Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/11/2023

Trung Đông : Trung Quốc thể hiện sự khác biệt với Mỹ và Châu Âu

Didier Chaudet

Để bảo vệ các lợi ích kinh tế và an ninh, Trung Quốc sẽ can dự nhiều hơn vào Trung Đông. Việc hòa giải thành công hai cường quốc đối thủ trong khu vực là Iran và Saudi Arabia gần đây là thành quả của một chính sách đối ngoại bền bỉ của Bắc Kinh. 

trungdong1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong một lần tiếp đồng nhiệm Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud, tại Vô Tích, tỉnh Giang Tô, ngày 10/01/2022. AP - Anonymous

Liệu cách tiếp cận ngoại giao này của Trung Quốc, vốn dĩ khác biệt so với các đối thủ phương Tây, đi đầu là Mỹ có thể giúp cường quốc Châu Á khẳng định vị thế "nhà hòa giải lý tưởng" cho xung đột Israel – Hamas hay không ?

"Phải chăng Trung Quốc đang đường hoàng đi vào Trung Đông ?" là câu hỏi lớn trên trang mạng RTS – Đài Phát Thanh và Truyền Hình Thụy Sĩ. Ngày 10/03/2023, tại Bắc Kinh, trước sự bất ngờ của thế giới, Iran và Saudi Arabia thông báo nối lại bang giao sau bảy năm gián đoạn. Ngày 19/10, tiếp thủ tướng Ai Cập, Moustafa al-Madbouly bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quả quyết rằng Bắc Kinh mong muốn "mang lại" hơn nữa "ổn định" cho Trung Đông.

Làm thế nào Trung Quốc có thể ngày càng khẳng định vị thế của mình tại một khu vực trước đây được cho là sân sau của Mỹ, và trong một chừng mực nào đó là Liên Xô, giờ là Nga ? Bằng cách nào Trung Quốc có thể nói chuyện cùng lúc với các nước đôi khi là những kẻ thù lẫn nhau ?

Trả lời RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu về Nam – Trung Á, Didier Chaudet, trước hết nhìn lại lịch sử quan hệ Trung Quốc – Trung Đông, và nhận định rằng, trái với phương Tây và trong một chừng mực nào đó là Nga, Trung Quốc có một tầm nhìn dài hạn trong đối ngoại, một chính sách trung lập rõ ràng, gần như bất biến. Một ưu điểm rất được các đối tác Trung Đông đánh giá cao.

**********

RFI : Ngay từ những năm 1950, Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng các mối quan hệ với Trung Đông nhưng thành công rất hạn chế do vấp phải nhiều khó khăn. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao ?

Didier Chaudet : Sau Đệ Nhị Thế Chiến, đối với Trung Quốc, phát triển ra ngoài việc nội bộ, môi trường khu vực Châu Á là khá phức tạp do cuộc nội chiến tại Trung Quốc kéo dài đến tận năm 1949, tiếp đến là cuộc chiến tranh Triều Tiên, rồi những gì xảy ra với Việt Nam, tất cả những điều đó buộc Trung Quốc phải tập trung vào môi trường khu vực xung quanh mình cũng như là các vấn đề nội bộ của mình. Vì vậy trên thực thế, do thực trạng lúc đó, nên rất khó để Trung Quốc tiến xa đến Trung Đông.

Hơn nữa, vào thời kỳ đó, qúy vị đã có hai đại cường hoạt động ở Trung Đông : Đó là Hoa Kỳ và Liên Xô. Chừng nào Mao Trạch Đông còn hòa hợp với Liên Xô, thì phía Bắc Kinh vẫn còn một kỷ luật nghiêm ngặt tôn trọng sự lãnh đạo của Liên Xô.

Nhưng khi Staline mất, những căng thẳng giữa Mao Trạch Đông và ban lãnh đạo mới của Liên Xô xuất hiện, lô-gic đã thay đổi. Khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Matxcơva ngày càng gia tăng, một trong những mong muốn lớn nhất của Trung Quốc là làm sao gạt bỏ, thay thế tầm ảnh hưởng của Liên Xô.

RFI : Vào thời điểm đó, để xích lại gần với Algerie, có các mối quan hệ với Mặt trận Giải phóng Quốc gia (FLN), rồi Ai Cập của ông Gamal Abdel Nasser, một người mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc – xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc Mao Trạch Đông – đương nhiên trong lô-gic chủ nghĩa cộng sản, xã hội chủ nghĩa – còn có những luận điệu chống chủ nghĩa đế quốc. Đó còn là một lô-gic của cuộc đấu tranh nhân dân chống thế lực tư sản phản động.

Didier Chaudet : Trên thực tế, diễn ngôn thông thường nhất là trong một thế giới quan nảy sinh từ những cuộc đấu tranh của những người cộng sản Trung Quốc ngay trên lãnh thổ của mình. Họ có một tầm nhìn riêng, tất nhiên là chống chủ nghĩa đế quốc, mà theo họ, nó gắn liền với cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng điều chắc chắn là cuộc đấu tranh đó được thực hiện theo một cách mạnh mẽ hơn so với những người cộng sản Nga và nói tiếng Nga, những người ở Liên Xô, vốn dĩ cũng có một tầm nhìn, ít nhất là trong thượng tầng lãnh đạo. Họ có tầm nhìn về một đại cường, nhất là dưới thời Staline. Mục đích vẫn là áp đặt một thế mạnh và tầm ảnh hưởng của Matxcơva chứ không hẳn chỉ có chống chủ nghĩa đế quốc. Có thể nói, tư tưởng bài chủ nghĩa đế quốc của Mao Trạch Đông thời kỳ đó là không thể phủ nhận.

Vì vậy, mỗi lần ở Trung Đông, và nhìn chung là trong thế giới Ả rập, luôn xuất hiện một xu hướng tự đặt mình vào quan điểm chống chủ nghĩa đế quốc. Ưu điểm của diễn ngôn bài đế quốc của những người theo đường lối cứng rắn là có thể chỉ trích cả Mỹ rồi sau này là Liên Xô, để chứng tỏ rằng người Liên Xô không phải là những người chống chủ nghĩa đế quốc thực sự, không giống như người cộng sản Trung Quốc.

RFI : Từ lâu chỉ được xem như là nhà nhập khẩu dầu lửa lớn nhất, đối tác kinh tế hàng đầu của Trung Đông, nhưng việc hòa giải thành công hai nước thù địch Iran và Saudi Arabia đã cho thấy Trung Quốc có một bước đột phá ngoại giao ngoạn mục. Ông có giải thích rằng đó là do Trung Quốc có một lập trường rất trung lập trong khu vực. Bắc Kinh không đặt vị thế của mình trong mối quan hệ với những căng thẳng của khu vực. Đây chính là sự khác biệt lớn trong cách tiếp cận Trung Đông của Trung Quốc so với các cường quốc Âu – Mỹ ?

Didier Chaudet : Theo quan điểm Trung Quốc, điều thú vị là khả năng tiếp cận nguyên liệu thô, phát triển các mối quan hệ ngoại giao, phát triển quan hệ kinh tế. Và theo lô-gic này, trên thực tế là một lô-gic bảo vệ các lợi ích quốc gia, các lợi ích kinh tế của Trung Quốc thì việc Saudi Arabia và Iran không ưa nhau là điều không quan trọng đối với Bắc Kinh. Điều họ quan tâm là phát triển các mối quan hệ tại chỗ và chúng cho thấy có hiệu quả bởi vì các nước trong khu vực sẽ không nói với Trung Quốc rằng vì qúy vị giao tiếp với kẻ thù của tôi nên tôi sẽ không giao thương với qúy vị.

Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nhu cầu về nguyên liệu thô của khu vực ngày càng lớn. Các nước trong vùng vừa muốn bán hàng, vừa muốn xây dựng các mối quan hệ ngoài phương Tây, vốn dĩ là một mối quan hệ lịch sử phức tạp. Vì vậy, đó là sự a thoa giữa hai nhu cầu phát triển theo thời gian. Và đúng là trong giai đoạn giữa thời ông Đặng Tiểu Bình và chủ tịch Tập Cận Bình, có một chính sách được thực hiện liên tục để thiết lập các mối quan hệ lâu dài mà không đưa ra các lời hứa thiếu cân nhắc hay áp đặt một quan điểm tư tưởng khắc nghiệt bằng cách này hay cách khác.

Còn đối với các nước vùng Trung Đông, dù rằng họ không biết đến Trung Quốc ngay cả ở cấp lãnh đạo, cũng như là các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không biết rõ về Trung Đông, nhưng họ đã phát triển các mối quan hệ tốt đẹp dựa trên một nền tảng tương đối lành mạnh. Đó là thương mại, tìm kiếm lợi ích chung, tìm cách bảo vệ các lợi ích quốc gia của mỗi bên, không ý thức hệ, không áp lực, và hơn nữa mỗi bên cố gắng đạt được tối đa điều mình muốn theo cách riêng của mình.

RFI : Đây cũng chính là phương cách để Trung Quốc cạnh tranh với thế thống trị ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông trong giai đoạn này ?

Didier Chaudet : Học thuyết Carter vào cuối thập niên 1970, đầu những năm 1980 tại Mỹ khẳng định rằng vịnh Ba Tư, về cơ bản, trực tiếp nằm dưới sự bảo vệ và thống trị của Mỹ. Vì vậy, nếu như Trung Quốc đến Saudi Arabia, Qatar hay các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất cố gắng áp đặt một tầm nhìn ý thức hệ rằng, nếu qúy vị giao dịch với chúng tôi thì qúy vị nên rời xa Hoa Kỳ, tất nhiên điều đó sẽ không xảy ra.

Nhưng việc đến các nước này với một cách tiếp cận phi ý thức hệ với tư cách là đại diện của một thị trường Châu Á đang phát triển mạnh mẽ và một thị trường Châu Á khao khát dầu hỏa và khí đốt, tự nhiên đã khiến Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Trung – Cận Đông.

Còn hơn thế, khi họ so sánh với các nước Châu Âu và Mỹ, những nước muốn áp đặt theo một cách hoàn toàn ngẫu nhiên một tầm nhìn nhất định về thế giới, một hệ tư tưởng nhất định nhưng họ cũng không thực hiện điều đó một cách có hệ thống.

Vì vậy, điều đó mang lại cảm giác về một đối tác không an toàn và khá đạo đức giả khi xét đến các giá trị, trong khi phía Trung Quốc, họ có những người đến làm kinh doanh, bảo vệ lợi ích của các nước trong khu vực, cố gắng mua những thứ mà ở xứ họ không có… điều này làm cho mọi việc trở nên đơn giản hơn.

RFI : Như vậy, theo ông, còn có một điểm khác biệt lớn so với phương Tây là Trung Quốc có được một chính sách dài hạn tại Trung Đông ?

Didier Chaudet : Chính xác. Vấn đề còn nằm ở mối quan hệ lâu dài. Khi Trung Quốc đưa ra lập luận này cho Con Đường Tơ Lụa Mới, họ biết rõ là dự án này sẽ không biến mất sau bốn năm. Mỹ và Châu Âu cũng như các đồng minh của họ gần như mỗi hai năm một lần, muốn phát minh ra một con đường tơ lụa mới của phương Tây để cạnh tranh với dự án của Trung Quốc và mỗi lần như thế họ đều thất bại bởi vì cần phải chấp nhận bỏ tiền trong thời gian dài nhưng điều này thì khó thực hiện vì chúng ta có một nền kinh tế mà chúng ta đang có trên thế giới kể từ năm 2008 và nhất là khi chúng ta có các kỳ bầu cử cứ mỗi ba hay năm năm một lần, thì điều đó hầu như là không thể.

Nhưng điều này còn liên quan đến chính sách ngoại giao khác nhau tại Châu Âu và Mỹ. Họ vẫn bị giằng xé giữa một tầm nhìn thực tế về quan hệ ngoại giao và một tầm nhìn mang tính tư tưởng về nền dân chủ chống độc tài. Nhưng vì họ không nhất quán trong những gì họ làm vì nhiều lý do rõ ràng. Người ta không thể chỉ trích hết tất cả các chế độ độc tài, nếu không họ sẽ chẳng nói chuyện được với ai cả.

RFI : Việc phương Tây có cách hành xử "nhất bên trọng, nhất bên khinh", khi chỉ trích một số chế độ độc tài này nhưng lại không với số khác, lên án vài vi phạm nhân quyền ở nơi này nhưng nói không ở nơi khác hay như xem xét số này là nạn nhân, rồi ít hay nhiều là nạn nhân, còn làm cho các phát biểu của phương Tây trở nên rất "đạo đức giả" và ngày càng "khó nghe" ở Trung Đông ?

Didier Chaudet : Phía Trung Quốc họ có một chính sách lâu dài. Ngày nay với ông Tập Cận Bình, thậm chí là ngay cả trước đó, các chính sách ở Trung Quốc trên thực tế thường được củng cố theo thời gian. Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc không khác gì hơn là sự củng cố chính sách ngoại giao kinh tế đã tồn tại ít nhất từ mười năm qua.

Vì vậy, trên thực tế, mọi việc dễ dự đoán hơn, rõ ràng hơn, người ta biết mình đang đối mặt với điều gì, họ biết rõ là điều đó sẽ không thay đổi. Đối với giới lãnh đạo Trung Đông, cách tiếp cận này của Trung Quốc làm cho mọi việc trở nên rõ ràng hơn nhiều, ngay cả khi họ chưa hiểu chính xác thế giới Trung Quốc vận hành như thế nào, họ cũng chưa biết rõ hệ thống chính trị, văn hóa. Thậm chí ở cấp độ ngôn ngữ, các nước Trung Đông vẫn chưa có nhiều nhà ngoại giao nói thạo tiếng Hoa. Việc giảng dạy tiếng Hoa giờ đang bùng nổ ở Trung Đông, nhưng hiện tượng này chỉ mới diễn ra gần đây.

Quả thật, tuy không có những kết nối văn hóa, không có những kết nối lịch sử, trái ngược với những gì phương Tây có thể đưa ra nhưng điều cơ bản ở đây là quan điểm trung lập để cho chính sách thực dụng có thể vận hành. Vì có thể dự đoán được, vì không có sự thay đổi theo thời gian, nên cách làm này của Trung Quốc cho phép củng cố các mối liên kết theo thời gian. Phương Tây có thể đã đánh giá thấp khả năng tạo ra các mối liên kết theo thời gian giữa Trung Quốc và Trung Đông.

RFI : Ông cho rằng sự can dự của Trung Quốc vào Trung Đông sẽ ngày càng lớn. Một trong những mối nguy lớn nhất cho an ninh Trung Quốc trong tương lai là tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech. Xin ông giải thích rõ thêm ?

Didier Chaudet : Nếu chúng ta xem một tờ báo của Daech, có tên là "Tiếng nói từ Khorassan", một tờ nguyệt san, trong số đăng gần đây ở Afghanistan, số ra đầu tháng 10/2023 đã nhắm thẳng vào Trung Quốc và nói rằng họ nhắm mục tiêu vào Trung Quốc vì nước này tiến hành một chính sách đáng chỉ trích ở Tân Cương hay Afghanistan.

Vì vậy, Trung Quốc có nhu cầu tìm kiếm các đồng minh tại nhiều nước Hồi Giáo khác nhau, kể cả ở Trung Đông để chiến đấu chống lại bất kỳ mối nguy hiểm thánh chiến nào có thể nhằm vào Trung Quốc trong tương lai. Nhưng vì đây là một vấn đề Trung Quốc biết tương đối ít và chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm, nên Trung Quốc sẽ cần đến sự giúp đỡ từ nhiều nước.

Trung Quốc đã có được sự trợ giúp rõ ràng từ cơ quan mật vụ Pakistan. Phe Taliban ở Afghanistan cũng đang bảo đảm các lợi ích của Trung Quốc và chiến đấu chống các nhóm khủng bố có thể muốn tấn công Trung Quốc. Nhưng rộng hơn là chính ở Trung Đông, tôi nghĩ rằng Trung Quốc ngày càng sẽ có nhiều nhu cầu, mong muốn chuyển hướng đến những nước trong khu vực, những nước có thể giúp Trung Quốc bảo vệ các lợi ích, lợi ích kinh tế cũng như là công dân của mình.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn Didier Chaudet, chuyên gia về Nam – Trung Á.

Minh Anh thực hiện

Nguồn : RFI, 02/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Didier Chaudet, Minh Anh
Read 148 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)