Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/11/2023

Miến Điện : Bất ổn dọc vùng biên giới với Trung Quốc

Trọng Thành - Phan Minh - Chi Phương

Miến Điện : Phe nổi dậy mở chiến dịch kiểm soát các vùng biên giới với Trung Quốc

Trọng Thành, RFI, 01/11/2023

Xung đột giữa quân đội Miến Điện và một số nhóm sắc tộc vũ trang ở vùng biên giới phía bắc và đông bắc, giáp với Trung Quốc, lại thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Ngày 31/10/2023, bộ trưởng Công an Trung Quốc đến Naypyidaw để thảo luận với giới tướng lãnh Miến Điện về tình hình an ninh. Theo giới quan sát, đây có thể là một bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống tập đoàn quân sự của các lực lượng nổi dậy. RFI tổng hợp một số thông tin về chủ đề này.

miendien1

Lực lượng MNDAA của người Kokang chiếm một vị trí của quân đội Miến Điện tại bang Shan, ngày 28/10/2023. © Kokang Information Network / via AFP

1. Chiến sự gia tăng tại miền bắc Miến Điện cụ thể ra sao ?

Chiến dịch mang mã số "1027", do một liên minh các lực lượng vũ trang thuộc một số sắc tộc thiểu số chống tập đoàn quân sự, chính thức phát động vào ngày 27/10/2023. Mã số "1027" có nghĩa là 27/10, ngày mở đầu chiến dịch. Liên minh Three Brotherhood Alliance (gọi tắt là "3BTA") (tạm dịch là "Liên minh Ba Anh Em") bao gồm Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), Quân đội Arakan (AA) và Quân đội của Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA).

Trong tuyên bố chính thức của 3BTA, một mục tiêu chính của chiến dịch là"bảo vệ mạng sống của dân thường, khẳng định quyền tự vệ, duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ và phản ứng dứt khoát trước các cuộc pháo kích và không kích" của tập đoàn quân sự. Liên minh 3BTA cho biết một mục tiêu cụ thể khác của chiến dịch là nhằm ngăn chặn "nạn lừa đảo và cờ bạc trực tuyến xuyên biên giới" ngày càng gia tăng, trấn áp các tập đoàn tội phạm và lực lượng dân quân trung thành với nhà cầm quyền, chịu trách nhiệm về các hoạt động này.

Theo The Diplomat, "Chiến dịch 1027" dường như đã đạt được tiến bộ nhanh chóng. Khoảng 10 giờ sáng ngày mở đầu chiến dịch, Quân đội của Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) của sắc tộc Kokang đã kiểm soát toàn bộ thị trấn giáp biên với Trung Quốc Chinshwehaw. Để đáp trả, quân đội tăng cường oanh kích nhằm ngăn chặn liên minh 3BTA. Pháo kích lan rộng sang bên kia biên giới, gây thiệt hại cho nhiều khu nhà dân, buộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các đụng độ vũ trang.

Sau ba ngày chiến dịch, liên minh 3BTA được cho là đã chiếm được tổng cộng 57 trại lính và đồn bốt của chính quyền quân sự, tiêu diệt 100 binh sĩ. Báo chí Ấn Độ dẫn lại thông tin từ truyền thông độc lập Miến Điện, theo đó Liên minh 3BTA đã chiếm được hàng loạt khu vực như Kutkai, Muse, Lashio, Namkham, Nawnghkio và Chin Shwe Haw ở phía bắc bang Shan và khu mỏ hồng ngọc Mogoke ở phía bắc vùng Mandalay, miền trung.

Điểm đáng chú ý là quân nổi dậy đã chiếm được tất cả các cơ sở quân sự của chính quyền xung quanh thị xã Hsenwi, án ngữ trên các tuyến đường cao tốc nối Lashio, thành phố lớn nhất bang Shan, với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Chiến dịch ngăn chặn quân tiếp viện của tập đoàn quân sự sử dụng các tuyến đường nối Lashio (thủ phủ bang Shan) với hai thị xã vùng biên Muse và Shwe Haw.

Hiện tại chiến sự vẫn tiếp diễn. Ước tính số lượng chiến binh của Liên minh các lực lượng vũ trang ba sắc tộc tham gia vào chiến dịch có thể lên đến khoảng 20.000 người. Liên minh 3BTA, thành lập năm 2017. Quân đội của Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) thuộc sắc tộc Kokang (gốc Hoa) có khoảng 6.000 chiến binh. Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (sắc tộc Ta’ang) có khoảng 8.000 người. Quân đội Arakan (sắc tộc Arakan), với tổng số binh sĩ 30.000 người có địa bàn hoạt động chính ở bang miền tây Rakhine, trong đó khoảng 5.000 đến 6.000 binh sĩ Arakhan được triển khai tại bang miền bắc Kachin và bang đông bắc Shan.

2. Vì sao nói chiến dịch kiểm soát các vùng biên giới với Trung Quốc của phe nổi dậy có thể là "một bước ngoặt" trong cuộc kháng chiến chống tập đoàn quân sự ?

Bang Shan chiếm khoảng một phần tư diện tích Miến Điện, án ngữ các tuyến đường giao thông, thương mại chủ yếu giữa Trung Quốc với vùng đồng bằng ven biển Miến Điện. Tham gia vào chiến dịch 1027 không chỉ có Liên minh ba lực lượng quân sự nói trên. Một ngày sau khi "Chiến dịch 1027" được phát động, Bộ Quốc phòng của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG) chống tập đoàn quân sự, với thành phần lãnh đạo chủ chốt gồm nhiều cựu lãnh đạo chính quyền dân sự bị lật đổ, ra tuyên bố ủng hộ Chiến dịch 1027 của Liên minh 3BTA. Nhiều đơn vị của Quân đội Giải phóng Nhân dân Bamar (tức của sắc tộc đa số), được thành lập sau cuộc đảo chính quân sự, đã tham gia chiến dịch. Ngoài hai địa bàn chính là hai bang Shan và Kachin ở miền bắc, hoạt động chống tập đoàn quân sự diễn ra đồng loạt ở nhiều nơi khác, như bang Chin miền tây, các bang Karen và Kayah miền đông.

miendien2

Chiến dịch 1027 là điểm khởi đầu cho một cuộc cách mạng vũ trang lật đổ chế độ độc tài quân sự.

Mặc dù "chiến dịch 1027" chủ trương các mục tiêu giới hạn, và mang tính khu vực, tuy nhiên, theo một số nhà quan sát về tình hình Miến Điến, chiến dịch quân sự này có thể mang tầm vóc toàn quốc, và là điểm khởi đầu cho một cuộc cách mạng vũ trang lật đổ chế độ độc tài quân sự.

Ngày 27/10 là một ngày mang tính biểu tượng của cuộc kháng chiến toàn quốc chống tập đoàn quân sự. Đây là dịp tròn 1000 ngày cai trị của tập đoàn quân sự, kể từ cuộc đảo chính lật đổ chính phủ hợp pháp, dưới sự lãnh đạo của giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi. Ngày 29/10, Hội đồng Tư vấn Đoàn kết Dân tộc (National Unity Consultative Council – NUCC) tuyên bố ủng hộ "chiến dịch 1027". Hội đồng Tư vấn Đoàn kết Dân tộc là một liên minh chính trị lớn tập hợp đông đảo các đảng phái, tổ chức tranh đấu, bao gồm sắc tộc đa số Bamar và nhiều sắc tộc thiểu số, thành lập ngày 08/03/2021 với mục tiêu tạo mặt trận rộng lớn chống tập đoàn quân sự. Tuyên bố phát động chiến dịch của Liên minh ba lực lượng vũ trang cũng "hướng đến xóa bỏ chế độ độc tài quân sự, nguyện vọng chung của toàn thể người dân Miến Điện".

Hiện tại triển vọng của chiến dịch là khó dự đoán. Theo nhiều nhà quan sát, có ba khía cạnh chính cần được tính đến. Thứ nhất là chiến dịch cho phép trắc nghiệm thực lực của chính quyền quân sự. Nếu chính quyền lùi bước, các lực lượng kháng chiến có thể củng cố niềm tin về sự suy yếu, thậm chí sự sụp đổ của chế độ hiện hành. Ngược lại, nếu chính quyền có thể cứu vãn được tình hình, điều đó cũng có thể báo hiệu rằng viễn cảnh kết thúc của chế độ độc tài quân sự ở Miến Điện vẫn còn là một giấc mơ xa vời. Khía cạnh thứ hai cần theo sát là phản ứng của tập đoàn quân sự với lực lượng Arakan tại bang miền tây Rakhine. Quân đội Miến Điện và lực lượng Arakan ngừng bắn từ nhiều tháng nay, nhưng việc lực lượng Arakan tham chiến tại khu vực biên giới với Trung Quốc có thể khiến quân đội thay đổi lập trường. Và điểm đáng chú ý quan trọng thứ ba là chiến dịch này sẽ cho thấy nhiều chỉ dấu quan trọng từ phía Trung Quốc.

3. Việc "Chiến dịch 1027" được phát động tại vùng biên giới với Trung Quốc cho thấy gì về vai trò của Bắc Kinh trong cuộc nội chiến Miến Điện ?

Có một không khí mơ hồ nhất định bao phủ lên mối liên hệ giữa "Chiến dịch 1027" với Trung Quốc. Theo một số nhà quan sát, trong thời gian gần đây, việc các hoạt động lừa đảo và cờ bạc trực tuyến xuyên biên giới nở rộ, vốn được sự bảo kê của các lực lượng dân quân và Biên phòng Miến Điện, có thể đang khiến Trung Quốc tức giận. Một số người thậm chí còn tin rằng "Chiến dịch 1027" đã được chính quyền Trung Quốc "ngầm bật đèn xanh" (để xóa bỏ tình trạng này). Cùng ngày chiến dịch 1027 bắt đầu, chính quyền quân sự, dường như để xoa dịu Trung Quốc, đã bắt giữ khoảng 100 người ở Rangoon, bị nghi ngờ tham gia hoạt động lừa đảo qua mạng.

Dù sao vấn đề lừa đảo và cờ bạc xuyên biên giới có thể chỉ là lý do thứ yếu. Lo ngại lớn của Bắc Kinh là phần Dự án "Vành đai Con đường" được triển khai tại Miến Điện, với tuyến đường sắt nối liền tỉnh Vân Nam với Ấn Độ Dương thông qua cảng biển Kyaukphyu, bang Rakhine. Tuyến đường sắt đi qua bang Shan, nơi chiến sự đang diễn ra.

Trên thực tế, "Chiến dịch 1027" diễn ra gần 5 tháng sau cuộc đàm phán thất bại (hồi đầu tháng 6/2023) giữa tập đoàn quân sự và Liên minh 3BTA với trung gian của Trung Quốc (đặc phái viên Guo Bao, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có mặt tại đàm phán). Liên minh 3BTA vốn được coi là một thế lực nặng ký về mặt quân sự trong cuộc nội chiến hiện nay ở Miến Điện. Theo nhiều chuyên gia về Miến Điện, chủ trương chính của Bắc Kinh là tách các lực lượng vũ trang thiểu số nói trên khỏi Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG) - chủ lực của mặt trận kháng chiến toàn quốc chống tập đoàn quân sự, hình thành sau cuộc đảo chính.

Trước cuộc đàm phán đầu tháng 6, Bắc Kinh đã ít nhất hai lần tổ chức các cuộc gặp giữa các nhóm vũ trang thuộc Liên minh 3BTA cùng các lực lượng vũ trang thiểu số chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, bao gồm Quân đội của người Wa (United Wa State Army - UWSA), Quân đội Kachin Độc lập (KIA) và National Democratic Alliance Army (NDAA). Đây là các lực lượng không tham gia "Thỏa thuận Ngừng bắn Toàn quốc – Nationwide Ceasefire Agreement" với chính quyền trung ương. Thỏa thuận Ngừng bắn Toàn quốc được ký kết giữa chính quyền và khoảng 10 lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số cuối năm 2015 trước khi chính phủ dân sự của Aung San Suu Kyi lên nắm quyền, vốn được coi là một bước tiến hướng đến tạo lập nền hòa bình lâu dài cho Miến Điện.

Cuộc gặp đầu tiên diễn ra tại Vân Nam, Trung Quốc, tháng 12/2022, và cuộc họp thứ hai vào trung tuần tháng 3 tại khu tự trị của người Wa ở Miến Điện. Sau cuộc họp trung tuần tháng 3, Liên minh 3BTA và ba lực lượng thân Trung Quốc, cùng một tổ chức khác, đã ra một tuyên bố chung "đánh giá cao và ủng hộ hoạt động hòa giải của Trung Quốc nhằm chấm dứt xung đột nội bộ Miến Điện" (tuyên bố của Ủy ban FPNCC, gồm 7 tổ chức nói trên)

Tuy nhiên nỗ lực can thiệp vào nội bộ Miến Điện của Trung Quốc dường như đã đi quá xa. Theo nhận định của nhà nghiên cứu chính trị U Than Soe Naing, được đưa ra trước cuộc họp đầu tháng 6/2023, cuộc họp này diễn ra vào thời điểm ''các lực lượng vũ trang cách mạng'' đang giành được thêm chỗ đứng, "sự tham gia của Trung Quốc vào nền chính trị Miến Điện đã vượt quá mức độ phù hợp. Việc các nhóm vũ trang này hợp tác với tập đoàn quân sự, và ủng hộ việc giới tướng lĩnh tiếp tục cai trị là đi ngược lại ý chí của người dân. Cuộc họp có thể gây trở ngại đáng kể cho cuộc Cách mạng Mùa xuân".

Trên thực tế, các nỗ lực môi giới của Trung Quốc đã không thể xua tan được mối ngờ vực cao độ của ba nhóm lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số nói, vốn "không tin tưởng vào quân đội Miến Điện, lực lượng đã gây ra nhiều tội ác chiến tranh tại các xứ sở của họ, và luôn cố gắng đè bẹp họ mỗi khi có cơ hội". Ngay sau cuộc đàm phán ngày 01/06, giao tranh tiếp diễn trở lại. "Chiến dịch 1027" do Liên minh 3BTA phát động những ngày vừa qua cho thấy các nỗ lực lôi kéo của Bắc Kinh nhằm chia rẽ khối đoàn kết kháng chiến trong hiện tại không gặt hái kết quả.

4. Trung Quốc có thái độ ra sao đối với các diễn biến mới này ?

Thái độ hiện tại của Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số lớn. Trung tuần tháng 10 vừa qua, đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Châu Á, ông Đặng Tích Quân (Deng Xijun), đến thủ đô Miến Điện, nhân dịp 8 năm Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc giữa chính quyền với nhiều lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số. Theo báo chí của tập đoàn quân sự, nhân dịp này, đặc phái viên Trung Quốc tiếp tục kêu gọi các lực lượng vũ trang thiểu số chưa ký kết thỏa thuận NCA, đối thoại với tập đoàn quân sự.

Trên thực tế, cuộc đảo chính quân sự đầu năm 2021 đã khiến Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc bị vô hiệu hóa đối với nhiều lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số (ba tổ chức lớn đã rút khỏi NCA). Về phía khách mời quốc tế, ngoài Trung Quốc, chỉ có Ấn Độ và Thái Lan tham dự dịp kỷ niệm Thỏa thuận, trên thực tế đã bị vô hiệu hóa một phần lớn này.

Theo các nhà quan sát về Miến Điện (trên The Diplomat), điều quan trọng là "phải theo dõi chặt chẽ phản ứng của Trung Quốc về những diễn biến trong những ngày tới. Lập trường và các hành xử của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đáng kể đến chiều hướng của cuộc xung đột và bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn trong khu vực".

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 02/11/2023

*************************

Xung đột ở Miến Điện : Chính quyền mất kiểm soát một thành phố chiến lược ở gần biên giới Trung Quốc

Phan Minh, RFI, 02/11/2023

Sau nhiều ngày đụng độ với ba nhóm sắc tốc vũ trang, hôm qua, 01/11/2023, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Miến Điện cho biết, quân đội Miến Điện đã đánh mất quyền kiểm soát một thị trấn chiến lược phía bắc, gần biên giới Trung Quốc.

miendien3

Quân đội Myanmar đã mất quyền kiểm soát thị trấn chiến lược Chinshwehaw ở bang Shan phía bắc ở biên giới Trung Quốc sau nhiều ngày đụng độ với ba nhóm vũ trang sắc tộc ngày 02/11/2023

AFP trích dẫn lời ông Zaw Min Tun, phát ngôn viên quân đội Miến Điện, thừa nhận rằng "chính phủ, các tổ chức hành chính và tổ chức an ninh không còn hiện diện" tại thị trấn Chinshwehaw ở bang Shan, giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sau khi giao tranh nổ ra kể từ hôm 27/10 trên khắp khu vực phía bắc bang Shan - nơi dự kiến xây dựng tuyến đường sắt trị giá hàng tỷ đô la như một phần của dự án cơ sở hạ tầng Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.

Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA), Quân đội Arakan (AA) và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA) tuyên bố đã chiếm giữ một số đồn quân sự và những con đường huyết mạch nối Miến Điện với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Quân đội Miến Điện tố cáo 3 nhóm vũ trang nói trên đã "cho nổ các nhà máy điện, cho nổ cầu, phá hủy các tuyến đường giao thông", nhưng không nêu thêm chi tiết cụ thể.

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Uông Văn Bân, hôm nay 02/11, đã kêu gọi hai bên ngừng bắn "ngay lập tức".

Phan Minh

**************************

Bộ trưởng Công an Trung Quốc tới Miến Điện sau khi xẩy ra xung đột ở biên giới hai nước

Chi Phương, RFI, 31/10/2023

Sau cuộc xung đột nổ ra từ ngày 27/10, ở bang Shan, đông bắc Miến Điện, tiếp giáp với Trung Quốc, truyền thông chính quyền Miến Điện cho biết hôm nay, 31/10/2023, bộ trưởng bộ Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng (Wáng Xiǎo Hóng), đã đến Naypyidaw để gp gii tướng lãnh cm quyn Miến Đin tho lun v an ninh.

miendien4

Bộ trưởng Nội vụ Miến Điện, Yar Pyae (trái) và phó chủ tịch đảng Tiến Bộ Nhà nước Shan (SSPP), Sao Khun Saing tại Naypyidaw, Miến Điện, ngày 21/03/2019. AP - Aung Shine Oo

Trang báo Global New Light của chính quyền Miến Điện đưa tin bộ trưởng Công an Trung Quốc, Vương Tiểu Hồng đã gặp bộ trưởng Nội Vụ Miến Điện, tướng Yar Pyae, ở Naypyidaw, để thảo luận "về hòa bình tại các khu vực biên giới giữa hai nước, cũng như hợp tác trong việc áp dụng luật an ninh". 

Trong vụ xung đột nổ ra từ hôm 27/10, một liên minh vũ trang gồm 3 sắc tộc (Quân đội Giải phóng Quốc gia Taaung - TNLA), Quân đội Arakan - AA và Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện - MNDAA) đã tổ chức một loạt cuộc tấn công tại bang Shan, khu vực mà Bắc Kinh đã tài trợ để phát triển dự án Con đường Tơ lụa Mới.

Theo AFP, liên minh này cho biết đã chiếm được nhiều vị trí quân sự và các tuyến đường chiến lược. Các chuyên gia ước tính có khoảng 15 000 chiến binh tham gia vào liên minh này, "nhằm chống lại lực lượng của chính phủ để giành quyền tự chủ, kiểm soát tài nguyên".

Cho đến hôm nay, 31/10, Quân đội Giải phóng Quốc gia Taaung, thuộc liên minh nói trên, tuyên bố đang chiến đấu với quân đội Miện Điện, cách thị trấn Lashio khoảng 40 km, khu vực đặt bộ chỉ huy phía Đông Bắc của quân đội Miến Điện.

Trong 4 ngày giao tranh tại miền bắc Miến Điện, Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 6000 người đã phải đi lánh nạn, nhiều người đã phải sang Trung Quốc.

Miến Điện muốn hồi hương người tị nạn Rohingya ở Bangladesh

Vẫn về thời sự tại Miến Điện, hôm nay, theo AFP, một phái đoàn gồm các quan chức Miến Điện đã đến Bangladesh để thảo luận về việc "hồi hương người Rohingya". Quan chức Bangladesh cho biết Miến Điện có kế hoạch "nhận lại khoảng 3000 người tị nạn Rohingya vào tháng 12/2023", theo một thỏa thuận từ tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, một quan chức chính phủ Bangladesh, xin ẩn danh, trả lời AFP, nhận định rằng nhiều người Rohingya "vẫn chưa sẵn sàng rời đi". Các lãnh đạo cộng đồng người thiểu số Hồi giáo Đông Nam Á này từ lâu, đã tuyên bố chỉ trở về Miến Điện khi được cấp quyền công dân (vốn bị tước đi từ 2015) và có thể định cư trên chính mảnh đất của họ.

Vào năm 2017, sau cuộc đàn áp bạo lực của quân đội Miến Điện, khoảng một triệu người Rohingya đã phải đến tị nạn ở Bangladesh, sống chen chúc trong các khu lều tạm bợ, điều kiện vệ sinh tồi tàn.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Phan Minh, Chi Phương
Read 265 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)