Trọng Nghĩa, RFI, 21/12/2020
Hàn Quốc lại đạt kỷ lục về ca lây nhiễm mới vào hôm qua 20/12/2020. Đã có thêm 1097 ca nhiễm, một con số thấp so với Châu Âu, nhưng đã khiến cho các nhà lãnh đạo ở Seoul rất lo ngại. Vào lúc việc truy vết các trường hợp tiếp xúc với người bị nhiễm virus có vẻ ngày càng kém hiệu quả, chính quyền Hàn Quốc cho mở hơn một trăm trung tâm xét nghiệm mới đã được mở tại thủ đô.
Thông tín viên RFI tại Seoul, Nicolas Rocca đã ghé một trung tâm xét nghiệm và gởi về bài tường thuật sau đây :
"Tôi là sinh viên đại học, tôi chưa có bất kỳ liên hệ nào với một ca nhiễm đã được xác nhận. Tôi đến đây để được kiểm tra với mục đích phòng ngừa."
Cách nay một tuần, Park Yerin không thể được kiểm tra miễn phí. Nhưng giờ đây, 150 trung tâm dò tìm virus sàng lọc mới đã được mở ra tại Seoul, nơi tập trung phần lớn các ca bệnh mới. Trước các lều bạt, được dùng làm trung tâm truy tìm virus, Kim Moon Su đang phát găng tay cho những người đến xét nghiệm. Ngay từ tháng Hai, anh đã gia nhập các đội chiến đấu chống lại Covid -19.
"Hiện nay có rất nhiều trường hợp không có triệu chứng đến nỗi việc xét nghiệm một phần lớn dân chúng thực sự trở nên cần thiết. Chúng tôi phải cố sức làm việc này".
Và để đáp ứng thách thức này, thì cần phải tăng cường đội ngũ y tế. Anh Kim Moon Su xác nhận : "Có ba người từ quân đội đã đến giúp chúng tôi. Có cả một sĩ quan cao cấp ở trung tâm này ! Họ đến để khử trùng và giữ cho trung tâm xét nghiệm được sạch sẽ. "
Gần 1.500 quân nhân đã được bổ sung vào hệ thống y tế. Bên cạnh đà gia tăng các ca lây nhiễm, còn có tình trạng thiếu giường hồi sức bắt đầu xuất hiện ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
Trọng Nghĩa
***********************
Tú Anh, RFI, 20/12/2020
Cùng số phận với phần còn lại của thế giới, nhiều nước ở Châu Á Thái Bình Dương tái lập biện pháp hạn chế sinh hoạt trong bối cảnh Covid-19 bùng phát trở lại. Một năm từ khi xuất hiện tại Vũ Hán, siêu vi corona chủng mới lây lan một cách nghiêm trọng hơn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan cho đến Úc.
Theo báo cáo dịch tễ ngày 20/12/2020, Hàn Quốc ghi nhận hơn 1.093 ca nhiễm mới, vượt ngưỡng 1.000 ca trong năm ngày liên tiếp, không kể 14 ca tử vong, bất chấp các biện pháp nghiêm ngặt được huy động để chống lây nhiễm.
Đợt tấn công thứ ba của Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn quốc, hơn 70% trường hợp lây nhiễm mới xảy ra ở thủ đô và các thành phố lớn.Tuy nhiên, theo Yonhap, chính quyền Hàn Quốc còn cân nhắc, chưa tiến hành báo động cấp ba, được dự trù khi số ca lây nhiễm mỗi ngày từ 800 đến 1.000 và trong một tuần liên tiếp, vì sợ tác hại đến sinh hoạt kinh tế.
Tại Bắc Triều Tiên, chính quyền vẫn xác quyết không có một ca nào. Tuy vậy, nhật báo Rodong, cơ quan tuyên truyền của đảng Lao Động loan báo là nhà nước đang huy động các biện pháp lớn để diệt trừ siêu vi corona chủng mới trên lãnh thổ, để chuẩn bị đại hội đảng.
Tại Úc, Sydney ban hành tình trạng hạn chế sinh hoạt và tự do đi lại kể từ ngày 19/12/2020. Dân cư dọc theo bờ biển phía bắc Sydney được khuyến cáo ở nhà cho đến tối Giáng Sinh. Hàng quán, khách sạn, bãi biển đóng cửa. Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang. Các biện pháp trói buộc này nhằm ngăn chận siêu vi sau khi một ổ dịch mới và nhiều ca dương tính xuất hiện ở Sydney hôm 17/12/2020.
Tại Trung Quốc, số ca lây nhiễm mới cũng gia tăng : 19 người trong ngày Thứ Bảy
Nhật Bản thông báo có thêm 2.893 trường hợp mới với 45 nạn nhân từ trần. Quốc Hội Nhật Bản khẩn cấp biểu quyết luật tiêm ngừa miễn phí cho dân chúng. Ngoài ra, một võ sĩ Karaté, kỳ vọng của Nhật đoạt huy chương vàng Thế Vận 2021, bị nhiễm siêu vi, sau vòng đấu vô địch quốc gia cuối tuần trước. Ryo Kiyuna, đương kim vô địch Karaté thế giới, vừa chiếm kỷ lục 9 lần vô địch quốc gia. Ba mươi đấu thủ tranh tài chưa thấy có triệu chứng.
Thái Lan, một trong những nước từng được xem là gương tốt chống dịch hiệu quả, sau khi phát hiện 548 ca mới trong ngày 19/12/2020, ra lệnh phỏng tỏa ngôi chợ Mahachai, cách Bangkok 40 phút đường xe.
Tú Anh
RFI, 26/08/2020
Giá vàng có nguy cơ tăng thêm hơn nữa, vì phong trào đình công của các nhân viên tại mỏ vàng lớn nhất thế giới ở Indonesia, từ đầu tuần cuối cùng của tháng 8/2020.
Cả ngàn thợ mỏ bãi công đòi cải thiện điều kiện lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 tràn lan. Từ sáu tháng qua, nhiều người không được phép về thăm gia đình.
Thông tín viên đài RFI trong khu vực Đông Nam Á, Gabrielle Maréchaux, cho biết thêm :
"Vẫn đội mũ bảo hộ lao động, nhưng họ đã ngưng làm việc. Thợ mỏ ở Papouasia xếp vòng tròn, qua một điệu múa truyền thống, thể hiện sự tức giận.
Tại mỏ vàng, ở độ cao 4.000 mét, nhà hoạt động công đoàn Aser Gobai cho biết, thợ mỏ có hai đòi hỏi. Thứ nhất liên quan đến quy định vẫn đang có hiệu lực trong mùa đại dịch : Có những người phải ở tại chỗ từ sáu tháng qua, họ không được phép về thăm gia đình. Ngay cả trong trường hợp vợ hay con của họ ở Timika bị chết. Không còn có xe buýt để đi về nhà nữa.
Sau đó, công nhân cũng chận đường vào mỏ vàng, vì cho rằng ban giám đốc của tập đoàn Freeport không có khả năng thực hiện các quy định liên quan đến bảo đảm an toàn cho nhân viên trong mùa dịch này. Tập đoàn khai thác mỏ xem thường sinh mạng của công nhân.
Có khoảng 25.000 công nhân làm việc tại mỏ vàng lớn nhất thế giới này. Đối với nhiều người dân Papouasia, mỏ vàng này là biểu tượng của việc họ bị tước đoạt đất đai do ông cha để lại".
Thanh Hà
******************
RFI, 25/08/2020
Tình hình dịch bệnh virus corona chủng mới vẫn chưa cho thấy có lối thoát. Bản tổng kết mới nhất cho thấy Covid-19 vẫn tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại nhân mạng trên khắp 5 Châu với hơn 810.070 người chết và làm cho các nền kinh tế phải lao đao.
Tại Hàn Quốc, chính quyền ngày 25/08/2020 phải ra lệnh đóng cửa phần lớn các trường học tại thủ đô và nhiều vùng phụ cận. Các buổi học sẽ phải tổ chức từ xa. Đây là biện pháp mới nhất nhằm ngăn chận các ca lây nhiễm mới.
Thông báo của bộ Giáo dục Hàn Quốc nêu rõ tất các sinh viên – ngoại trừ học sinh cấp ba năm cuối – tại các thành phố Seoul, Incheon và tỉnh Geonggi phải theo dõi các buổi học trên mạng cho đến ngày 11/09/2020.
Theo Reuters, học kỳ hai của năm học qua đã nhiều lần bị hoãn, và phần lớn các trường học đã mở cửa trở lại dần dần từ ngày 20/05 và 01/06 do số ca nhiễm mới thường nhật giảm mạnh. Thế nhưng, trong hai tuần gần đây, ít nhất đã có 150 sinh viên và 43 thành viên ngành giáo dục bị xét nghiệm dương tính với virus corona tại Seoul và nhiều khu vực lân cận.
Cơ quan y tế quốc gia Hàn Quốc trong buổi họp báo hôm nay cho biết có 280 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, thấp hơn một chút so với ngày hôm trước. Dù vậy, chính quyền Seoul vẫn tỏ ra cẩn trọng khi cho rằng "còn quá sớm" để đánh giá là cường độ lây lan có xu hướng giảm.
Nếu như phần lớn các ca nhiễm mới chủ yếu tập trung ở Seoul và vùng phụ cận, những khu vực có mật độ dân cư đông đúc, chính quyền Hàn Quốc cảnh báo rằng quy mô dịch bệnh có nguy cơ lan rộng ở cấp quốc gia và kêu gọi người dân tự cách ly cũng như là hạn chế di chuyển.
Minh Anh
Kim Jong-un ngưng kế hoạch quân sự nhắm vào Hàn Quốc (RFI, 24/06/2020)
Báo chí Bắc Triều Tiên ngày 24/06/2020 loan tin lãnh đạo Kim Jong-un đã cho ngưng các kế hoạch hành động quân sự nhắm vào Hàn Quốc, sau nhiều ngày căng thẳng. Bình Nhưỡng cũng cho tháo gỡ 10 loa phóng thanh mới được lắp đặt tại biên giới liên Triều.
Kim Jong-un thăm một nghĩa trang quân đội gần Bình Nhưỡng nhân kỷ niệm 64 năm kết thúc chiến tranh Triều Tiên, ngày 27/07/2017. © Reuters - KCNA KCNA
Theo KCNA, ông Kim Jong-un đã chủ trì một cuộc họp Quân ủy trung ương, và đã có quyết định như trên. Hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên không có giải thích nào về sự thay đổi chiến lược này.
AFP dẫn nhận định của giáo sư Leif-Eric Easley, trường đại học Ewha ở Seoul : "Có lẽ ông Kim làm như vậy vì hy vọng sẽ có được sự nhượng bộ từ bên ngoài, hoặc vì quân đội Bắc Triều Tiên cần thêm thời gian chuẩn bị trước khi có hành động khiêu khích". Một điều chắc chắn là Bình Nhưỡng, vốn sở hữu vũ khí nguyên tử, không hề ngưng đe dọa Hàn Quốc.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Yonhap dẫn các nguồn tin quân sự cho biết Bắc Triều Tiên đang tháo gỡ khoảng 10 trên tổng số 20 loa phóng thanh tuyên truyền vừa được bố trí dọc theo biên giới với Hàn Quốc. Hồi năm 2018, hai nước Triều Tiên đã thỏa thuận mỗi bên tháo gỡ gần 40 loa phóng thanh ở vùng biên giới, sau cuộc gặp giữa tổng thống Moon Jae In và ông Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm.
Chế độ Bình Nhưỡng trong những tuần lễ gần đây liên tục đả kích Seoul, nhất là việc những người Bắc Triều Tiên đào thoát gởi những quả bóng chứa truyền đơn sang miền bắc. Sau khi cắt đứt các kênh liên lạc chính thức, tuần trước Bắc Triều Tiên đã cho nổ văn phòng liên lạc tại khu phi quân sự (DMZ), biểu tượng cho sự hòa dịu giữa hai miền. Đồng thời quân đội Bắc Triều Tiên khẳng định sẽ có hành động chống lại miền nam, kể cả việc tái lập các trạm kiểm soát tại DMZ, hoặc gia tăng các cuộc tập trận.
Thụy My
*****************
Biên giới liên Triều : Bình Nhưỡng bố trí lại hệ thống loa tuyên truyền (RFI, 23/06/2020)
Căng thẳng trên đường giới tuyến giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên tăng thêm một nấc ngày 23/06/2020. Bình Nhưỡng vừa lắp đặt trở lại nhiều loa phóng thanh tuyên truyền dọc theo biên giới, trong lúc đêm hôm qua, một nhóm dân đào tị Bắc Hàn tiến hành chiến dịch thả bóng bay mang hàng trăm nghìn truyền đơn chống chế độ Bắc Triều Tiên.
Loa phóng thanh Bắc Triều Tiên đặt gần vùng phi quân sự phân chia hai nước Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp từ Incheon, bên phía lãnh thổ Hàn Quốc ngày 23/06/2020, Reuters - YONHAP NEWS AGENCY
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap, dẫn một nguồn tin quân sự, cho hay chính quyền Bắc Triều Tiên đã cho lắp trở lại khoảng 20 loa phóng thanh, tức một nửa số loa đã được dỡ bỏ, theo một thỏa thuận tại thượng đỉnh liên Triều tại Seoul hồi năm 2018. Việc lắp đặt được khởi sự từ hôm Chủ Nhật 21/06. Bình Nhưỡng có thể sẽ tiếp tục lắp đặt trở lại toàn bộ 40 loa tuyên truyền, và nối lại các chương trình phát thanh, cũng như hoạt động thả truyền đơn chống Seoul sang phía nam, trong thời gian tới.
Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc tuyên bố theo dõi sát các động thái ở phía bắc, và khẳng định quân đội "luôn sẵn sàng phản ứng kịp thời trước các tình huống". Seoul cũng có thể sẽ có các biện pháp trả đũa, bởi việc Bắc Triều Tiên bố trí lại loa tuyên truyền hay thả truyền đơn là vi phạm các thỏa thuận liên Triều.
Vẫn theo Yonhap, một nhóm người chạy trốn chế độ Bắc Triều Tiên cho biết tối qua đã thả khoảng 500 nghìn truyền đơn bằng bóng bay sang miền Bắc. Bóng bay mang theo nhiều hình ảnh cho thấy những thành tựu của Hàn Quốc, và khoảng 2.000 tờ giấy bạc một đô la Mỹ. Chiến dịch thả truyền đơn bí mật, do hiệp hội Fighters For a Free North Korea (FFNK) thực hiện, diễn ra suôn sẻ.
Bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc đã nhiều lần kêu gọi ngừng thả truyền đơn sang phía bắc, vì lo ngại hoạt động này khiến quan hệ hai miền thêm căng thẳng. Tối hôm qua, chính quyền miền Bắc đe dọa sẽ thả 12 triệu truyền đơn sang phía nam, để trả đũa việc chính quyền Seoul không ngăn cản được việc dân đào tị thả truyền đơn sang phía bắc. Về vấn đề này, người phụ trách văn phòng Phủ Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, bà Signe Poulsen, cho biết những người đào tị Bắc Triều Tiên có quyền tự do ngôn luận, và việc thả truyền đơn như vậy là hợp pháp.
Trọng Thành
Hàn Quốc : Tổng thống Moon Jae-in đòi làm sáng tỏ vụ thảm sát thường dân ở Gwangju năm 1980
40 năm trước, vào ngày 18/05/1980, quân đội Hàn Quốc dập tắt trong biển máu một cuộc nổi dậy đòi dân chủ ở Gwangju, chiếc nôi của phe tả. Một ngày trước lễ tưởng niệm, trong chương trình đặc biệt dành cho đài truyền hình địa phương MBC, tổng thống Hàn Quốc yêu cầu phải làm sáng tỏ danh tính, trách nhiệm của những người ra lệnh dùng quân đội đàn áp thường dân cách nay 40 năm.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ngày 10/05/2020 tại Nhà Xanh. © Reuters - KIM MIN HEE
Vào tháng 5 năm 1980, một năm sau khi tổng thống Park Chung-hee bị giám đốc mật vụ Nam Hàn KCIA hạ sát, chính quyền Hàn Quốc do tướng Chun Doo-hwan lãnh đạo. Tại Gwangju, 270 km ở phía nam thủ đô, xảy ra một cuộc nổi dậy của sinh viên và đông đảo dân cư địa phương chống chế độ quân phiệt. Trong vòng 10 ngày, hàng ngàn binh sĩ Nhảy Dù được điều động. Đàn áp được mô tả rất tàn bạo, có cả trực thăng võ trang, bắn vào đám đông. Số liệu chính thức nói có 200 người chết, 1.800 bị thương. Tuy nhiên, theo Yonhap, một số nguồn khác cho rằng thiệt hại nhân mạng thật sự còn cao hơn nhiều.
Theo yêu cầu của Seoul, một số tài liệu lịch sử đã được Hoa Kỳ giải mật và công bố hôm thứ Sáu 15/05/2020.
Vào thời điểm xảy ra khủng hoảng Gwangju, đại sứ Mỹ William Gleysteen được tướng Lee Hui-sung, người trách nhiệm thi hành thiết quân luật tại Gwangju, cảnh báo : Ảnh hưởng Cộng sản rất mạnh trong giới sinh viên địa phương đe dọa sinh tồn của Nam Hàn. Nếu không dập tắt cuộc nổi dậy, Nam Hàn sẽ bị Cộng sản hóa như Việt Nam năm năm trước đó.
Ngoài tướng Lee Hui-sung còn ai nữa ?
Đối với tổng thống Hàn Quốc, "vẫn còn nhiều mưu toan che giấu hay bóp méo sự thật". "Chưa biết ai là người ra lệnh nổ súng và dùng trực thăng bắn vào dân. Đâu là trách nhiệm pháp lý sau cùng của quyết định này".
Theo Yonhap, biến cố Gwangju cho đến nay vẫn là nguồn gây tranh cãi chính trị và ý thức hệ gây bất hòa trong nội bộ Hàn Quốc, kể cả trong giới khoa bảng và chính trị, cho dù đất nước đã dân chủ hóa. Nhiều vị cho rằng phong trào sinh viên Gwangju thân Cộng sản Bắc Triều Tiên.
Có lẽ một phần vì thế, tổng thống Moon Jae-in tuyên bố thêm là ông muốn làm sáng tỏ sự thật, không phải để trừng phạt những người có trách nhiệm. Mục tiêu sâu xa là để thực hiện hòa giải dân tộc và đoàn kết quốc gia.
Tú Anh
Dâm ô trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa bị khởi tố, người dân dùng ‘công lý đám đông’ (VOA, 08/04/2019)
Một tuần trôi qua kể từ khi một cựu cán bộ bị phát hiện có hành vi dâm ô một bé gái ở thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, nghi phạm vẫn chưa bị khởi tố. Điều này dẫn đến nhiều phản ứng tức giận trong công chúng, bao gổm cả những biện pháp "công lý đám đông" để lên án nghi phạm.
Nghi phạm Nguyễn Hữu Linh trong vụ dâm ô trẻ em trong thang máy ở Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 04/2019
Vụ việc xảy ra tối hôm 1/4 tại khu chung cư Galaxy 9 ở quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, theo tường thuật của VietnamNet, Kenh14.vn, báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh và nhiều báo khác. Tin cho hay camera an ninh của tòa nhà ghi lại cảnh một người đàn ông trung niên "ôm hôn", "sàm sỡ" một bé gái 9 tuổi khi chỉ có hai người trong buồng thang.
Báo chí trong nước dẫn lời công an địa phương cho biết hôm 3/4 rằng họ đã "lấy lời khai" của nghi phạm có tên là Nguyễn Hữu Linh, 61 tuổi, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã nghỉ hưu.
Ông Linh thừa nhận mình chính là người đàn ông trong đoạn video, tuy nhiên, ông Linh nói ông ta "chỉ nựng bé gái chứ không có ý đồ gì khác", theo nội dung các bài báo.
Hôm 5/4, các báo đưa tin Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh gửi công văn đến một số cơ quan, bao gồm cả công an quận 4, các viện kiểm sát cấp quận và cấp thành phố, đề nghị khởi tố vụ án ông Linh có hành vi dâm ô đối với bé gái.
Nhưng theo quan sát của VOA, cho đến thời điểm bản tin này được đăng, vẫn chưa có thêm động thái pháp lý nào từ nhà chức trách đối với cựu Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng.
VOA cũng nhận thấy trong những ngày này, nhiều người dường như mất kiên nhẫn trong khi chờ đợi xem nhà chức trách sẽ xử lý nghi phạm Nguyễn Hữu Linh ra sao.
Trên mạng xã hội và báo chí chính thống Việt Nam, xuất hiện các thông tin cho hay hiện có một làn sóng tẩy chay, lên án vị cựu quan chức bằng cách đăng lên mạng các thông tin cá nhân của ông, ảnh căn nhà của ông ở Đà Nẵng với lời chú thích đó là nhà của "kẻ ấu dâm". Thậm chí có một số người ném chất bẩn hoặc xịt sơn lên cổng nhà ông Linh, theo tìm hiểu của VOA.
Ngay tại chung cư Galaxy 9, nhiều cư dân vào sáng 7/4 cùng mặc áo đồng phục in dòng chữ "Lạm dụng tình dục là tội ác" hay "Cùng lên tiếng bảo vệ trẻ em gái" để phản đối hành vi của ông Linh và yêu cầu nhà chức trách "phải xử lý nghiêm ông Linh để răn đe", báo chí trong nước cho hay.
Trên Facebook cá nhân với bút danh Dương Tiêu có khoảng 15.000 bạn bè và người theo dõi, nhà báo Trần Anh Tú của báo Đại Đoàn Kết đưa ra nhận xét rằng nhiều người dân "không chấp nhận việc ông Linh nhởn nhơ" sau khi tấn công tình dục cháu bé, và họ "buộc phải nhắc nhở mọi người về vụ việc này theo cách riêng của họ".
Dười góc nhìn của nhà báo này, điều đó cho thấy "khi pháp luật bó tay thì đám đông có cách ‘thi hành án’ của riêng mình", mà ông Tú coi đó có thể gọi là "công lý đám đông".
Vị Trưởng ban Điện tử báo Đại Đoàn Kết lưu ý không phải "tự nhiên" mà cổng và nhà riêng của nghi phạm Nguyễn Hữu Linh bị xịt sơn, ném chất bẩn. Mặc dù vậy, nhà báo Trần Anh Tú đồng ý với các ý kiến cho rằng hành động tấn công nhà ông Nguyễn Hữu Linh là "hành vi vi phạm pháp luật cần bị xử lý".
Hồi tháng 3/2014 xảy ra vụ một người đàn ông tấn công tình dục một cô gái trong thang máy ở Hà Nội
Một bài báo của VietnamNet đăng hôm 6/4 trích lời luật sư Lê Văn Hoan, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng dù ông Linh có vi phạm pháp luật, song những người khác không có quyền vi phạm vào tài sản của gia đình ông. Luật sư Hoan gọi việc ném chất bẩn, viết bậy bằng sơn "giống như một hình thức khủng bố, quá khích và gây rối".
Một vài Facebooker có nhiều ảnh hưởng, trong đó có bà Nguyền Hoàng Ánh, một giảng viên đại học, cũng kêu gọi công chúng lên án nghi phạm Linh "một cách công bằng, văn minh". Trong một bài đăng trên trang cá nhân, bà Ánh viết : "Tội của ai người nấy chịu, đừng làm vạ lây sang gia đình ông ta".
Trong khi đó, nhà báo kỳ cựu Hoàng Hải Vân viết trên trang Facebook có tổng cộng gần 94.000 người theo dõi rằng các động thái của dân chúng về vụ cựu quan chức Đà Nẵng dâm ô, đồi bại đối với trẻ em là "sự phẫn nộ hoàn toàn chính đáng".
Dẫn các thông tin đã được báo chí đăng tải, ông Vân nhấn mạnh "việc chậm trễ khởi tố và bắt giam" nghi phạm Nguyễn Hữu Linh là "vô trách nhiệm".
Gọi ông Linh là "thằng dâm tặc", nhà báo Hoàng Hải Vân đưa ra quan điểm nếu không bắt ông Linh sẽ "không răn đe được những thằng dâm tặc khác", và như vậy, sự lo lắng trong dân càng dâng cao.
Cũng góp lời bình luận về vụ việc này, nhà nghiên cứu Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Xã hội, viết trên trang cá nhân rằng "Nếu kẻ phạm tội không bị xét xử thích đáng bởi một quan toà, hắn sẽ bị xét xử bởi hàng triệu quan toà. Đó là hậu quả của một khung pháp lý thiếu hụt và một nển tư pháp yếu kém".
Bà Hồng bày tỏ mong muốn rằng nhà chức trách "sớm vào cuộc", bởi theo suy nghĩ của bà, thái độ bức xúc trước sự chậm trễ hoặc thiếu nghiêm minh của việc thực thi pháp luật "sẽ có thể dẫn đến sự cuồng nộ và bùng phát những hành vi cực đoan".
Hơn 13.400 người ký kiến nghị đòi Quốc hội Việt Nam sửa luật về các tội xâm hại tình dục
Vụ việc của cựu quan chức Đà Nẵng xảy ra trong bối cảnh chỉ mới hơn 3 tháng đầu năm đã liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại hoặc bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Nghiêm trọng nhất trong số đó là vụ một nữ sinh ở tỉnh Điện Biên bị một nhóm đàn ông bắt cóc, hãm hiếp rồi giết hại đúng dịp Tết âm lịch.
Tiếp đến là các vụ thầy giáo dâm ô học sinh ở tỉnh Bắc Giang ; cha đẻ là sỹ quan quân đội xâm hại tình dục con suốt 4 năm liền, từ khi cháu mới học lớp 4, cũng ở BắcGiang ; nữ sinh ở Quảng Trị bị một nhóm nam sinh hiếp dâm tập thể ; bé gái 9 tuổi bị hàng xóm xâm hại ở Chương Mỹ, Hà Nội ; và vụ một người đàn ông tấn công tình dục một cô gái trong thang máy, cũng ở Hà Nội.
Riêng về xâm hại tình dục trẻ em trong năm 2018 trước đó, theo tìm hiểu của VOA, Bộ Công an Việt Nam công bố con số thống kê cho thấy đã xảy ra 1.269 vụ án loại này, trong đó 1.141 em bị xâm hại.
Bức xúc về số lượng lớn các vụ tấn công, xâm hại tình dục xảy ra với phụ nữ và trẻ em gái, cũng như về các án phạt chưa đủ nghiêm khắc dành cho tội phạm loại này, 16 nhóm và tổ chức hiện tiến hành thu thập chữ ký cho một bản kiến nghị gửi đến Quốc hội Việt Nam, đề nghị sửa các luật liên quan để "ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực tình dục và giành lại công lý cho các nạn nhân".
VOA ghi nhận rằng đến tối 8/4, có hơn 13.400 người ký vào bản kiến nghị.
Trong số các nhóm, tổ chức khởi xướng bản kiển nghị là nhóm Tính nữ đỉnh cao, còn có tên là Funfreedom ; Nhóm thúc đẩy Phong trào xã hội phi bạo lực, Hate Change ; Nhóm Không gian Nhân quyền, Human Rights Space ; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình -Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) ; Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) ; Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE).
*******************
Hàn Quốc là nơi phụ nữ Việt Nam thích đến nhất (VOA, 08/04/2019)
Hàn Quốc đã nổi lên thành điểm đến yêu thích nhất của phụ nữ Việt Nam, theo một khảo sát được công bố hôm 8/4.
Một phụ nữ đi mua hàng ở một hiệu giày dép ở khu mua sắm Myeongdong ở Seoul, Hàn Quốc. Theo một khảo sát mới đây, quốc đảo này này đã trở thành điểm đến được yêu thích nhất của phụ nữ Việt Nam.
Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me ở thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hồi tháng 3 cho thấy 20% trong tổng số 1.200 người trưởng thành được hỏi đã chọn Hàn Quốc là đất nước yêu thích của họ để đến du lịch, trong khi Nhật đứng đầu trong danh sách các nước được yêu thích nhất với 24%, theo Yonhap.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Hàn Quốc trích dẫn khảo sát này cho biết 23% của tất cả những phụ nữ tham gia trả lời nói rằng họ thích đến thăm Hàn Quốc hơn – do đó quốc đảo phía nam của bán đảo Triều Tiên trở thành điểm đến được yêu thích nhất của họ. Nhật đứng thứ 2 với 19% số phụ nữ tham gia khảo sát nói họ muốn tới thăm quốc gia này.
Trong khi đó Nhật là điểm đến được yêu thích nhất của những người đàn ông tham gia khảo sát với 32%, và 15% chọn Hàn Quốc, theo khảo sát của Q&Me.
Khảo sát cũng cho thấy rằng sự lựa chọn điểm du lịch yêu thích của người Việt Nam có ảnh hưởng của những yếu tố như phong cảnh chiếm 48% ; văn hóa, 43% ; ẩm thực, 25% ; và giải trí, 15%.
Người Việt tìm kiếm thông tin về những nơi họ muốn đến thăm chủ yếu thông qua bạn bè, Facebook và các trang web.
VnExpress, trang báo mạng tiếng Việt được nhiều người đọc nhất, trích dẫn số liệu năm 2017 của cơ quan nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor cho thấy số lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài hàng năm tăng từ 10% đến 15% trong khoảng thời gian từ 2012-2017.
Số lượng khách du lịch Việt Nam tới Hàn Quốc trong năm 2018 là 457.000, tăng 41% so với năm trước đó, theo Yonhap.
*******************
Việt Nam muốn gửi thêm công nhân sang Qatar lao động (VOA, 08/04/2019)
Chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 8/4/2019 cho hay bà đã yêu cầu giới lãnh đạo Qatar nhận thêm lao động Việt Nam giữa lúc nước này đang chuẩn bị cho World Cup 2022.
Tư liệu- một công nhân di dân đang xây Hội trường Al-Wakra để chuận bị cho World Cup 2022 sẽ diễn ra tại Doha. Ảnh chụp ngày 4/5/2015,
Bản tin của tờ Nhân Dân tường thuật rằng Chủ tịch quốc hội Việt Nam đã tiết lộ thông tin này trong cuộc gặp gỡ với các nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam ở Doha, và cộng đồng người Việt tại Qatar.
Nguồn tin này dẫn lời ông Nguyễn Trung Hiếu, người đứng đầu văn phòng liên lạc của cộng đồng Việt Nam, nói với bà Kim Ngân rằng hiện có khoảng 1.400 người Việt ở Qatar, đa số là công nhân làm việc trong ngành xây dựng.
Qatar và Việt Nam đánh dấu 10 năm quan hệ bang giao hồi năm ngoái. Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Đình Thao nói rằng quan hệ chính trị và ngoại giao tốt đẹp với Qatar cung cấp một nển tảng vững chắc để cổ vũ cho hợp tác kinh tế, đầu tư và du lịch.
Chủ tịch quốc hội Việt Nam đến Doha để dự Đại hội đồng lần thứ 140 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-140), thể theo lời mời của Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron và Chủ tịch Nghị viện Ahmad Bin Abdullah Al Mahmoud.
Ngày hôm trước, Chủ nhật 7/4, bà Kim Ngân đã gặp Thủ tướng Qatar Abdullah bin Nasser bin Khalifa Al Thani bên lề Đại Hội Đồng IPU-140.
Dịp này Chủ tịch quốc hội Việt Nam bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với nước chủ nhà trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Nhà lãnh đạo Qatar cũng bày tỏ mong muốn nhận thêm người Việt Nam tới Qatar làm việc trong một số lĩnh vực, kể cả chăm sóc y tế, thay vì chỉ tập trung vào ngành xây dựng như hiện nay.
Theo báo cáo về tình hình công nhân nước ngoài lao động ở Qatar trong phúc trình nhân quyền 2019 của Human Rights Watch, Qatar có một lực lượng lao động nước ngoài đông đảo, vượt quá 2 triệu người, tổng cộng chiếm tới 95% lực lượng lao động nước này. Ước lượng 800.000 người làm việc trong ngành xây dựng, 100.000 người phục vụ trong tư cách "ô-sin" giúp việc nhà.
Cách đây 2 năm, Tổ chức Human Rights Watch bày tỏ quan ngại về hệ thống bảo trợ chi phối việc mướn lao động di dân của Qatar (hệ thống kafala), trao quyền kiểm soát quá đáng cho giới chủ nhân, kể cả quyền cấm người lao động rời Qatar, hoặc thậm chí, đổi việc.
Dưới áp lực của các tổ chức vô vụ lợi quốc tế, Qatar đồng ý với Tổ chức Lao động Quốc tế sẽ triệt để cải cách hệ thống kafala, áp dụng mức lương tối thiểu, chấm dứt việc tịch thu tài liệu cá nhân, đình chỉ việc cấm công nhân rời Qatar, và tăng cường các nỗ lực để tránh cưỡng bách lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế - ITUC loan báo tin này vào tháng 10 năm 2017.
Tháng 11 năm 2017, Qatar ấn định mức lương tối thiểu cho công nhân nước ngoài là QR750, tương đương với US$ 206/tháng, và lần đầu tiên áp dụng các quy định bảo vệ lao động giúp việc nhà, như tối đa chỉ làm việc 10 giờ/ngày, mỗi tuần được nghỉ 1 ngày, 3 tuần nghỉ phép/năm, cùng với một số phúc lợi y tế. Tuy nhiên, luật mới vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của Luật Lao động, và không đi kèm với những biện pháp trừng phạt những kẻ vi phạm.
Theo phúc trình của Human Rights Watch, Qatar không thi hành đầy đủ những cải cách mà họ đã hứa hẹn, và ngày 30/4/2018, Tổ chức Lao động Quốc tế khánh thành văn phòng đầu tiên ở Qatar trong một chương trình hợp tác 3 năm để giúp nước này thực hiện các cam kết hầu bảo vệ các quyền của công nhân di dân.
*********************
Công ty gang thép Thái Nguyên có nguy cơ phá sản (RFA, 08/04/2019)
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cho biết doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước này đang lâm vào tình trạng khó khăn nhất, mất cân đối tài chính nghiêm trọng và có nguy cơ phá sản nếu không được ‘Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền giải cứu kịp thời.’
Công ty gang thép Thái Nguyên. Courtesy of tisco.com.vn
Đó là nội dung được nêu ra trong tài liệu gửi tới các cổ đông chuẩn bị cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của TISCO vào ngày 10/4 sắp diễn ra.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 8/4 cho biết số liệu của Ban kiểm soát TISCO nói rõ vốn điều lệ của doanh nghiệp này vào cuối năm 2018 là 1.937 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả đã chiếm khoảng 82%. Trong khi đó, vốn chủ sỡ hữu được đánh giá là thấp với chỉ 18% cơ cấu.
Tài liệu gửi các cổ đông của TISCO cho biết cuối năm 2018, các khoản nợ xấu của doanh nghiệp là hơn 850 tỷ đồng ; gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu cho thấy cơ cấu vốn không an toàn.
Báo trong nước nhận định nguyên nhân của những khó khăn mà TISCO đang mắc phải là do cạnh tranh với các đối thủ do giá thép xuống thấp, và phần lớn là do dự án mở rộng giai đoạn 2 tại nhà máy này.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên triển khai từ năm 2007 đến nay vẫn chưa hoàn thành với chi phí đầu tư lên đến hơn 8.000 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ năm 2015 đưa dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vào danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ và chỉ ra nhiều sai phạm.
Thanh tra Chính phủ cho biết đến năm 2012, dự án này lại bị đình trệ khiến Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) rút khỏi dự án, và TISCO phải bồi thường 92% giá trị hợp đồng thời điểm đó nhưng phần lớn dự án chưa được hoàn thành.
Tạp chí M của Le Monde, số ra cho hai ngày cuối tuần 07-08/10/2017, cho biết nhiều quý cô, quý bà tận dụng mấy ngày nghỉ lễ để chăm chút nhan sắc : nâng mũi, nâng má, gọt cằm hay cắt mí mắt…
Ảnh minh họa trong bài viết của báo Le Monde.DR
Tuần báo đưa ra những con số thống kê ấn tượng : khoảng 1,2 triệu ca phẫu thuật thẩm mỹ đã được thực hiện trong năm 2015 ; cả nước có tổng cộng hơn 1.300 viện thẩm mỹ, trong đó có hơn 670 viện là ở Seoul. Với con số trên, Hàn Quốc xếp thứ ba trên thế giới, đứng sau Hoa Kỳ và Brazil.
Đặc biệt là thủ đô Seoul, điểm thu hút đông đảo khách hàng đến từ khắp Châu Á, thậm chí có cả Mỹ và Trung Đông. Bộ Y Tế Hàn Quốc cuối tháng 9/2017 tiết lộ là cứ 100.000 du khách nước ngoài, thì có 35% người Trung Quốc, 13,4% người Mỹ và 7,3% người Nhật đến Hàn Quốc để giải phẫu thẩm mỹ. Nguồn thu từ dịch vụ này đã tăng vọt gấp 4 lần, từ 5,7 tỷ won (tương đương 4,2 triệu euro) năm 2009 lên 221 tỷ won (163 triệu euro) năm 2017.
Tuần báo cho biết là những kỳ nghỉ lễ không chỉ là mùa cao điểm của du lịch mà cho cả lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp. Để có một cuộc hẹn, những người có nhu cầu, đa phần là dân công sở, đều phải đăng ký trước từ hai đến ba tháng. Điều gì đã biến Hàn Quốc thành thiên đường của ngành thẩm mỹ viện ?
Ông Jung Young-Choon, giám đốc viện Hershe, một trong những viện thẩm mỹ nổi tiếng ở Seoul giải thích với tuần báo M : "Trong xã hội Hàn Quốc, có nhan sắc là một lợi thế để kiếm việc làm vàmộtngười chồng tốt. Chính vì những lý do này mà nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại thúc giục con mình dùng đến giải pháp phẫu thuật thẩm mỹ".
Một số người còn mua dịch vụ này để làm quà tặng cho con cái. Vẫn theo giải thích của ông Jung với phóng viên tuần báo : "Tại Hàn Quốc có ba điều quan trọng : giàu có, giáo dục và ngoại hình. Thường giàu có là do nguồn gốc gia đình. Học hành đòi hỏi nhiều nỗ lực. Nhưng với ngoại hình, nếu người ta biết tiết kiệm, họ vẫn có thể làm được điều gì đó, để trở thành người hoàn hảo trong con mắt người khác".
Chính vì những lập luận trên mà giờ đây việc dựa vào các phẫu thuật thẩm mỹ không có gì phải giữ bí mật. Người dân Seoul giờ quá quen thuộc với hình ảnh nhiều người phụ nữ rời thẩm mỹ viện mặt phủ đầy các vết băng bó.
Singapore : Người máy mát-xa
Đến với Singapore, du khách năm nay sẽ được tận hưởng một dịch vụ chữa bệnh khác chắc là không kém phần hấp dẫn : Đi mát xa do người máy thực hiện.
Emma, tên của người máy đã bắt đầu công việc từ đầu tuần này tại một bệnh viện tư ở Singapore. Trên thực tế, Emma chỉ là một cánh tay đòn, ở đầu trục được gắn những thiết bị giống như là lòng bàn tay và ngón cái của bàn tay.
Sản phẩm do công ty khởi nghiệp AiTreat chế tạo. Hệ thống Emma tiến hành mát xa theo kỹ thuật "tui na" của Trung Quốc. Nhờ vào các thiết bị cảm nhận, cũng như là trí thông minh nhân tạo, Emma có thể đo lường mức độ rắn chắc của cơ và gân của bệnh nhân.
Theo AFP, với 68 đô la Singapore (42 euro), các bệnh nhân của bệnh viện chữa trị theo y học cổ truyền của Trung Quốc được tận hưởng một giờ chăm sóc sức khỏe, bao gồm : 30 phút mát xa trên cơ thể tùy theo vị trí chỗ đau bằng người máy, 5 phút do một thầy thuốc thực hiện và 20 phút châm cứu.
Tuy nhiên, bà Calista Lim, một bác sĩ làm việc tại đây lưu ý, rô-bốt không thể thay thế người, mà chỉ giúp giảm áp lực công việc do số lượng bệnh nhân quá đông. AFP lưu ý là việc sử dụng công nghệ cao tại Singapore còn giúp các bệnh viện ở đây đối phó với tình trạng thiếu nhân lực, do việc ngày càng khó kiếm một thầy thuốc mát xa giỏi.
Indonesia : Một ứng dụng để dự báo núi lửa phun trào
Nhìn sang nước láng giềng Indonesia, quốc gia có gần 130 núi lửa vẫn còn đang hoạt động. Một nhóm các nhà khoa học trong năm đã đưa ra một trình ứng dụng để dự báo núi lửa phun trào và những nguy cơ thảm họa thiên nhiên khác nhau trên khắp quần đảo.
Số người sử dụng ứng dụng trên đã tăng vọt từ tháng 9 này, khi nguy cơ núi lửa Agung tại Bali phun trào trở lại. Hơn 10 000 lượt tải ứng dụng về Android và hơn 800 000 người xem trên trang mạng của ứng dụng. Joel Bronner, thông tín viên đài RFI tại Indonesia cho biết thêm thông tin về ứng dụng này :
"Ứng dụng được đặt tên là Magma Indonesia và đây là ứng dụng đầu tiên dành riêng cho núi lửa. Chương trình phần mềm này bao gồm một bản đồ cho thấy rõ các ngọn núi lửa với nhiều mầu sắc khác nhau.
Từ mầu xanh lá cây là "không có gì để báo động" cho đến mầu đỏ, chỉ rõ mức độ cảnh báo cao nhất. Bản đồ này cho phép thấy sơ qua tình trạng núi lửa trên khắp quần đảo Indonesia – nằm rải từ đông sang tây trên gần 5 000 km.
Ví dụ, trên bản đồ này hiện có hai núi lửa mầu đỏ. Một bên là Sinabung, nằm trên đảo Sumatra, đã phun trào vào cuối tháng 9 này. Bên kia là Agung, ở đảo Bali, có nguy cơ hoạt động trở lại làm gần 150 000 người phải đi sơ tán.
Ngoài núi lửa ra, các dữ liệu còn liên quan đến sạt lở đất và những trận động gần đây cũng có sẵn trong ứng dụng. Và nếu có rủi ro sóng thần ư, một lần nữa chương trình này cũng cung cấp thông tin".
Magma Indonesia, một ứng dụng cung cấp thông tin núi lửa và nguy cơ thiên tai khác ở Indonesia.Ảnh chụp màn hình từ trang mạng Magma Indonésia
Ứng dụng Magma Indonesia có thể báo động trực tiếp đến người sử dụng trong trường hợp khẩn cấp mà không cần phải đợi thông tin từ chính quyền. Ý tưởng của ứng dụng này là nhằm tiết kiệm thời gian và thúc đẩy nhanh hơn nữa việc phổ biến thông tin.
Bên cạnh việc báo động khẩn cấp, chương trình phần mềm này còn mang ý nghĩa giáo dục. Các nhà lập trình hy vọng mang đến cho người dân những hiểu biết về thực tế địa chất liên quan đến những chuyển động đang diễn ra trên mặt đất và trong lòng đất.
Trên thực tế, Indonesia trên thực tế là điểm hội tụ của nhiều mảng địa chất, biến quần đảo này thành một vùng có rất nhiều núi lửa, xứng đáng với biệt danh là "vành đai lửa". Cuối cùng, theo Joel Bronner, ứng dụng này còn là một nguồn cung cấp thông tin cập nhật nhất về an toàn cho tất cả những ai thích leo lên một trong vô số núi lửa của Indonesia.
Hoa Kỳ : Donald Trump bị chỉ trích "tứ bề"
Tại Hoa Kỳ, có lẽ chưa có đời tổng thống nào lại bị chỉ trích "tứ bề" như dưới thời ông Donald Trump. Từ việc bị đại diện Bắc Triều Tiên sỉ vả nặng lời trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, bị các cầu thủ bóng bầu dục phản ứng, giờ đến lượt giới âm nhạc cũng bắt đầu lên tiếng phê phán Donald Trump.
Lần này chính là ca sĩ nhạc rap, Eminem. Trong một đoạn video được phát nhân lễ trao giải thưởng của đài truyền hình Mỹ, Eminem, hiện dẫn đầu số đĩa nhạc Rap bán ra tại Mỹ, đã có một chuỗi lời hát không nhạc nhắm vào tổng thống Donald Trump. Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet tường thuật :
"Trước cơn bão, trời thường yên, biển thường lặng", Eminem đã bắt đầu như thế khi nhắc lại những lời lẽ mập mờ của Donald Trump thường hay sử dụng. Đoạn video được quay dưới một hầm để xe. Ca sĩ nhạc rap mặc một áo khoác đen có mũ choàng, dây đeo cổ bằng vàng, và xả cơn giận nhắm vào tổng thống, ‘kẻ tấn công tự sát vẫn có khả năng là một con thiêu thân hạt nhân’.
Eminem còn nhiều lần nhắc lại tranh luận về việc Donald Trump chỉ trích các cầu thủ bóng bầu dục Mỹ. "Người ta chỉ tập trung vào chuyện này thay vì phải nói đến Porto Rico, hay như cải cách về quản lý vũ khí. Tất cả những thảm kịch đó làm ông nhàm chán, ông chỉ thích dấy lên bão tố trên mạng Twitter".
Không những thế, Eminem còn chỉ trích cả lối sống của ông Donald Trump. Anh hỏi : "Ông nói rằng ông giảm thuế cho dân, nhưng ai sẽ trả chi phí cho những chuyến đi quá đáng của ông, những chuyến đi về giữa những tư dinh và sân golf nhà ?".
Cuối những tràng nhạc rap, Eminem mời gọi các fan hâm mộ hãy chọn lựa giữa tổng thống và anh, khi nói rằng : Ủng hộ Trump chính là lằn ranh đỏ !
Đoạn video được nhiều người xem trên các trang mạng xã hội. Eminem nhận được tin nhắn ủng hộ từ các cầu thủ bóng bầu dục. Nhưng các cử tri của Donald Trump cũng có phản ứng nói rằng họ sẽ không nghe ca sĩ nhạc rap nữa".
Minh Anh
Nguồn : RFI tiếng Việt, 14/10/2017
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington – Bình Nhưỡng gia tăng, Bắc Triều Tiên liên tục thử lên tửa, nguyên thủ hai nước có lời qua tiếng lại, đe dọa dùng vũ lực, trong khi mà chỉ còn hơn 100 ngày nữa là khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông, nhiều nước bắt đầu quan ngại về tình hình an ninh trong khu vực.
PyeongChang, nơi sẽ diễn ra Thế Vận Hội mùa đông 2018, Hàn Quốc. Reuters/Kim Hong-Ji/File Photo
Năm 2018 có lẽ sẽ làm một năm đặc biệt cho người dân Hàn Quốc. Thế Vận Hội mùa đông 2018 sẽ diễn ra tại PyeongChang, Hàn Quốc, một thành phố chỉ cách Bắc Triều Tiên có 80km. Nhưng năm 2018 đánh dấu 30 năm thảm kịch hàng không của Hàn Quốc. Hơn 100 người đã thiệt mạng trong một vụ nổ máy bay của hãng Korean Air, mà thủ phạm được cho chính là Bắc Triều Tiên.
Một câu hỏi đang được đặt ra : Liệu rằng sự cố năm 1988 có lặp lại vào năm 2018 hay không ? Pháp là quốc gia đầu tiên bày tỏ lo lắng. Bà bộ trưởng Thế Thao, Laura Flessel tuyên bố Paris sẽ không gởi phái đoàn thể thao đến Pyeong Chang nếu như tình hình an ninh không được bảo đảm. Sau Pháp, lần lượt đến Áo và Đức.
Dù biết rằng xác suất xảy ra xung đột vũ trang là rất thấp, nhưng những căng thẳng trong thời gian qua làm người ta chợt nhớ đến sự cố năm 1988. Vài tháng trước khi Thế Vận Hội Olympic mùa hè khai mạc ở Seoul, chế độ Bình Nhưỡng lúc bấy giờ đã cho nổ tung trên không chiếc Boeing của hãng Korean Air, 115 người thiệt mạng. Mục đích chỉ nhằm gây xáo trộn Thế Vận Hội do đối thủ phía nam tổ chức.
Trước nỗi lo âu ngày càng lớn như vậy, Hàn Quốc có phản ứng ra sao ? Thông tín viên Frederic Ojardias tại Seoul cho biết :
"Điều làm cho Seoul lo sợ nhất là tác động hiệu ứng domino. Do đó, nước này đang tìm cách trấn an bằng mọi giá, nhất là bằng vận động mạng lưới đại sứ của mình. Chính phủ cam kết an ninh sẽ là ưu tiên tuyệt đối, đồng thời nhắc lại rằng Hàn Quốc đã từng tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao quốc tế... dù rằng về mặt kỹ thuật nước này vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Bắc Triều Tiên.
Trong bối cảnh này, sự kiện cặp vận động viên trượt băng nghệ thuật Bắc Triều Tiên dành được vé tham dự Thế Vận Hội mùa đông đã được hoan nghênh và Seoul thở phào nhẹ nhõm. Bài trình diễn của cặp nghệ sĩ Ryom Tae Ok và Kim Ju Sik kết thúc ở hạng thứ sáu trong một cuộc tranh tài ở Đức.
Seoul hy vọng rằng sự kiện này sẽ cho phép hòa giải mối quan hệ với phía bắc và giảm nhẹ các căng thẳng. Hàn Quốc mong muốn là có nhiều vận động viên Bắc Triều Tiên đến PyeongChang. Đối với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In, đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho hòa bình và hòa giải liên Triều".
Giờ đây mọi ánh mắt đều dồn về Bình Nhưỡng. Liệu chế độ Kim Jong Un có đồng ý gởi một phái đoàn thể thao đến quốc gia đối thủ phía nam hay không ? Frédéric Ojardias cho biết tiếp :
"Quả thật là Bắc Triều Tiên đã từng tẩy chay Thế Vận Hội Seoul năm 1988. Và từ nhiều tháng qua nước này phớt lờ chính sách mở rộng vòng tay của Seoul. Đó là nói vậy, nhưng quốc gia phía Bắc đang tìm cách cải thiện hình ảnh của mình qua các hoạt động thể thao.
Bắc Triều Tiên thậm chí đã gởi hai vận động viên trượt băng đi tập huấn ở Canada, dấu hiệu thiện chí tham gia Thế Vận Hội. Hồi trung tuần tháng 9, một thành viên của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế Bắc Triều Tiên đã lên tiếng trấn an rằng : "Tôi nghĩ rằng chính trị là một chuyện và Thế Vận Hội là một chuyện khác".
Về phần mình, Hàn Quốc tỏ ra cẩn trọng : nước này đã tăng cường lực lượng an ninh và thông báo triển khai 5.000 binh sĩ nhân kỳ Thế Vận Hội. Về phía Ủy Ban Thế Vận, họ bảo đảm giám sát chặt chẽ tình hình địa chính trị … và không ngừng nhắc đi nhắc lại là không hề có kế hoạch dự phòng".
"Túi sinh tồn" hốt hàng
Người dân Hàn Quốc từ bao lâu nay đã quá quen thuộc với những hành động khiêu khích từ người anh em phía Bắc. Dù rất giữ bình tĩnh, nhưng tần suất thử tên lửa ngày càng nhiều của Bắc Triều Tiên, cũng như là việc tổng thống Mỹ luôn đe dọa dùng vũ lực cũng bắt đầu làm cho người dân phía Nam cảm thấy lo lắng.
Dấu hiệu rõ nét nhất của sự lo lắng đó chính là việc xuất hiện ngày càng nhiều những mục hướng dẫn cách tồn tại khi xảy ra chiến tranh trên các mạng xã hội. Quả thật khi xảy ra chiến sự, Seoul sẽ là nạn nhân đầu tiên. Một loạt các tình huống khẩn cấp đã được nghĩ đến, nào là không có điện nước và ga, mạng điện thoại không hoạt động, nhà băng đóng cửa vì bị tin tặc…
Trong những tình huống đó, nhiều đoạn video trên Youtube chỉ dẫn cách chuẩn bị "túi sinh tồn" như thế nào. Từ những khẩu phần thức ăn theo kiểu nhà binh, các dụng cụ lọc nước và loại chăn mền dã chiến, cho đến cả việc trang bị mặt nạ chống khí độc, phòng khi xảy ra tấn công bằng vũ khí hóa học…
Do đó, theo một người có tài khoản trên Youtube, "phòng bệnh hơn chữa bệnh" nên mỗi người nên trữ một chiếc túi sinh tồn. Lợi ích đến đâu chưa rõ chỉ biết là các nhà sản xuất cảm thấy phấn khởi do lượng bán ra đã tăng lên kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu, và nhất là giá mỗi chiếc túi bán trên mạng là 170 euro.
Sau K-Pop là K-Fashion ?
Tạm gác một bên nỗi lo chiến tranh. Ai cũng biết phim truyền hình nhiều tập Hàn Quốc đang làm mưa làm gió ở Châu Á. Làn sóng nhạc K-Pop giờ cũng đã lan rộng sang Châu Âu. Giờ làm thế nào phát triển ngành thời trang đang là mối bận tâm lớn của chính phủ Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ "Dự án K-Fashion" do chính quyền Seoul khởi động vào năm 2012, Hàn Quốc năm nay đã gởi đến giới hâm mộ thời trang năm gương mặt nhà tạo mẫu tham dự tuần lễ Fashion Paris diễn ra vào cuối tuần 30/9-01/10.
Khác với quốc gia láng giềng Nhật Bản được thế giới biết đến từ nhiều năm qua, ngành thời trang Hàn Quốc vẫn còn khá khiêm tốn. Nhưng trong khu vực Châu Á, cùng với dàn sao nhạc pop nổi tiếng rất được mến mộ, Seoul những năm gần đây đang dần trở thành chiếc tủ kính thời trang mới.
Người tiêu thụ Trung Quốc thường đến đó tìm kiếm những xu hướng thời trang mới nhất, nhiều hãng thời trang cao cấp lớn như Chanel và Dior bắt đầu bị chao đảo, trong khi mà các dòng hàng mỹ phẩm xứ Hàn đã chinh phục được thế giới.
Xu thế thời trang đường phố đang là thế mạnh của các nhà tạo mẫu Hàn Quốc, như nhận xét của ông Ju Tae Jin, Viện Nghiên Cứu Hàn Quốc về công nghiệp thời trang với AFP : "Người Hàn Quốc bị ám ảnh về thời trang. Các nhà tạo mẫu trẻ, những người lớn lên trong môi trường này, đã một sự sáng tạo trên phương diện streatwear, họ biết cách làm cho chúng trở nên vui mắt".
Đây là những gì năm nhà tạo mẫu Hàn Quốc đã trình làng tại Colette, cửa hàng thời trang đường phố nổi tiếng ở Paris : những bộ streetwear mầu sắc rực rỡ, trẻ trung, lấy cảm hứng từ những tín ngưỡng và mang ý nghĩa dự đoán tương lai.
Canada : Netflix được miễn thuế, chính quyền bị chỉ trích ?
Nhìn sang Châu Mỹ, chính quyền Canada đang phải đối mặt với những lời chỉ trích dữ dội trên các trang mạng xã hội. Từ hôm thứ Năm 28/09, cộng đồng cư dân mạng bàn tán sôi nổi về việc Netflix có phải trả thuế hay không cho chính phủ Canada để phục vụ hàng triệu người thuê bao trong nước.
Thông tín viên Pascale Guéricolas từ Montreal tường thuật vụ việc :
"Mọi việc bắt đầu hôm 28/9 khi bà bộ trưởng Di Sản Canada thông báo chính sách văn hóa mới. Một phần của chính sách này có liên quan đến các dịch vụ văn hóa kỹ thuật số ngày càng đi sâu vào đời sống văn hóa người Canada. Quả thật 41% người dân nước này đều có thuê bao một dạng dịch vụ như vậy, tỷ lệ này tăng lên gần 61% nếu đối tượng thuê bao nằm trong độ tuổi từ 18-34.
Netflix, trụ sở chính nằm ở Hoa Kỳ, chiếm giữ một thị phần trong số nhiều doanh nghiệp khác cho phép xem phim ảnh hay các chương trình truyền hình qua mạng. Điều làm bùng lên tranh cãi đó là việc bà bộ trưởng đã nêu rõ là Netflix sẽ không bị chịu cùng một quy định thuế như các đối thủ Canada. Trái với những gì Liên Hiệp Châu Âu hay Úc đã áp dụng, cơ sở dịch vụ này được miễn nộp thuế số tiền thu được từ các khách hàng thuê bao tại Canada".
Theo giải thích của bà Mélanie Joly, bộ trưởng bộ Di Sản, thì chính phủ không muốn thu thêm thuế từ người dân. Bà cho rằng tầng lớp trung lưu đã trả khá nhiều thuế. Tuy nhiên, chính sách mới này của bà bộ trưởng đã gây bất bình cho những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Netflix, những công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số của Canada cũng như là những hội bảo vệ văn hóa Pháp ngữ và giới văn nghệ sĩ nói chung.
Không những doanh nghiệp Mỹ không trả thuế cho Canada mà còn không đóng góp vào Quỹ Truyền Thông của Canada, vốn được dùng để hỗ trợ các nhà sản xuất phim truyền hình hay các chương trình truyền hình trong nước.
Minh Anh
Khủng hoảng tên lửa Bắc Triều Tiên : Kinh tế Hàn Quốc "chịu vạ lây"
Trong những ngày gần đây, khủng hoảng Bắc Triều Tiên là đề tài nóng bỏng trên các trang báo Pháp. Le Monde số ra hôm nay có bài viết với tiều đề "Kinh tế Hàn Quốc bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tên lửa". Cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên có những tác động, dù là gián tiếp, nhưng lại rất nặng nề, tới nền kinh tế Hàn Quốc.
Năm 2016, hãng Samsung của Hàn Quốc đứng đầu thị trường Trung Quốc về điện thoại thông minh. REUTERS/Baz Ratner
Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, đã áp dụng nhiều biện pháp trả đũa việc Seoul triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Mặc dù THAAD nhằm chống tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh lại coi đó là mối đe dọa tới an ninh của Trung Quốc nên đã phản ứng gay gắt vào hồi tháng 07/2016, khi tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun-hye quyết định triển khai THAAD và vào hồi tháng 03/2017 khi lá chắn THAAD chính thức bắt đầu được lắp đặt ở Seongju - miền trung Hàn Quốc. Hàng hóa Hàn Quốc đã bị tẩy chay dữ dội ở Trung Quốc. Bắc Kinh thậm chí còn cấm công dân Trung Quốc sang Hàn Quốc du lịch.
Theo Hiệp hội Thương mại quốc tế của Hàn Quốc (KITA), xuất khẩu phụ tùng xe hơi của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã sụt giảm 33% trong giai đoạn tháng 03-05/2017. Lượng sản phẩm của hãng Hyundai - Kia bán ra trên thị trường nước láng giềng Trung Quốc cũng sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cả các nhà cung cấp của hãng này. Gần 1.000 công ty Hàn Quốc trong lĩnh vực xe hơi bị tác động ở nhiều mức độ khác nhau.
Ngày 27/07/2017, trong buổi gặp gỡ giữa giới doanh nhân và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc), phó chủ tịch Hyundai-Kia, ông Chung Eui-sun, đã phải nhờ sự giúp đỡ của tổng thống.
Samsung, hãng đứng đầu bảng trên thị trường điện thoại thông minh ở Trung Quốc hồi năm 2016, đã tụt xuống vị trí thứ 8 vào năm nay. Các tập đoàn mỹ phẩm Hàn Quốc cũng chịu chung số phận, trước hết phải kể tới Amore Pacific, công ty sở hữu các nhãn hiệu Sulwhasoo, Mamonde và Innisfree, vốn rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Doanh số bán hàng quý 2/2017 của Amore Pacific đã giảm 17,8%, còn 1410 tỉ won (1,05 tỉ euro). Lợi nhuận của hãng giảm 57,9%, còn 130,4 tỉ won. Lợi nhuận của tập đoàn LG Household&Health Care, một gã khổng lồ khác trong ngành mỹ phẩm Hàn Quốc, cũng giảm 57,9%.
Tập đoàn phân phối thực phẩm Lotte, doanh nghiệp cho chính phủ triển khai THAAD trên phần đất của công ty mình, cũng bị giảm 4,3% doanh số bán hàng quý 1/2017, do không xuất khẩu được nhiều hàng sang Trung Quốc, nhiều chuỗi cửa hàng của Lotte tại Trung Quốc phải đóng cửa. Do du lịch mất mùa, chuỗi cửa hàng miễn thuế của Lotte cũng không còn "ăn nên làm ra" như trước đây.
Theo thống kê hồi tháng 06/2017, du lịch Hàn Quốc cũng giảm 36,2%/năm, do mất tới 66,4% khách hàng Trung Quốc. Thu nhập của ngành du lịch Hàn Quốc đạt mức thấp nhất từ quý 2/2011. Căng thẳng song phương cũng khiến số du khách Hàn Quốc tới Trung Quốc giảm 60% vào quý 2/2017 so với cùng kỳ năm ngoái. Số chuyến bay nối hai quốc gia cũng giảm 44,9%. Bộ Du Lịch Hàn Quốc đã phải chi 80 tỉ won để hỗ trợ các hãng lữ hành.
Le Monde kết luận, trong hoàn cảnh hiện tại, các nhà công nghiệp Hàn Quốc cần tìm cách thích nghi, tập trung phát triển các thị trường như Mỹ, Malaysia và Thái Lan.
Moskva đứng ngoài "cuộc khẩu chiến" Bắc Triều Tiên
Vẫn liên quan tới cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Le Figaro nhận định "Moskva thích đứng bên ngoài vụ lùm xùm và ngả theo Bắc Kinh". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hôm thứ Sáu tuần trước cho biết Nga sẽ không chấp nhận một đất nước Bắc Triều Tiên hạt nhân hóa. Còn cho tới nay, tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn giữ yên lặng trên hồ sơ Bắc Triều tiên, theo Le Figaro, rất có thể chủ nhân điện Krelim đang tìm kiếm một chiến lược mới hoặc một thời điểm thích hợp hơn.
Về quan hệ ngoại giao, Le Figaro cho biết quan hệ Moskva-Bình Nhưỡng chưa bao giờ lấy sự tin tưởng làm nền tảng. Hồi đầu những năm 1960, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã khiến Moskva lo ngại. Điện Kremlin vì thế chọn giải pháp hợp tác để quan sát, thậm chí là kiểm soát các nghiên cứu và và thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Sử gia Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên hồi tưởng : "Lãnh đạo Bắc Triều Tiên chưa bao giờ có thiện cảm đặc biệt với Liên Xô, nhưng làm ra vẻ nhượng bộ để che mắt Liên Xô". Ngày nay, Moskva cũng không giữ vai trò gì đặc biệt với Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên tìm cách giữ mối quan hệ láng giềng tốt với Nga thì cũng chỉ là để giữ đối trọng với Trung Quốc mà thôi. Còn hợp tác kinh tế và quân sự thì vẫn rất hạn chế. Trong khi đó, về lý thuyết, các tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên có tầm bay 3.000 km, có thể bắn tới hồ Baikal, đe dọa một khu vực rộng lớn ở nam Siberia, đặc biệt là Vladivostok, thủ phủ của vùng Viễn Đông của Nga.
Theo Le Figaro, việc kiềm chế của Nga đối với Bắc Triều Tiên có thể được giải thích phần nào bằng quan điểm Nga không chấp nhận bất kỳ hình thức trừng phạt hay cấm vận nào, vì các ý định đánh vào kinh tế đều không chống được các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, mà chỉ tác động tới đời sống người dân.
Và đối với điện Kremlin, hồ sơ Bắc Triều Tiên chỉ đứng ở vị trí thứ ba. Ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga là quan hệ với các nước thành viên Liên Xô cũ, nhất là Ukraine. Thứ hai là Trung Đông, Syria và cuộc chiến chống khủng bố nói chung.
Robot - mối nguy của nhân công giá rẻ
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, báo Les Echos nhận định tại Châu Á, số phận của vài chục triệu nhân công dệt may có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu các robot được đưa vào sử dụng trong ngành công nghiệp may mặc. Trong bài viết "Mối nguy hiểm cho các nhà máy giá rẻ tại các nước kinh tế mới nổi", Les Echos cho biết một công ty khởi nghiệp do hai kỹ sư Ấn Độ thành lập năm 2011 đã chế tạo thành công hai robot có tên gọi "Butler" và "Sorter" để phục vụ trong kho hàng dệt may. Nhiều khách hàng mua hai loại robot trên với số lượng lớn là các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm may mặc trên mạng internet.
Liệu đó có phải một thành công ? Chắc chắn đó là thành công của ngành công nghệ Ấn Độ. Nhưng tại một đất nước mà mỗi tháng phải tiếp nhận thêm khoảng 1 triệu lao động mới thì thành tựu công nghệ robot lại làm dấy lên nỗi sợ mất việc làm. Theo một báo cáo mới của Ngân Hàng Thế Giới, các nước có nền kinh tế mới nổi sẽ phải chịu nhiều hệ quả tiêu cực của công nghệ robot. Gần 70% lao động ở các quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng. Tỉ lệ này là 57% ở các nước thuộc tổ chức Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE.
Năm ngoái, tổ chức Lao Động Quốc Tế cũng đã gióng hồi chuông cảnh báo cho ngành dệt may, theo đó gần 90% nhân công dệt may và da giầy của Việt Nam và Cam Bốt sẽ mất việc vì robot. Trong khi đó, đó lại là lĩnh vực hiện đang sử dụng rất nhiều nhân công. Tại Cam Bốt, Indonésia, Thái Lan và Malaisia, tổng tộng có khoảng 9 triệu người làm việc trong ngành may mặc. Tại các nước Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, con số này là khoảng 27 triệu.
Do đông giá, Châu Âu sẽ thiếu táo
Vụ thu hoạch táo tại Pháp năm nay diễn ra sớm hơn so với thường lệ 15 ngày, do ảnh hưởng của những đợt nắng nóng cao bất thường hồi tháng 06-07. Trong bài viết "Do đông giá, Châu Âu sẽ thiếu táo", Le Figaro cho biết theo những kết luận ban đầu của nông dân, năm nay táo mất mùa. Thời tiết giá lạnh hồi cuối mùa xuân khiến sản lượng táo của Pháp giảm 8%. Còn tại các nước Châu Âu khác, trung bình sản lượng táo giảm tới hơn 22%.
Tuy nhiên, trong cái rủi nước Pháp lại có cái may. Đó là sẽ các nhà sản xuất táo Pháp không bị cạnh tranh bởi các đối thủ Châu Âu. 50% sản lượng táo của Pháp sẽ được xuất ra nước ngoài, với tổng trị giá khoảng 565 triệu euro. Khách hàng lớn nhất ở Châu Âu của các nhà sản xuất táo Pháp là Anh Quốc, Đức và Tây Ban Nha. Pháp cũng mới có thêm một số thị trường xuất khẩu mới là các nước Trung Đông, Việt Nam và Trung Quốc. Điều này bù đắp thiệt hại của nông dân trồng táo Pháp do Nga cách đây 3 năm đã ra lệnh cấm nhập nông sản Châu Âu.
Trang nhất các báo Pháp
"Triều Tiên, Venezuela : Trump khiến cả hành tinh lo ngại" là tít chính trên trang nhất báo Le Monde. Theo tổng hợp của Le Monde, Nga rất lo ngại về nguy cơ xung đột với Bắc Triều Tiên hiện đang ở mức rất cao, bao gồm cả đe dọa sử dụng vũ lực. Còn Trung Quốc vừa kêu gọi Bắc Triều Tiên ngưng thử ngiệm tên lửa, vừa đề nghị Mỹ và Hàn Quốc ngưng các cuộc thao dợt quân sự dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. Trong khi đó, Donald Trump nhắc đi nhắc lại về ý định trả đũa quân sự nếu Bình Nhưỡng bắn tên lửa tới đảo Guam. Về phần mình, Nhật Bản đã triển khai hệ thống lá chắn tên lửa Patriot. Thêm vào đó, tổng thống Mỹ Donald Trump lại mới đe dọa Vanezuela về khả năng can thiệp quân sự vào nước này, một hành động bị Caracas gọi là "điên rồ".
Còn nhật báo Le Figaro đặt câu hỏi : "Triều Tiên, Venezuela : Trump sẵn sàng đi tới đâu ?". Le Figaro nhận định Trump dường như đang chuẩn bị đưa Hoa Kỳ trở lại với vai trò "sen đầm thế giới" và làm khuấy đảo nền ngoại giao toàn cầu.
Nhật báo Libération hướng sự chú ý tới thời sự Hoa Kỳ qua hàng tít ngắn gọn "Charlotteville - Nhà Trắng" trên nền một bức ảnh cỡ lớn chụp cảnh một đám đông người da trắng đang tụ tập, tay giơ cao những cây đuốc rực lửa, miệng đang hô hào. Theo Libération, do ức chế về Donald Trump và những người thân cận của tổng thống, những người thuộc phe cực hữu đã tập trung biểu tình, dẫn tới thảm kịch chết người ở Virginia tối hôm thứ Bảy.
Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm tới thời sự nước Pháp với hàng tựa "Macron đối diện với thách thức về ngân sách". Mặc dù tân tổng thống Pháp có khởi đầu rất tốt và rất chau chuốt hình ảnh trên trường quốc tế, nhưng tỉ lệ được lòng dân của chủ nhân điện Elysée đã giảm mạnh sau 3 tháng cầm quyền, đặc biệt sau chính sách giảm trợ cấp nhà ở và hoãn thay đổi về chính sách thuế như ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Tuy nhiên, theo Les Echos, nguyên thủ Pháp Macron vẫn có rất nhiều lợi thế trong tay, chẳng hạn như đã khéo léo thương lượng với các nghiệp đoàn về cải cách luật lao động. Nền kinh tế Pháp cũng bắt đầu có những dấu hiệu được khôi phục, nhiều việc làm mới được tạo ra và theo dự báo kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, đó cũng là con dao hai lưỡi, vì rất có thể dân chúng sẽ cho rằng trong bối cảnh tích cực như vậy thì một số đề xuất cải cách mạnh tay của tổng thống là không cần thiết.
Thùy Dương
Một làn sóng ngầm mạnh mẽ đang làm thay đổi giới trẻ Hàn Quốc. Ngày càng có nhiều người trẻ không muốn "hy sinh tất cả" để làm việc.
Ảnh chụp màn hình phim truyền hình nhiều tập "Giám đốc Kim" do hãng KBS sản xuất.
Trong nhiều thập niên, người dân Hàn Quốc đã chấp nhận tất cả để tái thiết đất nước, để có được sự phát triển kinh tế "thần kỳ". Hàn Quốc đã đạt được mục tiêu này trong những năm 80-90 của thế kỷ trước. Thế nhưng, giới trẻ Hàn Quốc ngày nay lại không biết đến những năm tháng khó khăn của cha anh, rồi thời kỳ "huy hoàng" với tăng trưởng hai con số.
Giờ đây, họ cảm thấy ngột ngạt : học hành thi cử triền miên, cạnh tranh nghề nghiệp liên tục, tất cả chạy theo tiền tài, địa vị xã hội, rồi những vụ tai tiếng, tham nhũng của giới chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn lớn. Giới trẻ Hàn Quốc không chấp nhận những ràng buộc cứng nhắc, cổ hủ, sự lệ thuộc theo kiểu "gia trưởng" cũng như áp lực ngày càng nặng nề trong công việc.
Theo ghi nhận của thông tín viên Frederic Ojardias tại Seoul, mối quan hệ ở nơi làm việc đang từng bước thay đổi, tại một đất nước mà trong thời gian dài, quan niệm hy sinh tất cả vì công việc đã từng được coi là chuẩn mực.
"Hàn Quốc là một trong số các nước có thời gian làm việc nhiều nhất trên thế giới. Ngày làm việc kéo dài vô tận : một số doanh nghiệp lớn còn có cả nhà nghỉ để nhân viên ngủ qua đêm. Và chuyện làm việc hai ngày cuối tuần không phải là hiếm. Bí quyết của tăng trưởng kinh tế ngoạn mục tại Hàn Quốc từ 5 thập niên qua, đó là nhiều thế hệ đã hy sinh cuộc sống cá nhân cho công việc và mỗi năm họ chỉ có vài ngày nghỉ trong suốt cuộc đời làm việc của mình.
Thế nhưng, thế hệ trẻ Hàn Quốc ngày càng ít chấp nhận kiểu làm việc vô độ, bất kể giờ giấc, những xỉ vả lăng nhục hàng ngày ở nơi làm việc, quan hệ lãnh đạo-nhân viên cứng nhắc hoặc bắt buộc phải đi uống rượu với cấp trên, vào buổi tối, sau khi hết giờ làm việc, khi cấp trên ra lệnh… trong bối cảnh công ăn việc làm ngày càng bấp bênh và nguy cơ bị sa thải bất kỳ lúc nào ngày càng lớn.
Theo một cuộc thăm dò gần đây, 83% giới trẻ Hàn Quốc cảm thấy u uất, suy nhược tinh thần ở nơi làm việc !"
Hạ bệ tư tưởng "Khổng giáo"
Đối với giới trẻ Hàn Quốc, một trong những nguyên nhân tạo ra sự ngột ngạt xã hội, đó là sự thống trị của Khổng giáo. Nhà báo Juliette Morillot, trong bài viết "Giới trẻ Hàn Quốc muốn hạ bệ tư tưởng Khổng giáo", trên trang mạng Asialyst, hồi cuối tháng 12/2016, nhận định hệ tư tưởng này đã kiến tạo và gần như trở thành nền tảng xã hội ở cả hai miền Nam - Bắc Triều Tiên.
Chính quyền quân sự độc tài Park Chung-hee đã dựa vào Khổng giáo để có được sự "ngoan ngoãn" và "tận tụy" của người dân trong công cuộc tái thiết Hàn Quốc. Còn Kim Nhật Thành cũng khai thác tư tưởng này để xây dựng "thiên đường Bắc Triều Tiên".
Khổng giáo được du nhập vào Triều Tiên vào khoảng thế kỷ XIV trong bối cảnh tham nhũng và rối loạn tàn phá vương quốc Cao Ly (Goryeo), áp đặt một cơ cấu xã hội chặt chẽ và cứng nhắc, sự tôn trọng bề trên (con cái đối với bố mẹ, bố mẹ đối với tổ tiên, nhân viên đối với ông chủ, học sinh đối với thầy giáo, nhân dân đối với chính phủ). Đạo Khổng giờ đây trở thành kẻ thù tệ hại nhất của giới trẻ Hàn Quốc. Xin nhắc lại là trong vụ đắm tàu Sewol năm 2014, hầu như các nạn nhân được cứu sống là những học sinh dám không tuân lệnh thầy cô ở lại trong ca-bin trong lúc con tàu đang chìm dần.
Vâng lời một cách mù quáng, hối lộ, đề cao bằng cấp thay vì có đầu óc phê phán và lập luận, nhấn mạnh tầm quan trọng quá mức của đại học, gia đình, tôn giáo, tất cả những điều này đã trở nên lỗi thời. Con thuyền Hàn Quốc đang chìm dần và các quá khứ nặng nề đó không còn là tấm gương để giới trẻ Hàn Quốc tự soi vào và chấp nhận nữa, đối với họ, đó là "Hell Choson – Địa ngục Hàn Quốc".
Vẫn theo Frederic Ojardias, giờ đây sự phản kháng của giới trẻ được thể hiện rõ qua các sinh hoạt văn hóa bình dân, mà hai ví dụ cụ thể nhất đang thịnh hành tại Hàn Quốc là bộ phim truyền hình nhiều tập "Giám đốc Kim" và truyện tranh "Dị ứng nơi làm việc".
"Ngày càng có nhiều bộ phim truyền hình nhiều tập quan tâm đến chủ đề này. Bộ phim mới nhất là "Giám đốc Kim", trên đài truyền hình quốc gia KBS : đó là câu chuyện một nhân viên có ý đồ đánh lừa công ty của mình để sau đó sang Đan Mạch sống, nơi có Nhà nước phúc lợi !
Ở đây, người ta ước mơ có được những điều kiện làm việc như ở châu Âu và rất nhiều người Hàn Quốc tìm cách ra nước ngoài làm việc.
Truyện tranh rất ngộ "Dị ứng nơi làm việc" đã tái bản tới 6 lần kể từ khi được xuất bản lần đầu cách nay hai tháng. Trong truyện, người ta thấy những nhân viên trẻ bề ngoài tươi cười, năng động nhưng trên thực tế, họ chỉ mơ ước được nghỉ việc và nói ra bốn sự thật cho các ông chủ ghê rợn của họ.
Thực ra, những câu chuyện mỉa mai về những trái khoái trong đời sống doanh nghiệp thì vẫn có, nhưng trong truyện tranh này, thì chính bản chất của việc làm bị chỉ trích và được trình bày như một sự phi lý và tha hóa. Tờ Thời Báo Hàn Quốc, trong một bài viết dài về chủ đề này, cũng ghi nhận là có rất nhiều cuốn sách có chủ đề hướng dẫn làm thế nào để từ chức, thôi việc".
Giấc mơ trời Âu
Bộ phim ăn khách "Giám đốc Kim" chỉ là hư cấu nhưng phản ánh phần nào thực tại xã hội Hàn Quốc. Theo một số thẩm định, thì có tới 90% giới trẻ Hàn Quốc mong muốn xuất ngoại, ra nước ngoài làm việc và sinh sống. Rất nhiều người đã sang châu Âu, châu Mỹ hoặc Úc. Họ chấp nhận các công việc không liên quan gì đến đào tạo ban đầu và bằng cấp của mình, để có được giấy phép làm việc, có được môi trường bình yên cho gia đình.
Cô Ikja, hai bằng tiến sĩ, lịch sử và kinh tế, được trang mạng Asialyst trích dẫn, cho biết : "Tôi đã sang Đan Mạch để sống. Tại Hàn Quốc, sau khi có bằng tiến sĩ, tôi đã mất hai năm không có việc làm và cuối cùng thì được việc làm thư ký. Cái nhìn khinh miệt của người khác nặng nề đến nỗi tôi phát ốm mỗi khi nghĩ đến chuyện phải ra đường.
Tại Đan Mạch, khi ra phố, tôi có thể mặc quần jean, không cần trang điểm. Tôi không muốn phẫu thuật thẩm mỹ cho dù bố mẹ tôi khuyên nhủ rằng nên làm để kiếm được tấm chồng và việc làm. Tại đây, ở Copenhague, tôi làm việc trong một cửa hàng bán bánh. Lương tôi thấp. Nhưng ở đây, tôi thực sự được sống cuộc sống của mình, tôi có thể hít thở được. Ở Hàn Quốc, tôi có cảm giác ngày càng bị nghẹt thở".
Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ tại Hàn Quốc đã tăng liên tục trong nhiều năm qua. Theo Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế - OCDE, trong năm 2016, con số thất nghiệp của giới trẻ Hàn Quốc là 10,7%, cao hơn so với năm 2015 là 10,5%. Đây cũng là mối đau đầu của chính phủ Hàn Quốc. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, một trong những biện pháp giảm bớt thất nghiệp của giới trẻ là lĩnh vực công tăng cường tuyển dụng. Thế nhưng, biện pháp này vẫn không "hấp dẫn" đối với giới trẻ.
Vẫn theo Frédéric Ojardias, một cuộc "cách mạng thầm lặng" của giới trẻ Hàn Quốc đang diễn ra. Họ muốn đoạn tuyệt với quá khứ và cuộc "cách mạng" này trong dài hạn có thể làm lay chuyển thị trường lao động Hàn Quốc.
"Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung hay Hyundai vẫn là những doanh nghiệp mà giới trẻ có bằng cấp tìm cách xin vào nhiều nhất, do mức lương cao cũng như sự hãnh diện trong xã hội khi làm việc cho những tập đoàn này. Thế nhưng, đồng thời, người ta cũng nhận thấy ngày càng có nhiều người trẻ từ chối lựa chọn con đường nghề nghiệp như vậy.
Ví dụ, sự từ chối này được thể hiện rõ qua số lượng các công ty khởi nghiệp gia tăng một cách ngoạn mục từ vài năm qua : tự lập công ty trở thành một xu hướng thời thượng, trái ngược với trước đây, sự lựa chọn này vốn bị xã hội khinh dễ, coi thường. Rất nhiều người trẻ có bằng cấp muốn tự mình làm chủ công ty của mình.
Một nữ chủ nhân công ty vừa và nhỏ gần đây cho biết bà đã tiếp nhiều người trẻ đến xin việc, đó là những người từ chối trở thành những "chiến binh cho các tập đoàn lớn", họ quan tâm đến chất lượng công việc, muốn được giới chủ lắng nghe và muốn có một sự cân bằng giữa đời sống riêng tư và công việc. Đó là những điều không tồn tại cách nay 10 năm. Có thể nói, một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra và làm lay chuyển môi trường việc làm tại Hàn Quốc".
Minh Anh