Mỹ, Nhật, Úc kêu gọi COC có tính ràng buộc pháp lý (VOA, 07/08/2017)
Mỹ, Nhật và Úc hôm 7/8 thúc giục các nước Đông Nam Á và Trung Quốc bảo đảm rằng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà họ cam kết soạn ra sẽ có tính ràng buộc pháp lý, theo tin của Reuters phát đi từ Manila.
Ngoại trưởng các nước chụp ảnh trước Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á ở Philippines, 7/8/2017
Tin cho hay ba cường quốc cũng nói họ mạnh mẽ phản đối những hành động cưỡng ép đơn phương.
Mỹ, Nhật và Úc không phải là những bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nơi có tranh chấp giữa 5 bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Tuy nhiên, Mỹ, Nhật và Úc lâu nay vẫn có nhiều tuyên bố về vùng biển với lập luận rằng họ có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở đó.
Ngoại trưởng 3 nước kể trên đã ra tuyên bố sau một cuộc họp ở Manila nói rằng khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cần thiết lập một bộ quy định "có tính ràng buộc pháp lý, có ý nghĩa, có hiệu lực, và nhất quán với luật quốc tế".
Hôm 6/8, các ngoại trưởng của ASEAN và Trung Quốc đã thông qua văn kiện khung liên quan đến việc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC).
Văn kiện khung này nêu khái quát về cách thức Trung Quốc và ASEAN đàm phán về một thỏa thuận chính thức. Việc đàm phán có thể bắt đầu trong phần còn lại của năm nay.
Chuyên gia về Biển Đông Hoàng Việt nói với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh về ý nghĩa của việc 3 cường quốc đề nghị COC phải có tính pháp lý :
"Ba quốc gia mà họ lên tiếng thể hiện cái điều là muốn hay không muốn các cường quốc vẫn phải quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Việc phát biểu đó cho thấy, một là Hoa Kỳ cũng phải quan tâm bởi vì nó gắn liền lợi ích Hoa Kỳ ở đó. Thứ hai là kể cả Australia, mặc dù không phải là một bên tranh chấp Biển Đông, nhưng Australia cũng là một quốc gia quan tâm vì nó cũng ảnh hưởng rất nhiều lợi ích của Australia trong đó. Đối với Nhật Bản thì đương nhiên. Nhật Bản có những lo lắng đặc biệt, bởi vì căng thẳng trên Biển Đông sẽ tác động rất nhiều đến Biển Hoa Đông cũng như mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc".
Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định khi các cường quốc lên tiếng và nếu đi kèm theo đó là những hành động gây sức ép, điều đó sẽ giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán COC nhanh hơn.
Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý rằng việc chính quyền của Tổng thống Trump đang có những xáo trộn nội bộ, và việc chính quyền Mỹ chưa đưa ra chính sách đối ngoại rõ ràng làm cho khó dự báo về tiến trình đàm phán COC.
Trong khối ASEAN, một số nước trong đó có Việt Nam cũng muốn COC có tính ràng buộc pháp lý, khả dĩ thực thi và có một cơ chế giải quyết tranh chấp.
Một số chuyên gia nước ngoài nói Trung Quốc có thể không chấp nhận điều đó. Họ cũng nhận xét rằng việc Trung Quốc đồng ý đàm phán về COC có thể là một chiến thuật câu giờ để họ tiếp tục xây đảo và quân sự hóa ở Biển Đông.
Tuy nhiên, chuyên gia Hoàng Việt đưa ra ý kiến ngược lại :
"Tôi nghĩ Trung Quốc không câu giờ. Bởi vì Trung Quốc trước đây ở thế yếu, nhưng bây giờ Trung Quốc đã chuyển sang thế mạnh. Nghiên cứu về hành vi của Trung Quốc cho chúng ta thấy là sau khi Trung Quốc có một thế tương đối vững thì Trung Quốc sẽ xuống nước để Trung Quốc sẽ ký kết. Để làm gì ? Một mặt, Trung Quốc tỏ ra rằng Trung Quốc luôn luôn có thiện chí. Thứ hai, Trung Quốc muốn dựa vào đấy để ngăn cản các quốc gia khác bồi lấp, xây đảo nhân tạo như của mình".
Bản tin Reuters ngày 7/8 tường thuật rằng Jay Batongbacal, một chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Tổng hợp Philippines, nói với kênh tin ANC rằng việc các bên thông qua văn kiện khung đã trao cho Trung Quốc lợi thế chiến lược vô cùng to lớn, đó là họ sẽ có thể quyết định khi nào tiến trình đàm phán có thể bắt đầu.
Lúc này, cùng với lời kêu gọi COC phải có tính ràng buộc pháp lý, ba nước Mỹ, Nhật và Úc cung thúc giục các bên kiềm chế, không bồi lấp, xây dựng các tiền đồn và quân sự hóa các thực thế có tranh chấp, ý nói đến việc Trung Quốc đã mở rộng khả năng phòng thủ ở Đá Vành Khăn, Chữ Thập và Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 6/8 nói điều đó phụ thuộc vào tình hình có ổn định hay không có sự can thiệp lớn từ bên ngoài vào hay không.
*****************
ASEAN, Trung Quốc thông qua khung quy tắc ứng xử trên Biển Đông (VOA, 06/08/2017)
Các ngoại trưởng Đông Nam Á và Trung Quốc hôm 6/8 thông qua văn kiện khung về đàm phán một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Họ ca ngợi động thái này là một tiến bộ, nhưng những người chỉ trích cho rằng đây là một chiến thuật câu giờ của Trung Quốc để nước này củng cố sức mạnh trên biển của mình.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp báo chí khi dự hội nghị với khối ASEAN, 6/8/2017
Văn kiện khung nhắm đến việc thúc đẩy Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, gọi tắc là DOC, đã được đưa ra hồi năm 2002.
Hầu như các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều lờ đi DOC, nhất là Trung Quốc. Nước này đã xây 7 đảo nhân tạo ở vùng biển có tranh chấp.
Các bên nói văn kiện khung chỉ là một bản khái quát về cách thức bộ quy tắc ứng xử sẽ được thiết lập. Nhưng những người chỉ trích nói việc không nêu khái quát về mục tiêu ban đầu, sự cần thiết phải làm cho bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý và có thể cưỡng hành, hay có một cơ chế giải quyết tranh chấp là những điều gây nghi ngờ về mức độ hiệu lực của bộ quy tắc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói việc thông qua văn kiện khung tạo ra cơ sở vững chắc để đàm phán có thể bắt đầu trong năm nay.
Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền về toàn bộ hoặc từng phần Biển Đông.
Một số nhà ngoại giao và những người chỉ trích tin rằng việc Trung Quốc đột nhiên quan tâm đến bộ quy tắc sau 15 năm trì hoãn là có mục đích kéo dài quá trình đàm phán để câu giờ cho việc hoàn thành những mục tiêu chiến lược của họ ở Biển Đông.
Một số người cho rằng bộ quy tắc được thúc đẩy vào lúc Mỹ, nước lâu nay được coi là có vai trò quan trọng trong việc ngăn cản những đòi hỏi hàng hải của Trung Quốc, đang bị phân tán vì các vấn đề khác và không đưa ra quan điểm rõ ràng về chiến lược an ninh của Mỹ ở Châu Á, vì vậy làm suy yếu vị thế đàm phán của ASEAN.
Văn kiện khung chưa được công bố, nhưng một văn bản dài 2 trang mà Reuters tiếp cận được cho thấy nó khá khái quát và có nhiều điểm dẫn đến bất đồng.
Ví dụ, nó kêu gọi các bên cam kết với "các mục đích và nguyên tắc" của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nhưng không quy định việc tuân thủ.
Một số nước ASEAN, kể cả Việt Nam và Philippines, lâu nay nói họ vẫn muốn làm cho bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý, điều mà theo các chuyên gia sẽ ít có cơ hội được Trung Quốc chấp nhận.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói ông không cố tiên liệu về nội dung bộ quy tắc, nhưng ông cũng nói bất cứ điều gì được ký kết cũng phải được tuân theo.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao nước chủ nhà Philippines Robespierre Bolivar nói việc thông qua văn kiện khung là biểu tượng của cam kết tạo ra một bộ quy tắc "thực chất và có hiệu lực".
(theo Reuters)