Như các bạn đã biết, kết quả cuộc bầu cử các đại biểu quốc hội Châu Âu đã cho thấy đảng của tổng thống Macron mất uy tín trầm trọng và đồng thời cũng cho thấy làn sóng cực hữu dâng cao ở Pháp. Không hài lòng với kết quả này, Tổng thống Macron đã giận (dỗi), giải tán Quốc hội Pháp để cho dân bầu lại.
Sau kết quả bầu cử Quốc hội Liên Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiyeen bố giải tán Quốc hội Pháp ngay tối Chủ nhật 09/06/2024,
Các hoạt động của chính trường Pháp tương đối phức tạp. Để hiểu rõ, chúng ta cần phải biết qua về một số khái niệm và quy định của các sinh hoạt này.
1. Tổng thống chỉ định thủ tướng, nhưng thủ tướng phải là người nằm trong một đảng (hay liên minh các đảng) chiếm đa số ghế trong Quốc hội (trên 50% ghế, nghĩa là phải có ít nhất 289 ghế). Sau đó, thủ tướng sẽ thành lập chính phủ, tức là chỉ định các bộ trưởng để tổng thống duyệt.
2. Quốc hội được bầu 5 năm một lần. Các đại biểu quốc hội được bầu qua 2 vòng. Nếu đại biểu nào đạt trên 50% số phiếu ngay vòng đầu ở một đơn vị bầu cử thì đại biểu đó trúng cử ngay, không có vòng hai. Tuy nhiên, đa số các trường hợp đã không như vậy. Do vậy, tất cả các đại biểu nào đạt được 12,5% trở lên thì sẽ là ứng viên cho vòng hai, bất kể là bao nhiêu, nghĩa là từ 2 đến 7 ứng cử viên, nhưng trường họp 3 ứng cử viên ở vòng hai là đa số, người Pháp gọi là "triangulaire". Ở một đơn vị bẩu cử, thường có nhiều đại biểu của các đảng khác nhau chỉ để tranh một ghế. Như vậy, ở vòng hai có thể có từ 2 đến 5 ứng cử viên (đã có một lần duy nhất 5 ứng viên, năm 1973. Về mặt toán học mà nói thì có thể có đến 7).
3. Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội trước thời hạn để bầu lại.
4. Trường hợp tổng thống là người của đảng này, nhưng thủ tướng lại là người của đảng khác thì gọi là chung sống (cohabitation).
5. Một cách tóm tắt nhất, cánh tả là các đảng ngồi ở bên trái ở Quốc hội. Cánh tả gồm những đảng như cộng sản, xã hội, xanh, môi trường… thiên về xã hội như giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường, che chỡ người nhập cư bất hợp pháp, ủng hộ của các quốc gia Châu Phi, hỗ trợ người Palestine… Các đảng cực tả là những đảng chủ trương xóa bỏ giai cấp tư bản, cướp của người giàu, rút khỏi Liên Âu, mọi người tự do ra vào nước Pháp... Cánh hữu ngồi ở bên phải và có xu hướng ngược lại, nghĩa là phát triển kinh tế, đầu tư vào kỹ thuật cao cấp, tăng cường an ninh nội địa, hạn chế người nhập cư bất hợp pháp... Trong khi cực hữu là những đảng theo đuổi ý tưởng dân tộc hẹp hòi của người da trắng, bài ngoại, thậm chí phát xít.
Những tóm tắt vừa nêu trên về xu hướng chính trị Tả-Hữu trong sinh hoạt chính trị Pháp chỉ mang tính minh họa, nghĩa là rất đơn giản và không đầy đủ, chỉ để các bạn có một khái niệm chung thôi chứ thực tế phức tạp hơn nhiều. Thực tế thì tôi nghĩ rằng cho đến nay, lãnh đạo của bất cứ đảng phái nào cũng đều mong muốn phát triển đất nước. Cánh tả thì cho rằng phải nâng cao mức sống của người nghèo, nghĩa là tăng lương, giảm giờ làm việc, được hưởng những dịch vụ miễn phí như chi phí đi lại, nghỉ hè, giải trí… (làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu). Trong khi cánh hữu thì cho rằng nếu dành ngân sách cho những nhu cầu như vậy thì sẽ làm cho nước Pháp không cạnh tranh được, người giầu bỏ đi, di dân bất hợp pháp từ Châu Phi và Trung Á sẽ tràn vào làm xáo trộn đất nước…
Muốn nói gì thì nói, nói chung nước Pháp từ xưa đến nay vẫn là một nước bao dung, hào phóng, nhân đạo. Trong mấy chục năm qua, người Pháp vẫn nghĩ đến những người yếu thế và thường dồn phiếu cho những đảng cánh tả hoặc hữu ôn hòa qua các cuộc bầu cử Tổng thống, Quốc hội hay các chính quyền địa phương (mairie).
Vấn đề là từ hơn 30 năm qua, sau khi phe xã hội lên cầm quyền năm 1981, tất cả các đảng Tả-Hữu của Pháp đều không giải quyết được những ưu tư cơ bản về tăng trưởng kinh tế, giải quyết nạn thất nghiệp và dân nhập cư bất hợp pháp. Tất nhiên nguyên nhân không phải chỉ là vấn đề lãnh đạo, nó còn tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác như bối cảnh quốc tế, sự ra đời của những sản phẩm tinh học cấp cao…
Ở một nước dân chủ, khi mọi sự không như ý muốn thì "trăm tội đổ đầu tằm". Đình công, bãi công, biểu tình, đập phá khắp nơi làm cho tình hình càng trầm trọng hơn. Không như ở ta, nhiệm vụ chính của các đảng đối lập trong các nước dân chủ có họ là "chọc gậy bánh xe". Đảng cầm quyền làm đúng cũng "chọc", làm sai cũng "chọc" và khái niệm đúng-sai ở đây là vô cùng tương đối nên lúc nào cũng "chọc" để gây chú ý bất kể có lợi hay có hại cho quốc gia. Qua đó người Pháp cũng đã mệt mỏi và thất vọng với giới lãnh đạo nên muốn có một sự thay đổi.
Nước Pháp từ trước tới nay rất dị ứng với cực hữu, trước đây là đảng Mặt Trận Dân Tộc (Front National - FN) do ông Jean-Marie Le Pen thành lập năm 1972. Năm 2018, sau con gái của ông là bà Marine Le Pen lên thay. Bà Marine Le Pen có công lớn là đã thay đổi bộ mặt bị dư luận quỷ hóa của cha đầy tiếng xấu thành Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement National – RN) cho có vẽ hiền hòa hơn. Từ năm 2018 đến nay, đảng cực hữu này đã phát triển với một vận tốc hơn hẵn các đảng phái tả-hữu khác của Pháp : trong các cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, ông Jean-Marie Le Pen đã vào chung kết năm 2022, bà Marine Le Pen đã hai lần vào chung kết (2017 và 2022), trong các cuộc bầu cử Quốc hội đảng cực hữu từ 1 dân biểu trên tổng số 577 ghế năm 1988, lên 7 ghế năm 2017, rồi đó tăng vọt lên 88 ghế năm 2022 và 180 ghế năm 2024 (đứng đầu tổng số ghế).
Sự đi lên của Tập Hợp Dân Tộc trùng hợp với sự phát triển của các phong trào cực hữu và các đảng phái dân túy trong Liên Hiệp Châu Âu nên Tập Hợp Dân Tộc càng có nhiều cơ hội để phát triển. Một trong những con bài của các đảng phái dân túy cả tả lẫn hữu luôn luôn coi các vấn đề phức tạp về kinh tế, ngân sách, thương mại, hay ổn định xã hội chỉ là những ảo tưởng, nếu họ được lên cầm quyền thì sẽ "Giải quyết những vấn đề vô cùng phức tạp bằng một giải pháp vô cùng đơn giản". Chẳng hạn như tăng lương tối thiểu lên 1.600 €/tháng, có quyền về hưu 60 tuổi… Khẩu hiệu của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc càng giản dị hơn, "trăm tội" đổ lên đầu người nước ngoài, đuổi hết người nhập cư bất hợp pháp về nước thì xã hội Pháp sẽ được an bình…
Vòng một của cuộc bầu cử quốc hội Pháp ngày 30/6 đã mang lại thắng lợi lớn cho đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Theo dự báo ước tính thì Tập Hợp Dân Tộc có thể đạt tới tối đa 295 ghế ở vòng 2, tức là vượt quá bán, vị Thủ tướng sẽ là Chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc, Jordan Bardella, 29 tuổi. Nhưng vấn đề không đơn giản toán học như vậy.
Để dễ hình dung hơn vấn đề, các bạn cần hiểu rằng bầu cử 2 vòng cũng giống hệt trận bóng đá tứ kết có 2 hiệp, hay bóng đá có trận lượt đi và lượt về. Thắng trước đậm vẫn có thể thua sau. Đó là tất cả những gì đã xẩy ra hôm Chủ nhật 7/7 vừa qua, khi có kết quả vòng hai. Đa số dân Pháp thở phào nhẹ nhõm, giống như Fernandez đá quả Penalty cuối cùng vào lưới của đội Bồ Đào Nha, đưa đội Pháp vào bán kết.
Kết quả chung cuộc, đảng Mặt trận bình dân mới (Nouveau Front Populaire – NFP) : 182 ghế, đảng Cùng nhau (Ensemble) của Macron : 163 ghế, các đảng cực hữu (Tập Hợp Dân Tộc và liên minh) chỉ về thứ 3 với 143 ghế, đảng Cộng Hòa và liên minh : 68 ghế, các đảng nhỏ cánh tả khác : 11 ghế, linh tinh khác nữa 10 ghế (xem hình)
Tại sao đảng cực hữu miền Trung Dân Tộc lại thất bại ở hiệp hai (hay trận lượt về) ? Có nhiều giải thích :
1. Lãnh đạo những đảng phái tả hữu cổ điển cảnh giác về mối nguy của cực hữu và kêu gọi trách nhiệm cộng hòa (responsabilité républicain) của dư luận Pháp.
2. Số người tham gia bầu cử vòng hai, ý thức được trách nhiệm đã đi bầu đông hơn hẳn so với các kỳ bầu cử trước đây, đạt gần 67% (cao nhất từ trước đến nay của nền Đệ ngủ Cộng hòa Pháp).
3. Dân chúng Pháp vẫn còn giữ truyền thống Cộng hòa nên chưa muốn trao quyền cho cực hữu.
4. Một điều rất quan trọng là, sau vòng 1, hầu như tất cả cách đảng cả Tả lẫn Hữu đều quyết tâm ngăn chặn đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, kể cả với cái giá chấp nhận cực Tả và hy sinh bản thân. Cụ thể là lãnh đạo các đảng phái chính trị cả Tả lẫn Hữu đều nghiên cứu tình hình cụ thể của từng đơn vị bầu cử để hy sinh các ứng cử viên của mình, nếu ứng cử viên và đảng mình về hạng ba thi kêu gọi ủng hộ viên của mình dồn phiếu cho ứng cử viên đảng khác về hạng 1 hay hạng 2 để ứng cử viên đảng đó thắng ứng cử viên đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Thí dụ như ở một đơn vị bầu cử X, vào vòng hai còn 3 đấu thủ, trong đó có cực hữu RN, thì 2 đảng còn lại đàm phán với nhau rút lui một ứng cử viên để dồn phiếu cho người kia thắng Tập Hợp Dân Tộc. Tương tự như vậy, họ đã đàm phán để rút lui các ứng cử viên ở cả những nơi còn 4 ứng cử viên… Tổng cộng đã có khoảng 214 ứng cử viên của các đảng đã phải hy sinh ứng cử viên của mình để ngăn chặn ứng cử viên đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc. Cũng lạ là chưa bao giờ thấy họ lại đoàn kết nhất trí như thế, kể cả phải chấp nhận cho Mặt trận bình dân mới (NFP) thắng ở một số nơi, mặc dù trong Mặt trận bình dân mới có đảng cực tả Nước Pháp bất khuất của lãnh tụ Jean-Luc Melenchon mà nhiều người rất ghét.
Các đảng đã làm vậy để chặn cực hữu. Rất nhiều cử tri cũng đã làm tương tự, tức là bầu không phải để bầu cho người của mình mà bầu cho thằng mình không thích nhưng lại chặn được thằng mình quá ghét. Chính vì vậy, tôi mới nói là một cuộc bầu cử không giống ai.
Như vậy, điều tồi tệ nhất đã không xẩy ra, sẽ không có thủ tướng cực hữu Bardella (29 tuổi), người chưa bao giờ nắm giữ một chức vụ dân cử nào trong xã hội (trừ trong đảng Tập Hợp Dân Tộc), nghĩa là không có kinh knghiệm cầm quyền. Như vậy không có "chung sống" Macron-Bardella. Đặc biệt lần này trên toàn nước Pháp không có mấy ông cực tả xúi giục phe mình nhẩy ra đốt phá linh tinh, tối hôm Chủ nhật 7/7 vừa qua. Cực tả hay cực hữu đều rất cực.
Tóm lại, hiện tại có 3 nhóm lớn trong Quốc hội mà chẳng có nhóm nào chiếm đa số. Vậy các cuộc đàm phán lại tiếp tục để tạo một liên minh có đa số ghế. Nhưng bây giờ đàm phán rất khó khăn vì ngay trong nhóm lớn nhất, Mặt trận bình dân mới (NFP), một liên minh kết hợp lỏng lẻo giữa các đảng cánh tả chỉ để tạo sự thống nhất để tham gia bầu cử, đã cải vả rất ỏm tỏi rồi.
Hiện tại Macron, vẫn yêu cầu thủ tướng cũ Gabriel Attal tại vị để đảm bảo sự ổn định của nhà nước, trong khi chờ đợi bổ nhiệm một thủ tướng mới.
Chính trị ở xứ giẫy chết này hoàn toàn khác ở ta. Phiếu bầu của người dân có tính quyết định. Ngày hôm qua, bằng lá phiếu của mình, người dân Pháp đã lật ngược một thế cờ bất lợi cho tương lai của mình, một điều tối kỵ ở xứ Chiều Nay nơi mà chỉ có một Đảng cầm quyền. Người Pháp tranh giành quyền lực rất dữ dội và cũng đánh nhau rất dữ dội, nhưng họ thực hành một cách văn minh và hòa bình hơn nhiều.
Dân chủ muôn năm hay độc tài muôn năm ?
Hoàng Quốc Dũng
(08/07/2024)