Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Gây nguy hiểm cho nền dân chủ, tổng thống Hàn Quốc có nguy cơ mất chức

Les Echos ngày 04/12/2024 nhận xét, tổng thống Hàn Quốc có nguy cơ mất chức sau khi ra lệnh thiết quân luật hôm qua. Libération có bài phóng sự nói về "Những người biểu tình giận dữ ở Seoul".

matchuc1

Người dân Seoul biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc Hội sau khi tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố thiết quân luật tối 03/12/2024. Reuters - Kim Hong-Ji

Lệnh thiết quân luật bất ngờ trong đêm

Các báo tóm tắt tình hình : Tối 03/12, sau 22 giờ, tổng thống Yoon Suk-yeol bất ngờ tuyên bố thiết quân luật khẩn cấp, ngưng mọi hoạt động chính trị và kiểm soát toàn bộ truyền thông. Ông giải thích muốn "diệt trừ các lực lượng thân Bắc Triều Tiên và bảo vệ trật tự dân chủ hiến định", tố cáo đối lập ngăn cản việc thông qua luật ngân sách năm 2025. Quân đội được triển khai tại một số địa điểm chiến lược ở thủ đô. Nhưng ba tiếng đồng hồ sau, 190 trong số 300 dân biểu đã cố gắng vào được trụ sở Quốc hội để bỏ phiếu vô hiệu hóa lệnh của tổng thống Yoon. Đến sáng sớm, vị nguyên thủ vốn đang có tỉ lệ tín nhiệm thấp đành phải dỡ bỏ thiết quân luật.

Les Echos cho biết đa số chính khách, nghiệp đoàn và xã hội dân sự hôm nay đòi hỏi tổng thống Yoon Suk-yeol từ chức, phe đối lập chuẩn bị thủ tục truất phế trong những ngày tới. Dư luận muốn trừng phạt hành động gây nguy hiểm cho nền dân chủ, sau khi đã chịu đựng chế độ độc tài cho đến thập niên 80. Nghiệp đoàn lớn nhất kêu gọi 1,2 triệu thành viên tổng đình công vô thời hạn. Nhiều cố vấn và thành viên Phủ tổng thống thông báo lập tức từ nhiệm, để lại nhà lãnh đạo ở lại với một nhúm người trung thành.

Dân chúng xuống đường đông đảo để bảo vệ dân chủ

Việc hạ bệ ông Yoon Suk-yeol cần hội đủ 2/3 túc số ở Quốc hội, tức lá phiếu của 200 dân biểu. Đảng Dân Chủ và các đảng đối lập nhỏ khác có tổng cộng 192 ghế, nhưng họ hy vọng lôi kéo được những dân biểu bất bình với sáng kiến điên rồ của nhà lãnh đạo. Nếu bị truất phế, ông sẽ bị mất mọi quyền hành cho đến khi Tòa Bảo hiến ra quyết định. Thủ tướng Han Duck-soo sẽ tạm lên thay cho đến khi bầu tổng thống mới trong thời hạn 60 ngày. Đến trưa, thị trường chứng khoán Seoul đã khởi sắc trở lại, còn đồng won tăng 0,8% so với đô la.

Libération có bài phóng sự nói về "Những người biểu tình giận dữ ở Seoul".Tối qua hàng ngàn người dân đã vội vã đến trụ sở Quốc hội để phản đối lệnh thiết quân luật. Cảnh sát được triển khai đông đảo nhưng không xảy ra xung đột. Sự giận dữ của đám đông tập trung vào cá nhân tổng thống Yoon Suk-yeol hay phu nhân Kim Keon-hee, bị vướng vào "xì-căng-đan túi xách Dior" từ một năm qua. Những tuần lễ vừa qua liên tục có những lời kêu gọi ông Yoon từ chức, và mở điều tra độc lập về các vụ liên quan đến phu nhân tổng thống. Hôm Chủ nhật, có đến 100.000 người tham gia các cuộc biểu tình do đối lập tổ chức.

Pháp : Hồi kết của chính phủ Barnier

Chính phủ của thủ tướng Michel Barnier liệu có đứng vững trước hai cuộc bỏ phiếu hôm nay hay không, đó là chủ đề tiếp tục chiếm trang nhất báo chí Pháp. Le Monde nhận xét "Le Pen chọn trừng phạt, Barnier sắp phải ra đi". Nhật báo Libération đăng ảnh tổng thống Pháp trên trang bìa, chạy tít "Thất bại" : Sáu tháng sau quyết định giải thể chính phủ, vị trí của ông Macron mong manh hơn bao giờ hết.

Les Echos chọn tấm ảnh ông Emmanuel Macron với hình phản chiếu lật ngược, nhấn mạnh "Trở về điểm xuất phát" : Chính phủ Michel Barnier có thể bị đổ hôm nay. Tổng thống muốn bổ nhiệm thủ tướng mới trước lễ khánh thành công trình phục hồi Nhà thờ Đức Bà vào thứ Bảy, nhưng khuôn khổ hành động của ông bị hạn chế. Tương tự, Le Figaro chạy tựa "Dưới áp lực, Macron chuẩn bị cho thời kỳ hậu Barnier", để tránh tình trạng chính trường bị tê liệt. La Croix nói về "Cái giá của sự trừng phạt" : Hậu quả sẽ nặng nề cho ngân sách, và trước hết là giới trung lưu sẽ chịu thiệt thòi.

Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa : Sự kiện quốc tế có mặt Donald Trump

Cũng liên quan đến Pháp, Le Monde, Le Figaro Les Echos đều chú ý đến việc tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đến Paris nhân dịp Nhà thờ Đức Bà mở cửa trở lại sau vụ hỏa hoạn làm cả thế giới bàng hoàng cách đây 5 năm. Một công trình nổi tiếng trên toàn thế giới, một lễ "tái khánh thành" tưng bừng sẽ khiến ông Trump rất vui, sau khi quay lại một cách vẻ vang trên trường quốc tế. Khi mời tổng thống tân cử Mỹ dự lễ, ông Emmanuel Macron lại nỗ lực quyến rũ nhân vật có tính cách độc đáo này.

Từ khi tái đắc cử, nguyên thủ các nước đều gọi cho Donald Trump tại tư dinh Mar-a-Lago thay vì Nhà Trắng. Macron đi trước một bước, tranh thủ sự kiện để đạt được chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tổng thống tân cử Mỹ, dự một buổi lễ huy hoàng. Ông Trump viết trên Truth Social với niềm vui không che giấu : "Tôi có vinh dự loan báo sẽ đến Pháp vào thứ Bảy để dự lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà Paris, thánh đường tuyệt đẹp và lịch sử, đã được tôn tạo hoàn toàn sau khi bị tàn phá trong vụ hỏa hoạn cách đây 5 năm", ca ngợi nỗ lực của tổng thống Pháp. Như đã thuộc về quá khứ, tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden, tổng thống Công giáo thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, được phu nhân đại diện.

Macron không đợi đến ngày nhậm chức chính thức 20/01 để tranh thủ cảm tình của tổng thống Mỹ tương lai. Ông có ít người cạnh tranh tại Châu Âu : thủ tướng Đức Olaf Scholz bận bịu với liên minh cầm quyền tan rã, tân thủ tướng Anh Keir Starmer thuộc Công Đảng vốn không ủng hộ ông Trump.
"Một công đôi ba việc" cho tổng thống Pháp

Le Figaro nhắc lại, trong nhiệm kỳ đầu của Donald Trump, Emmanuel Macron là một trong những nguyên thủ đầu tiên hiểu rằng nhà tỉ phú mới bước chân vào trường quốc tế thích được phỉnh nịnh và biệt đãi. Được Macron tiếp đãi trang trọng trong chuyến thăm tháng 7/2017, ông Trump vui sướng quay về và còn đòi Lầu Năm Góc tổ chức duyệt binh như Quốc khánh Pháp 14/07. Tổng thống Pháp còn nằm trong số nhà lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên chúc mừng Donald Trump ngay trước khi tin đắc cử được công bố chính thức.

Củng cố lại quan hệ giữa đôi bên nay còn cần thiết hơn so với nhiệm kỳ trước. Macron, cũng như nhiều lãnh đạo Châu Âu khác và cánh truyền thống của đảng Cộng Hòa, hy vọng thuyết phục ông Trump rằng một chiến thắng của Nga tại Ukraine sẽ là thất bại của Hoa Kỳ, thế nên cần tìm ra một lối thoát khả dĩ cho cuộc chiến. Hai nguyên thủ thỏa thuận sẽ trao đổi bên lề sự kiện. Le Monde không loại trừ việc tổng thống Ukraine cũng sẽ hiện diện ở Paris trong dịp này. Đối với Macron, chuyến thăm của Donald Trump là một thắng lợi ngoại giao, trong lúc vị thế của ông đang yếu đi cả trong nước lẫn quốc tế. Bên cạnh đó, tân đại sứ Mỹ tại Pháp là Charles Kushner, thông gia của ông Trump, sẽ là ngõ tiếp xúc trực tiếp với tổng thống Hoa Kỳ.

Chiến tranh Ukraine, trọng tâm chiến dịch tranh cử ở Đức

La Croix nhận xét chiến tranh Ukraine cũng chiếm vai trò trung tâm trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức, là chủ đề ưu tiên trong cuộc đối đầu giữa các ứng cử viên. Một đêm trên tàu, một cuộc hội đàm với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và vài tấm ảnh trong một bệnh viện với những người lính bị thương ở tiền tuyến… qua chuyến thăm chớp nhoáng Kiev hôm 02/12, ông Olaf Scholz muốn chứng tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trước cuộc bầu cử ngày 23/02. Ông nhắc lại sẽ sát cách Ukraine đến chừng nào còn cần thiết. Đức là nhà tài trợ lớn nhất Châu Âu cho Kiev, đã viện trợ 28 tỉ euro, và trong tháng này sẽ gởi thêm drone, hệ thống phòng không IRIS-T và đạn dược cho Ukraine.

Olaf Scholz cũng muốn cải tổ các quy định tài chánh ngặt nghèo của Đức để có thể hậu thuẫn Ukraine lâu dài mà không phải cắt bớt từ ngân sách liên bang. Nhưng bên cạnh đó ông vẫn thận trọng từ chối cung cấp hỏa tiễn tầm xa Taurus mà Kiev đang rất cần để tấn công sâu vào Nga. Đây là vấn đề nguyên tắc của đảng Dân Chủ Xã Hội vốn chủ hòa. Nhà nghiên cứu Emanuel Richter của đại học Aix-la-Chapelle nhận xét, Olaf Scholz phải tìm được sự thăng bằng giữa cánh tả đòi đàm phán và cánh hữu ủng hộ Ukraine.

Đối thủ của ông, Friedrich Merz thuộc đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo đang chiếm ưu thế trong cuộc đua, tỏ ra quyết tâm hơn. Ông Merz công khai ủng hộ việc gởi hỏa tiễn Taurus nếu Nga tấn công vào thường dân, tố cáo thủ tướng nêu nguy cơ chiến tranh nguyên tử để gây sợ hãi cho người Đức. Tuy nhiên ông Richter cho rằng quan điểm của hai ứng cử viên này không khác nhau mấy, dù Friedrich Merz phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn Olaf Scholz.

Syria : Nga bất ngờ sập bẫy

Tại Trung Cận Đông, cuộc tấn công chớp nhoáng của quân nổi dậy vào Aleppo bộc lộ những điểm yếu của Nga trong khu vực, theo Les Echos. Le Monde coi đây là "cú đá giò lái" về chính trị và quân sự cho Kremlin. Việc xoay chuyển sự chú ý và nguồn lực của các đồng minh Ukraine về phía Cận Đông là cơ hội trong mơ của Kremlin. Vụ thảm sát của Hamas ở Israel ngày 07/10 và sau đó là cuộc chiến ở Gaza và Lebanon là một bước ngoặt có lợi cho Moskva.

Nhưng nay bất ngờ Nga bị sập bẫy trong một mặt trận không chờ đợi và không hề chuẩn bị, khi quân nổi dậy Syria tiến như vũ bão vào Aleppo khiến lực lượng Damascus phải bỏ chạy. Tuy ngoài mặt vẫn nói ủng hộ Assad nhưng thực tế không có gì đáng kể. Kênh Telegram Rybar cho biết chỉ huy quân sự Nga ở Syria đã bị cách chức, thay bằng người khác. Nhưng Kremlin vẫn giữ im lặng về sự kiện đó, dù trên mạng lan tràn hình ảnh quân nổi dậy khoe chiến lợi phẩm là vũ khí Nga. Một nhà nghiên cứu cho biết do xâm lăng Ukraine, nay Nga vừa thiếu quân, thiếu tiền và thiếu cả tướng tài. Từ hai năm qua, Syria là nơi trú ẩn của các tướng Nga hoàn toàn vô dụng.

Trung Quốc hứng đòn nặng của Mỹ về chất bán dẫn

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos chú ý đến việc Hoa Kỳ ra tay trừng phạt Trung Quốc mạnh chưa từng thấy về chất bán dẫn. Đây là đợt trừng phạt thứ ba của Mỹ chỉ trong vòng ba năm. Nhưng lần này có đến 140 công ty bán dẫn Trung Quốc bị cho vào danh sách đen. Lần đầu tiên ba công ty đầu tư là Wise Road Capital, Wingtech Technology và JAC Capital bị lọt vào tầm ngắm vì nghi ngờ giúp các công ty Trung Quốc mua công nghệ Mỹ rồi sau đó dịch chuyển sản xuất về Hoa lục. Điều đáng chú ý nữa là các công ty ngoại quốc : Israel, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc cung cấp chất bán dẫn cho Trung Quốc cũng bị trừng phạt.

Những doanh nghiệp bị cho vào danh sách đen không còn có thể tự do mua hàng, nhà cung cấp Mỹ phải xin giấy phép của bộ Thương Mại mới được bán, và giấy này hầu như không bao giờ được cấp. Nhật báo kinh tế nhắc lại, ban đầu Washington chỉ tấn công vào những "con cá lớn" như Huawei, SMIC. Nhưng sau đó nhiều công ty Trung Quốc khác xuất hiện trên mọi mắt xích của chuỗi cung ứng, khiến Mỹ buộc lòng phải trừng phạt cả những đơn vị cung cấp thiết bị, sản xuất phần mềm, công cụ.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Tại sao Tổng thống Hàn Quốc đột ngột ban bố thiết quân luật ?

Frances Mao and Jake Kwon, BBC, 04/12/2024

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã gây sốc cho cả nước và thế giới vào đêm thứ Ba 3/12 khi bất ngờ ban bố thiết quân luật, lần đầu tiên sau gần 50 năm qua. Tuy nhiên, Quốc hội đã ngay lập tức lật ngược thế cờ.

hanquoc1

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã gây sốc cho cả nước vào đêm thứ Ba 3/12 khi bất ngờ ban bố thiết quân luật, lần đầu tiên sau gần 50 năm tại Hàn Quốc - Reuters

Quyết định quyết liệt của ông Yoon Suk-yeol - được công bố trên truyền hình vào đêm muộn - được giải thích là nhằm loại trừ "các thế lực chống nhà nước" và mối đe dọa từ Triều Tiên. Nhưng không lâu sau đó, quyết định này của ông Yoon cho thấy không xuất phát từ các mối đe dọa bên ngoài mà từ những rắc rối chính trị chưa tìm được lối thoát của chính ông. Dù vậy, câu chuyện này đã khiến hàng ngàn người tập trung tại Quốc hội để phản đối, trong khi các nhà lập pháp thuộc phe đối lập vội vã đến đó để tổ chức một cuộc bỏ phiếu khẩn cấp nhằm bãi bỏ lệnh thiết quân luật.

Bị thua cuộc, ông Yoon đã xuất hiện vài giờ sau đó để chấp nhận kết quả bỏ phiếu của Quốc hội và tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật.

Tình hình đã diễn ra như thế nào ?

Ông Yoon đã hành động theo cách của một vị tổng thống đang bị vây hãm, các nhà quan sát đánh giá.

Trong bài phát biểu vào tối thứ Ba 3/12, ông Yoon đã nói đến những nỗ lực của phe đối lập chính trị nhằm phá hoại chính phủ của ông trước khi cho biết ông đang ban bố thiết quân luật để "nghiền nát các lực lượng chống nhà nước đang hoành hành". Sắc lệnh của ông tạm thời trao quyền cho quân đội - khi đó các binh lính với nón bảo hộ và cảnh sát đã được triển khai đến tòa nhà Quốc hội, trực thăng được nhìn thấy hạ cánh trên mái nhà. Truyền thông địa phương cũng chiếu cảnh quân đội đeo mặt nạ, mang súng tiến vào tòa nhà trong khi các nhân viên cố gắng ngăn chặn họ bằng bình chữa cháy.

Vào khoảng 23 giờ địa phương vào thứ Ba 3/12 (tức 21 giờ cùng ngày tại Việt Nam), quân đội Hàn Quốc đã ban hành sắc lệnh cấm biểu tình và hoạt động của Quốc hội và các nhóm chính trị, đồng thời đặt các cơ quan truyền thông dưới sự kiểm soát của chính phủ. Nhưng các chính trị gia Hàn Quốc ngay lập tức gọi tuyên bố của ông Yoon là bất hợp pháp và vi hiến. Lãnh đạo đảng của ông Yoon, Đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ, cũng gọi hành động của ông là "một bước đi sai lầm".

Trong khi đó, lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất Hàn Quốc, ông Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ tự do, đã kêu gọi các đại biểu Quốc hội tập trung tại Quốc hội để bỏ phiếu nhằm bãi bỏ thiết quân luật. Ông cũng kêu gọi người dân Hàn Quốc đến trụ sở Quốc hội để phản đối : "Xe tăng, xe bọc thép chở quân và binh lính có súng và dao sẽ điều hành đất nước... Đồng bào của tôi, hãy tiến đến Quốc hội".

Hàng ngàn người đã hưởng ứng lời kêu gọi, đổ xô đến bên ngoài tòa nhà Quốc hội được canh gác nghiêm ngặt. Những người biểu tình hô vang : "Dỡ bỏ thiết quân luật !" và "lật đổ chế độ độc tài".

Truyền thông địa phương phát sóng từ nơi này cho thấy cảnh một số cuộc xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát tại các cổng trước tòa nhà Quốc hội. Nhưng bất chấp sự hiện diện của quân đội, căng thẳng đã không leo thang thành bạo lực. Và các nhà lập pháp có thể đi vòng qua các rào chắn - thậm chí trèo qua hàng rào để vào phòng bỏ phiếu.

Ngay sau 1 giờ sáng thứ Tư theo giờ địa phương, Quốc hội Hàn Quốc với 190 người hiện diện, trong tổng số 300 thành viên, đã bỏ phiếu bãi bỏ thiết quân luật này, với tỷ lệ 100%. Việc ban bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon đã bị tuyên là vô giá trị.

Thiết quân luật có tầm quan trọng như thế nào ?

Thiết quân luật là chế độ lãnh đạo tạm thời của chính quyền quân sự trong thời điểm khẩn cấp, khi chính quyền dân sự được xem là không thể hoạt động được. Lần cuối cùng thiết quân luật được ban bố ở Hàn Quốc là vào năm 1979, khi nhà độc tài quân sự lâu năm Park Chung-hee bị ám sát trong một cuộc đảo chính.

Thiết quân luật chưa bao giờ được ban hành kể từ khi Hàn Quốc trở thành nền dân chủ đại nghị vào năm 1987. Nhưng vào thứ Ba 3/12, ông Yoon đã kích hoạt điều này, nói trong một bài phát biểu trên cả nước rằng ông đang cố gắng cứu Hàn Quốc khỏi "các thế lực chống nhà nước".

Ông Yoon, người có lập trường đối với Triều Tiên cứng rắn hơn đáng kể so với những người tiền nhiệm, đã mô tả phe đối lập chính trị là những người ủng hộ Triều Tiên - mà không đưa ra bằng chứng.

Theo thiết quân luật, quân đội được trao thêm thêm quyền hạn, trong khi các quyền công dân, các tiêu chuẩn và biện pháp bảo vệ pháp quyền thường bị đình chỉ. Mặc dù quân đội tuyên bố hạn chế hoạt động chính trị và truyền thông - người biểu tình và chính trị gia đã bất chấp các lệnh đó. Và không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ nắm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông tự do vào đêm 3/12 - hãng tin Yonhap, đài truyền hình quốc gia và các phương tiện truyền thông khác vẫn tiếp tục đưa tin như bình thường.

Tại sao Tổng thống Yoon lại bị áp lực ?

Ông Yoon được bầu tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5/2022 với lập trường là một người bảo thủ cứng rắn, nhưng đã là một tổng thống không có thực quyền kể từ tháng 4, khi phe đối lập giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử quốc gia. Kể từ đó, chính phủ của ông đã không thể thông qua các dự luật mà họ mong muốn và thay vào đó đã phải phủ quyết các dự luật do phe đối lập theo xu hướng tự do thông qua.

Ông cũng đã chứng kiến tỷ lệ ủng hộ sụt giảm - dao động ở mức thấp 17% - khi ông đã dính vào một số vụ bê bối tham nhũng trong năm nay - bao gồm một vụ liên quan đến việc Đệ nhất phu nhân nhận một chiếc túi Dior và một vụ khác liên quan đến chuyện thao túng cổ phiếu.

Chỉ hồi tháng trước, ông Yoon đã buộc phải đưa ra lời xin lỗi trên truyền hình quốc gia, nói ông đang thành lập một văn phòng giám sát nhiệm vụ của Đệ nhất phu nhân. Nhưng ông đã gạt phăng một cuộc điều tra quy mô rộng hơn mà các đảng đối lập đã kêu gọi tiến hành. 

Sau đó, trong tuần này, phe đối lập đã đề xuất giảm quy mô một dự luật ngân sách chủ chốt của chính - bước đi mà tổng thống không có thẩm quyền phủ quyết. Đồng thời, phe đối lập cũng tiến hành các động thái để luận tội các thành viên nội các và một số công tố viên cấp cao - bao gồm cả người đứng đầu cơ quan kiểm toán của chính phủ - với lý do đã không điều tra Đệ nhất phu nhân.

hanquoc2

Nhiều người dân đã kéo tới bên ngoài tòa nhà Quốc hội vào đêm thứ Ba 3/12 để phản đối lệnh thiết quân luật đột ngột mà ông Yoon ban bố - Reuters

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo ?

Tuyên bố của Yoon ông khiến nhiều người bất ngờ và trong những giờ qua, người dân Hàn Quốc đã rơi vào tâm lý không biết lệnh thiết quân luật có nghĩa là gì. Nhưng phe đối lập đã có thể tập hợp nhanh chóng tại Quốc hội và có đủ số lượng số phiếu bầu để bãi bỏ thiết quân luật. Và mặc dù trong đêm 3/12 đã có sự hiện diện đông đảo của quân đội và cảnh sát tại thủ đô Seoul, nhưng có vẻ quân đội vẫn chưa tiếp quản việc điều hành.

Theo luật pháp Hàn Quốc, chính phủ phải dỡ bỏ thiết quân luật nếu đa số thành viên trong Quốc hội thông qua một cuộc bỏ phiếu, điều mà Quốc hội đã thực hiện vào rạng sáng 4/12. Luật này cũng cấm lệnh thiết quân luật bắt giữ các nhà lập pháp.

Hiện vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra và hậu quả đối với ông Yoon sẽ ra sao. Một số người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội vào tối thứ Ba 3/12 cũng hét lên : "Hãy bắt giam Yoon Suk-yeol !". 

Nhưng hành động hấp tấp của ông Yoon chắc chắn đã làm sửng sốt cả quốc gia - đất nước tự coi mình là một nền dân chủ hiện đại, thịnh vượng đã rời bỏ quá khứ độc tài. Đây được coi là thách thức lớn nhất đối với xã hội dân chủ Hàn Quốc sau nhiều thập kỷ.

Các chuyên gia cho rằng điều này có thể gây tổn hại đến danh tiếng của Hàn Quốc với tư cách một nền dân chủ hơn cả cuộc bạo loạn Điện Capitol vào ngày 6/1/2021.

"Tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon dường như vừa là hành động vượt quá thẩm quyền pháp lý lại vừa là một tính toán chính trị sai lầm, gây rủi ro không cần thiết cho nền kinh tế và an ninh của Hàn Quốc", chuyên gia Leif-Eric Easley từ Đại học Ewha ở Seoul đánh giá.

"Ông ấy trông giống một chính trị gia đang bị vây hãm, có một bước đi tuyệt vọng nhằm chống lại các vụ bê bối ngày càng nghiêm trọng, sự cản trở của thể chế và những lời kêu gọi luận tội, tất cả những yếu tố này hiện đều có khả năng sẽ gia tăng".

Như phát ngôn viên của Quốc hội Hàn Quốc đã nói vào thứ Tư 4/12 : "Chúng tôi sẽ cùng nhân dân bảo vệ nền dân chủ".

Frances Mao & Jake Kwon

Nguồn : BBC, 04/12/2024

*************************

Hàn Quốc : Đối lập đòi phế truất tổng thống sau "thiết quân luật"

Trọng Thành, Trần Công, RFI, 04/12/2024

Các đảng đối lập ở Hàn Quốc hôm nay, 4/12/2024, thông báo đã đệ trình kiến nghị truất phế tổng thống Yoon Suk Yeol sau khi ông bất ngờ ban bố thiết quân luật vào đêm qua, 03/12/2024 nhưng đã buộc phải dỡ bỏ vài giờ sau đó dưới áp lực của Quốc hội. Kiến nghị truất phế tổng thống có thể được đưa ra biểu quyết ngay từ thứ sáu tuần này.

hanquoc3

Biểu tình đòi tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol từ chức, Seoul, Hàn Quốc, ngày 04/12/2024. © Soo-hyeon Kim / Reuters

Sáng nay, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Hyun tuyên bố từ chức. Theo Yonhap, chính Kim Yong Hyun là người đã đề nghị tổng thống ban hành lệnh thiết quân luật. Cũng theo Yonhap, ngay cả chánh văn phòng tổng thống và nhiều cố vấn đã đồng loạt từ chức. Đảng của tổng thống là Đảng Quyền lực Nhân dân cũng đã yêu cầu ông giải trình ngay về "tình hình bi thảm" hiện nay.

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :

"Tống thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố thiết quân luật tối qua với lý do là nhằm đối phó với "các thế lực chống phá nhà nước" đang cố làm tê liệt chức năng cơ bản của quốc gia và phá hủy trật tự của Hiến pháp dân chủ. Cụ thể, tổng thống Yoon Suk Yeol nêu lên việc đảng đối lập liên tiếp luận tội các thành viên Hội đồng Nhà nước và các công tố viên, cũng như việc họ cắt giảm ngân sách so với dự thảo của chính phủ.

Sau khi tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật, toàn xã hội Hàn Quốc đã rơi vào tình trạng căng thẳng tột độ. Chỉ một tiếng sau quyết định của tổng thống, bộ Tư lệnh thiết quân luật đã được thành lập, Tư lệnh Thiết quân luật được bổ nhiệm và "Lệnh ban bố Bộ Tư lệnh Thiết quân luật" được công bố, với nội dung "cấm mọi hoạt động liên quan tới chính trị". Sau đó, quân đội Hàn Quốc, với xe tăng, trực thăng và lính tinh nhuệ đã cố gắng tiến vào tòa nhà Quốc hội, nhưng đã bị ngăn cản bởi người dân, đội ngũ trợ lý nghị sĩ và các nỗ lực đáng kinh ngạc từ giới nghị sĩ.

Ngay sau đó, Quốc hội Hàn Quốc đã tổ chức một phiên họp bất thường, dưới sự chủ trì của đảng đối lập, và tuyên lệnh "thiết quân luật" không có hiệu lực, với số phiếu của 190/190 nghị sĩ có mặt.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật tại Văn phòng Tổng thống vào lúc 4 giờ 27 phút sáng nay, theo yêu cầu của Quốc hội.

Đảng Dân Chủ Hàn Quốc đã chính thức đệ trình cáo buộc phản quốc và luận tội tổng thống Yoon, cũng như bộ trưởng quốc phòng, Kim Yong-hyun, và bộ trưởng Nội Vụ và An Ninh, Lee Sang-min. Ngoài ra, một ‘‘Liên minh Quốc hội luận tội Yoon Seok Yeol’’, bao gồm khoảng 40 thành viên của đảng Dân Chủ, đảng Đổi Mới Tổ Quốc, đảng Tiến Bộ, đảng Thu Nhập Cơ Nản và đảng Dân Chủ Xã Hội, tuyên bố sẽ đề xuất một dự luật luận tội tổng thống Yoon trong ngày hôm nay".

Trọng Thành – Trần Công

*************************

Tổng thống Hàn Quốc đối mặt với luận tội sau thảm họa thiết quân luật

Reuters, VOA, 04/12/2024

Các nhà lập pháp Hàn Quốc hôm 4/12 đệ trình một dự luật để luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol sau khi ông tuyên bố thiết quân luật tại quốc gia này, một đồng minh lớn của Hoa Kỳ, trước khi hủy bỏ quyết định vài giờ sau đó theo sau một cuộc đối đầu hỗn loạn giữa Quốc hội và quân đội.

hanquoc4

Người dân ở Hàn Quốc cầm nến trong buổi cầu nguyện phản đối Tổng thống Yoon Suk Yeol tại Seoul hôm 4/12/2024.

Quốc hội Hàn Quốc đã bác bỏ tuyên bố bất ngờ của ông Yoon về thiết quân luật, nhằm cấm các hoạt động chính trị và kiểm duyệt phương tiện truyền thông tại nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á, trong khi quân đội có vũ trang tiến vào tòa nhà Quốc hội ở Seoul.

Sau đó, sáu đảng đối lập Hàn Quốc đã đệ trình một dự luật lên Quốc hội để luận tội ông Yoon, người đã phải đối mặt với cáo buộc lãnh đạo độc đoán từ những người đối lập và từ chính đảng của ông. Cuộc bỏ phiếu được ấn định vào ngày 6 hoặc 7 tháng này.

Một phiên họp toàn thể để chính thức giới thiệu dự luật đã được lên lịch bắt đầu ngay sau nửa đêm ngày 4/12.

"Chúng ta không thể bỏ qua việc thiết quân luật một cách bất hợp pháp", nhà lập pháp Kim Yong-min của đảng DP nói với các phóng viên. "Chúng ta không thể để nền dân chủ sụp đổ thêm nữa".

Các nhóm dân sự và lao động đã tổ chức một buổi cầu nguyện thắp nến tại trung tâm thành phố Seoul vào tối 4/12, kêu gọi Tổng thống Yoon từ chức – gợi nhớ đến các cuộc biểu tình thắp nến lớn trước đây vốn dẫn đến việc luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017. Sau đó, họ bắt đầu diễu hành về phía văn phòng tổng thống.

Lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền (PPP) của ông Yoon đã kêu gọi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun và toàn bộ nội các phải từ chức. Bộ Quốc phòng cho biết ông Kim đã đề nghị từ chức.

Ông Yoon đã nói với quốc dân trong một bài phát biểu trên truyền hình vào cuối ngày 3/12 rằng cần phải áp dụng thiết quân luật để bảo vệ đất nước khỏi các lực lượng chống nhà nước ủng hộ Triều Tiên và bảo vệ trật tự hiến pháp tự do, mặc dù ông không nêu ra bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào.

Quân đội đã tìm cách giành quyền kiểm soát tòa nhà Quốc hội, nhưng đã lui lại khi các trợ tá trong Quốc hội xịt bình chữa cháy vào họ, trong lúc những người biểu tình xô xát với cảnh sát bên ngoài.

Vài giờ sau khi tuyên bố, Quốc hội Hàn Quốc, với 190 trong số 300 thành viên có mặt, đã nhất trí thông qua quyết định bãi bỏ thiết quân luật, với sự ủng hộ của 18 thành viên trong đảng của ông Yoon.Sau đó, tổng thống đã hủy bỏ lệnh thiết quân luật, khoảng 6 giờ sau khi ban hành.

Những người biểu tình bên ngoài Quốc hội đã hét lên và vỗ tay. Họ hô vang "Chúng ta đã chiến thắng !" và một người biểu tình đã đánh vào một chiếc trống.

"Có ý kiến cho rằng việc ban bố thiết quân luật khẩn cấp là thái quá và chúng tôi đã không tuân thủ các thủ tục ban bố thiết quân luật khẩn cấp, nhưng việc này được thực hiện nghiêm ngặt trong khuôn khổ hiến pháp", một quan chức văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói với Reuters qua điện thoại.

Hiện vẫn chưa có phản ứng nào từ Triều Tiên về vụ việc ở Hàn Quốc.

Ông Yoon được các nhà lãnh đạo phương Tây coi là đối tác trong nỗ lực do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm thống nhất các nền dân chủ chống lại chủ nghĩa độc tài đang gia tăng ở Trung Quốc, Nga và những nơi khác.

Nhưng ông đã gây ra sự bất an trong người dân Hàn Quốc khi gọi những người chỉ trích mình là "những thế lực toàn trị cộng sản và chống nhà nước" trong lúc tỷ lệ ủng hộ ông giảm sút. Vào tháng 11, ông đã phủ nhận hành vi sai trái để đáp lại những cáo buộc mua chuộc ảnh hưởng đối với ông và vợ ông. Đồng thời, ông đã có lập trường cứng rắn đối với các công đoàn lao động.

Thị trường biến động

Seoul có vẻ khá bình thường vào ngày 4/12, với lưu lượng giao thông giờ cao điểm thường thấy trên các tuyến tàu và trên phố.

Nhưng liên đoàn lao động của Hyundai Motor đã công bố kế hoạch đình công vào ngày 5 và 6, trong khi một số nhà tuyển dụng lớn, bao gồm Naver Corp và LG Electronics Inc, đã khuyên nhân viên làm việc tại nhà.

Cổ phiếu Hàn Quốc giảm khoảng 1,3% trong khi đồng won ổn định nhưng xuống gần mức thấp nhất trong hai năm khi các nhà giao dịch báo cáo nghi ngờ có sự can thiệp của chính quyền.

Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok và Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc Rhee Chang-yong đã họp khẩn cấp qua đêm và bộ tài chính hứa sẽ hỗ trợ thị trường nếu cần.

"Chúng tôi sẽ bơm thanh khoản không giới hạn vào cổ phiếu, trái phiếu, thị trường tiền tệ ngắn hạn cũng như thị trường ngoại hối trong thời gian tới cho đến khi chúng được bình thường hóa hoàn toàn", một tuyên bố của chính phủ cho biết.

Một chuỗi cửa hàng tiện ích lớn của Hàn Quốc cho biết với yêu cầu giấu danh tính rằng doanh số bán hàng đồ đóng hộp, mì ăn liền và nước đóng chai đã tăng vọt qua đêm.

"Tôi vô cùng lo lắng về tình hình này và tôi rất lo ngại về tương lai của đất nước", Kim Byeong-in, cư dân 39 tuổi ở Seoul, nói với Reuters.

Quốc hội có thể luận tội tổng thống nếu hơn hai phần ba số nhà lập pháp bỏ phiếu thuận. Sau đó, tòa án hiến pháp sẽ xét xử, có thể xác nhận động thái này bằng một cuộc bỏ phiếu của 6 trong số 9 thẩm phán.

Đảng của ông Yoon có 108 ghế trong cơ quan lập pháp gồm 300 thành viên.

‘Tránh khỏi hiểm nguy’

Nếu Tổng thống Yoon từ chức hoặc bị cách chức, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ thay thế làm lãnh đạo cho đến khi một cuộc bầu cử mới được tổ chức trong vòng 60 ngày.

"Hàn Quốc với tư cách là một quốc gia đã tránh khỏi hiểm nguy, nhưng Tổng thống Yoon có thể đã tự bắn vào chân mình", Danny Russel, phó chủ tịch của Viện nghiên cứu chính sách xã hội Châu Á tại Hoa Kỳ, nhận định về tuyên bố thiết quân luật, vốn là tình trạng đầu tiên được ban hành tại Hàn Quốc kể từ năm 1980.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng ông hoan nghênh quyết định hủy bỏ tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon.

"Chúng tôi tiếp tục mong đợi việc giải quyết một cách hòa bình và theo đúng pháp luật các bất đồng chính trị", ông Blinken cho biết trong một tuyên bố.

Hàn Quốc là nơi đồn trú của khoảng 28.500 quân nhân Mỹ như một di sản của Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Các cuộc đàm phán quốc phòng và một cuộc tập trận quân sự chung giữa hai đồng minh được lên kế hoạch đã bị hoãn lại trong bối cảnh hậu quả ngoại giao rộng lớn hơn từ cuộc hỗn loạn diễn ra qua đêm.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên rằng tình hình chính trị của Hàn Quốc là "vấn đề nội bộ" của nước này. Nga cho biết họ đang theo dõi các sự kiện "bi kịch" ở Hàn Quốc với sự lo ngại.

Ông Yoon, từng là một công tố viên chuyên nghiệp, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sít sao nhất trong lịch sử Hàn Quốc vào năm 2022, giữa bối cảnh làn sóng bất bình về chính sách kinh tế, bê bối và chiến tranh giới tính.

Nhưng ông không được lòng dân, với tỷ lệ ủng hộ dao động ở mức khoảng 20% trong nhiều tháng và phe đối lập đã giành được gần hai phần ba số ghế trong Quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng 4 vừa qua.

Thiết quân luật đã được ban bố hơn một chục lần kể từ khi Hàn Quốc được thành lập với tư cách một nước cộng hòa vào năm 1948. Năm 1980, một nhóm sĩ quan quân đội đã buộc Tổng thống khi đó là Choi Kyu-hah phải ban bố thiết quân luật để dập tắt lời kêu gọi khôi phục chính quyền dân chủ.

Nguồn : VOA, 04/2/2024

*************************

Tổng thống Hàn Quốc bị đề nghị luận tội : 'Điều bình thường trong một xã hội dân chủ'

BBC, 04/12/2024

Chính trường Hàn Quốc chứng kiến biến động chưa từng có sau gần 50 năm với việc Tổng thống Yoon Suk-yeol đang đối mặt với nguy cơ bị luận tội sau khi ban bố thiết quân luật.

hanquoc5

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã gây sốc cho cả nước và thế giới vào đêm thứ Ba 3/12 khi bất ngờ ban bố thiết quân luật. Ảnh : Một người đeo mặt nạ hình ông Yoon bên ngoài tòa nhà Quốc hội vào tối thứ Ba 3/12. Anthon Wallace/AFP

Ông Yoon Suk-yeol đã viện dẫn mối đe dọa từ Triều Tiên khi ban bố thiết luật. Tuy nhiên, quyết định của ông được xem là phản ứng trước áp lực trong nước. Ông Yoon đã hành động theo cách của một vị tổng thống đang bị vây hãm, các nhà quan sát đánh giá.

Các nhà lập pháp thuộc các đảng đối lập tại Hàn Quốc hôm thứ Tư 4/12 đã đệ trình một kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon, kích hoạt một tiến trình có thể kéo dài nhiều ngày. Một khi kiến nghị luận tội được đệ trình, cần ít nhất hai phần ba trong số 300 thành viên của Quốc hội bỏ phiếu thông qua - tức tương đương ít nhất 200 phiếu.

Diễn biến tiếp theo hiện nay là Chủ tịch Quốc hội Woo Won-sik sẽ mở phiên họp để thảo luận về kiến nghị này - có thể diễn ra sớm nhất là trong hai ngày tới. Sau khi sáu đảng đối lập đệ trình kiến nghị luận tội tổng thống, giờ đây họ có kế hoạch trình lên phiên họp toàn thể của Quốc hội vào thứ Năm 5/12, hãng tin Yonhap đưa tin. Cuộc bỏ phiếu thông qua đề xuất luận tội phải diễn ra trong vòng 72 giờ tới, tức thứ Sáu 6/12 hoặc thứ Bảy 7/12.

Trả lời phỏng vấn của các hãng tin như Reuters, AFP trên đường phố vào ngày thứ Tư 4/12, một số người dân Hàn Quốc ở thủ đô Seoul đã thể hiện sự lo lắng về bất ổn tương lai chính trị của đất nước.

Tại Hàn Quốc, cộng đồng người Việt có khoảng hơn 200.000 người, bao gồm sinh viên, người lao động và người nhập cư, theo trang Thông tin Đối ngoại của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

BBC News tiếng Việt đã trao đổi với một số người Việt Nam đang định cư tại Hàn Quốc lẫn có thâm niên nghiên cứu về Hàn Quốc để xem họ có suy nghĩ gì sau gần 24 giờ hỗn loạn vừa qua.

'Không có gì bất ngờ'

Chị Lê Thùy Hương đã sống ở Hàn Quốc trong 18 năm. Chị hiện là giáo viên song ngữ tại trường tiểu học và dạy cho du học sinh, người lao động, cô dâu Việt Nam. Kể lại cảm nhận từ nhà ở thành phố Daejeon ngày thứ Tư 4/12 với BBC News tiếng Việt, chị Lê Thùy Hương cho biết người dân ở đây và cả chị không thấy có gì bất ngờ.

"Con trai tôi kêu 'mẹ ơi coi thời sự đi, có thiết quân luật kìa', có khi mẹ con mình được nghỉ, không phải đến trường đâu. Nếu là người dân ở nước khác khi mà nghe giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có mâu thuẫn, tập trận Mỹ-Hàn hoặc xáo trộn chính trị trong nội bộ Hàn Quốc thì mọi người cảm thấy tình hình rất nguy. Thế nhưng thực chất những người sống ở đây, gồm cả tôi, đã quen nên rất bình tĩnh, cuộc sống không quá xáo trộn. Khi ông Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật vào hôm qua 3/12, với những người theo dõi chính trị Hàn Quốc kỹ thì cũng biết căng thẳng đã âm ỉ lâu rồi. Tôi đã chứng kiến những cuộc biểu tình chống Tổng thống Yoon, đòi phế truất và luận tội tổng thống trong thời gian qua và cũng có trường hợp sinh viên bị bắt".

Chị Lê Thùy Hương nói mối bận tâm của chị là về kinh tế khi giá đồng won sụt giảm sau đại dịch Covid và vụ việc mới nhất càng khiến chị thêm bận lòng về viễn cảnh sắp tới. "Tôi cũng nghĩ tác động rõ ràng là về kinh tế, khi đồng won của Hàn Quốc sụt giảm một các kinh khủng luôn sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật".

Con đường chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ tại Hàn Quốc diễn ra suốt nửa thế kỷ và không tránh khỏi đổ máu.

Chun Doo-hwan đã tiến hành đảo chính tháng 12/1979, áp dụng thiết quân luật và trở thành lãnh đạo trên thực tế của Hàn Quốc. Các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra, đỉnh điểm là biến cố ngày 18/5/1980 tại thành phố Gwangju.

Chun ra lệnh quân đội tiến vào Gwangju đàn áp, gây ra thảm sát giết chết hàng trăm người. Con số chính thức mà chính phủ Hàn Quốc sau này công nhận là hơn 200 người đã chết hay mất tích.

Chị Lê Thùy Hương cho biết chính trường rối loạn trong 24 giờ qua đã khiến chị liên tưởng tới vụ thảm sát Gwangju hồi năm 1980.

"Khi tôi nghe vụ biểu tình thì tôi tự nhiên nghĩ đến vụ thảm sát Gwangju mấy chục năm trước. Tôi thấy nếu nhìn lại trong nhiều năm ở Hàn Quốc thì thời của bà Park Geun-hye và ông Yoon Suk-yeol, chính trường Hàn Quốc bị xáo trộn hơi nhiều. Nếu còn thiết quân luật thì trong ba ngày học sinh sẽ được nghỉ học, nhưng trong đêm hôm qua (3/12) đã được giải quyết luôn nên sáng nay học sinh vẫn đến trường bình thường".

Chị Lê Thùy Hương cho biết đã không nhận được tin nhắn của chính quyền thông báo về xáo động chính trị quan trọng này như tin nhắn khẩn cấp chị từng nhận được, lúc có xảy ra tập trận quân sự, thiên tai...

'Nhận thức dân chủ của người dân rất cao'

Là một người gắn bó với đất nước Hàn Quốc trong nhiều năm qua, Thạc sĩ Lê Huy Khoa, Hiệu trưởng Trường Hàn ngữ Katana, chia sẻ với BBC News tiếng Việt về cảm nhận của ông liên quan đến biến cố chính trị mới nhất tại Hàn Quốc.

"Mâu thuẫn giữa tổng thống và đảng đối lập xuất hiện từ hơn một năm qua. Ngoài ra, nhận thức về dân chủ của người dân Hàn Quốc rất cao, cho nên hành vi của quan chức đi ngược lại với các giá trị dân chủ thì bị người dân phản đối rất mạnh".

Ông Khoa cũng từng là trợ lý ngôn ngữ cho ông Park Hang-seo - huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.

"Vụ Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật tối hôm qua 3/12 có thể gây ngỡ ngàng rất nhiều đối với người dân nước ngoài vì lần đầu tiên sau 44 năm ở Hàn Quốc mới có chuyện này, thế nhưng người Hàn Quốc cũng đã được chuẩn bị tinh thần".

Ông Lê Huy Khoa nói thêm về thể chế dân chủ của Hàn Quốc sau thời gian hơn 10 năm công tác tại Hàn Quốc và 30 năm nghiên cứu văn hóa, chính trị của xứ sở kim chi : "Ở Hàn Quốc, người dân có mức độ tham dự rất lớn vào nền chính trị của đất nước do họ được bầu trực tiếp đại biểu Quốc hội và tổng thống".

Là người từng phụ trách lao động tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Lê Huy Khoa nói đến tâm tư của người Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay thông qua quan sát của ông.

"Ở Hàn Quốc thì hiện người Việt gồm có ba nhóm, gồm kiều bào, lao động và du học sinh. Về kiều bào thì theo quan sát của tôi, họ dường như rất quan tâm về quá trình luận tội tổng thống vì người dân Hàn Quốc luôn quan tâm đến chuyện những quyết định của tổng thống sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống của họ. Tối ngày 3/12, nhiều người lao động Việt Nam cảm thấy lo lắng vì giá đồng won bị lao dốc . Về du học sinh thì họ lo lắng về học tập hay nhập cảnh. Thế nhưng cũng có người chẳng lo lắng gì vì chuyện luận tội hay kết tội tổng thống cũng không có gì mới ở quốc gia dân chủ này".

Điều gì xảy ra nếu ông Yoon bị luận tội ?

hanquoc6

Một cuộc biểu tình trước Quốc hội Hàn Quốc vào hôm thứ Tư 4/12

Các đảng đối lập gần như sẽ có đủ 200 phiếu ủng hộ cần thiết tại Quốc hội để thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon.

Chính đảng của Tổng thống Yoon đã lên tiếng phản đối hành động của ông, nhưng vẫn đang cân nhắc về cách thức phản ứng - mặc dù chỉ cần một số ít thành viên của đảng này bỏ phiếu ủng hộ luận tội thì kiến nghị sẽ được thông qua.

Nếu động thái này được Quốc hội thông qua, quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng thống Yoon sẽ bị đình chỉ ngay lập tức và thủ tướng sẽ trở thành quyền tổng thống.
Sau đó, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ có tiếng nói cuối cùng.

Nếu tòa chấp thuận kết quả luận tội, tổng thống sẽ bị cách chức và Hàn Quốc phải tổ chức bầu cử trong vòng 60 ngày. Nếu họ không chấp thuận, ông Yoon có thể tiếp tục tại vị. Từ hôm nay 4/12, các nhà hoạt động đã lên kế hoạch tổ chức nhiều ngày biểu tình trên khắp cả nước để yêu cầu Tổng thống Yoon phải từ chức.

Tại Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc, các nhà hoạt động đang lên kế hoạch tổ chức biểu tình mỗi ngày trong tuần tới, hãng thông tấn Yonhap đưa tin. Khoảng 1.000 công dân dự kiến sẽ tham dự một cuộc biểu tình thắp nến vào tối nay tại Gwangju, một thành phố ở góc tây nam của đất nước.

Nhiều người ở các thành phố vùng đông nam là Daegu và Pohang, và đảo Jeju miền nam, cũng đang lên kế hoạch tổ chức biểu tình tương tự. Công đoàn lao động chính của Hàn Quốc cũng đã tổ chức một cuộc tổng đình công vô thời hạn.

Nguồn : BBC, 04/12/2024

***************************

"Thiết quân luật" và thách thức đối với nền dân chủ Hàn Quốc

Trọng Thành, RFI, 04/12/2024

Đêm 03/12/2024, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, trong tình thế bị dồn vào chân tường sau khi mất đa số tại Quốc hội và hàng loạt biện pháp gây mất lòng dân, đã chọn biện pháp liều lĩnh tấn công đối lập, ban hành thiết quân luật, thách thức trật tự Hiến định. Tuy nhiên, sự đoàn kết của đối lập, sự phản kháng mạnh mẽ của xã hội dân sự, và sự phản đối ngay trong nội bộ phe cầm quyền đã buộc tổng thống phải lùi bước ngay sau đó.

hanquoc7

Các nghị sĩ Hàn Quốc ngồi trong phòng họp Quốc hội sau khi tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật, Seoul, Hàn Quốc, ngày 04/12/2024. Reuters - Kim Hong-Ji

Vào lúc 10 giờ 30 tối qua, tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ra lệnh thiết quân luật. Quyết định của tổng thống thoạt tiên đã được quân đội hậu thuẫn. Với quyết định này, các chính đảng và Quốc hội bị đình chỉ hoạt động. Truyền thông bị đặt dưới sự kiểm soát của tư lệnh quân đội phụ trách duy trì thiết quân luật. Biểu tình, bãi công bị cấm. Theo tạp chí Anh The Economist, "quyết định vội vàng và bất ngờ của tổng thống Yoon đã khiến đất nước rơi vào hỗn loạn, thách thức nền dân chủ Hàn Quốc". Báo chí Pháp nói đến "sáu tiếng đồng hồ làm rung chuyển nền dân chủ Hàn Quốc".

Lý do mà tổng thống Hàn Quốc đưa ra để ban hành lệnh thiết quân luật là "phe đối lập kiểm soát Quốc hội bày tỏ thiện cảm với chế độ Bắc Triều Tiên", "làm tê liệt hệ thống chính quyền bằng các hành động chống Nhà nước". Trên thực tế, theo giới quan sát, uy tín tổng thống Hàn Quốc đang sụt giảm mạnh, với chỉ 20% cử tri ủng hộ theo các thăm dò mới nhất, so với 53% vào lúc đỉnh điểm. Đảng Dân Chủ đối lập kiểm soát Quốc hội, ngăn chặn nhiều chính sách của tổng thống, và đồng thời liên tục gây áp lực đòi điều tra về các bê bối liên quan đến phu nhân tổng thống và các quan chức cao cấp.

Quyết định thiết quân luật đơn phương và bất ngờ của ông Yoon có thể xem như hành động liều lĩnh "được ăn cả ngã về không" của nhà lãnh đạo bị đẩy vào chân tường. Chính người đứng đầu đảng Quyền lực Nhân dân cánh hữu bảo thủ cầm quyền của tổng thống Yoon, ông Han Dong Hoon, đã lên án quyết định của ông là "sai trái" và kêu gọi các lực lượng vũ trang không tuân thủ các chỉ thị "bất hợp pháp".

Đây là lần đầu tiên thiết quân luật được ban hành kể từ khi nền dân chủ được xác lập tại Hàn Quốc kể từ năm 1987. Tuy nhiên, quyết định thiết quân luật của tổng thống, được quân đội ủng hộ, đã bị dỡ bỏ sau đó chỉ ít giờ. Chỉ 10 phút sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố, lãnh đạo đảng đối lập Lee Jae Myng đã kêu gọi các dân biểu họp khẩn tại Quốc hội trong đêm. Nghiệp đoàn lớn nhất của Hàn Quốc kêu gọi 1,2 triệu nghiệp đoàn viên biểu tình "vô thời hạn". Nhiều cố vấn của tổng thống và thành viên nội các thông báo rời bỏ chức vụ ngay vào thời điểm đó.

Vào lúc nửa đêm, khoảng 190 trên tổng số 300 dân biểu có mặt tại Quốc hội để họp phiên toàn thể, theo lời kêu gọi của đối lập, trong lúc quân đội tìm cách xâm nhập vào nhà Quốc hội, nhưng bất thành. Vào lúc 1 giờ đêm, các dân biểu đối lập và 19 dân biểu đảng cầm quyền bỏ phiếu thông qua quyết định hủy bỏ thiết quân luật. Quân đội buộc phải rời khỏi nhà Quốc hội.

Việc đối lập, xã hội dân sự và những thành phần tỉnh táo trong đảng cầm quyền đã thành công trong việc đảo ngược lệnh thiết quân luật của tổng thống Yoon cho thấy khả năng kháng cự dẻo dai của các thiết chế dân chủ và văn hóa chính trị dân chủ tại Hàn Quốc. Theo chuyên gia về Hàn Quốc Alexander M. Hynd, kể từ khi chuyển sang chế độ dân chủ vào năm 1987, Hàn Quốc "đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc củng cố nền dân chủ, với một xã hội dân sự mạnh mẽ và gắn bó". Nhiều lãnh đạo cao cấp, kể cả nguyên thủ quốc gia, như tổng thống Park Geun Hye hồi 2017, đã bị phế truất và phạt tù do các tội liên quan đến tham nhũng.

Quyết định sử dụng thiết quân luật với hy vọng cứu vãn tình thế của tổng thống Yoon đặt nền dân chủ Hàn Quốc trước thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, theo The Economist, trong cái rủi có cái may, biến cố bất ngờ này cũng "có thể trở thành cơ hội để đất nước suy ngẫm và siết chặt đoàn kết" trong bối cảnh trong nội bộ Hàn Quốc phân cực chính trị đang ngày càng trở nên sâu sắc với việc các đảng đối lập "coi nhau như thù địch".

Trọng Thành

****************************

Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật khẩn cấp, Quốc hội bác bỏ

BBC, 03/12/2024

Tối 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã bất ngờ lên truyền hình và ban bố thiết quân luật khẩn cấp.

hanquoc8

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật khẩn cấp – Reuters

Trong một bài phát biểu trên truyền hình không được báo trước, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết động thái này là cần thiết để bảo vệ đất nước khỏi các lực lượng cộng sản của Triều Tiên và loại bỏ các phần tử chống phá nhà nước được Triều Tiên hậu thuẫn.

Tổng thống nói rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng thiết quân luật.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin rằng lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung đã tuyên bố việc ban bố thiết quân luật là vi hiến.

Yonhap cũng cho biết Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền mà Tổng thống Yoon Suk-yeol là thành viên, cũng cam kết sẽ ngăn chặn tuyên bố này và gọi đó là "sai lầm".

Tới nửa đêm, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu để ngăn chặn động thái tuyên bố thiết quân luật của tổng thống, theo thông tin từ các hãng tin Yonhap và Reuters.

Chủ tịch Quốc hội Woo Won-sik đã đệ trình một nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật vào khoảng 1 giờ sáng giờ địa phương (ngày 4/12).

Nghị quyết đã được thông qua với sự tham gia của 190 nghị sĩ có mặt, trong tổng số 300 thành viên của cả đảng cầm quyền và đối lập, tất cả đều bỏ phiếu thông qua.
Thiết quân luật được ban hành sau tranh cãi về dự luật ngân sách

Ông Yoon đã trở thành một tổng thống "vịt què" kể từ cuộc bầu cử Quốc hội gần đây, khi phe đối lập giành chiến thắng áp đảo trong Quốc hội. Ông không thể thông qua các luật mà mình mong muốn, thay vào đó buộc phải cố gắng phủ quyết các dự luật do phe đối lập đưa ra.

Ông Yoon hiện cũng đang vướng vào một loạt bê bối, chủ yếu liên quan đến vợ ông, người bị cáo buộc tham nhũng và lợi dụng quyền lực để trục lợi. Phe đối lập đã tìm cách khởi động một cuộc điều tra đặc biệt đối với bà này.

Tuần này, phe đối lập đã cắt giảm ngân sách mà chính phủ và đảng cầm quyền đề xuất - và dự luật ngân sách này không thể bị phủ quyết.

Cũng trong tuần này, phe đối lập đang tiến hành các bước để luận tội các thành viên nội các, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan kiểm toán chính phủ, vì không điều tra đệ nhất phu nhân.

Ông Yoon đã chọn phương án quyết liệt nhất - ông tuyên bố rằng hành động này là để khôi phục trật tự trước các "lực lượng chống phá nhà nước" mà ông cho là đang cố gắng làm tê liệt đất nước.

Tình hình thiết quân luật

Hãng thông tấn Yonhap cho biết các nghị sĩ đã bị cấm vào tòa nhà Quốc hội.

Trên mạng xã hội, các đoạn video bắt đầu lan truyền được cho là ghi lại hình ảnh có sự hiện diện dày đặc của cảnh sát bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở quận Yeongdeungpo, thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Đảng Dân chủ, phe đối lập chính tại Hàn Quốc, đã kêu gọi tất cả các nghị sĩ của mình tập trung tại Quốc hội, cơ quan lập pháp của đất nước, theo hãng thông tấn Yonhap. Lãnh đạo Đảng Dân chủ Lee Jae-myung đã lên án động thái này, gọi đó là vi hiến.

Ông Lee đã kêu gọi tất cả các nghị sĩ của Đảng Dân chủ tập trung tại tòa nhà Quốc hội để bỏ phiếu bác bỏ thiết quân luật, nhưng các thông tin mới nhất từ Seoul cho biết xe buýt cảnh sát đã được triển khai để chặn lối vào tòa nhà Quốc hội.

Lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) Han Dong-hoon đã gọi việc ban bố thiết quân luật là một động thái "sai lầm" và cam kết sẽ ngăn chặn nó. Tổng thống Yoon - người tuyên bố thiết quân luật - cũng là thành viên của Đảng Quyền lực Nhân dân.

Hiện tại, khoảng 70 thành viên của phe đối lập đang có mặt bên trong tòa nhà Quốc hội, trong khi phần còn lại đang tập trung bên ngoài, Dân biểu Hong Kee-won cho biết.

Khi Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik đến, ông sẽ yêu cầu bỏ phiếu để hủy bỏ thiết quân luật, theo lời ông Hong. Ông Hong còn cho biết rằng ông đã được thông báo có lính đặc nhiệm trong tòa nhà Quốc hội, nhưng chưa rõ các binh sĩ này đang làm gì.

Ngoài sự hiện diện dày đặc của cảnh sát bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc, chúng tôi hiện đang thấy hình ảnh các trực thăng bay lượn trên bầu trời phía trên tòa nhà này. Một số trực thăng đã hạ cánh trên mái tòa nhà Quốc hội, theo thông tin từ hãng tin AFP.

Theo luật pháp Hàn Quốc, chính phủ phải hủy bỏ thiết quân luật nếu đa số tại Quốc hội yêu cầu trong một cuộc bỏ phiếu. Luật này cũng cấm cơ quan chỉ huy thiết quân luật bắt giữ các nghị sĩ.

Thiết quân luật là gì ?

Thiết quân luật là chế độ tạm thời do các cơ quan quân sự áp đặt trong tình trạng khẩn cấp, khi các cơ quan dân sự được cho là không thể hoạt động. Việc áp dụng thiết quân luật có thể gây ra các tác động pháp lý, chẳng hạn như đình chỉ các quyền dân sự thông thường và mở rộng phạm vi của luật quân sự.

Về lý thuyết, thiết quân luật chỉ mang tính tạm thời, nhưng có thể kéo dài vô thời hạn.

Theo hãng thông tấn Yonhap, những người vi phạm thiết quân luật có thể bị bắt giữ mà không cần lệnh bắt. Ngoài ra, tất cả các phương tiện truyền thông và các nhà xuất bản sẽ phải tuân theo sự chỉ huy và các hoạt động của thiết quân luật. Hoạt động của Quốc hội bị cấm. Nhân viên y tế, bao gồm cả bác sĩ thực tập, đã được lệnh trở lại làm việc trong vòng 48 giờ.

Tổng thống Yoon Suk-yeol là ai ?

Ông Yoon Suk-yeol, sinh năm 1960, làm tổng thống Hàn Quốc từ năm 2022. Ông là thành viên của Đảng Quyền lực Nhân dân và đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với tỷ lệ cách biệt rất nhỏ, chỉ 0,7 điểm phần trăm, đánh bại đối thủ Lee Jae-myung. Đây là cuộc bầu cử có cách biệt nhỏ nhất kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu bầu cử trực tiếp vào năm 1987.

Tổng thống Yoon đã phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp do các cuộc tranh cãi và bê bối, bao gồm những vụ việc liên quan đến vợ ông, như cáo buộc thao túng cổ phiếu và nhận một chiếc túi Dior xa xỉ. Tháng trước, ông Yoon đã xin lỗi, nói rằng vợ ông lẽ ra phải cư xử tốt hơn.

Tổng thống Yoon cũng gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình tại Quốc hội, nơi phe đối lập kiểm soát.

Nguồn : BBC, 03/12/2024

*************************

Phản ứng quốc tế sau khi tổng thống Hàn Quốc dỡ bỏ thiết quân luật

Phan Minh, RFI, 04/12/2024

Chính quyền Hoa Kỳ hôm qua, 03/12/2024, "thở phào nhẹ nhõm" sau khi tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật chỉ vài giờ sau khi ban hành.

hanquoc9

Cảnh sát chặn người biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội, tại Seoul, sau khi tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật, ngày 04/12/2024. AP - Cho Sung-bong

Hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết "cảm thấy nhẹ nhõm khi tổng thống Yoon Suk Yeol đã thay đổi quyết định đáng lo ngại về việc ban hành thiết quân luật và đã dỡ bỏ tình trạng này".

Trước đó, Nhà Trắng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình tại Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng của Mỹ, và cho biết đã không được báo trước về quyết định của tổng thống Yoon Suk Yeol.

Đang công du Angola, tổng thống Mỹ Joe Biden đã được cập nhật về tình hình ở Hàn Quốc. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Seoul hôm nay, 04/12, cho biết đã hủy các cuộc hẹn định kỳ như một biện pháp phòng ngừa. Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh mặc dù ông Yoon Suk Yeol đã dỡ bỏ thiết quân luật, "tình hình vẫn có thể thay đổi". Washington hiện vẫn duy trì khoảng 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc để bảo vệ đồng minh trước một nước Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm nay cho biết Tokyo đang theo dõi sát sao tình hình tại Hàn Quốc và nhấn mạnh Nhật Bản đang thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết" để bảo đảm an toàn cho công dân Nhật Bản.

Về phần mình, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, hôm nay cũng tuyên bố hy vọng những sự kiện vừa qua tại Hàn Quốc sẽ không ảnh hưởng đến sự ổn định của bán đảo Triều Tiên.

Phan Minh

Additional Info

  • Author Frances Mao and Jake Kwon, Trọng Thành, Trần Công, Phan Minh, Reuters, BBC, VOA
Published in Diễn đàn

Vì l gì người Vit Vit Nam không có cơ hi như cô Minh Nam Hàn ?

Chng phi đến bây gi các cơ quan truyn thông chính thc ti Vit Nam mi biết và đ cp đến cô Hong Min Hee Nguyn Hng Minh. Câu chuyn v cô Minh đã được h thng này lp đi, lp li trong ba năm va qua.

hongminh1

Cô Nguyn Hng Minh trên trang web ca KBS. (Hình : Trích xut t world.kbs.co.kr)

VTV4 – Kênh đi ngoi ca Đài Truyn hình Vit Nam va phát phóng s gii thiu cô Hong Min Hee, cnh sát viên Nam Hàn gc Vit(1). Đây là ln th hai trong vòng chưa đy mt tháng(2), các cơ quan truyn thông trong h thng truyn thông chính thc đ cp đến vic mt n du hc sinh tên là Nguyn Hng Minh, t Ngh An sang Nam Hàn du hc hi 2005 sau đó lp gia đình vi mt người Nam Hàn ri quyết đnh đnh cư ti Nam Hàn. Năm 2017, sau khi sinh ba đa con, cô Minh quyết đnh ghi danh, gia nhp lc lượng cnh sát Nam Hàn.

Đ đt được mc tiêu va k, cô Minh phi ăn kiêng đ trng lượng tương thích vi chiu cao, rèn luyn th lc, tích lũy kiến thc đ vượt qua k thi tuyn vào Hc vin Cnh sát. Sau khi tt nghip Hc vin Cnh sát, cô Minh được ch đnh làm vic ti B phn Ngoi v (ph biến lut pháp cho người ngoi quc, điu tra các v người ngoi quc phm pháp) ca Đn cnh sát huyn Jangseong, tnh Nam Jeolla. Cô Minh cũng là người lp ra và điu hành mt trang Facebook đ tư vn cho người ngoi quc, trong đó có không ít người Vit v chính sách liên quan đến cư trú, nhp tch, y tế, đi li,...

Cô Minh cũng là người được chn làm phiên dch trong các chương trình làm vic gia cnh sát Nam Hàn và công an Vit Nam. Câu chuyn ca cô Hong Min Hee Nguyn Hng Minh không ch lan truyn cm hng tích cc cho nhng người Vit nói riêng, người ngoi quc nói chung đang cư trú ti Nam Hàn mà còn khiến dân chúng Nam Hàn t hào vì s văn minh x s ca h - nơi mà bt k ai đ thin ý, n lc cũng có th đt được điu h mun, bt k h đến t đâu. Không phi t nhiên mà cô Minh tr thành nhân vt trong mt chương trình ca Đài Truyn hình KBS Nam Hàn(3)...

Chng phi đến bây gi các cơ quan truyn thông chính thc ti Vit Nam mi biết và đ cp đến cô Hong Min Hee Nguyn Hng Minh. Câu chuyn v cô Minh đã được h thng này lp đi, lp li trong ba năm va qua(4).

***

Có mt đim đáng ngc nhiên là nhiu cơ quan truyn thông chính thc ti Vit Nam ch biết hào hng trước chuyn mt "cô dâu Vit" có th "lt xác" đ tr thành cnh sát viên ti Nam Hàn song không h bn tâm đến kh năng "lt xác" ca người Vit ti chính nơi h "chôn nhau, ct rn" ! Ti sao không có bt k cơ quan truyn thông chính thc nào đem chuyn cô Minh được xã hi Nam Hàn trao cho cơ hi mà cô mun, min là cô hi đ tt c các điu kin cn thiết v th lc, trí lc, năng lc bt k gc gác ca cô (ph n ngoi quc) ra so sánh vi nhng chuyn kiu như gia nhp ngành công an ti Vit Nam ?

Năm 2015, dư lun Vit Nam rúng đng khi có ít nht ba trường hp b các cơ s đào to bc đi hc ca ngành công an t chi tiếp nhn vì... "cha" ca h tng can án. Hai trong s ba trường hp này là Lê Th Bình và Nguyn Đc Ngà cùng là ng hương" ca cô Nguyn Hng Minh (cùng ng ti Ngh An). Bình đt 26,25/30 đim nhưng không được vào Hc vin Cnh sát nhân dân vì trước đó... 22 năm, cha ca Bình tng b pht 12 tháng tù (5), còn cha ca Ngà (người đt 29/30 đim) thì không được nhp hc vì không khai chuyn trước đó 20 năm cha tng b pht tù nhưng tòa cho hưởng án treo.

Tuy nhiên gây xúc đng nhiu nht là trường hp Bùi Kiu Nhi Tuyên Hóa Qung Bình. Cô gái này đt 29/30 đim song không được phép vào Hc vin Chính tr Công an nhân dân do trước đó 23 năm, cha ca cô tng b pht chín tháng tù vì "chng người thi hành công v" nhưng được tòa cho hưởng án treo. Du cha ca Bùi Kiu Nhi đã qua đi song cô gái này vn b xem là không hi đ "tiêu chun v chính tr ca cán b, chiến sĩ Công an nhân dân" (6). Do dư lun hết sc bt bình, B trưởng Công an khi y là ông Trn Đi Quang đã ra lnh cho các cơ s đào to bc đi hc ca ngành công an "chiếu c" cho các trường hp này.

S "chiếu c" đó không phi vì trc n, càng không phi do n lc hướng ti văn minh (buc đương s phi chu trách nhim liên đi vì li lm ca thân nhân như thi Trung c) mà vì cn "gii đc dư lun". Song song vi tuyên b "chiếu c", viên tướng là Tng cc phó Tng cc Chính tr ca B Công an khi y nhn mnh : "Chưa th b điu kin chính tr ca thí sinh khi xét tuyn" (7). Viên tướng này khng đnh :Ch có th "chiếu cnhng trường hp cha m, anh ch em ca đươngs vi phm nh cònnhng trường hp cùng huyết thng mà án nng, chc chn ngành công an không th tiếp nhn.

Thnh thong, công an Vit Nam đ cp đến mt s văn bn quy phm pháp lut liên quan đến vic tuyn chn nhân s cho ngành công an như :Thông tư s 20/2009/TT-BCA(X11) ban hành ngày 10/4/2009 Quy đnh v thm tra lý lch trong Công an nhân dân,Thông tư s 53/2012/TT-CA ban hành ngày 15/8/2012 Quy đnh tiêu chun chính tr ca cán b, chiến sĩ Công an nhân dân(8) nhưng không th tìm thy nhng thông tư này trong các trang web lưu tr - gii thiu nhng văn bn quy phm pháp lut ca Vit Nam. Vì sao ? Có th vì các thông tư va đ cp không hi đ tiêu chun văn minh chung.

S dĩ k viết bài này phán đoán như thế vì trên mt s website chuyên gii đáp nhng thc mc liên quan đến các quy đnh pháp lut có đ cp đến cái gi là "tiêu chun chính tr" đ tuyn dng ai đó vào lc lượng Công an nhân dân : Ngoài vic phi khai v chính mình, đương s còn phi khai v "ba đi" nhà mình (ông bà ni và anh ch em rut ca cha đương s, ông bà ngoi và anh ch em rut ca m đương s/cha m, anh ch em rut ca đương s nếu m côi thì phi khai rõ v nhng người đã nuôi dưỡng đương s t nh đến khi trưởng thành) đ công an xác minh và... xét(9) !

***

By năm trước, khi gii thích v "tiêu chun chính tr" ca Công an nhân dân trong vic loi b, sau đó "chiếu c" nhng Lê Th Bình, Nguyn Đc Ngà, Bùi Kiu Nhi... viên tướng là Tng cc phó Tng cc Chính tr ca B Công an khi y bo rng :Công an là ngành đc thù, là lc lượng đm bo an ninh quc gia, nên phi tuyt đi trung thành.Bt k chế đ nào cũngquan tâm đến vic đó. Nhng ti phm như xâm phm an ninh quc gia, nói xu đng, nhà nước...thì nhng người trong gia đình đó ít nhiu b nh hưởng. Các ngành khác có th không quan tâm nhưng công an phi cht ch. Thông tư quy đnh tiêu chun chính tr ca cán b, chiến sĩ công an nhân dân ban hành t năm 2012, qua nhiu năm thc hin chưa thy phn ánh gì bt cp.

Cũng theo li viên tướng đó :Mi ngành ngh có quy đnh v tiêu chun khác nhau, khi thí sinh chp nhn vào ngành thì phi tuân th quy đnh ca ngành đó. Chưa có ai nói tiêu chun ca B Công an là nng hay nh, mà các yêu cu đu đm bo hp lý.Tt nhiên, B Côngan không duy ý chí, trong tng thi đim, có th khi xã hi phát trin góc đ khác thì quy đnh có th s được điu chnhnhưng thi đim hin ti, khi đt nước thng nht chưa lâu thì chưa th b quy đnh này được.

Gi, đt nước thng nht đã 48 năm, "tiêu chun chính tr" – phân bit đi x hết sc phi nhân, vô lý y vn còn giá tr. Bao nhiêu năm mi đ lâu ? Vi nhng gì như đã biết và đang thy, cn phi hi ti sao đt đnh, đ cao "tiêu chun chính tr" như vy, "thm tra lý lch" nghiêm ngt, k lưỡng như vy mà hiu qu hot đng ca Công an nhân dân Vit Nam li như vy. Ti sao ch bên ngoài Vit Nam, nhng người Vit như cô Hong Min Hee Nguyn Hng Minh mi có cơ hi "lt xác" ? Phi nhân và vô lý đến mc tàn t như vy thì ai vi đng, bao nhiêu công an cho đ ?

Trân Văn

Nguồn : VOA, 21/11/2023

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/vtv4go/videos/6759467970757040/

(2) https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/cu-lot-xac-ngoan-muc-tro-thanh-nu-canh-sat-han-quoc-cua-nguoi-phu-nu-viet-20231005130433729.htm

(3) https://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&board_seq=387146

(4) https://www.sggp.org.vn/nu-canh-sat-viet-de-men-tren-dat-han-post569645.html

(5) https://tuoitre.vn/khong-duoc-vao-truong-cong-an-vi-ly-lich-974383.htm

(6) https://dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/truong-hop-hai-thi-sinh-dat-29-diem-nhung-suyt-truot-vao-khoi-truong-cong-an-giai-quyet-thau-tinh-dat-ly-323414.html

(7) https://vnexpress.net/bo-cong-an-chua-the-bo-dieu-kien-chinh-tri-cua-thi-sinh-khi-xet-tuyen-3282472.html

(8) https://congan.dongnai.gov.vn/Pages/tthcnoidung.aspx ?idtt=59

(9) https://luatminhkhue.vn/xet-ly-lich-3-doi-vao-cong-an-gom-nhung-ai.aspx

Additional Info

  • Author Trân Văn
Published in Diễn đàn

Cái cớ dùng sự khoan hồng để thúc đẩy đoàn kết dân tộc dường như không thuyết phục.

hanquoc1

Ngày 27/12/2022, ông Lee Myung-bak, tổng thống bảo thủ của Hàn Quốc từ năm 2008 đến năm 2013, đã được Yoon Suk-yeol, người đương nhiệm, ân xá.

Năm nay, Lee Myung-bak hẳn sẽ là người trân trọng món quà Giáng sinh của mình nhất : vào ngày 27/12, ông Lee – tổng thống bảo thủ của Hàn Quốc giai đoạn 2008/2013 đã được ân xá bởi tổng thống đương nhiệm, Yoon Suk-yeol. Ông chỉ mới thụ án hơn 2 năm so với bản án 17 năm được tuyên vào năm 2020 vì tội nhận hối lộ và tham ô ; đồng thời được miễn nộp 8,2 tỷ won (6,4 triệu USD) trong số 18,7 tỷ won tiền phạt và tài sản bị tịch thu. Ông là tổng thống thứ tư của Hàn Quốc được ân xá kể từ khi nước này dân chủ hóa vào năm 1987. Có rất nhiều lãnh tụ tham nhũng trên thế giới, nhưng việc họ bị xét xử – kết án – và sau đó được ân xá bởi người kế nhiệm hiếm khi xảy ra hơn. Tại sao điều này lại thường xuyên xảy ra ở Hàn Quốc ?

Ân xá đóng một vai trò không mấy quan trọng trong các hệ thống pháp luật hiện đại. Ở nhiều nước gồm cả Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ, quyền ân xá phần lớn nằm trong tay cơ quan lập pháp. Ở các quốc gia khác chẳng hạn như Indonesia, chính phủ chỉ có thể ra lệnh ân xá nếu được Tòa án Tối cao ủng hộ. Các tổng thống Mỹ, đặc biệt là Donald Trump, đã vài lần bị cáo buộc lạm dụng quyền ân xá ; nhưng ít nền dân chủ nào sử dụng ân xá cho mục đích chính trị như cách mà Hàn Quốc đang làm.

Truyền thống này bắt đầu với Chun Doo-hwan – nhà độc tài quân sự cuối cùng của Hàn Quốc và Roh Tae-woo – một đồng minh của ông Chun đồng thời là tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc sau dân chủ hóa. Hai người đều bị lĩnh án tù vào năm 1996 với tội danh nhận hối lộ, dàn dựng một cuộc đảo chính quân sự năm 1979, và có liên quan đến vụ sát hại những người biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1980. Cả hai được trả tự do 1 năm sau đó. Năm 2018, Park Geun-hye – người kế nhiệm ông Lee và cũng là một chính khách bảo thủ – đã bị kết án tù vì tội nhận hối lộ và lạm quyền. Sau đó, bà được tổng thống kế nhiệm Moon Jae-in của đảng Minjoo ân xá vào tháng 12/2021.

Văn hóa hối lộ của Hàn Quốc tồn tại lâu hơn chế độ độc tài tham nhũng đã tạo ra nó. Chính trị của đất nước này là một cuộc chơi đẫm máu – điều giải thích cho việc đưa những người phạm tội tham nhũng ra trước công lý : không vị tổng thống nào ngần ngại dùng cảnh sát và văn phòng công tố để điều tra những đối thủ chính trị của mình. Nhưng lý do ân xá cho những người đã bị kết án lại khó giải thích hơn. Trong cả 4 trường hợp, đoàn kết dân tộc được các tổng thống viện dẫn để ân xá cho người tiền nhiệm của mình. Bên cạnh đó, sức khỏe sa sút của người thụ án cũng là một yếu tố cân nhắc.

Tuy nhiên, không có trường hợp nào được sự đồng thuận của công chúng. Các vụ ân xá của tổng thống Chun và Roh đã dẫn đến cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng cảnh sát chống bạo động năm 1997. Dư luận bị chia rẽ sâu sắc về việc có nên ân xá cho bà Park và ông Lee hay không. Một cuộc thăm dò tiến hành vào tháng 12/2022 trước khi ông Lee được trả tự do cho thấy 53% người dân Hàn Quốc tán thành và 39% phản đối việc này.

Trong vài trường hợp, việc ân xá mang ý nghĩa giúp tổng thống đương nhiệm tự bảo vệ mình. Nếu các vị tổng thống có thể bị điều tra bởi người kế nhiệm sau khi họ rời nhiệm sở, thì tại sao không thể hiện sự khoan hồng, tạo tiền lệ và kỳ vọng (một cách hợp lý) rằng mình cũng sẽ nhận được cách đối xử tương tự sau này. Trong các trường hợp khác, đó có thể là cách để xoa dịu một bộ phận cử tri. Bà Park được ân xá vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống. Ông Moon có thể đã tính toán rằng nếu bà Park chết trong tù, điều đó có thể ảnh hưởng đến cơ hội của ứng viên đại diện đảng của ông (dù vậy, người này cũng đã thất cử trước ông Yoon).

Việc ân xá cũng thường được thúc đẩy bởi các tương tác quyền lực trong giới tinh hoa chính trị. Các chính khách bị kết án thường có nhiều đồng minh quyền lực trong quốc hội – những người có thể ủng hộ việc ân xá. Tổng thống Yoon rõ ràng là fan của ông Lee – cựu tổng thống mà ông đã ân xá. Yoon đã đưa vào đội ngũ của mình những nhân sự từ chính quyền của người tiền nhiệm và thông qua nhiều chính sách tương tự. Tuy nhiên, ông cũng ân xá cho một số chính trị gia dính líu đến vụ bê bối của bà Park dù từng bỏ tù họ khi còn là công tố trưởng dưới thời ông Moon. Có thể Yoon đang hy vọng rằng các biện pháp ân xá sẽ giúp thống nhất đảng Quyền lực Nhân dân theo xu hướng bảo thủ của ông, vốn đang bị chia rẽ bởi những cuộc đấu đá nội bộ. Ông Lee và bà Park vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong giới bảo thủ. Tổng thống Yoon, một nhân vật mới nổi về chính trị và là một người ngoài cuộc, có thể đang hi vọng có thể dọn đường để bước vào giới tinh hoa này.

Dù không còn là một công tố viên, ông Yoon vẫn thể hiện mình là một người đấu tranh cho công lý. Nhưng quyết định trả tự do cho một tội phạm có thể sẽ khơi dậy những vết thương cũ. Erik Mobrand từ Tập đoàn RAND (một viện nghiên cứu chính sách) cho rằng việc kết án các cựu tổng thống và đồng phạm của họ là những khoảnh khắc lịch sử đối với nền dân chủ Hàn Quốc. Trái với kỳ vọng thống nhất đất nước, việc hủy bỏ những bản án này có thể làm xói mòn niềm tin vào các thể chế ở đất nước này.

The Economist

Nguyên tác : "Why does South Korea pardon its corrupt leaders ?", The Economist, 06/01/2023

Phạm Thị Hồng Nhung biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 15/01/2023

Additional Info

  • Author The Economist, Phạm Thị Hồng Nhung
Published in Diễn đàn

Đúng là cc din thế gii đang "din biến phc tp" nhưng khi đi din vi s phc tp đó rt nhiu quc gia đã bày t thái đ rt rõ ràng và hành đng rt dt khoát khi quyn li quc gia và li ích dân tc b đe da. Đi ngoi như tre chc ch có mt cây !

hanquoc1

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup phát biểu trong chuyến thăm Trại Humphreys ở Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 15/11/2022. (Bộ Quốc phòng Hàn Quốc

"Nn hòa bình ch da trên thin chí ca đi phương chc chn không n đnh và đó là hòa bình gi to" – đó là điu mà ông Lee Jong-sup, B trưởng Quc phòng Nam Hàn va nhc c chính ph ln dân chúng Nam Hàn.

Năm ngoái, Bc Hàn đã lp k lc mi v s v th ha tin đ răn đe : trong 36 ngày, phóng hơn 70 ha tin và năm nay, Bc Hàn tiếp tc phóng thêm mt ha tin na ngay trong ngày đu tiên ca năm 2023.

Sau khi đ trình kế hoch thường niên lên chính ph và tho lun vi ông Yoon Suk-yeol, Tng thng Nam Hàn, B trưởng Quc phòng Nam Hàn thông báo, ông Yoon đã ra lnh cho B Quc phòng Nam Hàn hp tác cht ch hơn vi quân đi M và nâng cao mc đ sn sàng ca quân đi Nam Hàn đ ngăn chn các mi đe da t Bc Hàn. Ông Lee cho biết : Tng thng Nam Hàn nhn mnh rng quân đi Nam Hàn phi chun b đ thc hin quyn t v bt c lúc nào khi k thù đe da t do và hòa bình ca Hàn Quc".

Theo B trưởng Quc phòng Nam Hàn thì năm nay, quân đi Nam Hàn s thc hin khong 20 cuc tp trn trên quy mô ln vi quân đi M trong tháng 6. Mt s trong nhng cuc tp trn này s dài hơn vi quân s ln hơn trước đây.

Quân đi Nam Hàn và quân đi M đã lên kế hoch thc tp đáp tr khi Bc Hàn s dng vũ khí ht nhân. Khong 28.000 quân nhân M đang đn trú ti Nam Hàn đã phi hp vi quân đi Nam Hàn đ tiến hành mt s cuc tp trn quy mô ln vào năm ngoái, bao gm c phi hp thc hin không tp, không ym vi 240 phi cơ trong năm ngày (Vigilant Storm). Tân Tng thng Nam Hàn đã quyết đnh khôi phc phn ln các cuc tp trn chung vn đã b đình ch dưới thi Tng thng Moon Jae-in.

Tr li AP, ông Yoon cho biết các hành đng khiêu khích ca Bc Hàn đã cng c quyết tâm ca Nam Hàn và gia tăng s phi hp gia Nam Hàn vi M vì c hai bên đu phi đi mt vi mi đe da ht nhân ca Bc Hàn.

***

Cũng tun này, Tòa án Ti cao ca Philippines tuyên b hy b Tha thun thăm dò năng lượng mà Philippines đã ký vi các công ty Trung Quc và Vit Nam vào năm 2005 vì bt hp pháp.

Theo phán quyết mà Tòa án Ti cao ca Philippines mi công b thì Hiến pháp Philippines buc chính quyn Philippines phi kim soát vic khai thác tài nguyên ca Philippines và các doanh nghip tham gia khai thác phi do Philippines điu hành.

Trên thc tế, c chính ph cũ ln chính ph mi ca Philippines đu khước t nhng đ ngh hp tác khai thác tài nguyên thiên nhiên ti nhng khu vc đang có tranh chp v ch quyn gia Philippines và các quc gia khác bin Đông vì phi tôn trng Hiến pháp Philippines. Thm chí trước khi lên đường sang thăm Trung Quc, ông Ferdinand Marcos, Tng thng đương nhim còn nhn mnh : Philippines phi t tìm cách khai thác tài nguyên trong vùng đc quyn kinh tế ca mình (2).

***

Châu Á ngoài Nam Hàn, Philippines còn có Đài Loan, Nht, dt dc, rõ ràng v nhng vn đ có liên quan đến ch quyn quc gia, li ích dân tc. Ti M, H vin vn vn chia r do khác bit v đng phái va đt được s đng thun hiếm thy (365/65) trong vic thành lp "y ban Cnh tranh chiến lược gia M và Đảng cộng sản Trung Quc". Mc tiêu ca y ban này là nghiên cu đ điu chnh chính sách, bo đm Trung Quc không th tiếp tc lm dng M đ ln lướt M (3).

Sau s kin va k, Trung Quc đt nhiên bày t s mm mng hiếm có. Theo Phát ngôn viên B Ngoi giao Trung Quc thì Trung Quc mong gia hai bên s có "s tôn trng ln nhau" : Hy vng Ms nhìn nhn Trung Quc và quan h M-Trung khách quan và hp lý, hành đng vì li ích ca chính Mvà li ích chung vi Trung Quc, thu hp bt đng và thúc đy quan h da trên s tôn trng ln nhau, hòa bình cùng tn ti và hp tác cùng có li gia hai qucgia.

Đúng là cc din thế gii đang "din biến phc tp" nhưng khi đi din vi s phc tp đó rt nhiu quc gia đã bày t thái đ rt rõ ràng và hành đng rt dt khoát khi quyn li quc gia và li ích dân tc b đe da. Đi ngoi như tre chc ch có mt cây !

Trân Văn

Nguồn : VOA, 13/01/2023

Chú thích

(1) https://www.stripes.com/theaters/asia_pacific/2023-01-11/south-north-korea-peace-nuclear-8725298.html

(2) https://www.voatiengviet.com/a/6912455.html

(3) https://www.voatiengviet.com/a/tan-ha-vien-my-thanh-lap-uy-ban-tap-trung-vao-viec-canh-tranh-voi-trung-quoc/6913452.html

Additional Info

  • Author Trân Văn
Published in Diễn đàn

Seoul không còn che giấu tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Công luận Hàn Quốc có khuynh hướng ủng hộ đường lối này. Viễn cảnh Hàn Quốc lao vào cuộc chạy đua nguyên tử sẽ mang lại những hệ quả nào về địa chính trị tại Châu Á và tác động thế nào đến liên minh quân sự với Hoa Kỳ vào lúc Trung Quốc mới là trọng tâm chính sách đối ngoại của Washington ?

hanquoc1

Tin thời sự về lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trên truyền hình Hàn Quốc. Ảnh chụp tại một ga xe lửa ở Seoul, Hàn Quốc, 01/01/2023. AP - Lee Jin-man

Trong thông điệp đầu năm 2023, lãnh đạo Bắc Triều Tiên khẳng định "tăng cường khả năng phòng thủ là một trong những mục tiêu quân sự trong năm", trong đó có việc "sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến lược và gia tăng đáng kể các phương tiện" trong lĩnh vực này. Lập tức tổng thống Yoon Suk Yeol đáp trả : "Ô dù hạt nhân của Mỹ và khả năng răn đe" được mở rộng đến các đồng minh của Washington "chưa đủ" để bảo đảm an ninh cho người dân Hàn Quốc.

Seoul bồi thêm : "Vũ khí hạt nhân thuộc về Hoa Kỳ nhưng công tác chuẩn bị, chia sẻ thông tin, các chương trình diễn tập phải được Hàn Quốc và Mỹ cùng tiến hành". Chỉ vài giờ sau, Washington qua lời phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ John Kirby hôm 03/01/2023 bác bỏ khả năng Mỹ-Hàn thao dượt chung với những bài tập "về hạt nhân". Tổng thống Biden cũng tỏ ra thận trọng.

Lo ngại của Hàn Quốc là có cơ sở nếu căn cứ vào báo cáo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI được công bố hồi tháng 6/2022, theo đó "Bắc Triều Tiên hiện có khoảng 20 đầu đạn hạt nhân, và đang nắm giữ một khối lượng vật liệu cần thiết để sản xuất thêm từ 45 đến 55 đơn vị nữa (...) một số ít trong những đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể được trang bị cho tên lửa hành trình tầm trung".

Câu hỏi đã âm ỷ trong công luận từ đầu thập niên 2000 về khả năng Seoul trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ một lần nữa lại dấy lên trong những tháng gần đây. Người dân Hàn Quốc càng lúc càng cảm thấy "an ninh quốc gia đang bị đe dọa" vào lúc mà hy vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ngày càng xa vời.

Tranh cãi về khả năng Hàn Quốc trang bị vũ khí nguyên tử được đặt ra ở hai cấp. Chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS của Pháp, nhắc lại : Câu hỏi thứ nhất là Seoul có nên cho phép Hoa Kỳ triển khai trở lại vũ khí chiến lược trên lãnh thổ Hàn Quốc như trong giai đoạn từ thập niên 1950 cho đến năm 1991 khi chiến tranh lạnh chấm dứt hay không ? Hay Hàn Quốc có thể đi xa hơn nữa, tức là cũng sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ?

Kịch bản thứ nhì, vốn đã nhen nhúm từ những năm 1970 dưới thời tổng thống Park Chung Hee, giờ đây càng được đề cập đến trong công luận. Sau 4 năm dưới thời tổng thống Trump đòi các đồng minh của Hoa Kỳ tự túc về mặt quân sự và an ninh, sau việc Mỹ nhanh chóng rút lui khỏi Afghanistan phó mặc số phận người dân nước này trong tay chính quyền Taliban, không ít người dân Hàn Quốc tin rằng, Washington sẽ không bao giờ lao vào một cuộc xung đột để bảo vệ miền nam Triều Tiên, nhất là khi mà ở góc đài bên kia, Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân.

Tham vọng hạt nhân của Seoul sẽ gặp những trở ngại nào ?

Giới phân tích nhắc lại : Việc Seoul đòi đồng minh Hoa Kỳ "huy động các phương tiện hạt nhân" trong các chương trình diễn tập chung là một chuyện, tham vọng phát triển vũ khí nguyên tử lại là một chuyện khác. Trước mắt, lập trường chính thức của Hàn Quốc mới chỉ là đòi được tham gia tích cực hơn trong mục tiêu "răn đe". Theo Christoph Bluth, thuộc đại học Bradford của Anh được đài truyền hình Pháp France 24 trích dẫn, đây là một lời cảnh cáo Seoul gửi tới Bình Nhưỡng : Trong trường hợp bị tấn công, dù không có vũ khí nguyên tử, Hàn Quốc vẫn có thể đáp trả bằng những phương tiện hạt nhân.

Danilo dell Fave, chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu ITSS của Ý, thì cho rằng, chính quyền tổng thống Yoon Suk Yeol đang "nhấn vào một điểm rất nhậy cảm" đối với Bắc Triều Tiên. Điều ông Kim Jong-un lo ngại hơn cả là khả năng Hàn Quốc trang bị vũ khí hạt nhân.

Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp tin rằng Seoul sẽ khôngđi đến cùng trong mục tiêu phát triển chương trình nguyên tử, bởi Hàn Quốc ý thức được rằng hành động này sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường, chẳng những về mặt địa chính trị, quân sự, mà cả về phương diện kinh tế. Chắc chắn là Trung Quốc sẽ tìm mọi cách, mà đầu tiên hết là trừng phạt thương mại, để ngăn cản Seoul theo đuổi mục tiêu này.

Trở ngại thứ nhì xuất phát từ Washington : Rõ rệt nhất là tổng thống Hàn Quốc mới chỉ tuyên bố hôm 02/01/2022 về khả năng Mỹ - Hàn tập trận chung với những phương tiện hạt nhân, chính quyền Biden lập tức lên tiếng bác bỏ khả năng này. Vẫn Antoine Bondaz thận trọng cho rằng không chắc Seoul có thể thuyết phục Mỹ rằng vũ khí hạt nhân được đặt ở Hàn Quốc là một "công cụ răn đe" khác cho phép chính quyền Biden tạm an tâm về tình hình bán đảo Triều Tiên để tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc.

Thách thức thứ ba mà Hàn Quốc sẽ phải vượt qua để có được vũ khí hạt nhân đó là Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực Hội Đồng Bản An Liên Hiệp Quốc. Moskva và Bắc Kinh sẽ dùng quyền phủ quyết để ngăn chận một thành viên mới gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Cuối cùng, về mặt pháp lý, Hàn Quốc từ 1992 đã ký kết một tuyên bố chung với Bắc Triều Tiên (Joint Declaration for the Denuclearization of the Korean Peninsula) cam kết không phát triển và không đặt vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ quốc gia. Từ 1975, Seoul cũng đã thông qua hiệp ước chống phổ biến vũ khí nguyên tử TNP. Seoul không thể dễ dàng rút khỏi các thỏa thuận quốc tế đã hiện hành từ hàng chục năm qua.

Trong hoàn cảnh đó, Christoph Bluth, đại học Anh Bradford, cho rằng, qua việc để lộ tham vọng hạt nhân, Hàn Quốc "đang mặc cả" để Hoa Kỳ tăng cường hiện diện quân sự tại bán đảo Triều Tiên và đây cũng là tín hiệu để Bình Nhưỡng dừng lại "đúng lúc" trò chơi nguy hiểm này.

Thanh Hà

Additional Info

  • Author Thanh Hà
Published in Châu Á

Hàn Quốc : Hơn 150 người chết trong hội Halloween, tổng thống thông báo quốc tang một tuần lễ

Trần Công, RFI, 30/10/2022

Vụ việc xảy ra khi các thanh niên cố chen lấn để vào con hẻm dốc cạnh khách sạn Halminton bên phố Itaewon, Seoul để tham gia vào lễ hội hóa trang Halloween vào tối ngày 29/10/2022. Tổng thống Yoon Seok Yon đã ngay lập tức yêu cầu khẩn cấp triển khai sơ cứu và điều trị cho các nạn nhân. Ông tuyên bố quốc tang kể từ 30/10/2022 đến 5/11/2022.

hallo1

Người dân đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ giẫm đạp trong lễ hội Halloween tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 30/10/2022. AP - Ahn Young-joon

Cảnh tượng hàng nghìn người đè lên nhau như bước ra từ một bộ phim kinh dị dường như được tái hiện tại đây, hàng chục người bị đè chặt dưới con dốc đến nỗi mà nhân viên cứu hộ không thể đưa được họ ra ngoài, kể cả khi họ đã bị ngừng tim và ngừng thở.

Hình ảnh, hàng chục nhân viên cứu hộ liên tục ép tim sơ cứu các nạn nhân ngay trên phố trong vô vọng, những người mình trần nằm la liệt bên đường đã được ghi lại và phát tán chóng mặt trên các mạng xã hội Hàn Quốc.

Con dốc này nối liền hai con đường đang diễn ra sự kiện hóa trang tại Itaewon, và nó nằm ngay sát cửa ra của ga Itaewon nên lưu lượng người đổ vào con dốc này rất đông và không hề có lối thoát ở giữa dốc. Khi có một người bị vấp ngã thì số người ở dưới dốc bị ùn ứ lại tuy nhiên ở phía trên dốc thì mọi người tiếp tục đổ xuống, tiếng nhạc thì ầm ĩ nên không thể kêu cứu được.

Một nhân chứng là người Việt kể lại :

"Có một dòng người đẩy từ phía sau đẩy xuống, nhưng bên dưới thì tắc và không đi được, mình phải đứng yên một chỗ. Bên dưới bị tắc và ngày càng ép chặt hơn. Lúc đó mình tưởng mình sắp chết, phổi bị ép như kiểu bị ép dưới áp lực nước sâu ép vào, không thở được. Tôi bị ép nghiêng về phía trước, ép nghiêng phải tới 50 độ, không đứng thẳng được đâu, người mình cứ cảm giác như bị lao xuống dưới, giữ nguyên vị trí không cử động được, lúc đó chỉ biết cầu nguyện thôi, nếu bị ép thêm 20 phút nữa thì chắc mọi người chết hết luôn ấy vì không thể thở được".

Theo trang tin Yonhapnews, số người chết đã lên tới 153 người, và có 20 người là người nước ngoài trong đó có ghi nhận một trường hợp là người Việt Nam.

Thành phố Seoul đã phát lệnh cảnh báo cứu nạn khẩn cấp ở cấp độ 3. Và cảnh sát thành phố đang bắt đầu mở cuộc điều tra nguyên nhân vụ việc.

Đây là lần đầu tiên lễ hội Halloween được tổ chức lại sau 3 năm bị cấm do Covid chính vì vậy số lượng người đến tham gia lễ hội tại Itaewon ước tính lên tới 100.000 người một ngày. 

Trần Công

************************

Ít nht 146 người chết trong v gim đp ti s kin Halloween Hàn Quc

VOA, 30/10/2022

Ít nht 146 người thit mng trong mt v chen ln gim đp khi mt đám đông chơi l Halloween đ vào mt con hm trong khu vc vui chơi v đêm th đô Seoul ca Hàn Quc ti ngày th By, các quan chc đc trách ng phó khn cp cho biết.

hallo2

Các nhân viên cu h đưa mt nn nhân trên đường ph gn hin trường v chen ln gim đp Seoul, Hàn Quc, Ch nht, ngày 30/10/2022.

Thêm 150 người na b thương trong v hn lon khu Itaewon ca Seoul, Choi Sung-beom, trưởng Trm cu ha Yongsan, cho biết trong mt cuc hp báo ti hin trường.

Nhiu người b thương trong tình trng nghiêm trng và đang được cp cu, các quan chc cho biết.

Đây là s kin Halloween đu tiên Seoul trong ba năm sau khi nước này d b các hn chế Covid và giãn cách xã hi. Nhiu người trong s nhng người tham gia đeo mt n và trang phc Halloween.

Mt s người mc kích mô t đám đông càng v đêm càng quy phá và kích đng. V vic xy ra vào khong 10 gi 20 phút ti.

"Mt s người đã té ngã trong l hi Halloween, và có mt s lượng ln thương vong", ông Choi nói. Nhiu người trong s nhng người thit mng gn mt hp đêm.

Nhiu nn nhân là ph n đ tui đôi mươi, ông Choi nói.

Nhng video trên mng xã hi cho thy hàng trăm người chen chúc trong con hm hp, dc b chèn ép và bt đng khi các nhân viên ng cu và cnh sát c gng kéo h ra ngoài.

Ông Choi nói tt c các trường hp t vong đu có th là do b chèn ép trong mt con hm hp duy nht.

Các đon video khác cho thy cnh tượng hn lon khi các nhân viên cp cu và người dân c gng cu cha hàng chc người dường như bt tnh.

Mt người chng kiến cho Reuters biết mt nhà xác dã chiến đã được dng lên trong mt tòa nhà gn hin trường. Khong bn chc thi th sau đó được đưa lên cáng có bánh xe và chuyn đến mt cơ s ca chính ph đ xác đnh danh tính nn nhân, theo người này

Khu Itaewon là nơi gii tr Hàn Quc cũng như người nước ngoài hay lui ti, vi hàng chc quán bar và nhà hàng cht kín vào th ngày By phc v l Halloween sau khi hot đng kinh doanh st gim nghiêm trng trong ba năm đi dch.

Có người nước ngoài trong s nhng người được chuyn đến các bnh vin gn đó.

Theo Reuters

************************

Một người Việt trong số hơn 150 nạn nhân tử vong tại lễ hội Halloween ở Hàn Quốc

RFA, 30/10/2022

Cảnh sát Quốc gia hàn Quốc xác nhận có một công dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại lễ hội Halloween ở Hàn Quốc khiến hơn 150 người chết tối 29/10.

hallo3

Hoa tưởng niệm những nạn nhân được đặt tại nơi xảy ra thảm họa giẫm đạp hôm tối 29/10 ở Seoul - AFP

Thông tấn xã Việt Nam loan tin ngày 30/10 cho biết nạn nhân người Việt sinh năm 2001 là một trong chừng 20 người nước ngoài thiệt mạng. Đại diện Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin đã gửi thư cho Đại sứ Việt Nam tại Seoul, ông Nguyễn Vũ Tùng, chia buồn và khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Đại sứ quán Việt Nam trong việc hỗ trợ nạn nhân.

Phía Đại sứ quán Việt Nam cho biết đã liên lạc với gia đình, hỗ trợ nhận dạng nạn nhân, gửi lời chia buồn và hướng dẫn các thủ tục cần thiết liên quan. Ngoài nạn nhân tử vong, tin cho biết có một công dân Việt Nam khác bị thương trong vụ giẫm đạp và Đại sứ quán cũng đang xác minh thông tin.

Hôm qua 30/10, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi điện chia buồn và thăm hỏi đến tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cùng gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn xảy ra tại phường Itaewon, Seoul.

Vụ giẫm đạp tại lễ hội Halloween ở con hẻm dốc rộng 4 mét ở khu phố đêm Itaewon, thủ đô Seoul tối 29/10 là thảm họa chết người tồi tệ nhất tại Hàn Quốc kể từ sau vụ chìm phà Sewol hồi năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng, với phần đông là học sinh trung học.

Nguồn : RFA, 30/10/2022

Additional Info

  • Author RFI, VOA, RFA
Published in Châu Á

Công nghệ bán dẫn : Hàn Quốc, trọng tài trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung

Thanh Hà, RFI, 26/08/2022

Hàn Quốc đang nắm giữ một chìa khóa của công nghệ tương lai nhờ hai nhà sản xuất chip điện tử Samsung Electronics và SK Hynix. Đấy là phúc hay họa vào lúc công nghệ bán dẫn đã trở thành một mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ? Bắc Kinh có những chiêu bài nào để vừa dụ, vừa dọa Seoul, một đồng minh chiến lược của Washington ?

hanquoc1

Tổng thống Mỹ Joe Biden, từ Nhà Trắng, nghe ông Chey Tae-won, chủ tịch tập đoàn SK Group phát biểu, Washington, Mỹ, ngày 26/07/2022.  AP - Susan Walsh

Viễn cảnh Hàn Quốc chuẩn bị tham gia liên minh Chip 4 với Hoa Kỳ, Nhật Bản và đương nhiên là nhà sản xuất bọ điện tử quan trọng nhất của thế giới là Đài Loan vào cuối tháng 8 hay đầu tháng 9/2022, là cái gai mới trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul. Chính quyền Biden đã có sáng kiến tổ chức một cuộc họp giữa 4 quốc gia dân chủ và tự do, 4 nhà sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu thế giới và đều là những đồng minh của Hoa Kỳ.

Bắc Kinh coi sự kiện này như một mối đe dọa "trực tiếp" nhắm vào nền kinh tế thứ hai của thế giới. Tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc, Park Jin tại Thanh Đảo hôm đầu tháng, ngoại trưởng Vương Nghị tránh nêu đích danh Hoa Kỳ nhưng đã lên án mọi hành vi "chính trị hóa kinh tế, khai thác các chuẩn mực về thương mại, quân sự làm tổn hại đến ổn định của các chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu". Ông Vương Nghị kêu gọi Hàn Quốc "duy trì an ninh và ổn định" cho các chuỗi cung ứng đó của thế giới.

Đối thoại giữa hai ông Vương Nghị, Park Jin chưa hạ màn, thì tại Washington tổng thống Joe Biden hôm 10/08/2022 ký sắc lệnh ban hành đạo luận "Chip and Science Act", đặt nền tảng phát triển công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ. Kèm theo đó là một ngân sách hơn 50 tỷ đô la trợ cấp cho các tập đoàn Mỹ và cả các công ty nước ngoài đầu tư vào Hoa Kỳ. Trong số đó có Samsung hay SK Hynix của Hàn Quốc. Để nhận được trợ cấp của chính phủ Mỹ, các đối tác nước ngoài phải cam kết ngừng đầu tư tại Trung Quốc trong vòng 10 năm.

Bắc Kinh thấy rõ viễn cảnh các nhà máy của Samsung tại Tô Châu, Tây An, của SK tại Vô Tích hay Đại Liên không được phát triển thêm trong thập niên sắp tới. Đây sẽ là một "tai họa" có nguy cơ chận đứng tham vọng biến Trung Quốc thành một mắt xích quan trọng của công nghệ mới, vốn lệ thuộc đến 13% vào linh kiện bán dẫn của Hàn Quốc. Theo lời một chuyên gia Hàn Quốc thuộc cơ quan tư vấn tài chính SK Securities, các nhà sản xuất chip của Trung Quốc còn "thua xa" hai tập đoàn Hàn Quốc.

Về phía Hàn Quốc, chính quyền của tổng thống Yoon Suk Yeol không mấy thoải mái trước đề nghị của Washington tổ chức hội nghị Chip 4. Về an ninh, về chiến lược, Seoul lệ thuộc vào Mỹ chủ yếu là trước đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Về đối ngoại, Hàn Quốc đương nhiên gần gũi với Hoa Kỳ hơn với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc là một thị trường lớn của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực, kể cả về công nghệ bán dẫn, linh kiện điện tử… Năm ngoái, 60% chip của Hàn Quốc xuất khẩu sang Hoa Lục và Hồng Kông. Tổng trao đổi mậu dịch giữa hai quốc gia đông bắc Á này đã được nhân lên gấp 50 lần so với cách nay 30 năm. Trung Quốc vừa là khách hàng vừa là một nhà đầu tư có trọng lượng trên xứ Hàn.

Hơn nữa, Bắc Kinh là một điểm tựa của chế độ rất khép kín ở Bình Nhưỡng trong tay ông Kim Jong Un. Đâu đó Trung Quốc nắm giữ một trong những chiếc chìa khóa về an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Seoul ý thức rõ được điều đó cho nên như xã luận của báo Nhật Yomiuri Shimbun (ngày 26/08/2022) ghi nhận tổng thống Yoon Suk Yeol vừa lên cầm quyền từ tháng 5/2022 luôn nhấn mạnh đến những giá trị phổ quát như "tự do""dân chủ" và thể hiện quyết tâm củng cố quan hệ với hai đồng minh lớn là Mỹ và Nhật Bản. Nhưng tân lãnh đạo Hàn Quốc không xem nhẹ ảnh hưởng của Bắc Kinh với chính quyền Bình Nhưỡng.

Nhìn rộng ra hơn Seoul biết rõ "cái uy" của Trung Quốc đối với toàn khu vực Châu Á lớn đến mức nào, ổn định của Biển Đông, eo biển Đài Loan hay biển Nhật Bản tùy thuộc vào những nước cờ và tham vọng của Bắc Kinh. Ảnh hưởng đó của Trung Quốc trên tất cả những vấn đề vừa nêu và nhất là trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên có thể là một công cụ cho phép Trung Quốc khi thì đấu dịu, lúc thì cứng rắn với các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc. 

Trong bối cảnh đó xã luận của báo Nhật Yomiuri Shimbun cho rằng hơn bao giờ hết Nhật Bản và nhất là Mỹ cần thắt chặt thêm nữa quan hệ với Hàn Quốc, cần làm tất cả để Seoul không ngả vào vòng tay của Bắc Kinh.

Thanh Hà

**********************

Hàn Quốc tìm sách lược giữ "bạn hàng" Trung Quốc, trấn an đồng minh Mỹ

Thu Hằng, Trần Công, RFI, 26/08/2022

Ngày 24/08/2022, Hàn Quốc và Trung Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Sự kiện diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm vì những bất đồng giữa Bắc Kinh và Seoul về hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đặt tại Hàn Quốc vẫn chưa được giải quyết ; cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn căng thẳng trong khi Seoul là đồng minh của Washington ; Bắc Triều Tiên không ngừng phát triển vũ khí đạn đạo và hạt nhân ; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

hanquoc2

Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin (trái) gặp đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tại Thanh Đảo, Trung Quốc, ngày 09/08/2022.  © AP - South Korea Foreign Ministry

Đâu là một số cột mốc chính trong quan hệ giữa hai nước, về kinh tế, chính trị, lịch sử ? Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về sự kiện quan trọng này như thế nào ?

Thông tín viên Trần Công tại Seoul tường thuật :

Lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập ngoại giao song phương giữa Hàn Quốc và Trung Quốc được tổ chức một cách trọng thể, tại cả Seoul và Bắc Kinh vào ngày 24/08/2022. Theo thông tin của đài KBS, trong bức thư mà tổng thống Yoon Seok-Yeol gửi cho chủ tịch Tập Cận Bình ông hy vọng hai nước sẽ tìm ra những hướng hợp tác mới trong 30 năm tiếp theo dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và có đi có lại.

Ông Yoon đề xuất khôi phục các trao đổi cấp cao, đạt được những thành tựu cụ thể trong các lĩnh vực hợp tác thực chất như an ninh kinh tế, môi trường và biến đổi khí hậu, bao gồm chuỗi cung ứng và vai trò mang tính xây dựng của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Còn chủ tịch Tập thì cho rằng thế giới đã bước vào một thời kỳ biến động và biến đổi mới. Đồng thời, ông Tập cho biết sẽ đi đầu trong việc tăng cường giao tiếp chiến lược với tổng thống Yoon, loại bỏ những trở ngại, xây dựng tình bạn và tập trung vào hợp tác. "Loại bỏ những trở ngại" được hiểu là quản lý các yếu tố xung đột.

Theo tổng hợp từ SBS, Hàn Quốc và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24/08/1992, đánh dấu cột mốc lịch sử nhằm kết thúc tình trạng "chiến tranh lạnh" giữa hai quốc gia luôn ở thế đối đầu sau chiến tranh Triều Tiên.

Mối quan hệ Hàn - Trung, được nâng cấp lên thành "bạn đồng hành" và "đối tác toàn diện" dưới thời chính quyền Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun. Trong giai đoạn này, các cuộc đàm phán sáu bên bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Mỹ, Nga và Nhật Bản đã liên tục được diễn ra với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mặc dù đàm phán sáu bên đã bị đình trệ nhưng nỗ lực của Trung Quốc trong vấn đề này là không thể phủ nhận.

Dưới thời chính quyền Lee Myung-bak xuất khẩu sang Trung Quốc đã vượt 100 tỷ đô la. Sau đó, tổng thống Park Geun-hee cũng đã có một chuyến thăm Trung Quốc và dự lễ duyệt binh mừng chiến thắng phát xít Nhật với chủ tịch Tập Cận Bình. Năm 2015, hai nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đưa mối quan hệ này trở lên khăng khít hơn. Nhưng sau khi Hàn Quốc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, quan hệ Hàn - Trung đã bị đóng băng ngay lập tức.

Gần đây, trong bối cảnh xung đột Mỹ - Trung, và việc Hàn Quốc có xu thế gia nhập nhóm Chip-4, đã khiến Bắc Kinh liên tục thể hiện thái độ khó chịu. Thiện cảm giữa nhân dân hai nước cũng ngày càng xấu đi. Và dường như mối quan hệ giữa hai quốc gia Đông Á đang đối diện với một cơn đại hồng thủy mới được gọi là "chiến tranh lạnh thế hệ mới".

Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Hàn Quốc, còn Mỹ là đồng minh quân sự. Trước vấn đề cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Seoul dung hòa mối quan hệ giữa hai cường quốc này như thế nào ?

Để nói về vấn đề thương mại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, theo Yonhap News, thương mại Hàn - Trung đã tăng từ 6,3 tỉ đô la vào năm 1992 lên tới 300 tỉ đô la. Tính đến năm 2021, xuất khẩu sang Trung Quốc là 162,9 tỷ đô la, nhập khẩu 138,6 tỷ đô la, thặng dư thương mại khoảng hơn 30 tỉ đô la, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát. Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành đối tác thương mại số một của Hàn Quốc vào năm 2003. Hàn Quốc cũng tham gia hàng loạt hiệp định do Trung Quốc khởi xướng bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trong lĩnh vực chất bán dẫn, Trung Quốc là một mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn và chuỗi cung ứng toàn cầu - là một trong những thị trường lớn nhất, chiếm 60% tổng xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc, và 4 trong số 10 khách hàng mua chất bán dẫn hàng đầu thế giới là các công ty Trung Quốc.

Về vấn đề cạnh tranh Mỹ - Trung và khả năng dung hòa của Seoul, Yonhap News đã viết : Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đã khiến cho Trung Quốc nhạy cảm hơn với THAAD, vốn đã lắng xuống sau khi xung đột nổ ra vào năm 2016. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thể hiện động thái có tính xoa dịu với Hàn Quốc, quốc gia mà Trung Quốc coi là một mắt xích yếu trong liên minh Mỹ - Hàn. Trung Quốc cũng tiết lộ rằng radar băng tần X của THAAD không thể phát hiện ra các động thái quân sự của Trung Quốc.

Ngoài vấn đề về THAAD, chất bán dẫn cũng đang nổi lên như là một vấn đề đáng được quan tâm trong quan hệ Hàn - Trung sau khi Mỹ lên kế hoạch loại trừ Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn của họ. Đối với Trung Quốc, việc giữ Hàn Quốc trong khuôn khổ hợp tác bán dẫn Hàn - Trung là chiến lược quan trọng trong việc ổn định nguồn cung.

Kinh tế Hàn Quốc cất cánh bay cao nhờ động lực của thương mại Hàn - Trung trong 30 năm qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đối với nhiều người Hàn, lập trường ngoại giao "kiểu Ahn Mi-Kyung" - Mỹ vì an ninh, Trung vì kinh tế - đã chấm dứt. Chính phủ Hàn đang yêu cầu các biện pháp ngoại giao khôn khéo để duy trì quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc và củng cố chính sách ngoại giao và an ninh của liên minh Mỹ - Hàn.

Trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh có lập trường như thế nào ?

Đối với vấn đề này, đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Xing Haiminh (邢海明) đã tr li trong mt bàphỏng vấn

"Trung Quốc luôn cố gắng thuyết phục các nước liên quan theo cách riêng của mình. Quan điểm của chúng tôi là các quốc gia liên quan nên kiềm chế, không kích động tình hình và leo thang căng thẳng. Tôi để ý thấy rằng Hàn Quốc cũng đang nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và trao đổi với Bắc Triều Tiên. Tôi hy vọng Hàn Quốc sẽ có những bước đi táo bạo để cải thiện quan hệ Liên Triều bắt đầu từ khuôn khổ rộng lớn của sự nghiệp quốc gia, hòa bình và ổn định khu vực để mở ra cánh cửa cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên".

Ông Xing Haiming nhắc đi nhắc lại rằng mặc dù Mỹ đang liên tục vu khống Trung Quốc "bất hợp tác" trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, và thúc đẩy thuyết "Trách nhiệm Trung Quốc", Trung Quốc đã trung thành thực hiện tất cả các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên và khẳng định rằng "áp lực và trừng phạt" không giải quyết được vấn đề. Chúng ta cần suy nghĩ về lý do tại sao tình hình lại đi đến mức này và thảo luận cách để ngăn chặn và không để vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn và giải quyết vấn đề một cách đơn giản nhất có thể.

Lập trường của Hàn Quốc khác với lập trường của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân như thế nào ? 

Báo Nocut News có bài viết với tựa đề : "30 năm quan hệ, vai trò kiến tạo của Trung Quốc trong quan hệ Liên Triều có khả thi hay không ?". Trong lá thư chúc mừng gửi tới ông Tập, tổng thống Yoon có nhắn nhủ "hy vọng Trung Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng mang tính xây dựng để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên".

Trang này nhân định rằng, vai trò của Trung Quốc ở đây là thắt chặt biện pháp trừng phạt với Bắc Triều Tiên và không mở cửa sau. Còn lập trường của Trung Quốc là tập trung vào "hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên", lập trường này là nhất quán, không thay đổi. Hiện tại, chính quyền ông Yoon đã chuyển hướng sang gây sức ép với Bắc Triều Tiên, nên đang mâu thuẫn với lập trường của phía Trung Quốc. Thêm vào đó, khi cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung gia tăng, không có lý do gì có thể thuyết phục Trung Quốc tuân theo yêu cầu của Mỹ và Hàn về Bắc Triều Tiên.

Trong một báo cáo có tiêu đề "kỷ niệm 30 năm quan hệ Hàn - Trung và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", hai nhà nghiên cứu Je-no Ahn và Su-seok Lee thuộc Viện Chiến lược An ninh Quốc gia đã đề cập đến việc "hạ thấp kỳ vọng của Hàn Quốc đối với vai trò của Trung Quốc đối với vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên".

Thu Hằng

Additional Info

  • Author Thanh Hà, Thu Hằng, Trần Công
Published in Diễn đàn

Tuy không th phân đnh đúng sai nhưng ít nht nhng din biến ca s kin va lược thut cũng cho thy vài điu : Khi h thng chính tr có nhiu bên, h thng công quyn không th "t tung, t tác".

logo01

Nội các Hàn Quốc thông qua phương án thành lập Vụ Cảnh sát thuộc Bộ Hành chính và an toàn - Photo : YONHAP News

Theo KBS, cui tun này (th by 30/7/2022) lc lượng cnh sát quc gia ca Nam Hàn s t chcHi ngh Cnh sát toàn quc đ tho lun vd tính thành lp V Cnh sát thuc B Hành chính và an toàn ca chính ph, đng thi tho lun v tính chính đáng ca quyết đnh k lut nhng người đã tham d cuc hp Giám đc các S Cnh sát trên toàn quc hi cui tun trước.

Ln này, phn ng ca lc lượng cnh sát quc gia ti Nam Hàn đi vid tính thành lp V Cnh sát thuc B Hành chính và an toàn ca chính ph đã tăng lên mc cao hơn. Nếu cui tun trước, ch có Giám đc các S Cnh sát trên toàn quc ngi li vi nhau đ cùng phn đi thì cui tun này, theo d kiến s có 1.000 sĩ quan cnh sát, đi din cho 140.000 cnh sát tham gia.

Cũng vì vy, đa đim t chc hi ngh đã được chuyn t mt hi trường sang sân vn đng ca Vin Phát trin nhân tài cnh sát quc gia ta lc ti thành ph Asan, tnh Nam Chungcheong. Ban T chc thông báo thêm rng h s phát trc tiếp toàn b hi ngh trên Youtube đ dân chúng Nam Hàn có th theo dõi và đánh giá phn ng ca lc lượng cnh sát chính đáng hay không.

***

Tun trước, tân chính ph Nam Hàn cho biết s thành lp V Cnh sát trong B Hành chính và an toàn. V này nhm thúc đy vic thc hin công v ca Cơ quan Cnh sát quc gia và y ban Cảnh sát quốc gia mt cách có h thng hơn. Ngày 26/7/2022, tân chính ph Nam Hàn đã thông qua sc lnh v vn đ này và vic thành lp V Cnh sát thuc B Hành chính và an toàn s được thc hin vào 2/8/2022.

Tuy nhiên, ngay sau khi tân chính ph Nam Hàn công b d tính thành lp V Cnh sát trong B Hành chính và an toàn, nhiu sĩ quan cnh sát tt c các cp đã ch trích kch lit d tính đó vì xâm hi s đc lp ca lc lượng cnh sát quc gia.

Các thành viên lãnh đo chính ph Nam Hàn không chu kém, cũng ch trích kch lit phn ng ca lc lượng Cảnh sát quốc gia. B trưởng Hành chính và an toàn ví cuc hp ca Giám đc các S Cnh sát trên toàn quc hi tun trước như "mt cuc đo chính". Tân Tng thng Yoon Suk-yeol thì bày t s lo ngi sâu sc khi gii cnh sát t chc phn đi tp th và xem đó như "mthành đng làm ri lon k cương quc gia". Tân Th tướng Han Duck-soo gii thích, ý đnh thành lp V Cnh sát ch nhm thc hin mt bin pháp h tr hành chính cho Cơ quan Cảnh sát quốc gia, đng thi yêu cu B trưởng Hành chính và an toàn tích cc trao đi, thuyết phc Cơ quan Cảnh sát quốc gia đ gii quyết sm các vn đ v hành chính, qun lý nghip v liên quan. Cơ quan Cảnh sát quốc gia đã cnh cáo và yêu cu các S Cnh sát trên toàn quc dng hành đng phn đi tp th.

Tuy nhiên hot đng phn đi vn tiếp din. Ví d như Hi ngh Cnh sát toàn quc s din ra vào cui tun này hay Hi đng Công chc Cnh sát t chc thu thp 100.000 ch ký đ đ ngh Quc hi ra ngh quyết phn đi vic thành lp V Cnh sát.

***

Nam Hàn, thông thường, mt sc lnh có hiu lc thc thi sau khi đã đăng công báo đ 40 ngày nhưng đi vi sc lnh lên quan đến vic thành lp V Cnh sát, B Hành chính và an toàn xác đnh thi đim có hiu lc sau khi đăng công báo ch vn vn có bn ngày. Đó là lý do tân chính ph Nam Hàn b ch trích là "cu th". B Hành chính và an toàn bin bch s dĩ như thế vì V Cnh sát là vn đ ni b.

Trên chính trường, đng Sc mnh quc dân đng cm quyn lên tiếng ng h chính ph, ch trích hành đng phn đi tp th ca lc lượng Cảnh sát quốc gia và kêu gi không nên dung dưỡng nhng cnh sát chng li mnh lnh, đng thi kêu gi nhng cnh sát phn đi sc lnh v V Cnh sát xin li. Ngược li, đng Dân ch đng hành đng đi lp - t chc mt cuc hp báo trước Văn phòng Tng thng, tuyên b, chính B trưởng Hành chính và an toàn mi là nhân vt th hin ý tưởng o chính hành chính", ngoài ra nhn mnh, không có điu khon nào trong Lut T chc chính ph cho phép B trưởng Hành chính và an toàn có th ph trách nghip v tr an ca cnh sát. Đng đi lp tuyên b thêm, rng chính ph mi là bên gây hn lon k cương quc gia khi không gii quyết được các bài toán dân sinh, mà có ý đ đi chiu dư lun sang các vn đ chính tr...

***

Tuy không th phân đnh đúng sai nhưng ít nht nhng din biến ca s kin va lược thut cũng cho thy vài điu : Khi h thng chính tr có nhiu bên, h thng công quyn không th "t tung, t tác". S t ch ca lc lượng bo v trt t, tr an, không th trung thành vi đng nào, không khăng khăng bo v đng nào là tin đ giúp gia tăng quyn được biết, được bàn, được kim tra ca tng công dân.

Trân Văn

Nguồn : VOA, 27/07/2022

Links tham kho

http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=55253

http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=55243

http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=55246

Additional Info

  • Author Trân Văn
Published in Diễn đàn

Hàn Quốc bảo vệ truyền thống ẩm thực và văn hóa trước ý đồ "nhận vơ" của Trung Quốc

Mối quan hệ Hàn - Trung đã trở nên căng thẳng hơn trong nửa đầu năm 2021 do những tranh chấp liên quan tới ẩm thực và văn hóa. Mâu thuẫn được thổi bùng lên khi một bộ phim nổi tiếng của Hàn quảng cáo món bibimbap "made in China", hay câu chuyện "nhận vơ" kim chi là món ăn truyền thống của Trung Quốc chứ không phải của Hàn Quốc. 

amthuc1

Thi muối kim chi tại Festival Kimchi, Seoul, Hàn Quốc, ngày 03/11/2017.  AP - Ahn Young-joon

Cùng với những mâu thuẫn khác âm ỉ từ lâu, câu chuyện "nhận vơ" này đã dẫn đến hệ quả là dự án xây một khu phố Hoa mới tại Hàn Quốc đã bị hủy ngay sau đó.

Bibimbap  (비빔밥)  "made in China" gây tranh cãi trên sóng truyền hình Hàn Quốc

Trong tập 8 của bộ phim truyền hình Vincenzo của đài TVN, cảnh nữ tài tử chính Hong Cha-young (do Jeon Jeo-bin thủ vai) đưa cho nam tài tử chính Vincenzo (do Song Joong-ki thủ vai) món cơm trộn (bibimbap) đóng hộp do một thương hiệu Trung Quốc sản xuất đã gây lên làn sóng bất bình trên mạng xã hội. Cụ thể, trong phân cảnh phim, nhân vật nữ nói rằng đây là "món ăn ngon miệng" và camera đã chiếu thẳng vào dòng chữ bibimbap được viết bằng tiếng Trung Quốc.

kimchi2

Bộ phim truyền hình Vincenzo của đài TVN do nữ tài tử Jeon Jeo-bin thủ vai Hong Cha-young và nam tài tử Song Joong-ki thủ vai Vincenzo .

kimchi1

Bibimbap vốn được biết đến là một món ăn truyền thống lâu đời của Hàn Quốc. Chính vì vậy khi món ăn này lên sóng dưới mác "made in China" trong một bộ phim với sự góp mặt của những tên tuổi nổi tiếng khắp Châu Á này đã gây nên một sự phẫn nộ trong cộng đồng mạng Hàn Quốc. Sản phẩm quảng cáo trong phim là món cơm trộn được tiêu thụ ở Trung Quốc và do thương hiệu Zihaiguo của Trung Quốc hợp tác với Viện Vệ sinh Hàn Quốc sản xuất.

Sự việc kéo theo một làn sóng phản đối của người dân Hàn Quốc với các sản phẩm thực phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Một người xem phim trực tuyến bình luận : "Sao lại sử dụng bibimbap do Trung Quốc sản xuất ? Rồi người Trung sẽ nói rằng bibimbap là một món ăn của Trung Quốc cho xem".

Một người xem khác viết : "Nếu chỉ vì muốn kiếm tiền mà nhận quảng cáo cho những công ty Trung Quốc, thì người nước ngoài khi xem phim không phải sẽ nghĩ rằng bibimbap là món ăn của Trung Quốc sao ? Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Tôi biết tiền là quan trọng nhưng sự việc này đang đi quá xa rồi".

Được RFI tiếng Việt đặt câu hỏi, một phụ nữ Hàn Quốc (xin ẩn danh) cho biết cảm nhận :

"Tôi đã xem bộ phim Vincenzo và thấy bibimbap do Trung Quốc sản xuất được quảng cáo. Mặc dù họ đã bỏ đoạn quảng cáo đó đi, nhưng tôi nghĩ rằng họ không thực sự hiểu cảm giác khó chịu của người xem khi thấy người Trung Quốc thể hiện rằng những món ăn đó như là của họ vậy. Tôi nghĩ sau sự việc này họ cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi nhận quảng cáo các sản phẩm của Trung Quốc trên truyền hình".

Đài TVN - đơn vị sản xuất phim - đã buộc phải hủy bỏ thỏa thuận cho những lần quảng cáo tiếp theo với phía công ty Trung Quốc sau khi nhận những chỉ trích nặng nề từ mọi phía. Diễn viên chính của bộ phim Song Joong-ki cũng đã phải lên tiếng xin lỗi ngay sau khi kết thúc bộ phim.

Tranh chấp kim chi (김치) và các di sn văn hóa khác gia hai nước

Một lý do khác khiến sự việc này trở thành chủ đề được nhiều cộng đồng mạng quan tâm là vì trước đó đã nổ ra những tranh cãi khi Trung Quốc cho rằng có nhiều món ăn và văn hóa lâu đời của Hàn Quốc là di sản văn hóa của nước họ như món kim chi (김치) hay trang phc truyn thng Hanbok (한복).

Chính Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) đã khơi mào tranh chấp về kim chi khi tuyên bố rằng Trung Quốc mới là nước thiết lập tiêu chuẩn quốc tế cho nền công nghiệp "rau muối". Cơ quan ngôn luận bằng tiếng Anh của Đảng cộng sản Trung Quốc còn cho rằng tên gọi "quốc gia kim chi" của Hàn Quốc chỉ là trên danh nghĩa.

Trước đó, Youtuber nổi tiếng của Trung Quốc Lý Tử Thất (Li Ziqi) đăng video tự làm kim chi lên Youtube với hastag món kim chi là ẩm thực truyền thống của Trung Quốc. Việc này đã khiến cư dân mạng Hàn Quốc phẫn nộ, như lời bình của một người sử dụng mạng xã hội : "Tôi không có ý kiến gì về việc bạn làm món ăn này, nhưng ít nhất bạn nên viết kim chi là món ăn truyền thống của Hàn Quốc chứ ?".

Sau đó, truyền thông Hàn Quốc lập tức vào cuộc phản đối tuyên bố của Hoàn Cầu Thời Báo, đồng thời cáo buộc nước láng giềng đang cố gắng biến kim chi - một món ăn truyền thống làm từ cải thảo của Hàn Quốc - trở thành món pao cai xuất xứ Trung Quốc. Như đổ thêm dầu vào lửa, ông Trương Quân (Zhang Jun), đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đăng video tự làm kim chi và gọi đó là món ăn của Trung Quốc. Ông cho rằng Hàn Quốc đang hoang tưởng và thiếu tự tin về vấn đề văn hóa.

Người Hàn Quốc kiến nghị hủy bỏ dự án làng văn hóa Trung Quốc

Vào năm 2019, tỉnh Gangwon của Hàn Quốc và Nhân Dân Nhật Báo (People’s Daily Online) của Trung Quốc đã thỏa thuận ký kết dự án xây làng văn hóa Trung Quốc tại tỉnh này. Theo thỏa thuận, "Làng Trung Quốc" sẽ có diện tích khoảng 1,2 triệu mét vuông - lớn gấp 10 lần so với khu phố Hoa lớn nhất hiện nay ở Hàn Quốc là khu phố Hoa tại Incheon.

Thống đốc tỉnh Gangwon, Choi Moon-soon, đã gọi dự án này là một phần của "Sáng kiến Một vành đai một con đường Văn hóa" tại lễ khởi công. Tuy nhiên, dự án đã làm dấy lên sự phẫn nộ mạnh mẽ trong cộng đồng người Hàn Quốc. Nhiều người Hàn Quốc tin rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đang thực hiện chủ nghĩa đế quốc văn hóa ở Hàn Quốc để mở rộng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh.

Ngày 29/03/2021, một bản kiến nghị đã được đăng ký trên trang web của chính phủ Hàn Quốc yêu cầu tỉnh Gangwon hủy bỏ dự án "Làng Trung Quốc" với lời lẽ gay gắt : "Tại sao chúng tôi phải đồng ý xây dựng một Trung Quốc thu nhỏ ở Hàn Quốc ? Chúng tôi không hiểu tại sao chúng tôi lại phải trải nghiệm văn hóa Trung Quốc trên chính mảnh đất của chúng tôi ? Chúng tôi kiên quyết phản đối".

Tính đến ngày 21/04/2021, bản kiến nghĩ đã nhận được 627.000 chữ ký. Đây là số chữ ký lớn nhất mà Nhà Xanh từng nhận được. Cuối cùng, vào ngày 29/04/2021, Kolon Global Corporation - công ty xây dựng chịu trách nhiệm cho dự án này - đã đưa ra một thông báo thông qua chính quyền Gangwon rằng họ sẽ đánh giá lại toàn diện dự án. Dự án ban đầu được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2022, sau đó đã bị tạm dừng.

Khi được hỏi về các vấn đề xoay quanh mối quan hệ Hàn - Trung gần đây, anh Eun-ki - một công dân Hàn Quốc cho biết :

"Tôi không thích họ thực hiện các dự án hợp tác với Trung Quốc. Trên Youtube hay các phương tiện truyền thông khác, tôi nghe nói Trung Quốc khẳng định phần lớn văn hóa hoặc di sản của Hàn Quốc thực ra là của chính họ, như thể họ coi đó là điều hiển nhiên vậy. Những hành động đó chắc chắn là sai lầm và tôi hi vọng tất cả các sự kiện cần phải được truyền tải chính xác trên thế giới".

Trung Quốc với tư tưởng bành trướng đã, đang và sẽ luôn muốn đồng hóa và thay đổi các quốc gia láng giềng. Với phương châm biến những gì chưa có tranh chấp thành "tranh chấp", những gì đang tranh chấp thành của mình, họ đã thay đổi văn hóa của các khu vực như Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông bằng tiền và quyền lực.

Hàn Quốc nói riêng và các nước xung quanh Trung Quốc nói chung cần có một quan điểm vững vàng và lập trường đúng đắn đủ để giữ lại những gì thuộc về đất nước mình.

RFI tiếng Việt, 21/07/2021

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Văn hóa
Trang 1 đến 2