Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/08/2017

Biển Đông : Việt Nam mất uy tín và thiếu phương tiện

Tổng hợp

Biển Đông : Tàu khoan dầu nước ngoài rời Việt Nam do căng thẳng với Trung Quốc (RFI, 14/08/2017)

Theo hãng tin Reuters hôm 14/08/2017, một tàu khoan dầu của nước ngoài đã rời khỏi vùng biển Việt Nam do căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc về thăm dò dầu khí tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

bd1

Ảnh minh họa : Bản đồ các lô dầu khí ngoài khơi Việt Nam được PetroVietnam công bố tháng 06/2012. DR

Chiếc tàu Deepsea Metro I đã đình chỉ việc khoan thăm dò dầu khí tại lô 136/3 của Việt Nam vào tháng trước do áp lực của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng lô dầu khí đó, mà Việt Nam đã cấp phép cho tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha, nằm chồng lấn lên khu vực "đường lưỡi bò", vùng biển mà họ khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.

Theo Reuters, chiếc tàu Deepsea Metro I, do công ty Odfjell Drilling của Na Uy sử dụng, đã đến khu vực ngoài khơi cảng Labuan của Malaysia vào sáng nay. Lần cuối cùng mà chiếc tàu này được nhìn thấy tại khu vực khoan dầu là vào ngày 30/07.

Mặc dù đã bỏ 27 triệu đôla vào lô 136/03, công ty Repsol vào tháng trước đã thông báo ngưng khoan thăm dò dầu khí tại lô này. Tham gia vào liên doanh khai thác lô 136/3 còn có tập đoàn PetroVietnam và công ty Mubadala Development của Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập.

Theo Reuters, chính Trung Quốc đã yêu cầu đình chỉ việc khoan thăm dò tại lô này và một nguồn tin ngoại giao tiết lộ rằng quyết định ngưng khoan dầu khí đã được đưa ra sau khi một phái đoàn Việt Nam viếng thăm Bắc Kinh.

Cho tới nay, Hà Nội chưa hề xác nhận đã bắt đầu khoan thăm dò tại lô 136/3, cũng như đã ngưng khoan tại lô này. Tuy nhiên, vào tháng trước, phát ngôn viên bộ Ngoại giao đã khẳng định quyền thăm dò dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông, tuyên bố rằng tất cả các hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam "được tiến hành trong khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam" và hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha là "hoạt động kinh tế bình thường".

Thanh Phương

**********************

Tàu khoan nước ngoài đã rời Việt Nam (RFA, 14/08/2017)

Chiếc tàu khoan thăm dò Deep Sea Metro I đến vùng nước thuộc cảng Labuan, Malaysia trong ngày 14 tháng 8 sau khi rời vùng biển Việt Nam.

bd2

Tàu khoan thăm dò Deep Sea Metro I đến vùng nước thuộc cảng Labuan, Malaysia trong ngày 14 tháng 8 sau khi rời vùng biển Việt Nam

Hãng tin Reuters loan tin dẫn dữ liệu tàu biểncho biết tàu khoan thăm dò Deep Sea Metro I sau khi rời Việt Nam vào ngày 14 tháng 8 đã đến vùng biển thuộc Cảng Labuan, Malaysia. Lần cuối cùng chiếc tàu được báo cáo ở khu vực khoan thăm dò tại vùng biển Việt Nam là ngày 30 tháng 7.

Vào tháng qua Hãng Repsol của Tây Ban Nha cho biết hoạt động khoan thăm dò phải ngưng lại sau khi công ty này đã chi ra 27 triệu đô la tại giếng khoan. Việc ngưng khoan thăm dò là do áp lực từ phía Trung Quốc.

Tàu Deep Sea Metro I được thuê thực hiện hoạt động khoan thăm dò tại lô 136/3 của Việt Nam. Lô này nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra để tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Theo Reuters thì một nguồn tin ngoại giao cho biết quyết định của Hà Nội cho ngưng khoan thăm dò tại lô 136/3 được đưa ra sau khi có một phái đoàn của Việt Nam sang làm việc tại thủ đô Trung Quốc.

Chính quyền Hà Nội chưa bao giờ xác nhận về hoạt động khoan thăm dò tại lô 136/3 bắt đầu khi nào và bị ngưng ra làm sao ; tuy nhiên vào tháng qua khi được hỏi về vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hà Nội lên tiếng cho rằng Việt Nam có quyền khai thác dầu khí trong vùng thuộc chủ quyền và quyền tài phàn của nước này.

Việt Nam được cho biết gần đây trở thành quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Tin nói chính Hà Nội yêu cầu phải đưa vào tuyên bố chung cuộc họp ngoại trưởng lần thứ 50 tại Manila, Philippines vừa qua quan ngại về hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc, Đài Loan và 4 quốc gia khác thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á- ASEAN có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên và là tuyến đường biển quan trọng này. Bốn nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

*********************

Kiểm ngư Việt Nam rất thiếu kinh phí (RFA, 14/08/2017)

Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường, vào ngày 14 tháng 8 phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường Vụ Quốc hội là lực lượng kiểm ngư Việt Nam rất thiếu kinh phí.

bd3

Tàu Kiểm ngư Việt Nam - Courtesy Báo Giao Thông

Ông Nguyễn Xuân Cường thừa nhận tàu kiểm ngư Việt Nam hiện nay là do các nước khác giúp. Người đứng đầu ngành nông nghiệp-phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng chưa thể tổng kết hoạt động của kiểm ngư Việt Nam vì lý do lâu nay không có kinh phí.

Tuy nhiên, những ý kiến phản biện khác tại Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam nói là Lực lượng Kiểm Ngư Việt Nam đã đi vào hoạt động từ năm 2014 ; đến nay đã 3 năm nên có thể tổng kết thời gian qua được rồi.

Hiện giới chức thẩm quyền tại Việt Nam vẫn có ý kiến khác nhau về phương án trình chính phủ là có nên thành lập kiểm ngư ở tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước, hay chỉ thành lập ở một số tỉnh, thành phố ven biển có tính đặc thù thôi.

Ông Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho biết diện tích hoạt động của kiểm ngư hơn 1 triệu kilomet vuông trên biển nên cần chính sách, giải pháp giúp nâng cao năng lực cho lực lượng này trên vùng biển của Việt Nam thông qua Luật Thủy Sản.

Quay lại trang chủ
Read 802 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)