Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2023

Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan giống như… Tổng bí thư

Lynn Huỳnh

Bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam lạc quan vào loại bậc nhất về "sức khỏe tài chính"

lacquan1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh lời câu phát biểu quen thuộc ở trên, khi ông cùng đại biểu đơn vị bầu cử số 1, đoàn Hà Nội, tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, diễn ra hồi trung tuần tháng 10/2023.

Tổng bí thư là một chính khách luôn lạc quan, bởi chỉ có "luôn lạc quan" thì ông mới không băn khoăn vì sao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 1/11, đã nhìn nhận, rằng : "Nền kinh tế gặp khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay lại không vay do đơn hàng và tình hình sản xuất. Nhưng một số doanh nghiệp muốn vay lại không đủ điều kiện vay".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tiếp lời : "Dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã ở trong số các nước cao nhất thế giới, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo...".

Trong bối cảnh như trên, theo một khảo sát của Ngân hàng UOB (United Overseas Bank Limited, trụ sở chính ở Singapore) công bố hồi đầu tháng 11/2023, thì bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam lạc quan vào loại bậc nhất về "sức khỏe tài chính" so với những người tiêu dùng ở các nước khác trong khu vực. Có đến 76% số người được khảo sát ở Việt Nam kỳ vọng mình sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào tháng 6 năm sau. Sau Việt Nam là Indonesia (74%) và Thái Lan (68%).

Tuy vậy, theo "Nghiên cứu về phân tích Tâm lý và các xu hướng của người tiêu dùng Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam" (ACSS), cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam thì có 8 người lo lắng về vấn đề tài chính của mình.

Ba mối quan tâm tài chính hàng đầu ở Việt Nam là khả năng để dành tiền tiết kiệm (32%), khả năng duy trì lối sống hiện tại (32%) và khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính và chăm sóc sức khỏe của cha mẹ (30%). Do đó, người tiêu dùng thận trọng hơn với tài chính và việc đầu tư của họ. 65% số người được hỏi cho biết đã theo dõi việc chi tiêu và tiền bạc của họ chặt chẽ hơn thông qua nền tảng ngân hàng trực tuyến và 60% đã tìm hiểu thêm về các sản phẩm có ưu đãi, điểm thưởng hoặc tiết kiệm.

UOB đã thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến 600 người độ tuổi 18-65, trong thời gian từ ngày 1/6/2023 đến ngày 26/6/2023.

Bài nghiên cứu còn chỉ ra rằng hơn một nửa lượng người lao động Việt Nam mong đợi về những kỳ nghỉ dài hạn trong, được hỗ trợ sức khỏe tinh thần ; 50% người muốn có giờ làm việc linh hoạt ; 45% mong được có nhiều lựa chọn cho khối lượng công việc. Đáng chú ý, có 39% người muốn có bảo hiểm doanh nghiệp cho sức khỏe tinh thần, và 36% muốn đổi ngày phép không sử dụng hằng năm thành tiền mặt.

Trong đó những kỳ vọng hàng đầu trong công việc của người lao động sẽ bao gồm công việc có tính ổn định ; mức lương và phúc lợi tốt ; cơ hội thăng tiến, được đào tạo và phát triển tốt ; giữ được sự công bằng giữa công việc và cuộc sống.

ACSS cũng chỉ ra rằng sở thích về tài chính cũng đang thay đổi khi người tiêu dùng phân bổ nhiều tiền hơn vào các công cụ tài chính có rủi ro thấp như tiền gửi cố định ngân hàng (32%) và các kế hoạch bảo hiểm (28%). 25% số người được hỏi ở Việt Nam đang phân bổ nhiều tiền hơn vào các sản phẩm bảo hiểm so với năm ngoái, cao hơn 4 điểm phần trăm so với người tiêu dùng trong khu vực, đặc biệt là đối với người tiêu dùng phân khúc giàu có (36%)…

Từ số liệu trên cho thấy tựu trung tính đến hiện tại thì dẫn đầu về tính lạc quan trong mọi hoàn cảnh, vẫn chưa ai vượt qua được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 03/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lynn Huỳnh
Read 307 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)