Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/03/2020

Điểm báo Pháp - Thượng đỉnh Nga - Thổ : ngừng bắn tại Idleb

RFI tiếng Việt

Thượng đỉnh Nga - Thổ : Erdogan "vớt vát" với lệnh ngừng bắn tại Idleb, Syria

Sau 100 ngày bùng cháy dữ dội, chảo lửa Idleb, tây bắc Syria sẽ thật sự được dập tắt hay không ? Và sẽ được kéo dài trong bao lâu ? Sau ba giờ thảo luận, cả hai nguyên thủ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã "đạt được một lệnh ngừng bắn tại Syria". Nhưng để có được thỏa thuận này, "Thổ Nhĩ Kỳ đã nhượng bộ Nga những gì ?".

ngatho1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung, Moskva, ngày 05/03/2020 Pavel Golovkin/Pool via Reuters

Trước khi giải mã, Le Figaro không quên lưu ý rằng trong cuộc họp thượng đỉnh hôm qua, tổng thống Nga Putin hoàn toàn trong thế mạnh. Chủ nhân điện Kremlin đặt điều kiện để tổ chức cuộc gặp : Thượng đỉnh diễn ra tại Moskva thay vì ở Ankara và là một cuộc gặp song phương chứ không phải là bốn bên (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Đức) như đề nghị ban đầu của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau nhiều giờ thảo luận, tổng thống Nga đồng ý một lệnh hưu chiến nhưng có những điều kiện kèm theo. Trong mục tiêu chiến lược của Nga là làm thế nào lấy lại hai trục lộ chính M4 (Aleppo - Lattaquia, căn cứ địa của Assad) và M5 (Aleppo - Damascus). Thứ Hai, 02/3, thành phố Saraqeb rơi vào tay quân đội Syria nhờ vào sự yểm trợ của không quân Nga, cũng như là lực lượng quân sự Iran và phe Hezbollah. Với thắng lợi này, bài toán M5 xem như đã được giải quyết, binh sĩ Nga đã hiện diện trong khu vực. Điều này có một ý nghĩa rất rõ ràng : "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy muốn tái chiếm thành phố, điều đó có nghĩa là họ sẽ phải gây chiến với Nga" theo như giải thích của nhà đối lập, Haytham Manna.

Giờ chỉ còn lại thế cờ M4. Đây chính là điểm nguyên thủ Thổ phải nhượng bộ tổng thống Nga. Phía Ankara sẽ có được một "hành lang an toàn", nằm sâu 6 km ở phía bắc và 6 km ở phía nam trên trục lộ này thay vì là 15 km như ông Erdogan đòi hỏi. Theo quan điểm của Moskva, tháng 10/2019, việc Ankara và phe nổi dậy có được vùng phía đông, nằm giữa Ras el-Ain và Tall Abyad là đã quá đủ. Thế nên, không có chuyện ông nhượng bộ tiếp cho Ankara vùng Idleb.

Do vậy, với chiều rộng 6 km hành lang an toàn, hai thành phố do phe nổi dậy chiếm đóng là Jisr al Shoghour và Ariha xem như bị "vô hiệu hóa". Moskva và Tehran sẽ cung cấp một hệ thống phòng thủ chống drone cho phép đẩy lùi các cuộc tấn công bằng máy bay tự hành từ Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần các chốt các quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idleb, nhằm cứu vãn danh dự cho "đồng minh mới", Putin dường như đã đề nghị biến chúng thành chốt gác chung Nga - Thổ, thậm chí là cả tuần tra chung.

Nói một cách khác : Ông Erdogan chẳng khác gì như "gà bị trói chân". Không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ còn được Nga và Trung Quốc - hai quốc gia đầu tư làm lại con lộ M5 - yêu cầu phải giải trừ vũ khí và "ôm lấy" khoảng từ 10 - 15 ngàn quân thánh chiến mà Ankara ủng hộ nhưng không tài nào khuyên giải được.

Erdogan đành an ủi ra về với lệnh hưu chiến mà không thể kháng cự trước những đòi hỏi của Putin. Kết quả thượng đỉnh một lần nữa khẳng định tổng thống Nga Vladimir Putin mới thật sự là chủ nhân cuộc chơi. Với Moskva, "một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là ngăn chặn Mỹ và Châu Âu gia tăng ảnh hưởng trong cuộc xung đột Syria".

Libya : Trục Damascus - Benghazi đối đầu Tripoli - Ankara

Cuộc đọ sức giữa hai "người bạn" Nga và Thổ có lẽ không chỉ dừng ở Syria mà còn ở cả Libya. Le Monde cho biết "Một trục Haftar - Assad đang trỗi dậy ở Libya".

Dấu hiệu cho thấy cuộc chiến đang dần bị quốc tế hóa là chính phủ Đông Libya của tướng Khalifa Haftar, không được cộng đồng quốc tế công nhận, nhưng được Nga, Ai Cập và một số nước Ả Rập ủng hộ, vừa mở một tòa đại sứ tại Damascus. Một bước tiến mới trong việc tái hội nhập khu vực của chế độ Assad trên trường ngoại giao của thế giới Ả Rập. Một trục Damascus - Benghazi nhằm đáp trả liên minh đối thủ Ankara - Tripoli.

Theo quan sát của Ghassan Salamé, cựu đặc sứ Liên Hiệp Quốc chuyên trách hồ sơ Libya, từ năm 2018, các hoạt động hàng không giữa Damascus - Benghazi diễn ra liên tục, nhưng ông không thể nào biết rõ "có những gì bên trong" các chiếc máy bay đó. Quan hệ Damascus - Benghazi còn thể hiện rõ qua việc Syria gởi 1.500 binh sĩ có huấn luyện đến Benghazi. Có lẽ là nhằm thay thế số lính đánh thuê Nga ở phía nam do tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, vốn thân cận với điện Kremlin, tuyển dụng.

Le Monde cho rằng, trục Syria - Benghazi còn là một phần trong chiến lược chinh phục Châu Phi hạ Sahara của Moskva. Trong triển vọng này, Benghazi đóng vai trò như là một bệ phóng cho Nga đi về hướng Nam, nhất là nước Cộng hòa Trung Phi (RCA), mà tập đoàn Wagner đang hoạt động rất mạnh tại đây. Theo nhận định của một nhà quan sát với Le Monde, "Libya giống như là một mắt xích trong chuỗi hậu cần của Nga sang Châu Phi".

Châu Âu trấn an Hy Lạp, "vỗ về" Thổ Nhĩ Kỳ

Gặp khó khăn với Nga tại Syria và Libya, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ quay sang bắt chẹt Liên Hiệp Châu Âu bằng cách thả cửa cho hàng chục ngàn di dân ùa sang biên giới Hy Lạp. Trong hoàn cảnh này, Liên Hiệp tuy chỉ trích mạnh mẽ nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng phải "cố gắng không làm mất lòng Erdogan".

Thua cuộc trên bàn cờ Idleb, Syria, Erdogan dùng di dân để đe dọa Liên Hiệp Châu Âu, yêu cầu khối này phải chia sẻ một phần "gánh nặng" trong việc tiếp nhận di dân và người tị nạn. Thứ Tư, 4/3, tổng thống Thổ nhắc lại với các đồng nghiệp Liên Hiệp Châu Âu rằng chỉ có một giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng di dân là phải ủng hộ ông trong cuộc chiến chống các lực lượng Bachar al-Assad tại Syria.

Đáp lại lời kêu gọi này, Liên Hiệp Châu Âu chỉ cam kết hỗ trợ một khoản trợ giúp 170 triệu euro để đối phó với tình hình nhân đạo bi thảm do các cuộc tấn công của chế độ Damascus nhắm vào Idleb gây ra kể từ tháng 12/2019.

Bruxelles cho biết rất có thể sẽ điều chỉnh lại thỏa thuận di dân ký kết với Ankara năm 2016 và dự kiến nhiều biện pháp hỗ trợ mới. Liên Hiệp Châu Âu có thể sẽ tái thúc đẩy một số hứa hẹn đã đưa ra vào thời kỳ đó, trong đó có chính sách cấp thị thực nhập cảnh.

Dù vậy, để tỏ lòng liên đới với Hy Lạp, khối này cũng không quên chỉ trích mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ đã "điều khiển một cách vô liêm sỉ những người trong tình cảnh vô vọng". Theo các bằng chứng hình ảnh do giới chức Hy Lạp cung cấp, chính quyền Ankara đã lên kế hoạch từ lâu dịch chuyển hàng ngàn di dân về phía biên giới Hy Lạp.

Liên Hiệp Châu Âu cho biết để hỗ trợ Hy Lạp trong việc ngăn chặn di dân, khối này sẽ huy động khoảng một trăm lính biên phòng và tuần duyên từ cơ quan Frontex cũng như là 160 quan chức Văn phòng chuyên trách tị nạn để giúp Hy Lạp xúc tiến việc xét đơn xin tị nạn.

Virus Corona : Bệnh nhân số không ở đâu ?

Virus corona tiếp tục khuynh đảo thế giới. Trung Quốc phập phù theo dõi diễn tiến dịch bệnh "hy vọng vượt qua được giai đoạn tồi tệ của trận dịch" như ghi nhận của báo Le Monde. Tại cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, tuy mỗi ngày vẫn có thêm số ca tử vong và ca nhiễm bệnh mới, nhưng nhịp độ đã chậm lại hơn, và nhất là không có thêm trường hợp mới nào ngoài tâm dịch chính là tỉnh Hồ Bắc.

Điều làm cho giới nghiên cứu Trung Quốc lo lắng nhất hiện nay là "bệnh nhân số không" vẫn "bặt vô âm tín". Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc một viện nghiên cứu ở Vân Nam, được công bố hôm 20/01, những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện là nằm ngoài khu chợ Huanan, ở Vũ Hán.

Chính điều này đã làm dấy lên lời đồn thổi cho rằng nguồn gốc của dịch bệnh bắt nguồn từ phòng nghiên cứu vi khuẩn học tuyệt mật P4 ở Vũ Hán. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải lên tiếng nhắc nhở "chưa có kết luận về xuất xứ của chủng virus này", đồng thời trích dẫn một chuyên gia Trung Quốc cho rằng virus corona "chưa hẳn có nguồn gốc" từ Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh yêu cầu chấm dứt gọi đó là "virus Trung Quốc" và "virus chính trị".

Khủng hoảng y tế, khủng hoảng niềm tin

Trận dịch này cũng là một đòn thử thách cho giới lãnh đạo của nhiều nước. Bài phân tích của thông tín viên của báo Le Monde tại Tokyo cho thấy "virus corona gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin chính trị tại Nhật Bản". 60% số người dân Nhật Bản được hỏi không hài lòng về cách xử lý dịch bệnh của chính phủ thủ tướng Shinzo Abe. Khủng hoảng dịch tễ đã làm lộ rõ những cách xử lý yếu kém của chính phủ trước một tình trạng khẩn cấp, thái độ quan liêu của giới viên chức rồi phản ứng ngoại giao và kinh tế vụng về của thủ tướng Abe vì không muốn làm phật lòng Trung Quốc…

Bệnh viện lỗi thời, bảo hiểm không có

Cơn khủng hoảng y tế này cũng là cơ hội phơi bày những hệ thống y tế yếu kém tại một số nước như Bắc Triều Tiên chẳng hạn dù rằng nước này tuyên bố không có một ca nhiễm nào. Trong vài ngày tới, chính quyền Bình Nhưỡng cho phép một bộ phận các nhà ngoại giao nước ngoài rời lãnh thổ đến Vladivostok của Nga bằng chuyến bay đặc biệt do hãng hàng không quốc gia Air Koryo thực hiện.

Nguyên nhân là vì từ hơn một tháng nay, Bắc Triều Tiên đã cho cách ly hơn 400 nhà ngoại giao của nhiều nước và thân nhân của họ. Hơn nữa, Bình Nhưỡng ý thức được rằng hệ thống bệnh viện của đất nước đã lỗi thời, thiếu thốn thuốc men và thiếu cả thực phẩm, do vậy đất nước khó có thể sơ tán các kiều dân nước ngoài.

Trái với Bắc Triều Tiên, cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ có một hệ thống bệnh viện hiện đại, nhưng không vì thế là không có những "hạn chế" như quan sát của báo Le Monde. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như 27,5 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế không thể làm các xét nghiệm và chữa trị do chi phí quá cao ? Mối họa lây nhiễm chắc có lẽ điều không thể tránh khỏi. Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ chỉ còn mong cho tháng Tư đến mau vì "dịch bệnh sẽ tắt" như ông từng tuyên bố.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 518 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)