ta dù trẻ tuổi nhưng có bản lãnh và khả năng lãnh đạo.
Thứ hai : Các đảng cầm quyền LR, PS không thích ứng với thời đại, vẫn suy nghĩ, hành xử như trước, trong khi thế giới đã thay đổi, nước Pháp đã thay đổi, người Pháp đã thay đổi. Xã hội Pháp ngủ gà, ngủ gật, chỉ chờ một người có khả năng, táo bạo, một khuôn mặt mới. Khuôn mặt đó là Macron.
Thứ ba : Các đảng cực đoan lên như diều trong cuộc tranh cử tổng thống nhờ những lý luận mị dân, những giải pháp đơn giản nhưng ăn khách (chấm dứt di dân, chận đứng Hồi giáo với FN, chống tài phiệt, san bằng những bất công với LFI). Những lời hứa hẹn đó không hấp dẫn nữa trong cuộc tranh cử quốc hội mà cử tri biết họ sẽ chẳng làm được gì vì sẽ là thiểu số
Thứ tư : tất cả các đảng phái đều có cái nhìn bi quan, mô tả nước Pháp với những viễn ảnh đen tối. Macron nhìn tương lai một cách lạc quan, nghĩ nước Pháp có dư điều kiện để nắm lại vai trò một cường quốc nếu chấp nhận cải cách. Các chính khách khác quay đi quay lại những đĩa hát đã quen, cả nước đã thuộc lòng, Macron dùng một ngôn ngữ thực tiễn, cụ thể, dễ hiểu.
Thứ năm, quan trọng hơn cả : tất cả đều là nạn nhân của "chủ nghĩa dégagisme ", ra đời từ những cuộc "cách mạng mùa Xuân" trước đây ở Bắc Phi. "Dégager "nghĩa là tống khứ, dẹp đi, cho về vườn, cho về nhà ngồi chơi xơi nước tất cả những chính khách đã thay nhau cầm quyền, coi chuyện quốc gia là đất dụng võ dành riêng cho mình. Xuất hiện ở Tunisie, nơi tiếng Pháp còn thông dụng, những biểu ngữ "Dégagez !" lan tràn khắp Bắc Phi, Trung Đông, ngày nay tới Pháp. Nếu có một chủ nghĩa nào được dân Pháp chia xẻ, từ tả sang hữu, chủ nghĩa đó tên là "dégagisme".
Bị "dégagés", hàng loạt chính khách Pháp, hôm qua còn mơ ghế bộ trưởng, thủ tướng hay tổng thống, tuyên bố giã từ võ khí. Quyết định đó không phải đơn giản, vì những người làm dân biểu từ lâu năm, quen với đời sống vật chất thoải mái do chức vụ công cử mang lại, đã quên thói quen làm việc.
Bạc triệu
Bị mất ghế ở quốc hội, ngoài khía cạnh chính trị, cũng là một vấn đề lớn về kinh tế đối với các đảng phái. Nước Pháp là nước của đủ mọi hình thức trợ cấp. Các đảng phái chính trị sống nhờ trợ cấp của nhà nước. Số tiền trợ cấp tính trên số dân biểu, nghị sĩ và số phiếu mỗi đảng đạt được (trên 1 euro một năm cho mỗi lá phiếu). Mục đích của việc tài trợ là để tránh cho các đảng phái khỏi rơi vào tay các thế lực tài phiệt. Ngày nay, các đảng phái có quyền nhận sự đóng góp của tư nhân, nhưng hạn chế 7.500 Euros mỗi người, khác với Hoa Kỳ, tư nhân có thể đóng góp vô giới hạn cho các chính đảng. Trong năm 2015, đảng Xã hội PS đã nhận trên 24 triệu euros trợ cấp, UMP, ngày nay là LR, 18 triệu. Khi LR mất một nửa dân biểu và phiếu bầu, sẽ mất một nửa trợ cấp. LR chắc sẽ phải tính chuyện bán trụ sở, dời tới một nơi rẻ tiền hơn. Đảng Xã hội, mất 90% dân biểu và phiếu bầu, sẽ phải nghĩ đến việc sa thải ít nhất 80% trong số 600 nhân viên làm việc tại trụ sở Đảng.
Trái lại, LREM với lực lượng dân biểu hung hậu và số phiếu bầu đáng kể, sẽ là đảng chính trị giầu nhất, dù chỉ ra đời từ một năm nay.
Béni des Dieux
Ngay cả những người hồ nghi ngày nay phải nhìn nhận Macron là một hiện tượng. Có người dùng thành ngữ "béni des Dieux " (được ân sủng của Thượng Đế), hay hơn thế nữa, người đi trên nước (marcher sur l’eau), giống như Jésus-Christ. Cái gì ông ta mó vào cũng trở thành vàng. Chỉ cần in danh hiệu LREM, hình Macron thật lớn trên truyền đơn cũng đủ trở thành dân biểu. Cũng như chỉ in bông hồng, biểu tượng của đảng Xã Hội, thật nhỏ, cũng đủ để bị loại, dù khả năng tới đâu, uy tín tới đâu.
Macron là một hiện tượng, người được "ân sủng của Thượng Đế"
Tới giờ này, mọi ngọn gió đều thổi sau lưng "the kid", mọi chuyện đều thuận chiều, xuôi gió với Macron :
- Đối phương chính trị, rất đông, đành bó tay, bất lực. Ông ta cũng chẳng cần lên tiếng, cãi cọ. Nếu bên tả đả kích ông ta là tay sai của giới kinh tài, kẻ thù của người nghèo, người yếu (ám chỉ quá khứ làm việc ở ngân hàng của Macron), đã có bên hữu tố cáo ông ta là một tay thiên tả nguy hiểm. Trên thực tế, Macron là người thực tiễn. Về mặt kinh tế, ông ta có khuynh hướng tự do, trao hai bộ kinh tế và ngân sách cho Le Maire và Darmanin, hai chính khách leaders hữu phái, cựu LR ly khai. Về mặt xã hội, Macron có khuynh hướng nhân bản, nhưng thực tiễn. Ông ta nói muốn phân phát, phải kiếm tiền ; muốn giải quyết nạn thất nghiệp, phải cởi trói các xí nghiệp khỏi thuế khóa quá nặng và thủ tục hành chánh, luật lệ quá rườm rà, quá khắt khe.
- Những phản kháng, chỉ trích đến từ bốn phía không gây một tiếng vang, vì các đảng chính tri đã mất uy tín.
Ngay cả những nghiệp đoàn, đã từng làm tê liệt nước Pháp mỗi lần chính phủ muốn cải cách đôi chút cũng thuận lợi cho Macron. Nghiệp đoàn CGT, có quá khứ mác-xít, cực đoan nhất, vừa mất vai trò số một qua cuộc bầu cử trong các xí nghiệp tư. Nghiệp đoàn CFDT, thắng cử, là nghiệp đoàn ôn hòa, chủ trương đối thoại để tìm giải pháp. Nghiệp đoàn thứ ba, Force Ouvrière, tuyên bố sẽ không chống đối trên nguyên tắc, sẵn sàng thương lượng.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Macron có thể sửa đổi luật lao động bằng những sắc lệnh (ordonnances) khỏi cần biểu quyết, vì vấn đề phải được giải quyết cấp bách, trong khi môt đạo luật tranh cãi ở quốc hội, đi qua đi lại từ hạ tới thượng viện, phải mất hai năm, thêm một, hai năm nữa mới có hy vọng thực thi. Các nghiệp đoàn chắc sẽ nhương bộ, mặc dù những cải cách gần đây của Hollande, mềm dẻo hơn, đã làm tê liệt nước Pháp, bởi vì Macron tuyên bố trước sẽ không lùi bước và các nghiệp đoàn biết rằng nếu đưa ra quốc hội, các dân biểu En Marche sẽ biểu quyết tất cả những biện pháp Macron đề nghị.
Từ Merkel tới Poutine
Macron tiếp tục làm người ta ngạc nhiên, nếu không thán phục.
Khi ông ta lập phong trào En Marche, thiên hạ mỉm cười. Một đảng chính trị phải bắt đầu từ hạ tầng, phải trưởng thành, sinh sôi, phát triển, ít nhất mười, hai mươi năm mới hy vọng thành hình. Macron đã làm trong một năm. Macron tuyên bố ra tranh cử tổng thống. Giới chính trị mỉa mai : lại thêm một anh khùng muốn lên TV cho hàng xóm biết mặt. Macron đắc cử. Chính giới nhăn mặt : để coi một anh chàng 39 tuổi, không kinh nghiệm, xoay xở ra sao trước các con cáo già quốc tế. Macron tỏ ra rất tự tin, rất chững chạc, rất… tổng thống. Tự nhiên với Merkel, ngang hàng với Trump, thân thiện với Trudeau, cởi mở với các lãnh tụ Châu Âu.
Với Nga, Macron đi một chiêu đáng nể. Poutine (Putin) đang gặp khó khăn ở Syrie, khó khăn nội bộ vì bế tắc kinh tế, khó khăn với Châu Âu sau vụ xâm lấn Crimée, khó khăn với Hoa Kỳ vì quốc hội đang điều tra về liên hệ giữa Trump với Nga. Hơn bao giờ hết, Poutine, cô lập, muốn nối lại đường dây với Châu Âu. Người có can đảm đưa tay ra kéo Poutine xích lại vơí Châu Âu là Macron. Châu Âu tán thưởng, vì biết rằng có rất nhiều vấn đề trên thế giới sẽ không có giải pháp, nếu không có bàn tay của Kremlin.
Macron đón tiếp Poutine trong khung cảnh huy hoàng của cung vua ở Versailles, nhưng thẳng thắn trình bày quan điểm của Pháp, của Châu Âu. Và không ngần ngại cho "Nga hoàng" một bài học về báo chí, khi đề cập tới những tờ báo Nga do Kremlin giựt giây, đã bôi nhọ Macron và bà xã trong suốt thời gian tranh cử. Poutine đứng chịu trận, mặc dù nổi tiếng là người có ego rất lớn. Người Pháp hãnh diện thấy một lãnh tụ Tây đương đầu với một cường quốc, giống như khi Villepinte, bộ trưởng ngoại giao của Chirac, đọc diễn văn ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, giải thích tại sao Pháp không nhắm mắt theo G. Bush Jr trong cuộc phiêu lưu không lối thoát ở Iraq.
Brigitte
Ngay cả chuyện bà vợ Macron lớn hơn chồng 24 tuổi cũng trở thành một lợi khí chính trị. Macron nói việc người ta diễu cợt dạy ông ta một điều : người ta không thể làm gì, xây dựng gì nếu bận tâm tới cái nhìn của người khác. Macron chứng tỏ mình muốn gì, có đủ nghị lực để vượt qua những thử thách. Phụ nữ dần dần có cảm tình với Brigitte Macron vì thấy bà ta đã chứng tỏ đời người đàn bà không chấm dứt ở tuổi 40.
Ngay cả trên bình diện ngoại giao, thời cuộc cũng mỉm cười với Macron. Trump tìm cách làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu, Theresa May gặp khó khăn ở Anh sau Brexit, đây là lúc cả Châu Âu muốn củng cố Liên hiệp. Châu Âu coi Macron, cùng với Merkel, là lãnh tụ của Liên hiệp, vì Macron là người đã tránh cho nước Pháp, và từ đó cho cả Châu Âu vì phản ứng domino, rơi vào tay một đảng cực đoan, chủ trương bế quan tỏa cảng.
Đức ủng hộ Macron vì thấy ông ta có thể cải cách nước Pháp, trái với một Hollande quá e dè. Đức và Châu Âu cần một nước Pháp mạnh, vì Pháp cùng với Đức là hai quốc gia rường cột của Liên hiệp. Châu Âu, thất vọng với các nhà lãnh đạo Pháp trước đây, đặt kỳ vọng trên hai vai ông tổng thống trẻ.
Những khuôn mặt mới
Trước ngày bầu cử, các chính đảng tự tin, nghĩ họ có kinh nghiệm tranh cử, có cơ sở ở các địa phương, sẽ chặn đứng cơn sóng Macron, với những ứng cử viên chân ướt chân ráo, hầu hết chưa hề hoạt động chính trị, được tuyển lựa qua… Internet. Kết quả, LREM đã mang vào một đội dân cử hùng hậu nhất trong lịch sử chính trị Pháp. Một bộ mặt khác của nước Pháp. Dân biểu tiêu biểu của Pháp trước đây là một người da trắng, 66 tuổi, làm nghề tự do (bác sĩ, kỹ sư) hay công chức. Dân biểu LREM là những người thuộc nhiều sắc tộc, làm đủ nghề, trẻ hơn và trên 40% là phụ nữ.
Tất cả đều thuận buồm, xuôi gió với "the kid". Một điểm đen : số cử tri tham dự bầu cử quốc hội quá yếu : 50%. Một nửa nước Pháp còn ngần ngại đứng nhìn. Macron sẽ phải thuyết phục để họ khỏi nghĩ mình đứng ngoài lề.
Thêm nữa, yếu điểm của một đa số quá mạnh cũng có nghĩa là những khuynh hướng khác không có tiếng nói ở quốc hội. Khi một khuynh hướng không được diễn tả ở quốc hội, nó có thể diễn tả bằng bạo động ngoài đường phố. Nhất là ở một xứ thích biểu tình, đình công, bãi thị như nước Pháp. Người ta chờ xem Macron xoay xở ra sao để có thể sửa đổi luật lao động trong những tháng tới mà không làm tê liệt nước Pháp. Đó là một thử thách trước mắt. Đối với Macron, đó là một thử thách quan trọng hàng đầu, vì Macron coi việc giải quyết nạn thất nghiệp, cùng với cải cách giáo dục, là ưu tiên số một để cải cách nước Pháp. Nếu ông ta đầu hàng, tất cả những dự án cải cách khác sẽ bị xếp xó, như trong qua khứ. Nếu thành công, Macron có thể tiếp tục làm công việc chưa ai làm, chưa ai dám làm : "sửa chữa "nước Pháp.
Một vấn đề khác : một đội ngũ dân biểu quá đông đảo, không kinh nghiệm, chưa phải là đảng viên, có thể trở thành một đám nghị gật, hay ngược lại, trở thành những dân cử thiếu kỷ luật, phản ứng không lường được. Giới thân cận chính quyền trấn an : chuyện đó khó thể xẩy ra, vì Macron làm việc có phương pháp. Và những dân biểu mới được tuyển lựa trước hết trên tiêu chuẩn muốn đóng góp cải thiện xã hội. Chờ xem. Cuốn phim Macron còn nhiều màn bất ngờ, ngoạn mục.
Paris, 12/06/2017
Từ Thức
Nguồn : http://www.facebook.com/tu-thuc.39