Gây nguy hiểm cho nền dân chủ, tổng thống Hàn Quốc có nguy cơ mất chức
Les Echos ngày 04/12/2024 nhận xét, tổng thống Hàn Quốc có nguy cơ mất chức sau khi ra lệnh thiết quân luật hôm qua. Libération có bài phóng sự nói về "Những người biểu tình giận dữ ở Seoul".
Người dân Seoul biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc Hội sau khi tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố thiết quân luật tối 03/12/2024. Reuters - Kim Hong-Ji
Lệnh thiết quân luật bất ngờ trong đêm
Các báo tóm tắt tình hình : Tối 03/12, sau 22 giờ, tổng thống Yoon Suk-yeol bất ngờ tuyên bố thiết quân luật khẩn cấp, ngưng mọi hoạt động chính trị và kiểm soát toàn bộ truyền thông. Ông giải thích muốn "diệt trừ các lực lượng thân Bắc Triều Tiên và bảo vệ trật tự dân chủ hiến định", tố cáo đối lập ngăn cản việc thông qua luật ngân sách năm 2025. Quân đội được triển khai tại một số địa điểm chiến lược ở thủ đô. Nhưng ba tiếng đồng hồ sau, 190 trong số 300 dân biểu đã cố gắng vào được trụ sở Quốc hội để bỏ phiếu vô hiệu hóa lệnh của tổng thống Yoon. Đến sáng sớm, vị nguyên thủ vốn đang có tỉ lệ tín nhiệm thấp đành phải dỡ bỏ thiết quân luật.
Les Echos cho biết đa số chính khách, nghiệp đoàn và xã hội dân sự hôm nay đòi hỏi tổng thống Yoon Suk-yeol từ chức, phe đối lập chuẩn bị thủ tục truất phế trong những ngày tới. Dư luận muốn trừng phạt hành động gây nguy hiểm cho nền dân chủ, sau khi đã chịu đựng chế độ độc tài cho đến thập niên 80. Nghiệp đoàn lớn nhất kêu gọi 1,2 triệu thành viên tổng đình công vô thời hạn. Nhiều cố vấn và thành viên Phủ tổng thống thông báo lập tức từ nhiệm, để lại nhà lãnh đạo ở lại với một nhúm người trung thành.
Dân chúng xuống đường đông đảo để bảo vệ dân chủ
Việc hạ bệ ông Yoon Suk-yeol cần hội đủ 2/3 túc số ở Quốc hội, tức lá phiếu của 200 dân biểu. Đảng Dân Chủ và các đảng đối lập nhỏ khác có tổng cộng 192 ghế, nhưng họ hy vọng lôi kéo được những dân biểu bất bình với sáng kiến điên rồ của nhà lãnh đạo. Nếu bị truất phế, ông sẽ bị mất mọi quyền hành cho đến khi Tòa Bảo hiến ra quyết định. Thủ tướng Han Duck-soo sẽ tạm lên thay cho đến khi bầu tổng thống mới trong thời hạn 60 ngày. Đến trưa, thị trường chứng khoán Seoul đã khởi sắc trở lại, còn đồng won tăng 0,8% so với đô la.
Libération có bài phóng sự nói về "Những người biểu tình giận dữ ở Seoul".Tối qua hàng ngàn người dân đã vội vã đến trụ sở Quốc hội để phản đối lệnh thiết quân luật. Cảnh sát được triển khai đông đảo nhưng không xảy ra xung đột. Sự giận dữ của đám đông tập trung vào cá nhân tổng thống Yoon Suk-yeol hay phu nhân Kim Keon-hee, bị vướng vào "xì-căng-đan túi xách Dior" từ một năm qua. Những tuần lễ vừa qua liên tục có những lời kêu gọi ông Yoon từ chức, và mở điều tra độc lập về các vụ liên quan đến phu nhân tổng thống. Hôm Chủ nhật, có đến 100.000 người tham gia các cuộc biểu tình do đối lập tổ chức.
Pháp : Hồi kết của chính phủ Barnier
Chính phủ của thủ tướng Michel Barnier liệu có đứng vững trước hai cuộc bỏ phiếu hôm nay hay không, đó là chủ đề tiếp tục chiếm trang nhất báo chí Pháp. Le Monde nhận xét "Le Pen chọn trừng phạt, Barnier sắp phải ra đi". Nhật báo Libération đăng ảnh tổng thống Pháp trên trang bìa, chạy tít "Thất bại" : Sáu tháng sau quyết định giải thể chính phủ, vị trí của ông Macron mong manh hơn bao giờ hết.
Les Echos chọn tấm ảnh ông Emmanuel Macron với hình phản chiếu lật ngược, nhấn mạnh "Trở về điểm xuất phát" : Chính phủ Michel Barnier có thể bị đổ hôm nay. Tổng thống muốn bổ nhiệm thủ tướng mới trước lễ khánh thành công trình phục hồi Nhà thờ Đức Bà vào thứ Bảy, nhưng khuôn khổ hành động của ông bị hạn chế. Tương tự, Le Figaro chạy tựa "Dưới áp lực, Macron chuẩn bị cho thời kỳ hậu Barnier", để tránh tình trạng chính trường bị tê liệt. La Croix nói về "Cái giá của sự trừng phạt" : Hậu quả sẽ nặng nề cho ngân sách, và trước hết là giới trung lưu sẽ chịu thiệt thòi.
Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa : Sự kiện quốc tế có mặt Donald Trump
Cũng liên quan đến Pháp, Le Monde, Le Figaro và Les Echos đều chú ý đến việc tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đến Paris nhân dịp Nhà thờ Đức Bà mở cửa trở lại sau vụ hỏa hoạn làm cả thế giới bàng hoàng cách đây 5 năm. Một công trình nổi tiếng trên toàn thế giới, một lễ "tái khánh thành" tưng bừng sẽ khiến ông Trump rất vui, sau khi quay lại một cách vẻ vang trên trường quốc tế. Khi mời tổng thống tân cử Mỹ dự lễ, ông Emmanuel Macron lại nỗ lực quyến rũ nhân vật có tính cách độc đáo này.
Từ khi tái đắc cử, nguyên thủ các nước đều gọi cho Donald Trump tại tư dinh Mar-a-Lago thay vì Nhà Trắng. Macron đi trước một bước, tranh thủ sự kiện để đạt được chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tổng thống tân cử Mỹ, dự một buổi lễ huy hoàng. Ông Trump viết trên Truth Social với niềm vui không che giấu : "Tôi có vinh dự loan báo sẽ đến Pháp vào thứ Bảy để dự lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà Paris, thánh đường tuyệt đẹp và lịch sử, đã được tôn tạo hoàn toàn sau khi bị tàn phá trong vụ hỏa hoạn cách đây 5 năm", ca ngợi nỗ lực của tổng thống Pháp. Như đã thuộc về quá khứ, tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden, tổng thống Công giáo thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, được phu nhân đại diện.
Macron không đợi đến ngày nhậm chức chính thức 20/01 để tranh thủ cảm tình của tổng thống Mỹ tương lai. Ông có ít người cạnh tranh tại Châu Âu : thủ tướng Đức Olaf Scholz bận bịu với liên minh cầm quyền tan rã, tân thủ tướng Anh Keir Starmer thuộc Công Đảng vốn không ủng hộ ông Trump.
"Một công đôi ba việc" cho tổng thống Pháp
Le Figaro nhắc lại, trong nhiệm kỳ đầu của Donald Trump, Emmanuel Macron là một trong những nguyên thủ đầu tiên hiểu rằng nhà tỉ phú mới bước chân vào trường quốc tế thích được phỉnh nịnh và biệt đãi. Được Macron tiếp đãi trang trọng trong chuyến thăm tháng 7/2017, ông Trump vui sướng quay về và còn đòi Lầu Năm Góc tổ chức duyệt binh như Quốc khánh Pháp 14/07. Tổng thống Pháp còn nằm trong số nhà lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên chúc mừng Donald Trump ngay trước khi tin đắc cử được công bố chính thức.
Củng cố lại quan hệ giữa đôi bên nay còn cần thiết hơn so với nhiệm kỳ trước. Macron, cũng như nhiều lãnh đạo Châu Âu khác và cánh truyền thống của đảng Cộng Hòa, hy vọng thuyết phục ông Trump rằng một chiến thắng của Nga tại Ukraine sẽ là thất bại của Hoa Kỳ, thế nên cần tìm ra một lối thoát khả dĩ cho cuộc chiến. Hai nguyên thủ thỏa thuận sẽ trao đổi bên lề sự kiện. Le Monde không loại trừ việc tổng thống Ukraine cũng sẽ hiện diện ở Paris trong dịp này. Đối với Macron, chuyến thăm của Donald Trump là một thắng lợi ngoại giao, trong lúc vị thế của ông đang yếu đi cả trong nước lẫn quốc tế. Bên cạnh đó, tân đại sứ Mỹ tại Pháp là Charles Kushner, thông gia của ông Trump, sẽ là ngõ tiếp xúc trực tiếp với tổng thống Hoa Kỳ.
Chiến tranh Ukraine, trọng tâm chiến dịch tranh cử ở Đức
La Croix nhận xét chiến tranh Ukraine cũng chiếm vai trò trung tâm trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức, là chủ đề ưu tiên trong cuộc đối đầu giữa các ứng cử viên. Một đêm trên tàu, một cuộc hội đàm với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và vài tấm ảnh trong một bệnh viện với những người lính bị thương ở tiền tuyến… qua chuyến thăm chớp nhoáng Kiev hôm 02/12, ông Olaf Scholz muốn chứng tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trước cuộc bầu cử ngày 23/02. Ông nhắc lại sẽ sát cách Ukraine đến chừng nào còn cần thiết. Đức là nhà tài trợ lớn nhất Châu Âu cho Kiev, đã viện trợ 28 tỉ euro, và trong tháng này sẽ gởi thêm drone, hệ thống phòng không IRIS-T và đạn dược cho Ukraine.
Olaf Scholz cũng muốn cải tổ các quy định tài chánh ngặt nghèo của Đức để có thể hậu thuẫn Ukraine lâu dài mà không phải cắt bớt từ ngân sách liên bang. Nhưng bên cạnh đó ông vẫn thận trọng từ chối cung cấp hỏa tiễn tầm xa Taurus mà Kiev đang rất cần để tấn công sâu vào Nga. Đây là vấn đề nguyên tắc của đảng Dân Chủ Xã Hội vốn chủ hòa. Nhà nghiên cứu Emanuel Richter của đại học Aix-la-Chapelle nhận xét, Olaf Scholz phải tìm được sự thăng bằng giữa cánh tả đòi đàm phán và cánh hữu ủng hộ Ukraine.
Đối thủ của ông, Friedrich Merz thuộc đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo đang chiếm ưu thế trong cuộc đua, tỏ ra quyết tâm hơn. Ông Merz công khai ủng hộ việc gởi hỏa tiễn Taurus nếu Nga tấn công vào thường dân, tố cáo thủ tướng nêu nguy cơ chiến tranh nguyên tử để gây sợ hãi cho người Đức. Tuy nhiên ông Richter cho rằng quan điểm của hai ứng cử viên này không khác nhau mấy, dù Friedrich Merz phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn Olaf Scholz.
Syria : Nga bất ngờ sập bẫy
Tại Trung Cận Đông, cuộc tấn công chớp nhoáng của quân nổi dậy vào Aleppo bộc lộ những điểm yếu của Nga trong khu vực, theo Les Echos. Le Monde coi đây là "cú đá giò lái" về chính trị và quân sự cho Kremlin. Việc xoay chuyển sự chú ý và nguồn lực của các đồng minh Ukraine về phía Cận Đông là cơ hội trong mơ của Kremlin. Vụ thảm sát của Hamas ở Israel ngày 07/10 và sau đó là cuộc chiến ở Gaza và Lebanon là một bước ngoặt có lợi cho Moskva.
Nhưng nay bất ngờ Nga bị sập bẫy trong một mặt trận không chờ đợi và không hề chuẩn bị, khi quân nổi dậy Syria tiến như vũ bão vào Aleppo khiến lực lượng Damascus phải bỏ chạy. Tuy ngoài mặt vẫn nói ủng hộ Assad nhưng thực tế không có gì đáng kể. Kênh Telegram Rybar cho biết chỉ huy quân sự Nga ở Syria đã bị cách chức, thay bằng người khác. Nhưng Kremlin vẫn giữ im lặng về sự kiện đó, dù trên mạng lan tràn hình ảnh quân nổi dậy khoe chiến lợi phẩm là vũ khí Nga. Một nhà nghiên cứu cho biết do xâm lăng Ukraine, nay Nga vừa thiếu quân, thiếu tiền và thiếu cả tướng tài. Từ hai năm qua, Syria là nơi trú ẩn của các tướng Nga hoàn toàn vô dụng.
Trung Quốc hứng đòn nặng của Mỹ về chất bán dẫn
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos chú ý đến việc Hoa Kỳ ra tay trừng phạt Trung Quốc mạnh chưa từng thấy về chất bán dẫn. Đây là đợt trừng phạt thứ ba của Mỹ chỉ trong vòng ba năm. Nhưng lần này có đến 140 công ty bán dẫn Trung Quốc bị cho vào danh sách đen. Lần đầu tiên ba công ty đầu tư là Wise Road Capital, Wingtech Technology và JAC Capital bị lọt vào tầm ngắm vì nghi ngờ giúp các công ty Trung Quốc mua công nghệ Mỹ rồi sau đó dịch chuyển sản xuất về Hoa lục. Điều đáng chú ý nữa là các công ty ngoại quốc : Israel, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc cung cấp chất bán dẫn cho Trung Quốc cũng bị trừng phạt.
Những doanh nghiệp bị cho vào danh sách đen không còn có thể tự do mua hàng, nhà cung cấp Mỹ phải xin giấy phép của bộ Thương Mại mới được bán, và giấy này hầu như không bao giờ được cấp. Nhật báo kinh tế nhắc lại, ban đầu Washington chỉ tấn công vào những "con cá lớn" như Huawei, SMIC. Nhưng sau đó nhiều công ty Trung Quốc khác xuất hiện trên mọi mắt xích của chuỗi cung ứng, khiến Mỹ buộc lòng phải trừng phạt cả những đơn vị cung cấp thiết bị, sản xuất phần mềm, công cụ.
Thụy My