Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

15/08/2017

Hăm dọa của Bắc Triều Tiên chỉ là lưỡi gươm chém nước

RFI tiếng Việt

Kim Jong-Un "tạm ngưng" kế hoạch bắn tên lửa đến đảo Guam (RFI, 15/08/2017)

Hôm 15/08/2017, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un tuyên bố là ông sẽ tạm ngưng kế hoạch bắn các tên lửa đến gần đảo Guam của Mỹ, nhưng cảnh cáo là sẽ thi hành kế hoạch này trong trường hợp có những "hành động vô trách nhiệm khác của Washington".

bachan1

Người dân Guam (Hoa Kỳ) biểu tình vì hòa bình, trong bối cảnh Bắc Triều Tiên có kế hoạch bắn tên lửa tới khu vực này. Ảnh chụp ngày 14/08/2017 trên đường phố Guam. REUTERS/Erik De Castro

Vào tuần trước Bình Nhưỡng đã dọa sẽ bắn bốn tên lửa bay ngang qua Nhật Bản về hướng đảo Guam của Mỹ, nơi đặt hai căn cứ quân sự quan trọng. Theo hãng tin chính thức KCNA, ông Kim Jong-Un hôm qua đã được báo cáo về kế hoạch nói trên khi đi thanh tra bộ chỉ huy Lực lượng chiến lược, đặc trách các đơn vị tên lửa đạn đạo của quân đội Bắc Triều Tiên. Lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng cho rằng để "giải tỏa căng thẳng và ngăn chận một cuộc xung đột nguy hiểm", trước hết Hoa Kỳ phải quyết định một "phương án thích hợp".

Dường như ông Kim Jong-Un muốn nói đến các cuộc tập trận chung thường niên của Hoa Kỳ và Hàn Quốc sắp diễn ra. Bình Nhưỡng vẫn lên án các cuộc tập trận chung này là diễn tập xâm lăng Bắc Triều Tiên, mặc dù Seoul và Washington khẳng định đây chỉ là những cuộc tập trận hoàn toàn mang tính phòng thủ.

Hôm nay, chính quyền đảo Guam cho biết họ rất vui mừng khi thấy Bắc Triều Tiên dường như đã lùi bước trong việc thực hiện kế hoạch bắn tên lửa đến gần lãnh thổ này của Mỹ.

Theo một số nhà quan sát được hãng tin AFP trích dẫn, những tuyên bố hôm nay của lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể là một cánh cửa để thoát khỏi cuộc khủng hoảng do cuộc khẩu chiến giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với chế độ Bình Nhưỡng.

Tình hình này trong những ngày qua đã khiến cả thế giới lo ngại. Hôm qua, lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini đã kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng "những phương tiện hòa bình và phi quân sự" để chấm dứt khủng hoảng với Bắc Triều Tiên. Đồng thời bà yêu cầu Bình Nhưỡng tránh "mọi hành động khiêu khích mới".

Thanh Phương

******************

Tên lửa Bắc Triều Tiên : Du khách Hàn Quốc ở đảo Guam vẫn bình thản (RFI, 15/08/2017)

Đảo Guam vẫn là nơi thu hút nhiều du khách ngoại quốc, đặc biệt là khách Hàn Quốc. Bất chấp nguy cơ tên lửa Bắc Triều Tiên, những du khách này vẫn không hủy các chuyến đi nghỉ, vì họ cũng đã quá quen với mối đe dọa từ miền Bắc. Từ đảo Guam, đặc phái viên Angélique Forget gởi về bài tường trình :

bachan2

Một bãi biển tại vịnh Tumon, Guam, Hoa Kỳ, 14/08/2017. REUTERS/Erik De Castro

"Hyunik Yang và vợ đã từ Seoul đến đảo Guam từ ba hôm trước để nghỉ hè một tuần tại đây. Bất chấp mối đe dọa Bắc Triều Tiên đối với đảo nằm trên Thái Bình Dương này, họ không hề tính đến chuyện hủy chuyến đi.

Hyunik Yang giải thích : "Dứt khoát không hủy. Chúng tôi chẳng quan tâm gì đến lời đe dọa như vậy, cho dù nó có liên quan đến đảo Guam. Họ nói là sẽ bắn một tên lửa, nhưng chúng tôi không tin. Họ lúc nào cũng lừa bịp. Trong chuyện này cũng vậy, họ lừa bịp bởi vì họ đang tuyệt vọng".

Từ bãi biển cát trắng nơi mà cô đang nằm phơi nắng sáng nay, Amanda Lee, 26 tuổi, cũng mặc kệ những lời đe dọa của Bắc Triều Tiên. Cô nói : "Dân Hàn Quốc chúng tôi thường xuyên bị họ đe dọa như vậy. Cho nên, đối với chúng tôi đó là chuyện thường ngày. Họ có đe dọa chúng tôi mỗi ngày, chúng tôi cũng mặc kệ"..

Trong một nhà hàng nổi tiếng ở đảo Guam, mọi người cũng nói như vậy. Jane Kim, hầu bàn của nhà hàng, đã đến định cư trên đảo này từ cách đây một năm và dự định sẽ sống ở đây lâu dài. Cô nói : "Tôi nghĩ rằng đảo Guam được an ninh hơn vì đây không phải là Triều Tiên. Ít ra ở đây Hoa Kỳ bảo vệ Guam, vì đây là một đảo của Mỹ. Ở đây có một căn cứ quân sự lớn, cho nên tấn công chúng tôi sẽ khó hơn là tấn công Hàn Quốc.

Sự tin tưởng của du khách Hàn Quốc vào an ninh của Guam là một điều tốt cho đảo này : 60% thu nhập của Guam là đến từ du lịch".

Thanh Phương

********************

Lực lượng Mỹ có thể dùng để trị Bắc Triều Tiên hùng hậu ra sao ? (RFI, 14/08/2017)

Vào lúc mà cả Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đều dọa trút "bão lửa" xuống đầu đối phương, các nhà quan sát đã bắt đầu xem xét các phương tiện tấn công và đáp trả của hai bên. Sau tên lửa của Bình Nhưỡng, ngày 11/08/2017 vừa qua, hãng tin Pháp AFP đã điểm lại lực lượng hùng hậu mà Mỹ đã có sẵn tại Châu Á có thể được huy động để đối phó với Bắc Triều Tiên

bachan3

Ảnh minh họa : Đô đốc Mỹ Scott Swift trên tàu sân bay USS Ronald Reagan lúc kết thúc cuộc tập trận Talisman Saber 2017 với Úc. Ảnh ngày 28/07/2017. Reuters

Theo AFP, phương châm của Quân Đội Mỹ là #fighttonight, hiểu là "chiến đấu ngay đêm nay", một phương châm nêu bật tư thế quân sự luôn luôn sẵn sàng của Mỹ trước Bắc Triều Tiên. Do vậy, khi tổng thống Mỹ Donald Trump, trong thông điệp twitter ngày 11/08 vừa qua của ông, đã đanh thép lên tiếng cho biết là "những phương án quân sự đã hoàn toàn sẵn sàng để đối phó nếu Bắc Triều Tiên manh động", Lầu Năm Góc cũng không cần phải thay đổi gì trong cách bố trí lực lượng của họ.

Như vậy, lực lương mà Mỹ có thể huy động trong trường hợp mà khẩu chiến Mỹ-Bắc Triều Tiên biến thành chiến tranh thực sự bao gồm những gì ?

Lực lượng ở Hàn quốc

Trước hết là lực lượng gần ba chục ngàn lính Mỹ, võ trang đầy đủ, đang hiện diện thường trực tại Hàn Quốc.

Một cách cụ thể, Quân Đội Mỹ hiện có 28.500 lính đồn trú trên bán đảo Triều Tiên, ở phía nam vĩ tuyến 38, bao gồm đầy đủ bốn binh chủng : Không Quân, Hải Quân, Lục Quân, và Thủy Quân Lục Chiến.

Đây được xem là "chủ lực quân" của lực lượng Mỹ trong vùng để đối phó với Bắc Triều Tiên.

Lực lượng hùng hậu nhất của Mỹ tại Hàn Quốc bao gồm 19.000 binh sĩ thuộc Quân Đoàn 8 đóng ở Yongsan, Seoul, chỉ cách vùng phi quân sự phân chia hai nước khoảng 40 cây số.

Nhiều phi đội chiến đấu – oanh tạc cơ phản lực F-16 cũng đặt căn cứ thường trực ở Hàn Quốc, cũng như loại phi cơ tấn công trên mặt đất A-10, được cho là có thể giúp ngăn chận đà tiến của bộ binh Bắc Triều Tiên.

Lực lượng Mỹ hùng hậu kể trên lại luôn thao diễn với đồng đội Hàn Quốc, trên bộ, trên không, trên biển, do đó rất thông thạo địa hình. Một đợt tập trận hỗn hợp thường niên cũng được dự kiến vào tháng 8 này, vừa để luyện tập kỹ năng đồng tác chiến, vừa để phô trương lực lượng nhằm mục đích răn đe Bắc Triều Tiên.

Sau cùng, để đối phó với hỏa tiễn tầm trung của Bắc Triều Tiên, Mỹ đã lắp đặt hệ thống lá chắn THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Chính quyền Seoul ban đầu không mấy sốt sắng, vì không muốn làm phật ý Bắc Kinh, nhưng rốt cuộc đã chấp nhận cho Washington triển khai hệ thống này sau loạt thử hỏa tiễn của Bình Nhưỡng.

Lực lượng tại Nhật Bản

Thành tố quan trọng thứ hai của lực lượng quân sự mà Mỹ có thể dùng để đối phó với Bắc Triều Tiên là các đơn vị quân đội đồn trú tại Nhật Bản, một nước rất gần bán đảo Triều Tiên.

Hiện nay, số lính Mỹ có mặt tại Nhật Bản lên đến 47.000 người, trong đó gần một nửa – 20.000 quân – thuộc lực lượng thủy quân lục chiến, chuyên đổ bộ lên các bờ biển. Lực lượng này rất có ích nếu xẩy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Toàn bộ các lực lượng kể trên được dặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, tên tắt tiếng Anh là PACOM, mà đại bản doanh đặt tại Hawaii. PACOM có tổng cộng 377.000 nhân viên dân sự và quân sự khắp vùng Châu Á Thái Bình Dương.

Riêng Hải Quân Mỹ thì có một lực lượng hải-không quân, tập hợp chung quanh hàng không mẫu hạm Ronald Reagan, đặt căn cứ tại Yokosuka (Nhật Bản). Đây cũng là nơi đặt tổng hành dinh của Hạm Đội 7.

Hải Quân chính là biểu tượng sức mạnh của Mỹ hiện nay, giúp Mỹ tung hoành trên Thái Bình Dương và vùng biển khu vực, hơn hẳn mọi nước khác cho dù Trung Quốc cũng đang cố phô trương uy lực và thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ, cũng như là Nga, đang đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa ngành hải quân của mình.

Vào lúc này, thì chỉ có hàng không mẫu hạm Ronald Raegan hoạt động trong khu vực, nhưng chiếc Theodore Roosevelt đang thao diễn ở phía nam California và chiếc USS Nimitz đang ở vùng Vịnh.

Tuy nhiên, trong sự bố trí lực lượng của Mỹ nhằm đối phó với Bắc Triều Tiên, có một thành tố chủ chốt nhưng lại ít được nhắc đến : Đó là đội tàu ngầm nguyên tử tấn công rất đa năng.

Các tàu ngầm này vừa có thể tấn công, phóng đi hàng loạt hỏa tiễn hành trình một cách chính xác đến các mục tiêu ở xa, vừa có thể thu thập thông tin tình báo, và đối với một số chiếc, có thể cho đổ bộ đặc công lên phía sau các tuyến phòng thủ của đối phương.

Mới đây, tổng thống Donald Trump đã làm cho giới tướng lãnh Mỹ tức giận khi khoe công khai là tầu ngầm hạt nhân Mỹ hiện diện gần bán đảo Triều Tiên.

Tiết lộ về vị trí hay hoạt động của đội tàu ngầm là điều tối kỵ trong Quân Đội Mỹ trong lúc mà theo truyền thống, hoạt động của tầu ngầm thuộc diện "Silent Service".

Đảo Guam cũng là một thành tố trong bố trí lực lượng của Mỹ

Tên của đảo trong những ngày gần đây đã nổi cộm trong dòng thời sự quốc tế sau khi được lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un chọn làm mục tiêu của 4 hỏa tiễn Bắc Triều Tiên.

Thế nhưng, từ lâu nay, hòn đảo nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 3.400 cây số về phía đông nam này đã nắm một vị trí chiến lược cho các chiến dịch của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Căn cứ không quân Andersen trên đảo đã được thiết kế để có thể đón mọi loại oanh tạc cơ cỡ lớn với tầm hoạt động xa của Mỹ, từ loại siêu pháo đài bay B-52, cho đến loại oanh tạc cơ chiến lược tàng hình B-1B Lancer, đã từng bay trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây, và nhất là loại B2, hiện đại nhất của Mỹ vào lúc này.

Quân cảng trên đảo Guam cũng thuộc loại lớn, được thiết kế để tiếp nhận các hàng không mẫu hạm, đến đấy để nhận tiếp liệu khi cần thiết. Đảo cũng được một hệ thống bắn chặn hỏa tiễn THAAD bảo vệ.

Không chỉ quan tâm đến vế quân sự, trước nguy cơ đến từ Bình Nhưỡng, Washington cũng đã dự phòng khả năng lãnh thổ Mỹ bị Bắc Triều Tiên tấn công, trước hết là đảo Guam, và xa hơn một chút là quần đảo Hawaii, chuẩn bị vế dân sự.

Trong bối cảnh Guam đang bị dọa, chính quyền Mỹ hôm 11/08 vừa qua đã công bố một quyển hướng dẫn người dân trong tình hình bị tấn công.

Đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, tập hướng dẫn này đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho số 160.000 dân cư trên đảo, cho biết nên làm gì trước, trong lúc, và sau một cuộc tấn công hạt nhân. Một vài ví dụ : Không nên nhìn ánh sáng bom nổ, cởi bỏ quần áo ngoài khi bị kẹt ở ngoài trời, không kịp vào nơi trú ẩn, luôn luôn có một bản đồ trên người… Lời khuyên còn đi vào chi tiết ngay cả trong cách tắm rửa.

Tiểu bang Hawaii chuẩn bị cho nguy cơ bị tấn công hạt nhân

Nếu đảo Guam là nơi bị Bình Nhưỡng trực tiếp đe dọa, thì Hawaii, nằm giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, lại là tiểu bang đầu tiên chính thức chuẩn bị cho tình hình nghiêm trọng nhất. Cùng với Alaska, Hawaii nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Bắc Triên.

Theo ghi nhận của đài truyền hình Pháp BFMTV, từ ngày 07/08, những bài tập giả định một tấn công hạt nhân đã được tiến hành trong các trường công lập ở Hawaii, tạo ra bầu không khí chiến tranh lạnh trên quần đảo Mỹ ở Thái Bình Dương này.

Theo truyền thông Mỹ, Hawaii là tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ chính thức chuẩn bị đối phó với hiểm họa này, bên cạnh những hiểm họa thiên nhiên thường xuyên đe dọa vùng này : Sóng thần, bão lụt, kể cả núi lửa, động đất. Theo giới chuyên gia thì khả năng xẩy ra tấn công hạt nhân rất thấp nhưng vẫn phải dự phòng trường hợp xấu nhất.

15 phút chuẩn bị ngắn ngủi nhưng đủ để ‘sống sót’

Theo lời trung tá Charles Anthony, trả lời đài truyền hình CNN hôm 09/08, nếu Bắc Triều Tiên bắn một hỏa tiễn liên lục địa, thì phải tính 20 phút, từ lúc bắn đi đến lúc rơi xuống Hawai.

Và như thế, theo Vern Miyagi, thuộc Cơ quan quản lý khủng hoảng Hawai, được CNN trích dẫn, dân chúng sẽ có 15 phút ngắn ngủi để tìm nơi trú ẩn, vì chính quyền cần 5 phút để xác nhận vụ bắn và đường bay của hỏa tiễn.

Hawai không có hầm trú ẩn hạt nhân, cho nên chính quyền phải chuẩn bị trước và hướng dẫn cho số 1,4 triệu cư dân, và đã công bố một tài liệu đưa ra những điều cần làm, như nghe đài, chọn nơi trú ẩn tốt nhất như thế nào, chọn nơi bằng bê tông, không nhìn ánh sáng quá mạnh khi bom nổ…

Hawai cũng sẽ thiết lập hệ thống còi báo động và sẽ thử thường xuyên. Hệ thống này tương tự như hệ thống vào thời chiến tranh lạnh nhưng đã không còn được dùng từ những năm 1980.

Một cuộc báo động thử được dự trù vào tháng 11 tới đây. Còi báo động mới sẽ vang lên sau những loại còi báo động đã được thiết lập cho thiên tai, thường vang lên vào ngày đầu tháng làm việc vào lúc 11g45. Báo động sẽ vang lên từ bunker với tường bê tông dầy 2 mét, xây dưới miệng núi lửa Diamond Head.

Ông Vern Miyagi trấn an : "Chúng tôi chỉ muốn dân chúng có một tài liệu hướng dẫn mà họ có thể sử dụng như trong trường hợp thiên tai, bão lụt, sóng thần…".

Nhưng trong trường hợp chiến tranh hạt nhân thì báo động không thể chỉ như đối với thiên tai. Một hệ thống báo động trên điện thoại di động đang được chuẩn bị. Dân chúng còn được khuyên dự trữ lương thực cho 14 ngày chứ không chỉ 7 ngày như trong trường hợp thiên tai bình thường.

Theo báo New York Times, số cuối tháng 7, chính quyền Mỹ đã suy nghĩ về việc thiết lập những quy định khẩn cấp mới từ năm ngoái, sau các đợt thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Nhưng đó là trước cuộc bắn thử tên lửa xuyên lục địa tháng 7 vừa qua. Ngay năm 2009, chính quyền Obama thông báo là Bình Nhưỡng có thể bắn một hỏa tễn đạn đạo về hướng Hawaii, và Hoa Kỳ đã tăng cường hệ thống phòng thủ tại quần đảo này.

Dân chúng tại chỗ như đã quen dần với đài ra đa khổng lồ chống tên lửa được cải tên thành "quả banh đánh golf". Từng bị chỉ trích vì quá tốn kém, phương tiện này gần đây đã được nhiệt liệt tán đồng từ tháng 5 vừa qua khi cho phép chặn được một hỏa tiễn được giả định là bắn đi từ Bắc Triều Tiên.

Mai Vân

***********************

Giám đốc CIA : Chiến tranh với Bắc Triều Tiên chưa bùng nổ trước mắt (RFI, 14/08/2017)

Trả lời truyền thông Mỹ tuần qua, một số quan chức cao cấp Hoa Kỳ, trong đó có giám đốc CIA, khẳng định, trước mắt chưa có nguy cơ bùng nổ chiến tranh với Bắc Triều Tiên, tuy nhiên, khả năng xung đột là cao hơn. Các nhận xét được đưa ra vào lúc cuộc khẩu chiến giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, dữ dội đến mức nhiều người cho rằng xung đột quân sự là khó tránh khỏi.

bachan4

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đón tiếp tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Joseph Dunford, tại Seoul, ngày 14/08/2017. Reuters

Hôm qua, 13/08/2017, trả lời phỏng vấn CBS News, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, ông Mike Pompeo, cho biết "không có thông tin nào" cho thấy nguy cơ bùng nổ chiến tranh với Bắc Triều Tiên trong hiện tại, tuy nhiên Bình Nhưỡng đang phát triển vũ khí hạt nhân, "với một tốc độ đáng báo động".

Lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ cũng báo trước là không nên ngạc nhiên khi thấy Bắc Triều Tiên thử tên lửa liên lục địa lần thứ ba, sau hai vụ thử trong tháng Bảy. Giám đốc CIA Mike Pompeo cũng trấn an dân chúng là chính quyền Mỹ, tình báo cũng như quân đội, đang làm mọi thứ trong quyền hạn để bảo vệ nước Mỹ khỏi thách thức từ Bắc Triều Tiên.

Cố vấn an ninh quốc gia McMaster, trong một cuộc trả lời trước đó với ABCs, nhấn mạnh là nguy cơ hiện nay "không lớn hơn tuần trước", nhưng "chúng ta đang gần với chiến tranh hơn là một thập niên trước".

Lo ngại về lời lẽ bốc lửa của tổng thống Trump

Cựu tổng tham mưu trưởng Quân Đội Mỹ, đô đốc Mike Mullen, trả lời NBC News, tỏ ra "hết sức lo ngại", về các lời lẽ "rất mạnh" từ phía Bắc Triều Tiên, cũng như Hoa Kỳ, dường như đang "làm giảm" cơ hội cho hòa bình, gia tăng nguy cơ "những phản ứng bất tương xứng", khiến tình hình "vượt tầm kiểm soát". Cựu giám đốc CIA Leon Panetta cũng lo ngại về phong cách nói năng bốc đồng của tổng thống Donald Trump, có thể khiến xung đột trở nên nghiêm trọng hơn.

Tổng tham mưu trưởng Mỹ tới Hàn Quốc

Theo Reuters, tổng tham mưu trưởng Quân Đội Mỹ, tướng Joseph Dunford, đang công du Đông Bắc Á. Người phát ngôn của Phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết trong cuộc gặp tổng thống Hàn Quốc hôm nay, lãnh đạo quân đội Mỹ khẳng định "các biện pháp quân sự đang được chuẩn bị" sẽ chỉ được dùng đến khi nào "ngoại giao và trừng phạt kinh tế thất bại". Tổng tham mưu trưởng Mỹ sẽ tới Nhật Bản và Hàn Quốc.

Về phần mình, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay một lần nữa kêu gọi hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, và đề nghị Bình Nhưỡng chấm dứt các đe dọa. Trong khi đó, thứ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk dự kiến Bắc Triều Tiên phải mất từ một đến hai năm nữa mới làm chủ được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Trọng Thành

*******************

Thống đốc đảo Guam tỏ thái độ cứng rắn với Bắc Triều Tiên (RFI, 14/08/2017)

bachan5

Guam : Thống đốc Eddie Calvo (T) trả lời họp báo tại trụ sở chính quyền tại Adelup, ngày 14/08/2017. Reuters

Hôm 14/08/2017, thống đốc đảo Guam Eddie Calvo phát biểu trước báo chí rằng "đôi khi cần phải có một cú đấm thẳng mặt để chấm dứt những trò dọa nạt", đáp lại việc Bình Nhưỡng đe dọa phóng tên lửa nhắm vào đảo này.

Trước đó, ngày 12/08/2017, ông Eddie cũng đăng trên facebook một đoạn video về cuộc trao đổi qua điện thoại giữa ông và tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Bắc Triều Tiên. Ông Trump tuyên bố "Chính phủ đã sẵn sàng 1000% vì Guam, các bạn đang sống trong an ninh".

Nhịp sống ở hòn đảo với 160 nghìn dân và hai căn cứ quân sự gồm 6 nghìn lính Mỹ có vẻ như không xáo trộn nhiều sau những lời đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

Thông tín viên RFI Angélique Forget tại Guam gửi về bài tường thuật :

"Tony San Nicolas 30 tuổi ngồi trên chiếc khăn tắm đưa mắt quan sát vùng biển Thái Bình Dương. Cư dân này của hòn đảo tin vào khả năng xảy ra cuộc tấn công tên lửa nhưng nghĩ rằng chẳng việc gì phải sợ.

San Nicolas nói rằng "Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng ! Họ sẵn sàng phóng tên lửa tới bất cứ nơi nào. Tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra. Những thói quen thường nhật của tôi đến giờ cũng không có gì thay đổi, tôi ra khỏi nhà tận hưởng không gian ngoài trời. Hôm nay là một ngày tuyệt vời, nắng đẹp, biển đẹp khiến tôi chỉ muốn lặn ngụp !"

Ở Guam, người dân giờ đã quen với bão tố, động đất hay cảnh báo sóng thần. Mối đe dọa từ tên lửa của Bắc Triều Tiên dường như chỉ được coi là một mối nguy hiểm thêm nếm.

Tại cửa hàng cho thuê thiết bị lặn của mình, anh Gayle 27 tuổi thậm chí chỉ thoáng cười khi được hỏi anh có tin rằng mối đe dọa này là một cơ hội quảng bá cho đảo Guam.

Anh nói "Gia đình và bạn bè của tôi ở Mỹ lúc nào cũng hỏi : Guam nằm ở đâu vậy ? Bây giờ, nhờ Kim Jong-Un, chúng tôi thành ra nổi tiếng !"

Tuy nhiên, sự thật chúng ta đều biết nếu Bắc Triều Tiên bắn tên lửa thì chỉ mất 14 phút là tên lửa bay tới Guam. Trong trường hợp vụ tấn công xảy ra, người dân Guam hiện tại chủ yếu dựa vào sự bảo vệ của lá chắn chống tên lửa do quân đội Mỹ triển khai".

Minh Tâm

********************

Bắc Triều Tiên triệu hồi các đại sứ chủ chốt (RFI, 14/08/2017)

Ngày 14/08/2017, theo nguồn tin từ Yonhap, một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho biết Bình Nhưỡng đã triệu hồi các quan chức ngoại giao quan trọng, trong đó ít nhất có các đại sứ tại Trung Quốc và Nga và đại diện tại Liên Hiệp Quốc.

bachan6

Ảnh minh họa : Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho (G). Ảnh chụp nhân hội nghị ASEAN tại Manila, ngày 08/08/2017. Reuters

Quan chức Hàn Quốc nói trên cho biết".Bắc Triều Tiên có vẻ như đang tổ chức một hội nghị của các lãnh đạo ngoại giao nước ngoài sau khi gọi các đại sứ của họ tại các nước lớn về lại Bình Nhưỡng" Nhưng thông tin chính xác về số đại sứ được triệu hồi tham dự cuộc họp thì không được tiết lộ.

Người phát ngôn bộ Thống Nhất Hàn Quốc, ông Baik Tae-hyun phát biểu với báo giới rằng đây cũng có thể chỉ là một phần của hội nghị đại sứ thường kỳ của Bắc Triều Tiên. Theo ông Baik Tae hyun, gần đây nhất, cuộc họp đại sứ lần thứ 43 của Bắc Triều Tiên được tổ chức vào tháng 7 năm 2015.

Động thái này của Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang bị nhiều chỉ trích và các biện pháp trừng phạt quốc tế sau khi phóng thử thành công hai tên lửa liên lục địa và tuyên bố trong tháng 8 sẽ phóng tên lửa nhắm tới đảo Guam, Mỹ.

Các nhà quan sát cho rằng cuộc họp cũng có thể liên quan việc gần đây Trung Quốc tuyên bố sẽ hành động nhiều hơn để phản đối các hành động khiêu khích quân sự của Bình Nhưỡng. Hôm nay, Bắc Kinh vừa thông báo kể từ nữa đêm mai sẽ ngưng nhập khẩu than, sắt, chì, quặng sắt chì và hải sản từ Bắc Triều Tiên.

Minh Tâm

Quay lại trang chủ
Read 721 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)