Trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington – Bình Nhưỡng gia tăng, Bắc Triều Tiên liên tục thử lên tửa, nguyên thủ hai nước có lời qua tiếng lại, đe dọa dùng vũ lực, trong khi mà chỉ còn hơn 100 ngày nữa là khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông, nhiều nước bắt đầu quan ngại về tình hình an ninh trong khu vực.
PyeongChang, nơi sẽ diễn ra Thế Vận Hội mùa đông 2018, Hàn Quốc. Reuters/Kim Hong-Ji/File Photo
Năm 2018 có lẽ sẽ làm một năm đặc biệt cho người dân Hàn Quốc. Thế Vận Hội mùa đông 2018 sẽ diễn ra tại PyeongChang, Hàn Quốc, một thành phố chỉ cách Bắc Triều Tiên có 80km. Nhưng năm 2018 đánh dấu 30 năm thảm kịch hàng không của Hàn Quốc. Hơn 100 người đã thiệt mạng trong một vụ nổ máy bay của hãng Korean Air, mà thủ phạm được cho chính là Bắc Triều Tiên.
Một câu hỏi đang được đặt ra : Liệu rằng sự cố năm 1988 có lặp lại vào năm 2018 hay không ? Pháp là quốc gia đầu tiên bày tỏ lo lắng. Bà bộ trưởng Thế Thao, Laura Flessel tuyên bố Paris sẽ không gởi phái đoàn thể thao đến Pyeong Chang nếu như tình hình an ninh không được bảo đảm. Sau Pháp, lần lượt đến Áo và Đức.
Dù biết rằng xác suất xảy ra xung đột vũ trang là rất thấp, nhưng những căng thẳng trong thời gian qua làm người ta chợt nhớ đến sự cố năm 1988. Vài tháng trước khi Thế Vận Hội Olympic mùa hè khai mạc ở Seoul, chế độ Bình Nhưỡng lúc bấy giờ đã cho nổ tung trên không chiếc Boeing của hãng Korean Air, 115 người thiệt mạng. Mục đích chỉ nhằm gây xáo trộn Thế Vận Hội do đối thủ phía nam tổ chức.
Trước nỗi lo âu ngày càng lớn như vậy, Hàn Quốc có phản ứng ra sao ? Thông tín viên Frederic Ojardias tại Seoul cho biết :
"Điều làm cho Seoul lo sợ nhất là tác động hiệu ứng domino. Do đó, nước này đang tìm cách trấn an bằng mọi giá, nhất là bằng vận động mạng lưới đại sứ của mình. Chính phủ cam kết an ninh sẽ là ưu tiên tuyệt đối, đồng thời nhắc lại rằng Hàn Quốc đã từng tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao quốc tế... dù rằng về mặt kỹ thuật nước này vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Bắc Triều Tiên.
Trong bối cảnh này, sự kiện cặp vận động viên trượt băng nghệ thuật Bắc Triều Tiên dành được vé tham dự Thế Vận Hội mùa đông đã được hoan nghênh và Seoul thở phào nhẹ nhõm. Bài trình diễn của cặp nghệ sĩ Ryom Tae Ok và Kim Ju Sik kết thúc ở hạng thứ sáu trong một cuộc tranh tài ở Đức.
Seoul hy vọng rằng sự kiện này sẽ cho phép hòa giải mối quan hệ với phía bắc và giảm nhẹ các căng thẳng. Hàn Quốc mong muốn là có nhiều vận động viên Bắc Triều Tiên đến PyeongChang. Đối với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In, đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho hòa bình và hòa giải liên Triều".
Giờ đây mọi ánh mắt đều dồn về Bình Nhưỡng. Liệu chế độ Kim Jong Un có đồng ý gởi một phái đoàn thể thao đến quốc gia đối thủ phía nam hay không ? Frédéric Ojardias cho biết tiếp :
"Quả thật là Bắc Triều Tiên đã từng tẩy chay Thế Vận Hội Seoul năm 1988. Và từ nhiều tháng qua nước này phớt lờ chính sách mở rộng vòng tay của Seoul. Đó là nói vậy, nhưng quốc gia phía Bắc đang tìm cách cải thiện hình ảnh của mình qua các hoạt động thể thao.
Bắc Triều Tiên thậm chí đã gởi hai vận động viên trượt băng đi tập huấn ở Canada, dấu hiệu thiện chí tham gia Thế Vận Hội. Hồi trung tuần tháng 9, một thành viên của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế Bắc Triều Tiên đã lên tiếng trấn an rằng : "Tôi nghĩ rằng chính trị là một chuyện và Thế Vận Hội là một chuyện khác".
Về phần mình, Hàn Quốc tỏ ra cẩn trọng : nước này đã tăng cường lực lượng an ninh và thông báo triển khai 5.000 binh sĩ nhân kỳ Thế Vận Hội. Về phía Ủy Ban Thế Vận, họ bảo đảm giám sát chặt chẽ tình hình địa chính trị … và không ngừng nhắc đi nhắc lại là không hề có kế hoạch dự phòng".
"Túi sinh tồn" hốt hàng
Người dân Hàn Quốc từ bao lâu nay đã quá quen thuộc với những hành động khiêu khích từ người anh em phía Bắc. Dù rất giữ bình tĩnh, nhưng tần suất thử tên lửa ngày càng nhiều của Bắc Triều Tiên, cũng như là việc tổng thống Mỹ luôn đe dọa dùng vũ lực cũng bắt đầu làm cho người dân phía Nam cảm thấy lo lắng.
Dấu hiệu rõ nét nhất của sự lo lắng đó chính là việc xuất hiện ngày càng nhiều những mục hướng dẫn cách tồn tại khi xảy ra chiến tranh trên các mạng xã hội. Quả thật khi xảy ra chiến sự, Seoul sẽ là nạn nhân đầu tiên. Một loạt các tình huống khẩn cấp đã được nghĩ đến, nào là không có điện nước và ga, mạng điện thoại không hoạt động, nhà băng đóng cửa vì bị tin tặc…
Trong những tình huống đó, nhiều đoạn video trên Youtube chỉ dẫn cách chuẩn bị "túi sinh tồn" như thế nào. Từ những khẩu phần thức ăn theo kiểu nhà binh, các dụng cụ lọc nước và loại chăn mền dã chiến, cho đến cả việc trang bị mặt nạ chống khí độc, phòng khi xảy ra tấn công bằng vũ khí hóa học…
Do đó, theo một người có tài khoản trên Youtube, "phòng bệnh hơn chữa bệnh" nên mỗi người nên trữ một chiếc túi sinh tồn. Lợi ích đến đâu chưa rõ chỉ biết là các nhà sản xuất cảm thấy phấn khởi do lượng bán ra đã tăng lên kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu, và nhất là giá mỗi chiếc túi bán trên mạng là 170 euro.
Sau K-Pop là K-Fashion ?
Tạm gác một bên nỗi lo chiến tranh. Ai cũng biết phim truyền hình nhiều tập Hàn Quốc đang làm mưa làm gió ở Châu Á. Làn sóng nhạc K-Pop giờ cũng đã lan rộng sang Châu Âu. Giờ làm thế nào phát triển ngành thời trang đang là mối bận tâm lớn của chính phủ Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ "Dự án K-Fashion" do chính quyền Seoul khởi động vào năm 2012, Hàn Quốc năm nay đã gởi đến giới hâm mộ thời trang năm gương mặt nhà tạo mẫu tham dự tuần lễ Fashion Paris diễn ra vào cuối tuần 30/9-01/10.
Khác với quốc gia láng giềng Nhật Bản được thế giới biết đến từ nhiều năm qua, ngành thời trang Hàn Quốc vẫn còn khá khiêm tốn. Nhưng trong khu vực Châu Á, cùng với dàn sao nhạc pop nổi tiếng rất được mến mộ, Seoul những năm gần đây đang dần trở thành chiếc tủ kính thời trang mới.
Người tiêu thụ Trung Quốc thường đến đó tìm kiếm những xu hướng thời trang mới nhất, nhiều hãng thời trang cao cấp lớn như Chanel và Dior bắt đầu bị chao đảo, trong khi mà các dòng hàng mỹ phẩm xứ Hàn đã chinh phục được thế giới.
Xu thế thời trang đường phố đang là thế mạnh của các nhà tạo mẫu Hàn Quốc, như nhận xét của ông Ju Tae Jin, Viện Nghiên Cứu Hàn Quốc về công nghiệp thời trang với AFP : "Người Hàn Quốc bị ám ảnh về thời trang. Các nhà tạo mẫu trẻ, những người lớn lên trong môi trường này, đã một sự sáng tạo trên phương diện streatwear, họ biết cách làm cho chúng trở nên vui mắt".
Đây là những gì năm nhà tạo mẫu Hàn Quốc đã trình làng tại Colette, cửa hàng thời trang đường phố nổi tiếng ở Paris : những bộ streetwear mầu sắc rực rỡ, trẻ trung, lấy cảm hứng từ những tín ngưỡng và mang ý nghĩa dự đoán tương lai.
Canada : Netflix được miễn thuế, chính quyền bị chỉ trích ?
Nhìn sang Châu Mỹ, chính quyền Canada đang phải đối mặt với những lời chỉ trích dữ dội trên các trang mạng xã hội. Từ hôm thứ Năm 28/09, cộng đồng cư dân mạng bàn tán sôi nổi về việc Netflix có phải trả thuế hay không cho chính phủ Canada để phục vụ hàng triệu người thuê bao trong nước.
Thông tín viên Pascale Guéricolas từ Montreal tường thuật vụ việc :
"Mọi việc bắt đầu hôm 28/9 khi bà bộ trưởng Di Sản Canada thông báo chính sách văn hóa mới. Một phần của chính sách này có liên quan đến các dịch vụ văn hóa kỹ thuật số ngày càng đi sâu vào đời sống văn hóa người Canada. Quả thật 41% người dân nước này đều có thuê bao một dạng dịch vụ như vậy, tỷ lệ này tăng lên gần 61% nếu đối tượng thuê bao nằm trong độ tuổi từ 18-34.
Netflix, trụ sở chính nằm ở Hoa Kỳ, chiếm giữ một thị phần trong số nhiều doanh nghiệp khác cho phép xem phim ảnh hay các chương trình truyền hình qua mạng. Điều làm bùng lên tranh cãi đó là việc bà bộ trưởng đã nêu rõ là Netflix sẽ không bị chịu cùng một quy định thuế như các đối thủ Canada. Trái với những gì Liên Hiệp Châu Âu hay Úc đã áp dụng, cơ sở dịch vụ này được miễn nộp thuế số tiền thu được từ các khách hàng thuê bao tại Canada".
Theo giải thích của bà Mélanie Joly, bộ trưởng bộ Di Sản, thì chính phủ không muốn thu thêm thuế từ người dân. Bà cho rằng tầng lớp trung lưu đã trả khá nhiều thuế. Tuy nhiên, chính sách mới này của bà bộ trưởng đã gây bất bình cho những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Netflix, những công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số của Canada cũng như là những hội bảo vệ văn hóa Pháp ngữ và giới văn nghệ sĩ nói chung.
Không những doanh nghiệp Mỹ không trả thuế cho Canada mà còn không đóng góp vào Quỹ Truyền Thông của Canada, vốn được dùng để hỗ trợ các nhà sản xuất phim truyền hình hay các chương trình truyền hình trong nước.
Minh Anh