Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2023

Những điều ‘chưa hợp lý’ của bảo hiểm xã hội ở Việt Nam

Hàn Lam

Đã có đóng bảo hiểm xã hội thì phải có hưởng

Việc hưởng phải dựa trên mức đóng

bhxh1

Có đề xuất quy định nền đóng bảo hiểm xã hội và mức hưởng các chế độ đều căn cứ theo lương tối thiểu vùng.

Theo quy định pháp luật hiện hành và theo nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là tiền lương tháng, bao gồm : mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác ; được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được người lao động và người sử dụng lao động căn cứ vào tiền lương tối thiểu vùng để thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, mức hưởng các chế độ thai sản, hưu trí, tử tuất lại hưởng theo 01 mức tiền cụ thể, hoặc dựa trên mức lương cơ sở, điều này là không hợp lý vì : Nguyên tắc của bảo hiểm là có đóng có hưởng, việc hưởng phải dựa trên mức đóng.

Nền đóng căn cứ vào lương tối thiểu vùng để thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động, tại sao chế độ hưởng lại theo mức lương cơ sở ?

Quy định hưởng các chế độ theo 01 mức tiền cụ thể thì qua mỗi năm các chỉ số CPI lại tăng, thì mức tiền hưởng chế độ này không còn phù hợp thực tế. người lao động lại phải chờ điều chỉnh luật mới được hưởng mức trợ cấp mới. Bởi vậy, có đề xuất quy định nền đóng bảo hiểm xã hội và mức hưởng các chế độ đều căn cứ theo lương tối thiểu vùng.

Căn cứ nào để trừ 2% ?

Tại Điều 64 quy định điều kiện hưởng lương hưu và Điều 66 quy định mức lương hưu hàng tháng. Theo đó, tính đến năm 2035 thì nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi mới đủ tuổi nghỉ hưu, ngoài ra luật bảo hiểm xã hội quy định người lao động được nghỉ hưu sớm tối đa 05 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%.

Và đối với đối tượng đủ điều kiện nghỉ hưu thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2%. Những quy định này không phù hợp với thực tiễn người lao động Việt Nam vì trên thực tế, có rất nhiều người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sớm thì đến 50-55 tuổi sức khỏe đã giảm sút, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu công việc, thậm chí rất khó tìm được việc làm, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã đủ 20 năm thậm chí 30 năm, như vậy cả về thời gian và số tiền đóng cho bảo hiểm xã hội là đã đủ lớn.

Nếu chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu thì sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống.

Và việc để người lao động lớn tuổi về hưu sớm cũng để trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Đối tượng có số thời gian đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng hưu 75%, mỗi năm không đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị trừ 2% là không hợp lý, mức trừ này quá cao so với mức hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu đối với đối tượng có thời gian đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ 75% (cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì chỉ được tính bằng 0,5 tháng của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội).

Nếu người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu sớm (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm), thì mỗi năm nghỉ hưu hưu sớm cũng bị trừ tương ứng 2% là không hợp lý, lý do : Việc trừ này không đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều. Tỷ lệ trừ 2% là quá cao.

Chính sách bảo hiểm xã hội đang cố gắng khuyến khích, động viên người lao động ở lại với quỹ bảo hiểm xã hội, do đó tỷ lệ này cần xem xét, đặc biệt có cơ chế thưởng cho những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên. Việc tăng tuổi nghỉ hưu làm tăng tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội 1 lần, giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội 75%.

Do vậy có đề xuất : Trong trường hợp người lao động mong muốn thì người lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 05 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu) theo quy định và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm thì được quyền về hưu, mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ đi 01 tháng lương hoặc cao nhất bị trừ không quá 1% tương ứng với 1 năm như Luật bảo hiểm xã hội 2006.

người lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 05 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu) theo quy định và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm đối với nữ và 32 năm đối với nam sẽ được về hưu ngay và hưởng hưu tối đa là 75%.

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 03/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hàn Lam
Read 262 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)