Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/08/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Bắc Triều Tiên : Kinh tế Hàn Quốc "chịu vạ lây"

RFI tiếng Việt

Khủng hoảng tên lửa Bắc Triều Tiên : Kinh tế Hàn Quốc "chịu vạ lây"

Trong những ngày gần đây, khủng hoảng Bắc Triều Tiên là đề tài nóng bỏng trên các trang báo Pháp. Le Monde số ra hôm nay có bài viết với tiều đề "Kinh tế Hàn Quốc bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tên lửa". Cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên có những tác động, dù là gián tiếp, nhưng lại rất nặng nề, tới nền kinh tế Hàn Quốc.

han1

Năm 2016, hãng Samsung của Hàn Quốc đứng đầu thị trường Trung Quốc về điện thoại thông minh. REUTERS/Baz Ratner

Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, đã áp dụng nhiều biện pháp trả đũa việc Seoul triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Mặc dù THAAD nhằm chống tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh lại coi đó là mối đe dọa tới an ninh của Trung Quốc nên đã phản ứng gay gắt vào hồi tháng 07/2016, khi tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun-hye quyết định triển khai THAAD và vào hồi tháng 03/2017 khi lá chắn THAAD chính thức bắt đầu được lắp đặt ở Seongju - miền trung Hàn Quốc. Hàng hóa Hàn Quốc đã bị tẩy chay dữ dội ở Trung Quốc. Bắc Kinh thậm chí còn cấm công dân Trung Quốc sang Hàn Quốc du lịch.

Theo Hiệp hội Thương mại quốc tế của Hàn Quốc (KITA), xuất khẩu phụ tùng xe hơi của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã sụt giảm 33% trong giai đoạn tháng 03-05/2017. Lượng sản phẩm của hãng Hyundai - Kia bán ra trên thị trường nước láng giềng Trung Quốc cũng sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cả các nhà cung cấp của hãng này. Gần 1.000 công ty Hàn Quốc trong lĩnh vực xe hơi bị tác động ở nhiều mức độ khác nhau.

Ngày 27/07/2017, trong buổi gặp gỡ giữa giới doanh nhân và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc), phó chủ tịch Hyundai-Kia, ông Chung Eui-sun, đã phải nhờ sự giúp đỡ của tổng thống.

Samsung, hãng đứng đầu bảng trên thị trường điện thoại thông minh ở Trung Quốc hồi năm 2016, đã tụt xuống vị trí thứ 8 vào năm nay. Các tập đoàn mỹ phẩm Hàn Quốc cũng chịu chung số phận, trước hết phải kể tới Amore Pacific, công ty sở hữu các nhãn hiệu Sulwhasoo, Mamonde và Innisfree, vốn rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Doanh số bán hàng quý 2/2017 của Amore Pacific đã giảm 17,8%, còn 1410 tỉ won (1,05 tỉ euro). Lợi nhuận của hãng giảm 57,9%, còn 130,4 tỉ won. Lợi nhuận của tập đoàn LG Household&Health Care, một gã khổng lồ khác trong ngành mỹ phẩm Hàn Quốc, cũng giảm 57,9%.

Tập đoàn phân phối thực phẩm Lotte, doanh nghiệp cho chính phủ triển khai THAAD trên phần đất của công ty mình, cũng bị giảm 4,3% doanh số bán hàng quý 1/2017, do không xuất khẩu được nhiều hàng sang Trung Quốc, nhiều chuỗi cửa hàng của Lotte tại Trung Quốc phải đóng cửa. Do du lịch mất mùa, chuỗi cửa hàng miễn thuế của Lotte cũng không còn "ăn nên làm ra" như trước đây.

Theo thống kê hồi tháng 06/2017, du lịch Hàn Quốc cũng giảm 36,2%/năm, do mất tới 66,4% khách hàng Trung Quốc. Thu nhập của ngành du lịch Hàn Quốc đạt mức thấp nhất từ quý 2/2011. Căng thẳng song phương cũng khiến số du khách Hàn Quốc tới Trung Quốc giảm 60% vào quý 2/2017 so với cùng kỳ năm ngoái. Số chuyến bay nối hai quốc gia cũng giảm 44,9%. Bộ Du Lịch Hàn Quốc đã phải chi 80 tỉ won để hỗ trợ các hãng lữ hành.

Le Monde kết luận, trong hoàn cảnh hiện tại, các nhà công nghiệp Hàn Quốc cần tìm cách thích nghi, tập trung phát triển các thị trường như Mỹ, Malaysia và Thái Lan.

Moskva đứng ngoài "cuộc khẩu chiến" Bắc Triều Tiên

Vẫn liên quan tới cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Le Figaro nhận định "Moskva thích đứng bên ngoài vụ lùm xùm và ngả theo Bắc Kinh". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hôm thứ Sáu tuần trước cho biết Nga sẽ không chấp nhận một đất nước Bắc Triều Tiên hạt nhân hóa. Còn cho tới nay, tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn giữ yên lặng trên hồ sơ Bắc Triều tiên, theo Le Figaro, rất có thể chủ nhân điện Krelim đang tìm kiếm một chiến lược mới hoặc một thời điểm thích hợp hơn.

Về quan hệ ngoại giao, Le Figaro cho biết quan hệ Moskva-Bình Nhưỡng chưa bao giờ lấy sự tin tưởng làm nền tảng. Hồi đầu những năm 1960, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã khiến Moskva lo ngại. Điện Kremlin vì thế chọn giải pháp hợp tác để quan sát, thậm chí là kiểm soát các nghiên cứu và và thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Sử gia Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên hồi tưởng : "Lãnh đạo Bắc Triều Tiên chưa bao giờ có thiện cảm đặc biệt với Liên Xô, nhưng làm ra vẻ nhượng bộ để che mắt Liên Xô". Ngày nay, Moskva cũng không giữ vai trò gì đặc biệt với Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên tìm cách giữ mối quan hệ láng giềng tốt với Nga thì cũng chỉ là để giữ đối trọng với Trung Quốc mà thôi. Còn hợp tác kinh tế và quân sự thì vẫn rất hạn chế. Trong khi đó, về lý thuyết, các tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên có tầm bay 3.000 km, có thể bắn tới hồ Baikal, đe dọa một khu vực rộng lớn ở nam Siberia, đặc biệt là Vladivostok, thủ phủ của vùng Viễn Đông của Nga.

Theo Le Figaro, việc kiềm chế của Nga đối với Bắc Triều Tiên có thể được giải thích phần nào bằng quan điểm Nga không chấp nhận bất kỳ hình thức trừng phạt hay cấm vận nào, vì các ý định đánh vào kinh tế đều không chống được các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, mà chỉ tác động tới đời sống người dân.

Và đối với điện Kremlin, hồ sơ Bắc Triều Tiên chỉ đứng ở vị trí thứ ba. Ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga là quan hệ với các nước thành viên Liên Xô cũ, nhất là Ukraine. Thứ hai là Trung Đông, Syria và cuộc chiến chống khủng bố nói chung.

Robot - mối nguy của nhân công giá rẻ

Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, báo Les Echos nhận định tại Châu Á, số phận của vài chục triệu nhân công dệt may có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu các robot được đưa vào sử dụng trong ngành công nghiệp may mặc. Trong bài viết "Mối nguy hiểm cho các nhà máy giá rẻ tại các nước kinh tế mới nổi", Les Echos cho biết một công ty khởi nghiệp do hai kỹ sư Ấn Độ thành lập năm 2011 đã chế tạo thành công hai robot có tên gọi "Butler" và "Sorter" để phục vụ trong kho hàng dệt may. Nhiều khách hàng mua hai loại robot trên với số lượng lớn là các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm may mặc trên mạng internet.

Liệu đó có phải một thành công ? Chắc chắn đó là thành công của ngành công nghệ Ấn Độ. Nhưng tại một đất nước mà mỗi tháng phải tiếp nhận thêm khoảng 1 triệu lao động mới thì thành tựu công nghệ robot lại làm dấy lên nỗi sợ mất việc làm. Theo một báo cáo mới của Ngân Hàng Thế Giới, các nước có nền kinh tế mới nổi sẽ phải chịu nhiều hệ quả tiêu cực của công nghệ robot. Gần 70% lao động ở các quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng. Tỉ lệ này là 57% ở các nước thuộc tổ chức Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE.

Năm ngoái, tổ chức Lao Động Quốc Tế cũng đã gióng hồi chuông cảnh báo cho ngành dệt may, theo đó gần 90% nhân công dệt may và da giầy của Việt Nam và Cam Bốt sẽ mất việc vì robot. Trong khi đó, đó lại là lĩnh vực hiện đang sử dụng rất nhiều nhân công. Tại Cam Bốt, Indonésia, Thái Lan và Malaisia, tổng tộng có khoảng 9 triệu người làm việc trong ngành may mặc. Tại các nước Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, con số này là khoảng 27 triệu.

Do đông giá, Châu Âu sẽ thiếu táo

Vụ thu hoạch táo tại Pháp năm nay diễn ra sớm hơn so với thường lệ 15 ngày, do ảnh hưởng của những đợt nắng nóng cao bất thường hồi tháng 06-07. Trong bài viết "Do đông giá, Châu Âu sẽ thiếu táo", Le Figaro cho biết theo những kết luận ban đầu của nông dân, năm nay táo mất mùa. Thời tiết giá lạnh hồi cuối mùa xuân khiến sản lượng táo của Pháp giảm 8%. Còn tại các nước Châu Âu khác, trung bình sản lượng táo giảm tới hơn 22%.

Tuy nhiên, trong cái rủi nước Pháp lại có cái may. Đó là sẽ các nhà sản xuất táo Pháp không bị cạnh tranh bởi các đối thủ Châu Âu. 50% sản lượng táo của Pháp sẽ được xuất ra nước ngoài, với tổng trị giá khoảng 565 triệu euro. Khách hàng lớn nhất ở Châu Âu của các nhà sản xuất táo Pháp là Anh Quốc, Đức và Tây Ban Nha. Pháp cũng mới có thêm một số thị trường xuất khẩu mới là các nước Trung Đông, Việt Nam và Trung Quốc. Điều này bù đắp thiệt hại của nông dân trồng táo Pháp do Nga cách đây 3 năm đã ra lệnh cấm nhập nông sản Châu Âu.

Trang nhất các báo Pháp

"Triều Tiên, Venezuela : Trump khiến cả hành tinh lo ngại" là tít chính trên trang nhất báo Le Monde. Theo tổng hợp của Le Monde, Nga rất lo ngại về nguy cơ xung đột với Bắc Triều Tiên hiện đang ở mức rất cao, bao gồm cả đe dọa sử dụng vũ lực. Còn Trung Quốc vừa kêu gọi Bắc Triều Tiên ngưng thử ngiệm tên lửa, vừa đề nghị Mỹ và Hàn Quốc ngưng các cuộc thao dợt quân sự dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. Trong khi đó, Donald Trump nhắc đi nhắc lại về ý định trả đũa quân sự nếu Bình Nhưỡng bắn tên lửa tới đảo Guam. Về phần mình, Nhật Bản đã triển khai hệ thống lá chắn tên lửa Patriot. Thêm vào đó, tổng thống Mỹ Donald Trump lại mới đe dọa Vanezuela về khả năng can thiệp quân sự vào nước này, một hành động bị Caracas gọi là "điên rồ".

Còn nhật báo Le Figaro đặt câu hỏi : "Triều Tiên, Venezuela : Trump sẵn sàng đi tới đâu ?". Le Figaro nhận định Trump dường như đang chuẩn bị đưa Hoa Kỳ trở lại với vai trò "sen đầm thế giới" và làm khuấy đảo nền ngoại giao toàn cầu.

Nhật báo Libération hướng sự chú ý tới thời sự Hoa Kỳ qua hàng tít ngắn gọn "Charlotteville - Nhà Trắng" trên nền một bức ảnh cỡ lớn chụp cảnh một đám đông người da trắng đang tụ tập, tay giơ cao những cây đuốc rực lửa, miệng đang hô hào. Theo Libération, do ức chế về Donald Trump và những người thân cận của tổng thống, những người thuộc phe cực hữu đã tập trung biểu tình, dẫn tới thảm kịch chết người ở Virginia tối hôm thứ Bảy.

Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm tới thời sự nước Pháp với hàng tựa "Macron đối diện với thách thức về ngân sách". Mặc dù tân tổng thống Pháp có khởi đầu rất tốt và rất chau chuốt hình ảnh trên trường quốc tế, nhưng tỉ lệ được lòng dân của chủ nhân điện Elysée đã giảm mạnh sau 3 tháng cầm quyền, đặc biệt sau chính sách giảm trợ cấp nhà ở và hoãn thay đổi về chính sách thuế như ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Tuy nhiên, theo Les Echos, nguyên thủ Pháp Macron vẫn có rất nhiều lợi thế trong tay, chẳng hạn như đã khéo léo thương lượng với các nghiệp đoàn về cải cách luật lao động. Nền kinh tế Pháp cũng bắt đầu có những dấu hiệu được khôi phục, nhiều việc làm mới được tạo ra và theo dự báo kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, đó cũng là con dao hai lưỡi, vì rất có thể dân chúng sẽ cho rằng trong bối cảnh tích cực như vậy thì một số đề xuất cải cách mạnh tay của tổng thống là không cần thiết.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 788 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)