Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/12/2024

Điểm báo Pháp - Cuộc hôn nhân gượng ép giữa cực hữu và cực tả Pháp

RFI tiếng Việt

Lật đổ chính phủ Barnier : Cuộc hôn nhân gượng ép giữa cực hữu và cực tả Pháp

Tối 04/12/2024, với 331 phiếu, lần đầu tiên kể từ 1962, các dân biểu đã lật đổ chính phủ của thủ tướng Michel Barnier, sau khi được thành lập chưa đầy ba tháng. Sự kiện này chiếm trang nhất tất cả nhật báo Pháp 05/12/2024.

quochoiphap1

Thủ lãnh đảng cực hữu Marine Le Pen phát biểu trước Quốc hội Pháp trong cuộc tranh luận về hai kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ, ngày 04/12/2024. Reuters - Sarah Meyssonnier

Le Monde ra từ chiều hôm trước chạy tít "Trừng phạt, trò chơi rắc rối của Marine Le Pen", Le Figaro nói về "Trừng phạt lịch sử, khủng hoảng chính trị", Les Echos nhấn mạnh đến "Liên minh các phe cực đoan". Libération đăng hình ông Barnier nay đã trở thành cựu thủ tướng đang quay đi, nhại câu nói bằng tiếng la-tinh của Jules César "Veni, vidi, vici" (đến, chứng kiến, chiến thắng) nhưng thay chữ cuối bằng "viré" (sa thải). La Croix nhận xét "Nước Pháp trước thách thức bất ổn".

Lại quay về điểm xuất phát

Rơi vào vô định, con tàu mất phương hướng giữa trùng khơi, bước nhảy vào khoảng không... đó là những từ ngữ được dùng để nói về việc một lần nữa nước Pháp lại không có chính phủ, trong khi trước đây nội các của ông Barnier phải rất vất vả mới hình thành được. La Croix đặt câu hỏi, phải chăng nước Pháp đang quay trở về điểm xuất phát ban đầu ?

Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định giải tán Quốc hội tối 09/06, ngay sau khi cực hữu chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, chính là để tránh tình trạng này. Điện Élysée giải thích việc giải tán là cần thiết để tránh chính phủ của ông Attal trở thành thiểu số khi thảo luận về ngân sách. Nhưng kịch bản này lại đang diễn ra trước mắt mọi người, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị.

Nguyên thủ Pháp đã thua cuộc, bầu cử trước thời hạn dẫn đến một Quốc hội bị chia làm ba khối, không thể hình thành một liên minh, và lại càng không có sự ủng hộ cho thủ tướng. Le Figaro cho rằng ông Macron phải bổ nhiệm một thủ tướng mới ngay trong những ngày tới chứ không thể chờ nhiều tuần lễ. Theo La Croix, tân thủ tướng cần có được nghệ thuật đối thoại và thỏa hiệp, một con đường hẹp nhưng không phải là bất khả.

Liên minh cơ hội giữa hai phe cực đoan nhằm ép Macron từ chức

Les Echos ví von "Cuộc hôn nhân ngày 04/12", về việc các đảng cực hữu, cực tả, sinh thái, xã hội đã chọn liên minh với nhau để bỏ phiếu lật đổ chính phủ Michel Barnier. Thủ lãnh cực tả, ông Jean-Luc Mélenchon và thủ lãnh cực hữu, bà Marine Le Pen hợp lực với nhau mà không có chương trình cụ thể một cách vô trách nhiệm, còn nhân chứng và đồng lõa là cựu tổng thống François Hollande cũng vậy. "Cô dâu chú rể" trước Quốc hội đã cáo buộc dự thảo ngân sách An sinh Xã hội gây thiệt hại cho những người dễ tổn thương nhất và ông Emmanuel Macron là thủ phạm.

Nhưng động cơ của vụ lật đổ là truyền thống phá hoại của cực tả, những rắc rối tư pháp của cực hữu, và sự từ bỏ các nguyên tắc đạo đức của đảng xã hội, đã làm nên cuộc hôn nhân phản tự nhiên này. Hôm 10/07/1940, 569 dân biểu tả cũng như hữu đã khai tử Đệ tam cộng hòa, nhưng bối cảnh lịch sử không thể so sánh. Kỳ này, 331 dân biểu của Đệ ngũ cộng hòa, tuy không lập được đa số để thay thế, vẫn tạo ra nguy cơ làm các định chế bị yếu đi. Le Monde nhận định, Jean-Luc Mélenchon và Marine Le Pen hoàn toàn trái ngược với nhau về mọi thứ, trừ một điểm chung : Muốn thúc đẩy ông Emmanuel Macron phải từ chức càng sớm càng tốt.

NATO thận trọng, chưa mời Ukraine gia nhập

Liên quan đến Ukraine, Le Monde nhận xét NATO thận trọng trước việc kết nạp nước này, vào thời điểm ông Donald Trump sắp nhậm chức tổng thống Mỹ. Tại Bruxelles hôm thứ Ba 03/12, ngoại trưởng Andrii Sybiha của Ukraine đến dự cuộc họp hội đồng các ngoại trưởng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương với một tập tài liệu màu xanh lá. Ông đưa cho báo chí xem "bản ghi nhớ Budapest" năm 1994, theo đó Mỹ, Anh, Nga bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine để đổi lấy việc Kiev từ bỏ số vũ khí nguyên tử Liên Xô. Ba mươi năm sau, Nga chiếm đóng 18% lãnh thổ Ukraine, và Kiev mong muốn một điều vẫn chờ đợi từ lâu, đó là gia nhập NATO. Các nhà lãnh đạo Ukraine liên tiếp thúc giục Liên minh đưa ra lời mời chính thức.

Nhưng trong lúc chỉ vài tuần nữa Donald Trump lại bước vào Nhà Trắng, Đức đang chuẩn bị bầu cử, đây không phải là ưu tiên của NATO. Ngoại trưởng Litva cho biết không có tiến triển nào. Chính quyền Joe Biden đang trong những tuần cuối cùng, Olaf Scholz luôn sợ "leo thang", Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phản đối. Trong điều kiện đó, sự ủng hộ của Pháp, Anh, Ba Lan và các nước Baltic là chưa đủ. Một nguồn tin ngoại giao nói rằng đó là một quyết định rất quan trọng cần đạt được đồng thuận và như vậy phải có thời gian.

Ông Mark Rutte, tổng thư ký NATO nhắc nhở, các nước thành viên đã thỏa thuận rằng tương lai của Ukraine thông qua Liên minh Bắc Đại Tây Dương, là con đường không thể đảo ngược. Cần bảo đảm thế mạnh cho Kiev một khi quyết định ngồi vào bàn đàm phán, và như vậy phải viện trợ quân sự nhiều hơn. Sắp tới nước Mỹ của ông Trump có thể đẩy gánh nặng này về phía Châu Âu. Kiev mong muốn có được viện binh từ Châu Âu, ít nhất cũng làm nhẹ bớt nhiệm vụ ở hậu cứ cho quân đội Ukraine. Các nước nhiệt tình nhất như Pháp, Anh, các quốc gia Baltic và Bắc Âu thì cân nhắc triển khai quân sang Ukraine để giám sát ngưng bắn, nếu điều này diễn ra.
Trong khi đó, người Ukraine vẫn chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Le Figaro nói về chiến dịch tuyển quân mang tính sáng tạo của lữ đoàn tấn công số 3. Tại Ukraine, 130 lữ đoàn được phép trực tiếp tuyển binh sĩ cho mình, không cần thông qua trung tâm tuyển mộ quốc gia. Ukraine đang thiếu nhân lực nặng nề, xã hội đã mệt mỏi với 80.000 người thiệt mạng và 400.000 người bị thương.

Kremlin muốn viết lại lịch sử, xóa nhòa tội ác của Stalin

Về phía Nga, theo Le Monde, Điện Kremlin cố gắng xóa đi những tội ác của thời kỳ Stalin, thông qua việc hủy bỏ phục hồi danh dự cho nhiều nạn nhân của chế độ cộng sản. Nước Nga của Vladimir Putin đã sáng tạo ra một chữ mới, là "déréhabilitation", tạm dịch "hủy bỏ phục hồi".

Việc đóng cửa Bảo tàng lịch sử gu-lắc (Gulag) tại Moskva hôm 14/11 và dời đi nơi khác bia đá "tưởng niệm hàng triệu nạn nhân của chế độ toàn trị" Vô-viết đặt trước trụ sở KGB ngay trung tâm thủ đô hôm 3/12 mới đây, là kết quả những gì các công tố viên Nga đã thực hiện trong hai năm qua. Kể từ nửa cuối năm 2022, họ đã xét lại 14.000 trường hợp được phục hồi danh dự cho các nạn nhân bị đàn áp thời Liên Xô, và hủy bỏ trên 4.000 hồ sơ.

Nhà sử học Irina Scherbakova của tổ chức phi chính phủ Memorial báo động việc bóp méo lịch sử, đưa những tội ác cộng sản đi vào quên lãng. Memorial là một trong những tổ chức hiếm hoi nghiên cứu về quá khứ Xô-viết. Bị Tòa án Tối cao Nga ra lệnh giải tán hôm 28/12/2021, được tặng giải Nobel Hòa bình năm 2022, Memorial bị cấm hoạt động tại Nga. Tổ chức này đòi hỏi danh sách 4.000 nạn nhân bị "hủy bỏ phục hồi", có thể là những người kháng chiến trong đó có cả những chiến binh Litva và Ukraine. Một khi bị hủy bỏ, các hồ sơ này không thể tham khảo được.

Bên cạnh đó là nỗ lực tẩy não. Tượng Stalin bắt đầu xuất hiện trở lại ở một số địa phương. Trên 60% người Nga được thăm dò cho biết có cái nhìn "tích cực" về nhà độc tài này, so với năm 2002 chỉ có 38%. Từ 2012, Stalin dẫn đầu danh sách "những nhân vật gây ấn tượng nhất trong lịch sử", theo sau là Lênin, Sa hoàng Pyotr Đại đế, nhà thơ Pushkin, và một nhân vật khác nằm trong top 5 : Vladimir Putin.

Hàn Quốc : Tổng thống có nguy cơ bị luận tội vì lệnh thiết quân luật

Tại Châu Á, tình hình Hàn Quốc tiếp tục được tất cả các nhật báo Pháp hôm nay đề cập đến, sau vụ tổng thống Yoon Suk-yeol bất ngờ ban hành lệnh thiết quân luật rồi phải bãi bỏ do bị Quốc hội bác và dân chúng phản đối. Bước chân vào chính trường cách đây mới bốn năm, cựu thẩm phán Yoon nay có nguy cơ bị truất phế.

La Croix cho biết luật gia chống cộng kịch liệt này luôn công khai quan điểm. Đối với Bắc Triều Tiên, ông Yoon nói rằng sẵn sàng tấn công phủ đầu "nếu cần" - một khả năng theo các nhà quan sát là ảo tưởng nhưng lại có thể gây ra chiến tranh nguyên tử trên bán đảo. Một chuyên gia quân sự nói với NK News, trong trường hợp căng thẳng với phương bắc, ông không sợ Kim Jong-un bằng ông Yoon Suk-yeol với những phản ứng cực đoan thiếu suy nghĩ.

Yoon Suk-yeol cũng ca ngợi nhà cựu độc tài Chun Doo-hwan (được mệnh danh là "Đao phủ Gwangju", nơi hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ bị thảm sát năm 1980). Thời kỳ đen tối này đã làm người Hàn Quốc bị tổn thương trong nhiều thập niên, trước khi trở thành chế độ dân chủ vào đầu những năm 90.
Từ công tố viên thanh liêm đến tai tiếng của người thân

Le Figaro nhắc lại, từ lâu ông Yoon Suk-yeol vẫn ở bên phía buộc tội. Chính tính cách không khoan nhượng của công tố viên trưởng đã giúp ông bước vào chính trường cách đây bốn năm. Nhân vật được tiếng là thanh liêm từng góp phần vào việc kết án cựu tổng thống bảo thủ Park Geun-hye, và điều tra các chính khách nhiều ảnh hưởng của tất cả đảng. Trong lễ nhậm chức sau chiến thắng khít khao trước lãnh tụ cánh tả Lee Jae-myung năm 2022, tân tổng thống 61 tuổi hứa thúc đẩy kinh tế, bảo vệ tự do dân chủ, chống tham nhũng, để làm Hàn Quốc hùng mạnh hơn.

Giáp mặt với thực tế quyền lực, vị luật gia không thực sự đủ thời gian thực hiện, quan hệ với các đảng đối lập, truyền thông nhanh chóng xấu đi. Uy tín của ông giảm sút vì bị nghi ngờ dùng quyền để bảo vệ lợi ích riêng, nhất là đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee, bị ghi hình lúc đang nhận một túi xách tay hàng hiệu sang trọng từ một mục sư Mỹ gốc Hàn. Chính quyền của ông vẫn còn bị chỉ trích sau cái chết bi thảm của 158 thanh niên trong vụ giẫm đạp mùa Halloween 2022 ở Seoul.

Yoon Suk-yeol rất tích cực trên trường quốc tế, đã củng cố quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ và xích lại gần Nhật Bản với sự can đảm, đi ngược lại ý kiến của cánh tả và đa số công luận trong nước. Nhưng hồi tháng Tư, đảng bảo thủ của ông và các đồng minh đã thất bại trong bầu cử, Quốc hội sau đó nằm trong tay cánh tả và đảng Dân Chủ của Lee Jae-myung, khiến ông Yoon ngày càng bị cô lập.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 89 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)